Tiềm Năng Của Cảm Thọ Hạnh Phúc (Thọ Lạc)
Tỳ khưu Anālayo
Vô Minh
Trong bài viết này, tôi tiếp tục theo dõi các chủ đề được thảo luận trong khóa học của Hội nghị chuyên đề Vedanā do Martine Batchelor triệu tập và được tổ chức tại BCBS từ ngày 13 đến ngày 16 tháng 7 năm 2017. Trong khi trong số cuối cùng của Tạp chí Insight I đã nghiên cứu các đoạn kinh văn được chọn lọc từ các bài kinh tiếng Pāli liên quan đến sự đánh giá cao cảm thọ trung tính (thọ xả), sau đây tôi xin chuyển sang loại cảm thọ dễ chịu, hạnh phúc (thọ lạc).
Chủ nghĩa khổ hạnh của Đức Phật
Để đánh giá cao thái độ khác biệt trong tư tưởng Phật giáo sơ thời đối với những cảm thọ dễ chịu, bản tường thuật về hành trình giác ngộ của chính Đức Phật đưa ra những chỉ dẫn hữu ích. Đây là trường hợp cụ thể đối với việc theo đuổi chủ nghĩa khổ hạnh của ngài, được mô tả trong Đại Kinh Saccaka (Mahāsaccaka-sutta MN 36) và những kinh tương tự của nó.
Trước khi chuyển sang phần mô tả này, tôi cần đề cập rằng phần mô tả về các phép tu khổ hạnh khác nhau được đưa ra trong Đại Kinh Sư Tử Hống (tiếng gầm của sư tử, kinh Mahāsīhanāda MN 12), không có liên quan trực tiếp ở đây. Sự mô tả trong bài kinh này dường như khá liên quan đến những kinh nghiệm trong tiền kiếp của Bồ-tát. Điều này có thể được đánh giá cao khi tham khảo Kinh Chuyện Nỗi Kinh Hoàng (Lomahaṃsa-jātaka, Jātaka truyện 94), kể lại toàn bộ cuộc sống quá khứ của vị Bồ-tát đã trải qua cuộc khổ hạnh. Kiểm tra kỹ hơn bài kinh Đại Kinh Sư Tử Hống xác nhận rằng phạm vi thực hành được mô tả ở đây không dễ dàng đáp ứng trong khoảng thời gian vài năm mà Bồ-tát đã dành cho những việc theo đuổi như vậy trong đời sống hiện tại của Ngài. Chúng thực sự sẽ phù hợp hơn với toàn bộ cuộc sống khổ hạnh vào một thời điểm nào đó trong quá khứ. Do đó, liên quan đến tiến trình giác ngộ của Đức Phật trong kiếp cuối cùng của Ngài là ba phương thức chính của khổ hạnh, được mô tả trong Đại Kinh Saccaka:
• kiểm soát tâm trí mạnh mẽ,
• kiểm soát hơi thở,
• nhịn ăn.
Theo mô tả về thực hành đầu tiên trong số những thực hành này, Bồ-tát nghiến răng, ấn lưỡi vào vòm miệng và cố gắng đánh gục tâm trí của mình. Đây rõ ràng là một nỗ lực để buộc tâm trí ngài trở nên giải phóng. Khi điều này không có kết quả như mong đợi, ngài tiếp tục bằng cách cố gắng tắt thở theo nhiều cách khác nhau. Sau đó cũng không thành công, ngài đã giảm đáng kể lượng thức ăn của mình. Kết quả cuối cùng của tất cả những thực hành khổ hạnh này là cơ thể của ngài trở nên vô cùng tiều tụy và suy nhược. Điều này làm cho ngài thấy rõ rằng, mặc dù ngài đã theo chủ nghĩa khổ hạnh đến cực điểm của nó, nó đã không đưa ngài đến mục tiêu cuối cùng là giải thoát. Sau đó ngài tự hỏi liệu có thể có một con đường khác để giác ngộ hay không?
Niềm hạnh phúc không cần phải sợ.
Đại Kinh Saccaka tường thuật rằng tại thời điểm này, Bồ-tát đã nhớ lại một kinh nghiệm về sự chứng đắc tầng Thiền đầu tiên mà ngài đã có khi còn trẻ. Điều này khiến ngài suy ngẫm như sau:
Tại sao tôi sợ một loại hạnh phúc ngoài nhục dục và các trạng thái bất thiện?
Phương thức suy nghĩ có thể dẫn đến sợ lạc thú cũng được phản ánh trong Bài kinh Vương tử Bồ-Đề (Bodhirājakumāra-sutta MN 85), tái hiện lại Đức Phật nói rằng: Thưa hoàng tử, trước khi giác ngộ, khi tôi vẫn còn là một Bồ-tát chưa giác ngộ, tôi cũng nghĩ như vậy: “Hạnh phúc không đạt được bằng hạnh phúc; hạnh phúc là đạt được thông qua nỗi đau.” Bài kinh Vương tử Bồ-Đề tiếp tục tường thuật đầy đủ về cuộc khổ hạnh của Đức Phật dẫn đến nhận thức quan trọng của Ngài rằng không cần phải sợ hãi về hạnh phúc, miễn là đây thuộc loại phi nhục dục.
Phân biệt các loại hạnh phúc
Nhu cầu phân biệt giữa các loại hạnh phúc gợi cảm và phi nhục dục cho thấy rằng bất cứ điều gì dễ chịu về nguyên tắc đều không cần phải bị từ chối vì nó chắc chắn là một chướng ngại vật. Sự làm sáng tỏ quan trọng này có thể được khám phá thêm bằng cách sử dụng Bài giảng ngắn hơn với câu hỏi và câu trả lời, Tiểu Kinh Phương Quảng (Cūḷavedalla-sutta MN 44). Theo bài kinh này, các bậc A-la-hán đã đưa ra lời giải thích như sau:
-- Hiền giả Visakha, trong lạc thọ, tham tùy miên phải từ bỏ... [ Tuy nhiên] Hiền giả Visakha, không phải trong tất cả lạc thọ, tham tùy miên phải từ bỏ.*
Để làm rõ thêm vấn đề, Tỳ khưu ni Dhammadinnā sau đó giải thích rằng:
Ở đây, Hiền giả Visakha, vị Tỷ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm và tứ. Do vậy tham đã được từ bỏ, không còn tham tùy miên tồn tại ở đây.*
Với việc đạt được tầng Thiền thứ nhất, người ta sẽ bỏ lại ham muốn (ly dục, ly bất thiện pháp, bỏ lại phía sau... thực tế là điều kiện tiên quyết để đạt tầng Thiền thứ nhất). Do đó, khuynh hướng ham muốn (tham tùy miên) không làm nền tảng cho những cảm thọ dễ chịu (thọ lạc) nảy sinh trong một trải nghiệm như vậy. Điều này dường như phản ánh sự thấu hiểu của chính Đức Phật khi nhớ lại trải nghiệm của ngài về lần chứng nhập tầng Thiền thứ nhất khi ngài còn trẻ. Những cảm thọ dễ chịu (thọ lạc) trong những trải nghiệm thiền định như vậy không cần phải sợ hãi, đúng ra bởi vì chúng không kích hoạt xu hướng ham muốn nhục dục.
Dần dần nâng cao chất lượng của hạnh phúc
Sự thấu hiểu quan trọng tương tự cho biết quan niệm ban đầu của Phật giáo về con đường dẫn đến giác ngộ. Một ví dụ minh họa là tường thuật về con đường dần dần được tìm thấy trong Kinh Kandaraka (Kandaraka-sutta MN 51). Một loại hạnh phúc được mô tả trong bài kinh này phát sinh do hành xử theo những cách lành mạnh, dẫn đến một hạnh phúc “không thể kết tội (vô tội vạ)”. (Vị ấy thành tựu Thánh giới uẩn này, nội tâm hưởng lạc thọ không khuyết phạm.)* Điều này thể hiện là kết quả của việc duy trì những điều cơ bản của hành vi đạo đức. Một loại khác là loại hạnh phúc “nguyên vẹn”. (Vị ấy thành tựu Thánh hộ trì các căn này, nội tâm hưởng lạc thọ không uế nhiễm)*. Điều này liên quan đến sự kiềm chế cảm thọ, mà Kinh Kandaraka mô tả như sau (lấy trường hợp thị giác làm ví dụ):
Khi mắt thấy sắc, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, vì con mắt không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, vị ấy tự chế ngự các nguyên nhân ấy, hộ trì con mắt, thực hành sự hộ trì con mắt.*
Sự kiềm chế cảm thọ như vậy không yêu cầu chỉ tránh những trải nghiệm thị giác (hoặc những trải nghiệm thông qua các giác quan khác). Nhiệm vụ đúng hơn là tránh một tâm thế bị cuốn đi bởi những gì người ta nhìn thấy. Người ta tránh bám vào những gì đã trải qua với thành kiến chủ quan và người ta không cho phép tâm trí sinh sôi nảy nở mọi thứ hơn nữa dựa trên thông tin ban đầu do thành kiến đó cung cấp. Thuật ngữ được hiển thị ở trên là "dấu hiệu, hiện tướng" là nimitta. Nimitta là một thành phần không thể thiếu cho hoạt động của tri giác (tưởng), saññā. Do đó, nhiệm vụ kiềm chế cảm thọ không thể tránh được tất cả các hiện tướng. Kết quả thực sự của việc né tránh như vậy trở nên rối loạn chức năng.
Trên thực tế, Kinh Căn Tu Tập (Indriyabhāvanā-sutta MN 152) rõ ràng chỉ trích ý tưởng rằng việc tu luyện các giác quan chỉ cần tránh nhìn hoặc nghe. Lập luận cho rằng, nếu đúng như vậy, những người mù và điếc nên được coi là những học viên thành đạt. Thay vào đó, việc nắm giữ một loại hiện tướng cụ thể hơn đang bị đe dọa, cụ thể là loại “hiện tướng” gây ra ham muốn hoặc chán ghét. Như đã lưu ý trong Bài kinh lớn hơn với các câu hỏi và câu trả lời, kinh Đại Kinh Phương Quảng (Mahāvedalla-sutta MN 43):
Tham, này Hiền giả, là nhân tạo ra tướng, sân là nhân tạo ra tướng, si là nhân tạo ra tướng. Đối với vị Tỷ-kheo đã đoạn trừ các lậu hoặc, thì tham, sân, si này được chặt tận gốc, như thân cây tala được chặt tận gốc, khiến chúng không thể tái sanh trong tương lai.*
Ngay cả trước khi trở thành một vị A-la-hán, bằng cách không nắm giữ loại “tướng” có liên quan đến phiền não, tâm trí có thể xuất hiện ít nhất là tạm thời khỏi sự kiểm soát của những gì xảy ra ở bất kỳ giác quan nào. Bằng cách này, có thể duy trì trạng thái cân bằng bên trong và định tâm mà ít nhất ở một mức độ nào đó cũng mô phỏng sự tự do nội tại của các vị A la hán. Đặc biệt có thể đạt được điều này thông qua việc tu dưỡng chánh niệm. Bất cứ điều gì được nhìn thấy đều có thể được tiếp nhận với chánh niệm về điều được nhìn thấy. Sự hiện diện của chánh niệm sáng suốt như vậy ngăn chặn xu hướng tâm trí ném vào những đánh giá thiên lệch và sau đó sinh sôi chúng.
Kết quả của việc được thiết lập vững chãi trong chánh niệm theo cách này, một hình thức hạnh phúc vi tế xuất hiện. Hạnh phúc này thực sự là “nguyên vẹn, không bị uế nhiễm”, đặc biệt là không bị suy giảm hoặc hư hỏng bởi tác động của những phiền não đan xen trải nghiệm với những thành kiến và sự sinh sôi nảy nở những ảo tưởng ám ảnh.
Đến lượt mình, hạnh phúc bền vững như vậy lại xây dựng nền tảng cho những hình thức hạnh phúc sâu sắc có thể đạt được thông qua việc chứng được các tầng thiền, jhāna, được mô tả sau đó là sự kiềm chế cảm thọ trong các bản tường thuật tiêu chuẩn của con đường tu tập tiệm tiến. Đây chính xác là loại hạnh phúc mà Đức Bồ-tát nhớ lại, sau khi nhận thấy rằng sự khổ hạnh của mình đã không có kết quả. Quả thực không cần sợ hãi khi ta chứng được loại hạnh phúc như vậy
Ý nghĩa thực tiễn
Từ quan điểm của thực hành thực tế, các chỉ dấu có thể thu thập được theo cách này liên quan đến trải nghiệm của niềm vui và hạnh phúc hình thành một xu hướng cho rằng, chừng nào việc thực hành của chúng ta thực sự vất vả và đòi hỏi nhiều khó khăn, thì nó phải dẫn dắt chúng ta tiến lên con đường giải thoát. Điều này không nhất thiết phải như vậy. Không nghi ngờ gì nữa, nỗ lực và tận tâm là những yêu cầu quan trọng để tiến bộ trong thực hành thiền định, nhưng những điều này tốt nhất nên có khi bạn có một thái độ không quá tự đề cao hoặc định hướng mục tiêu.
Ngược lại, với việc buông thả bản thân vì mục đích tìm kiếm hạnh phúc cũng không đáng được khen ngợi. Hạnh phúc và niềm vui cần phải thuộc loại lành mạnh để có thể tạo ra sự phát triển và cải thiện cá nhân thực sự. Trong thực hành thực tế, câu hỏi sẽ trở thành: Liệu loại khoái cảm và hạnh phúc mà tôi đang trải nghiệm hiện nay có dẫn đến sự xả ly và tự do không? Hay nó dẫn tôi sâu hơn vào tù túng, bám chấp và đau khổ?
Quan điểm của Tâm lý học Nhận thức
Sự nâng cao tiến bộ của hạnh phúc trong Kinh Kandaraka cho thấy rằng sự trau dồi thông minh về động cơ cơ bản để đạt được khoái cảm, bẩm sinh ở con người, có thể được khai thác để tiến tới giải thoát. Ý nghĩa của chỉ dấu này có thể được khám phá thêm với sự trợ giúp của các nghiên cứu gần đây trong tâm lý học nhận thức (cognitive psychology). Trong Hội nghị chuyên đề Vedanā được tổ chức tại BCBS, Judson Brewer đã thu hút sự chú ý của chúng tôi đến các cơ chế thần kinh cơ bản có được trong quá trình tiến hóa của các loài, có nhiệm vụ đảm bảo rằng nguồn cung cấp dinh dưỡng có thể sẽ được theo đuổi và tránh được các nguồn nguy hiểm tiềm ẩn. Trong nền văn hóa hiện đại của chúng ta, những cơ chế tương tự này có thể dẫn đến hành vi gây nghiện ở nhiều dạng khác nhau. Những cảm thọ dễ chịu trải qua khi uống chất say hoặc tham gia vào các loại hành vi gây nghiện khác dẫn đến việc hình thành các thói quen tương ứng. Mỗi trường hợp của sự ham mê đều khơi dậy cảm thọ sảng khoái bổ ích và do đó củng cố thói quen. Một vòng luẩn quẩn xảy ra sau đó mà khó có thể phá vỡ.
Tuy nhiên, nguyên tắc tu tập dựa trên phần thưởng tương tự cũng có thể được sử dụng theo những cách khác. Sự củng cố tích cực có thể được thực hiện thông qua việc tu dưỡng tâm trí có chủ đích, đặc biệt nếu điều này được thực hiện dọc theo những dòng xuất hiện từ các đoạn kinh đã thảo luận ở trên.
Chánh niệm về khoảnh khắc hiện tại
Một công cụ đặc biệt liên quan ở đây là sự trau dồi chánh niệm. Quán niệm về cảm thọ như một tứ niệm xứ cung cấp một công cụ hữu ích để nhận ra giai điệu khoái lạc của khoảnh khắc hiện tại và từ đó nhận ra mức độ mà điều này ảnh hưởng đến các phản ứng và đánh giá tinh thần tiếp theo. Ngoài ra, và trong bối cảnh hiện tại có lẽ còn quan trọng hơn nữa, bản thân việc trau dồi chánh niệm có thể trở thành một nguồn vui. Như đã đề cập ở trên, điều này liên quan đến loại hạnh phúc thứ hai được đề cập trong Kinh Kandaraka, loại hạnh phúc “nguyên vẹn, vững chãi, không uế nhiễm”. Chỉ đơn giản là với chánh niệm được thiết lập trong giây phút hiện tại, một loại niềm vui tinh tế có thể được trải nghiệm. Niềm vui này thể hiện bởi vì tâm trí không bị thối chuyển, có thể nói, không bị cuốn vào sự phản ứng và phát sinh ảo tưởng ám ảnh. Niềm vui tinh tế khi được sống trong giây phút hiện tại có thể được khơi dậy trong bất kỳ tình huống nào. Tất cả những gì nó cần là một khoảnh khắc (thậm chí có thể mỉm cười) quay vào trong từ bất cứ điều gì đang xảy ra và duy trì nhận thức về khoảnh khắc hiện tại giống như nó vốn có.
Chánh niệm về hơi thở
Việc thực hành chánh niệm về hơi thở cung cấp một ví dụ điển hình cho loại niềm vui có thể được nuôi dưỡng thông qua chánh niệm được thiết lập trong giây phút hiện tại. Như đã đề cập trong bài báo trước của tôi, vì trải nghiệm về hơi thở thường tạo ra những cảm thọ trung tính, xu hướng của tâm trí là cảm thấy buồn chán và tìm kiếm một thứ khác thú vị hơn là trải nghiệm nhạt nhẽo về hơi thở.
Tuy nhiên, bằng cách nuôi dưỡng một cách có ý thức niềm vui tinh tế trong giây phút hiện tại, nguyên tắc học tập dựa trên phần thưởng có thể được áp dụng trực tiếp vào việc thực hành thiền định. Tâm trí có thể được dạy rằng việc duy trì trải nghiệm về hơi thở là điều bổ ích. Khía cạnh quan trọng của thực hành dường như đã được công nhận trong sơ đồ mười sáu bước của chánh niệm về hơi thở, được mô tả trong Kinh Quán Niệm về Hơi Thở (Ānāpānasati-sutta MN 118) cũng như trong Kinh Tương Ưng Hơi Thở Vô, Hơi Thở Ra (Ānāpāna-saṃyutta SN 54.1–20). Sau bốn bước đầu tiên nhận biết hơi thở dài, hơi thở ngắn, toàn thân và tĩnh tâm toàn thân, hai bước tiếp theo là:
"Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập.*
Một khi niềm vui và hạnh phúc xuất hiện, tâm trí tự nhiên có xu hướng ở lại với hơi thở, thay vì đi ra ngoài để tìm kiếm thứ gì đó thú vị hơn. Mô tả ở đây không cần được xem là giới hạn trong trải nghiệm chứng đạt các tầng thiền mà có thể được coi là có liên quan chung. Điều này phù hợp với tầm quan trọng được đưa ra trong các bài kinh khác đối với tiềm năng của các loại niềm vui lành mạnh cũng như với những phát hiện của tâm lý học nhận thức về học tập dựa trên phần thưởng. Bằng cách này, xu hướng cảm thọ dễ chịu thu hút tâm trí có thể được tận dụng một cách thông minh, để thúc đẩy sự tu tập thiền định và chống lại xu hướng mất tập trung (hôn trầm thụy miên). Chỉ đơn giản như vậy.
Ghi chú của người dịch
* Theo bản dịch của cố Hòa Thượng Thích Minh Châu.
- Tag :
- Tỳ khưu Anālayo