Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới

Phần một

06 Tháng Mười Hai 201100:00(Xem: 16599)
Phần một

KINH ĐẠI BÁT NIẾT-BÀN

Đoàn Trung Còn, Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải 
Nguyễn Minh Hiển hiệu đính

 QUYỂN MƯỜI 
PHẨM ĐẠI CHÚNG THƯA HỎI
Phẩm thứ năm - Phần một[1]

Lúc ấy, từ nơi khoảng giữa hai chân mày trên trán, Thế Tôn phóng ra hào quang đủ các màu xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng, tía, chiếu đến thân Thuần-đà. Thuần-đà chạm hào quang ấy rồi liền cùng với quyến thuộc mang những thức ăn ngon đến chỗ Phật, muốn được cúng dường Như Lai và các vị tỳ-kheo tăng lần sau cùng. Những bát đĩa đủ loại chứa đầy thức ăn được đưa đến phía trước đức Phật.

Lúc ấy có những vị thiên nhân oai đức lớn đến ngăn phía trước mặt và vây quanh bảo Thuần-đà rằng: “Thuần-đà! Hãy đứng lại đó, chớ vội cúng dường.” 

Đang lúc ấy, Như Lai lại phóng ra vô lượng vô biên đủ loại hào quang. Đại chúng chư thiên chạm phải hào quang này rồi liền để cho Thuần-đà đi đến chỗ Phật mà dâng hiến lễ cúng.

Lúc ấy, chư thiên và tất cả chúng sanh thảy đều tự mang những vật thực cúng dường của mình đến phía trước Phật, quỳ mọp xuống bạch Phật rằng: “Nguyện đức Như Lai cho phép chư tỳ-kheo thọ nhận các món ăn này.”

Lúc ấy, chư tỳ-kheo biết là đã đúng giờ, bèn đắp y, ôm bát, định tâm an ổn. Lúc ấy, Thuần-đà vì Phật và chư Tăng mà sắp xếp các tòa sư tử quý báu, treo các phướn, lọng bằng lụa, chuỗi ngọc hương hoa... Lúc ấy, cõi Tam thiên đại thiên được trang nghiêm vi diệu, dường như cõi nước An Lạc ở phương tây.[2]

Bấy giờ Thuần-đà đứng trước Phật, ưu bi thảm đạm, bạch Phật một lần nữa: “Nguyện được Như Lai đem lòng thương xót, trụ lại cõi thế này một kiếp hoặc một kiếp giảm.”

Phật bảo Thuần-đà: “Như ông muốn ta trụ lâu cõi thế, vậy hãy mau cúng dường lần cuối cùng để cho trọn vẹn hạnh Bố thí Ba-la-mật[3] của ông.”

Bấy giờ, tất cả các vị Đại Bồ Tátchư thiên, loài người, tuy khác miệng mà đồng âm, thảy đều nói lên những lời này: “Lạ thay, Thuần-đà! Người được phước đức lớn, có thể khiến Như Lai thọ nhận bữa cúng dường cuối cùng cao trổi hơn hết. Chúng ta đây không có phước nên mọi lễ vật bày ra phải bị dẹp bỏ.” 

Bấy giờ, muốn làm cho tất cả Đại chúng đều được thỏa lòng, từ mỗi lỗ chân lông nơi thân của Thế Tôn liền hóa ra vô lượng chư Phật, mỗi đức Phậtvô lượng chư tỳ-kheo tăng [vây quanh]. Chư Thế Tôn ấy và vô lượng đại chúng thảy đều thị hiện thọ nhận đồ cúng dường của chư thiênloài người. Đức Thích-ca Như Lai tự ngài thọ nhận bữa cơm mà Thuần-đà cúng dường

Lúc ấy, món cơm vừa nấu chín mà Thuần-đà dâng lên được lấy ở nước Ma-kiệt-đà,[4] chứa đầy tám hộc.[5] Nhờ sức thần của Phật mà có thể làm cho tất cả chúng hội đều no đủ.

Bấy giờ, Thuần-đà nhìn thấy như vậy rồi, trong lòng lấy làm vui vẻ, phấn khởi vô cùng. Tất cả đại chúng cũng vậy. Lại nương theo ý Phật, tất cả đại chúng đều nghĩ rằng: “Nay Như Lai đã thọ nhận đồ dâng cúng của chúng ta, ắt không bao lâu nữa sẽ vào Niết-bàn.” Nghĩ như vậy rồi, ai lấy đều cảm thấy buồn vui lẫn lộn.

Khi ấy, đất đai ở rừng cây tuy nhỏ hẹp nhưng nhờ sức thần của Phật nên mỗi khoảng đất như đầu kim cũng đều có vô lượng chư Phật Thế Tôn cùng quyến thuộc ngồi thọ thực. Món ăn của tất cả các vị đều không khác biệt nhau.

Lúc ấy, chư thiên, loài người, a-tu-la đều than khóc sầu thảm, cùng nói lời này: “Hôm nay Như Lai đã thọ bữa cúng dường cuối cùng do chúng ta dâng hiến. Thọ cúng dường rồi ngài sẽ vào Niết-bàn. Rồi đây chúng ta còn biết cúng dường cho ai? Chúng ta sắp vĩnh biệt đức Điều ngự vô thượng, sẽ trở nên tối tăm như những kẻ mù lòa.”

Bấy giờ, đức Thế Tôn vì muốn an ủi tất cả đại chúng liền nói kệ rằng: 

“Các ông đừng sầu thảm, 
Pháp Phật đều như vậy.
Ta vào cõi Niết-bàn, 
Đã qua vô lượng kiếp.
Thường hưởng vui tột bậc, 
Vĩnh viễn nơi yên ổn.
Nay phải hết lòng nghe, 
Ta dạy pháp Niết-bàn.
Ta đã lìa ăn uống
Không có sự đói khát.
Nay ta vì các ông, 
Thuyết giảng nguyện tùy thuận
Khiến cho toàn đại chúng
Đều được vui an ổn.
Nghe xong, nên tu hành
Phật và Pháp thường trụ.
Ví như quạ, chim cú[6]
Cùng đậu chung một cây, 
Như anh em thân thiết
Mới Niết-bàn vĩnh viễn.
Như Lai thương tất cả,
Đồng như La-hầu-la, 
Chúng sanh thường tôn kính
Sao dứt vào Niết-bàn?
Giả sử rắn, chuột, sói, 
Cùng ở chung một hang, 
Thương nhau như anh em, 
Mới Niết-bàn vĩnh viễn.
Như Lai thương tất cả,
Đồng như La-hầu-la, 
Chúng sanh thường tôn kính
Sao dứt vào Niết-bàn?
Giả sử hoa thất diệp, 
Tỏa hương hoa bà-sư; 
Trái cây ca-lưu-ca, 
Biến thành trái trấn-đầu,[7]
Ta mới vào Niết-bàn.
Như Lai thương tất cả,
Đồng như La-hầu-la, 
Sao lại bỏ từ bi,
Vào mãi nơi Niết-bàn?
Giả sử nhất-xiển-đề, 
Ngay đời này thành Phật
Thọ hưởng vui bậc nhất, 
Ta mới vào Niết-bàn.
Như Lai thương tất cả,
Đồng như La-hầu-la, 
Sao lại bỏ từ bi,
Vào mãi nơi Niết-bàn?
Giả sử toàn đại chúng
Cùng lúc đều thành Phật
Lìa hẳn mọi lỗi lầm
Ta mới vào Niết-bàn.
Như Lai thương tất cả,
Đồng như La-hầu-la, 
Sao lại bỏ từ bi,
Vào mãi nơi Niết-bàn?
Như nước tiểu loài muỗi,
Ướt đẫm khắp mặt đất, 
Núi non, trăm sông suối, 
Ngập tràn cả biển lớn. 
Nếu có chuyện như vậy, 
Ta mới vào Niết-bàn.
Lòng bi thương tất cả, 
Đồng như La-hầu-la, 
Chúng sanh thường tôn kính
Sao dứt vào Niết-bàn?
Các ông vì lẽ ấy
Nên hâm mộ Chánh pháp.
Chẳng nên sanh sầu não
Than khóc và kể lể.
Muốn thành hạnh chân chánh, 
Nên tu Như Lai thường, 
Nên quán pháp thế này: 
Lâu dài, không biến đổi.
Lại nên nghĩ thế này: 
Tam bảo đều thường trụ.
Liền được che chở lớn, 
Như cây khô sanh quả.[8]
Đó gọi là Tam bảo.
Bốn chúng[9] nên nghe kỹ.
Nghe rồi nên vui vẻ
Liền phát tâm Bồ-đề.
Có thể biết Tam bảo 
thường trụ, chân thật
Đó là nguyện cao nhất, 
Của tất cả chư Phật.

“Như có những tỳ-kheo, tỳ-kheo ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di có thể nương theo lời nguyện cao nhất của Như Laiphát nguyện, nên biết rằng những người ấy không hề ngu si, đủ sức thọ lãnh sự cúng dường. Nhờ sức nguyện ấy, quả báo công đức là cao trổi nhất trong thế gian, cũng như bậc A-la-hán. Nếu có những ai không thể quán tưởng lẽ Tam bảo thường tồn, thì đó là hạng chiên-đà-la.[10] Những ai có thể biết lẽ Tam bảo thường trụ, nhân duyên thật pháp thì lìa được khổ não, đạt được an vui, không phải chịu những sự nhiễu hại hoặc tai nạn.”

Lúc ấy, đại chúng gồm chư thiên, loài người và a-tu-la nghe pháp ấy rồi, sanh lòng vui vẻ, phấn khởi vô cùng. Tâm họ trở nên thuần thục hiền hòa, khéo trừ được những thứ che lấp,[11] không còn có tâm phân biệt cao thấp, oai đức thanh tịnh, vẻ mặt vui tươi, biết rằng Phật là thường trụ. Cho nên họ bày ra những món cúng dường của chư thiên, rảy các thứ hoa, hương bột, hương thoa, và trỗi lên những khúc nhạc trời để cúng dường Phật.

Bấy giờ, Phật bảo Bồ Tát Ca-diếp: “Thiện nam tử! Ông có thấy việc ít có trong đại chúng này chăng?”

Ca-diếp thưa rằng: “Bạch Thế Tôn, con đã thấy! Con thấy các đức Như Lai vô lượng vô biên không thể nói hết, thọ nhận thức ăn uống của đại chúng chư thiênloài người cúng dường. Con lại thấy chư Phật thân tướng cao lớn đẹp đẽ ngồi nơi chỗ ngồi chỉ bằng đầu cây kim, lại có rất nhiều người hầu quanh mà vẫn không đụng chạm, chướng ngại. Con lại thấy đại chúng thảy đều phát lời thệ nguyện nói ra mười ba bài kệ. Con cũng biết trong đại chúng ai nấy đều tự nghĩ rằng: ‘Hôm nay đức Như Lai riêng thọ nhận sự cúng dường của tôi.’

“Giả sử thức ăn uống mà Thuần-đà phụng hiến đó nghiền nát thành những hạt bụi rất nhỏ, rồi cúng dường cho mỗi vị Phật chỉ một hạt bụi đó thôi cũng không đủ số, nhưng nhờ sức thần của Phật mà được đầy đủ cho đến hết thảy đại chúng. Chỉ có chư Đại Bồ Tát và những vị như Pháp vương tử Văn-thù-sư-lợi mới có thể biết được việc ít có như vậy. Đó là chỗ phương tiện thị hiện của Như Lai vậy. Đại chúng Thanh văn và hàng a-tu-la thảy đều biết rằng Như Laipháp thường trụ.”

Lúc ấy, Thế Tôn bảo Thuần-đà rằng: “Sự việc ông thấy hôm nay có phải là kỳ lạ ít có hay chăng?”

Thuần-đà thưa: “Quả thật vậy, Thế Tôn! Trước con đã thấy vô lượng chư Phật đầy đủ ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm nơi thân. Bây giờ con chỉ thấy các vị Đại Bồ Tát tướng mạo quý lạ, cao lớn đẹp đẽ, duy thấy thân Phật như cây thuốc chúa[12] có các vị Đại Bồ Tát vây quanh.”

Phật bảo Thuần-đà: “Lúc nãy ông nhìn thấy vô lượng chư Phật đều là do ta hóa hiện để làm lợi ích cho tất cả chúng sanh, khiến họ được vui vẻ; còn các vị Đại Bồ Tát ấy thì chỗ tu hành đạt đến đều không thể nghĩ bàn, có thể làm được vô số Phật sự.

“Thuần-đà! Nay ông đã thành tựu hạnh Bồ Tát ma-ha-tát, được trụ ở hàng Thập địa, đã làm xong những việc cần làm.”

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Đúng vậy, đúng vậy! Quả như lời Phật dạy, chỗ tu tập của Thuần-đà đã thành tựu hạnh Bồ Tát, con cũng mừng cho ông ấy. Nay đức Như Lai vì muốn chiếu ánh sáng lớn cho vô lượng chúng sanh đời vị lai nên thuyết giảng kinh Đại thừa Đại Niết-bàn này.

“Bạch Thế Tôn! Ý nghĩa giảng thuyết trong tất cả Khế kinhhữu dư hay vô dư?[13]

Phật dạy: “Thiện nam tử! Ý nghĩa trong các pháp ta thuyết giảnghữu dư, cũng là vô dư.”

Thuần-đà bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Như Phật có nói kệ: 

“Những gì mình có, 
Bố thí hết thảy, 
Chỉ được khen ngợi, 
Không hề thiệt mất.

“Bạch Thế Tôn! Nghĩa ấy là thế nào? Trì giớiphá giới có gì khác nhau?”

Phật dạy: “Chỉ trừ [việc bố thí cho] một người, còn ngoài ra hết thảy sự bố thí đều đáng khen ngợi.”

Thuần-đà hỏi rằng: “Tại sao gọi là chỉ trừ một người?” 

Phật dạy: “Đó là người phá giới như đã thuyết giảng trong kinh này.”

Thuần-đà lại bạch Phật: “Nay con chưa hiểu, xin Phật dạy rõ.”

Phật bảo Thuần-đà: “Nói phá giới đó là hạng nhất-xiển-đề. Ngoài ra, hết thảy những chỗ bố thí đều đáng khen ngợi, được quả báo lớn.”

Thuần-đà lại thưa hỏi: “Nói nhất-xiển-đề nghĩa là thế nào?”

Phật dạy: “Thuần-đà! Như có tỳ-kheo, tỳ-kheo ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di nói ra những lời thô ác, phỉ báng Chánh pháp, tạo nghiệp nặng như vậy mà vĩnh viễn không hối cải, lòng không chút hổ thẹn. Những người như vậy gọi là hướng theo con đường nhất-xiển-đề.

“Như có những kẻ phạm Bốn tội trọng, làm Năm tội nghịch, tự biết chắc rằng mình đã phạm tội nặng như vậy, nhưng trong lòng không hề sợ sệt, hổ thẹn, không chịu bộc lộ ra, đối với Chánh pháp không hề có lòng mến tiếc, ủng hộ, xây dựng, lại chê bai khinh dể, nói ra nhiều điều sai trái. Những người như vậy, cũng gọi là hướng theo con đường nhất-xiển-đề.

“Lại như có kẻ nói rằng: ‘Không có Phật, Pháp, Tăng’, đó cũng gọi là hướng theo con đường nhất-xiển-đề.

“Chỉ trừ những kẻ nhất-xiển-đề như thế, ngoài ra bố thí cho tất cả đều đáng khen ngợi.”

Lúc ấy, Thuần-đà lại bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Nói phá giới là nghĩa như thế nào?”

Phật dạy: “Thuần-đà! Nếu phạm Bốn giới cấm nặng cùng Năm tội nghịch, phỉ báng Chánh pháp, những người như vậy gọi là phá giới.”

Thuần-đà lại hỏi: “Phá giới như vậy, còn có thể cứu vớt được chăng?”

Phật dạy: “Thuần-đà! Nếu có nhân duyên thì có thể cứu vớt được. Chẳng hạn như vẫn chưa cởi bỏ pháp phục, trong tâm thường tự biết hổ thẹn, sợ sệt, luôn tự trách mình rằng: ‘Chao ôi! Sao ta phạm tội nặng như thế? Quái lạ thay! Sao ta tạo nghiệp khổ như thế?’ Trong lòng liền cải hối, sanh tâm hộ pháp, muốn tạo lập Chánh pháp, nghĩ rằng: ‘Nếu có ai hộ pháp, tôi sẽ cúng dường. Nếu có ai đọc tụng kinh điển Đại thừa, tôi sẽ đến thưa hỏi [người ấy] và thọ trì, đọc tụng. Khi đọc tụng thông suốt rồi, tôi lại sẽ vì người khác phân biệt giảng rộng.’ Ta dạy rằng người như vậy chẳng phải là phá giới

“Vì sao vậy? Thiện nam tử! Ví như mặt trời hiện ra có thể trừ được tất cả những sự mờ mịt, tối tăm. Kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn này xuất hiện hưng thạnh ở thế gian cũng vậy, có thể trừ được các tội mà chúng sanh đã làm trong vô lượng kiếp. Cho nên kinh này dạy rằng: ‘Ủng hộ Chánh pháp được quả báo lớn, cứu vớt những kẻ phá giới.’ 

“Như có ai hủy báng Chánh pháp mà có thể tự cải hối, trở về với pháp, tự xét rằng tất cả những điều bất thiện mà mình đã làm đó như tự hại lấy mình, bèn sanh lòng lo sợ, kinh hãi, hổ thẹn, [nghĩ rằng:] ‘Trừ Chánh pháp này ra, không còn chỗ cứu hộ nào khác. Vậy nên phải trở về với Chánh pháp.’ Nếu [ai] có thể quay về nương tựa [Chánh pháp] theo lời ta dạy như thế, thì bố thí cho người ấy sẽ được phước vô lượng. Người ấy cũng được xưng là xứng đáng thọ nhận sự cúng dường. Nếu ai đã phạm những tội ác kể trên mà trải qua một tháng hoặc mười lăm ngày không khởi tâm quay về nương tựa [Chánh pháp], phát lộ [lỗi lầm], thì việc bố thí cho người ấy được quả báo rất ít ỏi.

“Người phạm Năm tội nghịch cũng vậy, nếu có thể sanh tâm hối lỗi, trong lòng luôn biết hổ thẹn: ‘Nay tôi đã làm nên nghiệp bất thiện, thật là khổ lớn! Tôi nên tạo lập và hộ trì Chánh pháp.’ Người như vậy không gọi là phạm Năm tội nghịch, nếu bố thí cho người ấy sẽ được phước vô lượng. Như ai phạm tội nghịch rồi chẳng sanh lòng quay lại nương tựa [Chánh pháp], hộ pháp, nếu bố thí cho người ấy thì phước đức không đáng kể.

“Lại nữa, thiện nam tử! Về kẻ phạm tội nặng, ông nay hãy lắng nghe cho kỹ, ta sẽ vì ông mà phân biệt giảng rộng. Nên sanh tâm như thế này: ‘Chánh pháp là kho tàng sâu kín của Như Lai, cho nên tôi sẽ hộ trì, xây dựng.’ Bố thí cho người như vậy sẽ được quả báo tốt đẹp.

“Thiện nam tử! Ví như có người đàn bà mang thai gần sanh, gặp khi trong nước loạn lạc, liền trốn sang nước khác, ở trong một cái miếu thờ thần, rồi sanh con tại đó. Khi nghe rằng nước cũ của mình được yên ổn sung túc, bèn dắt con định trở về. Nửa đường gặp một con sông, nước ngập tràn trề chảy xiết. Cô bế con lên nhưng không thể lội tới bờ bên kia, liền tự nghĩ rằng: ‘Nay ta thà cùng sống chết với con, quyết không bỏ con để qua sông một mình.’ Vừa nghĩ như vậy rồi thì cả hai mẹ con liền chìm xuống nước mà chết. Sau khi chết, cô được sanh lên cõi trời. Đó là nhờ lòng thương con, muốn đưa con qua sông, chứ cô ấy vốn tánh xấu ác. Nhờ thương con mà cô được sanh lên cõi trời.[14] 

“Kẻ phạm bốn giới cấm nặng, năm tội vô gián, nếu sanh lòng hộ pháp thì cũng như vậy. Tuy trước đã tạo nghiệp bất thiện nhưng nhờ hộ pháp nên được trở thành ruộng phước cao trổi nhất ở thế gian. Người hộ pháp ấy có quả báo vô lượng như vậy.”

Thuần-đà lại bạch Phật: “Thế Tôn! Nếu kẻ nhất-xiển-đề có thể tự cải hối, cung kính cúng dường, ngợi khen Tam bảo. Bố thí cho kẻ ấy có được quả báo lớn hay chăng?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Nay ông chớ nên nói ra lời ấy. Thiện nam tử! Ví như có người kia ăn trái am-la rồi nhả hạt xuống đất. Nhưng người ấy lại nghĩ rằng: ‘Trong cái hạt này chắc có vị ngọt.’ Liền nhặt hạt lên, đập ra mà nếm. Thấy vị rất đắng, liền sanh lòng hối tiếc. Vì sợ mất giống trái, người ấy liền nhặt hết những mảnh hạt rồi trồng xuống đất, siêng năng chăm sóc, tùy theo lúc thích hợp mà tưới bằng bơ, dù, sữa. Ý ông thế nào? Hạt ấy có thể mọc lên chăng?”

Thuần-đà thưa: “Bạch Thế Tôn, không thể được! Ví như có được cơn mưa tốt lành nhất cũng không thể mọc mầm lên được!”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Kẻ nhất-xiển-đề kia lại cũng như vậy, căn lành đã bị cháy mất cả rồi, còn do đâu mà được trừ tội? Thiện nam tử! Nếu còn có thể phát sanh lòng lành thì không gọi là nhất-xiển-đề.

“Thiện nam tử! Vì nghĩa ấy nên quả báo của hết thảy mọi việc bố thí chẳng phải là không khác nhau. Vì sao vậy? Bố thí cho hàng Thanh văn thì được quả báo khác. Bố thí cho Bích-chi Phật lại được quả báo khác nữa. Chỉ có sự bố thí [cúng dường] đức Như Lai là được quả báo cao nhất. Cho nên ta dạy rằng: ‘Tất cả các việc bố thí chẳng phải là không có khác biệt.’” 

Thuần-đà thưa hỏi: “Vì sao Như Lai thuyết bài kệ ấy?” 

Phật dạy: “Thuần-đà! Vì có nhân duyên ta mới thuyết kệ ấy. Trong thành Vương Xá có một ưu-bà-tắc lòng tin không trong sạch, phụng sự bọn ngoại đạo Ni-kiền.[15] Người ưu-bà-tắc ấy có đến hỏi ta về nghĩa bố thí. Vì nhân duyên đó ta mới thuyết bài kệ ấy. Ta cũng vì chư Đại Bồ Tát nên thuyết giảng nghĩa của kho tàng [Chánh pháp] sâu kín.” 

Thuần-đà lại hỏi: “Thế Tôn! Như bài kệ ấy, ý nghĩa như thế nào?” 

Phật dạy: “Nói ‘hết thảy’ là [muốn chỉ đến một] ít phần trong tất cả. Nên biết rằng Đại Bồ Tát là bậc anh hùng trong nhân loại, thâu nhiếp những kẻ nghiêm trì giới luật, bố thí cho đủ mọi sự cần dùng; lại trừ bỏ kẻ phá giới như trừ bỏ loài cỏ dại.

“Lại nữa, thiện nam tử! Như trước đây ta có thuyết kệ rằng: 

“Hết thảy các sông, 
Đều có khúc quanh. 
Hết thảy rừng rậm, 
Đều là cây cối. 
Hết thảy người nữ, 
Lòng không ngay thẳng
Hết thảy tự tại
Đều được an vui.”

Lúc ấy, Bồ Tát Văn-thù-sư-lợi liền từ chỗ ngồi đứng dậy, vén tay áo bên vai phải, quỳ gối phải sát đất, kính lễ dưới chân Phật rồi nói kệ rằng: 

“Chẳng phải hết thảy sông, 
Đều là chảy uốn khúc, 
Chẳng phải hết thảy rừng, 
Đều là cây cối hợp. 
Chẳng phải mọi người nữ,
Lòng đều không ngay thẳng
Hết thảy người tự tại
Chưa hẳn được an vui.

“Thế Tôn! Phật giảng thuyết kệ ấy chắc hẳn còn chưa hết nghĩa. Xin Phật rủ lòng thương xót giảng giải nhân duyên ấy. 

“Vì sao vậy? Trong cõi Tam thiên đại thiên này có một cái bãi tên là Câu-da-ni. Dưới bãi có một con sông ngay thẳng không uốn khúc, tên là Ta-bà-da, thẳng như đường dây mực, chảy vào Tây hải. Trong các kinh khác Phật chưa từng nói đến tướng trạng sông này. Nguyện đức Như Lai nhân kinh Phương đẳng này và kinh A-hàm mà nói nghĩa còn lại, để cho các vị Bồ Tát hiểu sâu nghĩa ấy.

“Thế Tôn! Ví như có người trước đã biết khoáng vàng, nhưng sau chẳng biết vàng ròng. Như Lai cũng thế, ngài hiểu biết tường tận các pháp, nhưng chỗ diễn thuyết chưa trọn hết nghĩa. Tuy Như Lai giảng nghĩa chưa trọn hết, nhưng nên tùy phương tiện để hiểu được ý thú.

“Hết thảy rừng rậm đều là cây cối, câu ấy cũng chưa trọn nghĩa. Vì sao vậy? Vì có rất nhiều cây quý bằng vàng, bạc, lưu ly mà người ta cũng gọi là rừng!

“Hết thảy người nữ lòng không ngay thẳng, câu này cũng chưa trọn nghĩa. Vì sao vậy? Vì có những phụ nữ khéo giữ gìn giới cấm, thành tựu công đức, có lòng đại từ bi

“Hết thảy tự tại đều được an vui, câu này cũng chưa trọn nghĩa. Vì sao vậy? Vì chỉ có bậc Thánh đế Thích-ca được nuôi dưỡng trong Chánh pháp, là đấng Pháp vương Như Lai, không tùy thuộc ma chết, không thể dứt mất, [mới thật là tự tại an vui]. Còn những vị Phạm vương, Đế-thích, chư thiên... tuy có được tự tại nhưng đều là vô thường. Nếu là thường trụ, không biến đổi mới đáng gọi là tự tại. Như thế tức là Đại thừa Đại Bát Niết-bàn.” 

Phật dạy: “Thiện nam tử! Nay ông khéo được tài biện thuyết không ngăn ngại.[16] Hãy ngừng lại, lắng nghe đây!

“Văn-thù-sư-lợi! Ví như vị trưởng giả, thân thường có bệnh khổ. Lương y chẩn mạch, làm cho món thuốc cao. Bấy giờ người bệnh vì lòng tham nên muốn uống nhiều thuốc ấy. Lương y liền bảo rằng: ‘Nếu có thể tiêu hóa được mới nên uống nhiều, còn ông thân thể suy yếu, chớ nên uống nhiều. Nên biết rằng thuốc cao ấy là cam lộ mà cũng là độc dược. Nếu uống nhiều mà không tiêu hóa tức là độc dược.

“Thiện nam tử! Nay ông chớ nên cho rằng lời của lương y ấy là trái nghĩa lý, làm mất sự hiệu nghiệm của món thuốc cao. Thiện nam tử! Như Lai cũng thế, ngài vì [muốn giáo hóa] các vị quốc vương, hậu phi, thái tử, vương tử, đại thần nên nhân lúc vua Ba-tư-nặc cùng vương tử và các hậu phi của vua ấy có lòng kiêu mạn, liền điều phục họ bằng cách thị hiện cho họ hoảng sợ, cũng như vị lương y kia. Cho nên mới thuyết kệ rằng: 

“Hết thảy các sông, 
Đều có khúc quanh. 
Hết thảy rừng rậm, 
Đều là cây cối. 
Hết thảy người nữ, 
Lòng không ngay thẳng
Hết thảy tự tại
Đều được an vui.”

“Văn-thù-sư-lợi! Nay ông nên biết, những điều Như Lai thuyết dạy không hề sai sót. Như cõi đất này có thể bị đảo ngược, nhưng lời nói của Như Lai không hề có chỗ sai sót. Vì nghĩa ấy, hết thảy những điều Như Lai thuyết giảng đều còn có nghĩa khác.”

Lúc ấy Phật khen ngợi Văn-thù-sư-lợi rằng: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Ông biết nghĩa ấy đã lâu, nhưng vì lòng thương xót tất cả, muốn cho chúng sanh được trí huệ nên ông mới hỏi rộng Như Lai về nghĩa của bài kệ ấy.”

Lúc ấy, Pháp vương tử Văn-thù-sư-lợi lại đối trước Phật đọc kệ rằng: 

Với lời người khác, 
Tùy thuận chẳng nghịch. 
Đừng xét kẻ khác, 
Làm hoặc chẳng làm. 
Chỉ tự xét mình
Thiện hay bất thiện.

“Thế Tôn! Ngài thuyết giảng về món thuốc pháp đó, chẳng phải là thuyết chánh. ‘Với lời người khác tùy thuận chẳng nghịch’, nguyện xin Như Lai rủ lòng thương thuyết giảng lẽ chân chánh. Vì sao vậy? Thế Tôn thường nói: ‘Tất cả các môn học của ngoại đạo, chín mươi lăm thứ, đều hướng theo nẻo ác.’ Các đệ tử Thanh văn đều noi theo đường chân chánh, khéo hộ trì cấm giới, gìn giữ oai nghi, thủ hộ các căn. Những người như vậy rất hâm mộ đại pháp, đi theo đường lành. Tại sao trong chín bộ kinh, Như Lai chê bai họ, quở trách họ? Như nghĩa của bài kệ ấy là hướng về đâu?”

Phật bảo Văn-thù-sư-lợi: “Thiện nam tử! Ta nói bài kệ ấy chẳng phải vì hết thảy chúng sanh, chỉ vì vua A-xà-thế lúc đó mà thôi. Nếu chẳng có nhân duyên, chư Phật Thế Tôn không hề nói lẽ trái ngược. Vì có nhân duyên nên ta mới thuyết như vậy.

“Thiện nam tử! Vua A-xà-thế giết cha rồi liền đến chỗ ta, muốn khuất phục ta nên cật vấn rằng: ‘Này Thế Tôn, thế nào là ngài thật có trí hiểu biết tất cả, hay ngài không phải hiểu biết tất cả? Nếu là hiểu biết tất cả, thì Điều-đạt trong vô số kiếp trước thường ôm lòng ác theo đuổi Như Lai để giết hại, vì sao Như Lai còn cho phép ông ấy xuất gia?’ 

“Thiện nam tử! Do nhân duyên ấy, ta vì vua A-xà-thế mà nói kệ rằng: 

Với lời người khác, 
Tùy thuận chẳng nghịch, 
Đừng xét kẻ khác, 
Làm hoặc chẳng làm, 
Chỉ tự xét mình
Thiện hay bất thiện.

“Ta lại bảo vua ấy rằng: ‘Đại vương! Nay ông đã hại cha, làm nên tội nghịch, là tội vô gián nặng nhất,[17] lẽ ra nên bộc lộ [sám hối] để cầu sự trong sạch. Vì cớ gì lại chỉ thấy lỗi lầm của người khác?’

“Thiện nam tử! Vì nghĩa đó, ta vì vua ấy mà thuyết bài kệ này.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ta cũng vì những kẻ nghiêm giữ cấm giới, [tự mình] thành tựu oai nghi nhưng [thường lưu ý] thấy những lỗi lầm của người khác nên mới thuyết bài kệ này. Lại nữa, nếu ai biết tiếp nhận lời khuyên dạy của người khác mà lìa xa mọi việc ác, lại khuyên dạy người khác khiến cho lìa bỏ mọi việc ác, những người ấy đúng là đệ tử Phật.”

Lúc ấy, đức Thế Tôn vì Văn-thù-sư-lợi mà thuyết bài kệ dưới đây: 

“Ai cũng sợ đao trượng, 
Không ai không tham sống, 
Suy mình ra người khác, 
Đừng giết hại, đánh đập.”

Liền đó, Văn-thù-sư-lợi lại đối trước Phật nói kệ rằng: 

“Không phải ai cũng sợ trượng, 

Không phải ai cũng tham sống, 
Suy mình hiểu được người khác, 
Siêng năng khéo làm phương tiện.

“Bạch Thế Tôn! Như Lai thuyết bài kệ nói pháp như trên cũng chưa trọn nghĩa. Vì sao vậy? Ví như các vị A-la-hán hoặc [các món báu như] ngọc nữ, voi quí, ngựa quí, vị thần chủ kho tàng của vị Chuyển luân Thánh vương, dù cho hàng chư thiên, loài người cùng a-tu-la có cầm gươm bén mà hại cũng không thể được.[18] Những bậc dũng sĩ, liệt nữ, ngựa chúa, thú chúa hay vị tỳ-kheo trì giới, dù có đối mặt với điều gì cũng không bao giờ sợ sệt. Vì nghĩa ấy, Như Lai thuyết bài kệ trên cũng chưa trọn nghĩa. Như nói “suy mình ra người khác” cũng là chưa trọn nghĩa. Vì sao vậy? Nếu vị A-la-hán lấy mình mà so với kẻ khác, ắt là có những tư tưởng chấp ngãthọ mạng. Nếu vị ấy có tư tưởng chấp ngãthọ mạng, hẳn phải lo giữ gìn, bảo vệ. Người phàm phu ắt phải xem hết thảy A-la-hán đều là những kẻ còn tu hành. Nếu như vậy thìtà kiến. Nếu có tà kiến, sau khi chết lẽ ra phải sanh vào địa ngục A-tỳ. Lại nữa, không thể có việc vị A-la-hán đối với chúng sanh lại khởi tâm gây hại; và vô số chúng sanh cũng không thể làm hại được vị A-la-hán.”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Nói tư tưởng chấp ngã đó, là nói đối với chúng sanh khởi lòng đại bi, không có tư tưởng giết hại, là nói A-la-hán có tâm bình đẳng. Đừng cho rằng đức Thế Tôn không có nhân duyên mà nói ra lẽ trái ngược.

“Ngày trước, trong thành Vương Xá có một người thợ săn giỏi, giết được nhiều con hươu, thỉnh ta đến ăn thịt. Lúc ấy, tuy ta có nhận lời mời thỉnh ấy nhưng đối với chúng sanh luôn khởi lòng đại bi xem như [con mình là] La-hầu-la, nên mới thuyết kệ rằng: 

“Nếu người muốn trường thọ
Sống mãi ở thế gian
Theo pháp không gây hại, 
Thọ mạng đồng chư Phật.”

Và cũng vì thế ta mới thuyết bài kệ này: 

Ai cũng sợ đao trượng, 
Không ai không tham sống, 
Suy mình ra người khác, 
Đừng giết hại, đánh đập.

Phật lại dạy: “Lành thay, lành thay! Văn-thù-sư-lợi! Ông đã vì các vị Đại Bồ Tát mà thưa hỏi Như Lai về nghĩa lý sâu kín như vậy.”

Lúc ấy, Văn-thù-sư-lợi lại đọc kệ thưa hỏi rằng: 

“Kính cha mẹ thế nào,
Thuận theotôn trọng,
Vì sao tu pháp ấy, 
Đọa vào ngục Vô gián?

Đức Như Lai liền đọc kệ đáp lời Văn-thù-sư-lợi: 

“Nếu xem tham ái là mẹ, 
Vô minh lại lấy làm cha, 
Tùy thuận tôn trọng như thế, 
Chắc chắn đọa ngục Vô gián.”

Lúc ấy, Như Lai lại vì Bồ Tát Văn-thù-sư-lợi mà thuyết lại bài kệ này: 

“Mọi việc phụ thuộc người khác, 
Tất phải gọi đó là khổ. 
Mọi việc do mình tự quyết, 
Đó là tự tại an vui. 
Những ai kiêu căng khinh mạn, 
Thế lực hết sức bạo ác
Những người hiền lành lương thiện
Ai ai cũng mến cũng thương.”

Liền đó, Bồ Tát Văn-thù-sư-lợi bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Bài kệNhư Lai thuyết đó cũng chưa trọn nghĩa. Nguyện Như Lai rủ lòng thương xót nói rõ nhân duyên. Vì sao vậy?

“Như người con của vị trưởng giả, trong khi theo học với thầy, có tùy thuộc ông thầy hay chăng? Nếu nói tùy thuộc ông thầy thì nghĩa ấy không hợp [với bài kệ trên].[19] Nếu nói không tùy thuộc, nghĩa cũng không hợp [với bài kệ trên]. Nếu nói được tự tại, nghĩa cũng không hợp [với bài kệ trên]. Cho nên chỗ thuyết của Như Lai còn chưa trọn nghĩa.

“Lại nữa, Thế Tôn! Ví như vị vương tử kia không có sự học hỏi luyện tập mọi thứ, đến khi làm việc chẳng được thành công. Như vậy cũng là [tự quyết] tự tại, nhưng thường phải khổ vì ngu si, tối tăm. Vị vương tử như vậy mà nói là tự tại [an vui] thì cũng không hợp nghĩa, còn như nói phụ thuộc người khác [đều là khổ] thì nghĩa ấy cũng không thích hợp. Vì những nghĩa ấy nên chỗ Phật thuyết như trên vẫn còn chưa trọn nghĩa. Cho nên, hết thảy phụ thuộc người khác chưa hẳn đã là khổ, hết thảy do mình tự quyết chưa hẳn đã được vui. 

“‘Những ai kiêu căng khinh mạn, thế lực hết sức bạo ác,’ điều này cũng là chưa trọn nghĩa.

“Bạch Thế Tôn! Có những nữ nhân tánh khí mạnh mẽ, vì lòng kiêu mạnxuất gia học đạo, nghiêm giữ cấm giới, thành tựu oai nghi, gìn giữ các căn chẳng cho vọng động. Như vậy thì ‘hết thảy kiêu căng khinh mạn’ chưa hẳn đã là bạo ác.

“‘Những người hiền lành lương thiện, ai ai cũng mến cũng thương’, câu ấy cũng chưa trọn nghĩa. Ví như có người trong lòng phạm Bốn cấm giới nặng, nhưng không xả bỏ y phục người tu, kiên trì giữ theo oai nghi, những người hộ trì Chánh pháp thấy vậy đều chẳng ưa thích. Người ấy đến lúc mạng chung, ắt đọa địa ngục. Như có người hiền lành đã lỡ phạm cấm giới nặng, những người hộ pháp thấy vậy liền đuổi ra khỏi Tăng đoàn, khiến phải bỏ đạotrở lại thế tục. Vì nghĩa ấy nên những người hiền lành lương thiện chưa hẳn đã được tất cả mọi người thương mến.”

KINH ĐẠI BÁT NIẾT-BÀN
HẾT QUYỂN MƯỜI

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 19870)
Chân lý tự chứng (bản thân của Thực Tại) thì không phải một, không phải hai (bất nhị). Do năng lực tự chứng này mà (Thực Tại) là khả năng làm ích lợi bình đẳng cho tất cả kẻ khác...
(Xem: 28984)
Thiên Như lão nhơn đang tĩnh tọa nơi thất Ngọa Vân, bổng có người đẩy cửa bước vào, tự xưng là Thiền khách. Lão nhơn im lặng gật đầu chào, đưa tay ra ý mời ngồi...
(Xem: 20696)
Chính tínniềm tin chân chính, chính xác, là sự tin hiểu chính thống, là sự tin tưởnghành trì ngay thẳng, là sự tin tưởng và nương tựa đúng đắn.
(Xem: 19456)
Để phát Tâm Bồ đề (The spirit of enlightenment; bodhicitta-sanskrit), bạn trước nhất phải phát triển tâm bình đẳng ( equanimity: tâm bình đẳng, tâm xả) đối với tất cả hữu - tình...
(Xem: 30521)
Ở đây giáo sư tiến sĩ Alexander Berzin từng nghiên cứutu tập với những đạo sư Tây Tạng gần ba mươi năm tại Dharamsala, Ấn Độ, sẽ giảng giải việc thực hành bảy điều quán nguyện trong đời sống tu tập thực tiễn hằng ngày.
(Xem: 36450)
Hòa Thượng Tịnh Không, chủ giảng những bài pháp thoại của tập sách này, hiện nay là một danh tăng của Phật giáo thế giới, người có công làm phát triển Phật giáo phương Tây...
(Xem: 33248)
Ngài Sàntideva (Tịch Thiên, 691-743) viết luận này tại Học Viện Nalanda, Ấn Độ vào thế kỷ 8. Ngài diễn giảng đường tu hạnh Bồ Tát, hạnh Lục độ và tu mười đại hạnh của Phổ Hiền Bồ Tát.
(Xem: 35583)
Nói một cách tổng quát, nội dung bộ Nhập Bồ Tát Hạnh muốn chỉ rõ thứ lớp tu tập pháp môn Ðại thừa: Thế nào phát khởi Bồ Ðề tâm và tu tập Bồ Tát hạnh.
(Xem: 21000)
Từ xưa, Ấn Độ là một nước tôn giáo, triết họcthi ca, cho nên trào lưu tư tưởng phát sinh và nảy nởẤn Độ rất nhiều và dưới những hình thức khác nhau, nhưng tư trào rộng lớn hơn cả là tư trào Phật Giáo.
(Xem: 21930)
Phật giáo cũng như cái cây có ba phần: phần gốc, phần thân cây và phần ngọn bao gồm nhiều cành lá. Phần gốc là căn bản Phật giáo, phần thân cây là Tiểu Thừa Phật Giáo.
(Xem: 25273)
Các Phật tử, Bồ Tát ban sơ phát Bồ Đề tâm, ví như biển lớn lúc ban đầu từ từ sinh khởi, phải hiểu đó là chỗ chứa cho các châu báu như ý giá trị từ hạ trung thượng cho đến vô giá...
(Xem: 25812)
PHÁT BỒ ĐỀ TÂM LUẬN, là một trong số rất nhiều tác phẩm của Bồ Tát THẾ THÂN thuyết minh, được các Thánh giả kết tập thành Tạng Luận trong Tam tạng Thánh giáo.
(Xem: 31276)
Đức Phật gọi là bực người tự nhiên, đem Nhất-Thiết-Chủng-Trí biết tất cả tự-tướng của các pháp sai khác; lìa tất cả điều chẳng lành; nhóm tất cả đìều lành; thường cầu lợi-ích cho tất cả chúng sinh, nên gọi là Phật.
(Xem: 18575)
Ðức Phật không chỉ nhận thức được sự thực tối cao, Ngài còn biểu lộ kiến thức cao cả của Ngài, kiến thức cao hơn tất cả kiến thức của các "Thần linh và Người".
(Xem: 25153)
Trí Khải (538-597), một trong những triết gia vĩ đại của Phật giáo Trung Hoa, đã đưa ra một cái nhìn quảng bác phi thường đối với pháp Phật với thiên tài của một môn đồ thành tín trên đường Đạo.
(Xem: 23785)
Luận này chuyên thuyết minh hạnh bố thí. Bố thí nghĩa là sự hy sinh triệt để; hy sinh được triệt để mới là bực đại trượng phu, nên luận này mệnh danh là ĐẠI TRƯỢNG PHU LUẬN...
(Xem: 28956)
"Học Phật Quần Nghi" là quyển sách giải thích những vấn đề nghi vấn của những người học Phật và tu Phật, chủ yếu là của Phật tử tại gia.
(Xem: 20883)
Hãy nôn ra lòng sân hận độc hại khỏi cõi lòng bạn. Sự sân hận đầu độc và bóp nghẹt tất những gì thiện mỹ nơi bạn. Tại sao bạn phải hành động chỉ vì con quái vật độc hại dấu mặt này?
(Xem: 31460)
Đức Phật ra đời và thuyết pháp “vì hạnh phúcan lạc cho số đông”. Những lời dạy của Ngài cho con người chỉ nhắm vào hai mục tiêu chính: khổ và diệt khổ.
(Xem: 25555)
Phương pháp tu tập thì nhiều, nhưng cốt yếu không ra ngoài Chỉ quán. Có Chỉ mới uốn dẹp được mê lầm, phiền não, có Quán mới nhận rõ pháp tánh chân như.
(Xem: 29730)
Bài pháp này căn cứ vào bản kinh Satta Sutta trong Saṃyutta Nikāya. Nhân dịp Tỳ Khưu Rādha hỏi Đức Phật về nghĩa chữ Satta (chúng sanh).
(Xem: 22534)
Trên thế giới đã có nhiều tôn giáo, tại sao lại còn cần thiết cho chúng ta có một đạo khác nữa gọi là Đạo Phật? Phải chăng có cái gì thật đặc sắc...
(Xem: 25733)
Ðạo Phật không phải chỉ là một siêu hình học, dù đạo Phật có đề cập đến những thắc mắc siêu hình. Siêu hình chỉ là một phương diện của đạo Phật...
(Xem: 23299)
Theo ý kiến thông thường được chấp nhận thì trong các kinh Phật, kinh Diệu Pháp Liên Hoa (Saddharma - pundarika - sùtra), thường được gọi là kinh Liên Hoa (1) là kinh tuyệt diệu nhất.
(Xem: 25757)
Học Phật là tìm biết vai trò của đạo Phật trong suốt lịch sử của sự sống nhân loại, những đóng góp của đạo Phật trong văn hóa nhân loại, những luồng sinh khíđạo Phật đã thổi vào...
(Xem: 23735)
Toàn bộ giáo lý đức Phật đều nhằm mục đích ''chuyển mê khai ngộ'' cho chúng sanh. Vì mê ngộ là gốc của khổ vui. Mê thì khổ, ngộ thì vui.
(Xem: 40619)
Tiểu thừa – cỗ xe nhỏ, và Ðại Thừa – cỗ xe lớn tuy xuất phát từ hai nhánh của Tiểu thừa là Ðại chúng bộ và Nhất thiết hữu bộ, có một số đặc tính khác nhau.
(Xem: 23359)
Chúng ta vui mừng và tự hào rằng, Phật giáo Việt Nam là một bộ phận quan trọng của di sản đạo đứcvăn hóa quý báu của dân tộc.
(Xem: 22464)
Tập cẩm nang này đúc kết tinh hoa những lời dạy của vị Thánh-tăng cận đại - Hòa-Thượng Quảng-Khâm (1892-1986). Là người đã giác ngộ, mỗi lời dạy của Ngài trực tiếp phá vỡ vô minh...
(Xem: 22105)
Hành giả Bồ Tát phải tích cực hành Bồ Tát hạnh, nghĩa là mỗi hành động, mỗi lời nói, mỗi ý niệm đều hướng về chúng sinh, vì lợi ích chúng sinh.
(Xem: 23518)
Khi chúng ta hiện diện ở đây, chúng ta phải thiết lập một động cơ đặc biệt: tâm giác ngộ (tâm bồ đề) nhằm hướng đến giác ngộ vì lợi ích của tất cả chúng sinh.
(Xem: 16973)
Con người khác với loài động vật ở chổ biết đặt vấn đề về giá trị của đời sống; sống như thế nào thì gọi là thiện là tốt hoặc ngược lại là ác là xấu?
(Xem: 23296)
“Nếu Phật tử cố ăn thịt. Tất cả thịt của mọi loài chúng sanh đều không được ăn. Luận về người ăn thịt thì mất lòng đại từ bi, dứt giống Phật tánh...
(Xem: 24324)
Đề kinh Kim cang gồm hai phần. Tên tiếng Phạn là Vajrachedikā Prajñāpāramitā, trong đó phần đầu là tính từ phẩm định cho từ theo sau.
(Xem: 41120)
Kinh Phạm Võngkinh đầu tiên trong Trường bộ kinh và qua toàn văn chúng ta cũng đủ hiểu giá trị của kinh này như thế nào.
(Xem: 19010)
Muni có nghĩa là một bậc tiên nhân, một bậc thánh nhân, một bậc hiền giả sống một mình trong rừng. Trong kinh Vệ Đà chữ muni tương đương với chữ rishi.
(Xem: 20506)
Bồ-tát (菩薩), nói cho đủ là Bồ-đề-tát-đỏa (菩提薩鬌), phiên âm tiếng Phạn là Bodhisattva. Bồ đề dịch là Giác ngộ; tát-đỏa dịch là chúng sanh.
(Xem: 27738)
Ðức Phật là một nhà cách mạng, ngài đã không thỏa mãn với những giáo điều cổ truyền bà la môn nên đã tự mình tìm ra một Ðạo lý mới.
(Xem: 38134)
Trúc Lâm Yên Tử là một phái Thiền mà người mở đường cho nó, Trần Thái Tông vừa là người khai sáng ra triều đại nhà Trần, một triều đại thịnh trị đặc biệt về mọi mặt...
(Xem: 34086)
Tiểu Bộ Kinh - Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt
(Xem: 36800)
Thiện namthiện nữ, nay các người lãnh thọ giới pháp rồi thì phải tôn kính mà vâng giữ, không được vi phạm giới pháp cần phải phụng trì.
(Xem: 24012)
Quy mạng Lô Xá Na, Mười phương Kim Cương Phật. Ðảnh lễ đức Di Lạc, Sẽ hạ sanh thành Phật. Nay tụng ba tựu giới, Bồ Tát đều cùng nghe.
(Xem: 29208)
Tôi nghe như vầy: Một thời Thế-tôn, châu du giáo hóa các nước đến thành Quảng-nghiêm, ở nghỉ dưới cây Nhạc-âm, cùng với tám ngàn vị đại tỳ-kheo...
(Xem: 60174)
Bồ TátVô Tận Ý Khi bấy giờ chăm chỉ đứng lên Bèn trịch vai hữu một bên Chắp tay cung kính hướng lên Phật đài
(Xem: 27630)
Nguyện đem lòng thành kính Gởi theo đám mây hương Phưởng phất khắp mười phương Cúng dường ngôi Tam Bảo
(Xem: 68758)
Chúng sanh đây có bấy nhiêu Lắng tai nghe lấy những điều dạy răn Các ngươi trước lòng trần tục lắm Nên kiếp nầy chìm đắm sông mê
(Xem: 24544)
Một thuở nọ Thế Tôn an trụ Xá Vệ thành Kỳ Thụ viên trung Mục Liên mới đặng lục thông Muốn cho cha mẹ khỏi vòng trầm luân.
(Xem: 24511)
Quyển Kinh Viên Giác tôi giảng khá lâu rồi, nay được Tăng Ni chép lại trình lên tôi duyệt qua. Ðọc lại quyển Kinh Viên Giác, tôi thấy đây là con mắt của người tu Thiền.
(Xem: 22731)
Kinh PHÁP BẢO ĐÀN là một tài liệu thiết yếu cho những người tu theo Thiền tông, bởi vì cốt tủy Thiền tông đều nằm gọn trong những lời dạy đơn giản bình dị của Lục Tổ.
(Xem: 26381)
Lăng-già (Lanka) là tên núi, núi này do sản xuất châu Lăng-già nên lấy tên châu mà gọi tên núi. Núi nằm tại biển Nam là chỗ ở của Dạ-xoa.
(Xem: 26557)
Kinh Kim Cang cũng có người đọc là Kim Cương. Kinh này do đức Phật nói, nguyên văn bằng chữ Phạn, sau truyền sang Trung Quốc được dịch ra chữ Hán.
(Xem: 20830)
Lư hương xạ nhiệt, Pháp-giới mông huân. Chư Phật hải hội tất diêu văn, Tùy xứ kiết tường vân
(Xem: 20077)
Nguyện đem lòng thành kính Gởi theo đám mây hương Phảng phất khắp mười phương Cúng dường ngôi Tam Bảo
(Xem: 27568)
Làm người Phật tử ở đời Đêm ngày tụng niệm những lời dạy khuyên Tám điều giác ngộ kinh truyền Ghi lòng tạc dạ tinh chuyên tu hành
(Xem: 46460)
Đấng Pháp vương vô thượng Ba cõi chẳng ai bằng, Thầy dạy khắp trời người Cha lành chung bốn loài.
(Xem: 53594)
Kinh Pháp Hoabộ kinh Đại thừa được nhiều dịch giả phiên dịch, được nhiều học giả nghiên cứu chú giải, lại được lưu truyền sâu trong giới trí thức...
(Xem: 23623)
Con người bình thường không thể nào so sánh được với bậc Bồ Tát; chỉ có những kẻ phi thường xuất chúng mới tiến lên gần gũi đôi chút với trí huệ Bồ Tát.
(Xem: 21102)
Giá trị của tập sách này là diễn đạt được tiến trình lịch sử tư tưởng Phật giáo qua ba giai đoạn: Phật giáo nguyên thủy, Phật giáo các bộ phái, và Phật giáo Ðại thừa.
(Xem: 25602)
Phụng dịch theo bản đời Đường của Ngài Thiệt Xoa Nan Đà. Tham khảo các bản dịch đời Ngụy, Tống và bản dịch Anh Ngữ của Suzuki. - Dịch Giả: Thích Nữ Trí Hải
(Xem: 29280)
VIMALAKĪRTINIRDEŚA - SŪTRA - Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết - Đường Huyền Trang dịch - bản dịch Việt: Tuệ Sỹ
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant