LỄ PHẬT ĐẢN THEO HỘI PHẬT GIÁO THẾ GIỚI
Thích Thiện Nhơn
Đạo Phật xuất hiện ở thế gian, khởi đầu từ vườn Lâm-tỳ-ni, xứ Nepal, Ấn Độ cổ (nay là Brumindai vùng Terai), và bừng sáng tại Bồ đề Đạo tràng, nước Magadhi (Ma-kiệtđà), nay là Bodhigaya, bang Bihar Ấn Độ, do Bồ-tát Sĩ-đạt-ta về sau xuất gia tu hành thành Phật, hiệu Thích-ca Mâu-ni khai sáng và ngày nay đã truyền bá khắp năm châu, mang đậm màu sắc Phật giáo Nam truyền, Bắc truyền, Kim Cang thừa (hay nói khác đi là Thượng tọa bộ, Đại chúng bộ và Kim Cang thừa) đến nay hơn 2.600 năm với hơn 500 triệu Tăng tín đồ khắp thế giới, đang hành trì và truyền bá Giáo pháp Đức Phật, mang thông điệp Từ bi, Trí tuệ và Hòa bình của Đức Phật đến mọi người, mọi giới theo các tổ chức, hình thức khác nhau; nhưng tất cả đều vì mục đích duy nhất làm làm sáng tỏ và phát huy hiệu năng thông điệp của Đức Phật đối với nhân loại và chúng sanh trên hành tinh mà chúng ta đang hiện hữu.
Từ ý nghĩa ấy, tại thành phố Tokyo, Nhật Bản, một thành phố của một đất nước yêu chuộng hòa bình trong tinh thần từ bi, hoan hỷ, hòa hợp của người con Phật, mục đích duy nhất mang lại ánh sáng tình thương, lòng quảng đại vị tha qua giáo lý đạo Phật, vào ngày 08/4/1998, các nhà lãnh đạo Phật giáo 23 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm các truyền thống Phật giáo Nam truyền, Bắc truyền, và Kim Cương thừa, đã cùng ngồi lại bên nhau trong tinh thần đoàn kết, hòa hợp và chia sẻ những kinh nghiệm tu tập, hành trì và phương thức truyền bá Giáo pháp đạo Phật đã hình thành hơn 2.000 năm qua trên hành tinh nầy.
Các nhà lãnh đạo Phật giáo thế giới đã thống nhất lập Hội Phật giáo Thế giới Truyền bá Chánh pháp; Giáo hội Phật giáo Việt Nam là thành viên sáng lập do Hòa thượng Thích Minh Châu đại diện. Trải qua 20 năm hoạt động, với bảy kỳ Đại hội, theo các mục đích là trung tâm để các nhà lãnh đạo Phật giáo Nam truyền, Bắc truyền, Kim Cang thừa trên thế giới trao đổi quan điểm, kinh nghiệm, đưa ra phương thức hành trì, truyền bá Chính pháp, vượt qua các rào cản về hệ phái truyền thừa, truyền thống Phật giáo, quốc gia, sắc tộc địa phương, địa dư lãnh thổ, châu lục v . v …
Tạo ra một không gian hiểu biết tương kính, tôn trọng, hợp tác giữa các trường phái Phật giáo, để hiệp lực truyền bá Phật pháp, đưa thông điệp từ bi, trí tuệ, hòa bình, cứu khổ độ sanh của Đức Phật đến với nhân loại trên thế giới. Kêu gọi mọi người trên hành tinh này hãy nghiên cứu và hành trì lời Phật dạy, giúp cho xã hội, thế giới chúng sinh ngày càng an vui hạnh phúc trong hòa bình vĩnh cửu và thịnh vượng theo giáo lý đạo Phật. Hội đã hoàn thành các mục đích yêu cầu đã đề ra trong xu thế phát triển của nhân loại và Phật giáo thế giới, đồng thời hồi ứng một cách có căn cơ một số vấn nạn đã đặt ra cho Phật giáo cũng như cho xã hội và thế giới loài người trong thế kỷ XXI và những thế kỷ tiếp theo.
Trong quá trình hoạt động, dù đạt được nhiều kết quả mong muốn, nhưng trên bình diện lịch sử, tổ chức chưa ấn định một ngày kỷ niệm mang tính quốc tế của tổ chức Phật giáo thế giới đại diện cho hơn 500 triệu Tăng tín đồ.
Với những yêu cầu cấp thiết và thống nhất chung, tại Đại hội Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới kỳ VI từ ngày 8 đến ngày 14/12/2014 quy tụ 41 quốc gia, vùng lãnh thổ gồm các nhà lãnh đạo Phật giáo thế giới, đại diện cho hơn 500 triệu Tăng Ni, Phật tử thế giới tại Trụ sở của Hội - chùa Muryojuji, núi Nam Đầu, Đại Vương điện Phật giáo thành phố Kobe, Nhật Bản đã thông qua Nghị quyết, chọn ngày 08/4 dương lịch hằng năm, làm ngày kỷ niệm Phật giáo Quốc tế 08/4 tại các quốc gia là thành viên của Hội Phật giáo Thế giới Truyền bá Chánh pháp.
Thực hiện Nghị quyết của Đại hội, với tư cách thành viên sáng lập Hội, năm nay là lần thứ 5, Giáo hội Phật giáo Việt Nam hưởng ứng và chào mừng ngày Phật giáo Quốc tế 08/4 được tiếp tục diễn ra trong những năm kế tiếp của thế kỷ XXI, làm cho ánh sáng chân lý, từ bi, trí tuệ, nhân bản hòa bình, bất bạo động của đạo Phật sẽ là những tác nhân hữu hiệu cho công cuộc xây dựng một thế giới hòa bình, thịnh lạc đầy ắp tình người đồng loại như Đức Phật đã huấn thị: “Con người là thù thắng, vì có hai khả năng: Chuyển hóa tâm linh, thành tựu đạo quả giác ngộ; Cải tạo được hoàn cảnh xã hội chung quanh, làm cho thanh bình, an lạc, hạnh phúc như là một Tịnh độ tại nhân gian”. (Kinh Anh lạc) tức là góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi, tai hại khí hậu toàn cầu do Liên Hiệp Quốc phát động và Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nỗ lực thực hiện.
Với tinh thần và ý nghĩa đoàn kết, hòa hợp, góp phần xây dựng hòa bình, hạnh phúc, an lạc cho nhân loại trên hành tinh bằng giáo pháp của Đức Phật đã để lại cho chúng sanh hơn 2.600 năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tăng Ni, Phật tử Việt Nam sẽ nỗ lực tinh tiến, thực hiện một cách trọn vẹn, tích cực, kết hợp giữa nội lực và ngoại lực, góp phần xây dựng một thế giới công bằng, dân chủ, văn minh, theo tinh thần giáo lý đạo Phật, mà Đức Phật đã hiện hữu ở đời, giữa thế gian, hôm nay và mai sau.
Như Khế kinh nói: “Có một đấng phi thường đã xuất hiện ở thế gian. Vì hạnh phúc cho chư Thiên, vì hạnh phúc cho số đông, nên xuất hiện ở đời. Đấy là đấng Như Lai Chánh đẳng Chánh giác”. (Kinh Tăng chi bộ - phẩm Một Người)
Bằng ánh sáng chân lý đạo Phật, soi rọi cho chúng ta đầy đủ trí tuệ, tình thương và lòng bao dung quảng đại, để cùng nhau kiến tạo thế giới thanh bình an lạc và hạnh phúc của mỗi người chúng ta.
Chúng ta kính cẩn tri ân công đức sự hiện hữu của Đức Phật và giáo pháp của Ngài bằng hành động thực hành lời Phật dạy: Từ bi, hòa bình, đoàn kết, hòa hợp và cùng chia sẻ cảm thông, làm lợi lạc chúng sanh trong mọi thời đại như Khế kinh nói: “Vui thay Đức Phật ra đời. Vui thay Giáo pháp được giảng. Vui thay Tăng-già hòa hợp. Vui thay Tứ chúng cùng tu”. (Kinh Pháp cú 194)
Thích Thiện Nhơn
- Tag :
- Thích Thiện Nhơn