Phật Giáo Hoa Kỳ Thời Chiến
Nguyên Giác
Nói “thời chiến” nơi đây là nói về thời Đệ Nhị Thế Chiến. Có một phần chưa được khảo sát tận tường, chưa được biết rộng rãi trong lịch sử Đạo Phật tại Hoa Kỳ: đó là một thời chiến tranh trong thế kỷ 20, và chính phủ Mỹ đã nhìn Phật Giáo như một cộng đồng khả nghi và không thân thiện.
Sau đây là bản dịch bài “The Birth of an American Form of Buddhism: The Japanese-American Buddhist Experience in World War II” (Sự Ra Đời của một Phật Giáo Có Sắc Thái Hoa Kỳ: Kinh Nghiệm Phật Tử Mỹ Gốc Nhật Bản trong thời Thế Chiến 2) của nhà bình luận Justin Whitaker trên tạp chí Buddhistdoor Global, ấn bản ngày 9 tháng 5/2019.
… o …
Đối với nhiều người, câu chuyện về Phật Giáo tại Hoa Kỳ khởi sự với các nhà thơ Beat trong thập niên 1950s, hay các trí thức hip-pi trong các thập niên 1960s và 1970s. Thực tế, Phật Giáo đã vào vùng đất Hoa Kỳ ít nhất một thế kỷ trước đó với các di dân Châu Á từ khắp bờ Thái Bình Dương. Năm 1893, các tu sĩ đầu tiên của tông phái Jodo Shinshu (Tịnh Độ Chân Tông) vào San Francisco, thiết lập cơ sở rồi sẽ trở thành giáo hội Buddhist Churches of America. Và, theo học giả và tác giả Duncan Ryuken Williams, bước đi đó nằm trong các kinh nghiệm của Tịnh Độ Chân Tông và các Phật tử Nhật Bản khác trong Thế Chiến 2 rồi từ đó một Phật Giáo Hoa Kỳ độc đáo được hình thành.
Câu chuyện khởi sự từ sau trận Nhật Bản tấn công Pearl Harbor (Trân Châu Cảng) ngày 7 tháng 12/1941, khi căn cước Mỹ của người Mỹ gốc Nhật, đặc biệt với Phật Tử Mỹ gốc Nhật, bị nêu lên thành nghi vấn.
Khoảng hai tháng sau đó, vào ngày 19 tháng 2/1942, trong nỗ lực ráo riết tham chiến, Tổng Thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt ký sắc lệnh Executive Order 9066, cho phép giam khoảng 120,000 người Mỹ gốc Nhật. (Người Dịch: cần ghi chú cho rõ thêm, Wikipedia cho biết từ sắc lệnh này, 10 trại tập trung thiết lập tại 6 tiểu bang Hoa Kỳ, giam khoảng 112,000 người gốc Nhật, cả nam nữ và trẻ em, trong đó 2/3, khoảng 70,000 người là công dân Mỹ; cùng với khoảng 11,000 người gốc Đức và 3,000 người gốc Ý, và một số tỵ nạn gốc Do Thái.)
Trong cuốn sách mới ấn hành, nhan đề “American Sutra: A Story of Faith and Freedom in the Second World War” (NXB Harvard University Press 2019), tác giả Duncan Ryuken Williams -- giáo sư về tôn giáo, văn hóa và ngôn ngữ Đông Á, và là giám đốc trung tâm USC Shinso Ito Center for Japanese Religions and Culture – kể lại câu chuyện người Mỹ gốc Nhật trong Thế Chiến 2, đặc biệt tập trung vào vai trò Phật Giáo ảnh hưởng. Ông khảo sát về ý nghĩa của cương vị vừa là người Mỹ, vừa là Phật Tử đối với người Mỹ gốc Nhật trong thời chiến tranh, và về thái độ kỳ thị và thành kiến bộc phát trở lại.
(ND: nhan đề sách trên có thể dịch là “Kinh Hoa Kỳ: Chuyện Về Niềm Tin và Tự Do trong Thế Chiến 2” – tác giả chơi chữ, vì “Sutra” có nghĩa là Kinh Phật tông phái Đại Thừa. Từ đây, sách này sẽ viết tắt là American Sutra.)
Như Janis Hirohama đã viết:
“Toàn bộ cộng đồng Mỹ gốc Nhật chịu thiệt hại trong thời chiến, nhưng như tác phẩm American Sutra cho thấy, Phật Tử đặc biệt trở thành đối tượng bị nhắm vào. Các giới chức chính phủ và quân sự Hoa Kỳ xem Phật Giáo như là không-phải-Mỹ và xem Phật Tử nhiều phần là không trung thành với Hoa Kỳ. Hầu hết các tu sĩ Phật Giáo đã sớm bị bắt và tống giam sau trận đánh Trân Châu Cảng, và các hạn chế gay gắt đưa ra đối với việc hành đạo của Phật Giáo tại Hawaii và lục địa Mỹ.” (The North American Post)
Quan ngại về việc người Nhật hành đạo Phật Giáo phù hợp với nỗi lo đối với các tôn giáo không-Ky-Tô trong lịch sử Hoa Kỳ, “từ nghi ngờ lan rộng của cái gọi là ‘heathen Chinee’ (có thể dịch theo ý nghĩa: người Tàu tà ma ngoại đạo) [chữ này phổ biến rộng bởi nhà văn Mỹ Bret Harte trong nỗ lực không thành công chế giễu kiểu chống người Trung Hoa thời đó] trong cuối thế kỷ 19, cho tới cảnh giác khẩn về một ‘‘Hindoo peril’ (hiểm họa Ấn Độ Giáo) đầu thế kỷ 20, tới kiểu Islamophobia (kỳ thị ghét bỏ Hồi Giáo) trong thế kỷ hiện nay. Ngay cả trước khi tuyên chiến với Nhật Bản, các Phật Tử cũng đã bị thiếu tin tưởng tương tự.” (Smithsonian.com)
Williams viết về kinh nghiệm của Phật Tử Mỹ gốc Nhật tại Hawaii:
“Đợt bắt giam sớm các nhà lãnh đạo Phật Giáo, dù là công dân Mỹ hay không, là một tín hiệu của trận bố ráp rộng lớn hơn nhắm vào các tôn giáo không-Ky-Tô trên các đảo Hawaii. Theo lệnh thiết quân luật, thành kiến sai lệch rằng giáo dân Thiên Chúa Giáo Mỹ gốc Nhật trung thành với Hoa Kỳ hơn ngày càng hiện rõ, và thái độ kỳ thị lịch sử đối với Phật Giáo và Thần Đạo (Shinto) càng gay gắt hơn.
Do vậy, trong mấy năm đầu cuộc chiến, Phật Tử và người theo Thần Đạo bị hạn chế, không cho hành đạo, và phải thỉnh nguyện với Sở Tình Báo Lục Quân G-2 để xin phép, hầu hết là bị từ chối, khi xin tụ tập ở các chùa và đền của họ. Nhiều ngôi đền Thần Đạo, như đền Izumo Taisha tại Honolulu, đã bị chính quyền tịch thu và tuyên bố là “quà tặng” cho thành phố và quận Honolulu. Trên đảo Kauai, Phòng Thống Đốc Quân Sự điều hợp việc đóng cửa các trường dạy tiếng Nhật trên đảo cùng với việc giải thể các ngôi chùa Phật Giáo. Tận cùng, 13 trong 19 ngôi chùa Phật Giáo trên đảo bị xóa sổ.” (American Sutra: A Story of Faith and Freedom in the Second World War)
Đời sống nơi các trại tập trung đầy gian nan. Nhiều người bị giam trong đó được cho vài giờ đồng hồ rời nhà vào trại chỉ với đồ đạc mang theo trên lưng họ. Tuy nhiên, Phật Tử Mỹ gốc Nhật đã kiên trì gìn giữ bản sắc tôn giáo của họ và việc hành trì.
“Tù nhân trong trại giam ở Fort Lincoln, North Dakota, đã đón mừng Đại Lễ Hanamatsuri [Đại Lễ Phật Đản] bằng cách rót cà phê pha ngọt lên pho tượng Phật đản sanh gọt cắt từ một củ cà rốt. Các Phật Tử trẻ sanh tại Hoa Kỳ trở thành các lãnh đạo trong các trại tập trung, với các YBA (Hội Phật Tử Trẻ) tổ chức các sinh hoạt xã hội và tụ họp làm lễ Phật Giáo để giúp tăng sinh lực cho các tăng đoàn của họ.” (The North American Post)
Williams viết trong cuốn American Sutra:
“Đức Phật dạy rằng căn cước là vô thường, và cũng không tách rời thực thể của các căn cước khác. Từ điểm nhìn này, Hoa Kỳ là một quốc gia luôn luôn chuyển biến năng động – một đất nước đang hình thành, các phần từ kết hợp và đặc tính liên tục chuyển hóa bởi các làn sóng di dân từ nhiều nơi trên thế giới, từ lời hứa của nó được hiển lộ không bởi một khẳng định của một căn cước tôn giáo và chủng tộc ưu thắng nào, nhưng là bởi sự công nhận các thực thể tương thông và tương tác của một phức thể gồm các sắc dân, các nền văn hóa và các tôn giáo mà phức thể đó làm phong phú cho tất cả mọi người.”
Và như thế, trong bóng tối chiến tranh và kỳ thị chủng tộc trong một “đất nước Thiên Chúa Giáo,” Williams cho thấy Phật Tử Mỹ gốc Nhật đã thiết lập nên Phật Giáo Hoa Kỳ. Chính là trong một trại tập trung, nơi có tên là trại Topaz War Relocation Center ở Utah, tổ chức Buddhist Missions of North America (Phật Tử Hoằng Pháp Tại Hoa Kỳ) đổi tên thành Buddhist Churches of America (Giáo Hội Phật Giáo Hoa Kỳ). Các chuyển biến khác từ lúc đó, có cả việc ngâm hát các bài kệ (thơ hay ca khúc Phật Giáo), sách về các nghi lễ PG tiếng Anh, và việc thiết lập các lớp Phật Học Chủ Nhật.
Williams viết rằng những thay đổi đó, và các thay đổi khác, trong và sau thời chiến, khai sinh ra một Phật Giáo với một căn cước Hoa Kỳ độc đáo. Ông cho thấy các trở ngại đã làm tăng thêm tín tâm cho Phật Tử và các Phật Tử Mỹ gốc Nhật đã khẳng định quyền của họ “để tự xác minh như là một người Mỹ và là một Phật Tử, và hình thành một hình thức Mỹ chân thực cho Phật Giáo.” (North American Post)
Williams kể lại trong sách về cuộc đời nhiều người bị rung chuyển vì biến đổi gay gắt và trong các chuyện đời đó đã tìm thấy một hòa lẫn của trí tuệ Phật Giáo và kinh nghiệm Hoa Kỳ: “Những chuyện bỏ quên từ lâu về các Phật Tử gốc Nhật nỗ lực xây dựng một Hoa Kỳ tự do – không phải là một quốc gia Thiên Chúa Giáo, nhưng một quốc gia của tự do tôn giáo – không chứa đựng những câu trả lời tận cùng, nhưng các chuyện này dạy chúng ta về sức năng động của chuyển hóa: những gì mang ý nghĩa trở thành Hoa Kỳ -- và Phật Tử -- như một phần của một thế giới chuyển biến năng động và tương liên.”
Sách đã lưu hành từ ngày 19 tháng 2/2019, được nhiều nhà bình luận và quần chúng ca ngợi trong khi Williams đi nhiều nơi cho các buổi ra mắt sách. Ngày lưu hành sách cũng là Day of Remembrance (Ngày Tưởng Nhớ), ngày để tưởng niệm việc tống giam người Mỹ gốc Nhật trong thời Thế Chiến 2.
(Dịch theo: https://www.buddhistdoor.net/features/the-birth-of-an-american-form-of-buddhism-the-japanese-american-buddhist-experience-in-world-war-ii)
- Tag :
- Phật giáo Hoa Kỳ
- ,
- Nguyên Giác