LĂNG GIÀ A BẠT ĐA LA BỬU KINH
Pháp Sư Tam Tạng Ấn Độ Cầu Na Bạt Đà La dịch từ Phạn sang Hán đời nhà Tống.
Việt Dịch: Tỳ Kheo Thích Duy Lực
Khi ấy, Đại Huệ bồ tát bạch Phật rằng:
-Thế Tôn! Cúi xin vì con và các Đại Bồ Tát thuyết tướng Tông Thông, khiến con và các đại bồ tát thông đạt tướng này. Thông đạt tướng này rồi thì khéo phân biệt tướng Tông Thông, chẳng theo giác tưởng của chúng ma ngoại đạo, chóng thành tựu Vô Thượng
Chánh Đẳng Chánh Giác.
Phật bảo Đại Huệ:
- Hãy chú ý nghe và khéo ghi nhớ, Ta sẽ vì ngươi mà thuyết.
Đại Huệ bồ tát bạch Phật rằng:
- Cúi xin thọ giáo.
Phật bảo Đại Huệ:
- Tất cả Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát có hai thứ tướng thông là Tông Thông và Thuyết Thông.
- Đại Huệ! Nói TÔNG THÔNG, là tướng duyên Tự Đắc Thắng Tiến, xa lìa vọng tưởng ngôn thuyết và văn tự, tiến vào tự tướng Tự Giác Địa của hàng Vô Lậu, xa lìa tất cả giác tưởng hư vọng, hàng phục tất cả chúng ma ngoại đạo, phát huy ánh sáng của Duyên Tự Giác, ấy là tướng Tông Thông.
- Thế nào là tướng THUYẾT THÔNG? Là nói mỗi mỗi giáo pháp trong chín bộ kinh, lìa những tướng khác hay chẳng khác, hữu và vô v.v.., dùng phương tiện khéo léo tùy thuận căn tánh của chúng sanh mà ứng cơ thuyết pháp, khiến họ được độ thoát, gọi là tướng Thuyết Thông. Đại Huệ! Đối với hai tướng thông này, ngươi và các Bồ Tát cần nên tu học.
Khi ấy, Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này mà thuyết kệ rằng :
Tướng Tông Thông, Thuyết Thông,
Duyên giáo pháp tự giác.
Khéo phân biệt chánh tà,
Chẳng theo giác (giác tưởng) ngoại đạo
Như phàm phu vọng tưởng,
Chẳng có tánh chơn thật.
Tại sao vọng chấp cho,
Phi tánh là giải thoát?
Quán sát pháp Hữu vi,
Sanh và diệt tương tục.
Điên đảo Vô Sở Tri,
Tăng trưởng theo nhị kiến.
Chơn Đế chỉ là một,
Niết Bàn là không lỗị
Quán sát việc thế gian,
Như hoa đốm mộng huyễn
Dù có tham sân si,
Có cũng như mộng huyễn.
Ái dục sanh ngũ ấm,
Thân người vốn chẳng thật.
Khi ấy, Đại Huệ Bồ Tát bạch Phật rằng:
- Thế Tôn! Cúi xin vì đại chúng thuyết tướng vọng tưởng chẳng thật. Vọng tưởng đã chẳng thật, do đâu mà sanh khởi? Pháp gì gọi là vọng tưởng chẳng thật? Ở trong pháp nào có vọng tưởng chẳng thật?
Phật bảo Đại Huệ :
- Lành thay, lành thay! Ngươi khéo hỏi Như Lai những nghĩa như thế, là thương xót tất cả Trời, Người thế gian, khiến họ được nhiều lợi ích và nhiều an lạc. Hãy chú ý nghe và khéo ghi nhớ, Ta sẽ vì ngươi mà thuyết.
Đại Huệ Bồ Tát bạch Phật rằng :
- Lành thay, Thế Tôn! Cúi xin thọ giáo.
Phật bảo Đại Huệ :
- Mỗi mỗi nghĩa lý là mỗi mỗi vọng tưởng chấp trước chẳng thật, dó đó sanh khởi vọng tưởng. Đại Huệ! Người chẳng biết tự tâm hiện lượng, đọa kiến chấp hữu và vô, chấp trước năng nhiếp sở nhiếp, tăng trưởng kiến chấp của ngoại đạo. Do tập khí vọng tưởng, chấp trước đủ thứ nghĩa lý của ngoại đạo, đối với pháp Tâm, Tâm số (1) vọng tưởng chấp trước, cho là chỗ nhân duyên sanh khởi của ngã và ngã sở.
(1) PHÁP TÂM, TÂM SỐ: TÂM là tâm vương, gồm tám thứ thức, chấp cho là ngã. TÂM SỐ gồm năm mươi mốt thứ, như tham, sân, si v.v.. cho là sở hữu của ngã, chấp là ngã sở.
Đại Huệ Bồ Tát bạch Phật rằng:
- Thế Tôn! Nếu mỗi mỗi nghĩa lý mỗi mỗi chẳng thật, do tập khí vọng tưởng, chấp trước những pháp tâm và tâm số mà sanh khởi kiến chấp ngã và ngã sở. Thế Tôn! Nếu như thế thì mỗi mỗi tướng nghĩa của ngoại đạo, đọa tướng hữu và vô, lìa tướng thấy, lìa tánh phi tánh. Thế Tôn! Đệ Nhất Nghĩa cũng thế, lìa tướng nhân căn lượng thí dụ phân biệt. Thế Tôn! Tại sao chỉ có một chỗ nghĩa vọng tưởng chẳng thật của ngoại đạo thì mỗi mỗi tánh vọng tưởng chấp trước sanh, mà chấp trước chỗ Đệ Nhất Nghĩa thì vọng tưởng bất sanh? Nói một sanh (ngoại đạo), một bất sanh (Phật), há chẳng phải Thế Tôn thuyết tà Nhân Luận ư?
Phật bảo Đại Huệ :
- Chẳng phải vọng tưởng một sanh một bất sanh. Tại sao? Vì bậc Thánh vọng tưởng hữu vô bất sanh, nên ngoài hiện tánh phi tánh, do giác được tự tâm hiện lượng mà vọng tưởng bất sanh. Đại Huệ! Ta nói mỗi tướng vọng tưởng tự tâm của phàm phu, vì trước kia đã tạo nghiệp chấp trước phân biệt, nên mỗi mỗi tánh tướng vọng tưởng sanh. Nay muốn khiến phàm phu ngộ pháp vốn Vô Sanh, phải lìa kiến chấp ngã và ngã sở, lìa kiến chấp vọng tưởng năm pháp tự tánh, thì thân tâm chuyển biến, thấu rõ cảnh giới Cứu Cánh Nhất Thiết Địa của Như Lai tự giác, do nhân duyên này nên ta nói vọng tưởng từ chấp trước mỗi nghĩa chẳng thật mà sanh. Nếu ngộ nghĩa như thật thì chẳng sanh, mà được giải thoát mỗi mỗi vọng tưởng của tự tâm.
Khi ấy, Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này mà thuyết kệ rằng:
Từ nhân duyên hữu vô,
Mà sanh khởi thế gian.
Vong tưởng chấp Tứ cú,
Chẳng rõ Thuyết Thông ta
Thế gian chẳng hữu sanh,
Cũng chẳng phải vô sanh.
Chẳng từ hữu, vô sanh,
Cũng chẳng phi hữu vô.
Tại sao những phàm phu,
Vọng tưởng chấp nhân duyên.
Tất cả pháp Vô Sanh,
Do nhân duyên có sanh.
Phi hữu cũng phi vô,
Cũng chẳng phải hữu vô.
Quán thế gian như thế,
Chuyển tâm đắc Vô Ngã.
Tất cả duyên sở tác,
Sở tác chẳng tự có.
Việc chẳng tự sanh việc,
Vì có lỗi hai việc.
Nếu chẳng lỗi hai việc,
Thì chẳng tánh để đắc.
Quán các pháp Hữu Vi,
Lìa năng duyên sở duyên.
Tâm lượng của vô tâm,
Ta nói là tâm lượng.
Nơi tự tánh nói lượng,
Nhân duyên thảy đều lìa.
Tự tánh vốn trong sạch,
Ta gọi là tâm lượng
Phương tiện lập tục đế,
Bổn lai chẳng sự thật,
Phương tiện lập ngũ ấm,
Chẳng thật cũng như thế.
Có bốn thứ bình đẳng :
Tướng vô tướng bình đẳng,
Sanh vô sanh bình đẳng,
Ngã vô ngã bình đẳng,
Tu sở tu bình đẳng.
Vọng tưởng tập khí chuyển,
Có mỗi mỗi tâm sanh.
Cảnh giới hiện bên ngoài,
Là tâm lượng thế tục.
Ngoài hiện vốn chẳng có,
Tâm lại thấy đủ thứ.
Do kiến lập thân tài,
Ta nói là Tâm Lượng.
Lìa tất cả kiến chấp,
Năng tưởng và sở tưởng.
Vô đắc cũng Vô sanh,
Ta nói là Tâm Lượng.
Phi tánh chẳng phi tánh,
Tánh phi tánh đều lìa.
Nơi tâm được giải thoát,
Ta nói là Tâm Lượng.
Như như với hư không,
Niết bàn và pháp giới
Mỗi mỗi ý sanh thân,
Ta nói là Tâm Lượng.