Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới

Phẩm Thứ Mười Một: Địa Thần Hộ Pháp

05 Tháng Năm 201100:00(Xem: 7683)
Phẩm Thứ Mười Một: Địa Thần Hộ Pháp

KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN THIỂN THÍCH
Tuyên Hóa Thượng Nhân giảng thuật
Vạn Phật Thánh Thành

Quyển Hạ
Phẩm Thứ Mười Một
ĐỊA THẦN HỘ PHÁP

Vị địa thần (thần đất) được đề cập đến trong phẩm này có tên là Kiên Lao Ðịa Thần. "Kiên lao" có nghĩa là vừa kiên cố, vừa bền vững. Cái gì kiên cố? Ðất kiên cố. Cái gì bền vững? Cũng là đất—đất rất vững chắc. Chúng ta hiện nay ở trên mặt đất ví như những con kiến trên chiếc thuyền lớn—cả đàn kiến mấy ngàn vạn con cũng chẳng thể làm cho thuyền bị chòng chành, chao đảo được, bởi vì chúng không đủ sức để làm chuyện đó. Ðịa cầu nằm chơi vơi giữa không gian, nhưng nhờ có tầng đại khí quyển cùng không khí giữ hút, cho nên không bị rớt bể, mà như chiếc thuyền lớn trôi nổi giữa biển khơi vậy.

Có rất nhiều vị thần đất. Khi Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết Kinh A Hàm, Thần Ðất Kiên Lao hiện thân đến nghe Pháp, nhưng vị thần đất này rất kiêu căng ngạo mạn. Kiêu căng ngạo mạn như thế nào? Thần đất nói: "Khắp cả vũ trụ này chỉ có một mình thần đất ta đây mà thôi; ngoài ta ra, chẳng có vị thần nào khác nữa!"

Thế nhưng, Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni bảo: "Chẳng phải chỉ có một mình thần đất ông thôi đâu, mà còn có thần nước, thần lửa, thần gió nữa!"

Vị thần đất nghe vậy liền sanh lòng "đại ngã mạn," vô cùng kiêu ngạo nói rằng: "Làm sao có thể có thần nào khác nữa được? Tất cả mọi sự trên thế gian này đều là do thần đất tôi đây gánh vác cả, bọn họ đều không phải là thần linh!"

Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni phải giảng giải cặn kẽ—thần nước thì ra sao, thần lửa thì như thế nào, thần gió ra làm sao—rồi lại dùng nhiều phương pháp nữa mới thuyết phục được thần đất. Về sau, vị thần đất này quy y Tam Bảo, từ bỏ thói kiêu căng ngã mạn.

Trong hư không, có các vị thần tứ đại là thần đất, thần nước, thần lửa và thần gió. Con người là do "tứ đại giả hợp" mà thành—tức là do bốn vị thần này phân chia, san sẻ cho mỗi người một chút nước, một chút lửa, một chút gió, một chút đất, rồi gộp lại mà hình thành một thân thể.

Ở đây, "đất" bao hàm hai ý nghĩa. Ý thứ nhất của chữ "đất," thì về mặt sự, đất có thể trưởng dưỡng vạn vật, muôn loài đều nương nhờ nơi đất mà sinh tồn; còn xét theo mặt lý, thì đất cũng có tứ đức—thường, lạc, tịnh, ngã.

1) Thường. Thế nào gọi là "thường"? " đất vĩnh viễn chẳng biến thiên” (Ðịa dĩ chế độ vi môn)—, mãi mãi không dời đổi, do đó gọi là "thường." Vậy, thần đất có đức "thường." 

2) Lạc. " Đất có thể gánh vác vạn vật” (Ðịa năng phụ hà vạn vật)—, muôn loài đều nhờ vào sức mạnh của đất mà được tồn tại; cho nên đây là đức "lạc," đất vô cùng vui sướng

3) Tịnh. "Ðất sanh trưởng vạn vật” (Địa năng sanh trưởng vạn vật)—muôn vật đều do đất sanh ra và lúc sanh ra thì tất cả đều thanh tịnh, không ô nhiễm; đây là đức "tịnh." 

4) Ngã. "Cái Nghĩa của đất thì vô cùng tự tại” (Ðịa nghĩa phi thường tự tại) —, sự tự tại này thuộc về đức "ngã." 

Vậy, thường, lạc, tịnh, ngã là bốn đức tánh của thần đất.

Ý nghĩa thứ hai của chữ "đất" là nói về phương diện "pháp." Lúc Ðức Phật thuyết Kinh Ðịa Tạng phẩm thứ mười một này, thì thần đất phát nguyện sẽ ủng hộ tất cả những người trì niệm danh hiệu của Ðịa Tạng Bồ Tát cũng như những người trì tụng Kinh Ðịa Tạng và hết thảy chúng sanhthiện căn; cho nên đây gọi là "Phẩm Ðịa Thần Hộ Pháp," phẩm thứ mười một.

Hôm nay là một ngày đặc biệt, cũng là ngày mãn khóa của khóa tu học mùa hè này (1969). Thời giờ trôi nhanh vô cùng. Sáu tuần lễ qua mau như chớp mắt, muốn níu kéo sáu tuần lễ này hoặc lặp lại sáu tuần lễ như vậy một lần nữa, là chuyện hoàn toàn không thể được. Phải đợi đến sang năm, quý vị mới lại có dịp nghỉ hè. Tuy rằng thời điểm có giống nhau, song số năm phân chia (niên phần) thì lại bất đồng. Cứ một năm trôi qua, có thể nói rằng sanh mạng của mỗi người dài thêm được một tuổi, song đồng thời, thời gian còn cách sự chết thì lại ngắn bớt đi một năm.

Hồi tưởng như vậy phải chăng là chẳng có ý nghĩa gì cả? Thế nhưng, năm nay, trong quãng thời gian vừa qua quý vị đã sống vô cùngý nghĩa, vô cùnggiá trị. Tại sao vậy? Bởi quý vị đã gieo được "hạt giống" Phật Pháp vào đầu óc và ươm mầm trong "thửa ruộng" Bát Thức của chính mình—hạt giống Bồ Ðề này một khi đã gieo trồng rồi thì sẽ đâm chồi nẩy lộc, sinh sôi nảy nở, và trong tương lai sẽ đơm hoa kết trái, kết thành quả Bồ Ðề, và quý vị sẽ được thành Phật.

Nay tôi muốn nói với quý vị về một vấn đề rất kỳ lạ—trong nhiều gia đình, mặc dù con cái có khuynh hướng học đòi, bắt chước những điều không tốt, nhưng các bậc làm cha mẹ lại chẳng hề lo âu ngăn cản; họ cho rằng: "Không sao! Ðể chúng được tự do, tùy ý chúng!"

Thoạt nhìn thì thấy các bậc cha mẹ ấy chẳng có gì gọi là khắt khe cả, đối đãi với con cái dường như rất cảm thông, dễ dãi. Ðợi đến khi con cái họ muốn học điều tốt, vừa muốn học Phật Pháp, thì họ lại đùng đùng nổi giận, la mắng con cái rằng thế này là không đúng, thế kia là không phải... Trước kia, lúc con cái họ dùng ma-túy, uống rượu (rượu mê hồn), hút cần sa, con người lúc nào cũng lừ đừ dã dượi, yếu ớt bạc nhược, thì họ đều có thể "nhìn mà không thấy," cứ nghĩ rằng để từ từ chờ cơ hội, từ từ rồi con cái mình sẽ biết theo điều tốt. Song le, đến khi con cái của họ biết tu tỉnh, biết theo điều hay lẽ phải rồi, thì họ lại nổi nóng, trách mắng: "Các cô các cậu muốn học làm điều tốt chứ gì? Vậy thì phải biết ăn ở hiếu thảo với cha mẹ, biết vâng lời cha mẹ. Bây giờ tao phải mắng chúng mày, đánh chúng mày một trận nên thân mới được!"

Quý vị nói xem, phen này có phải là sẽ có chuyện phiền phức xảy ra không? Ðó chẳng qua là để thử thách quý vị—những kẻ làm con—khảo nghiệm quý vị, xem rốt ráo quý vị có phải là chân thật muốn học điều tốt hay không mà thôi! Nếu quý vị chân thật muốn học làm người tốt thì càng bị mắng quý vị càng phải vui mừng, càng bị đòn quý vị càng phải hoan hỷ, và nhớ đừng khóc lóc than van. Các bậc cha mẹ ấy thấy quý vị tươi cười hoan hỷ, thì bao nhiêu hờn giận phiền muộn trong lòng đều tiêu tan cả; còn nếu quý vị không làm được như vậy, thì phiền não của quý vị sẽ càng gia tăng mà thôi.

Quý vị cần phải thấy được rằng hết thảy mọi việc đều là thử thách, đều là để khảo nghiệm bản thân mình, xem mình rốt cuộcáp dụng được những kiến thức Phật Pháp đã học hay không—có thực hành hạnh nhẫn nhục, có trì giới, có bố thí, có tinh tấn, có thiền định, có trí huệ Bát Nhã hay không. Tất cả đều là thử thách—nếu đạt yêu cầu, vượt qua được thử thách, thì sẽ được lợi ích vô cùng; nếu không vượt qua được, thì lại phải cần cù học thêm nữa.

Cho nên, sáu tuần lễ này chính là sáu tuần lễ vàng ngọc, vô cùng quý giá. Quý vị bắt được vàng ròng thì phải biết cất giữ kỹ lưỡng, chớ nên đánh mất lần nữa! Trong tương lai, khi ra hoằng Pháp, quý vị đều phải không giống với người khác; không giống như thế nào ư? Không phải là tôi muốn quý vị kiêu căng ngạo mạn, tự cho mình là Phật, bảo người khác phải dập đầu quỳ lạy mình đâu! Quý vị chớ nên làm bộ làm tịch như thế; mà hãy luôn luôn từ bi nhẫn nhục, đối với bất cứ người nào cũng một mực giữ lòng từ bi, nhẫn nhục. Người ta đối xử với quý vị không tốt, quý vị càng phải đối xử với họ tốt hơn nữa. Phải có cái nhìn "phản diện," nhìn mặt trái của vấn đề để tìm ưu điểm. Ai không tử tế với quý vị, thì quý vị càng phải tử tế với người ấy hơn một chút. Chẳng cần biết người ta đối xử với quý vị tốt hay không tốt, quý vị chỉ việc kiểm soát, kiềm thúc chính mình—chính mình nhất định phải làm đúng như thế, người khác có như thế hay không thì mình chẳng cần biết tới. Phải nhớ rằng:

"Ma Ha Tát, chẳng biết người khác,

Di Ðà Phật, thân ai nấy lo!"

(Ma Ha Tát bất quản tha,

Di Ðà Phật các cố các!)

Vậy, quý vị hãy tự kiểm soát chính mình, OK?

Như vậy, khóa tu học mùa hè này kéo dài trong sáu tuần lễ, và đến hôm nay nữa là hoàn tất. Tuy nhiên, việc giảng kinh vẫn chưa xong—lúc nào sẽ giảng xong thì tôi cũng không biết được! Hễ lúc nào không còn hơi thở, thì lúc đó sẽ không còn giảng nữa. Cho nên nói:

"Những ngày còn hơi thở

là những năm còn hoằng Pháp."

(Hữu khí chi nhật

tức thị hoằng Pháp chi niên.)

Hiện tại, công việc hoằng Pháp vẫn là giảng kinh vào mỗi buổi tối, tức là trở lại với nếp sinh hoạt như trước. Nếp sinh hoạt cũ là như thế nào? Ðó là mỗi Thứ Bảy thì mười hai giờ rưỡi trưa đến Hội Cư Sĩ Lâm giảng Kinh Ðịa Tạng. Chủ Nhật thì buổi trưa từ mười hai giờ rưỡi đến hai giờ rưỡi là giảng Kinh Ðại Bi Tâm Ðà La Ni; còn buổi tối thì giảng Kinh Ðịa Tạng. Tối nay cũng giảng Kinh Ðịa Tạng.

Trước kia thì mỗi tối Thứ Hai, Thứ Ba và Thứ Tư là giảng Kinh Pháp Hoa, song bây giờ thì đều giảng Kinh Ðịa Tạng cả. Tính luôn cả phẩm thứ mười một này, thì Kinh Ðịa Tạng vẫn còn ba phẩm chưa giảng xong. Tôi hy vọng sẽ hoàn tất việc giảng Kinh Ðịa Tạng trước khi năm người Sa DiSa Di Ni lên đường sang Ðài Loan cầu Giới. Nếu vẫn giảng Kinh Pháp Hoa thì e rằng không kịp; cho nên bây giờ tôi chuyên chú giảng Kinh Ðịa Tạng cho xong trước, rồi sau đó mới giảng tiếp Kinh Pháp Hoa. Còn Kinh Hoa Nghiêm thì vẫn chưa đến lúc, cần phải chờ xem.

Lúc trước, mỗi tối Thứ Năm là do các đệ tử luân phiên phụ trách giảng thuyết. Nói tóm lại, các tối Thứ Năm, Thứ Sáu và Thứ Bảy thì quý vị chia nhau đảm nhiệm một số công việc; như thế, một mặt là quý vị có cơ hội thực tập giảng giải kinh điển, mặt khác là để chia xẻ gánh vác bớt công việc giùm tôi. Ðừng bắt tôi cán đáng nhiều việc như thế, đừng làm cho tôi mệt nhọc quá sức, để tóc tôi lại bạc trắng cả. Tóc tôi vừa đen lại chưa được bao lâu, tôi không muốn thấy tóc mình bạc trắng trở lại nữa! Vậy, chúng ta vẫn giảng kinh mỗi buổi tối như thường lệ.

 

Kinh văn:

Lúc đó Kiên Lao Ðịa Thần bạch cùng Ðức Phật rằng: "Bạch Ðức Thế Tôn! Từ trước đến nay, con từng chiêm ngưỡng đảnh lễ vô lượng Bồ Tát Ma Ha Tát, đều là những bậc đại thần thông trí huệ không thể nghĩ bàn, quảng độ chúng sanh. Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát đây so với chư Bồ Tát, thì thệ nguyện thâm trọng. 

Bạch Ðức Thế Tôn! Bồ Tát Ðịa Tạng đây có đại nhân duyên với cõi Diêm Phù Ðề. Như các ngài Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Âm, Di Lặc cũng hóa hiện trăm ngàn thân hình để độ Lục Ðạo, nhưng nguyện của các ngài còn có lúc hoàn mãn; còn Bồ Tát Ðịa Tạng đây phát thệ nguyện giáo hóa tất cả chúng sanh trong Lục Ðạo, trải đến kiếp số như số cát của trăm ngàn ức sông Hằng."

 

Lược giảng:

Lúc đó Kiên Lao Ðịa Thần, tức là vị Hộ Pháp Kiên Lao Ðịa Thần đã từng phát nguyện hộ trì Chánh Pháp, bạch cùng Ðức Phật rằng: "Bạch Ðức Thế Tôn! Từ trước đến nay, trải qua vô lượng kiếp về trước cho đến hiện nay, con từng chiêm ngưỡng đảnh lễ vô lượng Bồ Tát Ma Ha Tát." "Chiêm ngưỡng" có nghĩa là chăm chú ngắm nhìn, không rời mắt. "Ðảnh lễ" tức là cúi rạp đầu sát đất mà lạy.

Hộ Pháp Kiên Lao Ðịa Thần đã từng được gặp rất nhiều Bồ Tát, đã từng cúi đầu lễ lạy rất nhiều Bồ Tát, mà các vị Bồ Tát đó đều là những bậc Ðại Bồ Tát, và "đều là những bậc đại thần thông trí huệ không thể nghĩ bàn." Những bậc Ðại Bồ Tát này đều có trí huệ rộng lớn, vĩ đại. Phải có đại trí huệ thì mới có thể hành trì Pháp Ðại Thừa; vậy Pháp Ðại Thừa là gì? Ðó là thứ cảnh giới không thể nghĩ bàn! Thần thôngtrí huệ của chư Ðại Bồ Tát này đều là vô lượng vô biên, cao thâm khó lường!

"Quảng độ chúng sanh." Các bậc Ðại Bồ Tát thảy đều rộng độ tất cả chúng sanh.

"Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát đây so với chư Bồ Tát thì thệ nguyện thâm trọng." Những vị Ðại Bồ Tát này tuy là rộng độ khắp mọi loài chúng sanh, song trong các bậc Ðại Bồ Tát thì thệ nguyện của Bồ Tát Ðịa Tạng vốn thâm sâu, rộng lớn hơn cả. Ngài đã lập nguyện rằng:

"Ðịa ngục chưa trống không, tôi thề chưa thành Phật,

Chúng sanh độ hết rồi, tôi mới chứng Bồ Ðề."

Sức nguyện lớn lao này đặc biệt sâu rộng, không có sự cùng tận.

Hộ Pháp Kiên Lao Ðịa Thần lại bạch tiếp: "Bạch Ðức Thế Tôn! Bồ Tát Ðịa Tạng đây có đại nhân duyên với cõi Diêm Phù Ðề. Như các ngài Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Âm, Di Lặc cũng hóa hiện trăm ngàn thân hình để độ Lục Ðạo—trời, người, a-tu-la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh—nhưng nguyện của các ngài còn có lúc hoàn mãn."

Ðịa Tạng Vương Bồ Tátnhân duyên lớn với tất cả chúng sanh ở cõi Nam Diêm Phù Ðề. Bồ Tát Văn Thù, Bồ Tát Phổ Hiền, Bồ Tát Quán Âm, và Bồ Tát Di Lặc cũng hóa hiện ra cả trăm ngàn thân hình, và các ngài cũng phát nguyện độ thoát hết thảy chúng sanh trong sáu đường được thành Phật Ðạo. Thế nhưng, nguyện lực của các vị Bồ Tát đó tuy quảng đại song cũng còn có ngày hoàn mãn rốt ráo, các ngài cũng có lúc được mãn nguyện.

"Còn Bồ Tát Ðịa Tạng đây phát thệ nguyện giáo hóa tất cả chúng sanh trong Lục Ðạo, trải đến kiếp số như số cát của trăm ngàn ức sông Hằng." Trong khi đó, Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát phát tâm giáo hóa hết thảy chúng sanh trong sáu đường, mà những thệ nguyện Ngài đã lập và kiếp số đã trải qua thì nhiều như số cát trong cả trăm ngàn ức sông Hằng vậy.

 

Kinh văn:

"Bạch Ðức Thế Tôn! Con xem xét chúng sanh đời hiện tạivị lai, nơi chỗ sạch sẽ ở phương Nam trong cuộc đất mình trú ngụ, mà dùng đất, đá, tre, gỗ dựng cất cái khám hoặc cái thất; ở trong đó có thể tô vẽ cho đến dùng vàng, bạc, đồng, sắt làm hình tượng Ðịa Tạng Bồ Tát, đốt hương cúng dường, chiêm lễ, ngợi khen, thì ngay chỗ những người đó ở sẽ được mười điều lợi ích. Những gì là mười?

Một là đất đai mầu mỡ;

Hai là nhà cửa yên ổn mãi mãi;

Ba là người đã mất được sanh thiên;

Bốn là người hiện còn được tăng tuổi thọ;

Năm là mọi mong cầu đều được toại ý;

Sáu là không có tai họa về nước và lửa;

Bảy là trừ sạch việc hư hao;

Tám là dứt hẳn ác mộng;

Chín là ra vào đều có thần theo hộ vệ;

Mười là thường gặp nhân Thánh."

 

Lược giảng:

Kiên Lao Ðịa Thần lại bạch cùng Ðức Phật rằng: "Bạch Ðức Thế Tôn! Con xem xét chúng sanh đời hiện tạivị lai, nơi chỗ sạch sẽ ở phương Nam trong cuộc đất mình trú ngụ, mà dùng đất, đá, tre, gỗ dựng cất cái khám hoặc cái thất—để thờ Ðịa Tạng Vương Bồ Tát, ở trong đó có thể tô vẽ cho đến dùng vàng, bạc, đồng, sắt làm hình tượng Ðịa Tạng Bồ Tát ..."

Trong đời này và đời sau, có những chúng sanh cất cái khám thờ Ðịa Tạng Vương Bồ Tát, bằng đất, bằng đá, bằng gỗ, hay bằng tre... ngay trên một khoảnh đất sạch sẽ, thanh tịnh về phía Nam của nơi mình cư ngụ. Rồi họ ở trong cái khám đó mà tô vẽ hình của Bồ Tát Ðịa Tạng, hoặc là dùng vàng, dùng đồng, dùng bạc, thậm chí có thể dùng cả thứ vật liệu rất rẻ tiền như sắt, để đúc thành tượng Bồ Tát Ðịa Tạng; và họ lại ở trước hình tượng của Bồ Tátchí thành "đốt hương cúng dường, chiêm lễ—nhìn ngắm, luyến mộ, ngợi khen, thì ngay chỗ những người đó ở sẽ được mười điều lợi ích."

Tôi lấy một ví dụ—chẳng hạn khi một người nam thích một người nữ thì cậu ta cứ hết nhìn lại ngắm, hết ngắm lại nhìn cô ta; hoặc như lúc một người nữ thích một người nam cũng vậy, cô ta cứ hết ngó lại nhìn, hết nhìn lại ngó cậu ta. Song le, cái "nhìn" đó có tính cách không thanh tịnh—một cái "nhìn" chứa chan dục niệm. Quý vị cần phải chuyển dục niệm thành trí huệ, phải dùng cái niệm thanh tịnh của trí huệ để chiêm ngưỡngđảnh lễ Bồ Tát Ðịa Tạng. Chúng ta phải nhìn ngài Ðịa Tạng với sức thanh tịnh tự nhiên như thế, chứ chẳng phải như cách nhìn đắm đuối của một đôi nam nữ yêu nhau; cho nên ở đây nói là "chiêm lễ khen ngợi."

Quý vị có thể chiêm ngưỡng, đảnh lễ, và ca ngợi như vầy: "Nguyện lực của Ðịa Tạng Vương Bồ Tát thật vô cùng to lớn! Mọi người chúng ta đều nên tin tưởng vào Bồ Tát Ðịa Tạng! Chúng ta hãy cùng nhau tụng Kinh Ðịa Tạng, đảnh lễ Bồ Tát Ðịa Tạng."

Cho nên, nay tôi tặng quý vị hình tượng Bồ Tát Ðịa Tạng, quý vị mang về nhà có thể suốt ngày nhìn ngắm, chiêm ngưỡng hoài mãi cho đến lúc quý vị thành Phật, giống như Bồ Tát Ðịa Tạng vậy!

Thế thì, ở ngay nơi những người này cư ngụ sẽ được mười điều lợi ích; "những gì là mười? Một là đất đai mầu mỡ." Ðất cát nơi những người ấy sinh sống đều rất tốt, rất phì nhiêu; trồng bất cứ loại cây gì cũng đều tươi tốt, lớn mạnh. Như ở tiểu bang Alaska chẳng hạn, đất đai phì nhiêu, ruộng vườn trù phú, người ta trồng được giống bí đỏ trái rất lớn.

"Hai là nhà cửa yên ổn mãi mãi." Ngoài việc đất đai được trù phú ra, nơi cư ngụ còn cần phải được yên vui; bởi nơi ăn chốn ở mà không được an ổn vui vẻ, thì đất đai có mầu mỡ cũng chẳng trồng trọt gì được! Cho nên nhà cửa được xây cất trên những sở đất như thế này thì không phải lo nạn động đất! Nhà cửa luôn an ổn tức là nơi ăn chốn ở mãi mãi được bình yên.

"Ba là người đã mất được sanh thiên." Ðiều lợi ích thứ ba là cha mẹ đã qua đời hoặc là cha mẹ trong bảy đời của những người ấy đều được sanh lên cõi trời. Vì sao họ được sanh lên cõi trời? Chính là nhờ con cái của họ chiêm ngưỡng Ðịa Tạng Vương Bồ Tát, đảnh lễ Ðịa Tạng Vương Bồ Tát, tín ngưỡng Ðịa Tạng Vương Bồ Tát.

"Bốn là người hiện còn được tăng tuổi thọ." Ðây là điều lợi ích thứ tư.

Có người hoài nghi rằng: "Về việc người đã chết được sanh lên cõi trời, tôi vẫn còn có chỗ hoài nghi, không thấy là chắc chắn lắm. Có sanh thiên hay không—điều này vẫn còn rất đáng ngờ. Ðây chẳng qua là Thầy giảng như vậy mà thôi, chứ còn chuyện sanh thiên hoặc không sanh thiên thì tôi cũng chưa hề thấy!"

Quý vị muốn thấy ư? Thế thì hãy dụng công tu tập, khi nào đắc Thiên Nhãn Thông thì quý vị sẽ nhìn thấy được ngay! Những việc mà quý vị không thấy được thì hãy khoan nói tới; bây giờ tôi sẽ nói tới điều mà quý vị có thể nhìn thấy được. Lấy thí dụ, cha mẹ của quý vị rõ ràng là mạng số chỉ tới năm mươi tuổi mà bây giờ sống được tám mươi tuổi, hoặc rõ ràng mạng số là tám mươi tuổi mà nay sống tới một trăm tuổi—như vậy là thọ mạng được gia tăng!

Ðể tôi kể cho quý vị nghe một sự việc có thật. Ðó là chuyện của thân sinh ông cư sĩ họ Ðàm. Năm ông cụ được bảy mươi chín tuổi thì bói toán nói rằng nội trong năm đó cụ nhất định sẽ tạ thế. Thế là ông cụ sợ hãi, bèn chạy đến xin quy y với tôi. Lúc quy y, cụ còn ra điều kiện với tôi—vì sao cụ chịu quy y ư? Ông cụ muốn tôi bảo đảm là cụ sẽ được sống thêm mười năm nữa!

Tôi nói: "Ðược, mười năm! Chuyện nhỏ thôi!" Và, thế là tôi nhận lời. Sau khi tôi hứa nhận, ông ta sống tới bao nhiêu tuổi? Chín mươi mốt tuổi, tức là sống thêm được mười hai năm!

Lúc nhận lời cho ông cụ sống thêm mười hai năm, tôi có nói: "Ðược thôi! Chỉ cần ông nghe lời tôi, y giáo phụng hành, thì tôi có thể bảo đảm là ông sẽ sống thêm mười hai năm nữa!" Tôi tuyên bố như thế, cũng không biết là thật hay giả, nhưng quả nhiên ông cụ không chết vào năm bảy mươi chín tuổi, mà còn thọ thêm được mười hai năm nữa—ông cụ qua đời ở tuổi chín mươi mốt! Sau đó, vợ ông ta cùng hai người con gái đều tin theo đạo Phật.

"Năm là mọi mong cầu đều được toại ý." Quý vị nói rằng từ nãy đến giờ chỉ thấy nói đến những điều lợi ích cho tha nhân, chứ chưa thấy đề cập đến bản thân mình gì cả ư? Thế thì bây giờ điều này là lợi ích cho bản thân quý vị đây—quý vị muốn gì được nấy, mọi điều mong cầu đều được toại nguyện.

Hãy nói về một vấn đề thường tình nhất đối với người đời như chuyện hôn nhân chẳng hạn—một người con gái mơ gặp được một người chồng tốt, một người con trai mong cưới được một người vợ tốt—nhất định đều được toại nguyện. Ðó là nói về người tại gia. Còn đối với người xuất gia thì sao? Nếu người ấy cầu mong được trở thành một vị Sư giỏi hoặc một Ni Sư tốt, thì chắc chắn cũng sẽ được toại tâm mãn nguyện.

"Sáu là không có tai họa về nước và lửa." Ðiều lợi ích thứ sáu là không bị nước lụt cuốn trôi, cũng không bị hỏa hoạn thiêu đốt.

Vừa rồi tôi có đề cập đến bốn vị thần tứ đại trong hư không, song tôi chưa nói về hình dạng của họ; bây giờ nhân nhắc đến thần lửa, chúng ta hãy tìm hiểu đôi chút về vị thần này. Thần lửa có hình dáng như thế nào? Thần lửa trông giống như loài chim sẻ, toàn thân đều màu đỏ và chỉ có một chân.

Thần lửa tuy có tên, nhưng khi quý vị gọi đến tên ấy thì thần sẽ bỏ chạy mất dạng; không như chúng ta, hễ gọi tên ai thì người đó liền đến! Thần lửa tên là gì? Thần có tên là Phương Miễn—họ Phương, tên Miễn. Hễ nghe quý vị gọi "Phương Miễn" thì thần lửa sẽ bỏ đi nơi khác, không ở đây nữa; còn nếu quý vị không gọi đến tên của thần, thì thần cứ ở lại đây, bảo thế nào cũng không đi. Vị thần lửa này thật lạ đời như thế!

Lại nói về thần đất, thần đất có hình dáng như thế nào? Thần đất trông giống như một cậu bé có cặp mắt màu đỏ, tai dài thậm thượt chấm đất; quý vị đã từng trông thấy đứa bé nào giống như thế chưa? Ðó là thần đất đấy!

Thần đất cũng có tên, là gì ư? Thần đất tên là Võng Tượng. Rất khó mà gặp mặt vị thần đất này; nhưng khi gặp được thần, nếu quý vị có thể bắt giữ thần lại mà đem nấu chín rồi ăn thịt của thần, thì quý vị sẽ biến thành vị thần đất kế tiếp. Ðây là việc có thật chứ chẳng phải chuyện đùa đâu!

"Bảy là trừ sạch việc hư hao." Ðiều lợi ích thứ bảy là không có các thứ hư hao. "Hư hao" tức là "hư kinh quái dị," các thứ tai nạn, các sự việc kinh khủng mà quý vị không tưởng tượng ra được, không ngờ tới được. Ðiều lợi ích thứ bảy là những việc hư hao này đều tiêu trừ, không còn nữa.

"Tám là dứt hẳn ác mộng." Có nhiều người lúc ngủ thường mơ thấy những việc dữ—mộng thấy có người đánh mình, giết mình, hoặc có con cọp muốn ăn thịt mình, hoặc là quỷ "vô thường" muốn bắt mình đến gặp Diêm La Vương... Có người thì mộng thấy quỷ yểm mỵ—Cưu-bàn-trà—đè trên mình, ú ớ nói không ra tiếng, toàn thân cứng đơ, không nhúc nhích được. Song le, nếu quý vị cúng dường Bồ Tát Ðịa Tạng, trì niệm danh hiệu của Ngài, thì những việc như thế sẽ không còn xảy ra nữa.

"Dứt hẳn ác mộng" tức là cắt đứt hẳn, dứt tuyệt, hoàn toàn không còn chiêm bao thấy ác mộng nữa.

"Chín là ra vào đều có thần theo hộ vệ." Ví dụ quý vị đi trên đường phố, rõ ràng bị xe đụng hất văng ra xa cả mấy thước; thế mà, quý vị không hề hấn gì cả, đứng dậy đi tiếp như không có chuyện gì xảy ra! Lẽ thường hễ bị xe đụng văng ra xa như thế thì nhất định sẽ bị gãy xương đứt gân, thế mà quý vị lại không việc gì cả, vẫn có thể đứng dậy phủi phủi áo quần rồi đi tiếp như thường, không cần phải đến bệnh viện; đó là vì sao? Chính là nhờ có thần linh che chở, phù hộ. "Ra vào đều có thần theo hộ vệ" có nghĩa là khi quý vị ra đường hoặc lúc ở nhà, khi ra lúc vào đều có thần linh âm thầm đi theo bảo hộ.

"Mười là thường gặp nhân Thánh." "Nhân Thánh" là gì? Là cái mầm mống để trở thành bậc Thánh, cái nhân hạnh dẫn đến Thánh quả.

Như khóa tu học hè của chúng ta ở đây chẳng hạn—đây chính là "nhân Thánh" vậy. Cho nên, trong sáu tuần lễ này chúng ta chuyên chú giảng kinh thuyết pháp, chăm chỉ cần cù dụng công tu hành—có thể nói quý vị tìm khắp cả thế giới cũng không thể nào tìm ra được một khóa tu học hè cam go như thế này. Nếu quý vị nói rằng mình không muốn bản thân phải phấn đấu cực khổ vất vả đến thế, thì quý vị sẽ không thể nào gặp được "nhân Thánh"! Quý vị hiện nay tuy có vất vả, có chịu khổ chịu cực, song đây chính là cơ hội để gieo trồng "nhân Thánh." Và, đây là lợi ích thứ mười vậy.

 

Kinh văn:

"Bạch Ðức Thế Tôn! Chúng sanh trong đời vị lai cùng hiện tại, nếu có thể ở nơi mình trú ngụ mà làm ra sự cúng dường như thế, thì sẽ được sự lợi ích như vậy."

Lại bạch cùng Ðức Phật rằng: "Bạch Ðức Thế Tôn! Trong đời vị lai, như có người thiện nam kẻ thiện nữ nào, ở nơi mình cư ngụ mà có kinh điển này cùng hình tượng của Bồ Tát, người đó lại có thể đọc tụng kinh điển này và cúng dường hình tượng của Bồ Tát, thì con thường ngày đêm dùng thần lực của mình hộ vệ người đó, cho đến tất cả ác sự, các nạn nước, lửa, trộm cướp, và các tai họa bất trắc lớn nhỏ thảy đều tiêu sạch."

 

Lược giảng:

Kiên Lao Ðịa Thần lại bạch cùng Ðức Phật rằng: "Bạch Ðức Thế Tôn! Chúng sanh trong đời vị lai cùng hiện tại, nếu có thể ở nơi mình trú ngụ mà làm ra sự cúng dường như thế— tức là chọn nơi sạch sẽ thanh tịnh trong nhà mình về hướng Nam mà trần thiết hình tượng Bồ Tát Ðịa Tạng rồi cúng dường—thì sẽ được sự lợi ích như vậy. Các chúng sanh ấy sẽ được mười điều lợi ích kể trên."

Kiên Lao Ðịa Thần lại bạch cùng Ðức Phật rằng: "Bạch Ðức Thế Tôn! Trong đời vị lai, như có người thiện nam kẻ thiện nữ nào, ở nơi mình cư ngụ mà có kinh điển này—Kinh Ðịa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện—cùng hình tượng của Bồ Tát—Ðại Nguyện Ðịa Tạng Vương Bồ Tát—người đó lại có thể đọc tụng kinh điển này và cúng dường hình tượng của Bồ Tát ..."

Nếu người đó không những có được bộ Kinh Ðịa Tạng và tượng của Bồ Tát Ðịa Tạng, mà còn có thể đọc tụng bộ kinh này đồng thời đảnh lễcúng dường Bồ Tát Ðịa Tạng nữa, "thì con thường ngày đêm dùng thần lực—sức thần thông—của mình hộ vệ người đó, cho đến tất cả ác sự, các nạn nước, lửa, trộm cướp, và các tai họa bất trắc lớn nhỏ thảy đều tiêu sạch." Như thí dụ bị xe đụng tôi vừa nêu ra, có người bị xe đụng thì mất mạng, đó gọi là tai họa lớn (đại hoạnh); có người thì chỉ bị thương nhẹ, trầy sướt sơ sài, đó gọi là tai họa nhỏ (tiểu hoạnh).

Thời đại hiện nay không được tốt đẹp lắm, đến đâu cũng có những chuyện phiền phức xảy ra, không cướp giật thì cũng trộm cắp ngang nhiên giữa ban ngày ban mặt. Cho nên, quý vị cần phải cẩn thận, đề phòng bọn ăn cướp này. Người Trung Hoa có câu:

"Chậm giấu của cuốn lôi kẻ trộm 

Chuốt dung nhan lôi cuốn dâm ô

(Mạn tàng hối đạo, 

Dã dung hối dâm.) 

(Chậm cất giấu tiền của thì cuốn hút người khác vào đường trộm cắp; trau chuốt lẳng lơ thì lôi cuốn người ta vào đường dâm ô.)

"Mạn tàng" có nghĩa là cất giấu không cẩn thận, thiếu kín đáo. Như quý vị có báu vật thì phải mau mau cất giấu cho kỹ lưỡng, kẻo chậm trễ, bọn cướp trông thấy sẽ sanh lòng tham và đến cướp đi mất. Tại sao quý vị bị cướp? Bởi vì quý vị cất giấu quá chậm, cho nên mới dẫn đường cho bọn cướp đến đánh cắp.

Ðó là nói về tài sản vật chất bên ngoài. Ðối với tài sản bên trong của chúng ta—tức là tự tánh của chính mình—chúng ta cũng cần phải cất giấu. Nếu chúng ta cất giấu chậm thì cũng bị bọn yêu ma quỷ quái đến cướp mất vậy. Chúng cướp mất cái gì của quý vị? Cướp đi "trân bảo vô thượng" của quý vị. Nói như thế thì chúng ta phải cất giấu món "trân bảo" tự tánh của mình như thế nào? Cách cất giấu này thì không giống như cách cất giấu những tài sản có hình có tướng—như đem chôn ở một nơi bí mật, hoặc cất giữ trong két bảo hiểm—không phải như thế!

Thế thì phải cất giấu "tài sản quý báu" tự tánh như thế nào? Phải chính mình không sanh vô minh! Quý vị phải biết rằng mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý đều thuộc loại "đại tặc," là những tên giặc rất lợi hại. Ðừng tưởng rằng con mắt giúp đỡ chúng ta—sở dĩ hiện nay quý vị chưa thể thành Phật cũng chính là vì bị con mắt này tác oai tác quái. Không những mắt là giặc, mà tai cũng là giặc, mũi cũng là giặc, lưỡi cũng là giặc, thân thể cũng là giặc, ý cũng là giặc. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý chính là sáu tên giặc; chỉ có linh tánh của quý vị là "pháp bảo," là bảo bối vô cùng trân quý.

Nếu mắt mà phân tán đi một chút thì quý vị bị thiếu mất một chút, tai mà phân tán đi một chút thì thiếu mất một chút, mũi mà phân tán đi một chút thì thiếu mất một chút, lưỡi mà phân tán đi một chút thì thiếu mất một chút, thân mà chia bớt đi một bộ phận thì lại thiếu mất một chút, ý mà chia bớt đi một phần thì quý vị lại thiếu mất một chút.

Ðối với mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, nếu quý vị không thâu nhiếp chúng trở về được, tức là quý vị "thả lỏng" chúng đấy! Mỗi tên chạy rông mỗi nơi lo những chuyện không liên can. Mắt trông thấy vật gì đều muốn thấy cho tận tường thêm nữa, đó gọi là lo chuyện tào lao. Tai nghe thấy việc gì dù chẳng liên quan tới mình cũng tò mò muốn nghe lần nữa cho thỏa thích; như thế cũng gọi là bị cảnh giới lay chuyển, đều do "bọn giặc" gây ra! Thế nên, quý vị đừng để cho sáu tên giặc này thừa cơ cướp đoạt mất "bảo bối" tự tánh của mình! Nếu hằng ngày quý vị cứ tùy theo sáu căn này mà hành sự, thì chúng đích thị là những tên giặc chực cướp đi tự tánh của quý vị.

Bây giờ tôi giảng đạo lý này thì có thể quý vị chưa hoàn toàn am hiểu, hoặc chưa thể lãnh hội thấu đáo được. Song, nếu quý vị chịu khó dụng công, thì sau một thời gian quý vị sẽ vỡ lẽ: "À! Thì ra cái này thật là xấu xa, tệ hại!" Bấy giờ, biết được mắt tác hại như thế nào, tai chẳng vâng lời ra sao, thì quý vị sẽ thấy rằng hóa ra bọn chúng đều là "giặc" cả!

"Dã dung hối dâm" có nghĩa là chải chuốt hình dáng là khiến kẻ khác sanh lòng dâm. Ví dụ như người con gái bôi phấn thoa son, trang điểm thật lộng lẫy, đây chính là khêu gợi, khiến người khác trông thấy liền sanh lòng tà vạy. Thế nên người nữ tốt nhất là để dung mạo tự nhiên, không cần phải tô son điểm phấn. Nếu bôi son trét phấn vào môi vào má hồng hồng đỏ đỏ, cho rằng làm như vậy rất có ý nghĩa, song thật ra thì chẳng có ý nghĩa gì cả, mà chỉ là thể hiện sự điên đảo của chúng sanh—sự điên đảo của chúng sanh chính là ở điểm này vậy!

Sở dĩ nói sáu căn là bọn giặc chẳng qua là vì chúng ta không biết cách vận dụng chúng (nên chúng mới biến thành "giặc") mà thôi. Nếu quý vị biết vận dụng, thì không những chúng không biến thành "giặc" mà còn trở thành "hộ pháp" nữa là đằng khác! Do vậy, trong Kinh Lăng Nghiêm có chép rằng: Chúng sanh bị luân hồi khổ sở trong sáu nẻo là vì sáu căn này; nhưng nếu chúng sanh có thể "hồi quang phản chiếu," thanh tịnh tự tâm, thì thành Phật được cũng là nhờ ở sáu căn này chứ chẳng phải đâu xa lạ. Quý vị biết vận dụng chúng thì chúng chính là "hộ pháp"; còn không biết vận dụng chúng thì chúng chính là "giặc" vậy. Thí dụ, quý vị trông thấy đồ vật mà trong lòng sanh khởi chánh niệm thì đây chính là hộ pháp, còn nếu như sanh tà niệm thì đó là ma quỷ vậy. Lục Tổ Ðại Sư đã từng dạy:

"Lúc tà mê là ma choán chỗ,

Khi chánh niệm là Phật tại nhà."

(Tà niệm chi thời, ma tại xá,

Chánh niệm chi thời, Phật tại đường.)

Do đó, nếu bất cứ lúc nào quý vị cũng có thể đề khởi chánh niệm, thì sáu căn sẽ biến thành hộ pháp của quý vị—chúng trợ giúp quý vị rất đắc lực. Khi mắt nhìn thấy hình sắc thì liền chạy theo sắc trần; tai vừa nghe lọt âm thanh thì liền chạy theo thanh trần; mũi vừa ngửi thấy mùi liền chạy theo hương trần; lưỡi vừa nếm biết vị liền chạy theo vị trần; thân cảm nhận có sự tiếp xúc, đụng chạm liền chạy theo xúc trần—thì bấy giờ sáu căn là những tên giặc ghê gớm, lợi hại. Vì sao nói là "chạy theo"? Chính là vì quý vị cảm thấy thích thú, ưa muốn; tự trong lòng nảy sanh sự ham thích, thì đó chính là "chạy theo" vậy. Bởi chưa có định lực cho nên ý nghĩ của quý vị sau khi tiếp xúc với pháp thì liền chạy theo pháp trần, đuổi theo ngoại cảnh. Lại cũng vì ý nghĩ còn tà vạy, không được chân chánh, nên mới bị cảnh giới lay chuyển; nếu ý nghĩ chân chánh thì sẽ xoay chuyển được cảnh giới.

 

Kinh văn:

Ðức Phật bảo Kiên Lao Ðịa Thần rằng: "Thần lực rộng lớn của ông, các thần khác ít ai bằng. Vì cớ sao? Vì đất đai trong cõi Diêm Phù đều nhờ ông hộ trợ; cho đến cỏ, cây, cát, đá, lúa, mè, tre, lau, gạo thóc, của báu ... từ đất mà có, đều nhờ nơi sức của ông cả.

Ông lại luôn khen ngợi những sự lợi ích của Bồ Tát Ðịa Tạng, thì công đứcthần thông của ông sẽ trăm ngàn phần trội hơn của các địa thần bình thường.

Trong đời sau, như có kẻ thiện nam người thiện nữ nào cúng dường Bồ Tát cùng đọc tụng kinh điển này, dù chỉ y theo một việc trong Kinh Ðịa Tạng Bổn Nguyện mà tu hành, thì ông nên dùng thần lực của mình mà ủng hộ, chớ để mọi tai hại cùng sự không vừa ý lọt vào tai người đó, huống nữa là để cho phải chịu đựng.

Chẳng phải chỉ riêng mình ông hộ trì người đó, mà cũng có hàng quyến thuộc của Phạm Vương, Ðế Thích, và quyến thuộc của chư thiên ủng hộ người đó nữa!

Tại sao người đó lại được chư hiền thánh ủng hộ như thế? Ấy đều do chiêm lễ hình tượng của Bồ Tát Ðịa Tạng cùng đọc tụng Kinh Bổn Nguyện này, nên tự nhiên được rốt ráo xa lìa biển khổ, chứng được Niết Bàn yên vui, vì thế mà được sự ủng hộ lớn lao."

 

Lược giảng:

Ðức Phật bảo Kiên Lao Ðịa Thần: "Thần lực rộng lớn của ông, các thần khác ít ai bằng, hiếm có vị thần nào có được sức thần thông đặc biệt lớn lao như ông. Vì cớ sao? Vì đất đai trong cõi Diêm Phù đều nhờ ông hộ trợ; cho đến cỏ, cây, cát, đá, lúa, mè, tre, lau, gạo thóc, của báu ... từ đất mà có, đều nhờ nơi sức của ông cả."

Toàn bộ đất đai trong cõi Nam Diêm Phù Ðề đều được Kiên Lao Ðịa Thần che chở, bảo hộ. Những ngọn cỏ nhỏ bé nhất, cây con non yếu mảnh mai nhất, hoặc một hạt cát, một viên sỏi, cùng những thứ thu hoạch được từ đất như lúa, mè, tre, lau, gạo thóc, và những bảo vật ...—tất cả những thứ quý báu này đều từ nơi đất mà có, thảy đều nương nhờ vào sức lực của thần đất mà sinh trưởng.

"Ông lại luôn khen ngợi những sự lợi ích của Bồ Tát Ðịa Tạng, thì công đứcthần thông của ông sẽ trăm ngàn phần trội hơn của các địa thần bình thường." Kiên Lao Ðịa Thần thường luôn trầm trồ tán thán những sự lợi íchBồ Tát Ðịa Tạng mang lại cho tất cả chúng sanh; cho nên, công đức và sức thần thông trí huệ của Kiên Lao Ðịa Thần rộng lớn gấp trăm ngàn vạn lần so với các địa thần bình thường khác.

Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni nói tiếp: "Bây giờ Ta muốn căn dặn ông, Kiên Lao Ðịa Thần, rằng: Trong đời sau, như có kẻ thiện nam người thiện nữ nào cúng dường Bồ Tát—Ðịa Tạng Vương Bồ Tát—cùng đọc tụng kinh điển này, dù chỉ y theo một việc trong Kinh Ðịa Tạng Bổn Nguyện mà tu hành, thì ông nên dùng thần lực của mình mà ủng hộ, chớ để mọi tai hại cùng sự không vừa ý lọt vào tai người đó, huống nữa là để cho phải chịu đựng."

"Chớ để mọi tai hại cùng sự không vừa ý lọt vào tai" có nghĩa là đừng để cho những thiện nam cùng thiện nữ đó nghe thấy những việc tai hại cũng như những việc không như ý họ muốn. Chẳng những các thứ âm thanh không như ý đều không được vẳng tới tai họ, mà luôn cả những việc tổn hại cũng không được xảy đến cho thân họ nữa! Họ không phải lãnh chịu bất cứ một tai họa nào cả.

Ðối với những thiện nam tín nữ trì Ngũ Giới và hành Thập Thiện mà biết cúng dường Bồ Tát Ðịa Tạng, đọc tụng Kinh Ðịa Tạng, và lại có thể y chiếu theo một việc trong Kinh Ðịa Tạng đã dạy mà tu hành, thì Kiên Lao Ðịa Thần sẽ dùng sức mạnh thần thông vốn có của mình để ủng hộ những người đó, không để cho các sự tai hại và những việc không như ý thấu đến tai họ.

"Chẳng phải chỉ riêng mình ông hộ trì người đó, mà cũng có hàng quyến thuộc của Phạm Vương, Ðế Thích, và quyến thuộc của chư thiên ủng hộ người đó nữa! Ta lại bảo cho ông biết rằng chẳng phải chỉ mỗi một mình ông là Kiên Lao Ðịa Thần đơn độc bảo hộ những người như thế mà thôi đâu. Vì sao vậy? Vì còn có quyến thuộc của Thích Ðề Hoàn Nhân và Ðại Phạm Thiên Vương, cho đến thiên long bát bộ trên cõi trờiquyến thuộc của chư thiên ..., tất cả cũng đều đến để ủng hộ, bảo vệ những người đó."

Ðức Phật lại dạy: "Tại sao người đó lại được chư hiền thánh ủng hộ như thế? Vì sao những người đó lại được đông đảo chư vị thánh hiền, thiên long bát bộ, Ðại Phạm Thiên Vương, Thích Ðề Hoàn Nhân... từ cõi trời đến bảo hộ như vậy?"

"Ấy đều do chiêm lễ hình tượng của Bồ Tát Ðịa Tạng cùng đọc tụng Kinh Bổn Nguyện này, nên tự nhiên được rốt ráo xa lìa biển khổ, chứng được Niết Bàn yên vui, vì thế mà được sự ủng hộ lớn lao." Chính là nhờ nhân duyên chiêm ngưỡng, đảnh lễ hình tượng của Ðịa Tạng Vương Bồ Tát, và nhân duyên đọc tụng Kinh Ðịa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, mà trong tương lai, những người đó chắc chắn sẽ tự nhiên được xa lìa mọi khổ não, chứng được sự an vui của Niết Bàn. Do duyên cớ này nên họ mới nhận được sự ủng hộ lớn lao như thế—được hết thảy các bậc thánh hiền đến ủng hộ, che chở!

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 14782)
Thuở đó đức Phật đang ngự tại rừng Ta-la-song-thọ, ở ngoại ô thành Câu-thi-na, thuộc lãnh thổ trị vì của bộ tộc Lực-sĩ.
(Xem: 11853)
Đức Thế Tôn từ nơi cung trời Đâu-suất sinh xuống thành Ca-duy, chán đời sống dục lạc ở vương cung, thành tựu đạo chơn thường dưới cội cây...
(Xem: 12783)
Kinh Rong Chơi Trời Phương Ngoại là một phẩm của Kinh Pháp Cú Hán tạng có tên là Nê Hoàn Phẩm. Nê HoànNiết bàn (Nirvana, Nibbâna).
(Xem: 10370)
Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, quyển thứ 32, luận tập bộ toàn, kinh văn số 1637. HT Thích Như Điển dịch
(Xem: 12082)
Đây là kinh Pháp Quán Phạm Chí. Khung cảnh dựng lên cho kinh cũng giống như khung cảnh của kinh thứ mười một...
(Xem: 15312)
Đại Chánh Tân Tu đại tạng kinh, quyển thứ 32, kinh văn số 1680, luận tập bộ toàn. HT Thích Như Điển dịch Việt
(Xem: 11112)
Một thời, đức Bhagavat trú tại Vārāṇasi, nơi xứ Ṛṣipatana, trong rừng Mṛgadāva. Bấy giờ, đức Thế Tôn nói:
(Xem: 10565)
Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh quyển 32, luận tập bộ toàn, kinh văn 1671; HT Thích Như Điển dịch sang tiếng Việt.
(Xem: 12494)
Kinh Bát Đại Nhân Giác này của Đại Sư An Thế Cao từ nước An Tức sang Trung Quốc vào thời Hậu Hán (năm 132-167 sau công nguyên) soạn dịch.
(Xem: 16452)
Năm nay (2016) trong chương trình của tôi, không dự định đi sang Úc, nhưng ngày 23 tháng 6 năm 2016 vừa qua...
(Xem: 14338)
Tôi được nghe như vầy: một thuở nọ, Đức Thế Tôn đang ngụ tại vườn Nai, ở Isipatana gần Bénarès. Lúc bấy giờ...
(Xem: 11815)
Nay ở nơi chư Phật Chắp tay kính đảnh lễ Con sẽ như giáo nói Tư lương Bồ-đề Phật.
(Xem: 14832)
Lúc bấy giờ, ngài Vô-Tận-Ý Bồ-Tát (1) liền từ chỗ ngồi đứng dậy trịch áo bày vai hữu (2), chấp tay hướng Phật mà bạch rằng:
(Xem: 12049)
Bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshu Daijokyo) xuất xứ từ thời Vua Taisho (Đại Chánh) ở Nhật Bản từ đầu thế kỷ thứ 20.
(Xem: 16877)
Có lẽ Lăng Già là một trong những bộ kinh phân tích cái Tâm một cách chi li, khúc chiết nhất trong kinh điển Phật giáo.
(Xem: 11603)
Tôi nghe như vầy. Có một lúc, Đức Phật đã sống ở gần Xá Vệ (Savatthi) trong Khu Rừng Kỳ Đà (Jeta Wood) ở tu viện Cấp Cô Độc
(Xem: 12755)
Đại Chánh Tân Tu Đại tạng Kinh, quyển thứ 32 thuộc Luận Tập Bộ Toàn. Kinh văn số 1641. HT Thích Như Điển dịch
(Xem: 11360)
Thưa Tôn giả Gotama, những ngày về trước, những ngày về trước nữa, rất nhiều Sa-môn, Bà-la-môn là du sĩ ngoại đạo ngồi...
(Xem: 12077)
Lời dạy của Đức Phật được kiết tập thành kinh điển và bảo lưu trong nhiều truyền thốngbộ phái Phật giáo.
(Xem: 52204)
Toàn bộ Đại Tạng Kinh tiếng Việt trên 203 tập đã dịch và in xong...
(Xem: 15492)
Như vầy tôi nghe: Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, ngôi vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ...
(Xem: 13985)
Nếu thấy thân người nữ Cùng với vẻ diễm kiều Người ngu không biết rõ Vọng sinh ý dâm nhiễm.
(Xem: 11463)
Đại Chánh Tân Tu đại tạng kinh, quyển thứ 32, Luận tập bộ toàn, kinh văn số 1691. HT Thích Như Điển dịch
(Xem: 13201)
Được nghe Đức Phật đích thân thuyết pháp là một nhân duyên hy hữu, một công đức vô lượng, và may mắn hãn hữu trong đời.
(Xem: 12804)
Lời Đức Phật dạy rất mực thâm sâu. Kinh nào cũng cần nghiền ngẫm, cần tu học với từng lời dạy một.
(Xem: 13240)
Tôi nghe như vầy: Một thuở nọ, Đức Phật cùng với 1.250 vị đại Bhikṣu ở trên núi Thứu Phong gần thành Vương Xá...
(Xem: 17939)
Đại Chánh Tân Tu đại tạng kinh, quyển thứ 32, Luận tập bộ toàn, kinh văn số 1686. HT Thích Như Điển dịch Việt
(Xem: 12473)
Tỉnh giác từ ngủ say Nên hoan hỷ tư duy Lắng nghe điều Ta nói Soạn tập lời Phật dạy
(Xem: 12671)
Tại thành Xá Vệ, vào buổi sáng sớm, Tỳ-kheo-ni Avalika khoác y ôm bình bát, đi vào thành Xá Vệ để khất thực.
(Xem: 54234)
Trong kinh Bách Dụ, Phật đã dùng những chuyện xưa để thí dụ cụ thể sự dại dột mê lầm chung của chúng ta. Nếu chúng ta biết trừ bỏ mê lầm ở đâu thì Niết Bàn sẽ thực hiện ở đó.
(Xem: 14450)
Khi ấy, đức Thế Tôn ở trong Xá-vệ đại thành bộ hành, để khất thực[32]; dùng cơm xong, việc thọ thực hoàn tất, từ bỏ việc khất thực ở phía sau (quay về bổn xứ).
(Xem: 9950)
Đại Chánh Tân Tu đại tạng kinh, quyển thứ 32, Luận tập bộ toàn, kinh văn số 1634, HT Thích Như Điển dịch
(Xem: 13838)
Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh quyển thứ 32, luận tập bộ toàn, kinh văn số 1644 - HT Thích Như Điển dịch
(Xem: 58029)
Đại Chánh Tân Tu đại tạng kinh, quyển thứ 32, luận tập bộ toàn, kinh văn số 1679 - Pháp Thiên dịch Phạn ra Hán, HT Thích Như Điển dịch Hán ra Việt
(Xem: 14528)
Dịch từ văn Phạn sang văn Trung Hoa: Pháp sư Pháp Đăng; Thật Xoa Nan Đà (Siksananda), Lược giải: Tỳ kheo Thích Minh Điền
(Xem: 20168)
Nguyên tác Hán văn: sa-môn Pháp Tạng, chùa Sùng Phúc, Kinh Triệu thuật
(Xem: 13818)
Thời đại Dao Tần, Pháp Sư ba tạng Cưu Ma La Thập, dịch văn Phạn sang văn Trung Hoa, Lược giải: Tỳ kheo Thích Minh Điền
(Xem: 15423)
Kinh "Chiếc lưới ái ân" được dịch từ kinh Pháp Cú, Hán tạng.
(Xem: 17515)
Bát Nhã Ba-La-Mật-Đa Tâm Kinhbài kinh được tụng đọc tại các chùa theo hệ thống Phật Giáo Đại Thừa, là bài kinh rất phổ thông...
(Xem: 13335)
Lành thay, Thế Tôn! Nay xin vì con mà nói vắn tắt pháp yếu. Sau khi nghe pháp, con sẽ ở một mình nơi chỗ vắng, tu tập không buông lung.
(Xem: 11947)
Hãy bứng gốc và buông bỏ tất cả các pháp sắc, thọ, tưởng, hành, thức – nghĩa là hãy bứng gốc và buông bỏ toàn bộ thế giới trong và ngoài mà ...
(Xem: 13508)
Luận rằng: Ông bảo lời ta không có đạo lý, nếu thế thì lời ông cũng không có đạo lý. Nếu lời ông không có đạo lý thì lời ta ắt có đạo lý.
(Xem: 14685)
Như Lai là vua của các pháp, là bậc Chí tôn của các pháp. Lành thay Thế Tôn! Nên thuyết nghĩa này cho các Tỳ-kheo.
(Xem: 12510)
Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh,Luận Tập Bộ Tòan thứ 32, Thứ tự Kinh Văn số 1631
(Xem: 12165)
Thiền-Đà-Ca vương phải nên biết, Sinh tử khổ não, nhiều lỗi lầm, Trọn bị vô minh che, ngăn ngại, Ta nay vì họ hưng lợi ích.
(Xem: 12082)
Như Bà-la-môn nói, trong các kinh điển, bốn Vệ-Đà là chính; Lại, trong đó, niệm là chính ; lại trong niệm này, năng thuyênsở thuyên là chính;
(Xem: 13314)
Nếu hiểu được Luận này, Ắt được các pháp luận, Nghĩa sâu xa như thế, Nay sẽ rộng tuyên nói.
(Xem: 12561)
Kinh văn số 1672, Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh quyển 32
(Xem: 13678)
Này các đệ tử, sau khi Như Lai qua đời, các vị phải trân trọng, cung kính giới luật như kẻ nghèo hèn được giàu có, như kẻ đui mù được sáng mắt.
(Xem: 13347)
Tôi nghe như vầy: Bấy giờ, có số đông Tỳ-kheo Thượng tọa trú ở tại vườn Cù-sư-la, nước Câu-xá-di[2].
(Xem: 25628)
Duy Thức Học, người nào nếu như nghiên cứu đến cũng phải công nhận là một môn học rất thực tế, rất sống động...
(Xem: 12193)
Đức Phật thường nói rằng chỉ có một cách duy nhất vượt qua bờ phiền não là: xa lìa tham sân si.
(Xem: 14579)
Từ A-Di Đà, tức là phiên âm từ chữ Sanskrit: अमित​ amita, có nghĩa là: Vô lượng, đây là dịch sát theo ngữ nguyên अमित​ amita của Sanskrit.
(Xem: 11884)
Thuộc Tăng Chi Bộ (Anguttaranikàya) của Kinh tạng Pàli, đây là một bài kinh được tụng đọc thường nhật ở các xứ Phật giáo Nam Truyền
(Xem: 42101)
Bản dịch Việt ngữ từ bản chữ Hán năm 1898 Chùa Xiển Pháp tại thôn An Trạch, Tỉnh Hà Nội...
(Xem: 28368)
Nhiều người đọc Kinh Dược Sư hiểu sai ý của Phật Thích Ca muốn nói, hiểu sai nên đã đưa vào đường mê tín mà không biết, vì ở phần đầu của kinh Dược Sư...
(Xem: 38838)
Kinh Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm bản chữ Hán và Việt dịch của Quảng Minh
(Xem: 14738)
Tây Thiên dịch kinh Tam tạng, Triều tán Đại phu, Thí Hồng Lư khanh, Truyền pháp Đại sư, Thần Thí Hộ phụng chiếu dịch; Phước Nguyên dịch Việt và chú.
(Xem: 12720)
đệ tử Phật, ngày cũng như đêm, thường xuyên chí thành, hết lòng trì tụng, quán niệm khắc ghi, tám điều giác ngộ, của bậc Đại nhân.
(Xem: 16259)
Sau khi Ta diệt độ nhập Niết-Bàn, hãy tự thắp đuốc lên mà đi; thắp lên với chính pháp, đừng thắp lên với pháp nào khác; hãy nương tựa với chính mình, đừng nương tựa với một pháp nào khác
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant