Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới

Đầu Mùa

25 Tháng Ba 201300:00(Xem: 12712)
Đầu Mùa


Đầu Mùa

Thích Như Điển

 

Ở xứ Đức nầy mỗi năm thời tiết được chia ra làm 4 mùa rõ rệt. Mùa Đông khởi đi từ hạ tuần tháng 12 và chấm dứt vào hạ tuần tháng 3. Mùa Xuân bắt đầu từ hạ tuần tháng 3 cho đến hạ tuần tháng 6. Mùa Hạ khởi đầu vào hạ tuần tháng 6 và kết thúc vào hạ tuần tháng 9. Mùa Thu từ hạ tuần tháng 9 cho đến hạ tuần tháng 12. Như vậy một năm có 4 mùa và mỗi mùa có 3 tháng.

Trong chúng ta mỗi người đều có sở thích riêng, không ai giống ai cả. Có người thích mùa Xuân, vì hoa lá tươi tốt, cảnh vật chung quanh mình chỉ toàn là một màu xanh mượt mà. Có kẻ thích mùa Hạ, vì được tắm nắng để bù trừ lại những ngày đông giá buốt, tuyết rơi. Thi nhân và văn sĩ đa phần thích mùa Thu. Vì đây là mùa lãng mạng nhất trong các mùa. Thu có lá vàng rơi, khung cảnh thiên nhiên và đất trời thật là tuyệt diệu. Từ đó thi nhân dễ cảm hứng nên những vần thơ và văn sĩ có thể sáng tác nên những tuyệt tác phẩm. Đến Đông sang giá buốt, lạnh lẽo; nhưng với những người thích trượt tuyết trên núi cao, lại chờ đợi đến mùa nầy để đắm mình trên những mặt tuyết trắng xóa, phủ kín cả một khung cảnh thiên nhiên của núi đồi trùng điệp, xem chừng như chẳng có biên giới. Vì tuyết phủ khắp mọi nơi.

Ở những xứ lạnh như Bắc Âu, mỗi năm sưởi đến 7 hay 8 tháng. Riêng xứ Đức nầy chỉ sưởi trong 6 tháng. Bắt đầu từ tháng 10 và thường đến cuối tháng 3 thì nhà nào cũng tắt lò sưởi. Được một cái là ở Âu Châu nầy không cần máy lạnh. Vì nhiệt độ mùa hè nóng nhất cũng chỉ 25 đến 28°C là cùng. Người ta đang trông đợi những ngày nắng ấm như vậy. Bù lại họ phải trả tiền máy sưởi nóng có lẽ đắt hơn là máy lạnh so với các xứ nhiệt đới khác tại Á hay Phi Châu.

Tu viện Viên Đức nằm tại vùng Ravensburg thuộc tiểu bang Baden Württemberg, ở tận miền Nam xứ Đức xa xôi; ở đây cũng gần hồ Bodensee cũng như gần biên giới của Thụy Sĩ và Áo.

Nếu vào mùa Xuân thì cảnh vật ở đây thật tuyệt vời. Nhiều người lấy xe hơi đi ven bờ hồ từ Friedrichshafen chạy dọc tới Meerburg rồi lái xe lên phà để qua Konstanz. Chỉ 15 phút trên tàu chạy ngang qua hồ Bodensee đầy thơ mộng nầy mà người ta có thể thả hồn theo sông nước và trời mây. Thỉnh thoảng có những con chim Hải Âu hiền hòa bay lượn chung quanh tàu, như để báo hiệu rằng phà đã đến gần bờ bên kia rồi. Nhìn lên trên những triền dốc, đó đây những ruộng nho trải dài và phủ kín những khoảnh đất núi đồi bao la vô tận ấy. Rồi từ đó bạn có thể khởi đi dọc bên bờ hồ nầy; nhưng bây giờ đã nằm bên xứ Thụy Sĩ hiền hòa rồi, nơi sản xuất Chocola thật nổi tiếng. Vì Thụy Sĩ có núi cao, cỏ xanh, nuôi bò sữa rất tốt. Dọc bên bờ hồ nầy ở phía Thụy Sĩ bạn có thể tìm một nơi chốn nào đó thích hợp để dùng cơm trưa hay cắm trại cũng hợp lý thôi. Vì lẽ quanh bờ hồ gồm 3 nước nầy, nếu bạn chạy thong thả để ngắm cảnh, ít nhất cũng phải mất đến 8 tiếng đồng hồ. Cho nên ăn trưa có thể chọn Thụy Sĩ, uống cà phê, ăn bánh ngọt tại Áo và tối đó về lại Đức để dùng bữa chiều là lý tưởng nhất.

Vùng Bregenz của xứ Áo không có gì đặc biệt. Vì phố nhỏ và nơi đây phong cảnh không khác hơn bên phía Đức là bao nhiêu. Được một cái dễ thở là du khách chỉ cần xử dụng tiếng Đức để trao đổi với dân chúng ở cả ba vùng nầy, mà không cần phải dùng đến tiếng Anh hay tiếng Pháp như những vùng khác. Tuy nhiên vật giá khá chênh lệch. Ví dụ như ở Thụy Sĩ thì quá đắt. Đức trung bình; còn Áo thì rẻ hơn nhiều. Chẳng biết tại sao, nhưng đó là một sự thật. Nếu có ai đó đi qua 3 vùng nầy rồi, sẽ cảm nhận được điều ấy.

Rời Áo, bạn trở về Đức, vùng gần nhất là Lindau. Tại đây người ta có thể thong thả đi bộ bên bờ hồ để ngắm thiên nhiên và núi đồi hùng vĩ nằm bên kia Thụy Sĩ mà lúc trước bạn đã chẳng có cơ hội. Đặt chân đến phố Đức, bạn sẽ thấy cái trật tự của nó. Dĩ nhiên là chẳng giống Nhật hay Thụy Sĩ; nhưng cái cổ kính, ngăn nắp và có trật tự của người Đức, thế giới ít ai hiểu nổi. Có lẽ họ ăn chắc mặc bền giống như giá trị của chiếc Mercedes hay BMW mà họ đã sản xuất và giới thiệu đến khắp thế giới ngày nay; không ai là chẳng biết đến thương hiệu nổi tiếng nầy.

Hầu như ở bất cứ thành phố lớn nhỏ nào của Đức ngày nay người ta cũng có thể tìm được những tiệm bán đồ chay cho người địa phương được sản xuất từ đậu nành. Những tiệm chỉ bán đồ chay với thương hiệu là Reform Haus đã đành; nhưng ngay cả những nơi như Kaufland hay Aldi, Netto, Großmarkt v.v… nơi nào cũng có một không gian rộng rãi bày bán toàn đồ chay để phục vụ cho những người không muốn gián tiếp sát sinh.

Xứ nầy không phải là xứ theo Phật Giáo; nhưng ngày nay tại xứ Đức nầy số người ăn chay không ít và những người đọc sách Phật cũng khá nhiều. Đâu đâu cũng thấy quãng cáo hay trưng bày những câu kinh Phật trong những phòng triển lãm hay thư viện hoặc tiệm sách. Quả thật Đạo Phật đã đến với xứ sở văn minh nhất nhì trên thế giới nầy như một hơi thở, không thể thiếu được trong sự sống của con người.

Chung quanh Tu viện Viên Đức có rất nhiều vườn tược và hoa quả. Chỉ tuyền là một màu xanh khi Xuân sang, Hạ đến. Đầu tháng 3 nông dân đã bắt đầu tưới phân tươi lên những đám cỏ. Sau đó họ đi xới đất và tỉa hạt cũng như gieo trồng những loại ngũ cốc khác. Riêng táo, lê, mận, họ chỉ trồng một lần và vào mùa Xuân những nụ non bắt đầu hé nở, đón nhận những ngày nắng ấm của xuân sang. Rồi hoa trắng, hoa hồng, hoa tím của những loại cây nầy nở rộ cả một khung trời. Mùi thơm của hoa quyện vào với gió bay đi khắp nơi, khiến cho không gian thiên nhiên nầy lại càng kỳ ảo hơn nữa. Đến giữa mùa Thu thì những cây nầy đã cho đầy quả. Có cây mang hằng trăm trái trên thân mình bé nhỏ, nặng trĩu với lá cành và quả chín mọng của táo và lê. Đây là thành quả cực nhọc có được của những người làm nông và ruộng vườn; nên sau mỗi lần thu hoạch như vậy họ thường hay tổ chức lễ „tạ ơn ngày mùa“. Trông ra giữa Đông và Tây cũng chẳng khác nhau mấy về ý nghĩa nầy.

Ngoài những vườn táo, lê và mận ra còn có những vườn dâu Tây mọng trái màu đỏ hay những vườn củ cải trắng và củ cải đường cũng được gieo trồng đổi mùa. Ví dụ như năm nầy họ trồng củ cải trắng thì năm sau họ trồng dâu hay lúa mì, lúa mạch. Có những cây bắp ở vùng Tu Viện nầy thân cao đến 2 mét rưỡi, trong khi đó bắp ở miền Bắc Đức nhiều khi chỉ cao trên 1 mét là cùng. Xứ nầy đất rất tốt, nhưng cũng nhờ thiên nhiên ưu đãi như tuyết rơi, mang đến cho đất đai nhiều mầu mỡ hơn. Phân tốt làm cho cây cỏ xanh tươi và cao hơn. Trông thật đẹp mắt vô cùng. Đến mùa gặt hái cả người và chim chóc, côn trùng đều lợi lạc. Vì người có quả ngọt để dùng, chim thi nhau bắt mồi và côn trùng cũng có cơ hội để đua nhau tiếng gáy. Đây là một màn giao hưởng của đất trời thật là tuyệt diệu. Xa xa có những người cỡi ngựa đi dạo dọc theo con kênh nước chảy róc rách suốt ngày. Thỉnh thoảng mới thấy một vài chiếc xe hơi trong làng chạy ngang qua đây. Cho nên không khí tại vùng nầy vẫn còn tươi mát, chưa bị vẩn đục nhiều. Con người tại đây cũng hiền hòa, dễ chịu; ít bị cái đô hội phồn hoa cám dỗ; nên họ rất lịch sựthân thiện. Hình ảnh ngôi làng nhỏ và ngôi phố cổ nầy thường có rải rác ở các nông thôn tại xứ Đức nầy; chứ chốn thị thành to lớn khác rất là khó gặp.

Trong vườn của Tu viện Viên Đức có rất nhiều hoa và cây ăn trái. Tên của những loài hoa nầy chẳng ai biết hết nổi. Vì ở Á Châu chúng ta không có. Ví dụ như một loài hoa mọc trong tuyết. Tuyết lạnh như thế đó, mà nhìn sâu tận dưới nền đất, cây đã hé nở những bông hoa màu trắng thật là tuyệt vời. Không biết rằng cây hoa nầy có khả năng chịu đựng độ lạnh đến bao nhiêu, mà dám thi gan cùng tuế nguyệt như vậy? Có cây hoa mộc liên trổ bông màu tím, mỗi năm ra hoa 2 lần vào mùa Xuânmùa Thu. Việt Nam gọi đây là „hoa sen không có nước“. Có lẽ vì mọc trên đất khô. Chữ Hán gọi là Mộc Liên, tiếng Nhật gọi là hoa Mokuren. Chỉ khác cách đọc, còn ý nghĩa và nội dung giống nhau. Đây là một loại hoa quý, chỉ nở ở những vùng lạnh, chứ vùng nhiệt đới khó tìm thấy bóng dáng những loài cây nầy.

Trong vườn của Tu Viện cũng có hoa mai. Hoa nầy trổ màu vàng vào tháng 3 dương lịch, không như hoa mai Việt Nam. Mai ở đây thuộc hàng dân giả, mọc quanh bờ rào và thân cây lên thẳng, không có cành nhiều như hoa mai Việt Nam.

Hoa hồng, hoa cúc, hoa cẩm chướng, hoa trang, hoa thược dược là những loài hoa bình thường, ở đâu cũng có thể tìm ra những loại hoa nầy; nhưng hoa giấy, hoa mẫu đơn cũng không thiếu tại Tu viện Viên Đức. Có nhiều loài hoa không tên, hoặc giả có tên nhưng con người ít lưu tâm đến. Chúng chỉ có nhiệm vụ tỏa hương, khoe sắc và làm đẹp cho cuộc đời; ngay cả những cây cỏ dại trong vườn chùa cũng thế. Chúng vô tư chỉ có mọc lên khi khí trời ấm áp rồi bị con người lấy máy cắt đè đầu cắm cổ chúng xuống, để phanh thây xẻ thịt chúng, nhưng chúng cứ vươn lên để tìm sự sống. Quả thật cây cỏ còn như thế, huống nữa là con người, mà những người có nhiều cao vọng thì sức sống lại càng mãnh liệt hơn. Người ta sẽ chiến đấu đến cùng để giành lại sự sống khi khả năng tự chủ của mỗi loài còn cho phép; đến khi hơi tàn sức kiệt, lúc ấy cái gì của gió sẽ trả về cho gió; cái gì của nước trả lại cho nước. Những gì của lửa sẽ trở lại trạng thái nóng kia và những gì của đất thì phải gởi lại cho đất vậy. Rốt cuộc rồi cát bụi lại trở về với cát bụi. Thế mà con người cũng như bao nhiêu sinh vật khác đều nghĩ rằng chúng luôn mãi tồn tại với mình. Đây là một quan niệm sai trái và nhầm lẫn ngay từ lúc ban đầu; nhưng con người vẫn chấp chặt vào đó để có được hạnh phúc hay đau khổ. Tất cả chỉ là những sự việc tạm thời thôi. Không có gì miên viễn mà phải cố ngoi lên để chiến thắng.

Cuộc đời là thế đó. Nhiều người vẫn biết cái vô thường, cái thành, trụ, hoại, không; nhưng vẫn không tự làm chủ được mình; nên vẫn khổ đau dài dài. Nếu ta muốn hết khổ, chúng ta phải tự dừng lại và chiêm nghiệm bởi chính bản thân mình và nên hướng vào nội tâm sâu sắc; có như vậy sự sống kia mới có giá trị. Không nhất thiết là 100 năm để kéo dài sự sống ấy, chỉ cần một khoảnh khắc ngắn ngủi thôi. Nếu con người muốn sống thật cho cuộc sống của mình, khổ đau và hạnh phúc chỉ là 2 mặt đối diện của một cánh cửa trong cuộc đời nầy. Đi vào được gọi là khổ đau. Đi ra được xem là hạnh phúc. Nhưng tự thể của cánh cửa, chính nó không phải chỗ vào hay lối ra. Vào hay ra chỉ do con người dàn dựng lên mà thôi. Nếu nhìn vào bản thể của sự vật được như vậy ta sẽ an nhiên để sống, để đi vào đời và để làm một cái gì đó có lợi ích cho tha nhân. Ấy mới là điều đáng quý.

Có những loài hoa không đẹp nhưng cho ra trái rất tuyệt vời. Ví dụ như cây Waldnusse chẳng hạn. Tiếng Việt dịch là cây óc khỉ hay cây bổ óc cũng vậy thôi. Cây nầy trong Tu Viện có đến 3 loại cho trái khác nhau và gồm 7 cây tổng cả. Cây cao như cây đa. Hoa màu trắng đục, rất khiêm nhường, nhưng cho quả tròn lúc còn xanh; khi già rồi vỏ quả tự động xòe ra và hạt Waldnusse tự rụng xuống mặt đất. Chúng ta chỉ cất công lượm vào phơi khô là xong. Công đoạn làm bánh trái hay xào nấu lại là một chuyện khác nữa. Người ta khó lòng dùng sức mạnh của 2 tay để làm cho quả kia vỡ ra được, mà phải dùng một loại kềm đặc biệt mới có thể làm cho hạt óc khỉ nầy tẻ làm hai. Bên trong cùng là hạt, hạt ấy trông giống như óc của khỉ mà người ta đã đặt cho nó. Hạt nầy có thể đem rang cho chín hay ăn sống cũng rất tốt cho bộ óc của con người. Chúng ta thường thấy người ta làm bánh giáng sinh có cho đệm thêm những hạt óc khỉ như vậy. Mỗi năm Tu Viện thu hoạch cả trăm kílô và nhiều khi dùng không hết, người Đức đến Tu Viện mua lại đem về nhà làm bánh.

Trái Cherry được gọi là trái Anh Đào hay trái Đào. Trái nầy đủ loại lớn nhỏ. Trái không lớn lắm và ít ngọt, nhưng hoa đào thì tuyệt vời. Chúng nở trắng cả một góc trời. Sau khi ra hoa lại kết quả và con người cứ thế mà nhởn nhơ qua lại tìm những quả mọng đỏ để cho vào miệng, để rồi cảm nhận được cái chua hay vị ngọt của trái kia. Người thích chua lại khen ngon, nhưng kẻ hảo ngọt lại chê dở. Hoa và quả chẳng tội tình gì cả, chỉ có con người là lắm chuyện đấy thôi. Không ai giống ai hết. Vì thế chuyện khác nhau vẫn là chuyện bình thường của nhân thế vậy.

Trước và sau vườn của Tu Viện có 2 cây mận. Một cho quả vàng và một cho quả tím. Cây nào cho trái cũng ngọt, nhưng trái mận ở đây hơi nhỏ và so với mận Việt Nam lại chẳng giống tí nào từ hình thức cho đến nội dung. Tiếng Đức gọi là Pflaumen, dịch sang tiếng Việt là trái mận; nhưng mận ở Việt Nam mình, cây to lớn, tàng lá sum sê giống như cây đào. Còn mận ở đây thân cây thấp, cành lá bé nhỏ. Thế mà có lúc quả ra cũng lại trĩu cành. Cuối mùa mận chín các Phật Tử tha hồ thưởng thức. Nhiều khi chim chóc cũng đến để trổ tài ca hát và mổ ăn.

Táo và lê vốn là sản phẩm của những xứ lạnh. Riêng vườn táo của Tu Viện có năm thu hoạch cả trên 1.000 kg, ăn không hết phải đem đi ép thành nước để uống từ từ. Ăn từng quả chúng ta có thể phân biệt là táo chua hay ngọt, nhưng khi đã trộn lẫn vào nhau để xay táo kia thành nước, ta chỉ cảm nhận được một hợp chất đậm đà, khiến ai khó tính mấy đi chăng nữa thì cũng không chê nước táo nầy vào đâu được cả.

Ngoài ra có nhiều loại cây không cho hoa lẫn quả, nhưng cũng là những loại cây đẹp góp phần tô điểm cho cảnh quan của chùa. Đó là những cây liễu và cây trúc. Vườn sau của Tu Viện có 2 cây liễu. Một cây chắc cũng trên 100 tuổi, cây kia nhỏ hơn, nhưng cây nào vào Xuân cũng mang đến cho con người cảm giác thoải mái nhẹ nhàng khi các cành liễu la đà trước gió. Trong quyển Lục Vân Tiên của Cụ Nguyễn Đình Chiểu sáng tác; trong đó có mấy câu so sánh phận thuyền quyên với cây liễu yếu như sau :

… Kiếp tôi liễu yếu đào tơ

Giữa đường mang phải bụi dơ đã phần

Hà Khê qua đó cũng gần

Xin theo cùng thiếp đền ân cho chàng

Gặp đây đương lúc giữa đàng

Của tiền chẳng có bạc vàng cũng không

Nhớ câu báo đức thù công

Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ai …

Vân Tiên là một nho sinh, một người quân tử dưới thời đại phong kiến dầu cho tâm hồn có cứng cỏi đến bao nhiêu đi chăng nữa; nhưng trước cảnh “liễu yếu đào tơ” như vậy cũng phải chạnh lòng, ra tay dẹp địch để cho Nguyệt Nga khỏi bị bọn thảo khấu hành hung.

Liễu có vẻ đẹp diệu hiền, khiến cho ai đó dầu khó tính đến bao nhiêu đi chăng nữa cũng phải chạnh lòng khi thấy liễu buông mình rũ xuống. Điều ấy chứng tỏ cho sự khiêm cung cũng như tánh tùy duyên nhưng không thay đổi của liễu. Nhờ vậy mà Bồ Tát Quan Thế Âm đã dùng nhành Dương Liễu nầy thấm vào nước Cam Lồ để gội sạch những trần cấu của chúng sanh.

Trúc tượng trưng cho tâm hồn của người quân tử. Trúc luôn mọc thẳng đứng và ruột rổng, không tỏa ra tàng lá như những loài cây khác. Khi tạo mãi Tu Viện nầy, những buội trúc xanh kia cũng là động cơ chính đã làm cho nhiều người thích thú. Vì lẽ trúc ưa mọc những xứ nhiệt đới, nhưng kỳ lạ thay xứ Đức là xứ hàn đới, nhưng trúc vẫn sống và xanh suốt cả một mùa Đông, trông giống như những cây tùng và cây bách diệp đứng cạnh nó. Người xưa thường ưa treo những bức tranh có những cây trúc ngoài những tranh khác, nhằm biểu thị cho tính quân tử của mình. Người chủ trước có lẽ cũng thích những hình ảnh cây cảnh của Á Châu, nên hai ông bà đã trồng khắp nơi trong vườn chùa nầy những buội trúc thật xinh xắn. Có những năm khí trời lạnh buốt, trúc chịu không nổi, cũng cùng chung số phận chết yểu như những cây cỏ khác; nhưng kỳ lạ thay! khi Xuân sang trúc lại mọc măng và thế là những buội trúc kia vẫn tiếp tục khoe màu xanh thẳm với đất trời cùng vạn vật ở khung cảnh thiên nhiên nầy.

Trước cổng chùa có một cây Bồ Đề tuổi đã 20 năm nhưng mới đem ra hội nhập cùng đất trời xứ lạnh nầy từ năm ngoái. Hy vọng cây bồ đề ấy vẫn có thể sống. Cây giác ngộ nầy tại Á Châu trồng không khó, ở đâu cũng có thể mọc được, nhưng hạt giống giác ngộ nầy mang vào Âu Châu quả là khó khăn vô cùng. Cho đến khi nó đâm chồi nảy lộc được trong nền đất văn hóa mới nầy, phải chờ đợi thời gian lâu dài qua những tháng ngày trưởng dưỡng trong phòng kín, nhưng như vậy cũng chưa chắc. Vì người muốn, mà vạn vật thì khó lường.

Trong vườn của Tu Viện quý Cô và quý Phật Tử cũng đã ươm mầm cho sự sống bằng những cây trái thực phẩm từ Á Châu mang sang như cây rau húng, tần ô, khổ qua, bầu, mướp, bí đao, bí rợ, su-su, cải xanh v.v… mỗi loại đều mang đến một loại Vitamin C thật đặc biệt. Vì tất cả đều trồng theo lối tự nhiên, không có phân bón hóa học. Những trái bầu dài cả thước, những trái su-su xinh xắn, những trái bí rợ nằm ngổn ngang trên mặt đất đó đây. Cây bạc hà, rau răm, ngò, tía tô v.v… đã điểm tô cho vườn chùa thêm nhiều hương và nhiều sắc. Chỉ có loài rau húng là có đủ khả năng chịu đựng với tuyết sương của xứ sở nầy. Có năm nhiệt độ vào Đông tại đây xuống trừ 10 hay 15° C, nhưng khi Xuân sang những cọng rau húng đầu tiên đã nhú lên khỏi mặt đất một cách tự tin để mang đến sự vui vẻ cho loài người. Vì húng sẽ mang mùi thơm đến trong những buổi cơm Đạo vị của nhà chùa.

Tham, sân, si vốn là những phiền não chôn chặt vào lòng người, còn sâu thẳm hơn những loài rau húng kia, chúng chỉ chờ cơ hội khi gió nghiệp thổi qua, với đầy đủ nhân duyên, chúng sẽ sanh khởi. Lúc ấy giận hờn, oán ghét, nghi kỵ lại xảy đến. Vì vậy người tu hành, cốt ở cái tâm; nên cố giữ cho những mầm mống của não phiền nầy đừng sóng gió nữa, bằng cách là tự xay nhuyễn những căn nguyên của sự sân hận ấy và tự hóa thành chất đề hồ hay mùi thơm của rau húng thì quý hóa biết dường bao!!!. Hy vọng ai trong chúng ta cũng sẽ ý thức rõ được điều nầy để làm lợi lạc cho mình và cho những người đối diện. Phiền não tức bồ đề là đây vậy.

Ngoài vườn chùa của Tu Viện năm nay cũng sẽ tạo dựng nên hai cảnh quan mới. Đó là Quan Âm Các với tôn tượng Quan Thế Âm Bồ Tát; Ngài đang đứng đó để ngự trị trên thế gian nầy, nhằm cứu khổ độ mê. Nguyên bằng đá cẩm thạch xuất xứ từ Miến Điện, do thợ Trung Quốc tạc và chuyên chở về Việt Nam, sau đó được đưa sang chùa Viên Giác Hannover để làm lễ Hội Quan Thế Âm lần đầu tiên trong tháng 6 năm 2012 vừa qua với hơn 17.000 người tham dự trong vòng 10 ngày và nay đã được dời về an trí ngay trước cổng vào Tu Viện. Bên trên Ngài một Quan Âm Các được hình thành để che mưa đỡ nắng cho Bồ Tát. Trước Quan Âm Các là cổng Tam Quan với 3 cửa vào. Cửa giữa gọi là Trung Quan, cửa trái gọi là không quan và cửa bên phải từ ngoài đi vào gọi là giả quan. Trái hay phải cũng đều không thật. Chỉ có con đường Trung Đạo mới là con đường hóa giải của cái có và cái không, cái còn và cái mất. Đây chính là triết lý của nhà Phật vậy. Đạo Phật đi vào Việt Nam hay các xứ khác trên thế giới cũng với tư tưởng nầy. Đạo Phật không đứng bên nầy, cũng chẳng phải bên kia, mà đứng trong lòng dân tộc cũng như đứng lên trên mọi khuynh hướng chấp thủ để tồn tại và để hướng dẫn nhân sinh thực tập giáo lý nhiệm mầu. Khi Viên Đức hoàn thành những công trình phía bên ngoài nầy, kể cả 26 bãi đậu xe là nhu cầu tối thiểu mà thành phố bắt buộc phải có, thì Viên Đức rất xứng đáng là một ngôi Tu Viện yên tĩnh nhất nhì tại Đức nầy.

 Đi vào bên trong Tu Viện khách thập phương sẽ gặp ngay một chánh điện được cải biến qua nhiều giai đoạn của một nông trại tại miền quê nầy. Ở chính giữa thờ Đức Bổn Sư Thích Ca . Phía trước có thờ Tây Phương Tam Thánh. Những tượng nầy được ngự trị trên cái bàn thờ gỗ quý được chạm trổ rất công phu và sơn son thếp vàng đẹp tuyệt vời, cả về giá trị nghệ thuật điêu khắc lẫn giá trị thật của những tủ thờ kia. Phía trước chánh điện hai bên tả hữu có thờ hai tượng của Đức Hộ Pháp Di ĐàTiêu Diện Đại Sĩ. Song song hai bên tượng nầy có kê hai giá chuông trống bát nhã mới được thỉnh về. Thân trống là một khúc gỗ của một cây đã nhiều tuổi được khoét rỗng ruột, dài độ 1 mét rưỡi. Đại Hồng Chung cũng có ghi khắc các chữ Tu viện Viên Đức cũng như năm tháng và người đứng ra tạo dựng Tu Viện nầy. Một mai đây qua sự biến thiên của lịch sử thì chiếc Đại Hồng Chung nầy sẽ là một chứng cứ của lịch sử, đã một thời như vậy. Mỗi chiều trước thời công phu, tiếng chuông chùa lại vang vọng đó đây khiến khách trần ai cũng dễ quên mùi tục lụy. Nhà thơ Huyền Không, tức Cố Hòa Thượng Thích Mãn Giác đã có lần viết trong bài thơ “Nhớ Chùa” năm 1949 rằng :

 … Chuông vẳng nơi đâu nhớ lạ lùng

 Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung

 Mái chùa che chở hồn dân tộc

 Nếp sống muôn đời của tổ Tông.

 Chánh điện của Tu viện Viên Đức tuy không rộng lắm; nhưng cũng có thể chứa được khoảng 150 người. Nếu đứng hay ngồi luôn sang phía bên bàn Tổ và bàn vong thì cũng có thể lên đến 200 người cùng một lúc. Ngay sau lưng Đức Thế Tônbàn thờ Tổ, nơi thờ long vị của Tổ Minh Hải và chư lịch đại Tổ Sư quá cố. Đồng thời bên cạnh đó có thờ các vong linh đã quá vãng, hai bên nam nữ riêng biệt. Ngày giỗ ngày kỵ nơi đây không thiếu tiếng kinh cầu và mùi hương trầm quyện tỏa, khiến cho người còn lẫn kẻ mất được lợi lạc thấm nhuần.

 Bên hông chánh điện có phòng Thiền và phòng sinh hoạt. Phòng Thiền nầy trong tương lai sẽ biến thành nơi thờ Tôn Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát ngàn tay ngàn mắt và phòng sinh hoạt tập thể vẫn giữ nguyên như cũ. Trước phòng sinh hoạt là phòng để áo mũ nón giày. Tiếp theo dãy ngang là nhà bếp và phòng tiếp lễ cũng như hội họp. Kế đến là văn phòng, nhà vệ sinh và phòng phát hành.

 Một dãy nhà riêng biệt 2 tầng tiếp theo đó. Nơi đây có thể làm chỗ tịnh tu hay nhập thất cho Hòa Thượng Phương Trượngchư Tăng muốn có những ngày tháng yên tịnh với nội tâm. Phía tầng dưới là nhà vệ sinh, nhà tắm, bếp núc và trai đường cho chư Tăng cũng như thư phòng để đọc kinh viết sách của Hòa Thượng. Tầng trên cũng có đầy đủ tiện nghi cho 5 đến 7 Thầy cư trú. Đặc biệt trong 3 dãy nhà nầy, ngoài lò sưởi trung ương ra, còn có 2 lò sưởi đốt bằng củi theo lối xưa. Những ai thích văn chương chữ nghĩa hay ngọn lửa đêm đông qua lò sưởi nầy thì rất thú vị. Bởi vì hình ảnh nguyên sơ của đất trời cũng như vạn vật cây cỏ nơi đây sẽ làm cho con người gần gũi với thiên nhiên hơn.

 Bên trên tầng hai của dãy có văn phòng là nơi trú ngụ của chư Ni và quý Thiện Nam, Tín Nữ ở xa về muốn lưu trú dài lâu tại Tu Viện để tu học. Ở đây có đầy đủ phương tiện cho những nhu cầu công cộng và cho vài ba chục người sống thành cộng đồng để tu tập trong thời gian dài. Quý vị nào muốn có một thời gian yên tĩnh thì nên liên lạc về Thầy Hạnh Tâm, người đang trông coi Tu Viện, điện thoại số 0751-3552622 để được hướng dẫn. Tất cả đều tùy hỷ cúng dường để duy trì Tu Viện, không có một lệ phí nào bắt buộc cả.

 Phía trước bãi đậu xe có một nhà bếp tương đối lớn; nơi đây có thể nấu nướng cung cấp thức ăn cho hằng trăm người mỗi khi có các lễ lớn như: Tết, Rằm Tháng Giêng, Phật Đản, Vu Lan hay những khóa tu cho cả người Việt lẫn người Đức. Tu Viện có một không gian rất yên tĩnh, có một vườn cây cảnh và cây ăn trái rất tuyệt vời, chiếm cứ trên 20.000m2 đất trống. Diện tích xử dụng cho mọi nhu cầu cần thiết như: lễ bái, cầu nguyện, tụng kinh, niệm Phật, ngồi Thiền, kinh hành, lưu trú v.v… lên đến trên 1.500m2. Do vậy đây là một cơ sở rất lý tưởng để cho những ai muốn tìm về nội tâm của mình.

 Kể từ năm 2013 nầy chúng tôi sẽ về đây tịnh tu nhiều ngày tháng hơn những năm trước khi mùa Đông còn phải bay sang Úc và hoằng pháp sang Hoa Kỳ; nhưng kể từ năm nay những nơi ấy không phải thường xuyên nữa và dành nhiều thời gian cho nơi vùng quê yên tĩnh nầy. Dĩ nhiên ngôi chùa Viên Giác tại Hannover vẫn là ngôi chùa Tổ đối với người con Phật Việt Nam tại xứ Đức; chúng ta không thể không lui tới chốn ấy. Vì chùa nầy có mặt đầu tiên tại xứ Đức kể từ năm 1978, đến nay cũng đã hơn 35 năm rồi; nhưng những ngôi chùa bên cạnh đó cũng không kém phần quan trọng, trong đó kể cả Tu Viện Viên Đức nầy.

 Thời giantrôi qua, lòng người có thay đổi trong một hay nhiều kiếp nhân sinh; nhưng hình ảnh của một ngôi chùa, nơi đó có hình bóng của các vị Tăng Ni đóng vai trò lãnh đạo tinh thần rất quan trọng. Nếu không có họ, giống như một chiếc bánh không có nhưn. Vì họ là những nhân tố kết hợp rất quan trọng về mọi khuynh hướng trong cuộc sống vốn nhiều chao đảo nầy.

 Bên cạnh đó lực lượng nòng cốt của Chi Hội Phật Tử Việt Nam Tỵ Nạn tại Bodensee và vùng phụ cận cũng như những người góp công, góp của với tính cách thiện nguyện cá nhân đến từ Thụy Sĩ và Áo đã mang đến một sức mạnh vô cùng quý giá như những nụ cây “đầu mùa” sớm đâm chồi nảy lộc sau một mùa Đông băng giá. Chính họ là những người đã đóng góp hỗ trợ cho Tu Viện nầy được thành tựu như thế. Xin niệm ân tất cả và xin cầu nguyện cho mọi người, mọi loài thâm nhập vào Phật trí của Như Lai.

Viết xong vào một sáng sắp sang Xuân (6.03.2013)

tại Tu Viện Viên Đức Ravensburg-Đức quốc nhân một ngày đẹp trời. 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 21345)
Nằm giữa hai miền đất nước, nơi mảnh đất Thần Kinh, Bạch Mã hiển hiện trầm hùng, kỳ vĩ mà ôn hòa, như mang theo cái mát lành của Cao nguyên Đà Lạt về trên xứ Huế.
(Xem: 18314)
Tiếp xúc với thân thể của ta bằng con mắt thiền quán, ta thấy sự có mặt của thân thể đối với ta là sự có mặt của một thực tại mầu nhiệm...
(Xem: 16600)
Bài tường trình về khóa tu học tại Chùa Phật Tổ do Phái Đoàn Hoằng Pháp Âu Châu hướng dẫn 2012
(Xem: 17071)
Câu chuyện của vũ trụ đã từng được kể đến trong nhiều kiểu cách bởi những con người ở trên trái đất, từ những thời điểm sớm sủa nhất của thời kỳ Đồ đá cũ (Paleolithic)...
(Xem: 16793)
Trong hơn 20 năm Hòa Thượng Đã tài trợ cho Tăng Ni du học Ấn Độ tổng số tiền 1 triệu USD
(Xem: 17082)
Mục đích cao nhất của kẻ tầm đạo - không kể Ấn Độ giáo, Phật giáo hay Lão giáo - là luôn luôn tỉnh giác về sự nhất thể và về mối tương quan của mọi pháp...
(Xem: 17724)
Một phương đã rực suối nguồn, Vai mang xiềng xích vẫn thương bạo tàn...
(Xem: 13432)
Thực ra, nếu bạn biết quan sát cho sâu sắc vào thân tâmhoàn cảnh hiện tại thì chẳng có cái gì gọi là ta và của ta cả.
(Xem: 18436)
Con người không phải là thánh nhân nên tất nhiên có những sai trái, đối với những người phạm lỗi chúng ta nên có thái độ rộng lượng khoan dung.
(Xem: 16238)
Quán Âm ở đây chính là chánh niệm tỉnh giác. Chánh niệm nghĩa là bạn trở về với chính mình, tỉnh giác là thấy rõ thân tâmhoàn cảnh đang xảy ra trong hiện tại.
(Xem: 14922)
Từ ái và bi mẫn cho tất cả mọi sự sống, con người và không phải con người, là vấn đề duy nhất tồn tại có thể làm cho tương lai loài người là có thể duy trì.
(Xem: 15970)
Tình thương trong đạo Phật không dính dáng gì tới một trường hợp đặc biệt nào. Nó được đặt trên một ý thức rất rõ ràng về sự phụ thuộc của chúng ta vào toàn thể vũ trụ.
(Xem: 16184)
Chúng ta luôn nghĩ cách làm giàu và tiêu thụ cho bản thân nhưng không nghĩ đến những thiệt hại về môi trường. Chúng ta đang đi trên một con thuyền của hành tinh.
(Xem: 16218)
Cách khác để chuyển hóa lo âu là phải giảm tính tự kiêu, cho mình là trung tâm và luyện tâm trí bằng cách quan tâm nhiều hơn đến mọi người chung quanh...
(Xem: 15381)
Những lời Phật dạycon đường hoàn thiện mình cho tốt đẹp, đừng làm điều gì sai trái để cho giới trẻ bây giờ bớt đi cách sống có hại cho xã hội, đem lại lợi ích cho xã hội.
(Xem: 14965)
Theo Thế Tôn, giới hạnh hay đức hạnh, đạo đức của một cá nhân chính là nhân tố quan trọng nhất để hàng Phật tử chúng ta bày tỏ và thể hiện ứng xử cung kính...
(Xem: 15434)
Họ là hai anh em, tuổi đã cao, trên dưới tuổi về hưu. Người anh sống ở Sài Gòn còn người em sống ở một thành phố lớn miền Trung. Do tuổi tác cũng kề nhau...
(Xem: 15621)
Hạt Giống Hạnh phúc luôn sẵn có trong ta đó Bạn, mình chưa thấy được vì mình chỉ biết soi gương để chăm sóc và ngắm nhìn nhan sắc của mình bên ngoài mà thôi...
(Xem: 17260)
Tại sao tôi hiện hữu trên cõi đời này, với hình tướng và khuôn mặt này, tôi có gia đình, dòng họcha mẹ đã đặt cho cái tên, đánh dấu sự có mặt của tôi trên cuộc đời.
(Xem: 25841)
Chúng ta đừng chỉ biết nhìn vào những sai lầm đó mà hãy nghĩ đến những gì họ đã cố gắng, đã nỗ lực để làm tốt công việc của mình!
(Xem: 13962)
Khó khăn thì chẳng ai nhìn, Đến khi đỗ Trạng tám nghìn nhân duyên... HT Thích Như Điển
(Xem: 17438)
Những người hữu duyên với đạo Phật, đang thực hành pháp để chuyển hoá khổ đau, đem lại an lạc cho mình, từ đó, sẽ ảnh hưởng đến mọi người tiếp cận với những an vui...
(Xem: 17596)
Đơn giản chỉ là một cánh cửa phía sau nhà thôi, nhưng nó đã đi vào nếp sống, nếp nghĩ của mỗi người trên mảnh đất “lắm nắng nhiều mưa” của quê hương tôi.
(Xem: 17074)
Khách thập phương đến lạy Phật ngày càng đông. Những tà áo dài xanh đỏ làm chùa thêm đẹp. Những âm thanh từ chiếc chuông chùa nghe thanh thoát một cách lạ kỳ.
(Xem: 14396)
thiện căn vốn bởi lòng ta cho nên chữ Tâm không phát xuất từ Thần Linh (God) mà nó phát xuất từ bản chất thuần lương vốn có của con người: “Nhân chi sơ tính bổn thiện”.
(Xem: 13504)
Cứ để mặc cho mây trắng bay, cứ để mặc cho những nỗi niềm kia đau đáu, hay, tôi phải làm gì đó cho chính bản thân mình để rồi cống hiến lại cho dòng đời này tương tục... Thích Hạnh Tuệ
(Xem: 15686)
Trên đỉnh núi này, trong một buổi giảng pháp, Phật không nói gì, chỉ cầm một đoá hoa nhìn đại chúng. Chẳng ai hiểu gì, chỉ một vị đệ tử có tên Ca-diếp mỉm cười thầm lĩnh hội.
(Xem: 36583)
Bài Diễn Văn Trong Lễ Phát Giải Thưởng Danh Dự Cho HT Thích Minh Tâm & HT Thích Như Điển - những người có công mang ánh sáng Phật Pháp đến Âu Châu
(Xem: 16369)
Những ai có may mắn cảm nhận Sự Sống là "một nhưng nhiều" có lẽ sẽ đến với một nhận thức mới về con người và cả muôn thú hay thiên nhiên.
(Xem: 17064)
Nếu hiện tại, bạn đang ở trong hoàn cảnh kém vui, thì đây cũng là dịp may mắn để bạn tìm về Chánh Pháp, chấn chỉnh lại Phước Trí cho đời này và đời sau.
(Xem: 15439)
Sự tôn trọng được đạo Phật mở rộngđào sâu để chúng ta có được sự yên tâm và hài hòa trong tâm thức. Sự tôn trọng sâu rộng ấy sẽ nâng cấp, tịnh hóa, thiêng liêng hóa tâm thức.
(Xem: 15995)
Đứng bên gốc cây xứ hoa vàng nhìn xuống sân trường, nhìn đám học sinh ngây thơ nhảy giỡn, hay nhìn đoàn nữ sinh cầm tay nhau chầm chậm bước trên lối đi...
(Xem: 14066)
Nói về sự đóng góp cho hoạt động từ thiện, dân Mỹ vẫn chi tiền, từ vài ba chục đến vài ba ngàn cho cả triệu hiệp hội hoạt động trong các lĩnh vực văn hoá, xã hội, tôn giáo...
(Xem: 16421)
Ta khổ đau và thất vọng, vì tri giác sai lầm của ta đã tách ta ra khỏi thế giới hòa điệu nhất như tuyệt đối, để khiến ta đuổi bắt một bản ngã ở trong thế giới ảo tưởng...
(Xem: 15941)
Một vấn đề thuộc phạm trù văn hóa Phật giáo được đặt ra là một bản dịch hoàn chỉnh cho Đại tạng kinh Việt Nam sẽ dựa trên căn bản Đại tạng kinh nào.
(Xem: 17906)
Cốt lõi thông điệp của Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Darbar Hall of the Taj Palace Hotel, New Delhi là chúng ta nên tìm hạnh phúclòng từ bi compassion từ bên trong.
(Xem: 16049)
Khi tâm ý yên tịnh, lời bạn nói ra sẽ chứa đựng an hòa, nội dung sâu sắc tỏa chiếu tình thương yêu, lòng hoan hỷ khiến cho người nghe cảm thấy ấm áp, thân thương...
(Xem: 19846)
Trong sự gắn bó với đời sống của dân tộc Việt Nam cũng như với thi ca, một phần tính chất từ bi của đạo Phật đã được hình tượng hóa với hình ảnh Đức Phật Quan Âm...
(Xem: 20976)
Nếu khônglòng từ bi thì hận thù sẽ chồng chất từ kiếp này sang kiếp khác. Chỉ có lòng từ bi mới cởi trói được những nỗi oan ức và những khổ đau của đời mình.
(Xem: 13671)
"Trước người rồi sau mình, không tham lam danh lợi, thời già trẻ hòa thuận, mà chánh pháp không bị suy thoái"
(Xem: 13838)
"Hạnh phúc là những gì người ta đang có, chứ không phải những gì người ta đi tìm"... HT Thích Như Điển
(Xem: 14735)
Viết để kỷ niệm nhân 30 năm thuyền nhân Việt Nam có mặt tại Berlin... HT Thích Như Điển
(Xem: 14088)
Hòa giải, được biểu hiện qua cái tách hình sọ người (chứa đầy thuốc an thần), là khả năng để chúng ta trước tiên giải quyết các bất đồng một cách nhẹ nhàng, êm thắm.
(Xem: 15177)
Duyên khởi câu chuyện cho chúng ta thấy rằng, cốt yếu của ẩn dụ này chính là vấn đề nhận thức - cố chấp cho nhận thức của mình là đúng, trong khi thực sự nó là sai...
(Xem: 14900)
Chùa nhỏ, đất hẹp như vậy mà Ni chúng ở đây đã có những lúc tập trung đến 50 vị, tạo thành một đạo tràng trang nghiêm, nề nếp... Vĩnh Hảo
(Xem: 13912)
... Thầy sẽ là người bạn đồng hành với các con trên đoạn đường bóng xế của đời mình... Tuệ Sỹ
(Xem: 13771)
Là người con Phật, chúng ta hiểu rằng chư Phật và chư vị Bồ Tát thị hiện ở đời là nhằm cứu độ chúng sinh. Trong Kinh Hoa Nghiêm Đức Phật dạy rất rõ...
(Xem: 15441)
Chúng ta thực hiện việc hành hương để giúp chúng ta nhớ tất cả những giáo huấn của Đức Phật, những tinh hoa của những điều được thấy trong bốn tuyên bố mà Ngài đã dạy...
(Xem: 28263)
Thỉnh thoảng lấp liếm từng đợt sóng nhỏ rồi rút đi. Nước thấm vào cát. Cát hiện thành thơ. Thơ thấm vào biển hát lời ngân nga... Nguyên Siêu
(Xem: 22453)
Niệm Phật. Nhớ nghĩ đến Phật. Thầm tưởng đến Phật. Phật luôn hiện hữu trong tâm. Phật và tâm bất ly. Bất đoạn. Chẳng hai. Như nhất... Nguyên Siêu
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant