Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới

Phù Trợ Người Lâm Chung

19 Tháng Hai 201100:00(Xem: 20706)
Phù Trợ Người Lâm Chung

PHÙ TRỢ NGƯỜI LÂM CHUNG
Đại sư Dagpo Rinpoche
Diệu Hạnh Giao Trinh Việt dịch - Nguyễn Minh Tiến hiệu đính
Nhà xuất bản Thời Đại

blank

LỜI GIỚI THIỆU

Tôi nhận được bản Việt dịch này như một món quà hoàn toàn mang tính cách cá nhân, nghĩa là được gửi đến cho riêng tôi, từ một người bạn hiện đang sống nơi Kinh đô Ánh sáng - Paris, Pháp quốc. Tôi đã hết sức vui mừng, vì nội dung bản dịch chính là những gì tôi đang khao khát tìm kiếm từ nhiều năm qua.

Khi tôi viết những dòng này thì cha tôi đã bước vào năm thứ 88 của cuộc đời, và mẹ tôi vừa sang tuổi 81. Cả hai vị tuy vẫn còn khỏe mạnh, nhưng là cái khỏe mạnh rất mong manh của tuổi già, và không có bất cứ lý do nào để tôi có thể tin được - dù rất muốn như thế - là các vị sẽ còn ở lại lâu dài với tôi. Sự thật là trong hàng chục năm qua tôi vẫn luôn thao thức trăn trở về ngày ra đi của các vị. Là Phật tử, tôi không hề tránh né sự thật nên vẫn luôn tìm kiếm một phương thức nào đó để có thể đối mặt và chuẩn bị thật tốt cho những ngày cuối của cha mẹ mình, nhất là trong ý nghĩa tinh thần. Hơn thế nữa, chính bản thân tôi cũng đã hơn một lần có thể gọi là “trở về từ cõi chết”, nên tôi có thể cảm nhận sâu sắc lẽ vô thường một cách cụ thể và tất yếu như những gì mắt thấy tai nghe chứ không như một lý thuyết trừu tượng có được qua suy tưởng. Mỗi ngày tôi luôn tự nhắc nhở mình về một sự ra đi có thể vào bất cứ lúc nào. Vì thế, câu hỏi trước tiên của tôi trong ngày bao giờ cũng là: “Điều gì cần thiết nhất phải làm nếu hôm nay là ngày cuối của đời mình?”

Và tập sách này đã đến với tôi trong tâm trạng như thế đó. Vì vậy, chỉ riêng cái tựa đề của nó cũng đã đủ cuốn hút tôi rồi! Thật ra thì cách đây nhiều năm tôi đã từng chuyển dịch và bình giải quyển Tử thư (Bardo Thődol) nổi tiếng của Phật giáo Tây Tạng. Tất nhiên là tôi không có và cũng không đủ khả năng đọc nguyên bản tiếng Tây Tạng, nên đã sử dụng bản dịch Anh ngữ có tựa đề “The Tibetan Book of the Death” của Lama Kazi Dawa Samdup. Tuy vậy, tôi tin chắc là mình không đến nỗi bỏ sót bất cứ nội dung quan trọng nào của tập sách, vì mấy năm sau khi có dịp tiếp xúc với bản luận giảng Anh ngữ “Death, Intermediate State and Rebirth in Tibetan Buddhism” của Đại sư Lati Rinbochay thì tôi nhận ra những gì mình đã hiểu được qua bản dịch cuốn Tử thư cũng hoàn toàn phù hợp với lời dạy của Đại sư.

Mặc dù vậy, tôi không nghĩ là tất cả Phật tử Việt Nam, chẳng hạn như cha mẹ tôi, có thể dễ dàng tiếp nhận những ý tưởng được trình bày trong Tử thư. Nói cho cùng, nếu chưa có được một nền tảng hiểu biết nhất định về Phật giáo Tây Tạng cũng như một đức tin vững chắc - thậm chí là tuyệt đối - vào những gì được thuyết dạy trong Tử thư, thì người đọc sẽ rất khó lòng tiếp nhận được những ý nghĩa tuy rất sâu xa nhưng hết sức trừu tượng và cô đọng được chuyển tải trong đó. Đây cũng chính là lý do vì sao trong một quãng thời gian dài rất lâu trước đây tập sách này không được phổ biến rộng rãi mà chỉ dành riêng cho các vị hành giả, các bậc thầy đang đảm nhiệm việc phù trợ, giúp đỡ những người lâm chung hoặc vừa mới qua đời.

Nhưng việc tiếp nhận nội dung tập sách “Phù trợ người lâm chung” này lại là một điều hoàn toàn khác, mặc dù nó cũng được thuyết giảng bởi một vị Đại sư thuộc Phật giáo Tây Tạng và cũng nói về cùng một chủ đề như quyển Tử thư. Từ khi bắt đầu đọc những dòng đầu tiên, tôi đã hầu như không thể rời mắt ra cho đến những dòng cuối cùng. Tôi như người đang trong cơn khát cháy bỏng vội vàng uống lấy từng ngụm nước trong mát đổ xuống từ cơn mưa Pháp này. Và lạ lùng thay, là một người tu tập theo pháp môn Tịnh độ, lần đầu tiên tôi bất ngờ nhận ra rằng những điều được thuyết giảng ở đây là hoàn toàn phù hợp với giáo lý Tịnh độ mà tôi đã từng được biết. Nói cách khác, theo nhận thức của riêng tôi thì tập sách này có thể xem như cầu nối quan trọng giữa những phần giáo pháp về sự chết trong Phật giáo Tây Tạng với pháp môn Tịnh độ vốn vô cùng quen thuộc với đa số Phật tử Việt Nam. Qua tập sách này, người đọc có thể nhận ra những khác biệt trong cách biểu đạt của hai nền giáo pháp, nhưng thực sự là hoàn toàn tương đồng về mặt nội dung, ý nghĩa.

Vì thế, điều trước tiên tôi nghĩ đến sau khi đọc xong bản Việt dịch sách này là phải làm sao chia sẻ Pháp bảo này đến với tất cả mọi người. Hoan hỷ thay, dịch giả là chị Diệu Hạnh Giao Trinh (Paris, Pháp quốc) đã tán thành ý định của tôi và hết lòng khuyến trợ. Chị đã kính cẩn trình lên Đại sư Dagpo Rinpoche ý định này và được ngài hoan hỷ chuẩn thuận. Từ đó, chúng tôi đã cùng nhau nỗ lực làm việc để có thể sớm giới thiệu bản dịch này đến với độc giả.

Thật ra, những lời dạy mà Đại sư đã ban ra là hết sức hoàn chỉnh. Nhưng vì toàn bộ nội dung này được đưa ra trong các Pháp hội khác nhau, dành cho một số thính chúng nhất định, nên cách trình bày tất nhiên có phần khác với một quyển sách. Đại sư hoàn toàn không có ý định biên soạn một quyển sách, và việc ghi chép lại nội dung để rồi chuyển dịch, in ấn và phổ biến là những việc tùy duyên mà phát sinh, không nằm trong chủ đích ban đầu của người thuyết giảng. Tuy vậy, Ngài đã hết sức hoan hỷ tán trợ khi biết được việc làm của chúng tôi, và thậm chí đã dành thời gian chú nguyện cho công việc của chúng tôi luôn được thuận lợi, tốt đẹp.

Nhân đây cũng xin lược nói qua đôi dòng về Đại sư Dagpo Rinpoche (Dagpo Rimpoch - Lobsang Jhampel Jhampa Gyamtshog), một trong những bậc cao tăng hiếm hoi của thời đại này. Ngài sinh năm 1932 tại Nandzong, vùng Dagpo thuộc Đông nam Tây Tạng, và cũng năm ấy Ngài được đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 13 Thubten Gyatso (1876-1933) xác nhậnhóa thân tái sanh của Đại sư Dagpo Lama Rinpoche Jampel Lhundrup thuộc dòng truyền thừa Gelupa, từng là Viện trưởng Viện Dagpo Datsang ở vùng Dagpo. Năm lên sáu, Ngài được đưa vào học tại Tu viện Bamchoe (Bamchoe Monastery) và đến năm 13 tuổi Ngài được theo học ở Viện Dagpo Datsang (Dagpo Shedrup Ling), vốn nổi tiếng hết sức nghiêm khắckỷ cương. Tiêu chuẩn đào tạo của Viện này là rất cao xét về mọi lãnh vực Phật học, nhưng đặc biệthết sức chú trọng vào giáo pháp Lam-rim. Đại sư Dagpo Rinpoche từng được theo học với 34 bậc thầy uyên bác về Phật học, trong số đó có cả đức Đạt-lai Lạt-ma 14 và hai bậc thầy dạy của ngài là Kyabje Ling Rinpoche và Kyabje Trijang Rinpoche.

Đại sư Dagpo Rinpoche học tại Datsang cho đến năm 1954. Năm 1959, Ngài theo đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 sang Ấn Độ rồi ngay năm sau đó Ngài sang định cư ở Pháp theo lời mời của các giáo sư Đại học và sự cho phép của đức Đạt-lai Lạt-ma. Tại đây, Ngài dạy tiếng Tây Tạng ở trường Langues O trong suốt 16 năm, nhưng không giảng dạy Phật pháp vì xét thấy chưa đủ cơ duyên. Từ năm 1976, vâng theo huấn thị của các bậc thầy của Ngài, Ngài bắt đầu việc giảng dạy Phật pháp. Năm 1978, Ngài thành lập Phật học viện Guepele Tchantchoup Ling (sau đó trở thành Ganden Ling Institute) tại Paris. Hiện nay Ngài vẫn thường xuyên thuyết giảng tại Phật học viện này.

Vừa dạy Tạng ngữ, Ngài vừa đào tạo nhiều dịch giả, trong số đó có cô Marie Stella Boussemart chuyên dịch Tạng-Pháp và cô Rosemary Patton chuyên dịch Tạng-Anh. Họ đã theo Ngài trong tất cả các chuyến đi thuyết giảng khắp các nước như Italy, Switzerland, Holland, Belgium, Canada, Anh, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia... và đặc biệt là ngay tại Pháp quốc.

Từ năm 2006 đến 2008, Ngài đã năm lần liên tiếp thuyết giảng về đề tài “phù trợ người lâm chung”, mỗi lần kéo dài suốt hai ngày. Từ cơ duyên này, cô Marie Stella Boussemart đã thực hiện việc ghi chép tổng hợp nội dung của cả năm lần thuyết giảng thành một bản tiếng Pháp. Và chính nhờ đó mà chúng ta có được bản Việt dịch của đạo hữu Giao Trinh từ bản tiếng Pháp này.

Công việc chính của chúng tôi chỉ là rà soát lại toàn bộ bản Việt dịch để loại bỏ tất cả những sai sót trong việc ghi chép, chuyển dịch; đồng thời cũng thực hiện một số thay đổi cần thiếtthích hợp để chuyển từ lối văn nói sang phong cách văn viết. Những việc làm này đều nhắm đến một mục đích duy nhất là giúp người đọc có thể nhận hiểu dễ dàng hơn nhờ vào những cách diễn đạt rõ ràng, mạch lạc, và tất nhiên là vẫn trên tinh thần tôn trọng tuyệt đối những gì Đại sư đã nói ra. Đôi khi, chúng tôi cũng thêm các tiểu tựa hoặc phân đoạn lại một vài nơi, nhằm tạo ra một kết cấu chặt chẽ và hoàn chỉnh hơn cho tập sách. Xét cho cùng, từ những nội dung được trình bày cho một thính chúng cá biệt vào một thời điểm nhất định, có phần nào đó mang tính chất ứng cơ và tùy biến đối với người nghe, thì việc chuyển sang thành một quyển sách có kết cấu hoàn chỉnh dành cho tất cả mọi người không thể là một chuyện dễ dàng và có thể tùy tiện được. Vì thế, chúng tôi đã hết sức cẩn trọng trong công việc và luôn cố gắng để hạn chế mọi sai sót. Mặc dù vậy, nếu có những khuyết điểm nào thuộc về phần việc của chúng tôi làm cho độc giả cảm thấy không được hài lòng hoặc khó tiếp nhận, chúng tôi xin chân thành nhận lỗi về mình vì chắc chắn điều đó chỉ có thể là do khả năng hạn chế cũng như tầm nhận thức còn chưa thấu triệt của bản thân chúng tôi mà thôi.

Trở lại với nội dung sách này, đây có thể nói là một chủ đề vừa quen vừa lạ đối với hầu hết chúng ta. Nói là quen, vì có mấy ai trong chúng ta lại chưa từng một lần đối diện với cái chết của một trong những người thân của mình? Hơn thế nữa, còn có điều gì tương đồng và phổ biến đối với tất cả chúng ta hơn là cái chết? Kể từ khi ta mở mắt chào đời, cái chết đã bắt đầu lừng lững tiến dần về phía chúng ta, không thể tránh né, không thể ngăn chặn, cũng không thể làm cho chậm lại... Cứ như thế, tất cả chúng ta đều hoàn toàn bất lực trong sự chờ đợi một sự kiện kinh hoàng không sao tránh khỏi là cái chết.

Thế nhưng cái chết cũng là một sự kiện hoàn toàn xa lạ đối với tất cả chúng ta. Bởi không ai trong chúng ta đã từng tự mình trải nghiệm cái chết! Chúng ta chỉ nhìn thấy người khác chết và được nghe nói về cái chết từ những người... chưa bao giờ chết. Nếu đã thế thì làm sao ta có thể biết được gì về cái chết? Thử hình dung, khi cơ hội đến với ta để thực sự cảm nhận và hiểu biết được đôi điều về cái chết, thì cũng đã không còn cơ hội nào nữa để ta có thể kể lại về những kinh nghiệm tự thân đó cho tất cả mọi người. Ít ra thì điều này cũng là đúng với hầu hết những người bình thường. Và vì thế, mặc dù “cánh cửa tử” là rất gần và có thể mở ra với mỗi chúng ta bất cứ lúc nào, nhưng những gì “bên kia cửa tử” dường như vẫn là một bí ẩn muôn đời đối với những kẻ phàm phu.

Nhưng may mắn thay cho cho tất cả chúng ta, vì một đại sự nhân duyên nên cách đây hơn 25 thế kỷ đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã ra đời. Với trí tuệ toàn giác, Ngài là người đầu tiên đã có thể mô tả về cảnh giới sau khi chết cũng như mọi tiến trình diễn tiến của sự chết. Những điều này được Ngài thấy biết như thật bằng vào sự thực chứng của kinh nghiệm tự thân, hoàn toàn không xuất phát từ bất kỳ một lý thuyết suy diễn nào. Hơn thế nữa, những phương pháp tu tập để đạt đến sự chứng nghiệm về sự chết đã được Ngài truyền dạy lại, và từ đó đến nay đã có vô số các vị đại sư, hành giả... thực hành thành công, đạt đến sự thấy biết như thật về sự chết và mọi tiến trình của nó. Sự chứng nghiệm này là nền tảng quan trọng giúp các vị kiểm soát được hoàn toàn sự chết và tái sinh, hay ít ra cũng là có thể tự chọn lấy một con đường lợi lạc hơn, tốt đẹp hơn cho chính bản thân mình sau khi chết.

Phật giáo luôn xem vấn đề sống chết là điều quan trọng nhất cần phải được nhận hiểu một cách thấu đáo. Đây là điểm tương đồng giữa tất cả các tông phái khác nhau trong Phật giáo. Thiền tông luôn quan niệm sinh tử là việc tối quan trọng của một thiền giả, và chính vì cái “sinh tử sự đại” này mà thiền sư Huyền Giác khi đến tham bái Lục tổ đã chống tích trượng đứng trơ trơ không lễ lạy! Chỉ sau khi giải quyết xong chuyện tối quan trọng này rồi ngài mới chí thành phủ phục lễ bái Tổ sư. Vì thế, có thể nói người tu Thiền không sợ chết, nhưng lại sợ nhất là không hiểu rõ về cái chết. Một khi chưa thấu triệt vấn đề sinh tử, hay nói một cách khác là chưa biết chắc được mình sẽ đi đâu về đâu sau khi chấm dứt cuộc sống này, thì hành giả dù có miên mật công phu đến đâu cũng chưa thể xem là đã nắm chắc được mục tiêu giải thoát.

Đối với các hành giả Mật tông thì điều này lại càng dễ dàng nhận thấy hơn. Toàn bộ công phu hành trì tu tập của một hành giả trong suốt cuộc đời hầu như chỉ hướng đến một mục đích duy nhất là chuẩn bị cho cái chết. Sở dĩ như thế là vì theo Mật tông thì trừ ra một số rất ít các vị đại hành giả có thể đạt được chứng ngộgiải thoát ngay trong đời sống, còn đối với hầu hết mọi người thì thời điểm chết sẽ là cơ hội tốt nhất, thuận lợi nhất để một hành giả đạt được sự giải thoát. Kinh điển Mật tông dạy rằng, khi thân tứ đại tan rã cũng là thời điểm tâm thức sẽ có một sự “lóe sáng” rất gần với tâm thức giác ngộ, và nếu chúng ta không có sự tu tập để tận dụng cơ hội này thì sau đó nghiệp lực sẽ hiện hành, tiếp tục xô đẩy, dẫn dắt chúng ta vào các cảnh giới tái sinh trong sáu nẻo luân hồi.

Riêng đối với những người tu tập theo pháp môn Tịnh độ thì sự chết chính là đích đến của một đời tu tập. Giáo lý Tịnh độ không nói nhiều về tiến trình của sự chết, nhưng xác quyết một điều là chắc chắn có sự tái sinh sau khi chết. Trên căn bản đó, nếu người tu chuẩn bị tốt các món tư lương là tín, nguyện và hạnh thì chắc chắn sẽ được sự tiếp dẫn của đức Phật A-di-đà cùng Thánh chúng và được vãng sinh về cõi Tịnh độ của Ngài.

Thật ra, kinh điển Mật tông cũng nhắc đến sự tiếp dẫn của chư Phật, nghĩa là rất nhiều vị Phật ở các cõi Tịnh độ khác nhau chứ không chỉ riêng đức Phật A-di-đà, và việc vãng sinh về cõi Tịnh độ nào là tùy theo sự phát nguyện của hành giả. Theo sách Đại Đường Tây vực ký thì ngài Tam tạng Pháp sư Huyền Trang đã phát nguyện vãng sinh lên cõi Tịnh độ của đức Bồ Tát Di-lặc, tức là cung trời Đâu-suất. Trước giờ lâm chung, Ngài đã được nhìn thấy những điềm lành rõ rệt báo trước sự vãng sinh của Ngài, và Ngài đã nói với các đệ tử một cách chắc chắn về việc Ngài sẽ tái sinh lên cung trời Đâu-suất để tiếp tục học hỏi giáo pháp với Bồ Tát Di-lặc.

Như vậy, cho dù là Thiền tông, Mật tông hay Tịnh độ... sự tương đồng ở đây chính là một nỗ lực tích cực trong suốt cả cuộc đời để hướng đến việc chuẩn bị tốt cho giây phút cuối đời. Mỗi tông phái có những pháp môn khác nhau để đạt đến mục đích này, nhưng đi vào luận giải thì tất cả đều tương hợp, tuy có những nét khác biệt nhau trong hình thức biểu đạt nhưng không hề có sự mâu thuẫn về nội dung, ý nghĩa. Chính bản thân tôi sau khi được đọc qua những lời giảng của Đại sư Dagpo Rinpoche trong tập sách này mới nhận ra và xác quyết điều đó.

Vì thế, tôi tin chắc một điều là tập sách này không chỉ dành riêng cho những ai đang tu tập theo Phật giáo Tây Tạng. Sự thật là những lời dạy của Đại sư Dagpo Rinpoche có thể mang đến lợi lạc cho tất cả chúng ta, không chỉ những người Phật tử mà kể cả những người theo tôn giáo khác, và không chỉ cho những người có tín ngưỡng mà kể cả những ai chưa đặt niềm tin vào bất cứ tôn giáo nào.

Vì sao vậy? Vì những gì được đề cập ở đây là những vấn đề rất thiết thựcliên quan đến mọi con người và mỗi người chúng ta đều có thể tự mình kiểm nghiệm tính đúng đắn của những vấn đề đó ngay trong cuộc sống; vì những phương thức được đề xuất ở đây là những điều mà bất cứ ai cũng có thể làm được nếu có một chút lưu tâmnỗ lực, và đều sẽ nhận được những lợi lạc vô biên từ việc thực hành những phương thức đó; và cuối cùng là vì dù muốn hay không muốn, dù tin hay không tin thì tất cả chúng ta đều phải đối mặt từng ngày trước cái chết đang đến gần với những người thân yêu của mình, rồi cuối cùng là cái chết của chính bản thân mình. Suy cho cùng, cho dù ai đó chưa có niềm tin vững chắc vào những gì được trình bày ở đây thì liệu họ có thể có được một lựa chọn nào khác để giải quyết vấn đề sống chết? Và đã thế thì, sao không thử qua một lần cho biết nhỉ?

Những lời dạy của Đại sư Dagpo Rinpoche trong sách này nói riêng và Phật pháp nói chung đã mang lại quá nhiều lợi lạc cho bản thân tôi và cả gia đình tôi. Vì thế, tấm lòng tri ân thành kính của chúng tôi đối với Tam bảo là không thể nói hết ở đây. Việc cố gắng giới thiệu sách này đến với tất cả mọi người chỉ là một trong những nỗ lực nhỏ nhoi để đáp đền hồng ân Tam bảo, mặc dù chúng tôi luôn tự biết về khả năng hạn chếkiến thức giới hạn của chính bản thân mình trước công việc khó khăn này. Trên tinh thần đó, chúng tôi xin hoan hỷ đón nhận mọi sự góp ý chỉ dạy từ các vị thức giả gần xa, để những sai sót nếu có đều sẽ được chỉnh sửa trước khi tái bản.

Mong sao tất cả những ai có duyên may gặp được sách này đều sẽ nhận được những lợi ích vô biên từ Phật pháp, hoặc chí ít cũng sẽ cất đi được cái gánh nặng muôn đời của nỗi ưu tư về cái chết.

Mong sao tất cả những ai hiện đang và sẽ đối mặt với nỗi kinh hoàng của cái chết đều sẽ nhận được sự quan tâm giúp đỡ thích đáng từ những người còn sống để không phải cảm thấy sợ hãi và bơ vơ lạc lõng khi sắp cất bước lên đường, trước một cuộc hành trình chưa biết sẽ về đâu.

Mong sao tất cả những ai đã, đang hoặc sẽ phải đối mặt với cái chết của những người thân yêu đều sẽ nhận hiểu được những lời dạy sáng suốt này để có thể tự mình xua tan mọi nỗi lo sợ và đau khổ, có thể thắp lên ngọn đèn Chánh pháp vào đúng lúc để giúp soi rõ con đường đi bên kia cửa tử cho người lâm chung.

Cuối cùng, thay mặt tất cả những ai đã, đang và sẽ nhận được vô vàn lợi ích từ tập sách này, xin kính dâng lên Đại sư Dagpo Rinpoche lòng biết ơn chân thành đối với tâm từ bi vô hạn và những lời thuyết giảng đầy trí tuệ của Ngài; xin cảm niệm công đức vô lượng của cô Marie Stella Boussemart, người đã thực hiện ghi chép bản Pháp ngữ, và đạo hữu Giao Trinh, người đã chuyển dịch từ Pháp ngữ sang Việt ngữ với một sự cẩn trọngtâm nguyện vị tha rộng lớn; xin tri ân tất cả các thiện tri thức, các thân hữu gần xa đã góp phần trực tiếp cũng như gián tiếp, vật chất cũng như tinh thần cho sự hình thành và ra đời của tập sách này.

Xin hồi hướng mọi công đức về cho toàn thể pháp giới chúng sinh, nguyện cho tất cả đều sẽ phát tâm Bồ-đề, tinh tấn tu tập và sớm đạt được giác ngộ viên mãn.


Trân trọng

NGUYỄN MINH TIẾN

Source: thuvienhoasen

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 3767)
Với những vị nhấn mạnh duy nhất vào việc trưởng dưỡng Bồ đề tâm trong cuộc đời, lời khuyên thích hợp cho họ khi tiến gần đến cái chết là nương tựa năm sức mạnh để định hướng lối đi của họ đến đời sau.
(Xem: 3943)
không phải là kết thúc của cuộc sống, bởi vẫn còn tái sinh sau khi chết.
(Xem: 3438)
Đừng bao giờ lo âu hay sợ hãi về cái chết. Thay vào đó, hãy cố gắng cải thiện tâm trạng và trưởng dưỡng một nhận thức hoan hỷ rõ ràng
(Xem: 4238)
Sống và chết đều vô cùng quan trọng với mọi người bởi chúng là số phận. Không ai có thể từ chối hay tránh khổ đau liên quan đến sinh, lão, bệnh, tử và cuộc sống thực sự.
(Xem: 4300)
Vài người nghĩ rằng Phật giáo Kim Cương thừa rất huyền bí. Điều này là bởi họ thiếu một sự hiểu về hệ thống tư tưởngthực hành của Kim Cương thừa.
(Xem: 2883)
Các hiện thân của tất cả chư Phật trong quá khứ, hiện tạivị lai; những thủ lĩnh phổ quát của đại dương đàn trànggia đình Phật;
(Xem: 3306)
Tất cả hữu tình chúng sinh trong tam giới của sự tồn tại đều trong tù ngục luân hồichúng ta đều trải qua khổ đau của luân hồi.
(Xem: 3405)
Về điều mà chúng ta sắp lắng nghe, Đức Phật đã ban vô số giáo lý. Nếu chúng ta muốn cô đọng những giáo lý này thì có những giáo lý của thừa căn bản và những giáo lý của thừa đặc biệt.
(Xem: 3314)
Trì Minh Vương hay Vidyadhara tối thắng Rigdzin Jigme Lingpa (1729-98) sinh ở Yoru, Tây Tạng trong một vùng vô cùng khiêm nhường.
(Xem: 3455)
Đèn Soi Nẻo Giác (A Lamp for the Path to Enlightenment), do ngài Atisha vĩ đại (Dipamkara Shrijnana) sáng tác tại Tây Tạng.
(Xem: 4428)
Ngày nọ, Đạo Sư đang an trụ trong sự chứng ngộ khi Ngài diện kiến Đức Kim Cương Tát Đỏa và thọ nhận lời tiên tri:
(Xem: 3468)
Ở Xứ Tuyết Tây Tạng, những giáo lý của Đức Phật được trao truyền trong nhiều dòng truyền thừa.
(Xem: 9695)
Có nhiều câu hỏi về tái sanh thường được nêu ra đối với các Phật tử. Có tái sanh không? Nếu có, có thể nhớ chuyện kiếp trước không? Cái gì tái sanh? Có thân trung ấm hay không?
(Xem: 7081)
Dưới đây là một bài giảng ngắn của Lạt-ma Denys Rinpoché, một nhà sư người Pháp. Ông sinh năm 1949, tu tập theo Phật giáo Tây Tạng từ lúc còn trẻ
(Xem: 7944)
Kyabje Lama Zopa Rinpoche giải thích cách phát khởi thực chứng về các giai đoạn của đường tu giác ngộ trong Khóa Tu Kopan Thứ Mười Hai...
(Xem: 9475)
hật giáo truyền nhập Tây tạng được xem như chính thức từ vua Srong-btsan sGam-po (569–649?/605–649 Tl?); nhưng phải đợi hơn một thế kỷ sau, dưới triều vua...
(Xem: 4533)
Kính lễ Đấng Trang Nghiêm Kim Cang Tát Đỏa. “Tất cả mọi pháp đều không có tự tánh. (Năm) uẩn (skandas), (mười tám) giới (dhatus)...
(Xem: 5222)
Kinh Đại Thừa Địa Tạng Thập Luân nói rằng, theo giáo lý của Đức Phật, có hai kiểu người không làm ác: kiểu đầu tiên là những người...
(Xem: 13539)
Hãy tụng kinh Kim cương nhiều lần. Thầy cũng sẽ cầu nguyện, trì tụng và hồi hướng cho con ngay bây giờ.
(Xem: 11354)
Khi chúng ta có ước muốn theo đuổi con đường tâm linh, ta phải hiểu thấu vì sao lại chọn đi con đường này.
(Xem: 11661)
Lòng bi mẫnsự thiền định hay thực hành quan trọng nhất mà bạn có thể làm. Mặc dù những giáo lý của Đức Phật nói về...
(Xem: 10963)
Nguyên tác: Making Space with Bodhicitta; Tác giả: Lama Yeshe; Chuyển ngữ: Hoa Chí
(Xem: 9388)
Tư tưởng thuần khiết nhất này là nguyện ước và ý chí đưa tất cả chúng sanh đến sự thực chứng năng lực Giác Ngộ vô thượng.
(Xem: 13876)
Bậc giảng giải vô song, đỉnh cao của dòng họ Thích Ca, Người dìu dắt chúng sanh bằng giáo huấn duyên khởi...
(Xem: 15083)
Trên đây là bài dịch từ trang 18-20 trong quyển ’Kindness, Clarity,and Insight’ của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 Tenzin Gyatso, với sự đồng ý của Snow Lion Publications
(Xem: 10584)
Truyền thừa Sakya là một trong bốn truyền thống tâm linh vĩ đại tại Tây Tạng.
(Xem: 10732)
Có những phẩm hạnh mà bậc Thượng sư cần phải có và những phẩm chất mà người đệ tử cần có.
(Xem: 9958)
Đức Dalai Lama từng nhiều lần dạy rằng, Phật giáo Kim cương thừa không phải là Lạt-ma giáo.
(Xem: 10057)
Bằng nguyện lực của Tam Bảo Tối Thượng đáng tin cậy Và chân lý của tinh thần trách nhiệm toàn cầu của chúng con, Nguyện cho Phật pháp quý báu lan rộng và hưng thịnh Ở mọi vùng đất, theo chiều dài và chiều rộng của phương Tây.
(Xem: 10252)
Một trong những mục đích chính của việc tranh luân trong khi tu học Phật pháp là để giúp bạn phát triển nhận thức quả quyết (nges-shes).
(Xem: 10587)
Trong Hiện Quán Trang Nghiêm Luận (mNgon-rtogs rgyan, tiếng Phạn, Abhisamayalamkara), Đức Di Lặc đã liệt kê bốn mươi sáu lỗi lầm ảnh hưởng đến việc phát triển trí tuệ tương ứng với căn cơ của chư Bồ tát (sbyor-ba’i skyon).
(Xem: 10674)
Của cải không trường tồn hay thường còn mãi mãi. Lòng tham của cải giống như uống nước muối, ta sẽ chẳng bao giờ có đủ.
(Xem: 10606)
Nền tảng của mọi phẩm chất tốt đẹpvị bổn sư tử tế, hoàn hảothanh tịnh; Sùng mộ ngài một cách đúng đắn là cội nguồn của đường tu.
(Xem: 10164)
Tâm là một sự chuyển động, bản tánh của nó là sự di động. Thực thể cơ bản của nó là sự trong sángtrong suốt.
(Xem: 9886)
Đường tu được tất cả chư Bồ tát thiện hảo tán thán, Cửa ngõ cho những người may mắn mong cầu giải thoát.
(Xem: 13602)
Cả Đức Thích Ca Mâu Ni Phật và Guru Rinpoche đều tiên tri sự ra đời và thành tựu tâm linh của Tông Khách Ba.
(Xem: 16422)
Long Thọ (Nagarjuna, Klu-grub), cùng với Vô Trước (Asanga, Thogs-med), là hai đại hành giả tiên phong của truyền thống Đại thừa.
(Xem: 13544)
Con xin sám hối nghiệp xấu ác của tự thân cùng tha nhân, và hoan hỷ với công đức của tất cả chúng sanh.
(Xem: 9652)
Những lời khuyên thiết thực, thâm sâutrong sáng của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma, chỉ cho ta cách tu tập giúp biến cải tâm linh ta, biến ta thành một con người cao cả hơn...
(Xem: 10615)
Tất cả những giáo lý về con đường Ati Dzogchen có thể xếp vào ba chủ đề : Nền Tảng, Con Đường, và Quả.
(Xem: 12439)
Pháp tu Tonglen, hay cho (tong) và nhận (len), là một pháp tu của chư Bồ tát, những đứa con thiện nam tín nữ dũng cảm nhất của các đấng chiến thắng
(Xem: 11962)
Ta đã có được thân người hy hữu khó tìm, cùng với các tự dothuận lợi đầy ý nghĩa. Ta đã gặp được giáo huấn hiếm có của Đức Phật.
(Xem: 10819)
Tôi sẽ dựa theo tác phẩm có tựa đề Năm Điểm Chỉ Giáo về Pháp Chiết Xuất Tinh Chất, do Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ Hai, Gendun Gyatso sáng tác.
(Xem: 13406)
Pháp luyện tâm nói về hành trì của các hành giả cao cả. Khi tu tập để phát bồ đề tâm, trước hết, ta phải phát khởi các thực chứng của một hành giả sơ căn và trung căn trong lamrim...
(Xem: 10065)
Chúng ta đã có được kiếp sống lý tưởng, hỗ trợ cho các tự dothuận lợi rất khó tìm. Ta đã gặp được giáo huấn quý báu vốn khó gặp của Đức Phật, đã tìm ra các vị thầy tâm linh khó tìm của Đại thừa...
(Xem: 12345)
Trong truyền thống Phật giáo Trung Hoa-Nhật Bản, hệ thống giáo lý Trung quán và Du-già Duy thức tông đã được xem là cùng đi song song và đối nghịch với nhau.
(Xem: 11822)
Gia đình tôi đầy những câu chuyện này… Có những hành giả vĩ đại như cha tôi và bác tôi, những người thực hành từ trái tim và có năng lực thực sự...
(Xem: 12086)
Tây Tạng bắt đầu chịu ảnh hưởng của Phật giáo vào thế kỷ thứ 7 trong triều đại của vua Songtsen Gampo.
(Xem: 14514)
Tịch Hộ đã đến Tây Tạng vào thế kỷ thứ 8, cho nên đến thế kỷ 11 truyền thống Na Lan Đà đã được thiết lập một cách vững vàngTây Tạng.
(Xem: 11017)
Là một trong những dòng Kagyu, dòng truyền thừa Drikung Kagyu do Đạo sư tâm linh vĩ đại Kyobpa Jigten Sumgon sáng lập 852 năm trước.
(Xem: 15492)
Theo Kim Cương thừa, chúng bị rơi vào cõi sinh tử bất tận này bởi những nhận thức bất tịnh.
(Xem: 17857)
Sự Thực Hành Guru Yoga Theo Truyền Thống Longchen Nyingthig
(Xem: 15138)
Theo Mật giáo, trong vũ trụ có ẩn tàng những thế lực siêu nhiên; nếu ta biết sử dụng những thế lực siêu nhiên kia thì ta có thể đi rất mau trên con đường giác ngộ, thành đạo.
(Xem: 16614)
Mật tông là một nền văn hóa đặc sắc của Phật giáo Đại thừa giai đoạn cuối, còn gọi là Mật giáo hoặc Bí mật giáo, Chân ngôn tông, Kim cang thừa, Mật thừa, Quả thừa v.v..
(Xem: 14739)
Mật thừa xem thấy thế giới gồm những yếu tố và những tương quan tương phản, đối kháng: bản thểhiện tượng, tiềm năng và biểu lộ, nhân và quả...
(Xem: 14628)
Choden Rinpoche là một trong những Lạt ma phái Gelug cao cấp nhất, trước năm 1985 ngài hầu như không được biết tới ở ngoài xứ Tây Tạng... Thanh Liên
(Xem: 18417)
Đi vào cửa Pháp: Tuyển tập Giáo huấn của các Đạo sư Tây Tạng - Bản dịch Việt ngữ của Liên Hoa & Thanh Liên
(Xem: 18594)
Con Đường dẫn đến Phật Quả là một trong những sự giới thiệu tuyệt hảo cho giáo lý của Phật giáo Tây Tạng được sử dụng ngày nay.
(Xem: 12927)
Những lời khuyên này, ta muốn nói với Dagmema. Hãy bình tâm, đừng trộn lẫn tâm ấy với những gì thế tục. Hãy đánh thức sự kiên địnhbuông bỏ niềm đau.
(Xem: 13503)
Xuân qua thu lại, cùng thời gian này vào năm tới, vô số người sẽ gặp phải cái chết của mình. Ai có thể quả quyết rằng bạn không phải là một người trong số đó?
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant