Chúng ta được yêu cầu tập trung vào hơi thở vào và ra, chánh niệm kiểm soát mọi thứ, cùng với việc niệm Buddho, Buddho. Nếu bạn chỉ niệm Buddho, cũng không sao, tuy nhiên nhận thức của bạn sẽ nông cạn. Và bản chất của những thứ nông cạn là dễ bị bụi bẩn tràn lấp nhanh chóng. Trái lại, đối với những thứ sâu thẳm, bụi bẩn không thể dễ dàng lấp đầy. Cũng thế, khi tâm có chiều sâu, nó không dễ bị ảnh hưởng bởi những mối bận tâm.
Vì vậy, khi bạn chỉ tập trung vào Buddho, Buddho, vấn đề đơn giản hơn. Giống như ta lấy dao, chém vào không khí. Bạn không cảm thấy gì nhiều vì không có gì để con dao xúc chạm. Nhưng nếu cũng với con dao đó bạn dùng để chặt cây hoặc bất kỳ vật gì khác, bạn sẽ cảm thấy bàn tay nặng hơn và cánh tay tăng sức mạnh, như thế bạn có thể xua đuổi bất kỳ kẻ thù nào đang đe dọa bạn. Đây là lý do tại sao chúng ta phải tập trung vào một điểm duy nhất, để tâm có được sức mạnh, vững chắc và ổn định trong một vấn đề duy nhất. Hãy chọn làm mục tiêu bất cứ đối tượng thiền định nào trong danh sách bốn mươi đề mục căn bản. Tâm của bạn sẽ mạnh mẽ; niệm của bạn sẽ phát triển thành Chánh niệm và Chánh định.
- Buddho là thuật ngữ thiền. Chánh niệm tỉnh giác với hơi thở ra vào mới thực sự là hành thiền. Khi tâm đã sẵn sàng, bạn có thể buông bỏ từ ngữ này. Nó giống như mồi nhử. Thí dụ, nếu muốn kêu đàn gà tụ lại, ta rải gạo ra đất. Khi đàn gà đã tụ lại, ta không cần phải rải gạo nữa.
- Hành niệm, trụ trên hơi thở, là một chuyện. Sự tỉnh giác - kiểm tra các cảm giác hơi thở chảy khắp châu thân, biết rằng hơi thở co thắt hay thư giãn, nông hay sâu, nặng hay nhẹ, nhanh hay chậm - lại là chuyện khác. Cả hai hành này tạo thành các thành phần của thiền.
- Hơi thở vào-ra giống như bấc của ngọn nến. Chánh niệm trên hơi thở giống như thắp bấc để nó phát ra ánh sáng. Chỉ một ngọn nến, nhưng nếu ta thắp bấc lên, nó có thể đốt cháy cả một thành phố. Tương tự, chánh niệm có thể phá hủy tất cả những điều bất thiện trong ta: ô uế, thiếu ý thức, dục ái và chấp chặt. Chánh niệm là ngọn lửa tích cực của sự thực hành.
- Chú tâm đến hơi thở giống như đúc tượng Đức Phật bên trong ta. Thân ta giống như cái lò, tâm niệm giống như cái khung. Nếu thất niệm, kim loại đồng sẽ rò rỉ ra khỏi khuôn và bức tượng của ta sẽ hỏng.
- Khi thất niệm, giống như bị thủng rách áo quần. Thất niệm lần hai, áo thủng lỗ thứ hai. Nếu tiếp tục thất niệm, áo quần bạn sẽ có thêm lỗ thứ ba, thứ tư, thứ năm và thứ sáu, cho đến khi cuối cùng bạn không thể mặc chúng nữa.
- Có ba cách khiến tâm thất niệm. Đầu tiên là bằng cách đưa mọi thứ bên trong ra ngoài để suy nghĩ. Nói cách khác, bạn chấp vào bất kỳ ánh sáng hoặc hình ảnh gì có thể xuất hiện, và thế là sự thực hành bị xóa sạch. Cách thứ hai là đưa những thứ bên ngoài vào bên trong để suy nghĩ, tức là buông đề mục thiền của bạn. Cách thứ ba là mất ý thức. Bạn ngồi đó, nhưng nó giống như thể bạn đang ngủ. Tất cả những điều này được coi là phá hỏng con đường hành thiền của bạn, giống như một con đường bị nước cuốn trôi và đầy ổ gà sâu.
Hướng những mối bận tâm ra ngoài, là cắt một con đường trong tâm. Đem những mối bận tâm bên ngoài vào là để cho con đường bị cuốn trôi. Khi con đường bị cuốn trôi, không có cách nào mà trí tuệ, sự hiểu biết có thể phát sinh, giống như khi con đường bị cuốn trôi, không có ô tô hay xe tải nào có thể chạy trên đó. Khi tâm định tĩnh bị dập tắt theo cách này, bạn không thể thực hành thiền quán. Không còn gì ngoài những suy tư về tuệ quán, suy tư về định, về những phỏng đoán, mò mẫm phù hợp với định kiến cũ của bạn. Các phẩm chất của tâm biến mất mà bạn còn không nhận ra điều đó. Nếu bạn muốn quay lại, bắt đầu lại từ đầu, thật khó - giống như quay trở lại con đường đã bị cuốn trôi.
- Tâm định tĩnh giống như bạc thật, dễ uốn nắn và trắng vì không có tạp chất gì xen lẫn. Chúng ta có thể biến nó thành bất cứ thứ gì ta muốn, dễ dàng và nhanh chóng, mà không cần phải lãng phí thời gian cho nó vào nồi nấu kim loại, đun lên để loại bỏ các tạp chất. Tâm không định tĩnh giống như bạc giả hoặc bạc bị pha tạp: cứng, giòn và đen, bởi vì nó đã được trộn với đồng hoặc chì. Càng nhiều tạp chất, giá trị của nó càng thấp.
Do đó, tâm thanh khiết giống như bạc thật. Những suy nghĩ tạp nham làm tâm vẩn đục, giống như các tạp chất làm cho bạc đen, giòn và xỉn màu. Vì vậy, nếu chúng ta để những suy nghĩ trong tâm bị lẫn lộn, tâm ta sẽ biến thành bạc giả. Chúng ta sẽ không thể tìm thấy bất kỳ sự tinh khiết nào trong đó, tâm sẽ không được tĩnh lặng. Nhưng nếu chúng ta có thể gạt bỏ những suy nghĩ, các mối quan tâm tạp nham trong tâm, tâm định sẽ trụ vững chắc, phù hợp với các yếu tố của con đường đạo.
- Khi ngồi thiền, nếu tâm không trụ nơi thân, trong giờ phút hiện tại, thì giống như ta có một số thức ăn nhưng không cất giữ chúng. Nhất định là chó, mèo sẽ đến ăn vụng. Chó mèo, ở đây, là năm chướng ngại - tham dục, sân hận, hôn trầm thụy miên, trạo cử hối quá và hoài nghi - mà chúng ta chắc chắn không muốn nuôi chúng làm thú cưng của mình. Ngay khi ta quay lưng, chúng sẽ lén ăn thức ăn của ta - là hạnh phúc và giá trị nội tâm mà lẽ ra chúng ta phải nhận được từ việc tu tập của mình.
- Có phóng tâm vẫn tốt hơn là ngủ gục. Có nhận thức, ngay cả khi tâm uế nhiễm, vẫn tốt hơn là đãng trí. Nếu bạn biết tâm uế nhiễm, bạn có thể tìm cách chấm dứt chúng. Người không có nhận thức, là người chết.
- Để giữ tâm trong sáng, chúng ta phải dẹp bỏ các quan kiến để chúng không dính mắc trong tâm. Giống như gìn giữ một tấm khăn trải giường trắng. Chúng ta phải đề phòng bụi hoặc côn trùng do gió thổi vào, dính phải. Nếu thấy có bụi, ta phải giũ sạch khăn ngay. Thấy có vết bẩn nào, ta phải giặt ngay. Nếu để lâu, sẽ khó giặt sạch. Nếu có côn trùng, cũng phải giũ sạch, nếu không chúng có thể cắn ta, gây ngứa ngáy, không thể có giấc ngủ ngon.
Khi ta tiếp tục gìn giữ tấm trải giường như thế, nó sẽ trắng sạch, là nơi chúng ta có thể ngủ thoải mái. Bụi và côn trùng ở đây là các triền cái, chướng ngại, là kẻ thù của tâm. Chúng ta phải gìn giữ, chăm sóc tâm giống như cách ta chăm sóc bộ khăn trải giường. Chúng ta không thể để bất kỳ nhận thức bên ngoài nào xuất hiện và bám vào tâm ta. Chúng ta phải gạt bỏ tất cả. Nhờ thế, tâm sẽ trở nên an tĩnh, không phóng dật.
- Một khi bạn có thể cắt đứt những suy nghĩ về quá khứ và tương lai, bạn không phải lo lắng về các chướng ngại.
- Khi nghĩ về những thứ bên ngoài, bạn phải lựa chọn cẩn thận những gì bạn sẽ nghĩ tới. Chỉ nghĩ đến những điều tốt đẹp, chứ không phải về những điều sẽ gây hại. Tuy nhiên, khi bạn nghĩ về những thứ bên trong, bạn có thể nghĩ về bất cứ điều gì: tốt hay xấu, cũ hay mới. Nói cách khác, sự chánh niệm tỉnh giác có thể tiếp nhận bất cứ điều gì xảy đến.
- Bạn phải tu tập chánh niệm trong cả bốn tư thế. Khi thân ngồi, tâm ngồi với nó. Khi thân đứng, tâm đứng cùng với nó. Khi thân đi, tâm đi cùng với nó. Khi thân nằm, tâm nằm xuống với nó. Nếu thân ngồi nhưng tâm đứng, hoặc nếu thân đi mà tâm ngồi hoặc nằm, điều đó không tốt chút nào.
- Sáu yếu tố trong cơ thể là đất, nước, lửa, gió, hư không và ý thức. Bạn phải tiếp tục làm quen với chúng cho đến khi chúng trở thành bạn. Sau đó, chúng sẽ cho bạn biết bí mật của chúng, và sẽ không đưa bạn vào xiềng xích hoặc tống bạn vào tù.
- Tâm giống như một đứa trẻ. Chánh niệm giống như người trưởng thành. Người lớn có trách nhiệm chăm sóc đứa trẻ cho tốt. Có vậy, đứa trẻ mới ăn và ngủ đúng cách, sẽ không quấy khóc ầm ĩ. Bạn phải cho trẻ ăn thức ăn ngon, bằng cách tập trung tâm vào các phẩm chất của Phật, Pháp và Tăng. Sau đó, bạn đưa cho trẻ bốn con búp bê lớn để chơi: các tính chất của đất, nước, lửa và gió trong cơ thể.
Khi trẻ được nuôi dưỡng tốt và có búp bê để chơi cùng, nó sẽ không chạy ra ngoài nghịch ngợm. Nếu bạn để trẻ đi lang thang bên ngoài, bao nguy hiểm có thể xảy ra. Nếu trẻ ở trong nhà, mặc dù có một số nguy hiểm, nhưng chúng không nghiêm trọng lắm. Bạn phải dạy tâm cách làm quen với các yếu tố của thân này. Như thế, nó sẽ không gặp rắc rối. Khi trẻ cảm thấy chán chơi, nó sẽ vô nằm trong nôi. Nói cách khác, tâm sẽ an định trong jhāna, nơi nghỉ ngơi của các nhà hiền triết. Bằng cách đó, ta sẽ được định.