Diệu Âm lược dịch
TÍCH LAN: Tổng thống Maithripala Sirisena trao giải Hoàng gia Dhamma Chakka của chính phủ Thái Lan cho Hòa thượng Nayaka Thera
Ngày 16-10-2018, Tổng thống Tích Lan Maithripala Sirisena nói ông sẽ cống hiến đời mình để truyền các giá trị của Phật giáo Nam Tông đến thế giới trong khi bảo vệ triết học cao quý này, chung tay với tất cả các nước trong khu vực.
Ông đã phát biểu như trên trong một buổi lễ được tổ chức tại trường Sri Chandananda Buddhist Vidyalaya, Asgiriya (Kandy) để tôn vinh Hòa thượng Tiến sĩ Godagama Mangala Nayaka Thera, người được vinh danh với Giải thưởng Hoàng gia Dhamma Chakka từ Chính phủ Thái Lan.
Giái thưởng này của Thái Lan là để công nhận việc phụng sự lớn lao của Hòa thượng cho quốc gia Tích Lan và Phật giáo, và cũng cho những đóng góp mà hòa thượng đã thực hiện để truyền bá Phật giáo Nam Tông ở tầm quốc tế.
(NewsNow – October 16, 2018)
Tổng thống Tích Lan trao giải Hoàng gia Dhamma Chakka của Thái Lan cho Hòa thượng Nayaka Thera
Photo: Colombo Page
TÍCH LAN: Hoa Kỳ tài trợ cho việc trùng tu bảo tháp của tu viện Phật giáo Rajagala
Rajagala, Tích Lan – Ngày 16-10-2018, Thủ tướng Tích Lan Ranil Wickremesinghe đã khánh thành một bảo tháp đã được trùng tu - theo dự án do Bộ ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ thông qua Quỹ Đại sứ Hoa Kỳ cho Bảo tồn Văn hóa (AFCP).
Được khởi xướng vào năm 2013, kinh phí cho dự án nói trên tổng cộng gần 43 triệu rupees Tích Lan (250,000 usd). Cố vấn về các vấn đề công cộng David McGuire đã đại diện cho Đại sứ Quán Hoa Kỳ tại sự kiện này.
Dự án bao gồm việc bảo tồn và phục hồi các nhà ở trong hang động, các di tích và các tòa nhà thuộc lâm viện Phật giáo Rajagala. Dự án cũng đã khôi phục các lối đi nối các bảo tháp, các tòa nhà chung, hang động có tranh thiền và các công trình khác.
AFCP tài trợ cho việc bảo tồn các di tích văn hóa, hiện vật văn hóa và các loại hình biểu hiện văn hóa truyền thống tại hơn 100 quốc gia trên thế giới.
(Colombo Page – October 17, 2018)
Bảo tháp được trùng tu của tu viện Phật giáo Rajagala (Ấn Độ)
Photo: Colombo Page
ẤN ĐỘ: Tàu hỏa đặc biệt với các tiện nghi đẳng cấp thế giới sẽ vận hành trên mạng mạch Phật giáo vào cuối năm nay
Đường sắt Ấn Độ sẽ điều hành một tàu hỏa đặc biệt được trang bị các tiện nghi đẳng cấp thế giới trên mạng mạch Phật giáo để thu hút du khách từ Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan và Tích Lan vào cuối tháng 12 năm nay, một quan chức cho biết vào ngày 17-10-2018.
Trong khi kiểm tra các toa tàu đang được sản xuất cho tàu hỏa đặc biệt này tại Nhà máy Toa Tàu hỏa (RCF), thành viên Hội đồng quản trị Rajesh Agrawal cho biết tàu tốc hành nói trên sẽ bao gồm các điểm đến Phật giáo của Bồ Đề Đạo Tràng, Budh Vihar, Sarnath và Kushi Nagar.
Ông cho biết Tổng công ty Dịch vụ ăn uống và Du lịch Đường sắt Ấn Độ (IRCTC) sẽ quản lý và điều hành tàu hỏa đặc biệt này , và cũng sẽ quyết định giá vé.
(Press Trust of India – October 18, 2018)
NHẬT BẢN: Kim Chánh điện tại ngôi chùa lịch sử Kofuku-ji ở Nara được phục hồi 301 năm sau khi bị hỏa hoạn phá hủy
301 năm sau khi bị tàn phá trong một vụ hỏa hoạn vào năm 1717, Kim Chánh điện tại ngôi chùa lịch sử Kofuku-ji ở cố đô Nara cuối cùng đã được khôi phục lại vinh quang xưa. Từ ngày 7 đến 11-10-2018, hàng ngàn tín đồ và các nhà hảo tâm đã tham dự buổi lễ chính thức chào mừng việc hoàn thành sự khôi phục ngôi chánh điện.
Được tôn trí như là biểu tượng chính của điện thờ mới phục hồi này là một tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, tạo tác vào năm 1811; chung quanh là các tượng Tứ Đại Thiên Vương, có niên đại từ thế kỷ 13; và hai bên là tượng các vị Bồ Tát Yakuo và Yakujo, được chế tác vào năm 1202.
Từ ngày 20-10-2018, Kim Chánh điện sẽ mở cửa cho công chúng 7 ngày một tuần, từ 9am đến 5pm.
(Buddhistdoor Global – October 19, 2018)
Kim Chánh điện tại ngôi chùa lịch sử Kofuku-ji ở Nara được phục hồi
Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni và các tượng Thiên Vương, Bồ Tát được tôn trí trong Kim Chánh điện
Photos: asahi.com.jp
NHẬT BẢN: Triển lãm ‘Chùa Daigoji: Một thế giới Phật giáo Mật tông Chơn ngôn tại Kyoto’
Một bộ sưu tập đầy ấn tượng của các bảo vật có tựa đề ‘Chùa Daigoji: Một thế giới Phật giáo Mật tông Chơn ngôn tại Kyoto’ được trưng bày cho đến ngày 11-11-2018 tại Bảo tàng Nghệ thuật Suntory ở Tokyo Midtown, Roppongi (Tokyo).
Sự kiện này mang đến cho khách tham quan cơ hội chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật Phật giáo tuyệt mỹ - mà thậm chí không cần phải đi Kyoto.
Triển lãm này cho thấy một hình thức riêng biệt của nghệ thuật Phật giáo Nhật Bản, giúp khách tham quan trải nghiệm sự biến đổi của đạo Phật ở Nhật và sự độc đáo của những pho tượng Phật giáo được tạo tác bởi và cho người Nhật.
(Japan Forward – October 20, 2018)
Tranh, tượng Phật giáo tại triển lãm ‘Chùa Daigoji: Một thế giới Phật giáo Mật tông Chơn ngôn ở Kyoto’
Photos: Japan Forward
- Tag :
- Diệu Âm