Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới

Đứng Trên Tất Cả

18 Tháng Hai 201300:00(Xem: 11720)
Đứng Trên Tất Cả
ĐỨNG TRÊN TẤT CẢ 
Vĩnh Hảo


Trong cuốn Tăng Già Việt Nam của Hòa Thượng Thích Trí Quang, có một câu rất hay, rất cảm động mà mỗi khi lẩm nhẩm đọc đến thì người đọc cảm thấy lòng hưng phấn, chí nguyện được cất cao lên, không còn khiếp sợ hay nhàm chán phải đối diện với đời sống vô thường hệ lụy:

“Đứng trên tất cả để sống vì tất cả.”

Câu ấy được viết ra để nhắc nhở, khích lệ những người xuất gia theo Phật—những người đã từ bỏ mọi thứ cặn bã vinh hoa, danh vọng, quyền lợi, sắc dục, tiền tài... nói chung là tất cả mọi thứ trói buộc tầm thường của cuộc đời.

Nhắc nhở gì? — Nhắc nhở rằng trách nhiệm cao cả và duy nhất của người xuất giatự giác ngộ lấy mình để có thể đem lại trí tuệ giác ngộ cho kẻ khác, tự giải thoát lấy mình để có thể cứu thoát kẻ khác.

Khích lệ gì? — Khích lệ rằng lý tưởng xuất trầncon đường cao đẹp và đúng đắn mà chỉ có những kẻ có tình thương yêu rộng lớn, tuệ căn sâu thẳm và ý chí quyết liệt dũng mãnh mới chọn lựa và dấn mình vào.

Nhưng khi người xuất gia chọn lựa “đứng trên tất cả,” điều đó chẳng có nghĩa là chọn một thứ vị trí không gian hay một thứ giai tầng xã hội nào ở chóp đỉnh của những nấc thang giá trị cuộc đời, mà chính là đứng ra ngoài, hay đúng hơn, vượt ra khỏi, vượt lên trên, tất cả những thế đứng, chỗ ngồi, quyền hạn, lợi dưỡng, sắc dục, danh vị, phẩm trật, chức tước, cấp bằng... nói chung là tất cả những gì mà người thế tục bình phàm cho là quí giá và lăng xăng chạy đuổi theo bằng cả cuộc đời của họ.

CON ĐƯỜNG NGƯỢC DÒNG

Đó là nhìn một cách lạc quan theo danh nghĩa lý tưởng. Còn trên thực tế sinh hoạt, nhất là sinh hoạt của thời đại ngày nay—cái thời đại mà kinh Phật đã thấy trước và đã đặt tên trước là thời kỳ mạt pháp—thì cả lòng người lẫn hoàn cảnh xã hội hầu như đều toa rập, đồng lõa với nhau để đẩy xô những người xuất gia vào một nếp sống mới với những lề lối suy tư, quan niệm, lời nói và hành xử, đi ngược lại với chí nguyện xuất trần ban đầu, để rồi chúng ta đau lòng mục kích bao nhiêu là điều “nghịch thường” trong chốn thiền môn, cả trong nước lẫn hải ngoại.

Cái lẽ nghịch thường ấy, nhìn theo con mắt thế tục, thì chẳng có gì gọi là sai trái, lạ lùng cả và tất nhiên là người thế tục sẽ cho đó là điều bình thường; nhưng áp dụng nó vào nẻo đạo thì cái nghịch thường này thực khó mà chấp nhận. Hòn sỏi ném xuống nước thì chìm đến tận đáy, đó chuyện bình thường; nhưng bong bóng bay mà cũng lặn xuống đáy nước thì không phải là bình thường nữa. Cả người bán lẫn người mua bong bóng bay đều mong đợi sự bay lên của những chiếc bong bóng. Giá trị của chiếc bong bóng bay là ở chỗ bay lên ấy. Khi bong bóng xìu không bay nổi, chúng mất giá trị, chúng không bình thường, không còn lý do nào để tồn tại.

Con đường xuất giacon đường ngược dòng. Giới nhà thiền gọi là nghịch lưu. Trong khi tất cả những người thế tục và cả những người cư sĩ tại gia có hiểu và tu tập theo giáo lý Phật, đều chạy xuôi theo dòng tục lụy, thì chỉ có họ, những người xuất gia, là bơi ngược dòng để tìm về nguồn cội vô tận thênh thang.

Chọn lựa sự ngược dòng là chọn lựa đứng trên tất cả, vượt lên tất cả những cặn bã phù phiếm của dòng đời. Thế thì, tại sao một người xuất gia phải cúi đầu bằng lòng, hãnh diện, vui vẻ, ngưỡng mộ, khiếp phục, tận lực gia công, bỏ hết thì giờ, cặm cụi cắm cúi, hăm hở chạy theo... những cái gọi là sự thành công của đời sống thế tục? Tại sao bong bóng càng lúc càng xìu đi một cách thảm hại để rồi cứ la đà trên mặt đất? Tại sao con thuyền ngược dòng lại quay mũi mà xuôi theo sóng nước? hay là nó vẫn hướng mũi về phía đầu nguồn nhưng lại đi tới về phía cuối nguồn bằng cái đuôi thuyền?

Khi người xuất gia chằm hăm bỏ hết thì giờ của mình để được thành công với đời—bằng bất cứ phương cách nào—thì người ấy đã thất bại thấy rõ trên đường đạo. Thất bại là vì đã chọn đứng giữa và đứng trong tất cả, thay vì đứng trên tất cả.

PHƯƠNG TIỆN THIỆN XẢO

Người ta có nhiều lý do để biện minh cho thái độ chọn lựa này. Chẳng hạn, vì hoàn cảnh xã hội, vì thời cuộc, vì nhân tâm thời nay đòi hỏi người xuất gia phải như vậy. Hoặc nói theo ngôn ngữ nhà thiền thì, “phải biết dùng phương tiện thiện xảo để độ sanh.” Vâng, phương tiện thiện xảo. Bốn chữ ấy đối với những bậc thực sự giải thoát giác ngộ (hoặc thực sự qui hướng bản tâm vào lý tưởng xuất trần độ sanh) thì là cái gì linh diệu, đẹp đẽ, như những cánh tay đầy diệu dụng (mười tám tay của Bồ Tát Chuẩn Đề, ngàn tay của Bồ Tát Quán Thế Âm...) như những chìa khóa vàng mở vào kho vô tận... nhưng đối với kẻ tuy mang hình thức xuất gia mà tâm hãy còn bươn chải lặn hụp theo dòng thế tục thì đó chỉ là thứ rào chắn bảo vệche đậy, biện minh và khỏa lấp tất cả sự hèn kém tầm thường của chiếc bong bóng xì hơi mà thôi.

Chúng ta có nên đổ lỗi cho thời kỳ mạt pháp đã khiến một số người xuất gia không còn ôm giữ chí nguyện xuất trần? Chúng ta có nên biện minh rằng tất cả những gì người xuất gia làm hôm nay đều là mở rộng cánh cửa phương tiện thiện xảo?

Thực ra, khi một người phát khởi tâm bồ đề (giác ngộ), luôn hướng vọng đến đạo quả giải thoátchí nguyện độ sanh, thì không có vấn đề chánh pháp, tượng pháp hay mạt pháp nữa. Bỏ đi, hoặc lơ là với chí nguyện xuất trần, là tự mình lăn vào thời kỳ mạt pháp; không những sống trong thời kỳ mạt pháp mà còn sống trong tất cả những hoàn cảnh mạt pháp.

Còn nói rằng vì phương tiện độ sanh mà làm các việc thế tục thì điều này chẳng lạ gì với tư tưởng dấn thân hành đạo của truyền thống Đại thừa. Nhưng nếu tâm bồ đề không phát khởi, không giữ gìn, không phát triển, không đẩy đến mức toàn vẹn, thì tất cả những phương tiện dù có mang lại một kết quả tốt đẹp nào đó đối với đời thì cũng đều là sự manh động của tự ngã, không dính nhập gì đến đạo quả giải thoát giác ngộhạnh nguyện lợi sanh cả. Và những thứ phương tiện được thực hiện theo cách đó không thể nào gọi là phương tiện thiện xảo. Chúng chỉ là phương tiện theo ý nghĩa thông tục nhất của thế gian mà thôi. Mà phương tiện theo cách ấy thì ai lại chẳng làm được! Tất cả những con người gian ác, bạo tàn, quỉ quyệt, hám lợi hám danh, tham quyền cố vị, vị kỷ, hèn mọn, đê tiện, thấp kém, ngu dốt và cả những người trí thức... đều học tập, thực hành và phát triển phương tiện riêng của họ. Nhưng không có thứ phương tiện nào trong số đó được gọi là phương tiện thiện xảo, bởi vì chúng được thiết lập không phải để nhắm vào mục đích giải thoát giác ngộ.

Tóm lạikhông có lý do nào để có thể đổ lỗi cho thời kỳ mạt pháp hay biện bạch cho sự phóng tâm chạy xuôi theo dòng đời. Hễ mục đích sai lầm thì tất cả phương tiện đều sai lầm. Suy ra, khi người ta làm những phương tiện sai lầm thì ắt phải biết là mục đích của họ đã sai lầm.

Nhưng phương tiện nào là phương tiện sai lầm? Nói vậy e có phải là vội vàng, bao đồng lắm không? Chứ không phải người ta thường nói rằng: Nghề nào cũng tốt! Miễn là “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” và miễn sao nghề xấu mà lòng tốt thì được rồi. Vâng, quan niệm ấy có thể áp dụng được ở thế tục hoặc một khía cạnh nào đó trong đạo. Nhưng cũng tương đối thôi. Vì nó chỉ có tính cách luân lý, an ủi những thành phần bất tài, thấp kém không tìm được những nghề nghiệp vững chắcdanh giá trong xã hội, cũng như để khích lệ những người lăng xăng dao động nên chú tâm vào một việc. Còn trên thực tế xã hội thì không ai khuyến khích nghề trộm cướp, nghề đồ tể, nghề ăn mày ăn xin... (bất kể lòng dạ tốt hay xấu) mà chỉ khuyến khích các nghề bác sĩ, kỹ sư, thương gia... (cũng bất kể lòng dạ tốt xấu). Chính vì vậy, chắc chắn là có những phương tiện sai lầm trong xã hội đầy dẫy những con người với lòng dạ bất thiện. Chính vì bất thiệntự tâm, họ không bao giờ có một thứ mục đích nào gọi là cao đẹp hay có lợi ích cho kẻ khác. Nhưng họ lại là những người luôn lấy phương châm cứu cánh biện minh cho phương tiện để tô vẽ cho những hành động vị kỷ của mình.

Xét về mặt nhân quả thì phương tiệncứu cánh phải tương ứng thích hợp với nhau. Phương tiện xấu thì đưa đến cứu cánh xấu; ngược lại, cứu cánh xấu cũng mở đường cho những phương tiện xấu. Không có thứ phương tiện tồi tệ của một kẻ tồi tệ nào lại đưa đến một cứu cánh hoàn hảo. Nói như Krishnamurti—một vị đạogiác ngộ vĩ đại nhất của thế kỷ 20 mà chưa bao giờ tự nhận mình là đạo sư—thì “Tự do đầu tiên và cuối cùng.” Có thể tạm hiểu ý chính của tựa đề này (và cũng là nội dung của toàn bộ cuốn sách) rằng, cái nhân tự do giải thoát mới đưa đến cái quả tự do giải thoát. Đầu tiên là nhân, Cuối cùng là quả. Khi thiết lập một thứ phương tiện mà thiếu tính cách tự do, thì sẽ chẳng bao giờ có được cái cứu cánh tự do cả. Cũng vậy, các phương tiện xuôi dòng của thế tục không thể nào dẫn đến cứu cánh giải thoát giác ngộ.

BỒ TÁT HÓA THÂN

Đó là xét về mặt nhân quả thông thường của thế tục. Còn xét về mặt đạo, có người sẽ nói rằng kẻ phàm tâm khó mà hiểu được hành động của bồ tát dấn thân độ đời, vì những vị này đã hoàn toàn giác ngộ, nên hành vi, lời nóiý nghĩ của họ không còn rơi vào vòng ảnh hưởng của nhân quả. Lý này không sai, nhưng làm sao giải thích được với những người không tin nhân quả hoặc những người tin sâu vào nhân quảkhông chấp nhận một sự ngoại lệ nào cho những tác nghiệp xảy ra trên cuộc đời? Chúng ta có thể bàn sâu hơn một chút về các vị bồ tát dấn thân độ đời nói trên.

Trong truyện sử Phật giáo, đôi khi có vài câu chuyện về những vị bồ tát hiện thân làm người phàm, thực hiện tất cả những công việc của người đời nhằm mục đích cứu nhân độ thế. Những vị bồ tát hóa thân này thường mang thân tướng tầm thường, làm những việc tầm thường, khiến người đời không biết, dùng lời lẽ nguyền rủa hoặc có tâm ý khinh chê, liền bị đọa địa ngục... Những câu chuyện loại ấy khiến cho những Phật tử sơ căn dè dặt ý nghĩ, lời nói và hành động của mình hơn, không dám vội vàng đánh giá kẻ khác, vô tình thực hiện hạnh tốt là “Không nên nhìn ngó lỗi người, chỉ nên tự xét lỗi mình” (Kinh Pháp Cú—Dhammapada); nhưng cũng là cái phao cho những kẻ phàm phu tục tử vin vào đó để làm việc xằng bậy rồi cứ khăng khăng ngụy biện rằng mình làm việc này, việc kia, đều chỉ là phương tiện thiện xảo... hoặc đem địa ngục ra để hăm dọa kẻ khác, bịt miệng kẻ khác.

Thực ra, theo thiển ý riêng của tôi, một vị bồ tát hóa thân mà ưa làm những chuyện cho người đời chửi rủa để rồi người chửi rủa mắc tội đọa địa ngục, thì vị bồ tát ấy sử dụng phương tiện độ sanh chưa được thiện xảo (khéo léo) gì lắm. Bồ tát hóa thân làm người phàm để gần gũi người đời mà cứu độ họ thoát khổ chứ đâu phải để “nhử” cho họ chửi mình rồi bị đọa vào cảnh khổ!

Một điều đáng lưu ý nữa là cho dù hóa thân bằng cách nào, hình thức nào, vị bồ tát đó cũng không thể che giấu được sự “bất phàm” của mình. Đã là bồ tát, đã là thánh nhân đắc đạo, thì có hóa thân làm gì đi nữa, vẫn tỏa ra cái cốt cách phong độ và sở chứng của mình. Đó là điểm mà một phàm nhân không thể nào bắt chước, và đó cũng là điểm mà người ta có thể dựa vào để nhận biết được một vị bồ tát hóa thân.

Đừng bao giờ khư khư khẳng định rằng không thể nào nhận biết được các vị bồ tát hóa thân. Bởi vì sự khẳng định này sẽ khiến chúng tathói quen là không sử dụng trạch pháp (phân biệt và chọn lựa phương pháp chân chính, thích hợp) và vì vậy sẽ không bao giờ phân định được đâu là bậc tu hành chân chánh để nương theo, đâu là kẻ thực hành tà đạo để xa lánh.

Thực ra, chánh nhân và tà nhân, chánh đạotà đạo, rất dễ nhận biết, và rất cần thiết phải nhận biết. Tại sao không?! Tại sao thời xưa bên Trung Hoa người ta nhận biết Bố Đại Hòa Thượng và Phật sống chùa Kim Sơn? Không phải chỉ vì họ có pháp thuật hoặc cứu độ được nhiều người, mà chính vì cái vẻ tự tại vô ngại, không chấp trước nhân-ngã, bỉ-thử, không cầu danh hám lợi, không kể lể công đức, không ham thích tạo ra dòng phái tông môn để làm tông chủ giáo chủ, không cố tình để lại vết tích hành trạng của tự ngã. Họ làm tất cả mọi việc đều vì mục đích lợi sanh chứ không vì sự vinh quang của giòng phái, tổ tông, hay vì bất cứ thứ phần thưởng vật chấttinh thần nào của cuộc đời... Họ đến rồi đi như bóng nhạn lướt trên mặt nước, như mây trắng trôi qua trời, nhưng lợi ích cho đời thì không đếm kể được. Những người không biết, chửi rủa họ, họ hoan hỉ đùa cợt rồi tìm cách cứu độ hết, không để cho ai phải vì khinh chê mình mà đọa địa ngục. Không chấp có ngã có nhân nên không đem lòng hận thù oán ghét ai. Chính cái tâm vô ngãđại bi của họ khiến cho những lời nguyền rủa của phàm nhân tan ra mây khói, không kết thành ác nghiệp.

Cho nên, chúng ta có thể nhận biết được các vị bồ tát hóa thân và những vị tu hành chân chánh—những vị thực sự đứng trên tất cả để sống vì tất cả.

KÍNH TÍN VÀ PHÂN BIỆT

Nhận biết được tức là thực hành trạch pháp và cũng hàm nghĩa rằng có một thứ chìa khóa hay một mấu chốt nào đó để tìm ra, để nhận dạng những vị thánh tăng (và dĩ nhiên là đã vô tình so sánh với phàm tăng). Điểm này xem ra có vẻ là điều cấm kỵ trong giới tu tập Phật giáo. Nó cho người ta cái cảm giác như là mình vô lễ vô phép, mất niềm tin đối với Tam Bảo.

Thực ra, tìm thầy học đạo không nhất thiết phải tìm cho ra một vị thánh tăng, mà chỉ cần tìm cho được một vị chân tăng. Vị chân tăng này có thể là thánh hay phàm, nhưng họ có một điểm chung là hướng vọng đến đạo quả bồ đề; mà hướng vọng đến đạo quả bồ đề thì chắc chắn là phải thực hiện hạnh vô ngã trong từng ý nghĩ, lời nói, và hành động thường nhật của họ.

Thông thường, với lòng kính tín sâu xa vào Tam Bảo qua hình ảnh sáng ngời của đức Phật, qua sự vi diệu của giáo Pháp, và qua những tấm gương cao đẹp của nhiều thế hệ chân Tăng, người ta có thói quen là không dám đánh giá, lượng định, so sánh... phẩm giá và hành trạng của những người xuất gia hiện tại, cứ một mực cho rằng, “vị nào cũng tốt,” hoặc “dù họ không được hoàn hảo lắm thì cũng hơn mình,” hoặc “biết đâu họ là bồ tát hóa thân...” Thái độ kính tín sâu xa ấy rất cần thiết cho người sơ cơ học đạo và cũng rất cần thiết cho những người đang thực hành bồ tát đạo, học theo hạnh của Bồ tát Thường Bất Khinh, luôn luôn quí trọng tôn sùng kẻ khác vì tin tưởng Phật tính sẵn có nơi họ. Nhưng trong trường hợp một người tầm sư học đạo, tha thiết tìm cầu đạogiác ngộ để vĩnh viễn giải thoát, thì vấn đề phân biệt chân sư - tà sư, tất phải đặt ra. Cố nhiên là phải như vậy. Bởi vì không phân biệt được sự sai khác giữa chân và tà sư thì có thể xảy ra trường hợp suốt đời tu hành lao nhọc mà chẳng có kết quả gì đáng kể, hoặc đi theo tà ma ngoại đạo từ lâu mà chẳng hay.

CHÂN SƯ VÀ TÀ SƯ

Chân sư và tà sư khác nhau chỗ nào?

Đối với tu sĩ của một số tôn giáo tôn thờ thần quyền, sự đánh giá chân-ngụy, chánh-tà khá dễ dàng qua mặt đạo đức, tác phong của chính các vị tu sĩ ấy. Mà phẩm cách đạo đức, tác phong của tu sĩ các tôn giáo này thường khi chỉ đặt nền tảng trên sự cần mẫn tận tụy hiến dâng, phụng sự thần linh, thực hành các giáo điều, tín điều đã được thần linh ban hành hay trích dẫn từ kinh sách được tin là được viết ra do sự mặc khải của thần linh. Tu sĩ nào thực hành nghiêm chỉnh các tín-giáo điều thì được coi là có đạo đức; và ngược lại thì vô đạo đức; hoặc thiếu đạo đức mà làm bộ như ta đây đạo đức thì bị gọi là đạo đức giả. Đối với tu sĩ các tôn giáo ấy, tu tập chỉ có nghĩa là như vậy: tuân thủ các giới điều và tín điều. Hoặc nói nôm na tóm gọn là chỉ cần giữ mình làm người đạo đức, mô phạm.

Trong khi đó, thực hành giáo lý đạo Phật, tu sĩ Phật giáo không phải chỉ là những người trau luyện đạo đức hay một thứ tư cách cao quí đức hạnh làm người nào đó mà xã hội mong đợi. Con đường chính yếu của họ là thực hành các phương pháp tinh diệu nhằm phá vỡ biên giới của tự ngã để thể nhập vào bản thể vô tận sẵn có trong mỗi người, mỗi loài. Để thành tựu trọn vẹn mục tiêu này, hành giả phải trải qua một tiến trình, hoặc nhanh hoặc chậm, gồm 53 giai đoạn từ sơ cơ đến thượng trí. Những giai đoạn tu chứng này vượt ra khỏi thứ đạo đức làm người của thế gian, bước vào thánh hạnh cao quý của hàng Bồ tát, Phật. Và chính vì có khá nhiều giai đoạn và thứ bậc như thế, việc nhận dạng các vị chân tu đắc đạo đang ở giai đoạn nào không phải là đơn giản, trừ phi chúng ta đắc đạo như Phật.

Tuy nhiên, như đã nói ở trước, để tầm sư học đạo, chúng ta cần thiết phải biết nhận dạng một vị chân sư để theo học, như cách người xưa thường nói “chọn mặt gởi vàng.” Điều này nói ra có vẻ như một điều mai mỉa bất kính làm đụng chạm một số đạo sư nào đó. Nhưng nếu thực sự có một sự đụng chạm, hóa ra vị đạo sư ấy dễ bị dao động đến thế sao? hóa ra vị đạo sư ấy hãy còn một cái ngã to lớn cứng rắn nào đó để cho sự lượng giá của học trò đụng chạm đến sao? và nếu cứ tránh né đụng chạm những đạo sư, hóa ra lại đẩy những thiệt thòi về phía những người học trò đang khao khát tìm cầu chân lý?

Người học trò thượng căn như Thái tử Tất Đạt Đa năm xưa có thể rời bỏ các sư phụ để tự mình tìm kiếm chân lý, còn những học trò căn trí thô thiển cạn cợt như chúng ta ngày nay thì sao? Nếu chọn lầm sư phụ thì chẳng phải là cái tiền đồ tu tập của chúng ta sẽ mở vào một cõi u u minh minh hay sao?

Cho nên, rất cần thiết phải biết chọn thầy bằng cách nhận dạng dấu hiệu thực nghiệm toát ra từ nếp sinh hoạt của họ. Sự nhận dạng này không có nghĩa là phải nhìn thấu từng quả vị tu chứng của họ hoặc đòi hỏi họ phải chứng minh sở đắc. Chúng ta có một chìa khóa nhỏ để mở ra cái kho vô tận xứng đáng cho mình qui phục, nương tựa. Và chìa khóa đó chính là điểm chung mà hầu như các vị chân tăng đều có: tính cách vô ngã thể hiện trong nếp sinh hoạt hàng ngày.

Chân sư và tà sư theo quan niệm Phật giáo khác nhau ở chỗ đó. Họ có thể sử dụng những phương tiện giống nhau: tụng kinh, tọa thiền, giảng dạy Phật Pháp, làm việc văn hóa, làm việc xã hội từ thiện... Nhưng mục đích hành đạo của họ thì khác nhau: một bên thì có khuynh hướng dẹp trừ bản ngã để thể nhập vào thể tánh vắng lặng vô biên; một bên thì nuôi lớn bản ngã, đắp cao thành trì của ái dục và lợi danh tầm thường.

Cần nhấn mạnh một lần nữa nơi đây rằng, chúng ta chỉ chú trọng đến chân và tà. Mà trong chân có thể vừa có thánh vừa có phàm, trong khi trong tà—dù có là một đạo sư nổi tiếng cách mấy đi nữa—chỉ hoàn toàn là phàm. Như vậy, nếu chúng ta thực sự muốn tìm cầu một bậc thầy có khả năng hướng dẫn ta tiến đến giải thoát giác ngộ, nên lấy chân, bỏ tà.

(Cũng nên mở ngoặc thêm ở đây rằng: trong giới tu học Phật giáo, không phải ai cũng có khát vọng tìm cầu chân lý hoặc hoài bão giải thoát giác ngộ. Không những trong giới tại gia cư sĩ mà ngay cả một số tu sĩ Phật giáo thời nay cũng vậy: có khi chỉ thực hành giáo lý Phật như cách các tu sĩ tôn giáo khác trau luyện đạo đức làm người và giữ gìn các tín điều. Điều này xét về mặt nhân sinh quan, cũng là điều hữu dụng, vì có khả năng ổn định xã hội, lành mạnh hóa đời sống gia đình, đem lại chút hạnh phúc nhẹ nhàng nào đó cho mỗi cá nhân. Nhưng, mục tiêu tối hậu của giáo lý Phật thì không dừng đứng ở chỗ đó. Đức Phật đã từng nói: “Nếu nước đại dương chỉ có một vị mặn thì đạo lý của ta chỉ có một vị duy nhấtgiải thoát.” Hành giả tu tập có thể giữ gìn giới luật để được giải thoát từng phần [biệt giải thoát] tùy theo giới cấm mình tiếp thọ; nhưng mục tiêu tối hậu vẫn là giải thoát hoàn toàn tất cả mọi phiền não trói buộc của tự tâm. Mà để có được điều này, phải dẹp trừ cả ngã chấppháp chấp. Tóm lại, tu tập theo chân tinh thần Phật giáo là nhảy vào vòm trời tự tại vô ngại của tánh Không để được thành Phật như đức Phật, chứ không phải chỉ học làm người, học làm vua, làm tôi, làm chồng, làm vợ, làm cha, làm mẹ, làm con, làm thầy giáo, làm học trò, làm người truyền đạo, làm nhà trí thức, làm người có bằng cấp thế gian, làm người có tiếng tăm danh vọng, làm công dân đạo đức đàng hoàng trong xã hội... mà bất cứ tôn giáo nào cũng có thể hướng dẫn được. Nêu ra điều trên là để thưa trước rằng những gì sắp nói ở sau, chỉ dành cho những người muốn tu tập theo đạo lý giải thoát giác ngộ và thực sự muốn tìm một bậc chân sư có khả năng hướng dẫn mình thực hiện chí nguyện đó.)

Chân sư Phật giáo tạm thời phân chia thành hai bậc: thánh tăngphàm tăng.

Các chân thánh tăng thì miễn bàn, vì chắc chắn họ là những bậc chân sư đáng qui phục, ai có phước duyên thì được tu tập dưới sự hướng dẫn của họ. Giả như không gặp thánh tăng, chúng ta hãy còn may mắn là có những chân phàm tăng để bái làm thầy. Những vị này tuy chưa chứng thánh nhưng luôn có khuynh hướng truy cầu giải thoát giác ngộ, biết được con đường chân chính để đi và hướng dẫn môn đệ cùng đi, nỗ lực tu tập những phương thức dẹp trừ bản ngã và khát dục. Cả hai bậc chân sư trên đều rất xứng đáng cho chúng ta đảnh lễ qui y.

Nhưng ở trên, vẫn chỉ là nói một cách khái quát. Chúng ta cần đi vào chi tiết: làm thế nào để nhận ra một vị chân sư? Câu hỏi này đưa chúng ta quay trở lại với tiền đề nêu ở trước: tính cách vô ngã thể hiện trong nếp sinh hoạt hàng ngày của các vị chân sư.

VÔ NGÃ TRONG NẾP SINH HOẠT

Theo quan niệm Phật giáo, sở dĩ chúng sinh trôi lăn trong biển khổ luân hồi là vì đã tự cho rằng mình thực sự có một thứ cá ngã độc lập. Một vài tôn giáo tôn thờ thần quyền cũng đã xác nhận có một thứ bản ngã qua sự tồn tại bất diệt của linh hồn; trong khi có tôn giáo chủ trương hy sinh bản ngã bằng cách dâng hiến trọn vẹn thể xác và linh hồn cho thần linh để được đền bù tưởng thưởng xứng đáng sau khi chết. Công nhận hay chối từ bản ngã theo các lối trên, đều chứng minh có một cái ngã có thực tướng hay có thực tánh, thực sự tách rời với vũ trụvạn hữu chung quanh. Và đây chính là cái mầm của phiền não, trói buộc.

Tu tập theo Phật giáo là tiến trình của sự lột bỏ (nhanh hay chậm, hoàn toàn hay từng phần) sự vận hành và tồn tục của cái ngã đó. Tất cả các pháp môn tu tập từ cao đến thấp của Phật giáo đều qui hướng về tự tánh Không, tức là phá bỏ mọi kiến chấp về ngã (cái ta), ngã sở (cái thuộc về ta), pháp (một cái gì ở ngoài ta mà ta đang hướng đến hay chối bỏ, nghĩ rằng ta đạt được nó hoặc ta đang vượt qua nó...). Trở về với tánh Không thì xóa sạch vết tích của ngã và pháp—đó là con đường nhanh của bậc thượng căn thượng trí. Xóa sạch vết tích của ngã và pháp thì trở về với tánh Không—đây là con đường chậm của hàng trung căn hạ căn. Nhưng dù là thượng căn hay hạ trí, dù phương pháp tu tập có khác nhau, họ vẫn có điểm chung là phá trừ kiến chấp về ngã.

Như vậy, chúng ta có thể chọn lựa bất cứ vị sư phụ tầm thường (không chân chính) nào trên cuộc đời để hướng dẫn chúng ta nếu chúng ta không cần giải thoát giác ngộ mà chỉ cần chạy rông để tìm danh lợi trong số đông hoặc một thứ giá trị đạo đức thông thường của thế gian; còn nếu thực sự muốn tu tập để thoát ly sinh tử, chúng ta phải sáng suốt tìm đến một vị chân tăng chứ không cần uổng phí thì giờcông phu tu tập của mình theo chân những vị thầy mà nếp sinh hoạt hàng ngày của họ biểu lộ rõ ràng khuynh hướng bảo vệ và nuôi lớn tự ngã như các trường hợp điển hình sau:

— khi một vị thầy tự xưng mình là bậc thầy vĩ đại hoặc là bậc thầy cao tột không ai bằng (đại sư, vô thượng sư), hoặc vui thích đắm mình trong những danh xưng, tước hiệu, phẩm hàm tôn quí do kẻ khác ban tặng... vị thầy ấy đang ở trong cơn mê của lòng vị ngã, ái ngã, và đang ôm theo mình niềm tăng thượng mạn, tích cực nối đuôi ma vương để trèo lên đỉnh thang hào nhoáng không thực của danh vọngquyền lợi thế gian;

— khi một vị thầy nói với bạn rằng chỉ có phương pháp của ông (hay bà) là cao tột, vượt hẳn các phương pháp của các bậc thầy khác, thì vị thầy này đang sống trong niềm tự hãnh của một bản ngã còn đầy căn khí kiêu kỳ, ngạo mạn;

— khi một vị thầy phê phán và chỉ trích cá nhân những bậc thầy khác, nêu những lỗi xấu của những bậc thầy khác để làm nổi bật phong cách của mình, thì vị thầy này đang biểu lộ phần nào tâm lượng tị hiềm nhỏ mọn của mình;

— khi một vị thầy, dù không lên tiếng chỉ trích kẻ khác, cũng không tự mở lời khoa trương về phẩm cách của mình, nhưng hài lòng với sự tâng bốc ca tụng của môn đệ và trong lòng tự nghĩ mình cao quí, lẳng lặng cười mỉa mai kẻ khác, không chịu lắng nghe quan điểm của kẻ khác để tự sửa mình mà một mực cho rằng kẻ khác chỉ trích hay phê phán mình là vì họ thua sút và ganh tị mình, thì vị thầy này cũng đang tự bồi đắp tường thành ngã chấp ngay ở nền tảng thâm sâu của nó;

— khi một vị thầy thường tỏ vẻ bất bình, bẳn gắt, cau có, lúc nào cũng muốn mọi người phải thuận theo ý mình chứ không chấp nhận luận điểm trái ngược, chỉ đòi hỏi sự tuân phục tuyệt đối từ kẻ khác, thì vị thầy ấy đang tiếp tục nuôi dưỡng mầm mống của tâm ái ngã;

— khi một vị thầy thường trau chuốt bề ngoài của mình bằng hương hoa, bôi trát son phấn để tạo cái đẹp giả dối hoặc che giấu nhân dáng thực của mình, hoặc dùng các thứ trang sức vàng bạc, y phục diêm dúa đắt tiền lộng lẫy để chứng tỏ sự hào phóng giàu sang... có nghĩa là vị thầy đó chưa bao giờ tìm thấy một thứ giá trị cao tột nào ở phần tâm linh và đang bị dẫn dắt bởi những tiểu yêu tầm thường nhất của con ma dục vọng;

— khi một vị thầy ưa thích xuất hiện giữa đám đông quần chúng để được ca tụng và đón nhận lòng ngưỡng mộ từ kẻ khác, tung tiền bạc và lòng thương giả tạo để mua chuộc niềm tin của những kẻ nghèo kém vật chấttinh thần... vị thầy đó đã tự chứng tỏ có một sự rỗng tuếch bên trong của mình và đang cố gắng khỏa lấp bằng ảo tưởng là có một thứ tự ngã cao quí được người khác nhìn nhận;

— khi một vị thầy lộ vẻ hãnh diện khi được sự tưởng thưởng từ các giới quyền lực thế gian, khiếp sợ và tỏ ý tuân phục các thứ cơ cấu chính quyền để mưu cầu an nguy cho bản thân, hoặc cảm thấy mình được tăng giá trị khi thân cận tiếp xúc với giới này, hoặc thâu góp tài sản dâng hiến của môn đệ để biếu tặng giới này mà mưu cầu danh vọng... vị thầy đó rõ ràng hãy còn cái tâm vị ngã, chưa thấy được giá trị cao tột của con đường xuất thế viễn ly, chưa tìm được nơi nương tựa chân chính cho tâm linh mình và chưa tự làm ngọn đuốc soi sáng cho đời mình;

— khi một vị thầy thường lấy bằng cấp, sách vở, kiến thức thế gian và sự qui tụ đông đảo của giới trí thức học đường thế tục để làm thứ bảo chứng giá trị cho việc tu tập tâm linh của mình, có nghĩa rằng vị thầy ấy đang còn đứng ngoài vòng rào của trí tuệ siêu việt, chưa bao giờ nếm được chất liệu giải thoát giác ngộ thực sự và có thể là chưa từng bao giờ có khuynh hướng muốn vươn tới sự viễn ly triệt để;

— khi một vị thầy làm được điều gì cũng hay có khuynh hướng tự kể lể, báo cáo, khoa trương, đưa hình ảnhtên tuổi của mình ra trước công chúng qua các phương tiện truyền thông hoặc khích lệ, vui vẻ, tán đồng sự tâng bốc, khoa trương kể lể của môn đệ đối với việc làm của mình... vị thầy ấy hãy còn mê muội đắm mình trong ảo giác của những vầng hào quang huyễn dối của dư luậndanh vọng thế gian;

— khi một vị thầy sợ hãi dư luận quần chúng, sợ hãi sự mang tiếng cho cá nhân mình, sợ hãi sự phiền hà rắc rối cho đời tư của mình mà ngoảnh mặt với điều thiện nên làm, làm ngơ trước điều ác đang làm khổ những đồng loại chung quanh mình, thì vị thầy ấy chưa có được tâm vô úy; chưa có được tâm vô úy có nghĩa là vị thầy ấy hãy còn nuôi giữ một thứ bản ngã to lớn, co rút trong cái vỏ của vị kỷ, cầu an; điều này cũng chứng tỏ vị ấy chưa có được sự mẫn tuệ của kẻ thực hành bồ tát hạnh và cũng chưa phát triển đúng mức lòng từ bi của mình đối với chúng sinh...

Vài nét đại cương ở trên dĩ nhiên không có giá trị tuyệt đối nhưng ít nhất chúng cũng cho chúng ta khái niệm về những biểu hiện của cái ngã—đối tượng để tu tậpchuyển hóa trong tất cả mọi pháp môn, mọi sinh hoạt của Phật giáo.

Trình bày những biểu hiện của sự chấp ngã, người viết chỉ hy vọng một điều duy nhất là những người môn đệ tìm cầu giải thoát giác ngộ có thể chọn được một minh sư chân chính nào đó để hướng dẫn mình đi đúng đường; còn những vị đang đóng vai trò hướng đạo thì cũng tự nhìn lại mình, lượng giá được chân tướng của mình cũng như con đường mà mình đang đi.

Trường hợp những người học trò chỉ tìm đến thầy để học đạo như cách học trò đến trường thu lượm kiến thức, hoặc chỉ như những học giả muốn tìm hiểu một thứ triết lý gì đó cho thỏa tính hiếu kỳ hay để soạn viết một tác phẩm biên khảo công phu mà giương danh với đời, hoặc như những người tín đồ đúng nghĩa (tức là chỉ đến với tôn giáo bằng niềm tin, không cần suy xét) tìm đến nơi thờ tự đấng thần linh để cầu sự che chở hoặc ban thưởng phước lành, hoặc những người tìm đến tôn giáo chỉ vì muốn trả ân đã được tôn giáo đó giúp đỡ vật chất khi ngặt nghèo, hoặc những người tìm đến với tôn giáo chỉ vì để được kết hôn với người thuộc tôn giáo ấy, hoặc những người tìm đến với tôn giáo chỉ để học một cách sống đạo đức hay chỉ để học một nếp sống hòa bình, an lạc, nhàn nhã trong cuộc đời... thì bài viết này không liên hệ gì đến họ cả. Bởi vì những gì mà số người này tìm kiếm, họ có thể tìm được ở bất cứ nhà đạo đức nào, bất cứ vị học giả hay triết gia nào, bất cứ vị bác sĩ tâm thần nào, bất cứ nhà từ thiện xã hội nào, bất cứ vị thầy nào của tất cả các tôn giáo có mặt trên thế gian này.

Nhưng để vĩnh viễn thoát ly sinh tử hay ít nhất cũng chọn được chính đạo để xác định tiêu đích giải thoát của mình, người học trò phải tìm cho kỳ được một vị chân sư (phàm hay thánh) đang ngày đêm nỗ lực hướng đến tiêu đích giải thoát đó và đang sống giữa cuộc đời ô trược này mà không đắm nhiễm cuộc đời. Tính cách bất nhiễm của vị chân sư đó được thể hiện trong tinh thần vô ngã. Sự tu tập của người theo Phật giáo khác với tín đồ của các tôn giáo khác ở chỗ đó.

Trong Phật giáo không có phương pháp cao thượng hay phương pháp thấp kém. Chỉ có phương tiện thiện xảo hay phương tiện không thiện xảo. Phương tiệnthiện xảo hay không là ở chỗ nó được thực hiện trong tinh thần vô ngã hay chấp ngã. Phương tiện thiện xảo là thứ phương tiện tối thắng, vừa cứu độ lợi ích cho chúng sanh vừa giúp hành giả dẹp trừ được sự chấp ngãgiải thoát sinh tử luân hồi. Phương tiện không thiện xảo thì chỉ đưa chúng ta đến gần với thế giới của ma vương và nếu có giúp gì chăng thì chỉ giúp chúng ta trở thành những con người đàng hoàng, đứng đắn, mô phạm, đạo đức, sống an hòa trên cuộc đời.

Những nhà đạo đức được khuôn nắn từ các phương tiện không thiện xảo thì có thể suốt đời tuân thủ các qui tắc, mô phạm của thế gian, không tổn hại ai và có thể đem lại lợi ích tạm thời nào đó về vật chất hay tinh thần cho kẻ khác, nhưng bản thân họ, cái ngã đang được nuôi lớn từng giây phút của họ, thì tiếp tục lang thang trong cõi luân hồi. Trong khi đó, việc hành đạo của một bậc chân sư thì vừa cứu độ chúng sinh, vừa cứu độ chính mình, ra khỏi trùng vây của ngã chấp, thoát ly hoàn toàn cái vòng lẩn quẩn của tử sinh.

Người xuất gia sở dĩ đứng trên tất cả là do đã sống vì tất cả; sống vì tất cả là do không còn bám chặt vào gốc rễ của tự ngã. Tu tập, hành đạo, làm việc thiện, mà cứ khư khư bám chặt lấy tự ngã thì suốt đời suốt kiếp cũng chỉ là viên sỏi lặn xuống đáy nước. Trong khi đó, những ai đã phá trừ tất cả mọi thứ gốc rễ, mọi thứ đeo bám, mọi thứ rườm rà nặng nhọc của hình thứctự tâm, thì có thể như cánh nhạn, như làn mây, như sợi khói mỏng, hay như chiếc bong bóng, nhẹ nhàng bay lên bầu trời vô tận.

Thực ra, những vị chân tăng nói trên không phải là không có. Có khi họ ẩn thân ở một nơi đèo heo hút gió, mà cũng có khi họ sống rất gần gũi với chúng ta. Chỉ tại chúng ta thích chạy theo giá trị hời hợt của đám đông, cứ tưởng rằng hễ là chân sư thì phải nổi tiếng hoặc kẻ nào nổi tiếng thì phải là chân sư... nên không nhìn ra được những vị chân sư rất bình phàm, chơn chất, giản dị, có khi chẳng có một mảy may tài năng, phép lạ, tiếng tăm, bằng cấp, hay danh vọng gì cả... Không có thứ thước đo nào của thế gian này có thể lượng định được chân giá trị của một bậc chân sư. Chỉ có chìa khóa duy nhất: tinh thần vô ngã—mà Phật dạy từ hơn hai ngàn năm trước—là có thể mở ra cho người môn đệ nguồn hứng cảm vô tận của giải thoát giác ngộ. Tinh thần ấy đã đào tạo nên nhiều thế hệ chân tăng cho nhiều quốc gia, nhiều thời đại; cống hiến cho cuộc đời những bậc thầy thong dong tự tại, đến và đi một cách lặng lẽ, không cột trói mình vào bất cứ thứ hình thức rườm rà huyễn mộng nào của cuộc đời.

Riêng tôi, tôi luôn nhìn thấy họ quanh tôi, rất thân cận với tôi. Thân cận nhưng họ lại ở trên tôi rất xa, bởi vì họ đứng trên tất cả mà không bao giờ thấy mình đứng trên tất cả.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 16226)
“Con lớn rồi vẫn là con của mẹ, Suốt cuộc đời mẹ vẫn theo con…”
(Xem: 11846)
Hoan hỷ trong mùa Phật Đản đang về, xin cung kính đảnh lễ đức Thế Tôn, bậc Thầy vĩ đại của thế gian, bậc trí tuệ tối thắng không ai bằng.
(Xem: 9111)
Tham lam cũng giống như áng mây mù dày đặc nhưng đôi lúc chúng ta thường gặp ở miền đồi núi, khiến chúng ta không thấy rõ đường đi trước mặt mình.
(Xem: 17775)
Vào đầu thế kỷ XV, ngụy tạo danh nghĩa diệt Hồ phù Trần, nhà Minh sai bọn Trương Phụ, Mộc Thạnh đem quân đánh chiếm nước ta.
(Xem: 9983)
Thật hạnh phúc có được một bậc thầy như Người: Đức Phật. Người đã đến thế giới này để mở lối đi cho tất cả... Vĩnh Hảo
(Xem: 9384)
Bài Tường thuật khoá tu học Phật pháp của Gia Đình Phật Tử Thiện Trí tại Thụy Sĩ lần thứ 6 năm 2014... Trần Thị Nhật Hưng
(Xem: 10780)
Ai mới là bậc thầy, bậc thiện tri thức đúng nghĩa để mọi người có thể nương tựa học hỏi, và tu hành theo đúng Chánh pháp... Thích Hạnh Tuệ
(Xem: 15102)
Người ta có thể quên tất cả những gì bạn đã nói, đã làm. Nhưng người ta sẽ không bao giờ quên cảm giác mà bạn đã đem lại cho họ... Hoavouu sưu tầm
(Xem: 10436)
Tập truyện của 8 tác giả: Cộng tác viên của Báo Viên Giác. Đều là những Phật tửPháp danh và nhiều chị xuất thân từ nhà giáo... Trần Đan Hà
(Xem: 12580)
Người nghèo quá dễ sinh ra những hành động thấp hèn, không có niềm tin về nhân quả nên sẽ oán trời trách đất, đổ thừa cho gia đình người thân và xã hội... Thích Đạt Ma Phổ Giác
(Xem: 9965)
Thiền sư Thích Nhất Hạnh cảnh báo về nguy cơ hủy diệt nền văn minh hiện nay bởi sự thay đổi khí hậu và để đảo ngược lại quá trình đó, ta cần phải khôi phục niềm tin tâm linh... Jo Confino
(Xem: 9181)
“Tiếng Gọi Từ Bi” (The Call of Compassion) là chủ đề của Lễ Hội Quan Âm năm 2014 tại Trung Tâm Phật Giáo - Chùa Việt Nam, Houston, Texas... Thích Nữ Giới Hương
(Xem: 10132)
Con người là quan trọng hơn hết khi chúng ta biết tin sâu nhân quả, tin chính mình là Phật và biết thương yêu bình đẳng... Thích Đạt Ma Phổ Giác
(Xem: 9306)
Rinpoche ban lời chỉ dạy sau đây cho một tù nhân, là một người mới theo Đạo Phật. Anh ta đã bị kết án tử hình, bản án sẽ được thi hành trong thời gian ba tháng... Việt dịch: Thanh Liên
(Xem: 9834)
Có lần Phật dạy: "Bất cứ ở chỗ nào trên thế gian này, lấy cây cắm xuống thì cũng là chỗ ta bỏ thân mạng"... Thích Thông Phương
(Xem: 12408)
Có bao giờ bạn tự hỏi: Nếu cuôc đời không có phiền não, khổ đau chúng ta có cần tìm con đường tu giải thoát hay không?... Thiện Ý
(Xem: 9710)
“Này các Tỷ-kheo, Ta không nói rằng trí tuệ được hoàn thành lập tức. Nhưng này các Tỷ-kheo, trí tuệ được hoàn thành nhờ học từ từ, hành từ từ, thực tập từ từ..." Thanh Liên
(Xem: 9786)
"Xuân đi, đóa đóa hoa rơi, Xuân về, đóa đóa hoa tươi thắm màu, Việc đời trước mắt qua mau, Tuổi già chợt đến trên đầu thế a!” (Mãn Giác)... Minh Đức Triều Tâm Ảnh
(Xem: 12977)
Phật độ khắp mười phương, nhưng chớ hiểu nhầm hai chữ “tha lực”; rằng Phật sẽ đưa tay “bốc” chúng sanh từ Ta bà đặt lên Cực lạc... Hồ Dụy
(Xem: 9560)
"Nay Ta sẽ nói về con đường dẫn đến Nê-lê (địa ngục) và con đường hướng đến Niết-bàn. Hãy khéo suy nghĩ ghi nhớ điều này, đừng để rơi mất..." Quảng Tánh
(Xem: 10171)
Trong cuộc sống của chúng ta cần phải có nhiều người biết nghĩ đến tình thương để sẵn sàng giúp đỡ, sẻ chia, bao dung người khác khi có việc cần thiết... Thích Đạt Ma Phổ Giác
(Xem: 11407)
An Cư là một trong các pháp chế trọng yếu trong đời sống tu hành của Tăng Đoàn Phật giáo... Hạnh Cơ
(Xem: 10341)
Chúng tôi sẽ thuyết một thời pháp cho tất cả Tăng Ni Phật tử nghe, với đề tài Cội gốc sanh tử và cội gốc Niết-bàn... HT Thích Thanh Từ
(Xem: 24687)
Nam mô Đông Phương Giáo Chủ Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật thùy từ chứng minh gia hộ... Việt nghĩa: HT Thích Huyền Dung, Phổ thơ: Thích Liễu Nguyên
(Xem: 10706)
Quán Thế Âm - Đấng mẹ hiền trên tất cả mẹ hiền, trên tất cả thánh nhân được tôn xưng là mẹ hiền... HT Thích Huyền Tôn
(Xem: 12026)
Chúc mừng bạn Thiện Trí - Olaf Beuchling, một người bạn trong đời và bây giờ là bạn trong đạo... Nguyên Đạo
(Xem: 9986)
Phật pháp có thể giúp chúng ta có sự hiểu biết chân chính về sự tốt xấu, phải quấy, đúng sai của cuộc sống... Thích Đạt Ma Phổ Giác
(Xem: 14407)
Nội dung câu chuyện chỉ là để nói lên một “Tình Yêu vô nhiễm” của một vị đại đạo sư đã chứng đắc Bồ Đề TâmTrí Huệ Không Tánh... Chiêu Hoàng
(Xem: 13888)
Không tự tỏ mình cho nên sáng, không tự nhận là phải cho nên rực rỡ, không tự kể công cho nên có công, không tự khoe mình cho nên đứng đầu... Lý Minh Tuấn
(Xem: 14982)
Con từ sanh tử bình an, Mang ơn Mẹ đã bao lần cứu con, Cứu từ nước cuốn, sống còn, Cứu từ máu chảy, thân con năm nào... Thích Liễu Nguyên dịch nghĩa & tác thơ
(Xem: 10230)
Chúng tôi có thể đối chiếu hai thái độ khác nhau giữa quan điểm Tây Phươngquan điểm truyền thống Á Đông đối với Phật Giáo... Nguyên tác tiến sĩ Peter D. Santina; Thích Tâm Quang dịch Việt
(Xem: 10331)
Sau mấy ngày họp mặt tại Hamburg, 8 chị em chúng tôi kéo nhau về chùa Viên Giác, Hannover để dự lễ Rằm Tháng Giêng... Phương Quỳnh Diệu Thiện
(Xem: 9903)
Đã bao giờ bạn tự hỏi thành công là gì mà bao kẻ bỏ cả cuộc đời mình theo đuổi? Phải chăng đó là kết quả hoàn hảo trong công việc, sự chính xác đến từng chi tiết?... Hồ Minh Ngọc
(Xem: 13265)
Tu hành muốn thành công hẳn ai cũng biết phước và trí đều phải đầy đủ, trang nghiêm... Quảng Tánh
(Xem: 8985)
"Cha đã hứa với con là dù trường hợp nào cha cũng ở bên con, cha còn nhớ không?"... Trần Xuân Hải dịch
(Xem: 10560)
Ðèn điện sáng rực xuống bờ sông. Gió đã im, sóng đã lặng. Một người đàn ông bế một đứa con trai ngồi khóc... Nhất Linh; Khái Hưng
(Xem: 9451)
Con người thường bị cảm giác khổ vui làm chủ, khi mắt thấy sắc đẹp vừa ý liền bị cảm giác thọ vui thu hút... HT Thích Thanh Từ
(Xem: 9256)
Với cái thấy bất nhịtương đãi, Phật giáo Duy Biểu có thể buông bỏ tính cách quyền thừa lâu nay của mình để trở nên một đạo Bụt Đại thừa trọn vẹn... HT Thích Nhất Hạnh
(Xem: 11628)
Khái quát chia làm 9 thành phần như sau: Thiền sư, Kinh sư, Luật sư, Pháp sư, Giáo sư, Giảng sư, Kiến trúc sư, Y sư và Cứu tế sư... Thích Phước Sơn
(Xem: 11430)
Thất tình lục dục là bảy thứ tình cảm được biểu lộ ra bên ngoài và là sáu việc ham muốn của một con người. Đó là nói theo căn bản... Thích Đạt Ma Phổ Giác
(Xem: 10936)
Mỗi người trong chúng ta, ai sinh ra trong cuộc đời nầy cũng đều có một nghiệp quả khác nhau... HT Thích Như Điển
(Xem: 10229)
Tích tập là duyên sinh tụ hội của vạn pháp, và buông xả là sự lặng thinh tuyệt đối của không gian vô định như thuở nào vô thủy vô chung... Thích Phổ Huân
(Xem: 12596)
Biểu tượng cho hạnh phúcan lạc là nụ cười của Phật Di lặc, người Mỹ gọi một cách đầy tính dân gian gần gũi là ông Phật Vui Sướng, Ông Hạnh Phúc (Happy Buddha), hay ông Phật Cười (Laughing Buddha)… Trần Kiêm Đoàn
(Xem: 9058)
Nguyện cho tất cả chúng sinh nhổ bật hết mọi cội rễ sân hận và oán thù để trở thành hiện thân của tình thương bao la... Tâm Minh Ngô Tằng Giao
(Xem: 16290)
Nguyễn Du không những là một thi hào lớn của Việt Nam mà còn là nhà Phật học uyên bác... Huỳnh Kim Quang
(Xem: 9830)
Đã là con chim, chiếc lá, Chim phải hót, lá phải xanh, Lẽ nào vay mà không trả, Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình... Tuệ Đạt
(Xem: 9545)
Mỗi lần tết đến, chúng ta ôn lại những việc trong năm, những đoạn đường đã qua, những sai lầm thiếu sót và những tạm thời thành tựu... Nguyễn Thế Đăng
(Xem: 10695)
Những lời giảng dạy của bảy Đức Phật, từ thời đức Phật Tỳ Bà Thi cho đến đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong giới kinh giống như tiêu chỉ nguyệt... HT Thích Nguyên Siêu
(Xem: 10800)
"Tinh tấn giữa đám người buông lung, tỉnh táo giữa đám người mê ngủ, kẻ trí như con tuấn mã thẳng tiến, bỏ lại sau lưng con ngựa gầy hèn"... Như Đức
(Xem: 9245)
Vừa qua, chúng tôinhân duyên được tháp tùng với Thầy Phương Trượng chùa Viên Giác, theo chương trình Tu họcHành hương Thái Lan & Miến Điện... Trần Đan Hà
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant