Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới
Bài Mới Nhất

Ngưu Ma Vương

29 Tháng Mười Một 201300:00(Xem: 6398)
Ngưu Ma Vương



CẢM NIỆM VỀ MẸ

(Kính dâng mẹ cụ bà Nguyễn thị Sáu)
Hư Thân Huỳnh Trung Chánh


cam_niem_ve_me


NGƯU MA VƯƠNG

Dayton là một thành phố nhỏ bé thuộc tiểu bang Ohio, nơi mà 25 năm trước đây, khi định cư tại Hoa Kỳ chú Sáu đã được người bảo trợ lãnh về, để bắt đầu kiếp sống tha phương xứ người. Do đó, dù chỉ lưu trú tại đây không quá 6 tháng, nhưng những kỹ niệm, những hình ảnh thân thương của chốn nầy lúc nào cũng tràn ngập trong tâm khảm chàng. Do đó, khi chiếc phi cơ Delta vừa lượn một vòng ngắn, nhìn xuyên qua cửa sổ ngắm nhìn cảnh thành phố nhỏ nhắn mờ sương ngày xưa, chú Sáu đã xúc động nghẹn ngào. Chú ngậm ngùi nhớ tới nỗi ngơ ngác âu lo của của 3 thằng con trai bạc mạng trên bước đường vong quốc vào “thuở ban đầu” ở xứ nầy, chàng nhớ bà Mary Sanders, người bảo trợ hiền lành đã dang rộng vòng tay thương yêu đón nhận ba đứa con trai xa lạ, để bảo dưỡng, chăm sóc chúng từng miếng ăn, từng áo mặc và tận tình hướng dẫn chúng hòa nhập vào nếp sống Hoa Kỳ. Điểm đáng kính trọng nhứt là lòng nhẫn nại của bà, khi phải bình tĩnh đối thoại với đám “con nuôi” bập bẹ tiếng Mỹ, phải quơ tay múa chân lia lịa để giải bày điều muốn nói. Bà đưa cả đám đi học Anh văn tại hội YMCA, bà dạy bọn chàng lái xe, đưa đi thi bằng lái, rồi mua cho ba đứa chiếc xe cà tàng để đi đây đi đó. Bà cũng hướng dẫn chúng đi tìm việc, và dù chữ nghĩa vẫn “ù ù cạc cạc”, ba đứa cùng được công ty Frigidaire nhận cho làm thợ không chuyên môn mà lương bổng lại khá trọng hậu. Bà lại ưu ái chăm lo phần tinh thần đám con bảo trợ vô cùng chu đáo, hàng tuần bà đưa 3 chàng đi nhà thờ Worker’s for Christ Full Gospel Church, lên tiếng ca tụng họ, khiến cả hội thánh ai cũng niềm nỡ đón tiếp, và thường xuyên chia nhau đến thăm hỏi, rao giảng đạo Chúa, hi vọng ngày rửa tội bọn chàng đã gần kề…Mặc dù kính thương bà Mary như ngườiø mẹ hiền, nhưng khi phải ép lòng theo bà đi nhà thờ, lấp lửng đóng vai một con chiên ngoan đạo, lí nhí hát thánh ca… chú Sáu cảm thấy có niềm bất an khắc khoải trong lòng. Chú vốn là một Phật tử thuần thành, biết chắc chắn mình sẽ chẳng bao giờ thay đổi tôn giáo, nên nếu cứ “lửng lơ như con cá vàng” đi nhà Thờ để được nâng đỡ, chăm lo vật chất… thì vừa trái với lòng mình vừa chẳng thành thật với người. Chú Sáu toan giải bày với bà Mary tâm tư của mình, nhưng vốn liếng chữ nghĩa của chú yếu ớt quá không cách nào diễn tả nỗi, vả chăng dù có khả năng, chưa chắc chú có thể nỡ lòng làm buồn lòng bà mẹ nuôi phúc hậu của mình. Thế rồi, để tránh kéo dài nỗi khó xử ray rứt nầy, chú Sáu liên lạc với bạn bè khắp nơi tìm đường ra đi. Bảy tháng sau, chú từ giã Dayton với niềm luyến tiếc, rồi theo duyên tình mà dừng chân tại Phoenix, Arizona. Chú lập gia đình một thời gian ngắn sau đó, và vĩnh viễn chọn vùng sa mạc nầy làm quê hương thứ hai. Dù xa xôi cách trở thế nào, thì ân tình thâm trọng của bà mẹ nuôi phúc hậu cũng chẳng hề suy giảm, chú Sáu thường xuyên liên lạc với bà, nài ép bà về sống với gia đình chú vào những tháng mùa đông, để trốn tránh giá băng miền Bắc. Bà Mary vui vẻ sống đùm túm với chú vài mùa đông, nhưng mười năm sau nầy, sức khỏe yếu kém bà không mấy khi đi xa nhà, bốn năm cuối cùng bà phải vào viện dưỡng lão vì không tự lo cho chính mình được nữa. Giờ đây sau bao năm gắng gượng chống chỏi với nhiều căn bệnh khác nhau, bà đã vĩnh viễn từ giã cõi đời ở tuổi 90. Chú Sáu vừa được Viện Dưỡng Lão thông báo tin buồn, đã vội vã lên đường cho kịp dự lễ rửa tội cuối cùng của người ân nhân.

Rời phi trường, chú thuê xe, tìm đường đến khách sạn gần khu nhà quàng mà chàng đã giữ chỗ sẵn để thay bộ “vét” đen chững chạc phù hợp với ngày tang lễ, rồi hấp tấp tìm đường đến nhà quàng trước giờ hành lễ. Chàng lặng lẽ đến trước quan tài, ngắm thân xác co rúc bé bỏng nhưng nhờ thuật hóa trang khéo léo nên gương mặt vẫn lộ nét an lành yên ngủ. Chàng chấp tay lầm thầm cầu nguyện, tin tưởng rằng một người phúc hậu, trọn đời tham gia thiện nguyện như bà thì đương nhiên sẽ có duyên nghiệp tốt đẹp. Tang lễ tổ chức đơn sơ, ngoài vị mục sư và nhân viên đại diện Viện Dưỡng Lão, chỉ có vài ông bà cụ, có lẽ đều là bạn đồng bệnh - bệnh già - ngồi xe lăn ngơ ngáo đưa tiển. Sau bao năm cô đơn nằm thoi thóp trong Viện Dưỡng Lão, dường như những người bạn đạo đã từng sát cánh với bà làm thiện nguyện và đi từng nhà làm chứng đạo đã mất liên lạc. Hai đứa con bà, tuổi tròm trèm 70, bấy lâu lưu lạc mỗi người mỗi nơi, còn sống hay đã chết, cũng vắng bóng, nên thân nhân duy nhất của bà vào ngày cuối cùng của cuộc đời lại chỉ còn có chú. Chú Sáu đứng trước quan tài, chào hỏi cảm tạ mọi người, và chờ đợi người khách cuối cùng ra về, chàng đưa chiếc áo quan chuyển qua lò thiêu, nhìn ngọn lửa phụt lên ngùn ngụt, rồi mới bùi ngùi lui bước. Chàng từ từ lái xe đi, mà vẫn còn ngoái nhìn lại làn khói đen tỏa mù mịt trên không gian, thầm nghĩ : “Bấy lâu nay, lăn lộn với nỗi đớn đau dai dẳng, sống không ra sống, chết không ra chết, giờ đây tuy tắt thở nhưng bà Mary mới thực sự sống, sống thảnh thơi ở cõi thiên đàng nước Chúa của bà”.

Sau khi ngủ một giấc ngon lành, chú Sáu thức dậy sớm lái xe lòng vòng tìm lại những kỹ niệm ngày xưa. Ngày chúa nhật, đường xá vắng vẻ, nên chú cứ tà tà lái xe đi ngang hội YMCA, hảng Frigidaire, viện bảo tàng máy bay, qua những mảnh rừng phong lá đang chuyển màu đỏ thắm, viếng Wright State University, rồi vòng qua con đường Valley street quen thuộc, dự định sẽ nhìn thoáng qua ngôi thánh đường mà ngày xưa chàng theo bà Mary đi dự lễ hàng tuần. Con đường xưa có phần cũ kỹ tồi tệ hơn ngày trước, chú Sáu vừa quan sát vừa lẩm nhẩm dò số; chú chuẩn bị tinh thần để quan sát thật nhanh khung cảnh bên ngoài ngôi giáo đường để từ biệt, bỗng nhiên chú giựt mình tấp gấp xe vào lề, dừng lại, dụi mắt nhìn cho rõ. Thì ra, ngôi giáo đường năm xưa đã biến thành ngôi chùaViệt Nam tự lúc nào. “Thật không ngờ cộng đồng Việt Nam nhỏ bé ở đây có thể hoàn thành một công trình quý báu như thế nầy”, chú thầm nghĩ. Chú Sáu rộn ràng ngắm ngôi chùa “Tịnh Quang” nhỏ bé, tuy dáng dấp bên ngoài vẫn là còn giữ nguyên kiến trúc của ngôi giáo đường, nhưng bên trong đã được tân trang lại thành một chánh điện tôn nghiêm, với khoảng chừng một trăm Phật tử, trong đó có hai gia đình người da trắng tề tựu. Ở những thành phố ít người Việt sinh sống, tình đồng hương rất đậm đà. Chú Sáu được mọi người niềm nỡ tiếp đón, đưa lên hàng đầu, trao cho quyển kinh, ân cần theo dõi từng trang để hướng dẫn chú tụng theo nghi thức hành lễ. Phần chủ lễ do vị Hội Trưởng phụ trách, không khí rất trang nghiêm và có chiều sâu. Chú Sáu đã từng viếng thăm hàng trăm ngôi chùa Việt Nam tại xứ Mỹ, có thể nói đây là ngôi chùa nghèo nhất mà chú đã gặp, nhưng chỉ riêng ở ngôi chùa nầy, chú mới cảm thấy niềm xúc động dạt dào : chú xúc động về đạo tình, về lòng thiết tha phục vụ đạo pháp của cộng đồng Việt Nam nhỏ bé ở đây. Nghi lễ kết thúc, chú Sáu nhìn quanh không thấy ai quen biết, chú hơi thất vọng, vừa định ra về thì bỗng có người đàn ông đứng tuổi chận lại lên tiếng :

- Anh Sáu! Anh đến Dayton lúc nào mà lang thang một mình ở đây?

- Ơ! Ơ! Chào anh Thọ! Nảy giờ tôi cố ý nhìn quanh tìm anh mà không thấy. Tôi hấp tấp về đây dự đám táng bà Mary Sanders, quên mang sổ điện thoại theo, thành thử muốn liên lạc với anh và anh Tưởng mà chẳng biết phải làm sao?

- Sáng nay anh Tưởng đi câu, đâu ai biết anh ấy đến hồ nào màtìm! Ơ! mà chiều nay vợ chồng anh ấy hứa lại nhà tôi dùng cơm, sẵn dịp mời anh đến chung vui với tụi nầy. Chỉ có vợ chồng anh ấy, vợ chồng thằng Hạnh, em vợ tôi, chớ chẳng ai xa lạ, xin anh đừng ngại!”

Mấy năm nay chú Sáu không dùng cá thịt, chú ngại việc ăn uống kiêng cữ nầy gây phiền toái cho bạn bè, nên đành thoái thác :

- Ơ! Tôi có chuyện hơi kẹt! Anh cho tôi đến trễ sau buổi ăn. Miễn là mình gặp được nhau uống trà đàm đạo là vui vẻ lắm rồi!

- Được lắm! Vậy thì mình sẽ gặp nhau khoảng 8 giờ rưởi nhé! Xin anh cầm danh thiếp tôi, có ghi rõ địa chỉ và số điện thoại, nếu lạc đường thì réo tôi đi rước, đừng ngại nhé!

***

Trời mùa thu ảm đạm, mới hơn 8 giờ chiều mà bóng tối đã ngập tràn. Chú Sáu theo bản đồ, tìm được con đường Capewood lane rồi, nhưng ráng mở bét mắt dò xét số nhà 3536 hoài mà chẳng thấy. Chú đành đậu xe, bước ra ngoài đi tới đi lui kiểm soát lại cũng chẳng truy ra. Chú Sáu đang ngơ ngác nhìn quanh, bỗng thấy có một người dáng dấp Á Châu trờ tới. Chú Sáu dợm chào xã giao nhưng còn ngần ngại, thì người lạđã nhanh nhẩu cất tiếng

- Anh là người Việt? 
- Dạ đúng. 
- Anh tìm nhà anh Thọ? 
- Dạ phải! Tôi từ xa đến đây không rành đường nên đang lúng túng. Mà sao anh đoán tài quá vậy? 

- Có gì lạ lùng đâu. Xóm nầy chỉ có anh ấy là người Việt Nam thôi! Tôi cũng đang trên đường đến nhà ảnh đây. Xin anh cứ theo tôi!

- Cám ơn lắm! Tên tôi là Sáu, xin hân hạnh được quen anh. 

Người lạ cười hồn nhiên thân mật : “Chuyện nhỏ mà ân nghĩa gì anh Sáu. Nếu anh không ngại, thì xin bắt tay thằng Hồ Linh này kết bạn với nhau đi!” Hai người bắt tay nhau vui vẻ. Mới gặp nhau, mà chú Sáu mường tượng như họ đã quen nhau tự thuở nào rồi. Hồ Linh đưa chú Sáu qua khỏi căn nhà thứ nhất, thì đã thấy ngôi nhà của Thọ nằm sờ sờ kế đó, số nhà cũng rành rành trước cửa, vậy mà hồi nảy con mắt quáng gà của chú Sáu lục lạo hoài chẳng thấy, mới là điều lạ lùng. Chú Sáu vừa bấm chuông, thì đã thấy chủ nhà đon đả mở cửa reo vui :

- Anh Sáu! Tôi thấp thỏm trông ngóng anh nảy giờ. Tôi đinh ninh anh đi lạc đường rồi, vì mấy thuở mà anh trễ hẹn với ai đâu?

- Ơ! Đáng lẽ thì tôi đã đi lạc! nếu không nhờ anh Linh dẫn đường thì chắc phải còn lâu tôi mới mò được tới đây.

Rồi nhìn vào nhà, thấy loáng thoáng có nhiều kẻ hiện diện trong nhà, chú Sáu vội chấp tay, cất tiếng chào : “Xin chào quý anh chị! Xin lỗi đã đến trễ.”

Hồ Linh cũng nối gót theo chú Sáu, bước vào nhà cười vang, lên tiếng : “Thằng Hồ Linh nầy, cũng xin tổng chào quý vị”.

Sau khi nồng nhiệt đón tiếp chú Sáu, lịch sự hỏi thăm qua loa sức khỏeđời sống của gia đình chàng, ba mụ đàn bà hấp tấp rút vào phòng gia đình tiếp tục xem bộ phim dở dang, nhường phòng khách cho đám đàn ông tự do bàn bạc những chuyện linh tinh “cấm đàn bà”. Thế nhưng, hai phòng cách nhau chẳng xa nên câu chuyện của bọn đàn ông khó vượt thoát khỏi lỗ tai bén nhạy của quí bà, ngược lại, âm thanh truyền hình tuy nhỏ nhưng phim truyện Tây Du, đang đến hồi vui nhộn với màn Bát Giái(1) trêu ghẹo bảy con tinh nhền nhện bị phun tơ trói nằm chèo queo thê thảm, cũng xâm lăng ra phòng khách khiến đám mày râu cũng loáng thoáng ngóng nghe.

Chú Sáu cất tiếng :

- Ở đây, đồng bào Phật tử ít, lại không có tăng ni hướng dẫn, vậy mà anh em cũng đồng tâm nhất trí lập Hội, xây dựng được ngôi chùa để có nơi tề tựu quy ngưỡng, lòng thiết tha phục vụ đạo pháp của quí anh thật đáng tán thán!

- Thật ra, trong thời gian đầu nội việc mời Phật tử về hội họp để bàn bạc đã là chuyện khó khăn, vấn đề tài chánh cũng nan giải, thế nhưng, anh em chủ trương cứ bền bĩ tiến hành, rồi bỗng nhiên như có sự gia trì của chư Phật, những khó khăn nội bộ khắc phục lần lần, rồi tình cờ chúng tôi tìm được ngôi thánh đường cũ kỹ đang rao bán với giá phải chăng phù hợp với túi tiền eo hẹp của cộng đồng nhỏ bé nầy, để mua lại và sửa sang thành ngôi chùa tạm trang nghiêm như ngày nay!, Thọ đáp.

- Lập hội, xây chùa dĩ nhiên là chuyện cực kỳ khó khăn, nhưng chuyện nuôi dưỡng niềm tin vào đạo pháp, hàng tuần dù không có tăng ni mà vẫn trang nghiêm hành lễ, điều đó mới là chuyện thiên nan vạn nan khó làm mà quí anh làm được, và đó mới là điểm mà tôi vô cùng thán phục, quí anh ạ!

- Anh Sáu à! Anh chân ướt chân ráo về tới Dayton là đã đến chùa lễ bái, trong khi tôi cũng nằm trong ban tổ chức hô hào lập hội, xây chùa…vậy mà tôi ham vui theo bạn bè đi câu. Sựï thuần thành của anh khiến cho tôi cảm thấy xấu hỗ quá đi!, Tưởng lên tiếng.

- Sự thật thì tôi đang lái xe lông nhông ngoài đường bỗng vô tình thấy ngôi chùa nên tò mò vào chiêm bái, chớ thật ra, tôi nào biết chùa Việt Nam ở đây lập lúc nào mà viếng thăm, xin quí anh chớ vội khen ngợi mà làm tôi lừng!

- Ấy! Anh quá khiêm nhường nói như vậy, chớ ai cũng ca ngợi anh là Phật tử thuần thành đạo cao đức trọng kia mà!, Hạnh góp ý.

Chú Sáu lắc đầu lia lịa đáp : “Nói rằng tôi tu tập lem nhem chẳng đi đến đâu thì đúng, chớ nói đạo cao thì hoàn toàn sai. Tôi chỉ thực hành bằng cách cố gắng tu sửa diệt trừ tham sân si trong mấy mươi năm nay, nhưng khi tự quan sát mình tôi biết rõ mình chẳng tiến bộ là bao.” Chú Sáu ngần ngừ một chút để tìm lời giải đáp hợp lý, chợt nghe tiếng Bát Giái la oái oái trong truyền hình vọng lại, chú mĩm cười bổ túc : “Tôi mà bị đám tinh nhền nhện nó quần, thì tánh Bát Giái cũng nổi lên, rồi bị sa lưới tơ mà thôi, chớ có giỏi giang gì đâu!”.

Thọ cười hì hì, hạ giọng nho nhỏ :

- Bọn đàn ông mình, gặp đám tinh nhền nhện hấp dẫn đó thì đành vui vẻ bó tay mà thôi.

Hạnh, Tưởng, Linh cùng cười khúc khích tán thành “Đúng vậy!đúng vậy!”. Đùa chơi nói nhỏ với nhau, vậy mà, từ phòng gia đình đang chúi mũi xem chuyện Tây Du, mấy bà vẫn vểnh tai nghe được. Có một giọng nói nửa cười cợt, nửa hờn giận, mà vị thì chua như giấm bỗng the thé vang ra :

- Mấy ông mà! Ai chẳng mang bệnh mê gái, gặp đám con tinh nhền nhện là hồn phách tiêu tán hết, chẳng còn biết đường về nhà nữa kìa…

Ba chàng Thọ, Tưởng, Hạnh giựt mình êm re, riêng Hồ Linh nhờ không có bà nào đi theo kềm kẹp, nên bạo phổi đáp :

- Bộ mấy bà tưởng bọn đàn ông nầy mê mấy con tinh cái, còn mấy bà không mê đám tinh đực đẹp trai sao?

- Sức mấy!sức mấy!, ba bà đồng ong óng hét lên một lượt.

Chú Sáu thấy diễn tiến có phần nguy hiểm vội ôn tồn lên tiếng can ngăn :

- Xin lỗi quí anh chị! Xin quí anh chị bỏ qua cho. Tôi nói chuyện ví von để cười vui chơi thôi, chớ thật ra, nếu nói theo Kinh Kim Cang thì Bát Giái không phải là Bát Giái mới thật là Bát Giái, và tinh nhền nhện cũng chẳng phải là con tinh nhền nhện, mới chính hiệu là tinh nhền nhện, anh chị ạ!

Cơn giận dịu xuống phần nào, nữ gia chủ vui vẻ hỏi :

- Anh nói lòng vòng khó hiểu quá! Sự thực ý anh như thế nào, anh nói rõ ra được không anh Sáu?

- Tác giả Tây Du là Ngài Ngô thừa Aân, một cư sĩ thâm hiểu Phật Pháp đã viết chuyện nầy để gởi gắm ý đạo. Trần huyền Trang tức Tam Tạng, là một nhân vật lịch sử, có xác thân còn các đệ tử đều không có xác thân vì đó chỉ là những tướng trạng tâm thức sâu kín của kẻ tu hành mà thôi. Tề Thiên tượng trưng cho ý thức, tức lý trí nên dũng mãnh, thần thông biến hóa, và biết suy xét nên không bị sa lưới ma. Còn Bát Giái, tượng trưng cho nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức và thân thức… nên khi tiếp xúc bóng sắc, với âm thanh ngọt ngào, mùi vị thơm tho, xúc chạm êm ái… dễ bị đắm nhiễm và do đó mới bị ma bắt liên miên. Thí dụ như mình mê chiếc xe hơi lộng lẫy, thì tâm Bát Giái mình bị cái con nhền nhện xe hơi trói chặt không vùng vẫy được, tóm lại, tuy nói Bát Giái nhưng không phải Bát Giái, tuy nói là tinh cái nhưng không phải là tinh cái, phải không quí anh chị!

Chị Thọ vui vẻ lên tiếng :

- Anh giải thích như vậy thì tôi hiểu được. Suy ra, thì cái đám nhền nhện tinh : nữ trang, son phấn, áo quần, nó cũng “lập mê hồn trận” quyến rủ tụi nầy chết mê chết mệt lắm phen chớ, nhưng tôi có phép mầu nên không để chúng nó trói chân tay tôi vào một chỗ đâu!

- Phép mầu gì vậy chị! Truyền lại cho em đi!, hai bà bạn nhao nhao hỏi.

- Tôi chỉ cầm cái “bữu bối visa” múa nhẹ một đường là tự do ôm đồ đạc về nhà, giao cái “bill” cho ổng, ráng cày “over time” đến đâu thì cày!

Cả nhóm cười rú lên vui vẻ, riêng Thọ ra vẻ ngượng ngùng, giả vờ như không nghe thấy gì cả, làm nghiêm tiếp tục cuộc thảo luận :

 - Tóm lại, theo anh Sáu thì tác giả truyện Tây Du đã dùng vô số tinh ma để ám chỉ tất cả biến dạng tiêu cực của tâm đã làm chướng ngại con đường tu tập của kẻ tu hành phải không anh?

- Đúng vậy! Tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, trạo cử, hôn trầm… đều là ma chướng, mà ngay như các loài vô tình : vật dụng, cỏ cây mà mình hơ hỏng thả tâm buông lung thì nó cũng biến thành yêu ma tác quái như thường. Trong Tây Du, vàng bạc cũng biến thành Kim Giác và Ngân Giác (2) đại vương một thứ chúa yêu cắn nhai kẻ tu hành rạo rạo, thế nhưng khi đã hiểu rõ nó, kềm chế nó được rồi, thì Kim Ngânđồng tử giữ lò thuốc trường sinh, kẻ tu hành cũng cần nó để “trường sinh” và có phương tiện hoằng dương Phật Pháp, nên không thể diệt trừ tuyệt giống nó được. Còn cây tùng, cây bá, gốc mai, gốc hạnh... sống lâu năm là thứ cây kiểng mỹ thuật nên thơ, nhưng nếu ta say đắm nó mà nhụt chí tu hành thì cũng có thể bị sa đọa, nên trong Tây Du tác giả đã nhân cách hóa cây tòng, cây bá thành tiên ông Thập bát công, Cô trực công, còn cây Hạnh, cây Mai là những tiên cô xinh đẹp, đã vẽ bày ra thú ngâm thơ vịnh nguyệt để quyến rủ Tam Tạng (3).

- Vàng bạc, cây cảnh giả dụ là quỉ ma thì tôi hiểu được, còn con thanh sư của Bồ Tát Văn Thù(4) sao lại cũng biến thành yêu quái nữa?, Hạnh thắc mắc.

- Tôi nghĩ thanh sư của Bồ Tát Văn Thùhình ảnh tượng trưng cho trí tuệï biện tài vô ngại vì khi sư tử cất tiếng thì chồn cáo run sợ cúi đầu. Các bậc tu hành đạt đến trình độ biện tài vô ngại thuyết pháp thì sẽ được người người qui phục, trọng vọng. Trong Tây Du, sư tử thiến dụ cho kẻ tu hànhbiện tài, nhưng đã xử dụng biện tài ngoài phạm vi Phật pháp đểù tranh dành ngôi vua, nên cái biện tài đó đã biến thành yêu quái hại người.

- Có con ma nguy hiểm mà Tây Du ký đã đề cập tới là Ngưu ma Vương(5), anh Sáu có nhận xétđặc biệt về con ma nầy không?, Hồ Linh vặn hỏi.

- Tôi chưa nghiền ngẫm nhiều về hành tung bí ẩn của thứ ma nầy, anh đã để ý tới thì chắc đã gia công tìm hiểu, xin anh chia xẻ với chúng tôi suy tư của anh!

- Ngưu ma Vương là anh kết nghĩa của Tề Thiên, như vậy nó cũng là một biến dạng của tâm thức. Ngưu ma Vương lại là con trâu toàn trắng, mà trâu trắng là biểu tượng của vọng tâm qua 10 bức tranh chăn trâu của Thiền tông(6). Thiền gia dùng roi giới luật và vàm chánh niệm cột con trâu tâm lại, nói khác dùng roi vọt trị trâu không cho trâu lung lăng phá ruộng lúa người cho đến khi con trâu thuần thục lần lần, không cần chăn giữ nữa, rồi trâu biến dạng…, cho đến khi người và trâu đều biến mất, thì bóng dáng chân tâm mới hiện bày… Có điều là con trâu mình tưởng đã biến dạng hẳn lại cứ lăm le mọc đầu trâu khác, thờ ơ thì bị lầm lạc ngay. Đây là điểm mà chỉ có người thực sự tu, thực sự chăn trâu, thì mới thấy rõ rằng việc chăn trâu không phải là chuyện dễ dàng, mình tưởng như đã bỏ được một tâm xấu rồi, mình vừa mới yên chí lớn thì bằng cách nầy cách khác nó đã sống dậy hoành hành tự lúc nào rồi. Thí dụ như một tu sĩ tưởng chừng như đã bỏ được tâm tham tiền cho cá nhân, nào ngờ tâm tham tiền đó bị chôn vùi một thời gian bỗng mọc trở lại nhưng ngụy trang thành tham tiền cho chùa, cho đạo; kẻ khác yên chí mình đã bỏ được tâm tham danh thế tục, biết đâu lại chui đầu vào cái tham danh đạo đức cao tăng tự lúc nào rồi…

- Kinh nghiệm đó bộ hay đa! chị em chúng mình phải nhớ kỹ điều nầy nhé! đừng thấy mấy ổng tu tâm dưỡng tánh mà yên bụng là lầm lẫn lớn. Mình mà hơ hỏng thả lỏng mấy ổng tự do một chút thì con trâu…, ý quên! con dê của mấy ổng sẽ mọc râu trở lại, tung hoành lục tặc, phá làng phá xóm như chơi hà!

Nữ gia chủ vừa dứt lời thì đã có tiếng vỗ tay đôm đốp và giọng nữ khác phụ họa :”Chị Thọ phán một câu là trúng ngay phóc tim gan mấy ổng! Hoan hô! Hoan hô!”. 

Hồ Linh đằng hắng, lập nghiêm lên tiếng :

- Tôi có một chuyện ma, nhưng đó là chuyện thật về một kinh nghiệm của tâm Ngưu ma Vương mọc đầu trở lại, quí bà có thích nghe chuyện ma nầy không?

Tuy sợ ma nhưng lại thích nghe chuyện ma, nên mấy bà chẳng ai phản đối, dù chưa chi họ đã ngồi sát bên nhau, mắt láo liên khi nghe tiếng gió khua cành lá sột sạt bên ngoài. Còn phe đàn ông, đang bị quí bà ồn ào ra vẻ lấn lướt, may mà Hồ Linh lanh trí kịp thời cứu thể diện bằng cách đem chuyện ma ra hù dọa khiến bọn họ êm ru, nên ai nấy đều khoái chí hoan hô nhiệt liệt.

- Đây là câu chuyện của sư Linh Huyền, do đích thân sư kể lại như thế nầy : “Ta là con út của một gia đình Phật tử thuần hậu tại xã Hương Trà, thành Phú Xuân vào thời Võ Vương(7). Ta vốn hâm mộ đạo Phậtphát nguyện dấn thân tu tập đạo giải thoát từ khi còn rất trẻ, nhưng vì mẹ cha ngăn cản, nên mãi đến năm hai mươi tám, khi cha mẹ già yếu lìa trần, ta mới được tự do lạy hòa thượng Giác Viên, chùa Hàm Long(8) xin thâu nhận làm đệ tử xuất gia. Nhờ lòng thành khẩn tu tập, giới luật nghiêm minh, kinh luật làu thông, ta sớm được sư phụ thương yêu tin tưởng. Năm 36 tuổi ta được sư phụ cử làm trụ trì chùa Bát Nhã, một ngôi chùa bé nhỏ vừa được dân làng An Cựu xây dựng, ngôi chùa thôn dã thanh vắng nầy rất phù hợp với tâm tính ta. Vài tháng sau thì có sư đệ Linh Hải, một tu sĩ nổi tiếng làtài hoa, lại khôi ngô tuấn tú, được sư phụ cử về phụ tá. Thật ra, vì chùa Hàm Long rộn rịp Phật tử quyền quí, sư phụ không thể ngăn cản các công nương viện cớ học hỏi giáo lý để bám theo người đệ tử trẻ “bẹo hình bẹo dạng”, nên quyết định đưa sư đệ tị nạn tại chùa làng, và căn dặn ta quản giáo sư đệ nghiêm nhặt. Ta dòm ngó sư đệ rất kỹ, kiểm soát từng hoạt động, từng biến chuyển tư tưởng… vậy mà, một hôm ta bận việc vắng chùa vài giờ, khi trở về đã bắt gặp sư đệ đang thầm thì với cô gái trẻ. Ta nổi giận xua đuổi cô ta, rồi trách mắng sư đệ thậm tệ. Tưởng phản ứng quyết liệt như vậy sẽ mang kết quả tốt, nào ngờ, sau biến cố đó, sư đệ chẳng những không sửa đổi mà lại nhất quyết xin hoàn tục. Chuyện nầy khiến ta ray rứt khôn nguôi : ta vừa hổ thẹn đã không làm tròn lời ủy thác của thầy, vừa tức giận sư đệ đã tham dâm háo sắc mà lụy thân.

“Cạnh chùa có một gia đình nông dân chất phác sinh sống. Họ là những Phật tử thuần thành, lễ lộc nào, cả nhà bốn người : vợ, chồng và hai con đều đến chùa thành tâm lễ Phật, đặc biệt là hai người con, chị tên Nụ và em trai là Mầm, thường tình nguyện gánh vác phần công quả nặng nhọc cho chùa, nên sớm đã chiếm được lòng mến yêu của ta. Tình thầy trò theo thời giantăng trưởng, lúc đầu, ta yên chí rằng tình cảm của ta bình thườngtrong sạch, nên chẳng mấy quan tâm. Mãi cho đến một hôm, trong khi tọa thiền tự quán sát mình, ta chợt khám phá rằng dường như đã có thứ tình nam nữ nhen nhúm, nên hình ảnh thơ ngây của cô Nụ thường quấn quít tâm ta. Đây là chuyện lạ lùng khó tưởng tượng đã xảy ra : Ta đã từng tiếp xúc bao thiếu nữ yêu kiều mà tâm chẳng hề xao động, giờ đây sao lại rung cảm bởi người thôn nữ nhan sắc tầm thường như thế nầyï. Ta lo lắng vận dụng đủ mọi phương pháp thiền quán để chống đỡ, nhưng càng chống đỡ thì tình cảm càng sâu đậm, tâm càng vọng động, và dục tình ngày càng bộïc phát. Lúc đó, tuy bề ngoài ta vẫn đường hoàng chững chạc, nhưng bên trong thì khối yêu đương cứ âm ỉ mà rộn ràng gia tăng mãi và nguy cơ không kềm hãm nỗi có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ta cực kỳ lo lắng, và trong một quyết định bồng bột nhất thời ta nhờ một đệ tử thân tín giúp đỡ ta thiến bộ phận nam căn. Trong thời gian đầu, tuy ta nhận thấy giọng nói, dáng đi ta có vài thay đổi, nhưng vấn đề then chốt thì ta đạt được : tu tập thoải mái, không còn bị dục tình đen tối ám ảnh nữa. Thế nhưng, chừng một năm sau ta lại khám phá ra rằng bao nhiêu tình cảm của ta lại chuyển sang qua chàng thanh niên vai u thịt bắp. Tim ta lại rung động bởi Mầm, chẳng khác gì sự rung động trước kia đối với Nụ. Thì ra, cái nam căn tuy quan trọng cho sự truyền giống, nhưng dâm tâm mới là cái đầu Ngưu ma Vương, nó có thể mọc ra bất cứ lúc nào và dưới bất cứ hình thức nào. 

“Ta trốn lánh không dám tiếp xúc ai nữa. Tâm bệnh khiến sức khỏe ta suy yếu dần, ta chết mỏi mòn trong niềm thất vọng não nề chỉ trong một thời gian ngắn sau đó. Điểm khiến ta bứt rứt khôn nguôi là lòng dâm dục của ta dường như đã đoạn hẳn rồi, cớ sao lại xuất hiện trở lại thình lình khiến ta ơ hờ không chống trả nỗi. Sau nầy ta mới nghiệm ra rằng, mình đã trải qua bao kiếp trầm luân thì chuyện tồi tệ nào mà chẳng từng làm, những hạt giống xấu xa nào chẳng còn tiềm phục trong tàng thức. Ngày xưa, ta chằm chặp kẻ vạch lỗi sư đệ, rồi cứ ôm ấp tội lỗi người để sung sướng tự hào về mình, chính trong thời điểm nầy thì các hạt giống dâm dục xấu xa trong tàng thức đã tương ứnghiện hành. Thì ra, mình vạch xấu tội người thì cái đó lại đến với mình, mình gieo gió thì gặt bão, chỉ có vậy thôi.”

Kết thúc câu chuyện với tiếng thở dài, Hồ Linh lơ đãng nhìn vào cõi xa xăm mơ hồ nào đó, và dường như quên lảng đám bạn bè đang trố mắt nhìn anh ta. 

- Anh dọa là kể chuyện ma khiến bọn tôi hồi hộp, mà nào có thấy ma cỏ gì đâu? Chẳng có gì đáng sợ cả?, chị Tưởng lên tiếng phá tan bầu không khí yên lặng.

- Anh còn giáo đầu rằng đây là chuyện thật? Chuyện hoang đường thì có, chớ thật ở chỗ nào? Oâng sư nào đó nếu thiến thì chết queo rồi, còn tò vè tơ tưởng ai được nữa? Huống chi anh kể rằng ổng buồn khổ chết thầm lặng từ mấy trăm năm về trước thì làm sao kể cho anh nghe được?, Hạnh cũng gay gắt vặn hỏi.

Hồ linh cười hô hố :

- Sợ hay không thì đến hồi kết cuộc mới biết được. Việc thiến nam căn cho các hoạn quan tại Phú Xuân thời đó do các y sĩ đặc biệt đảm trách nên rất an toàn, đâu có gì là nguy hiểm. Còn tại sao ta dám đoan quyết đây là chuyện thật, bởi vì…, bởi vì… sư Huyền Linh chính là tiền thân của ta kiếp trước… Hởi ôi! Ta chết với nỗi nghi vấn triền miên nên không siêu thoát khỏi cõi ta bà được, may nhờ chút phước đức tu tập nên đã chuyển sanh thành một con chồn thần thông, năm nầy sang năm khác tìm cách gần gũi các ngôi chùa thanh tịnh để đón nghe pháphộ pháp. Khi biết kiếp chồn sắp mãn, ta đi một vòng thăm các chùa Việt Nam khắp năm châu, tình cờ lưu lại chùa Tịnh Quang gia hộï, rồi nay vì người sư đệ năm xưa mà đến đây kể chuyện cho quí vị nghe chơi, âu cũng là duyên nghiệp… 

Hồ Linh bỗng đứng phắt dậy, đảo đôi mắt quái dị xoi bói nhìn từng người một, đoạn trút tiếng cười lạnh lẽo : “Hà!hà! chuyện tin được hay khó tin là tùy ở quí vị! Thằng Hồ Linh nầy đâu dám nài ép!”. Tiếng gió bỗng rú lên từng chập, khiến cánh cửa trước rung động, rồi mở bét ra. Thoát một cái, Hồ linh đã nhanh nhẩu lách nhẹ ra ngoài, trước khi cánh cửa tự động đóng ập trở lại kín mít.

Thọ bước nhanh ra mở cửa nhìn theo, nhưng chỉ thấy tối đen dày dặc, anh lắc đầu càu nhàu :

- Anh Sáu ơi! Cha bạn của anh sao có vẻ quái đản quá! 

Chú Sáu ngạc nhiên đáp :

- Uả! Tôi tưởng anh ta là bạn của anh chớ! Phần tôi, thì tôi mới gặp anh ta lần đầu mà thôi! Anh ta cho biết đang trên đường đến nhà anh nên tôi tháp tùng đi theo cho khỏi lạc. Ừ nhỉ! Tại sao khi tới nơi, tôi tìm đúng tên đường rồi, mà quanh quẩn dò xét mãi chẳng thấy số nhà nầy kìa? Chẳng lẽ, anh ta dỡ trò ma quái che mắt tôi?

Ngẫm nghĩ một thoáng, chú Sáu lại bàng hoàng lên tiếng :

- Bước vào nhà, rõ ràng anh ta cũng lột giày ra để trên tấm thảm chà chân nầy, khi phóng đi anh ta không hề dừng lại mang giày, vậy bằng cách nào đôi giày cũng biến mất rồi? Chả lẽ, anh ta chẳng phải là con người bằng xương bằng thịt như chúng mình? 

- Hắn xưng tên Hồ Linh, hồ là chồn, chắc hắn là chồn thành tinh quá!, Hạnh góp ý.

Ba mụ đàn bà nảy giờ ngồi run lập cậpï, nép sát bên đấng lang quân của mình, bây giờ mới tranh nhau lên tiếng :

- Vừa thấy hắn tôi đã nghi rồi mà! Mặt hắn ẩn hiện đốm vàng đốm xanh, chẳng biết có ai thấy không?

- Ưà! Mặt hắn xanh lè, mắt lại có vết máu nữa chớ! Ghê quá!

- Tôi thấy rõ ràng là hắn bước lướt lướt, chân đâu có chấm mặt đất!

Càng tranh nhau nói, quí bà càng run, khiến các ông cũng bị ảnh hưởng lây, mặt mày ngơ ngáo, mắt lắm lét liếc các cánh cửa.

- Lão Hồ Linh là người, là ma hay là chồn tinh tôi chẳng biết, chuyện anh ta kể thực hư tôi cũng chưa dám có ý kiến. Nhưng tôi tin chắc rằng ảnh vì lòng tốt mà đến đây chung vui và chia xẻ với chúng ta một mẩu chuyện đạo cho mình suy gẫm. Dẫu không phải là người, thì ảnh có gì đáng sợ đâu?

Cánh cửa bỗng bật ra, Hồ Linh ló đầu nhìn vào, nhe răng cười cợt :

- Cám ơn anh Sáu! Anh quả là bạn tri âm, xứng đáng cho ta thổ lộ cõi lòng!

Thế rồi, bóng Hồ Linh tợ như khói mây tan biến lần trong đêm đen.

****

Bảy giờ sáng hôm sau, chú Sáu đang sửa soạn hành trang trở ra phi trường về nhà, bỗng có điện thoại reo vang, rồi tiếng Thọ hốt hoảng ở đầu giây :

- Lạ quá! Anh Sáu ơi! Trước ngõ nhà tôi có con chồn nằm chết! Con chồn to lắm, lông trắng như tuyết anh à!

Con chồn nầy có liên quan gì đến Hồ Linh đêm trước hay không? Chú Sáu vẫn mơ hồ không biết, nhưng chú quyết định hoãn chuyến bay, để ở lại Dayton đôi ngày giúp Thọ tống táng xác chồn. Hai người đưa xác chồn đến nhà quàng hỏa thiêu, chú dự định khi có dịp, sẽ mang mớ tro tàn nầy về Huế, rải trên đồi làng An Cựu của ngày xưa.

Tháng 6.2003
 
 

Ghi chú :

1. Truyện Tây Du, hồi thứ 72 : Tam Tạng bị 7 con tinh nhền nhện động Bàn Lư bắt, Tề Thiên tìm thầy bắt gặp 7 tinh cái trong thân thiếu nữ xinh đẹp đang trần truồng tắm tại suối Trạc Cấu. Không muốn lợi dụng lúc đàn bà con gái trần truồng để tấn công, Tề Thiên trở về thông báo cho Bát Giái chuyện nầy. Bát Giái mừng thầm, tìm đến giòng suối hóa thành con cá leo lội nhủi vào các nàng chọc ghẹo, kết cuộc bị đám tinh nhền nhện phun tơ trói chặt cứng, rồi đánh đập mặt mày xưng vù.

2. Truyện Tây Du, hồi thứ 33-35 : Hai đồng tử phụ trách lò vàng và lò bạc nấu thuốc trường sanh của Thái Thượng lão quâncõi trời Đâu Xuất, lén lấy cắp 5 bửu bối của chủ, rồi trốn xuốn trần làm chúa yêu xưng danh là Kim Giác đại vương và Ngân Giác đại vương. Tam Tạng bị hai chúa yêu bắt giữ, Tề Thiên chiến đấu với hai chúa yêu gian nan không thắng được, sau phải dùng mưu kế cướp đoạt 5 bửu bối của họ, rồi thâu nhốt cả hai vào hồ lô báu cho tan xác. Khi đó, Thái Thượng Lão Quân mới xuất hiện xin thâu hồi lại bửu bối và tha hai đệ tử. (Nếu hơ hỏng thì tiền bạc sẽ biến thành yêu ma phá hoại đạo đức của hành giả, dù vậy tiền bạc vẵn cần thiết cho đời sống và nhu cầu hoằng pháp (đồng tửthuốc trường sanh), nên không thể tiêu diệt dẹp bỏ tiền bạc được.) 

3. Truyện Tây Du, hồi thứ 64 : Trên lộ trình thỉnh kinh, khi đi ngang qua vùng phong cảnh hữu tình thuộc núi Kinh Cát, Tam Tạng bỗng bị một lão giàbắt đưa đi đến ngôi nhà đá, rồi thỉnh Tam Tạng cùng ngâm thơ vịnh nguyệt với bọn họ. Bốn 4 lão già là Thập bát Công, Cô trực Công, Lăng không Tử, Phất vân Tẩu đang cùng xướng họa ngâm thơ với Tam Tạng, bỗng có một tiên nữ là Hạnh tiên cô đến tham dự, làm thơ lả lơi trêu Tam Tạng. Sau đó, Tam Tạng bị cả bọn ép duyên cho Hạnh tiên cô, nên sợ hãi bỏ chạy trốn, may là vừa lúc đó thì các đệ tử đã tìm đến cứu nguy. Tề Thiên truy xét gốc tích thì té ra Thập bát công là cây tòng, Cô trực Công là cây bá, Lăng không Tử là cây cối, Phất vân Tẩu là cây tre, Hạnh tiên là cây hạnh. Những cây nầy đã thành tinh, hiện làm tiên ông, tiên cô để hại người. (Phong cảnh hữu tình, núi non, cây kiểng giúp ta thư giản tinh thần, nhưng kẻ tu hành mà mê đắm những thú tao nhã : ngâm thơ, vịnh nguyệt, chơi cây kiểng… mà xao lãng tu tập, thì những thứ nầy đã biến thành ma quái hại người tu)

4. Truyện Tây Du, hồi thứ 37 : Con thanh sư của Bồ Tát Văn Thù xuống trần, xô vua nước Ô Kê xuống giếng rồi tự biến hóa mặt mày y hệt vua cũ, để cai trị nước nầy được 3 năm mà không ai phân biệt được. Tam Tạng đuợc vua cũ báo mộng xin cứu giúp. Nhờ Long Vương để châu định nhãn trên xác nên khi Bát Giái lặn xuống giếng vớt xác thì thây nhà vua vẫn còn tươi, do đó, Tề Thiên mới có thể xin được viên thuốc hoàn hồn của Thái Thượng lão quân để cứu sống lại. Tề Thiên đưa vua thiệt về đến triều đình, và sau khi chiến đấu sắp trừ khử được vua giả hiệu thì Bồ Tát Văn Thù xuất hiện thu hồi Thanh sư đưa trở về Ngũ Đài sơn. Tề Thiên phản đối vì cho rằng thanh sư đã xâm phạm đến hoàng hậu, thì Bồ Tát cho biết thanh sư làsư tử thiến nên không dâm tà. (Thanh sư tượng trưng cho sự biện tài vô ngại của trí bát nhã. Có biện tài vô ngại thì được đông đảo con em đệ tử quyến thuộc tôn sùng, nên dễ trở thành một lãnh tụ tôn giáo. Từ lãnh tụ tôn giáo bị ma ám thì sẽ dệt mộng lãnh tụ thế tục, xen vào việc cai trị đất nước. Nếu hành giả còn giữ giới (sư tử thiến) thì chưa đến nỗi tác hại, nhưng có nhiều vị, đến đây lại trở chứng tấn phong hoàng hậu, thứ phi…, dượng Vô thượng sư thì yêu ma đã lộng hành.) 

5. Truyện Tây Du, hồi thứ 59-60 : Tam Tạng đi thỉnh kinh gặp ngọn hỏa diệm sơn to lớn chận hướng Tây không vượt qua được. Hỏa diệm sơn sanh ra do Tề Thiên loạn đả thiên đình làm rớt viên gạch lò bát quái mà thành núi lửa cõi trần, nhưng muốn làm tắt lửa thì phải nhờ đến cây quạt Ba Tiêu, mà chủ nhân là Thiết Phiến công chúa, vợ của Ngưu ma Vương. Tề Thiên tìm Ngưu ma Vương hỏi mượn bất thành, phải dùng võ lực nhưng Ngưu ma Vương thần thông biến hóa chẳng kém Tề Thiên, nên khó phân thắng bại. May nhờ Phật tổ cử 4 vị Kim Cang bồ tát chận bốn phương, thêm thiên la địa võng bủa giăng, không đường tránh né, cuối cùng Ngưu ma Vương mới bị khuất phục. Na Tra dùng gươm trảm yêu chém rụng đầu trâu hơn mười lần, nhưng trâu lại mọc đầu khác. Cuối cùng Ngưu ma Vương chịu qui y đầu Phật và bảo vợ giao nạp quạt Ba Tiêu để xin tha mạng, nên được Na Tra xỏ vàm dẫn đi. (Ngưu ma Vương là trâu trắng, tức trâu thiền tông. Ngưu ma Vương là bạn của Tề Thiên, nghĩa là một dạng của vọng tâm. Hỏa diệm sơn do Tề Thiên gây ra có nghĩa là lửa đó bắt nguồn từ vọng tâm gây ra trước khi “ngộ không”, có thể nói là lửa nghiệp. Trên con đường tu tập đôi khi ta bị bế tắt không tiến bộ được chỉ vì lửa nghiệp tham sân cũ bùng dậy, - có vị va chạm với nữ sắc, gặp bao kẻ sắc nước hương trời thì không hề hấn gì, nhưng khi gặp đúng oan gia, dù xấu xí thô bĩ lại lâm nạn - lửa nghiệp nầy không thể dùng nước thường dập tắt mà phải giải quyết bằng cách trừng trị vọng tâm tức Ngưu ma Vương. Ngưu ma Vương thần thông biến hóa, chặt đầu nầy thì sanh đầu khác, nên cần phải xử dụng trăm phương ngàn cách -ba đầu sáu tay như Na Tra- mới xỏ sợi giây vàm chánh niệm dạy dỗ trâu ngoan ngoản được) 

6. Mười bức tranh chăn trâu thiền tông: Xin xem Phụ bản: Lược giải về tranh chăn trâu

7. Võ Vương Nguyễn phúc Khoát (1738-1765)

8. Chùa Hàm Long tọa lạc trên đồi Hàm Long, ấp Trường Giang, huyện Hương Trà, phủ Phú Xuân, nay là chùa Báo Quốc.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 714)
Rằm tháng Bảy theo tục lệ nhân gian Việt Nam gọi là ngày xá tội vong nhân. Ngày rằm tháng Bảy có nhiều ý nghĩa:
(Xem: 876)
Bao tao nhân, mặc khách; bao ngôn ngữ của con người đã không tiếc lời ca tụng về Mẹ. Mẹ của tôi. Mẹ của anh. Mẹ của con và Mẹ của tất cả mọi người.
(Xem: 1884)
Trước nhất cha mẹ là những người ân cần nhất đã cho ta thân người Sau đó, đạo sư ân cần nhất trong việc trình bày giáo thiêng liêng.
(Xem: 2000)
Mẹ là cả một trời thương. Mẹ là cả một thiên đường trần gian.
(Xem: 2249)
Tháng 7 là mùa Vu Lan báo hiếu. Đó là câu chuyện về một đại đệ tử của Đức Phật.
(Xem: 2498)
Cũng như mọi năm, Vu Lan là ngày mới hồi sinh của một chuỗi dài dấu ấn tinh thần đã cũ. Các bậc tu hành Phật giáo xuống lại cuộc đời sau mùa An Cư Kiết Hạ.
(Xem: 2466)
Mỗi độ tháng bảy âm lịch về, người con phật laị nao nức chuẩn bị cho mùa hiếu hội.
(Xem: 2904)
Hôm nay ngày mẹ nhớ thương Con quỳ lạy Phật dâng hương nguyện cầu Cầu xin cho mẹ sống lâu Mẹ là tất cả nhiệm mầu thiêng liêng
(Xem: 3231)
Cứ mỗi độ Vu Lan lại về với chúng ta, đó cũng chính là mùa Báo Hiếu, không biết bao nhiêu người con Phật, từ khắp bốn phương, nhớ tưởng công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ.
(Xem: 12441)
Ngày lễ Vu Lan trong Đạo Phật là ngày “Phật Hoan Hỷ”, ngày “Tự Tứ”. Tăng, Ni tập trung vào sự tu niệm và thỉnh cầu những bậc...
(Xem: 5017)
Lễ Vu Lan báo hiếu không chỉ là ngày dành cho các Phật tử mà đó còn là mùa báo ân, báo hiếu của tất cả những người con dành cho bố mẹ.
(Xem: 3619)
Thế là một mùa Vu-lan nữa lại về trên quê hương xứ sở, khi những cánh hoa tâm đang đua nhau nở rộ, lòng người con Phật lại thổn thức một nỗi niềm tri ânbáo ân.
(Xem: 6177)
Bài viết này đã đăng trên Đặc San Kỷ niệm lể Vu Lan 1989, năm Kỷ Tỵ, của chùa Hoa Nghiêm ở Toronto, Canada.
(Xem: 3409)
Ngày lễ Vu lan nói theo nhà đạo là ngày Tự tứ của chúng Tăng. Chữ Tự tứ nói đủ là Tự tứ thỉnh, nghĩa là ...
(Xem: 6908)
Có rất nhiều bạn trên thế giới hiện nay hoặc vì một lý do nào đó, có thể chủ quan hoặc khách quan, đã mang tâm oán hận cha mẹ, người đã rứt ruột sinh ra mình.
(Xem: 5435)
Đọc trong mùa Vu Lan, cũng là đọc trong tất cả mọi thời. Bởi vì Vu Lan, dựa vào tích Ngài Mục Kiền Liên vào cõi ngạ quỷ tìm cứu mẹ, là nơi lửa cháy không ngừng, nơi đói khát không ngừng
(Xem: 6104)
Cũng như Phật Đản, để phù hợp với cuộc sống, sinh hoạt tại hải ngoại, Vu Lan cũng không còn là ngày mà là mùa. Từ giữa tháng 7 kéo dài cho đến cuối tháng 9 khắp năm châu đâu đâu cũng tưng bừng lễ hội Vu Lan
(Xem: 7022)
Lời Thầy thường dạy, lại bàng bạc không gian “Ta là tiếp nối của Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ. Các Ngài ở trong ta và ta ở trong các Ngài...
(Xem: 6394)
Dường như con người có thể phát tiết ra khả năng kỳ lạ để thích ứng với môi trường và hoàn cảnh sống mà có lẽ chính họ đôi khi cũng không ngờ.
(Xem: 5959)
Mỗi người con của Phật xin hãy tinh tấn tu học để báo đáp thâm ân Tam Bảo; báo đáp ơn sinh thành dưỡng dục; nổ lực góp phần vào xây dựng cộng đồng nhơn loại...
(Xem: 7981)
Không dễ tìm được một chúng sinh nào chưa từng một lần trong quá khứ là mẹ của ngươi…
(Xem: 9932)
Kể từ khi Phật giáo du nhập vào nước ta, đến thế kỷ II thì Phật giáo đã định hình và phát triển khá mạnh mẽ, nhất là đã có...
(Xem: 6936)
Mùa Vu Lan có muôn ngàn loài hoa nở, mà đẹp nhất là hoa hồng. Bởi đó là màu của tình thương yêu và hiếu hạnh.
(Xem: 10287)
Một hôm, Tôn giả Xá Lợi Phất đi trì bình khất thực trong thành Vương Xá, khi ngang qua...
(Xem: 10223)
Tôi nhớ mãi một buổi chiều, Mẹ ngồi bên thềm sân, Cúi xuống, thoang thoáng một nét buồn.
(Xem: 28051)
Tiết Vu Lan bâng khuân nhớ Cha công dưỡng dục, mùa Báo hiếu bùi ngùi thương Mẹ đức cù lao... Thích Hạnh Tuệ
(Xem: 7546)
Trái tim của mẹ tuyệt vời Bao dung che chở trọn đời vì con Dù cho sức mẹ hao mòn Tháng năm vất vả lo tròn tình thâm
(Xem: 11442)
Tôi đã nhận được một món quà tặng quan trọng nhất từ bố tôi: đó là niềm tin về tôn giáo. Suốt đời tôi, tôi sẽ nhớ ơn bố tôi. Vì, bố là vị Bồ Tát của tôi.
(Xem: 11027)
Năm nay, Vu Lan khởi sắc một cách khác thường. Từ ngày 14 âm lịch đến rằm, lượng số người đi lễ như trẩy hội. Một số con đường chính đều bị tắt nghẽn giao thông.
(Xem: 10993)
Đạo Phật dạy về tầm quan trọng của sự kính trọng bố mẹ, và sự báo đáp công ơn bố mẹ.
(Xem: 12103)
Vu lan lại đến.Hiếu hạnh của con trẻ lại được nhắc đến. Nhưng đâu đó cũng thấy hiện lên các tiêu đề nói về việc con giết cha, hãm hiếp mẹ, những nghịch hạnh không ai có thể chấp nhận.
(Xem: 15222)
Tôi thấy tôi mất mẹ, mất cả môt bầu trời…
(Xem: 10496)
"Mẹ, Mẹ là giòng suối dịu hiền. Mẹ, Mẹ là bài hát thần tiên…Là bóng mát trên cao, là mắt sáng trăng sao, là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối…"
(Xem: 11613)
Mẹ ơi tháng Bảy về rồi Là mùa hiếu hạnh tuyệt vời lên ngôi Nhớ ơn mẹ đã một đời Tảo tần mưa nắng tô bồi đời con
(Xem: 10487)
Mùa thu với tháng bảy mưa ngâu, với trăng thu diệu vợi, quê hương Việt nam chúng ta với biết bao vẻ đẹp êm đềm qua ánh trăng rằm tháng bảy Vu lan.
(Xem: 10990)
Sau khi đắc quả A-La-Hán, Tôn giả Mục Kiền Liên vận thần thông đi khắp các cõi tìm người mẹ đã khuất.
(Xem: 9928)
Lễ hội Vu lan bồn hay còn được gọi một cách phổ biếnlễ hội Cô hồn là một sự kiện quan trọng ở Trung Quốc vì nó được nối kết với việc thờ cúng tổ tiên.
(Xem: 10276)
Từ hơn mười năm qua, cũng có thể là xa hơn chút nữa, ngày lễ Vu Lan Báo Hiếu hằng năm, đặc biệt là lễ cài hoa hồng, đã có sức lan tỏa mạnh mẻ ra ngoài khỏi khuôn viên những mái chùa Phật giáo
(Xem: 11331)
Theo truyền thuyết nhà Phật, Bà mẹ Mục Kiền Liên Là người không mộ đạo Báng bổ cả người hiền.
(Xem: 10890)
Tháng bảy mùa Vu Lan trời buồn âm u mưa sùi sụt trắng xóa con đê quê mẹ. Tháng bảy mùa Vu Lan mây buồn giăng giăng kín lối con về quê mẹ…
(Xem: 12787)
Rằm tháng 7 - đại lễ Vu Lan, tưởng niệm gương đại hiếu của tôn giả Moggallāna (Mục Kiền Liên) đối với mẹ trong cảnh khổ ngạ quỷ;
(Xem: 24114)
Lòng thương của cha mẹ sẽ pha thêm màu xanh cho bầu trời, tô thêm màu biếc cho đại dương; và gia đình này, trái đất này, với bàn tay chăm sóc của cha mẹ, sẽ là hành tinh xanh, mỹ miều, tươi mát hơn bao giờ.
(Xem: 12507)
Ta còn một dòng sông, dòng sông xưa uốn khúc những nỗi niềm cay cực với bóng mẹ lênh đênh tất tả chuyến đò đời.
(Xem: 10203)
Kinh Vu Lan hiện được dịch ra tiếng Việt và được phổ thơ để các Phật tử dễ đọc tụng và dễ nhớ
(Xem: 28365)
Mùa Vu Lan lại về với người con Phật, mang nhiều ý nghĩa thâm diệu, vừa siêu nhiên của lãnh vực tâm linh, vừa hiện thực với văn hóa nhân gian...
(Xem: 9040)
Lễ Vu Lan là nét đặc biệt của Phật giáo Bắc truyền. Nói cách khác, Vu lan được hình thành và phát triển trong hệ tư tưởng Phật giáo Bắc tông.
(Xem: 6487)
Khi mà bạn có Mẹ hiền Chăm lo cho bạn ngày đêm an phần Những gì bạn muốn bạn cần Mẹ hoan hỉ giúp, xả thân chẳng phiền.
(Xem: 48645)
Hiếu kính Cha Mẹ là một truyền thống rất tốt đẹplâu đời của dân tộc Việt Nam chúng ta. Truyền thống đó từ xa xưa đã được giữ vững và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác
(Xem: 10637)
“Chân như Đạo Phật Nhiệm mầu, Tâm trung chữ Hiếu, niệm đầu chữ Nhân, Hiếu là độ được song thân, Nhân là cứu vớt trầm luân muôn loài…”
(Xem: 9848)
Hoài niệm về tấm lòng yêu thương của cha mẹ nhân mùa Vu Lan.
(Xem: 14746)
Mùa Vu-lan báo hiếu vào tiết Trung Nguyên tháng bảy âm lịch hằng năm, xuất phát từ tích ngài Mục-kiền-liên cứu mẹ...
(Xem: 17484)
Trong các sinh hoạt nhân gian của truyền thống ta, tháng bảy là tháng đượm nhiều sắc thái văn chương nhất. Tháng bảy, mưa ngâu, nhịp cầu ô thước bắt qua giải Ngân-hà...
(Xem: 17452)
Rằm tháng bảy theo tục lệ nhân gian Việt Nam gọi là ngày xá tội vong nhân. Ngày rằm tháng bảy có nhiều ý nghĩa...
(Xem: 13035)
Phàm là bậc Sa-môn Thích tử, nhất định phải lấy việc hướng thượng làm tông chỉ, lìa bỏ các duyên, sống đời đạm bạc...
(Xem: 30944)
Tiết Vu Lan bâng khuâng nhớ Cha công dưỡng dục, Mùa Báo Hiếu bùi ngùi thương Mẹ đức cù lao
(Xem: 25480)
Trong hệ thống giáo điển Phật đà, cả Nam truyền và Bắc truyền đều có những bài kinh, đoạn kinh nói về công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ rất là cảm động.
(Xem: 13872)
Con đang ở lại trần gian trong bầu không khí Đạo pháp hơn 2000 năm. Nhưng kinh sách thiên vạn quyển cũng không bằng được sống bên bậc danh Tăng thạc đức trong ngôi nhà Vạn Hạnh.
(Xem: 17377)
cho dù nghiệp quả của thời quá khứ có nghiệt ngã cỡ nào, trong thời hiện tại ta cứ việc làm tốt, bảo đảm tương lai của ta sẽ an lạc...
(Xem: 10866)
Không đo không lường được tình thương, người ta thường lấy vẻ bao la của trời biển để tạm so sánh. Nhưng kỳ thực, trời và biển có những giới hạn, biên tế.
(Xem: 10357)
Vu Lan phiên âm từ Phạn ngữ Ullambana, Trung Hoa dịch là “Giải đảo huyền” có nghĩa là cởi mở những cực hình hay giải thoát những khổ đau trong 3 cảnh giới: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant