Quán Tưởng Khi Tụng Kinh
Trong mọi truyền thống Phật giáo đều có việc tụng kinh, từ Nam tông, Bắc tông cho đến Mật tông.
Tụng kinh là đọc tụng lời giác ngộ của Đức Phật và của các đại thánh. Khi đọc tụng, lập đi lập lại các lời của các bậc giác ngộ, giải thoát, tâm người tụng duyên theo nghĩa Kinh và lần lần hiểu được nghĩa Kinh. Duyên theo là thân, khẩu, tâm của người tụng được nâng cấp để dần dần hòa hợp phần nào với thân, khẩu, tâm giác ngộ của chư Phật, chư đại thánh, cho đến khi tương ưng và nối kết. Điều này được gọi là “Ba Mật (thân, khẩu, tâm) tương ưng”. Giải thoát, giác ngộ là ba nghiệp thân, khẩu, tâm của hành giả trở thành thân, khẩu, tâm giải thoát, giác ngộ của Phật.
Trong các kinh của kinh Nhật Tụng, kinh nào cũng bắt đầu bằng bài Cúng Hương Tán Phật:
Nguyện mây diệu hương đây
Cùng khắp mười phương cõi
Cúng dường tất cả Phật
Tôn Pháp, chư Bồ tát
Vô biên chúng Thanh Văn
Cùng tất cả thánh hiền
Duyên khởi từ quang minh
Xứng tánh làm Phật sự
Xông khắp thảy chúng sanh
Đều phát Bồ đề tâm
Xa lìa các vọng nghiệp
Trọn thành vô thượng đạo.
(Nguyện thử diệu hương vân
Biến mãn thập phương giới
Cúng dường nhất thiết Phật
Tôn Pháp, chư Bồ tát
Vô biên Thanh Văn chúng
Cập nhất thiết thánh hiền
Duyên khởi quang minh đài
Xứng tánh tác Phật sự
Phổ huân chư chúng sanh
Giai phát Bồ đề tâm
Viễn ly chư vọng nghiệp
Viên thành vô thượng đạo).
Mây hương (hương vân) được nói nhiều trong Kinh Hoa Nghiêm. Khói của ba cây hương đang cầm để tụng lời nguyện không thể rộng lớn thành mây hương và không thể cùng khắp (biến mãn) mười phương cõi được. Muốn được như thế phải quán tưởng và khi quán tưởng, tâm trở thành mây hương đầy khắp mười phương cõi, nghĩa là tâm trở nên bao la, trùm khắp vũ trụ.
Tiếp tục như thế là việc quán tưởng “tất cả Phật, vô biên thánh hiền”, rồi “duyên khởi từ ánh sáng, xứng tánh làm Phật sự…” Thân quỳ thẳng, miệng xướng tụng, tâm quán tưởng, đây là ba mật tương ưng với đối tượng quán tưởng.
Trong câu đầu tiên xướng lên để lễ lạy: “Nhất tâm đảnh lễ: Nam mô tận hư không, khắp pháp giới, quá hiện vị lai mười phương chư Phật, tôn Pháp, hiền thánh tăng thường trụ Tam Bảo”.
(Nhất tâm đảnh lễ: Nam mô tận hư không biến pháp giới, quá hiện vị lai thập phương chư Phật, tôn Pháp, hiền thánh tăng thường trụ Tam Bảo)
“Nhất tâm” là thiền định của tâm. “Đảnh lễ” là hoạt động trong thiền định của thân. “Tận hư không, khắp pháp giới” là quán tưởng, và theo sự quán tưởng của tâm, tâm ấy cũng mở rộng đến tận hư không, khắp pháp giới, nghĩa là mở rộng đến không gian vô biên. “Quá hiện vị lai mười phương chư Phật… thường trụ Tam Bảo”, nhờ quán tưởng mà người hành lễ mở rộng đến ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai, mở rộng về thời gian, cho đến sự vượt ngoài thời gian của Tam Bảo, tức là Tam Bảo thường trụ.
Trong một câu có cả thiền định (Chỉ) và thiền quán (Quán) nâng đỡ, nương tựa nhau khiến thân, khẩu, tâm thành thiền định thiền quán để thâm nhập đối tượng và để thấu hiểu chủ thể và đối tượng là không hai, cùng một bản tánh:
Năng lễ sở lễ tánh Không tịch.
Cảm ứng đạo giao khó nghĩ bàn
Như vậy thì thiền định thiền quán trong khi tụng kinh khiến cho chúng ta đến gần với đối tượng (pháp giới, chư Thánh…), làm quen với đối tượng và hợp nhất với đối tượng ấy. Sự hợp nhất này là thấy biết tất cả cùng một vị, tất cả cùng một bản tánh.
Một điều nữa là khi quán tưởng, chúng ta tịnh hóa cái thấy bình thường bất tịnh của mình để nó trở thành thanh tịnh. Chính cái thấy bất tịnh hàng ngày này đã tạo ra một thế giới bất tịnh, chia cắt, khổ đau mà chúng ta gọi là sanh tử luân hồi.
Nghi thức Sám Hối dựa vào hệ thống Kinh Hoa Nghiêm, cụ thể là trong bài kệ sám hối được lấy gần như nguyên văn của Kinh Phổ Hiền Hạnh Nguyện. Đoạn kệ mở đầu bằng:
Như thế, Như Lai khắp mười phương
Ba đời chư Phật đại hùng lực
Con dùng thân ngữ ý sạch trong
Lễ khắp tất cả không hở sót.
Hạnh nguyện Phổ Hiền lực oai thần
Khắp hiện trước tất cả Như Lai
Mỗi thân khắp hiện mỗi trần thân
Mỗi mỗi lễ khắp mỗi trần Phật
Trong một mảy trần vô số Phật
Mỗi đủ Bồ tát chúng hội trong
Pháp giới vô tận trần đều vậy
Tin sâu chư Phật vốn đầy khắp.
…
(Sở hữu thập phương thế giới trung
Tam thế nhất thiết Nhân Sư tử
Ngã dĩ thanh tịnh thân, ngữ, ý
Nhất thiết biến lễ tận vô dư.
Phổ Hiền hạnh nguyện oai thần lực
Phổ hiện nhất thiết Như Lai tiền
Nhất thân phục hiện sát trần thân
Nhất nhất biến lễ sát trần Phật.
Ư nhất trần trung trần số Phật
Các xứ Bồ tát chúng hội trung
Vô tận pháp giới trần diệc nhiên
Thâm tín chư Phật giai sung mãn…)
(Kinh Phổ Hiền hạnh nguyện)
Cứ như vậy bài tụng đi hết mười hạnh nguyện Phổ Hiền, hạnh nguyện bao trùm vũ trụ. Chúng ta thấy để đi vào hạnh nguyện Phổ Hiền qua các câu tụng, cần phải quán tưởng. Chẳng hạn, “lễ khắp (biến lễ) tất cả không hở sót”, làm sao hành giả chỉ với một thân mà có thể lễ khắp tất cả Phật, có thể “khắp hiện trước tất cả Như Lai”?
Khi ấy hành giả phải quán tưởng theo Bồ tát Phổ Hiền, “mỗi thân khắp hiện mỗi trần thân” (nhất thân phục hiện sát trần thân), mỗi thân lại hiện nhiều thân như số vi trần (hạt bụi nhỏ) trong một cõi (sát). Và mỗi thân ấy lễ khắp số Đức Phật nhiều như số vi trần của các cõi (Nhất nhất biến lễ sát trần Phật).
Trong một mảy trần có vô số Phật nhiều như số vi trần (Ư nhất trần trung trần số Phật). Trong mỗi vi trần đều có chúng hội Bồ tát (các xứ Bồ tát chúng hội trung). Và pháp giới vô tận vi trần đều như vậy. (Vô tận pháp giới trần diệc nhiên)
Đây là toàn thể thực tại (pháp giới) đảnh lễ toàn thể thực tại (pháp giới), cho nên toàn thể chủ thể hợp nhất với toàn thể đối tượng, trở thành Nhất Chân Pháp giới.
Đọc tụng, quán tưởng và lạy sám hối như vậy, hành giả sẽ dần dần đi vào pháp giới (nhập pháp giới), thấy được pháp giới của chư Phật, pháp giới sự sự vô ngại của pháp giới Hoa Nghiêm và đi vào pháp giới ấy, vũ trụ ấy như trong phẩm Nhập pháp giới, phẩm cuối cùng của Kinh Hoa Nghiêm:
Pháp giới vô tận trần đều vậy
Tin sâu chư Phật vốn đầy khắp.
(Vô tận pháp giới trần diệc nhiên
Thâm tín chư Phật giai sung mãn).
Thiền định, thiền quán, quán tưởng không chỉ vào lúc tụng kinh trong chánh điện, mà còn khi ngoài thời ngồi thiền, ngoài chánh điện, tức là thời gian sau thiền định (post meditation), và kéo dài suốt cả ngày.
Thế nên, nhờ thiền định và quán tưởng trong mọi lúc của cuộc sống hàng ngày, người ta có thể dần dần thoáng thấy, rồi thấy, rồi sống trong pháp giới. Như vậy, biết đem thiền định và quán tưởng vào đời sống hàng ngày, người ta có thể biến cuộc đời tầm thường hàng ngày thành thế giới thiêng liêng thanh tịnh của các bậc cao cả.
- Tag :
- Nguyễn Thế Đăng