Tôi bắt đầu đọc Henry Miller vào khoảng 16 hay 17 tuổi gì đó, và bây giờ, trên 40 năm trôi qua trên trái đất hoang liêu, tôi vẫn còn đọc Henry Miller. Nói đọc thì cũng không đúng: lúc đọc Henry Miller, thực ra tôi chỉ mộng mở mắt và mộng nhắm mắt. Thời gian không còn hiện hữu nữa; mười năm hay một trăm năm chỉ là một hơi thở nhẹ qua một đêm tối nguyệt tận.
Mỗi lần tôi đọc Henry Miller, tôi đều thấy như mới đọc lần đầu tiên, như cái gì đầu tiên của tất cả những gì chực chờ nhen nhúm phôi thai trong “thâm lâm” (rừng sâu) của Vương Duy ngày xưa nào đó ở cõi Á Đông thơm ngát mùi rong rêu của Trời Thơ và Đất Mộng.
Ánh sáng vàng vọt hiu hắt của buổi chiều nhân loại len lén đi sâu vào cõi rừng sâu và đồng thời phục chiếu ngược lại trên vùng rêu xanh: có thể mượn mấy câu thơ của Vương Duy trong bài Lộc Trại để nói lên tất cả sự lặng lẽ im lặng như sấm nổ (mặc như lôi) trong toàn thể tác phẩm thơ mộng của Henry Miller. Chỉ khi nào chúng ta hiểu được tinh tuý của Phật Giáo Mật Tông, của Ấn Độ, và của Tây Tạng thì chúng ta mới có khả năng chút ít hiểu được ý nghĩa giải thoát toàn diện của Sex, của Ngôn Ngữ và của Im Lặng trong toàn thể sự nghiệp siêu văn chương của Henry Miller.
Đối với tôi, Henry Miller còn vĩ đại hơn cả Walt Whitman, hơn cả Dante, Shakespeare và Goethe: vĩ đại một cách bí mật, một cách thần diệu và vượt ra ngoài cả văn minh, văn hoá và văn chương của toàn thể nhân loại, vượt ra ngoài Thiện và Ác, Đạo và Phi Đạo.
Đứng trên đảnh núi cao nhất của nhân loại, Henry Miller cùng cười to tiếng với Duy Ma Cật, với Milarepa và với tất cả những gì chưa bao giờ xuất hiện trên toàn thể không gian và thời gian của cái gọi là Thực Tại và của cái gọi là Hư Vô.
Tương lai của toàn thể nhân loại phải bắt đầu lại với Henry Miller thì mới may ra chuyển hoá toàn diện trái đất này thành viên ngọc mani (như ý) trong trẻo của Quán Thế Âm Bồ Tát. Henry Miller là một trong vài ba thiên tài nhân loại đã đánh thức dậy thế lực mãnh liệt nhất của Lòng Đại Bi trong ý thức và vô thức của con người trên mặt đất.