- 1. Buổi tối thứ nhất - Lời dạy mở đầu
- 2. Buổi tối thứ hai - Bát chánh đạo
- 3. Buổi sáng thứ ba - Bài thực tập: Cảm thọ
- 4. Buổi tối thứ tư - Sự chú ý đơn thuần
- 5. Buổi sáng thứ năm - Bài thực tập: Tư tưởng
- 6. Buổi tối thứ năm - Khái niệm và thực tại
- 7. Buổi sáng thứ sáu - Bài thực tập: Đối tượng của cảm giác
- 8. Buổi tối thứ bảy - Những mẩu chuyện
- 9. Buổi sáng thứ tám - Bài thực tập: Tác ý
- 10. Buổi sáng thứ chín - Bài thực tập: Ăn trong chánh niệm
- 11. Buổi tối thứ chín - Năm triền cái
- 12. Buổi sáng thứ mười - Bài thực tập: Quán tâm thức
- 13. Buổi tối thứ mười - Dũng sĩ
- 14. Buổi sáng thứ mười một - Trò chơi định tâm
- 15. Buổi tối thứ mười hai - Ba trụ pháp: Ba-la-mật
- 16. Buổi tối thứ mười ba - Sự tương đồng
- 17. Buổi tối thứ mười bốn - Tứ diệu đế
- 18. Buổi tối thứ mười lăm - Sự cương quyết nửa vời
- 19. Buổi tối thứ mười sáu - Nghiệp báo
- 20. Buổi tối thứ mười bảy - Bài thực tập: Hôn trầm
- 21. Buổi tối thứ mười tám - Sự trong sạch và hạnh phúc
- 22. Buổi tối thứ mười chín - Tín ngưỡng
- 23. Buổi tối thứ hai mươi mốt - Thập nhị nhân duyên
- 24. Buổi tối thứ hai mươi hai - Cái chết và lòng từ bi
- 25. Buổi tối thứ hai mươi lăm - Đạo
- 26. Buổi tối thứ hai mươi sáu - Thất giác chi
- 27. Buổi tối thứ hai mươi chín - Con đường của Phật
- 28. Buổi sáng thứ ba mươi - Kết thúc
Tác giả: Joseph Goldstein - Nguyễn Duy Nhiên dịch
Buổi tối thứ mười
Nhân vật Don Juan trong một tác phẩm của Carlos Castenada nói rằng mỗi người
chúng ta cần phải sống như một dũng sĩ. Hình ảnh người dũng sĩ rung động
sâu xa
với kinh nghiệm thiền quán. Người dũng sĩ đối diện với mọi hoàn cảnh của
cuộc
đời như là những thử thách, anh ta đối phó một cách vẹn toàn mà không bao giờ
than van hay hối hận.
Theo đa số chúng ta thì giá trị của mỗi người tùy thuộc vào sự phê phán,
chấp
nhận của những người chung quanh; đối với người dũng sĩ, giá trị nằm ở sự toàn
thiện của chính mình. Toàn thiện có nghĩa là sống trong chánh niệm một cách
trọn vẹn và tinh mật. Những gì ta đang cố thực hiện ở đây là tự tìm hiểu
mình,
điều cao quý nhất mà một người có thể làm được. Công việc này khó, hiếm hoi và
đòi hỏi một sự toàn thiện. Nhưng ta không cần phải bỏ nơi này để đi đến một sa
mạc hoang vu hay một hang động nào đó trên dãy Hy-mã-lạp sơn. Ta chỉ cần
trau
dồi những đức tính tốt có khả năng đem lại cho ta một sự thức tỉnh trọn vẹn
trong từng giây phút.
Trong câu chuyện về Siddhartha, Herman Hesse có mô tả hình ảnh rất đẹp của
người dũng sĩ, hơi khác với hình ảnh của Don Juan. Siddhartha kể rằng sự
luyện
tập giúp anh có được ba quyền năng: anh có thể suy nghĩ, anh có thể chờ đợi và
anh có thể nhịn ăn. Ba đặc tính của tâm, ba đức tính của một dũng dĩ. Khả năng
suy nghĩ ở đây có nghĩa là sáng suốt, tỉnh táo, không hoang mang, bối rối về
việc đang xảy đến với ta. Trên phương diện thân thể, nó có nghĩa là ý thức được
oai nghi, hơi thở của mình, thấy được sự vận động của các hiện tượng vật
lý,
biết điều độ trong sự ăn uống, ngủ nghỉ của mình. Duy trì sự cân bằng giữa các
năng lực trong thân. Trên phương diện tâm thức, nó có nghĩa là ý thức được tình
cảm, tư tưởng và những trạng thái khác nhau trong tâm. Không bị lôi cuốn
theo
cơn lốc xoáy của tư tưởng, lúc nào cũng giữ được sự an tĩnh, cân bằng trong tâm
mình.
Khả năng suy nghĩ của Siddhartha cũng bao gồm cả lòng can đảm: không bị nô lệ
vào thành kiến và sự cố chấp. Can đảm đủ để cởi mở quan niệm, để chấp nhận
những điều khác. Siddhartha không bao giờ tin mù quáng vào một điều gì. Anh ta
không tin ở bạn bè, ở cha mẹ mình, ở các vị thầy hay ngay cả nơi đức Phật. Anh
muốn phải tự chính mình chứng nghiệm được chân lý, và nhờ động lực này mà anh
đã can đảm mở rộng tư tưởng của mình ra, trải nghiệm tất cả. Siddhartha đã bỏ
vào rừng trong ba năm trời để tu theo lối khổ hạnh, ép xác, rồi anh ta lại vui
sống với Kamala, một cô gái giang hồ hạng sang, hoặc tham gia vào chốn thương
trường bon chen, lừa lọc. Anh ta lúc nào cũng sẵn sàng và có đủ can đảm để chấp
nhận thử thách và bằng lòng với mọi hậu quả. Anh không để cho những sự phân
biệt nhỏ nhoi làm nản chí. Khả năng suy nghĩ bao gồm sự sáng suốt và lòng can
đảm dùng để trực tiếp trải nghiệm, thăm dò và quán sát những sự việc đang xảy
ra.
Lòng can đảm của một dũng sĩ là điều cần thiết, cũng như sẽ được phát triển
trên con đường thiền quán. Ngồi với cơn đau của mình mà không tránh né hay trốn
chạy, điều đó đòi hỏi một sự can đảm. Hoặc là dám đối mặt để vượt qua nỗi sợ
hãi của chính mình. Sự quán chiếu này cần một sự can đảm không nhỏ, nhưng nhờ
vậy ta mới có thể khám phá, hiểu được những sự thật sâu xa của thân và tâm. Lúc
đầu, tâm ta sẽ rất loạn động, vì những thói quen thường ngày của ta bị xáo
trộn. Phải can đảm lắm ta mới có thể buông bỏ tất cả những gì ta hằng nắm giữ
cho sự an ninh của mình. Hãy xả bỏ, để trải nghiệm được dòng vô thường. Phải có
can đảm ta mới dám đối diện và đương đầu với nỗi bất an căn bản và cố hữu của
tiến trình thân tâm. Để đối diện với sự thật là chúng ta đang tàn hoại trong
mỗi giây phút, không có một nơi nào để ẩn náu. Phải có can đảm mới chết được.
Trải nghiệm về sự chết của cái ngã; trải nghiệm được cái chết trong khi mình
vẫn còn sống, điều đó cần đến lòng cam đảm, không sợ sệt của một đại dũng sĩ.
Siddhartha có thể suy nghĩ, chờ đợi và nhịn ăn. Chờ đợi có nghĩa là kiên
nhẫn
và thinh lặng. Nó có nghĩa là không bị lôi cuốn vào hành động chỉ vì lòng ái
dục. Nếu chúng ta không có khả năng chờ đợi, mỗi khi ham muốn khởi lên, nó sẽ
dẫn đến hành động. Và rồi ta lại bị trôi lăn theo vòng bánh xe của ái dục. Đôi
khi người ta thường lầm lẫn giữa chờ đợi với sự bất động, không làm gì cả. Hoàn
toàn không phải như vậy. Trang Tử có viết:
“Sự bất động của người trí không phải là không làm gì hết, mà có nghĩa là không
tính toán. Nó không bị lay chuyển bởi bất cứ một việc gì. Bậc thánh nhân
an
tĩnh vì họ không động, chứ không phải vì họ cố ý làm an tĩnh. Nước lặng giống
như gương... một mặt phẳng hoàn toàn. Nếu nước thật trong và thật phẳng,
thì
tâm của bậc thánh nhân cũng thế. Tâm của người trí luôn luôn thanh thản,
nó là
tấm gương của trời đất, vạn vật. Vắng lặng, an tĩnh, thanh thản... thinh
lặng,
bất động - đây là lãnh vực của trời đất. Nó chính là đạo. Bậc trí tìm nơi đây
chỗ an nghỉ cho họ. Khi an nghỉ, họ sống vắng lặng.”
Chờ đợi có nghĩa là sự tĩnh lặng của tâm trong bất kỳ một hoạt động nào.
Nếu
chúng ta cứ bận rộn đi “truyền đạo”, ta sẽ không có được một cái nhìn rõ
ràng,
ta sẽ không thể nhận được rằng sức mạnh và sự hiểu biết phát sinh từ sự thinh
lặng, và nhất là ta sẽ không ngưng được sự đối thoại trong nội tâm: Ta sẽ trở
thành tù nhân của mớ văn tự, chữ nghĩa. Chúng ngăn cản không cho ta liên
lạc
với thế giới chung quanh một cách cởi mở và tự nhiên. Thế giới chung quanh khác
biệt với những khái niệm và thành kiến của ta nhiều lắm. Chấm dứt những đối
thoại trong nội tâm là có khả năng chờ đợi và lắng nghe.
Chính nhờ lắng nghe con tim mà Siddhartha đã rời bỏ cha mình để đi vào con
đường khổ hạnh, và rồi từ giã rừng sâu để trở về với thế giới trần tục của
thương mại và sắc dục. Nhưng dần dần sự lắng nghe của anh ta trở nên mờ ám vì
những đam mê, khoái lạc của sắc dục. Cho đến một lúc anh không còn nghe được gì
nữa. Trong sự tuyệt vọng cùng cực, anh ta lê chân đến bên một dòng sông,
định
tự trầm mình. Lúc ấy anh bỗng nghe từ dưới dòng sông, từ đáy hồn anh, âm
thanh
“aum” vang dội. Anh quyết định ở lại với dòng sông. Vài năm sau, anh lại
bắt
đầu có thể lắng nghe và chờ đợi.
Siddhartha lắng nghe. Chàng bắt đầu chú tâm lắng nghe, miệt mài trong thinh
lặng. Chàng hấp thụ tất cả. Chàng cảm thấy rằng, bây giờ mình đã hoàn toàn học
được nghệ thuật lắng nghe. Những âm thanh này chàng đã nghe chúng từ xưa, những
tiếng gọi khác nhau của dòng sông. Nhưng hôm nay chúng mang một vẻ khác biệt.
Chàng không còn phân biệt giữa những tiếng khác nhau, tiếng vui ca với tiếng
than thở, tiếng trẻ thơ với tiếng trưởng thành... Tất cả đều phụ thuộc nhau.
Tiếng than vãn của người sầu khổ, tiếng cười vang của người trí tuệ, tiếng khóc
la của kẻ phẫn uất và tiếng rên rỉ của người đang hấp hối... Tất cả đều dựa vào
nhau, dính chặt, quấn quýt, đan dệt vào nhau trong ngàn đường lối. Tất cả những
tiếng gọi, những mục đích, những lời than, những muộn phiền, những niềm vui,
mọi điều ác và thiện, tất cả đều hòa hợp lại trong thế gian này, trong dòng
biến cố và âm nhạc của cuộc sống. Siddartha miệt mài lắng nghe dòng sông, theo
bài ca muôn ngàn tiếng hát. Khi chàng không chỉ lắng nghe theo tiếng khóc hay
tiếng cười, chàng không chỉ lắng nghe một âm thanh duy nhất nào, nhưng lắng
nghe tất cả, một thực thể đồng nhất - khi bài ca của ngàn tiếng hát tụ hội
trong một chữ - trọn vẹn.
Quyền năng thứ ba của Siddhartha là nhịn ăn. Nhịn ăn ở đây có nghĩa là buông
xả, từ bỏ, nhân nhượng. Nó cũng có nghĩa là năng lực, tinh tấn và sức mạnh. Sự
từ bỏ đem lại cho tâm ta một sức mạnh và sự thanh thản. Những người thường cho
rằng sự buông bỏ hay nhịn ăn là nguồn gốc của khổ đau, mà quên đi sự an lạc,
đơn giản mà nó có thể đem lại cho tâm hồn. Vì lúc ấy ta không còn bị ràng buộc,
chi phối bởi những ái dục không cần thiết. Chúng ta đâu cần đến một cố gắng
siêu phàm nào mới có thể thực hành được sự từ bỏ. Ta chỉ cần cố gắng vượt qua
những lôi cuốn và thói quen thường ngày mà thôi. Khi ta thực hành được điều
này, ta sẽ kinh nghiệm được sự thênh thang, tươi mát của tâm hồn mình vì
đã từ
bỏ được những dính mắc và quyến luyến.
Nhịn ăn cũng có nghĩa là sự đơn giản. Một trong những niềm vui khi tôi còn tu
tập ở Ấn Độ là sự giản dị trong cuộc sống, mặc dù có nhiều khó khăn trong các
vấn đề sức khỏe, thực phẩm và tiện nghi. Niềm vui đó không bị ngăn trở bởi có
quá nhiều việc làm ta nhức đầu như ở Hoa Kỳ. Những khách du lịch đi ngang qua
thường thắc mắc, không hiểu nổi làm sao chúng tôi lại có thể “từ bỏ” được nhiều
nhu cầu đến thế: điện, nước nóng, tiện nghi... Vì họ không hiểu được sự thoải
mái của một đời sống đơn giản. Sự đơn giản trong cuộc sống vì không còn chiếm
hữu nhiều sẽ đưa ta đến sự toại nguyện và an lạc.
Nhịn ăn, từ bỏ. Chúng ta có thể trải nghiệm được sự buông bỏ trong cuộc sống
của mình qua hành động bố thí, qua việc giữ giới luật, qua sự lìa xa những gì
đã hằng trói buộc ta. Sự từ bỏ được thực hiện trên nhiều lãnh vực, không
chỉ
riêng trong liên hệ với những người khác hay những vật chung quanh. Đạo Lão có
danh từ “chay lòng” để diễn tả sự từ bỏ hoàn toàn của nội tâm. Trang Tử viết:
“Hãy chuyên tâm nhất chí. Đừng nghe bằng tai, mà nghe bằng lòng. Đừng nghe bằng
lòng, mà nghe bằng khí. Điều gì mình nghe, hãy để nó dừng ở ngoài tai, còn lòng
thì hợp nhất nó lại. Khí, là cái trống không để tiếp nhận sự vật. Chỉ có
sự
trống không mới nhận được đạo mà thôi.” Sự chay lòng có nghĩa là làm trống
không mọi quan năng, tự do, không còn bị giới hạn và bận tâm. Chay lòng sinh ra
sự chuyên tâm nhất chí và tự do.
Siddhartha có khả năng suy nghĩ. Anh ta có thể chờ đợi. Anh ta có thể nhịn ăn.
Đây là những đặc tính mà một dũng sĩ sẽ phát triển khi anh ta ý thức được một
cách toàn vẹn con người của chính mình. Khi bạn ngồi, khi bạn đi, bạn luôn có ý
thức trọn vẹn trong suốt ngày, đây là đặc tính của sự giác ngộ.
Hỏi: Don Juan nói về quyền năng của cá nhân. Điều này có liên hệ gì đến sự tu
tập?
Đáp: Sức mạnh của tâm chính là quyền năng. Không phải một quyền lực dùng
để sai
xử một cái gì bên ngoài, mà là quyền lực của trí tuệ thông suốt, của sự hiểu
biết. Don Juan có nói rằng dù anh có được nói cho nghe bí mật của vũ trụ
này,
điều đó cũng sẽ là rỗng tuếch đối với anh, cho đến khi nào anh có được đầy đủ
quyền năng của mình. Quyền năng ở đây có nghĩa là sức mạnh, sự kiên trì đều đặn,
khả năng quán chiếu và thấy được chân tướng của sự vật. Quyền năng này sẽ phát
triển khi định lực của ta gia tăng. Khả năng quán chiếu sẽ đem đến trí tuệ. Với
sức mạnh của tâm linh, một chữ thôi cũng có thể mở ra cho ta một trình độ hiểu
biết mới. Trong những khóa tu như thế này thì chính sự thực hành đều đặn, liên
tục sẽ làm phát triển loại quyền năng cá nhân đó.
Hỏi: Có dấu hiệu nào trên con đường tu tập giúp ta phân biệt được trực giác,
trí tuệ với sự tưởng tượng không?
Đáp: Trực giác phát xuất từ một nội tâm thinh lặng, còn tưởng tượng là thuộc về
những khái niệm. Hai điều này khác nhau nhiều lắm. Đó là lý do vì sao mà
sự
phát triển trí tuệ không bao giờ đến bằng sự suy nghĩ về sự vật. Nó chỉ đến
bằng sự tu tập một nội tâm tĩnh lặng, để từ đó một cái nhìn, một cái thấy sáng
tỏ có thể xảy ra. Tất cả mọi phát triển của trí tuệ, của sự hiểu biết chỉ xuất
hiện vào những khi tâm ta tĩnh lặng. Rồi bất ngờ: “À, thì ra sự thật là như
vậy!” Thiền sư Hoàng Bá có nói về giác ngộ như là một sự hiểu biết đột ngột,
thoát ra khỏi mọi ngôn từ. Những trực nhận ấy có một giá trị đặc biệt, vì nó
không phải là sản phẩm của óc suy nghĩ hay tưởng tượng mà là một sự bùng
vỡ bất
ngờ, đột nhiên nhận biết được chân tướng sự vật.
Hỏi: Trong sự tu tập, việc sử dụng tâm để thăm dò, quan sát một đối tượng và
việc ý thức mà không cần chọn lựa một đối tượng nào, liên hệ với nhau ra
sao?
Đáp: Có nhiều phương pháp phát triển trí tuệ bằng cách chọn một ý thức có đề
mục. Chúng ta có thể tập trung sự chú ý vào các mặt khác nhau của tiến trình,
như là oai nghi của thân thể, cảm thọ nơi thân hay tâm thức của mình. Chọn đối
tượng như là một phương tiện để khám sát một lãnh vực đặc biệt nào đó, thì rồi
nó cũng trở thành một ý thức không có sự chọn lựa. Khi ấy hành giả chỉ ngồi yên
quan sát và ghi nhận những gì đang xảy ra mà hoàn toàn không phê phán, quyến
luyến hay ghét bỏ. Đôi khi hành giả quá tỉ mỉ trong sự tu tập, cứ luôn tìm kiếm
một quy luật để tuân theo, vì sợ thực hành sai. Trí tuệ phát xuất từ sự chánh
niệm và tỉnh thức, cho dù ta có ý thức được điều ấy hay không. Không bao
giờ có
chuyện chánh niệm “sai”. Hãy đào luyện tâm mình, đào luyện đức tính quan
sát
khám phá này. Hãy nhìn cho thật sâu xa để thấy được tư tưởng của mình sinh ra
từ chỗ trống không rồi tàn hoại vào chỗ trống không. Còn khi quán sát cái đau
phải dám trực diện nó. Thực tập với một thái độ không sợ sệt, không suy nghĩ về
một điều gì, chỉ bằng một ý thức tĩnh lặng. Tâm ta có thể uốn nắn được rất dễ
dàng. Cũng như một miếng đất sét dùng để làm chén bát, rất mềm dẻo và nhồi nắn
được. Khi ý thức và định lực của ta phát triển, tâm ta sẽ có được tính cách
uyển chuyển và dễ vận dụng như thế.
Hãy thám hiểm tất cả mọi khía cạnh của tiến trình thân tâm. Khi tôi còn ở
Ấn
Độ, tôi sống trên tầng hai của một tu viện. Mỗi ngày tôi thường đi lên xuống
thang lầu nhiều lần, những khi ấy tôi hay quan sát cử động máy móc của động tác
bước lên từng bực thang, đầu gối tôi chuyển động ra sao, sức nặng của tôi dời
đổi như thế nào. Đó là một tiến trình rất ngộ nghĩnh. Mọi sinh hoạt khác
của ta
cũng cần được chú tâm theo dõi kỹ càng như vậy. Và cũng có những lúc ta ngồi
lại mà không làm gì hết, ý thức mà không cần chọn lựa một đối tượng nào,
quan
sát những biến chuyển tự nhiên.
Hỏi: Tiến trình của thân và tâm này bắt đầu từ lúc nào?
Đáp: Có câu chuyện kể về người bị bắn một mũi tên có tẩm thuốc độc. Bạn anh ta
gọi một vị thầy thuốc đến để nhổ mũi tên ra và chữa trị cho anh. Nhưng anh lại
nói: “Khoan đã, ông đừng lấy nó ra vội. Tôi muốn biết ai đã bắn mũi tên này,
người ấy từ đâu đến, mũi tên ấy làm bằng gỗ cây gì, đuôi của nó là lông của
loài chim nào, màu sắc ra sao...” Lẽ dĩ nhiên người ấy sẽ chết trước khi
anh ta
được thoả mãn những thắc mắc ấy. Cũng vậy, đức Phật cho rằng những câu hỏi
triết học về nguồn gốc vũ trụ, của thế giới, vì sao nó lại bắt đầu... cũng
giống như những câu hỏi của người bị tên độc kia. Chúng ta đang bị kẹt trong
một tình thế bất an, tình thế của ta là một hiện tượng thân tâm luôn bị chi
phối bởi tham, sân, si và đau khổ. Điều cần thiết là phải nhổ ngay mũi tên độc ấy,
giải thoát tâm ta ra khỏi những tính chất khổ đau kia. Những câu hỏi có giá trị
là những câu hỏi có thể áp dụng vào những gì ta đang kinh nghiệm ngay trong
giây phút này.
Hỏi: Tại sao tham dục lại khởi lên?
Đáp: Khi chúng ta tiếp xúc với những sự vật vừa ý, ta muốn nắm giữ mà không
hiểu rõ tính chất vô thường của chúng. Vừa khi chúng ta có chánh niệm, chú ý
đến những gì đang xảy ra, thấy được sự sinh diệt của mọi vật, thì lòng tham
dục, ý muốn nắm bắt sẽ giảm đi. Chẳng có gì để ta nắm giữ hết. Tất cả chỉ là
bong bóng nước. Sự nhận biết được lý vô thường, sự tàn hoại của mọi vật sẽ đưa
ta đến sự buông bỏ, một trạng thái không dính mắc. Tất cả đều có được nhờ chánh
niệm, nhờ sự hoàn thiện của chính ta.
Trở thành một dũng sĩ là chuyện vô cùng cao thượng. Không ai có thể làm công
việc ấy thay ta được. Mỗi người tự mình làm công việc ấy. Hãy ý thức trong mỗi
giây phút, chú ý đến những gì đang xảy ra một cách trọn vẹn. Không có gì
là
huyền bí cả, phương pháp tu tập thật là đơn giản, trực tiếp và ngay thật, nhưng
đòi hỏi sự thực tập. Thiền quán chỉ có nghĩa là như vậy.