Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới

Phật thuyết Kinh Dược Sư Lưu Ly

26 Tháng Mười 201000:00(Xem: 29143)
Phật thuyết Kinh Dược Sư Lưu Ly


Phật thuyết Kinh Dược Sư Lưu Ly

Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức

Hán dịch: Đường Tam Tạng Pháp Sư HuyềnTrang

Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Tịnh Trí 

 

Tôi nghe như vầy: Một thời Thế-tôn, châu du giáo hóa các nước đến thành Quảng-nghiêm, ở nghỉ dưới cây Nhạc-âm, cùng với tám ngàn vị đại tỳ-kheo, ba vạn sáu ngàn vị đại Bồ-tát, các hàng vua chúa, đại thần, nam nữ cư sĩ, và Bà-la-môn, tám chúng trời rồng, cùng người và không phải người, hết thảy đại chúng, số đông vô lượng, đồng vây quanh Phật, cung kính thỉnh ngài thuyết pháp.

Bấy giờ, Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát, nương oai thần Phật, liền từ chổ ngồi đứng dậy, vén y bày vai bên phải, qùy xuống chấp tay, cung kính hướng về phiá Phật thưa rằng: “Bạch đức Thế- tôn! Xin ngài nói rõ danh hiệu, bổn nguyện rộng lớn, cùng những công đức thù thắng của các đức Phật, để cho những người nghe pháp nghiệp chướng tiêu trừ, và những chúng sanh trong đời tượng pháp về sau, đựơc nhiều lợi ích”.

Bấy giờ, Thế-tôn khen ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát:“ Hay thay! Hay thay! Văn Thù Sư Lợi! Nay ông đem lòng từ bi thỉnh cầu ta nói danh hiệu, bổn nguyện công đức của các đức Phật, vì muốn chúng sanh trong đời tượng pháp về sau, khỏi bị nghiệp chướng ràng buộc, lợi ích an vui. Nay hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, ta sẽ vì ông mà nói”. Văn Thù Sư Lợi thưa rằng: Bạch đức Thế-tôn! Chúng con rất muốn được nghe.

Này ông Văn Thù Sư Lợi! Phương đông cách đây rất xa, hơn cát của mười sông Hằng cõi Phật, có một thế giới tên Tịnh Lưu Ly. Đức Phật cõi đó hiệu là Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như-lai, Ứng-cúng, Chánh-biến-tri, Minh-hạnh- túc, Thiện-thệ, Thế-gian-giải, Vô-thượng-sĩ, Điều-ngự-trượng-phu, Thiên nhơn sư, Phật Thế- tôn.

Này ông Văn Thù Sư Lợi! Đức Phật Dược Sư, khi còn tu hạnh Bồ-tát, đã phát mười hai nguyện lớn, giúp cho tất cả chúng sanh cầu chi được nấy.

Nguyện lớn thứ nhất: Con nguyện đời sau, khi chứng được quả Vô-thượng Bồ-đề, thì thân của con hào quang sáng suốt, rực rỡ chiếu khắp vô lượng, vô số, vô biên thế giới, giúp cho tất cả chúng sanh, sớm có đủ ba mươi hai tướng tốt của bậc trượng phu, cùng với tám mươi vẽ đẹp trang nghiêm như thân con vậy.

Nguyện lớn thứ hai: Con nguyện đời sau, khi chứng được quả Vô-thượng Bồ-đề, thì thân của con như ngọc lưu ly, trong ngoài sáng suốt, tinh sạch, không có nhơ bợn, hào quang chói lọi khắp nơi, công đức cao vời như núi Tu-di, thân ấy an trú ở giữa từng lưới dệt bằng tia sáng, tỏ hơn nhật nguyệt. Chúng sanh trong cõi U-minh, đều được soi sáng, cho nên tâm trí mở mang, tùy ý muốn đến chỗ nào để làm các sự nghiệp gì cũng đều được cả.

Nguyện lớn thứ ba: Con nguyện đời sau, khi chứng được quả Vô-thượng Bồ-đề, thì con vận dụng vô lượng trí tuệ, cùng các phương tiện, để độ hết thảy chúng sanh, và giúp cho họ có đủ vật dụng, không để cho ai phải chịu thiếu thốn.

Nguyện lớn thứ tư: Con nguyện đời sau, khi chứng được quả Vô-thượng Bồ-đề, nếu có chúng sanh tu theo tà đạo, thì con giúp họ quay về an trụ trong đạo Bồ-đề, hoặc có những người tu hạnh Thanh-văn, Duyên-giác con cũng dùng pháp đại thừa để nhiếp độ họ.

Nguyện lớn thứ năm: Con nguyện đời sau, khi chứng được quả Vô-thượng Bồ-đề, nếu có chúng sanh, nhiều đến vô lượng vô biên ở trong giáo pháp của con, tu hành phạm hạnh, thì con sẽ giúp cho họ giữ được giới pháp hoàn toàn, đầy đủ ba nhóm tịnh giới. Giả sử, có người phá phạm giới pháp, nếu nghe được danh hiệu con, thì họ liền đựơc phục hồi thanh tịnh, khỏi bị đọa vào trong ba đường ác.

Nguyện lớn thứ sáu: Con nguyện đời sau, khi chứng được quả Vô-thượng Bồ-đề, nếu có chúng sanh thân hình hèn hạ, các căn không đủ, xấu xa khờ khạo, tai điếc, mắt đui, nói năng ngọng nghịu, tay chân tật nguyền, lác hũi, điên cuồng, phải chịu nhiều thứ bệnh khổ, nếu nghe được danh hiệu con, thì họ liền được thân hình đoan chánh, tâm tánh thông minh, các căn đầy đủ, không còn bệnh khổ ấy nữa.

Nguyện lớn thứ bảy: Con nguyện đời sau, khi chứng được quả Vô-thượng Bồ-đề, nếu có chúng sanh bị bệnh hiểm nghèo, không ai cứu chữa, không nơi nương nhờ, không gặp được thầy được thuốc, không có bà con nhà cửa, phải chịu nhiều nỗi nghèo hèn khốn khổ, nếu nghe được danh hiệu con, dù chỉ một lần, thì những bệnh khổ, đều được tiêu trừ, thân tâm an lạc, gia quyến sum vầy, của cải sung túc, cho đến chứng được đạo qủa Vô-thượng Bồ-đề.

Nguyện lớn thứ tám: Con nguyện đời sau, khi chứng được quả Vô-thượng Bồ-đề, nếu có người nữ nào bị trăm điều hèn hạ khổ sở, làm cho buồn rầu, bực tức, sanh tâm nhàm chán muốn bỏ thân nữ, như nghe được danh hiệu con, liền chuyển thân nữ thành nam, có đủ nam tướng, cho đến chứng được đạo qủa Vô-thượng Bồ-đề.

Nguyện lớn thứ chín: Con nguyện đời sau, khi chứng được qủa Vô-thượng Bồ-đề, thì con sẽ giúp hết thảy chúng sanh ra khỏi vòng lưới ma nghiệp, được thoát khỏi sự ràng buộc của các ngoại đạo. Nếu có người nào bị sa vào rừng ác kiến, thì con nhiếp độ cho họ trở về chánh kiến, dần dần tu hạnh Bồ tát, để mau chứng được đạo quả Vô-thượng Bồ- đề.

Nguyện lớn thứ mười: Con nguyện đời sau, khi chứng được quả Vô-thượng Bồ-đề, nếu có chúng sanh bị phạm luật pháp, phải bị xiềng xích đánh đập, hoặc bị giam giữ trong chốn lao tù, hoặc bị hành hình, hay gặp nhiều nạn nhục nhã, thân tâm chịu những buồn rầu khổ bức, nếu nghe được danh hiệu con, thì nhờ oai thần phước đức của con, thì những khổ ấy, đều được tiêu trừ.

Nguyện thứ mười một: Con nguyện đời sau, khi chứng được quả Vô-thượng Bồ-đề, nếu có chúng sanh gặp nạn đói khát hoành hành, vì tìm miếng ăn phải tạo nghiệp ác, nhưng nghe được danh hiệu con, hết lòng ghi nhớ thọ trì, thì con trước tiên dùng các ẩm thực ngon lạ, ban bố cho thân họ được no đủ, sau đem pháp vị nhiệm mầu nhiếp độ cho họ luôn được an lạc.

Nguyện thứ mười hai: Con nguyện đời sau, khi chứng được quả Vô-thượng Bồ-đề, nếu có chúng sanh, nghèo đến không áo che thân, bị muỗi mòng cắn, nóng lạnh giải dầu, ngày đêm khổ bức, nếu nghe được danh hiệu con, hết lòng ghi nhớ thọ trì, thì con sẽ giúp cho họ mọi việc đều được như y,ù các thứ y phục tốt đẹp, bảo vật trang nghiêm, tràng hoa phấn sáp bát ngát mùi thơm, trống nhạc cùng với ca múa tùy tâm thưởng thức món nào cũng được mãn nguyện.

Này ông Văn Thù Sư Lợi! Đó là mười hai lời nguyện nhiệm mầu của đức Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như-lai phát ra trong khi tu hạnh Bồ-tát.

Lại nữa, Văn Thù Sư Lợi! Đức Phật Dược Sư, khi còn tu hạnh Bồ-tát, có phát những nguyện rộng lớn, và những công đức thù thắng trang nghiêm ở cõi của ngài, dù nói một kiếp hay hơn một kiếp cũng không hết được. Nhưng ta nói rằng, ở cõi Phật kia hoàn toàn thanh tịnh, không có đàn bà không có đường dữ, cả đến tiếng khổ cũng không.

Cõi ấy đất toàn bằng chất lưu ly, đường đi có dây bằng vàng giăng làm ranh giới, thành quách cung điện, lầu gác, mái hiên cửa sổ, cho đến các lưới bao phủ cũng bằng toàn đồ thất bảo làm ra, chẳng khác gì những công đức trang nghiêm ở cõi Tây-phương Cực-lạc.

Cõi đó có hai vị đại Bồ-tát, hiệu là Nhựt Quang Biến Chiếu, cùng với Nguyệt Quang Biến Chiếu, chính là hai vị đứng đầu ở trong vô lượng, vô số Bồ-tát, và sắp bổ xứ làm Phật, cũng là bậc có đầy đủ năng lực giữ gìn kho báu chánh pháp của Phật Dược Sư.

Này ông Văn Thù Sư Lợi! Nếu có chúng sanh lòng tin vững chắc, thì nên nguyện sanh về cõi Đông phương của phật Dược Sư.

Bấy giờ, Thế-tôn bảo ngài Văn Thù Sư Lợi: Có những chúng sanh, không biết lành dữ, ôm lòng tham lam, bỏn xẻn, không biết bố thí, và sự lợi ích bố thí là gì, vô minh che lấp, thiếu hẳn đức tin, lại tham chứa chất của cải cho nhiều, đêm ngày bo bo gìn giữ, thấy ai đến xin, lòng đã không muốn, nhưng cực chẳng đã phải đưa của ra, thì lại đau đớn mến tiếc, dường như lóc thịt cho người. Lại có vô lượng chúng sanh tham lẫn keo kiết, chỉ lo tích trữ của cải cho nhiều, chính mình không dám ăn tiêu, nói chi đem của cải ấy thí cho cha mẹ, vợ con, tôi tớ hay những người nghèo đến xin. Những kẻ tham ấy, khi chết đọa vào ngạ quỷ, hoặc đọa súc sanh. Mặc dù ở trong ác thú, nhưng nhờ đời trước sống trong nhân gian, đã từng nghe qua danh hiệu của đức Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như-lai, nay còn nhớ niệm danh hiệu đến ngài, thì từ cõi ấy thoát sanh làm người. Khi được làm người, nhớ lại kiếp sống trong đường ngạ quỷ súc sanh, biết sợ đau khổ, nên không ưa đắm dục lạc, lại còn tự mình làm việc bố thí, khen ngợi người khác bố thí, không tham món gì, lần lần có thể đem cả đầu mắt, tay chân, máu thịt của chính thân mình, bố thí cho kẻ đến xin, huống chi của cải là những vật thừa.

Lại nữa, Văn thù sư lợi! Nếu có chúng sanh thọ giới của Phật, rồi lại phá giới. Hoặc không phá giới mà lại phá các phép tắc. Hoặc không phá giới, và các phép tắc mà lại phá hoại chánh kiến. Hoặc không phá hoại chánh kiến, mà lại bỏ sự đa văn, nên không hiểu biết nghĩa lý sâu xa trong kinh Phật dạy. Hoặc tuy đa văn mà khởi lên lòng khinh mạn, do lòng khinh mạn che mờ tâm trí, cố chấp cho mình là phải, người khác là quấy, chê bai chánh pháp, kết đảng với ma. Những kẻ ngu ấy, tự mình đi theo tà kiến, lại còn làm cho vô số chúng sanh, cũng bị sa vào hố sâu nguy hiểm. Các chúng sanh ấy, mãi mãi trôi lăn ở trong ba đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh không khi nào cùng. Nhưng nếu nghe được danh hiệu cuả đức Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như-lai, thì họ liền bỏ điều dữ, tu theo pháp lành, sẽ không bị đọa vào ba đường ác. Giả sử, có người không bỏ điều dữ, không tu pháp lành, mà phải bị đọa vào ba đường ác đi nữa, cũng nhờ oai lực bổn nguyện của đức Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như-lai, mà làm cho họ sẽ tạm nghe được danh hiệu của ngài, từ nơi ác thú mạng chung sanh lại làm người, tinh tấn tu hành, có được chánh kiến, khéo biết điều phục tâm ý, xuất gia xa lià thế tục, thọ trì tu học các pháp cuả Phật, mà không phá phạm giới pháp, lại thêm chánh kiến, đa văn, hiểu thấu nghĩa lý sâu xa, lìa lòng khinh mạn, không chê chánh pháp, không bạn với ma, dần dần tu hạnh Bồ-tát, sớm được viên mãn.

Lại nữa, Văn Thù Sư Lợi! Nếu có chúng sanh tham lam tật đố, khen mình chê người, thì họ sẽ bị đọa trong ba đường, trải qua vô lượng ngàn năm, chịu nhiều đau đớn thống khổ. Khi hết đau khổ, đến lúc lâm chung, liền từ nơi đó sanh lại cõi người, phải làm thân trâu, ngựa lừa, lạc đà, thường bị hành hạ đánh đập, và bị đói khát giày vò, phải đi đường xa chở nặng, cực nhọc muôn phần, nếu may làm được thân người, lại sanh vào hạng hạ tiện, phải làm tôi tớ cho bao kẻ khác, mãi bị sai sử không chút tự do. Nhưng trong đời trước, những nhân vật ấy, khi còn làm người, đã từng nghe qua danh hiệu của đức Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như-lai, do nhân lành đó ngày nay nhớ lại, chí tâm quy y với ngài, nhờ oai thần ngài gia hộ, mà thoát mọi sự khổ não, các căn thông lợi, trí tuệ sáng suốt, đa văn thường cầu diệu pháp, thường gặp bạn lành, đời đời dứt hẳn lưới ma, đập nát các vỏ Vô-minh, tát cạn các sông phiền não, sẽ được giải thoát khỏi nạn sanh lão, bệnh tử và những đau khổ lo buồn.

Lại nữa, Văn Thù Sư Lợi! Nếu có chúng sanh nhiều lòng sân hận, ưa sự gây gổ, xích mích tranh đấu, kiện cáo lẫn nhau, làm não cho mình và người, do thân miệng ý tạo nhiều ác nghiệp, thường làm việc không lợi ích, để hại lẫn nhau, hoặc là tấu triệu những thần ở rừng núi cây, mồ mã hại người, hoặc giết chúng sanh lấy máu, lấy thịt, tế quỷ Dược-xoa và quỷ La-sát, để cậy bọn quỷ hại người, hoặc biên tên họ, rồi làm hình tượng của người thù oán, rồi dùng tà thuật thư yếm phù chú, thuốc độc cho đến tụng chú hại người. Nếu có chúng sanh bị các hiểm nạn như thế, mà nếu nghe được danh hiệu của đức Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như-lai, thì các tà ác không thể hại được. Những kẻ ác kia, trái lại khởi lòng từ bi, làm việc lợi ích an vui cho bao người khác, mà không có ý tổn hại, và tâm hiềm giận. Hai bên hòa hảo với nhau, đối với những vật thọ dụng của mình, tự vui biết đủ, không xâm lấn nhau, mà còn giúp đỡ lẫn nhau.

Lại nữa, Văn Thù Sư Lợi! Nếu trong bốn chúng tỳ-kheo, và tỳ-kheo-ni, nam nữ cư sĩ, cùng những chúng sanh, nếu có lòng tin trong sạch, nhận lãnh thọ trì tám phần trai giới, hoặc trong một năm hay là mỗi năm ba tháng, vâng giữ giới pháp, làm nơi nương tựa tu học. Rồi đem căn lành này nguyện sanh về thế giới Tây-phương Cực-lạc để nghe chánh pháp, nhưng chưa quyết định, nếu như nghe được danh hiệu của đức Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như-lai, khi sắp lâm chung, sẽ có tám vị Bồ tát như ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát, ngài Quán Thế Âm Bồ-tát, ngài Đại Thế Chí Bồ-tát, ngài Vô Tận Ý Bồ-tát, ngài Bảo Đàn Hoa Bồ-tát, Dược Vương Bồ-tát, Dược Thượng Bồ-tát, cùng ngài Di Lặc Bồ-tát. Tám vị Bồ-tát từ trên không trung, hiện ra đưa đường chỉ lối, liền được vãng sanh trong những hoa báu đủ màu. Hoăïc có người nương nguyện lực của Phật Dược Sư, mà được sanh lên cõi trời. Mặc dù sanh lên cõi trời, nhưng nhờ căn lành sẵn có, sẽ không còn bị đọa vào ba đường ác nữa. Sau khi tuổi thọ cõi trời đã hết, thì sanh vào trong cõi người, hoặc được làm vua Chuyển-luân, thống nhiếp bốn châu thiên hạ, oai đức tự tại, giáo hoá vô lượng trăm ngàn chúng sanh, tu tập theo mười điều thiện. Hoặc sanh dòng Sát-đế-lợi, dòng Bà-la-môn, Cư-sĩ giàu sang của tiền dư dật, kho chứa tràn đầy, tướng mạo đoan trang, quyến thuộc sum vầy, sẽ được thông minh trí tuệ, dũng mãnh oai hùng như người lực sĩ. Lại nếu có người nữ nào nghe được danh hiệu của đức Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như-lai, người đó hết lòng thọ trì, thì trong đời sau, sẽ không còn làm thân nữ.

Này ông Văn Thù Sư Lợi! Khi đức Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như-lai, chứng được đạo quả Vô-thượng Bồ-đề, thì do oai lực bổn nguyện mà ngài quán sát, thấy biết chúng sanh sẽ gặp các thứ bệnh khổ, như bệnh da vàng, gầy ốm, cảm nhiệt thương hàn, hoặc trúng những thứ phù yếm, bùa chú, thuốc độc, hoặc bị chết non, chết oan. Muốn cho bệnh ấy đều được tiêu trừ, và lòng mong cầu của chúng sanh được toại nguyện, cho nên đức Phật Dược Sư liền nhập đại định gọi là: Diệt Trừ Hết Thảy Khổ Não. Khi ngài nhập định, từ trên đỉnh đầu phóng ra luồng ánh sáng lớn, trong luồng ánh sáng nói thần chú Đà-la-ni: Nam mô bạt già phạt đế, bệ sát xã, lu lô tịch lưu ly, bác lặc bà, hắt ra xà dả. Đát tha yết đa da, a ra hắc đế. Tam miệu tam bột đà da, đát điệt tha. Án bệ sát thệ, bệ sát thệ, bệ sát xã, tam một yết đế tóa ha.

Lúc ấy, trong luồng ánh sáng nói chú này rồi, tất cả đại địa thảy đều chấn động, phóng ra ánh quang minh lớn, làm cho tất cả chúng sanh dứt hết bệnh khổ, hưởng được an vui.

Này ông Văn Thù Sư Lợi! Nếu có người nào đang bị bệnh khổ, thân quyến của họ nên vì người bệnh, tắm rửa sạch sẽ, nhất tâm tụng niệm chú này đến một trăm lẽ tám lần, chú nguyện vào trong đồ ăn, thuốc uống hay trong nước không vi trùng, đem cho người bệnh ăn uống, thì mọi bệnh khổ liền được tiêu trừ.

Nếu có người nào mong cầu việc gì, hết lòng tụng niệm chú này, sẽ được toại nguyện, không bệnh sẽ được sống lâu, sau khi mạng chung sẽ được sanh về cõi Tịnh Lưu Ly, không còn thoái chuyển, lần lần tu học mau chứng đạo quả Vô- thượng Bồ-đề.

Này ông Văn Thù Sư Lợi! Nếu có người nào hết lòng tôn trọng, cung kính, cúng dường hình tượng đức Phật Dược Sư, thì nên trì tụng chú này, đừng bỏ lãng quên.

Lại nữa, nếu có chúng sanh nghe được danh hiệu của đức Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như-lai, mỗi sớm thức dậy, súc miệng đánh răng, tắm gội sạch sẽ, dâng hoa thắp hương, thoa xức dầu thơm, cùng các âm nhạc, cúng dường hình tượng của Phật Dược Sư, đối với kinh này tự mình hay dạy người khác đọc tụng, biên chép, hết lòng thọ trì và phải cúng dường chư vị giảng pháp đừng để các vị thiếu thốn. Nếu được như vậy, thì nhờ chư Phật gia hộ, các sự mong cầu đều được toại nguyện, cho đến chứng được đạo qủa Vô-thượng Bồ-đề.

Bấy giờ, Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát thưa rằng: Bạch đức Thế-tôn! Trong đời tượng pháp về sau, con nguyện sẽ dùng đủ các phương tiện, giúp cho chúng sanh nào có lòng tin trong sạch, thì sẽ được nghe danh hiệu của đức Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như-lai, dù trong giấc ngủ của họ, con cũng sẽ dùng danh hiệu của Phật Dược Sư, thức tỉnh nơi tai cho họ rõ biết.

Bạch đức Thế-tôn! Nếu có người nào tự mình hay dạy người khác đọc tụng, giảng nói, biên chép kinh này, hết lòng cung kính tôn trọng thọ trì, và dâng các thứ hương hoa, hương bột, hương đốt, vòng hoa, chuổi ngọc, tràng phan, bảo cái cùng các âm nhạc, múa hát cúng dường, hoặc dùng tơ lụa năm màu may đảy đựng kinh, rồi dọn một nơi cao sạch, để kinh trên đó, sẽ có bốn Đại Thiên Vương, cùng các quyến thuộc, và nhiều vô lượng trăm ngàn thiên chúng, ở các cõi khác đều đến cúng dường bảo hộ.

Bạch đức Thế-tôn! Nếu chổ nào có kinh này lưu hành, hoặc người thọ trì, hoặc có người nghe danh hiệu của đức Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như-lai, thì nhờ công đức bổn nguyện của ngài, mà chổ ấy không bị nạn chết oan, cũng không bị những quỷ ác, thần ác đoạt mất tinh khí, dù có đoạt mất đi nữa, cũng được hoàn lại, thân tâm yên ổn khỏe mạnh như thường.

Phật bảo Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát: Thật đúng như lời ông nói, này ông Văn Thù Sư Lợi! Nếu chúng sanh nào có những lòng tin trong sạch, thì trước phải nên tạo vẽ hình tượng của Phật Dược Sư, để trên tòa cao, chưng dọn sạch sẽ, sắm các lễ vật cúng dường, hương hoa, tràng phan, bảo cái trang nghiêm ở chổ thờ đó, và thọ tám phần trai giới, trong bảy ngày đêm, ăn đồ thanh chay, tắm gội và mặc y phục chỉnh tề, giử thân miệng ý thanh tịnh, không nên sát sanh, nói dối, oán hận, đối với tất cả chúng sanh phải khởi các tâm bình đẳng, từ bi, hỷ xả, thương xót mọi loài, làm cho tất cả đều được lợi ích an vui, đi nhiễu vòng quanh bên phải tượng Phật, dùng các thứ nhạc, múa hát, ngợi khen, cúng dường hình tượng. Lại phải nghĩ nhớ công đức bổn nguyện của Phật Dược Sư, đọc tụng kinh này, suy nghiệm nghĩa lý, rồi giảng cho người khác nghe. Làm được như vậy, thì những ước nguyện, sở cầu đều được như ý, như cầu sống lâu sẽ được sống lâu, muốn cầu giàu sang sẽ được giàu sang, muốn cầu quan vị sẽ được quan vị, cầu sanh con trai con gái, thì sẽ được sanh con trai con gái.

Lại có người nào ở trong giấc ngủ thấy những ác mộng, khi thức lại thấy ác tướng như là chim đậu vườn nhà, chổ ở hiện ra trăm điều quái dị, người đó hết lòng nhớ niệm danh hiệu, chiêm lễ, dùng những của báu cung kính cúng dường hình tượng đức Phật Dược Sư, thì những ác tướng thảy đều ẩn hết, không còn lo sợ gì nữa.

Nếu có người nào gặp nạn nguy hiểm như là nước lửa, gươm đao, thuốc độc và các thú dữ gây sự sợ hãi như voi, sư tử, cọp sói, gấu beo, rắn độc, bò cạp, rít sâu, lằng muỗi. Người đó, hết lòng nhớ niệm danh hiệu, chiêm bái, cung kính, cúng dường hình tượng đức Phật Dược Sư, thì liền được thoát các nạn nguy hiểm. Hoặc bị nước khác xâm lăng, nhiễu hại, trộm cướp, nội loạn, thì phải hết lòng nhớ niệm danh hiệu, chiêm bái, cung kính, cúng dường hình tượng đức Phật Dược Sư, thì liền được thoát các hiểm nạn ấy.

Lại nữa, Văn Thù Sư Lợi! Nếu chúng sanh nào mà có lòng tin trong sạch, từ khi phát tâm thọ giới cho đến ngày mất, không thờ những vị trời nào, một lòng quy y theo Phật, Pháp, Tăng thọ trì giới cấm như là tại gia năm giới, sa di mười giới, tỳ kheo có hai trăm năm mươi giới, tỳ kheo ni có ba trăm bốn mươi tám giới, còn Bồ-tát giới có mười giới trọng và bốn mươi tám giới khinh, nếu có vị nào phá phạm giới pháp đã thọ, nên sợ bị đọa vào ba đường ác, thì phải hết lòng nhớ niệm danh hiệu, chiêm bái, cung kính, cúng dường hình tượng đức Phật Dược Sư, chắc chắn người đó sẽ không bị đọa vào ba đường ác.

Lại nếu có các sản phụ trong lúc sanh sản, phải chịu đau khổ, thì nên hết lòng nhớ niệm danh hiệu, chiêm bái, cung kính, cúng dường hình tượng đức Phật Dược Sư, thì mọi khổ não liền được tiêu trừ, lại được mẹ tròn con vuông, đứa trẻ sanh ra tướng mạo đoan trang, thông minh, sáng suốt, an ổn, ít bị bệnh hoạn, ai thấy cũng đều ưa mến, lại không bị quỷ đoạt mất tinh khí.

Lúc ấy, Thế-tôn bảo ngài A-nan: Như ta khen ngợi công đức của Phật Dược Sư, đó là công hạnh sâu xa của các đức Phật, khó hiểu thấu được, vậy ông có tin hay không? Tôn giả A- nan thưa rằng: Bạch đức Thế-tôn! Những lời của chư Phật nói không bao giờ con sanh tâm nghi ngờ. Tại sao? Vì ba nghiệp thân khẩu y,ù của các đức Phật thảy đều thanh tịnh. Bạch đức Thế-tôn! Mặt trời, mặt trăng có thể rơi xuống, núi đại Tu-di có thể lay động, nhưng lời của chư Phật nói, tuyệt không bao giờ sai được. Bạch đức Thế-tôn! Nếu có chúng sanh đức tin không đủ, khi nghe đến những công hạnh sâu xa của các đức Phật, thì nghĩ: Làm sao chỉ niệm danh hiệu của một đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như-lai, mà được lợi ích và nhiều công đức thù thắng như thế. Vì sự không tin, sanh lòng hủy báng, nên họ phải mất nhiều điều lợi lớn, mãi ở trong cảnh đêm dài tâm tối, lại còn bị đọa trong các đường ác, trôi lăn sanh tử không cùng.

Đức Phật bảo ngài A-nan: Những chúng sanh đó, nếu như nghe được danh hiệu của đức Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như-lai, hết lòng thọ trì, tâm không sanh nghi, mà lại bị đọa vào ba đường ác thì thật vô lý. Này ông A-nan! Đó là công hạnh sâu xa nhiệm mầu của các đức Phật, khó tin, khó hiểu, nay ông lãnh thọ, thì phải biết đó là nhờ oai lực của đức Như-lai. Này ông A-nan! Các hàng Thanh-văn, Duyên-giác, và các Bồ-tát chưa lên đến bậc Thập-địa thì không thể tin hiểu đúng như thật, chỉ trừ những bậc Nhất Sanh Sở Hệ Bồ-tát mới tin hiểu được. Này ông A-nan! Thân người khó được, nhưng nếu hết lòng tin kính tôn trọng Tam-bảo lại còn khó hơn, huống chi nghe được danh hiệu của đức Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như-lai còn khó hơn nữa. Này ông A-nan! Đức Phật Dược Sư, đã tu không biết bao nhiêu các hạnh Bồ-tát, đã dùng không biết bao nhiêu phương tiện khéo léo, đã phát không biết bao nhiêu nguyện lớn, nếu ta nói trong một kiếp hay hơn một kiếp, thì kiếp số đó có thể mau hết, nhưng những hạnh nguyện, phương tiện khéo léo của Phật Dược Sư, thì không bao giờ nói cho hết được.

Bấy giờ, ở trong chúng hội có một vị đại Bồ- tát tên là Cứu-thoát, liền từ chổ ngồi đứng dậy, vén y trần vai bên phải, quỳ xuống, cung kính, chấp tay thưa rằng: Bạch đức Thế-tôn! Trong đời tượng pháp về sau, nếu có chúng sanh bị nhiều tai nạn khổ ách, luôn luôn tật bệnh, thân hình gầy ốm, ăn uống không được, môi cổ khô rang, mắt thấy đen tối, tướng chết hiện ra, cha mẹ quyến thuộc, bè bạn quen biết vây quanh khóc lóc. Thân của người bệnh nằm đó, đã thấy sứ giả đến dẫn thần thức đem lại trước mặt Diêm-vương, liền đó vị thần Câu-sanh đem sổ tội phước của người tội đó dâng lên Diêm-vương.

Bấy giờ, vua liền xét hỏi, rồi tính tội phước người kia đã làm, tuỳ theo nặng nhẹ, mà phán xét xử. Lúc đó, nếu có bà con quen biết, vì người bệnh ấy, đối trước hình tượng của Phật Dược Sư quy y với ngài, và thỉnh chư tăng đọc tụng kinh này, đốt đèn bảy từng, treo phan tục mạng năm màu, hoặc trong lúc ấy, hoặc qua bảy ngày, hai mươi mốt ngày, ba mươi lăm ngày, bốn mươi chín ngày, thần thức người bệnh liền được trở lại như vừa tỉnh giấc chiêm bao, tự mình nhớ biết nghiệp lành, nghiệp dữ, và sự quả báo đã thọ. Bởi chính đã thấy nghiệp báo như vậy, dù gặp tai nạn nguy hiểm cả đến tánh mạng, cũng không dám tạo những nghiệp ác nữa. Vì vậy, chúng sanh nào có lòng tin trong sạch, phải nên thọ trì danh hiệu, và tuỳ sức mình cung kính cúng dường hình tượng của đức Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như-lai.

Bấy giờ, tôn giả A-nan hỏi ngài Cứu-thoát Bồ-tát: Kính thưa Bồ-tát! Phải nên cung kính cúng dường hình tượng đức Phật Dược Sư thế nào? Còn đèn và phan tục mạng phải làm cách sao? Cứu-thoát Bồ-tát trả lời: Đại-đức! Nếu có người nào muốn khỏi bệnh khổ, quyến thuộc cuả họ trong bảy ngày đêm, phải giữ tám phần trai giới, tuỳ theo sức mình sắm sửa lễ vật, ẩm thực, cúng dường chư tăng, ngày đêm sáu thời lễ bái cúng dường hình tượng đức Phật Dược Sư, đọc tụng kinh này bốn mươi chín lần, thấp bốn mươi chín ngọn đèn, tạo bảy hình tượng của Phật Dược Sư, trước mỗi hình tượng để bảy ngọn đèn, mỗi ngọn lớn như bánh xe, đốt luôn trong bốn mươi chín ngày đêm đừng để cho tắt, thần phan may bằng tơ lụa năm màu, dài bốn mươi chín gang tay, phóng sanh bốn mươi chín thứ loài vật, thì người bệnh ấy qua khỏi ách nạn, không còn bị nạn chết oan và các ác quỷ nhiễu hại.

Lại nữa, này ông A-nan! Nếu trong dòng Sát- đế-lợi có những vua chúa làm lễ lên ngôi, đang lúc nhân dân trong nước gặp phải các nạn bệnh dịch, nước khác xâm lăng, nội loạn hay bị thiên tai, tinh tú biến ra nhiều điềm quái dị, nhật thực, nguyệt thực, mưa gió trái mùa , hạn hán, bão lụt, thì vị vua đó phải đem lòng từ, thương xót tất cả dân chúng, ân xá cho các tội nhân đang bị giam cầm, rồi y theo pháp đã nói, cúng dường hình tượng đức Phật Dược Sư. Do căn lành này, và nhờ oai đức bổn nguyện của Phật Dược Sư, làm cho trong nước liền được an ổn, mưa hòa gió thuận, lúa thóc được mùa, tất cả dân chúng đều được vui vẽ, không bị bệnh hoạn, không có các thần Dược-xoa bạo ác não hại lê dân, và các ác tướng thảy đều ẩn mất, vị vua chúa đó lại được sống lâu, khỏe mạnh, mọi việc đều thêm lợi ích.

Này ông A-nan! Nếu các hoàng hậu, hoàng phi, công chúa, thái tử, vương tử, đại thần, tể tướng, thể nữ trong cung, bá quan, cùng các lê dân, nếu ai gặp các bệnh khổ và những ách nạn, nên làm thần phan năm màu, thắp đèn sáng luôn, phóng sanh các thứ loài vật, rải hoa đủ màu, đốt các hương thơm, cúng dường hình tượng đức Phật Dược Sư, thì được lành bệnh và thoát những ách nạn ấy.

Lúc ấy, tôn giả A-nan hỏi ngài Cứu-thoát Bồ-tát: Kính thưa Bồ-tát! Tại sao tuổi thọ đã hết mà vẫn còn sống thêm được? Cứu-thoát Bồ-tát trả lời: Đại-đức! Ngài không nghe đức Thế-tôn nói có chín thứ chết oan hay sao? Vậy ta khuyên người làm phan và đèn tục mạng, tu các phước đức, nhờ thế cho nên suốt đời không bị khốn khổ, hoạn nạn.

Tôn giả A-nan lại hỏi: Chín thứ chết oan là gì? Cứu-thoát Bồ-tát trả lời:

Một là nếu chúng sanh nào bị bệnh tuy nhẹ, nhưng không gặp thầy, gặp thuốc, không người chăm sóc, nếu gặp được thầy mà lại cho uống lầm thuốc, nên bệnh không đáng phải chết, mà bị chết oan. Hoặc lúc đang bệnh, tin theo họa phước vu vơ của bọn tà ma ngoại đạo, yêu nghiệât trong đời, sanh lòng rung sợ, mất hết tự chủ, không có chánh kiến, đi xem bói toán, tìm hỏi mối họa, rồi giết sanh vật cúng tế quỷ thần, vái van các loài yêu quái, mong cầu ban phước, xin được sống lâu, nhưng mà chung cuộc không thể nào được toại ý. Tại vì si mê lầm lạc, tin theo tà kiến điên đảo, nên bị chết oan, đọa vào địa ngục đời đời không thoát ra khỏi.

Hai là bị phạm luật pháp mang án tử hình mà chết. 

Ba là say đắm chơi bời săn bắn, đam mê tửu sắc, buông lung vô độ, bị các loài quỷ đoạt mất tinh khí mà chết.

Bốn là chết thiêu.

Năm là chết đắm.

Sáu là bị các thú dữ ăn thịt mà chết.

Bảy là rơi từ núi cao mà chết.

Tám là bị các thuốc độc, thư yếm, chửi rủa, trù ẻo, và quỷ tử thi làm hại mà chết.

Chín là đói khát khốn khổ mà chết.

Đó là chín thứ chết oan mà đức Thế-tôn đã dạy, còn những thứ chết oan khác nhiều đến vô lượng, vô số không thể nói hết.

Lại nữa A-nan! Diêm-vương là chủ ghi chép sổ bộ tên tuổi, tội phước ở trong nhơn gian. Nếu chúng sanh nào bất hiếu cha mẹ, phạm năm tội nghịch, hủy báng Tam-bảo, phá phạm giới cấm, thì ông Diêm-vương tùy tội nặng nhẹ xử phạt. Vì thế, ta khuyên chúng sanh phải nên thắp đèn, làm phan, phóng sanh tu phước, thì sẽ không còn gặp phải các nạn khổ ách.

Bấy giờ, ở trong pháp hội có mười hai vị Dược-xoa Đại-tướng như là:

Tướng Cung Tỳ La

Tướng Phạt Chiếc La

Tướng Mê Suý La

Tướng An Để La

Tướng Ngạch Nễ La

Tướng San Để La

Tướng Nhơn Đạt La

Tướng Ba Di La

Tướng Ma Hổ La

Tướng Chơn Đạt La

Tướng Chiêu Đỗ La

Tướng Tỳ Yết La

Mười hai vị Đại-tướng này, mỗi vị đều có bảy ngàn Dược-xoa để làm quyến thuộc, tất cả đều thưa: Bạch đức Thế-tôn! Hôn nay chúng con nương nhờ oai lực của đức Như-lai, mà được nghe đến danh hiệu của đức Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như-lai, thì chúng con không còn sợ bị đọa vào các đường ác, và đồng trọn đời quy y nơi Phật, Pháp, Tăng thề sẽ gánh vác cho những chúng sanh làm việc nghĩa lợi, đưa đến các sự lợi ích, an vui. Bất cứ nơi nào làng xóm, thành ấp, hoặc trong rừng cây vắng vẻ, nếu có kinh này lưu hành, hay nếu có người hết lòng thọ trì danh hiệu, cung kính, chiêm lễ, cúng dường, hình tượng đức Phật Dược Sư, chúng con cùng hàng quyến thuộc, thảy đều hộ vệ người đó, thoát khỏi ách nạn, và giúp cho họ mong cầu việc chi cũng được toại ý. Nếu có người nào bị bệnh khổ ách, muốn cầu cho khỏi, thì nên trì tụng kinh này, dùng chỉ tơ sợi năm màu kết tên chúng con, khi được như lòng mong cầu thì mới mở ra.

Lúc đó, Thế-tôn khen các Dược-xoa Đại- tướng: Hay thay! Hay thay! Dược-xoa Đại-tướng! Các ông nghĩ muốn báo đáp ân đức của Phật Dược Sư, nên mới phát nguyện làm việc lợi ích, an vui cho những chúng sanh như vậy.

Bấy giờ, tôn giả A-nan thưa rằng: Bạch đức Thế-tôn! Kinh này tên gọi là gì? Chúng con thọ trì cách nào? Phật dạy tôn giả A-nan: Kinh này gọi là: Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai Bổn Nguyện Công Đức; cũng gọi là kinh: Mười Hai Dược Xoa Đại Tướng Kết Nguyện Thần Chú Làm Lợi Chúng Sanh; còn gọi là kinh: Diệt Trừ Hết Thảy Nghiệp Chướng. Nên đúng như vậy thọ trì.

Khi đức Thế-tôn nói kinh này xong, chư đại Bồ-tát, Thanh-văn, vua chúa, đại thần, nam nữ cư sĩ, và Bà-la-môn, tám chúng trời rồng, cùng người và không phải người, hết thảy đại chúng nghe lời Phật dạy vui mừng, tin chịu vâng làm.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 12507)
Ấn là chiếc ấn hay khuôn dấu. Pháp có nghĩa là chánh pháp hay toàn bộ hệ thống tư tưởng trong lời dạy của Đức Phật được ghi lại trong ba tạng thánh điển. Pháp ấn có nghĩa là khuôn dấu của chánh pháp
(Xem: 10396)
Đây là Kinh thứ 16 của Nghĩa Túc Kinh và cũng có chủ đề “Mâu Ni”: Một vị mâu ni thấy như thế nào và hành xử như thế nào khi đứng trước tình trạng bạo động và sợ hãi?
(Xem: 12358)
Các nhà học giả Tây phương cũng như Đông phương đều công nhận hệ thống Bát-nhã là cổng chính yếu dẫn vào Đại thừa.
(Xem: 11661)
Mỗi khi nói về vấn đề niềm tin trong đạo Phật, chúng ta thường hay dẫn chứng những lời Phật dạy trong kinh Kalama.
(Xem: 28819)
Kinh Quán Thế Âm bồ tát cứu khổ nằm trong Vạn tự chánh tục tạng kinh, ta quen gọi là tạng chữ Vạn, quyển1, số 34. Kinh này là một trong những kinh Ấn Độ soạn thuật, thuộc Phương đẳng bộ.
(Xem: 12059)
Trong Kinh Kim Cang có câu, “Nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai.” Nghĩa là, nếu thấy các tướng đều xa lìa tướng, tức là thấy Phật.
(Xem: 13019)
Kinh Kim Cương (hay Kim Cang), tên đầy đủ là Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Đa (Vajracchedika-prajñaparamita), là một trong những bài kinh quan trọng nhất của Phật giáo Đại Thừa
(Xem: 11453)
Trong sách Nhật Tụng Thiền Môn, chúng ta có Kinh Phước Đức, một Kinh nói về đề tài hạnh phúc. Kinh được dịch từ tạng Pali và nằm trong bộ Kinh Tiểu Bộ (Khuddhaka-nikāya).
(Xem: 12385)
Kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật là một bộ kinh hoằng dương rất thịnh, phổ biến rất rộng trong các kinh điển đại thừa.
(Xem: 17456)
Chúng tôi giảng rất nhiều lần bộ kinh Vô Lượng Thọ, tính sơ đến nay cũng khoảng mười lần. Mỗi lần giảng giải đều không giống nhau.
(Xem: 53087)
Phương pháp sám hối Từ bi đạo tràng Mục Liên Sám Pháp - Nghi Thức Tụng Niệm
(Xem: 35498)
Từ bi Đạo Tràng, bốn chữ ấy là danh hiệu của pháp sám hối nầy... Thích Viên Giác dịch
(Xem: 21409)
Giáo pháp được đưa vào thế giới khi Đức Thích Ca chứng đạo tối thượng, lần đầu tiên thuyết về Chân Như và về những phương pháp hành trì đưa đến chứng ngộ.
(Xem: 10686)
Năm 1984 khi bắt đầu lạy kinh Ngũ Bách Danh bằng âm Hán Việt thuở ấy, tôi không để ý mấy về ngữ nghĩa. Vì lúc đó lạy chỉ để lạy theo lời nguyện của mình.
(Xem: 19259)
Thiền sư Nghi Mặc Huyền Khế tìm được những lời của đại sư Hà Ngọc nơi bộ Ngũ Tông lục của Quách Chánh Trung và những trứ tác của các vị Huệ Hà, Quảng Huy, Hối Nhiên...
(Xem: 12425)
Một trong những bộ kinh quan trọng nhất của hệ tư tưởng Phật giáo Bắc truyền, không những có ảnh hưởng to lớn đối với tín đồ Phật giáo mà còn lôi cuốn được sự quan tâm của giới nghiên cứu, học giả Đông Tây, là Kinh Diệu Pháp Liên Hoa.
(Xem: 26055)
Kinh quán Vô Lượng Thọ Phật là một trong ba bộ kinh chính yếu của tông Tịnh Độ, được xếp vào Đại chánh tạng, tập 16, No. 1756.
(Xem: 13324)
Tác phẩm này có thể là hành trang cần thiết cho những ai muốn thực hành Bồ Tát giới theo đúng lời Phật dạy. Vì vậy, tôi trân trọng giới thiệu đến Tăng, Ni, Phật tử.
(Xem: 14391)
Nguyên tác Phạn ngữ Abhidharmakośa của Thế Thân, Bản dịch Hán A-tỳ-đạt-ma-câu-xá luận của Huyền Trang - Việt dịch: Đạo Sinh
(Xem: 16099)
Vào khoảng thời gian Phật ngự tại nước Tỳ Xá Ly, gần đến giờ thọ trai Ngài mới vào thành khất thực. Bấy giờ trong thành Tỳ Xá Ly có một chàng ly xa tên là Tỳ La Tứ Na (Dõng Quân).
(Xem: 13736)
Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp, Bách thiên vạn kiếp nan tao ngộ, Ngã kim kiến văn đắc thọ trì, Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa.
(Xem: 16856)
Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp Bách thiên vạn kiếp nan tao ngộ Ngã kim kiến văn đắc thọ trì Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa
(Xem: 17597)
Vào khoảng 150 năm sau khi Bụt nhập Niết bàn, đạo Bụt chia thành nhiều bộ phái, kéo dài mấy trăm năm. Thời kỳ này gọi là thời kỳ Đạo Bụt Bộ Phái.
(Xem: 13141)
Nói đến kinh Pháp Hoa, các vị danh Tăng đều hết lòng ca ngợi. Riêng tôi, từ sơ phát tâm đã có nhân duyên đặc biệt đối với bộ kinh này.
(Xem: 12544)
A-hàm có thể đẩy tan những dục vọng phiền não đang thiêu đốt chúng ta và nuôi lớn giới thân tuệ mạng thánh hiền của chúng ta...
(Xem: 11618)
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sanh ở Ấn Độ, nên thuyết pháp đều dùng Phạn ngữ, Kinh điển do người sau kiết tập cũng bằng Phạn văn. Những bổn Kinh Phật bằng Trung văn đều từ Phạn văn mà dịch lại.
(Xem: 11630)
Có rất nhiều công trình thâm cứu có tính cách học giả về tác phẩm nầy dưới dạng Anh ngữ, Nhật ngữ và Hoa ngữ liên quan đến đời sống, khái niệm nồng cốt của tư tưởng Trí Khải Đại Sư trong mối tương quan với Phật giáo Trung Quán
(Xem: 14515)
Luật học hay giới luật học là môn học thuộc về hành môn, nhằm nghiên cứuthực hành về giới luật do đức Phật chế định cho các đệ tử
(Xem: 20493)
Quyển sách “Giáo Trình Phật Học” quý độc giả đang cầm trên tay là được biên dịch ra tiếng Việt từ quyển “Buddhism Course” của tác giả Chan Khoon San.
(Xem: 19001)
Tam Tạng Thánh Điển là bộ sưu tập Văn Chương Pali lớn trong đó tàng chứa toàn bộ Giáo Pháp của Đức Phật Gotama đã tuyên thuyết trong suốt bốn mươi lăm năm từ lúc ngài Giác Ngộ đến khi nhập Niết Bàn.
(Xem: 19593)
Hiển Tông Ký là ghi lại những lời dạy về Thiền tông của Thiền sư Thần Hội. Còn “Đốn ngộ vô sanh Bát-nhã tụng” là bài tụng về phương pháp tu đốn ngộ để được trí Bát-nhã vô sanh.
(Xem: 18671)
Uyển Lăng Lục là tập sách do tướng quốc Bùi Hưu ghi lại những lời dạy của thiền sư Hoàng Bá lúc ông thỉnh Ngài đến Uyển Lăng, nơi ông đang trấn nhậm để được sớm hôm thưa hỏi Phật pháp.
(Xem: 12193)
Kinh này dịch từ kinh Pháp Ấn của tạng Hán (kinh 104 của tạng kinh Đại Chính) do thầy Thi Hộ dịch vào đầu thế kỷ thứ mười.
(Xem: 12331)
Đại Chánh Tân Tu số 0158 - 8 Quyển: Hán dịch: Mất tên người dịch - Phụ vào dịch phẩm đời Tần; Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
(Xem: 13868)
Là Bộ Luật trong hệ thống Luật-Tạng do Bộ Phái Nhất Thiết Hữu thuộc hệ Thượng Tọa Bộ Ấn Độ kiết tập...Đại Tạng No. 1451
(Xem: 15042)
“Triệu Luận” là một bộ luận Phật Giáo do Tăng Triệu, vị học giả Bát nhã học, bậc cao tăng nổi tiếng đời Hậu Tần Trung Quốc, chủ yếu xiển thuật giáo nghĩa Bát nhã Phật Giáo.
(Xem: 15047)
Bộ chú giải này là một trong năm bộ luận giải thích về luật trong Luật bộ thuộc Hán dịch Bắc truyền Đại tạng kinh lưu hành tại Trung quốc và được đưa vào Đại chính tân tu Đại tạng kinh N.1462, tập 24 do Nhật bản biên tập.
(Xem: 13998)
Dịch theo bản in lần thứ nhất của Hoa Tạng Phật Giáo Đồ Thư Quán, Đài Bắc, tháng 2, năm Dân Quốc 81 - 1992
(Xem: 15531)
Hữu Bộ là một trường phái Phật Giáo quan trọng. Nếu không kể Thượng Toạ Bộ (Theravada, Sthaviravada) thì Hữu Bộbộ phái Phật Giáo duy nhất có được một hệ thống giáo lý gần như nguyên thuỷ...
(Xem: 11408)
Tôi nghe như vầy vào khoảng thời gian đức Phật ngự tại tinh xá Kỳ Hoàn thuộc nước Xá Vệ có ngàn vị tỳ theo tăng và mười ngàn đại Bồ tát theo nghe pháp.
(Xem: 17204)
Biện chứng Phá mê Trừ khổ - Prajnaparamita Hrdaya Sutra (Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm kinh); Thi Vũ dịch và chú giải
(Xem: 14987)
Là 2 bản Kinh: Kinh Phật Thuyết A Di Đà No. 366 và Kinh Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ No. 367
(Xem: 20225)
Bát-nhã tâm kinh (prajñāpāramitāhṛdayasūtra) là một bản văn ngắn nhất về Bát-nhã ba-la-mật (prajñā-pāramitā). Trong bản Hán dịch của Huyền Trang, kinh gồm 262 chữ.
(Xem: 14630)
Như thật tôi nghe một thuở nọ Phật cùng các Tỳ kheo vân tập tại vườn cây của Trưởng giả Cấp cô ĐộcThái tử Kỳ Đà ở nước Xá Vệ.
(Xem: 13858)
Kinh này dịch từ kinh số 301 trong bộ Tạp A Hàm của tạng Hán. Tạp A Hàm là kinh số 99 của tạng kinh Đại Chính.
(Xem: 11717)
Đây là những điều tôi đã được nghe: Hồi ấy, có những vị thượng tọa khất sĩ cùng cư trú tại vườn Lộc Uyển ở Isipatana thành Vārānasi. Đức Thế tôn vừa mới nhập diệt không lâu.
(Xem: 15074)
Kinh Mục Kiền Liên hỏi năm trăm tội khinh trọng trong Giới Luật; Mất tên người dịch sang Hán văn, Thích Nguyên Lộc dịch Việt
(Xem: 13005)
Hán dịch: Hậu Hán, Tam tạng An Thế Cao người nước An Tức; Việt dịch: Tì-kheo Thích Nguyên Chơn.
(Xem: 22899)
Đại Chánh Tân Tu, Bộ Kinh Tập, Kinh số 0434;, dịch Phạn sang Hán: Nguyên Ngụy Thiên Trúc Tam Tạng Cát-ca-dạ; Dịch Hán sang Việt và chú: Tỳ-kheo Thích Hạnh Tuệ...
(Xem: 14563)
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không. Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore. Người dịch: Vọng Tây cư sĩ. Biên tập: Phật tử Diệu Hương, Phật tử Diệu Hiền
(Xem: 11671)
Kinh này là kinh thứ mười trong Nghĩa Túc Kinh, nhưng lại là kinh thứ mười một trong Atthaka Vagga, kinh tương đương trong tạng Pali.
(Xem: 13176)
Có thể xem đây là "tập sách đầu giường" hay "đôi tay tỳ-kheo"; rất cần thiết cho mỗi vị Tỳ-kheo mang theo bên mình để mỗi ngày mở ra học tụng cho nhuần luật nghi căn bản.
(Xem: 16893)
Không Sát Sanh là giới thứ nhất trong Ngũ Giới. Chúng ta đang sống trong một thế giới bất toàn, mạnh hiếp yếu, lớn hiếp nhỏ, giết chóc tràn lan khắp nơi.
(Xem: 18354)
Kể từ khi đạo Phật truyền vào nước ta, hàng Phật tử tại gia trong bất cứ thời đại nào và hoàn cảnh nào cũng đã có những đóng góp thiết thực trong sứ mạng hộ trìhoằng dương chánh pháp.
(Xem: 11952)
Tạng Luật (Vinayapiṭaka) thuộc về Tam Tạng (Tipiṭaka) là những lời dạy và quy định của đức Phật về các vấn đềliên quan đến cuộc sống...
(Xem: 11510)
Sau khi Đức Phật nhập diệt, Trưởng lão Māhakassapa (Ma-ha Ca-diếp) triệu tập 500 vị Tỳ-khưu A-la-hán để trùng tụng Pháp và Luật.
(Xem: 15861)
Bồ Tát Long Thọ - Cưu Ma La Thập Hán dịch; Chân Hiền Tâm Việt dịch & Giải thích; Xuất Bản 2007
(Xem: 12895)
Ngài Long Thọ, tác giả Trung Quán Luận và những kinh sách khác, được chư thiền đức xưng tán là Đệ nhị Thích Ca, đã vạch ra thời kỳ chuyển pháp lần thứ hai.
(Xem: 18930)
Vị Tăng, lấy Phật làm tính, lấy Như-Lai làm nhà, lấy Pháp làm thân, lấy Tuệ làm mệnh, lấy Thiền-duyệt làm thức ăn.
(Xem: 18434)
Trong Vi Diệu Pháp cả danh và sắc, hai thành phần tâm linhvật chất cấu tạo guồng máy phức tạp của con người, đều được phân tách rất tỉ mỉ.
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant