Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Bài Mới Nhất trang Văn Học
Điền Email để nhận bài mới

Bước Đi Vào Lòng Muôn Dân

16 Tháng Sáu 201813:46(Xem: 5283)
Bước Đi Vào Lòng Muôn Dân

Bước Đi Vào Lòng Muôn Dân 

(Nhân đọc MỐI TƠ VƯƠNG CỦA HUYỀN TRÂN CÔNG CHÚA của HÒA THƯỢNG THÍCH NHƯ ĐIỂN)

 

NGUYỄN HIỀN-ĐỨC*

 

Trạm trạm nhất phiến tâm

Minh nguyệt cổtĩnh thủy

Nguyễn Du

(Vng vc mt mnh lòng

Giếng xưa trăng ri bóng)

Quách Tấn dịch

 

Khoảng tháng 3 vừa rồi, Hòa Thượng Thích Như Điển, Phương Trượng Chùa Viên Giác (Đức Quốc) gởi cho chúng tôi bản final cuốn Mối Tơ Vương Của Huyền Trân Công Chúa với lời dặn dò: viết Lời cuối sách. 

Đọc thư Thầy, chúng tôi vô cùng băn khoăn, lo lắng và hơi bị “ngộp” dưới cái bóng quá lớn và ảnh hưởng rộng khắp của Thầy. Chúng tôi “ngại” vì biết Thầy có nhiều mối quan hệ thân thiết với các bậc tài danh khắp nơi. Ngược lại, chúng tôi chỉ là kẻ sơ học nhiều mặt mà lại dám chắp bút viết Lời cuối sách này? Chúng tôi rất đắn đo trước cái vinh dự to lớn ấy, trước cái trách nhiệm nặng nề này. Nhưng rồi anh Văn Công Tuấn nhiều lần “trấn an”, khích lệ.Và rồi, lại nghĩ rằng, Thầy Như Điển có lòng ưu ái, thương tưởng và muốn tạo điều kiện cho chúng tôi trong bước đầu tập tễnh học Phật. Xin cung kính niệm ân Thầy; và cũng qua đây kính mong quý vị độc giả thông cảmlượng thứ cho những thiếu sót và non nớt không sao tránh khỏi, dù đã có nhiều cố gắng vượt lên chính mình; trong bài viết này của chúng tôi.

 

I. 

ĐÔI ĐIỀU VỀ TÁC GIẢ...

 

Ngày 28 tháng 6 tới đây là kỷ niệm sinh nhật Hòa Thượng Thích Như Điển. Nếu tính tuổi Ta thì vào ngày này, Thầy tròn 70 tuổi. Cái tuổi “xưa nay hiếm” theo Cụ Đỗ Phủ! Chúng ta thành tâm kính chúc Thầy “Thân Tâm Thường An Lạc” để thực hiện, để hành trì một cách viên mãn cái lý tưởng, cái tâm nguyện của Thầy là “Hoằng Pháp Là Nhiệm Vụ, Lợi SanhLẽ Sống.”

Đọc nhiều bài viết về Thầy; trong đó chúng tôi vui mừngxúc động khi đọc tạp chí Viên Giác số đặc biệt Mừng 50 năm xuất giahành đạo của Hòa Thượng Thích Như ĐiểnVì đây là một tuyển tập thể hiện rõ nét và ấn tượng nhất về một chặng đường giàu ý nghĩa và đáng nhớ nhất của Thầy Như Điển. Rằng đây là một tuyển tập thể hiện một cách chân thực và có trách nhiệm cao của tình Thầy - Trò trong sự nghiệp chung của Đạo và Đời Viên Giác Đức Quốc. 

Tạp chí Viên Giácsố đặc biệt này đã giới thiệu khá đầy đủ, sinh độngcảm động về chân dung của một người Thầy. Chúng tôi nghĩ, như thế cũng đã đủ để quý độc giả cảm nhận về cái “Tâm”, cái “Tầm” của Tác giả. Vì vậy, thêm những trang viết nữa của chúng tôi về việc Giới thiệu Tác giả là không cần thiết.

Tuy nhiên, theo đề nghị của một số bạn bè, vốn học chung và kính trọng Thầy Như Điển từ lâu; chúng tôi thưa thêm đôi điều để đưa vào phần I này.

Anh Lương Hữu Dũng hiện sống ở Wesminter, CA - một người bạn, học chung với Thầy Như Điển ở Trường Trung học Tư thục Bồ Đề Hội An nói với chúng tôi rằng: Hồi học ở Trường Bồ Đề Hội An, Thầy Như Điển là một “hiện tượng độc đáo” vì Thầy học “cực giỏi” lại có trí thông minhtrí nhớ vào loại “siêu” và “khủng”. Lúc em và vợ là Mỹ Hạnh ghé Chùa Viên Giác ở Đức Quốc đảnh lễ Thầy, em thấy ngôi chùa đó “hoành tráng và nguy nga quá”. Và tụi em ghi nhận thêm điều này, những người gặp Thầy đều cung kính dùng danh xưng: “Ngài”. Thế vì sao, anh Hiền lại gọi Ngài bằng Thầy?

Tôi trả lời: Mấy chục năm qua, kể từ năm 1965, khi vào làm việc tại Tòa Viện trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh, anh thưa với Thầy của mình là Hòa Thượng Thích Minh Châu chỉ bằng một từ thôi: “Ôn”.Với Hòa Thượng Thích Như Điển, anh dùng danh xưng “Thầy” vì từ này có rất nhiều điều gần gũi, thâm tình và rất Thầy-trò như anh mong muốn .

Và một người bạn khác đề nghị chúng tôi chọn ba “sự kiện” có ý nghĩa nhất, và ba lời tự bạch của Hòa Thượng mà anh tâm đắc nhất? Chúng tôi xin trả lời vắn tắt câu hỏi của bạn này:

Một là:Xây dựng Chùa Viên Giác;

Hai là:Xuất bản tạp chí Viên Giác;

Ba là: Các công trình dịch thuật, biên khảo và sáng tác.

 

Về việc xây dựng chùa Viên Giác, chúng tôi dẫn lời của Kiến trúc sư Trần Phong Lưu như sau:

“Phái đoàn sáu vị Linh mục Việt Nam từ khắp nơi về họp mặt với các Linh mục Đức ở địa điểm gần Hannover, đã ghé qua thăm chùa và phát biểu:

“Có những việc Thầy làm được, mà chúng tôi không thể làm được. Cám ơn Thầy đã đem được Văn hóa Việt Nam, mỹ thuật và kiến trúc nước nhà sang đây để giới thiệu với dân Đức và người Tây phương.”

Giáo sư Phạm Việt Tuyền, Chủ tịch Văn Bút Việt Nam Âu Châu, nhân buổi Đại hội ở Hannover, đã ngỏ lời cám ơn Thầy:

“Khi bước vào chánh điện giữa những hình tượng, trang trí Việt Nam, tôi đã thắp hương khấn Phật cầu Trời và van vái Tổ tiên để phù hộ cho cuộc hội họp Văn Bút Việt Nam Âu Châu dưới bóng mát mái chùa Viên Giác, được nhiều sự lợi lạc và cho các anh em cầm bút ngày càng đóng góp được nhiều điều hay, điều tốt như gương Thượng Tọa đã làm được phép lạ, là tạo lập giữa khung cảnh nước Đức một ngôi chùa Việt Nam, dựng lên các tôn tượng Phật Việt Nam và đem văn hóa Việt Nam trong vùng văn hóa Á Đông, cấy trồng trên đất Âu Châu, tại miền Bắc Đức, để người Tây phương được thưởng thức và sống thêm trong văn hóa Đông Phương. Chúng tôi vào nhà Tổ, đọc bảng đại tự Tổ - Tổ Tương Truyền”dựng trên bàn thờ chư Tổ, thấy Thầy còn giữ được truyền thống cho các thế hệ dân tộc, thể hiện không những cho tư tưởng Phật Giáo mà cho cả tinh thần Việt Nam trong mọi người theo tôn giáo khác nữa. Bên công cuộc lớn lao đó, truyền thừa di sản văn hóa cho đàn em cháu và hiến tặng món quà tư tưởng quý báu cho người Đức, dân Âu Châu và cả nhân loại thưởng ngoạn, chúng tôi muốn nương nhờ mái Chùa Viên Giác để đóng góp phần nhỏ bé của anh em Văn Bút, trong dòng sống chung của dân tộc từ năm 93 bước qua kỷ nguyên 21”.

Thêm hai cảm tưởng nữa của hai nhân vật Tây và Đông Phương:

- Vào dịp Lễ Thượng lương, vị Kỹ sư cố vấn kỹ thuật người Đức, Tiến sĩ Meihorst đã tâm sự: “Thật không ngờ kiến trúc cổ truyền Việt Nam, lại đã thể hiện từ xưa những đường nét tân kỳ của nền kiến trúc hậu hiện đại (Post´ Moderne) rất gần với quan niệm thưởng ngoạn của Tây phương ngày nay và rất hài hòa với bao cảnh (Environment) của nước Đức.

Rồi nhân danh người công dân 50 năm của Hannover, Tiến sĩ Meihorst đã chào mừng Đại hội Tăng già Thế giới: “Thành phố Hannover hãnh diện với Trung Tâm Phật Giáo nầy” và vào dịp lễ Khánh thành. Ông đã kết thúc bài phát biểu:

“Hợp đúng với chủ đề Con Người, Thiên Nhiên và Kỹ Thuậtcủa Hội chợ Thế giới năm 2000, ngôi chùa Viên Giác chẳng những là quê hương tinh thần của người Việt Nam sống tại Đức và ở Âu Châu mà còn là Trung tâm Trao đổi Tâm linh của mọi người thuộc mọi Chủng tộcTôn Giáo.”

Cũng trong Đại Hội Tăng già Thế giới, tổ chức lần đầu tại Đức, vào lúc ngôi chùa Viên Giác mới lợp, chưa tô, giàn trò còn bày dựng ngỗn ngang, vị Trưởng Lão Đại Đức Tích Lan, giáo sư Đại học Anh quốc đã mở đầu buổi thuyết pháp trước đám đông Phật tử Việt Nam:

“Tôi đến đây ngoài việc tham dự Đại hội, còn muốn tìm xem những điều mới lạ tại nước Đức, nhưng tôi thực không ngờ, Thượng Tọa Như Điển trẻ như vậy, trong một thời gian ngắn như vậy, lại có thể tạo dựng nên một công trình to lớn và tốt đẹp đến như vậy, nơi đất khách quê người, thuộc bản địa một tôn giáo lâu đời của văn minh Âu Tây…”.

Báo Viên Giáclà một tạp chí của kiều bào và Phật tử Việt Nam tỵ nạn tại Cộng Hòa Liên bang Đức do Thầy Như Điển Sáng lập Chủ nhiệm. Viên Giácbảo tồn và phát huy truyền thống Văn Hóa Phật Giáo và Dân Tộc Việt bên cạnh những sinh hoạt Tôn Giáo, Xã Hội hoàn toàn không có tính cách thương mại, và góp phần trong công cuộc đấu tranh cho Tự Do Tôn Giáoquê nhà và cho một Việt Nam Độc Lập, phú cường thịnh trị. Báo Bắt đầu xuất bản từ năm 1979; tính đến năm 2014, Viên Giácđã phát hành 200 số. Số lượng phát hành cao nhất là 6.000 bản tại Đức và 38 quốc gia trên thế giới. Đây là một trong những tờ báo Việt ngữ của Phật Giáo có mạng sống lâu dài nhất tại hải ngoại kể từ sau năm 1975 đến nay.

Tính đến nay, tạp chí Viên Giácđã tồn tại và phát triển gần 40 năm. Chúng tôi ở gần khu Little Saigon rất đông người Việt, chùa chiền lớn nhỏ đủ cả và Phật tử cũng rất đông; đông đến nỗi lễ Phật đản năm nay phải tổ chức ở công viên (park) mới đủ sức chứa người và xe; thế mà khó có thể tìm mua một tạp chí Phật Giáo ở các chùa, ở nhà sách Tự Lực lớn nhất Wesminter. Chúng tôi mong rằng các công trình nghiên cứu, biên khảo về Văn học Phật Giáo hải ngoại sau 1975 cần dành cho tạp chí Viên Giácnhững đánh giá nghiêm túc, khoa học và trân trọng đúng với vai trò, vị trí vốn có của nó. Mong rằng sẽ có những nghiên cứu sinh viết những luận văn Thạc sĩluận án Tiến sĩ về tạp chí Viên Giác. Lại mong Ban Biên tập báo Viên Giácthực hiện công trình Tổng Mục Lục Tạp Chí Viên Giáctheo từng chuyên mục để tạo điều kiện thuận lợi cho những người nghiên cứu và cần đọc lại Viên Giác.

Anh Phù Vân - Chủ bút Viên Giácđã nói rất ngắn gọn nhưng súc tích: “Tờ báo Viên Giáclẽ sống của Thầy Như Điển.”

 

Về các công trình dịch thuật, biên khảo và sáng tác của Thầy Như Điển

Đã có rất nhiều ý kiến nhận định, đánh giá rất cao về các công trình dịch thuật, biên khảo và sáng tác của Thầy Như Điển, ở đây chúng tôi trích dẫn một đoạn trong bài Cảm nhận về tác giảtác phẩm, của anh Phù Vân Nguyễn Hòa:

“Tuy nhiên, nhận định về những tác phẩm của Thầy Như Điển, cố Giáo sư, nhà biên khảo văn học Vũ Ký tại Vương Quốc Bỉ cho rằng “Hòa Thượng Thích Như Điển tuy không nhận mình là người làm văn hóa, nhưng qua những tác phẩm của Hòa Thượng lại chứng tỏ rằng Hòa Thượng không những là một nhà văn có kiến thức cao rộng về văn học Việt Nam; mà còn có hiểu biết thâm sâu về Phật học… Thầy còn có tư tưởng phóng khoáng nhìn xa về sự phát triển Phật Giáo trong tương lai qua chương trình đào tạo tăng tài. Từ đó Phật Giáo Việt Nam được thế giới nể trọng hơn…“

Nguyên Minh, một nhà phê bình văn học tại Việt Nam, cũng nhận định rằng:

“Những tác phẩm của Hòa Thượng Thích Như Điển đã đánh dấu bước phát triển văn hóa Phật Giáo đã bắt đầu khởi sắc.Những tác phẩm này về nội dung không đơn thuầntôn giáo mà có sự trộn lẫn giữa đạo và đời, có sự đi về giữa Thánh đế và Tục đế… 

Những thành tựu đã tạo được như ta thấy trong những tác phẩm của tác giả không phải là chuyện ăn may nói khoát. Đó là hoa trái của một quá trình chuyển hóa đi từ khổ học, khổ tu, khổ luyện. Tất cả những thiên tài, hiền minh, thánh triết không thể nào tự lột xác hóa thánh mà phải Tu. Tu có nghĩa là sửa, là chuyển hóa…

...

Cuối cùng tác giả là một nhà tu dấn thân. Xuất thân từ dòng Lâm Tế,chịu ảnh hưởng tư tưởng Đại Thừa của Thầy Tổ, tác giả luôn có ý tưởng nhập thế hành đạo. Hoạt động ở nước ngoài về văn hóa, xã hội, hành hương, xây chùa, viết sách, mở nhà xuất bản v.v… đều nhắm mục đích truyền bá giáo nghĩa đạo Phật trong đời sống hằng ngày cho người Việt Nam và người nước ngoài. 

Cái đáng kính nể và khâm phục là thánh hóa cuộc đời mà không bị cuộc đời tục hóa.”

Ni Sư Thích nữ Giới Hương, Tiến sĩ Phật học, đã viết: “Đây là những di sản tinh thần của Hòa ThượngĐây là cả một kho tàng đạo đức Phật Giáo,và là cái nhìn rất riêng của Hòa Thượng về triết lý nhân sinh trong xã hội đương thời và với chính bản thân.” [Chúng tôi nhấn mạnh – NHĐ]

 

Về ba lời “tự bạch” của Thầy Như Điển mà tôi tâm đắc nhất

Ba lời tự bạch mà chúng tôi chọn là:

“Chắc quý vị cũng không quên những lời phát nguyện của tôi đâu đó rằng: “Con xin nguyện mình sẽ làm một dòng sông để chuyên chở những trong đục của cuộc đời và con xin nguyện mình làm mặt đất để hứng chịu những sạch nhơ của nhân thế“. Thiết nghĩ như thế cũng đủ cho một chuyến lữ du trong cuộc sống ngắn ngủi tạm bợ nầy.

+ “Việc học hành tu niệm của các Đệ tử cũng vậy. Tôi không coi trọng bằng cấp; nhưng tôi rất quý những người có học hành đỗ đạt đàng hoàng. Vì lẽ xã hội ngày xưa hay ngày nay và dẫu cho nhiều năm tháng trong tương lai đi chăng nữa cũng vậy, xã hội nầy vẫn phải cần những con ngườiđạo đức, có tu, có học như thế. Nếu không phải vậy thì xã hội nầy sẽ suy đồi. Cho nên tôi vẫn thường hay nói: “Bằng cấp nó không làm nên con người, mà chính tư cách nó mới làm nên con người“ và “Sự học nó không làm cho người ta giải thoát được; nhưng nếu muốn mở cánh cửa giải thoát kia thì không thể thiếu sự tu và sự học được”. Đây chính là phương châm hành hoạt của tôi trong cuộc đời nầy. Thế nhưng vẫn có nhiều người không thích như thường. Tôi tôn trọng việc ấy. Bởi vì đó là quyền tự do cá nhân của họ. Họ có quyền phê phán và nhận xét một sự việc; nhưng đúng hay sai là tùy theo hoàn cảnh, thời điểm cũng như của mỗi sự việc trong cuộc sống nầy. Đúng hay sai, xin để lại cho cuộc đờithời gian sẽ giải trình cho nhân thế rõ về sau nầy.”

+ “Tôi lấy tay mình khoát nước của dòng sông Mekong để rửa cũng có ý mong rằng nước sông Mekong sẽ chuyên chở những nỗi niềm xa xứ của tôi gần 35 năm rời xa đất Mẹ và gửi về tận đáy nguồn ấy một tấm chân tình của bao kẻ ly hương, trong đó có chính mình. Nước dĩ nhiên không rửa sạch được tội lỗi của cuộc đời, nhưng nước sẽ chuyên chở được đục trong của cuộc sống. Nước vô tình và không thiên vị một ai cả. Khi nước chảy đến chỗ đất bùn thì nước đục. Khi nước chảy đến chỗ cát, sỏi thì nước trong. Thật ra, trong hay đục nước vẫn là nước, chỉ có hoàn cảnh làm cho nước đục hay trong, chứ bản chất tùy duyên của nước thì không trong mà cũng chẳng đục.”

Những chi tiết trên đây chúng tôi trích dẫn từ đặc san Viên Giácđã nêu để thay cho lời giới thiệu tác giả Mối Tơ Vương Của Huyền Trân Công Chúa.

 

II. 

MỐI TƠ VƯƠNG CỦA HUYỀN TRÂN CÔNG CHÚA

Khi chưa đọc cuốn sách này, chúng tôi ngạc nhiên, tò mò và thắc thắc mắc tự hỏi: vì lẽ gì mà một vị danh Tăng có cuộc sống cao đẹp và sự nghiệp lớn lao như Thầy; và Thầy là người cực kỳ tiết kiệm về thời gian, thế sao Thầy lại viết về mối tơ vương của một nàng công chúa? 

Khi chúng tôi viết những dòng này, các phương tiện truyền thông tại Mỹ cũng như các buổi gặp gỡ bè bạn, nhiều người tỏ ra hết sức vui mừng, lạc quan về viễn tượng tốt đẹp của nền Hòa bình thế giới mở ra sau cuộc họp Thượng đỉnh Liên Triều ngày 27 tháng 4 năm 2018 vừa rồi. Sự tin tưởng, sự lạc quan ấy lại bùng lên khi nhiều người hướng tới cuộc họp mà người ta cho đó là một sự kiện vô tiến khoáng hậu trong lịch sử nhân loại, khi Tổng thống Mỹ Donal Trump gặp Lãnh đạo Bắc Hàn tại Singapore. Ông Donal Trump - người luôn tỏ rõ cái tham vọng làm cho nước Mỹ vĩ đại nhất; quyền lợi của Mỹ phải là trên hết, và ông lớn tiếng đe đọa rằng cái nút bấm nguyên tử hạt nhân của Mỹ là “bụ” nhất, “to” nhất thế giới! Một ông “độc tài” gặp một ông “độc đoán” làm sao có được triển vọng Hòa binh? Người ta cũng đang tích cực, ồn ào vận động để Donal Trump được nhận giải Hòa bình năm 2018.

Thôi. Chúng tôi cần tìm một chút bình an trong tâm hồn:

- Xem hình ảnh các em học sinh tham gia cuộc tuần hành trên toàn nước Mỹ để yêu cầu Quốc hội sửa đổi luật sử dụng súng. Khẩu hiệu của các em thật đáng thương: “Các em muốn đến trường với cặp sách chứ không phải với súng đạn!”

- Nhân ngày Lễ Mẹ (Mother’s Day), chúng tôi nhớ về Mẹ Teresa: Năm 1979, Mẹ đã được trao tặng giải Nobel Hòa Bình vì “những hoạt động diễn ra trong sự đấu tranh vượt qua sự nghèo khócùng quẫn, là những điều đe dọa hòa bình.”

Thế giới chỉ hòa bình khi mọi người yêu thương nhau. Mẹ Teresa kể lại: “Nhiều người đến thăm tôi tại Calcutta và trước khi ra về thường ngỏ ý với tôi: ‘Xin cho chúng tôi một lời khuyên để chúng tôi sống tốt đẹp hơn.’ Tôi liền bảo họ: ‘Quý vị hãy về và hãy ban tặng cho nhau những nụ cười. Một nụ cười cho vợ của ông. Một nụ cười cho chồng của bà. Một nụ cười cho con cái của ông bà. Hãy cười tươi với tất cả mọi người, bất luận người đó là ai. Với những nụ cười tươi như thế quý vị sẽ lớn lên trong tình yêu hỗ tương.’

- Chúng tôi đọc lại cuốn Nhu Cầu Vì Hòa Bình Và Ân Cầnvà cuốn Hãy Làm Một Cuộc Cách Mạng!của Đức Đạt Lai Lạt Ma, trong đó Đức Đạt Lai Lạt Ma đặt hết lòng tin vào các bạn trẻ, kêu gọi các bạn trẻ “Hãy biến mình thành những con người bất khuất vì Hòa Bình và Ngài khẳng định “Thế giới Từ bi là có thật.”

- Trong Thông Điệp Vesak Liên Hiệp Quốc 2018, ngày 1/5/2018, Tổng Thư ký Antonio Guterres viết:

“Thế giới phải đối mặt với nhiều thách thức, từ xung đột tới sự biến đổi khí hậu, từ thành kiến tới việc gia tăng bất bình đẳng.

... Từ việc kêu gọi hòa bình, thay đổi khí hậu, đến việc nhân quyền, chúng ta biết rõ những lời Phật dạyliên quan thiết thực đến công việc của Liên Hiệp Quốc ngày nay.

Bây giờ hơn bao giờ hết, tất cả chúng ta và các cộng đồng Phật Giáo trên thế giới mỗi ngày phải thực tập bức thông điệp khoan dung, thiện cảm, và nhân bản đến với mọi người. Chúng ta cùng nhau phản đối lại những ai kêu gọi xóa bỏ tình thương thành hận thù.”

- Trong bài phát biểu Đạo Phật Và Nền Trật Tự Đạo Đức Mới tại cuộc hội thảo: “Đạo Phật và sự lãnh đạo về hòa bình” tổ chức tại Ulan Bato, Mông Cổ, ngày 15 tháng 8 năm 1989, Hòa Thượng Thích Minh Châu khẳng định: “Chúng tôi, những người Phật tử xem là hết sức khẩn thiết xây dựng một nền kinh tế mới, một nền trật tự đạo đức mới có khả năng làm lắng dịu mọi sân hận và mọi biến động, làm lành mạnh hóa không khí chính trị quốc tế hiện đại, chuẩn bị cho một kỷ nguyên mới nhân đạo hơn và có ý nghĩa hơn.”

Hòa Thượng Thích Minh Châu giới thiệu một nền trật tự đạo đức mới, được xây dựng từ những lời dạy của Đức Phật, và được áp dụng trong thời điểm hiện tại, nếp sống đạo đức này sẽ làm giảm thiểu những nguy cơ của một cuộc chiến tranh hạt nhân và mở đầu một kỷ nguyên trong ấy hòa bình, an toànhòa hợp sẽ trở thành những đặc điểm thường hằng nổi bật nhất, các giá trị của con người được tán dươngtôn trọng.

Kính mong quý vị độc giả thông cảmlượng thứ cho sự dài dòng này, vì chính nhờ nó mà chúng tôi tìm ra được câu trả lời cho câu hỏi: Vì sao Thầy Như Điển lại viết cuốn Mối Tơ Vương Của Huyền Trân Công Chúa?

Vì sao? 

Vì hiện nay cả nhân loại đều mong muốn Hòa Bình. Bao nhiêu người đổ xô đi tìm những giải pháp cho Hòa Bình thế giới. Thế nhưng, chúng ta lại quên đi sự kiện cách đây hơn 700 năm có một người con gái rất trẻ, rất xinh đẹp, rất hoàng cung đã vì nền Hòa Bình của Đại Việt và Chiêm Thành mà hy sinh tất cả. 

Rồi đến bây giờ Thầy Như Điển - người  du hóa Hòa Bình của Phật Giáo ở 73 quốc gia trên thế giới đã viết về chuyện tình của Huyền Trân Công Chúa. Suy ra, ai hiểu rõ mối tơ vương của Huyền Trân hơn người cả đời nỗ lực rao giảng giáo lý Hòa Bình: TÂM BÌNH, THẾ GIỚI BÌNH.

Vâng; xin mời chư thức giả cùng chúng tôi đọc tác phẩm Mối Tơ Vương Của Huyền Trân Công Chúa của Hòa Thượng Thích Như Điểnvới tâm niệm Tâm Bình, Thế Giới Bình ấy.

* *

Chuyện mới xảy ra hồi trung tuần tháng 4 này, ở thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Trong chương trình nhạc kịch “Ký Ức Hội An”, khán giả vô cùng kinh ngạc khi thấy trên sân khấu một con voi trắng khổng lồ, triều thần Chiêm Thành đang long trọng cử hành hôn lễ của Quốc vương Chế Mân cùng Công chúa Đại Việt Huyền Trân ngay trên sông Hoài, Hội An! Không biết cái ông đạo diễn người Trung Quốc này có phải mù tịt về lịch sử Chiêm - Việt hay cố tình chơi khăm chúng ta? Nhân sự việc này, chúng tôi nhớ lại và thử tổng hợp một số ý kiến về Huyền Trân Công chúa qua sách báo xưa nay.

 image001

Mối Tơ Vương Của Huyền Trân Công Chúa tác phẩm thứ 65 mà Thầy Như Điển viết bằng tay. Rất lạ!


Trước hết là đoạn Ngô Sĩ Liên ghi lại trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư sự việc giải cứu Huyền Trân như sau: 

“Theo tục lệ Chiêm Thành, chúa chết thì bà hầu của chúa phải vào giàn thiêu để chết theo. Vua biết thế, sợ công chúa bị hại, sai bọn Khắc Chung, mượn cớ là sang viếng tang và nói với người Chiêm: “Nếu công chúa hỏa táng thì việc làm chay không có người chủ trương, chi bằng ra bờ biển chiêu hồn ở ven trời, đón linh hồn cùng về, rồi sẽ vào giàn thiêu”. Người Chiêm nghe theo. Khắc Chung dùng thuyền nhẹ cướp lấy công chúa đem về, rồi tư thông với công chúa, đi đường biển loanh quanh, chậm chạp lâu ngày mới đến kinh đô.”

 Văn Nhân trong bài “Niềm Riêng” của Huyền Trân Công Chúa, Tạp chí Sông HươngSố đặc biệt (T3-13) tháng 5/2013 phản biện:

“Một sự việc quan trọng như thế mà nhà chép sử chỉ gói gọn trong chừng ấy dòng một cách hết sức sơ sài, cẩu thả và hồ đồ. Điều đó đã gây ra bao sự hiểu nhầm đáng tiếc. Sao chép như vậy thì vô tình hay hữu ý Ngô Sĩ Liên đã hạ thấp nhân cách Thái Thượng hoàng Trần Nhân Tông, nhà vua Trần Anh Tông; hạ nhục thượng tướng Trần Khắc Chung lẫn Huyền Trân Công chúa. Một số người căn cứ vào hai chữ “tư thông” đã dựng lên cả một thiên tình sử li kỳ, hấp dẫn, mùi mẫn chẳng thua gì thiên tình sử giữa Phạm Lãi và Tây Thi lênh đênh trên Ngũ Hồ, bên Tàu. Từ đó đến nay lẻ tẻ cũng có một vài tiếng nói phản biện nhưng hầu như chưa ai bỏ công nghiên cứu, phân tích thật kỹ lưỡng, nghiêm túc về sự việc trên để minh oan cho Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Trần Khắc ChungCông chúa Huyền Trân.”

Một bài nghiên cứu công phu, khoa học và thuộc loại hiếm hoi. Đó là bài “Công Chúa Huyền Trân Và Trần Khắc Chung” của Hồ Đắc Duy. Để trả lời câu hỏi “Có hay không chuyện tư thông giữa Công chúa Huyền Trân và Trần Khắc Chung?” Ông viết: “Dư luận và một số sử gia lại gán ghép tên nàng vào một uẩn tình không có thật, đúng hơn là một mối ô nhục khi bảo rằng nàng đã tư thông với Trần Khắc Chung! Tư thông là một từ mô tả việc quan hệ tình dục có sự đồng ý của cả hai phía một cách bất chính.

Bài viết này sẽ nêu ra những luận chứng mang tính khoa học không chỉ để minh oan mà còn đòi hỏi lịch sử phải trả lại sự vẹn toàn phẩm giá và tấm lòng trung trinh, danh dự không những cho Công chúa, Thượng hoàng Trần Nhân Tông cha của nàng và cả triều đình bấy giờ mà lẽ ra hậu thế phải tri ân thay vì ngộ nhận.”[chúng tôi nhấn mạnh - NHĐ.]

Cũng theo Hồ Đắc Duy: “Câu "Khắc Chung dùng thuyền nhẹ cướp lấy công chúa đem về, rồi tư thông với công chúa, đi đường biển loanh quanh chậm chạp lâu ngày mới về tới kinh đô".Câu này có vẻ như là một câu trong tiểu thuyết trữ tình hơn là xảy ra trên thực tế. Nếu đem phân tích trong điều kiện thực tế thì quả là thật gay cấn, riêng một chuyện tiếp tế lương thực, thực phẩm nước uống hay chống chọi lại một vài cơn bão, gió đổi mùa kiểu cấp 4, 5 là đủ xanh mặt rồi.”

Nhìn từ góc độ pháp lý, Tường Linh trong bài “Sự Thực Vụ Oan Tình Của Danh Tướng Trần Khắc Chân”cho rằng sử gia Ngô Sĩ Liên đã  lên án gay gắt đối với võ tướng Trần Khắc Chung, nhất là chuyện tư thông với Công chúa Huyền Trân; rằng các sử gia thời Hậu Lê đã vu khống Trần Khắc Chung vào tội rất nghiêm trọng.

Và: “Có thể, từ cơ sở này nên nhiều người đời sau đã thêu dệt nên câu chuyện tình đầy lâm ly, bi đát giữa Công chúa Huyền Trân và võ tướng Trần Khắc Chung. Thậm chí, có người còn dựa vào câu ca dao: "Tiếc thay hạt gạo trắng ngần. Đã vo nước đục, lại vần lửa rơm", cho là dân gian muốn ám chỉ câu chuyện thất tiết của nàng công chúa Đại Việt "Mượn màu son phấn. Đền nợ Ô, Lý". Tuy nhiên, phần đông sử gia ngày nay khẳng định, câu chuyện tình là sự gán ghép ác ý của các sử gia thời Hậu Lê.”

Qua sự bịa đặt, vu khống này, Tường Linh cho rằng, căn cứ luật đời nay, có thể buộc tội các sử gia đời Hậu Lê theo Điều 122 Bộ Luật Hình Sự năm 1999.

 

Thử “lướt nhanh” qua những trang viết về Huyền Trân Công chúa

Chúng tôi tự nhận rằng mình ít đọc và chán đọc những sáng tác về Huyền Trân Công chúa vì nó mang đến cho mình cái cảm giác buồn phiền, bức xúc và thậm chí phẫn nộ vì những lẽ sau đây:

- Hầu hết người ta tập trung tụng ca một mối tình mà họ gọi là huyền ảo nhất, thơ mộng nhất và tuyệt đẹp nhất trong lịch sử nước ta, kể cả trong lịch sử nhân loại nữa, mới ghê cho chứ! Đó là chuyện tình của Huyền Trân Công chúa với Thượng tướng Trần Khắc Chung

Chúng tôi tò mò đọc cuốn tiểu thuyết “Huyền Trân Công Chúa” của K. Đ khi viết về cuộc “giải cứu” Công chúa Huyền Trân và nhặt ra mấy hạt sạn như sau:

+ “Thế là Trần Khắc Chung được cử làm chánh sứ đi viếng tang. Sứ bộ đi trên một chiến thuyền có cả súng đại bác và những con ngựa nòi chạy tuyệt nhanh. Trời yên biển lặng nên chỉ trong năm ngày thuyền đã cập bến ở đầm Thị Nại.

+ “Khắc Chung cùng với bốn quân kỵ tiến thẳng lên thành Đồ Bàn. Tân vương tiếp sứ thần theo đúng cách một nước nhỏ tiếp nước lớn: hết lời cảm ơn sứ thần đã ngàn trùng vượt biển đến viếng và xin tạ ơn bằng một mâm vàng. Nhưng khi sứ thần xin bái kiến vương hậu thì tân vương dứt khoát chối từ. Chẳng những thế, ngay sau đó Huyền Trân còn được canh giữ nghiêm nhặt hơn. Túc trực quanh nàng không phải những ngự y mà là những tên lính ngự lâm lăm lăm gươm giáo trong tay.

Khắc Chung cũng không vừa, ngay trong đêm đó đã mật lệnh cho bọn quân kỵ tìm ra chỗ giam giữ nàng. Nhìn lướt qua thành quách không được xây bằng gạch đá mà chỉ đắp bằng đất đỏ, tướng quân cười thầm vì việc cứu công chúa dễ như lấy đồ trong túi.” [chúng tôi nhấn mạnh – NHĐ]

+ Tác giả “đẻ” ra chuyện Công chúa Huyền Trân sinh con ngay trên thuyền “giải cứu”[tức thái tử Chế Đa Đa] ở trên một đảo nhỏ và đứa con của Nàng đã chết vì mấy mụ thổ dân trên đảo giẫm mạnh lên bụng nàng để đứa con vọt ra! Thử nghĩ, giải cứu một công chúa mà trên thuyền không có một nữ tỳ nào, rồi lại không biết gì về tình trạng thai sản của Công chúa, thì quả là... hư cấu dẫn đến... hư vô!

Chúng tôi thất vọng và thắc mắc về việc một số tác giả khi viết về Huyền Trân Công chúa với lời kết rất lạnh lùng này: “Huyền Trân Công chúa đi tu và sống những chuỗi ngày buồn thảm và hiu quạnh cho đến khi Bà mất, năm 1340.”

Và, chúng tôi vô cùng phẫn nộ khi đọc câu này của Giáo sư Huỳnh Văn Lang. Trong cuốn “Những Công Chúa Sứ Giả”, tập II, trang 117, Huỳnh Văn Lang viết: “Về lại [Thăng Long],Thái Thượng Hoàng không phạt Trần Khắc Chung mà lại phạt Huyền Trân Công Chúa như là người đàn bà mất nết, bắt cạo đầu vào chùa tu cho đến chết.”

Rồi chúng tôi lại nhớ đến những lời “phán” đầy ác tâm, ác ý, rất thiếu văn hóa ứng xử của “sử thần” Ngô Sĩ Liên, khi viết về Trần Khắc Chung, trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư: “Thói gian tà của Trần Khắc Chung thật là quá quắt lắm! Hắn giở trò chó lợn(trang 92). Và tiếp theo“... Thế mà lại hùa với kẻ quyền quý làm hại người ngay thẳng, đi theo bọn gian tà, đẩy người lành đến nỗi oan khiên, hãm đức vua việc tội lỗi... thói nịnh hót lại hiện ra nữa...”(trang 114.)

Khủng khiếp quá!

May thay, chúng tôi lại có được niềm vui trước những tín hiệu đáng mừng liên quan đến Huyền Trân Công chúa, đó là:

Tháng 11 năm 2017, Nhà hát Cải Lương Việt Nam công diễn vở Ni Sư Hương Tràng. Vở diễn khiến người xem rơi lệ bởi những trầm luân trong cuộc đời của Công chúa Huyền Trân.

"Ni Sư Hương Tràng” do Tiến sỹ Bùi Hữu Dược viết kịch bản văn học, soạn giả Hoàng Thế Song chuyển thể thành cải lương, Nghệ Sĩ Ưu Tú Triệu Trung Kiên đạo diễn. Vở kịch khắc họa cuộc đời trầm luân của Huyền Trân Công chúa thông qua việc tái hiện lại chuyện tình của Chiêm quốc Chế Mân với Công chúa Huyền Trân. 

Nhà báo T. Lê trong bài tường thuật buổi diễn viết: “Ni Sư Hương Tràng, câu chuyện về một người con gái Đại Việt đã góp phần viết nên những trang sử đẹp nhất về lòng nhân ái, đoàn kết, khoan dung. Hình ảnh của bà đi vào lịch sử như một điển hình về phụ nữ. Cuộc đờicông hạnh của bà sống mãi cùng non sông. Bà là Công chúa Trần Huyền Trân con gái của Đức vua Trần Nhân Tông. Vì mối bang giao Đại Việt và Chiêm Quốc, Huyền Trân chấp nhận được gả cho Chế Mân. Được Đức vua Chế Mân sủng ái, phong làm Chánh cung Hoàng hậu mặc dù Đức vua đã có Chánh cung Hoàng hậu Salimah, Huyền Trân cũng bắt đầu bước vào một cuộc chiến tàn khốc ngấm ngầm của ngôi vị và quyền lực. Tể tướng Sulayman bắt tay với ngoại bang muốn giành ngôi của Chế Mân, xúi bẩy Hoàng hậu Salimah làm phản. Chế Mân bị giết chết, Huyền Trân phải bước lên giàn hoả thiêu của Vương triều Chiêm Quốc sau khi vừa hạ sinh hoàng tử Chế Đa Đa.”

Ngoại trừ cuốn “Am Mây Ngủ” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh do Lá Bối, Paris xuất bản năm 1982, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Thừa Thiên - Huế tái bản năm 2007 có viết sau khi về lại Thăng Long, Huyền Trân Công chúa xuất gia đầu Phật ở núi Trâu Sơn (nay thuộc Bắc Ninh) vào năm (1309), dưới sự ấn chứng của Quốc sư Bảo Phát. Công chúa thọBồ tát giới vàđược ban pháp danh Hương Tràng. Ngoài cuốn sách này, chúng tôi chưa được đọc sách báo nào khác viết về giai đoạn rất quan trọng và rất có ý nghĩa này trong cuộc đời của Huyền Trân - Hương Tràng.

+ Nhân sự kiện lịch sử kỷ niệm “700 Năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên-Huế”, Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam tổ chức cuộc Hội thảo Khoa học. 

Giáo sưPhan Huy Lê là Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Ông là chuyên gia hàng đầu về lịch sử Việt Nam, được xếp ở vị trí số một trong tứ trụ của ngành sử học Việt Nam đương đại. Trong bài đề dẫn Hội thảo nhan đề “Tưởng Nhớ Công Lao Của Vua Trần Nhân TôngCông Chúa Huyền Trân”, GS Phan Huy Lê đã có những nhận định, những đề xuất rất mực chân thành, tâm huyết, sâu sắc, nhân văn mà chúng tôi vô cùng tâm đắcxúc động. Xin được trích dẫn đoạn này:

“Đất Thuận Hóa ra đời trong sự hội nhập vào lãnh thổ Đại Việt không phải bằng sự lấn chiếm hay xâm lược mà là sản phẩm của quan hệ đồng minh, của sự hòa hiếu và của một cuộc hôn nhân mang ý nghĩa lịch sử. Người thiết kế cuộc hôn nhân ngoại giao này là Thượng Hoàng Trần Nhân Tông và người vì nước mà thực thi là Công chúa Huyền Trân. Vì vậy kỷ niệm 700 năm Thuận Hóa, trước hết chúng ta nên tưởng nhớ tới công lao của vị Vua - Anh hùng kiêm Vua - Phật Trần Nhân TôngCông chúa Huyền Trân. Tôi được biết thành phố Huế đã có tên phố Trần Nhân Tông và Huyền Trân, nhưng chưa thật tương xứng, do đó nhân dịp kỷ niệm 700 năm Thuận Hóa, tôi xin trân trọng đề nghị lãnh đạo thành phố Huế giành một vài đường phố hay trường học, công trình công cộng đặt tên cho ba nhân vật lịch sử: Trần Nhân Tông, Huyền Trân Chế Mân (hay Jaya Sinhavarman IV). Thành phố Huế có dự định xây dựng đền thờ Công chúa Huyền Trân, tôi xin gợi ý nên thờ cả công chúa Huyền Trân và vua Chế Mân.” Ông cũng bày tỏ sự tôn vinh đối với những cống hiến của các lớp cư dân tổ tiên trước đây, những anh hùngdanh nhân văn hóa của Chămpa, Đại Việt, Việt Nam trong lịch sử. [chúng tôi nhấn mạnh - NHĐ.]
Tiếp theo, chúng tôi vui mừng giới thiệu một tác phẩm mới lạ, độc đáo trong hàng loạt sách, báo viết về Huyền Trân Công chúa trước nay. Đó là thi phẩm dài 3.400 câu của nhà thơ Bùi Mạnh Hảo. Chúng tôi chưa được đọc thi phẩm này, cũng không tìm được tiểu sử Tác giả nhưng chúng tôi vẫn cứ nghĩ rằng Bùi Mạnh Hảo là một nhà thơ tài hoa và là một Phật tử thuần thành. Qua những bài giới thiệu về thi phẩm này, chúng tôi ghi lại một cách tóm tắt một số ý kiến đánh giá cao nhà thơ Bùi Mạnh Hảo như sau:
+ “Bùi Mạnh Hảo thể hiện một cách chân thành và rõ nét sự ngưỡng mộ và lòng biết ơnCông chúa Huyền Trân, người mở nước có một không hai trong lịch sử Việt Nam.”

+ “Bùi Mạnh Hảo đã xác quyết rằng sự thật về cuộc đời của Huyền Trân khác xa với những gì đã phản ánh trong các bộ sử. Ông không chấp nhận việc ý kiến của các sử gia đời trước cứ mãi “đóng đinh” một cách bất công và đầy oan nghiệt đối với Huyền Trân Công chúa. Khác với sử và các tác phẩm văn học, thi ca trước đây từng viết về Công chúa Huyền Trân, Bùi Mạnh Hảo đã khắc họa Công chúa Huyền Trân với hình mẫu lý tưởng của một người phụ nữ yêu chồng, một dạ theo chồng, cùng chồng xây dựng đất nước. Ngay cả khi, Quốc vương Chăm Pa Chế Mân qua đời thì Huyền Trân cũng một mực kiên trinh, không có lòng tơ vương trở về cố quốc và không có chuyện tơ lòng với tướng Trần Khắc Chung, bỏ thân chạy trốn để khỏi bị hỏa thiêu theo chồng.”

+ “Nhà thơ Bùi Mạnh Hảo đã tỏ thái độ phản kháng trước những ý kiến có phần chủ quan dựa trên lỗi thời. Nhà thơ muốn thông qua tác phầm của mình có một sự khẳng định mang tính chính thống để trả lại sự trong sáng của người xưa, để dân tộc Việt Namthế giới thấy rõ hơn tầm vóc tư tưởng vĩ đại của Phật Hoàng Trân Nhân Tông.”

- “Vọng Niệm Huyền Trân”. Đó là chủ đề Số Đặc Biệt của tạp chí Sông Hươngphát hành tháng 4/2018. Theo chúng tôiSông Hươnglà một tạp chí có nhiều bài viết về Huyền Trân Công chúa công phu, nghiêm túc và có giá trị từ năm 2013 đến nay. Đọc những bài của Văn Nhân, Hồ Trung Tú, Hạ Nguyên, Trần Đại Vinh... viết về Huyền Trân Công chúa chúng tôi cảm thấy như được giải tỏa nhiều uẩn khúc. 

- Xây tượng đải Huyền Trân Công chúa cao 9m ở cồn Hến nằm giữa sông Hương thuộc phường Vỹ Dạ chảy qua thành phố Huế. Bản tin cho biết: “Ngày 31/1/2018, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa phê duyệt quyết định quy hoạch tượng đài, tranh hoành tráng, tượng, biểu tượng kiến trúc và vườn tượng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Xin trở lại với câu hỏi: Thầy Như Điển viết gì trong Mối Tơ Vương Của Huyền Trân Công Chúa?Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi đi từng bước chậm rãi và thận trọng để tránh lạc đề và lạc đường.

Bước thứ nhất là tóm tắt nội dung chính mà Thầy muốn gởi gắm và chia sẻ cùng với độc giả khi đọc tác phẩm này qua Lời Dẫn Nhập và Lời Tạm Kêt.

Tác giả Mối Tơ Vương Của Huyền Trân Công Chúalưu ý chúng ta rằng: “Đứng về phương diện lịch sử của Dân Tộc và lịch sử của Phật Giáo Việt Nam, chúng ta nên học và nên có cái nhìn tổng quát qua một thời đại, cũng không nên chỉ đứng về phương diện Quốc Gia mà quên đi phương diện Đạo Pháp thì cũng không nên”, vì rằng: “... chính nhờ Phật Giáo làm nền tảng của hầu hết trong nhiều sự hành hoạt của vua tôi Nhà Lý cũng như Nhà Trần, trong ấy có cả cái rất tốt và không thiếu nhiều cái xấu xa. Tuy vậy, lịch sử vẫn là lịch sử. Chúng ta không có quyền bẻ cong ngòi bút để viết theo những thói thị phi thường tình…”

Tác giả khẳng định lý do tạo nên tiểu thuyết Mối Tơ Vương Của Huyền Trân Công Chúalà nhằm trả lại những gì của sự thật phải là sự thật, chứ không thể là những sự phán xét, nghi ngờ của những sự suy đoán phàm tình. Tác giả căn cứ lịch sử để khẳng định rằng Trần Khắc Chung là người có đạo đức tuyệt hảoPhật học phải thâm hậu. Qua đó, Tác giả hy vọng rằng tác phẩm này nầy sẽ giúp cho độc giả có một cái nhìn tương đối khách quan hơn khi nhìn về Huyền Trân Công chúa của một thời xa xưa đã đi vào lịch sử của Dân Tộc và của Đạo Phật Việt Nam.

Sách chia làm hai phần. Phần trước thuộc về cuối triều Lý, đầu triều Trần và phần sau chỉ riêng nói về nhân duyên của Huyền Trân Công Chúa cũng như mối tơ vương làm sao nên nổi ấy. 

Trong “Lời Tạm Kết”, Thầy Như Điển nhấn mạnh: “Khi đọc sử Việt Nam nếu ai đó có quan tâm sâu sắc thì mới nghĩ đến những khía cạnh của Phật Giáo đã đóng góp được những gì cho Dân Tộc và Đạo Pháp qua hơn 2.000 năm dựng nước và giữ nước, còn đa phần những sử gia bình thường họ ít quan tâm về việc nầy. Do vậy khi đọc và nhớ về lịch sử cả Đời và cả Đạo, tôi mong muốn làm sao có được sự kết hợp hài hòa đó và mọi người dân phải biết công lao của các vị Thiền sư và các vị Quốc Sư đã giúp cho Phật Giáo và đất nước những gì, chứ không phải chỉ riêng những người Phật tử mới cần biết đến.”

Phác họa hình tượng Huyền Trân Công chúa, Tác giả đã chọn lựa và thực hiện rất thành công theo cách thức riêng của mình, khác xa với những gì mà nhiều tác giả đi trước đã viết về Huyền Trân Công chúa. Đó là: Nêu lên cái khía cạnh Phật Giáo khi Huyền Trân Công chúa trở về Đại Việt và tập trung ghi nhận “hành trạng suốt ba thập niên như vậy, nhưng chẳng thấy ai đả động đến gì cả.”

 Thầy Như Điển hy vọng rằng:  “... vì biết rằng một ngày nào đó sẽ có những người tìm tòi đến lịch sử, có tài liệu để mà nghiên cứu hay trích dẫn. Điều đặc biệt của tôi mong mỏi là nối kết chất liệu và những sự kiện của Phật Giáo với các nhân vật trong khoảng thời gian lịch sử nầy để ngày sau mọi người đều rõ biết, tri ân, chứ không phải chỉ nói thoáng qua về khía cạnh tâm linh nầy. Đây là những lý do cần quan tâm đến.” Và rằng: “... biết đâu trong tương lai sẽ có nhiều tác phẩm hay hơn tác phẩm nầy của tôi, thì tôi cũng chỉ xin nguyện làm một nhịp cầu để nối kết những gì đã xảy ra hơn 712 năm (1306-2018) về trước.”

Chúng tôi rất cảm động khi đọc đoạn cuối Lời Tạm Kết của Thầy: “Tất cả những tác phẩm của tôi viết và dịch ra tiếng Việt từ những ngôn ngữ khác, đều không giữ bản quyền, vì mục đích chính là làm lợi lạc cho mọi người ở mọi thời đại, nên khi quý vị muốn tái bản để phát hành, chỉ cần liên lạc qua địa chỉ Chùa Viên Giác để được sự đồng ý của chúng tôi như vậy đã quá đủ rồi. Kính xin quý vị an tâm.”

Nhớ lại khi lần đầu qua California, Mỹ, chúng tôi nhìn thấy ngoài hành lang, gần một nhà sách lớn nhất khu Sài Gòn Nhỏ có một chiếc bàn đặt nhiều sách, băng đĩa các bài giảng Pháp mà không thấy ai trông coi sách. Rồi thỉnh thoảng thấy có người đến trước cái bàn đó, chấp tay rồi lấy sách, băng mang đi, không tiền bạc gì cả. Lần đó, chúng tôi cũng đã thỉnh được một cuốn, khoảng tuần sau thêm một cuốn nữa. Đó là cuốn Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục Giảng Giảivà Thiền Tông Việt Nam Cuối Thế KỷXX đều của Thiền sư Thích Thanh Từ. Hai cuốn sách rất cần đọc và đáng đọc này in trên giấy trắng tốt, dày đến hơn 1.000 trang.

Bước thứ hai, chúng tôi thử điểm qua kết cấu tác phẩm và những chủ đề tư tưởng chính của tác phẩm. Về kết cấu, bố cục tác phẩm, Thầy Như Điển chia làm 2 phần và nhấn mạnh rằng 13 chương sách gắn kết với nhau trở thành một thể thống nhất xuyên suốt toàn bộ tác phẩm. Đúng vậy. Chúng tôi nhận thấy bố cục như vậy là rất logique, rất hợp lý. Mạch ý và mạch văn nối kết nhau nhuần nhuyễn, khéo léo chuyển tải được toàn bộ nội dung theo đúng mục đíchTác giả đã đề ra từ trước. 

Bước thứ ba là chúng tôi dõi theo từng chương trong sách để ghi lại những điểm chính cần nhấn mạnh, và cũng có thể, thêm đôi điều cảm nhận và trích dẫn lời của một số tác giả khác có liên quan đến nội dung mà Thầy Như Điển đã viết. 

 

Chương I. NỖI NIỀM CÔ ĐỘC CỦA VUA LÝ HUỆ TÔNG

Đúng là Vua Huệ Tông cô độc. Cô độc đến tận cùng. Cô độc đến khốc liệt và bi thảm. Nhưng suy cho cùng thì khối nỗi niềm cô độc đó do chính Vua Huệ Tông bày ra cho chính mình để rồi nó quấn chặt lấy mình dẫn đến cái chết tức tưởi cho bản thân, và lớn hơn là sự cáo chung của cả một triều đại huy hoàng trong lịch sử. Ngoài việc không có con trai để nối dõi, Huệ Tông mắc phải hai sai lầm cực kỳ nghiêm trọng, đó là: yêu đương, sủng ái Trần Thị Dung một cách mù quáng, hai là lơ là, là nhu nhược để Trần Thủ Độ khuynh loát, nắm quyền sinh sát tối thượng trong triều. Huệ Tông nuôi ong tay áo và phải trả cái giá rất đắt là điều tất nhiên, không khác. Trước một Trần Thủ Độ gian manh, quỷ quyệt, mưu thần chước quỷ và đầy tham vọng tận diệt nhà Lý, lật đổ nhà Lý qua lời y dằn mặt, cưỡng ép, đẩy Huệ Tông vào bước đường cùng khiến Huệ Tông, không còn chọn lựa nào khác ngoài việc tự kết liểu đời mình: “Nhổ cỏ thì phải nhổ cả rễ sâu.” Về sự việc này, Thầy Như Điển viết lời bình sâu sắc như sau:

“Ngày xưa vì tin duyên nợ, nên để Trần Thị Dung về làm vợ mình, nhưng nào ngờ đâu, đây cũng là nguyên nhân để cho Trần Thủ Độ ép ta vào ngõ bí. Mặc dầu Thái hậu đã bao lần can ngăn bảo hãy diệt Trần Thị Dung đi, nhưng ta nào có nghe, khi mà ái tình mê muội đã làm quên đi chữ hiếu và cái nhục của xã tắc sơn hà, nên ngày nay ta đã mất cả ngôi báu và cả thần dân trăm họ. Ôi cái tình! Đúng là “cái chi chi”. Ai mà hiểu, mà làm chủ được khi yêu. Cho nên trong Thập nhị nhân duyên, Phật đã dạy tự ngàn xưa, tuy bắt đầu bằng Vô minh, nhưng nếu không tiêu trừ ái dục trước được, thì vòng luân hồi vẫn còn luẩn quẩn đâu đây! Điều ấy thật là chính xác. Cái điều mà Trần Thủ Độ nói chỉ là muốn ta dẹp hết con cháu Nhà Lý thôi, chứ làm sao hiểu sâu như lời Phật dạy là nhổ cho hết cỏ vô minh vốn đã nhiễm sâu nơi cội rễ của mọi người, đó mới là điều đáng nói. Bây giờ thì ta đã an bần lạc đạo, còn mong gì ở chốn triều ca nữa. Ngày xưa Trần Thủ Độ còn rập mình nhìn trước ngó sau tại chốn cung son, sau đó vì ta sủng ái Thị Dung nên đã cất nhắc y lên đến chức Điện tiền Chỉ huy sứ, nắm trong tay không biết bao nhiêu là quyền bính, vào ra tự tại nơi chốn cửu trùng không ai dám hé miệng hở môi. So ra ngày ấy và ngày nay khác xa nhau nhiều lắm.” 

Và:

“Chỉ làm vua 14 năm thôi, nhưng cả cuộc đời của ông đều ghi lại đậm nét cho bao nhiêu chuyện phế hưng của lịch sử cũng như của một triều đại huy hoàng dựng nước đã 200 năm như thế.”

Huệ Tông thì cô độc và bị Trần Thủ Độ cướp vợ. Trần Thái Tông thì ưu sầu và phải chịu cái nhục vì bị ép lấy chị dâu. Trần Thủ Độ chủ trương người họ Trần chỉ được lấy người họ Trần vì sợ rằng ngôi báu sẽ dễ bị soán đoạt. Từ đó chuyện “loạn luân” trong cung cấm xảy ra bình thường kéo dài từ đầu triều Trần 1226 đến cuối triều, năm 1400. Đây là một việc làm trái luân thường đạo lý, xấu xa và là một vết nhơ không bao giờ rửa sạch được của Nhà Trần.

Chúng tôi tin rằng độc giả sẽ vô cùng thích thú khi ngẫm, nghĩ những lời nói rất ngắn gọn nhưng vô cùng sâu sắc trong cuộc đàm đạo tại Yên Tử giữa Vua Trần Thái TôngQuốc Sư Phù Vân. Xin trích dẫn mấy câu này:

- Trẫm vào đây để tìm Phật, chứ không tìm gì khác.

- Trong núi vốn không có Phật. Nếu tâm của Bệ hạ yên, tâm ấy chính là tâm Phật.

- Bệ hạ đã nói được câu: “Trẫm xem ngai vàng như đôi dép bỏ”. Chính là Bệ hạ đã liễu ngộ được lý vô thường rồi. Tất cả cái gì có hình tướng, cái ấy đều không thật có mà ngay cả ngai vàng hay giang sơn nầy cũng vậy nữa. Đã vô thường thì do sự khổ chi phối. Cái khổ của Bệ hạ đối với Nhà Lý và bây giờ là cái khổ nhận bào thai của chị dâu làm con của mình và nhất là…

Nhà Vua đưa hai tay lên chắp lại, vái xá Quốc Sư và thưa rằng:

- Như vậy cũng được! Ta sẽ về, nhưng ban ngày quyết lo chính sự cho xong, đêm đến ta tụng kinh niệm Phật, ngồi thiềndịch kinh viết sách.

Đoạn cuối chương này, Thầy Như Điển kết luận rằng, nếu đứng về phương diện văn học, tôn giáo, văn hóa, lịch sử, kiến trúc, ngoại giao, chiến tranh với Mông Cổ v.v… không có triều đại nào trong lịch sử Việt Namhiển hách vinh quang được như vậy. Vì lẽ các Vua Trần có tu, có học, có thọ Bồ Tát giới, nên quyết tâm đem việc thực hành Bồ Tát hạnh đi vào đời, nên giang sơn gấm vóc mới còn lưu giữ lại được như ngày hôm nay. Tuy nhiên vấn đề trong cung cấm, vấn đề thay ngôi đổi chủ, vấn đề hôn phối v.v… khiến cho ta phải suy nghĩ rất nhiều.

Trong khi đó Nhà Lý hơn 200 năm và Nhà Trần được 175 năm. Nếu cộng cả Lý và Trần lại thì lịch sử Việt Nam của gần 400 năm ấy của hai triều đại nầy, xuyên suốt cả một dòng sông lịch sử của mấy ngàn năm, chưa có triều đại nào được vinh quang như Lý, Trần vậy.

Xin thưa thêm, trong bài đã dẫn trên, Hòa thượng Thích Minh Châu viết:

“Ở Việt Nam trong quá khứ, dưới hai triều đại nhà Lý và nhà Trần, có những ông vua kiêm Thiền sư như vua Trần Thái Tông, từng tuyên bố ông xem Ngai Vua như chiếc giày rách. Cháu Vua Trần Thái TôngTrần Nhân Tông, sau khi lãnh đạo thành công trong cuộc kháng chiến thắng lợi chống quân xâm lược Nguyên Mông đã đắp áo cà sa, và trở thành vị sáng lập phái Thiền Tông Việt Nam đầu tiên gọi là Trúc Lâm Yên Tử. Vua Trần Nhân Tông có làm bài phú bằng tiếng Nôm nổi tiếng, kết thúc bằng bốn câu thơ chữ Hán, nói lên phong thái an nhiên tự tại của Vua, khi đối mặt với những thăng trầm của cuộc đời.

...

Hai câu cuối của bài thơ ngắn này xác chứng phong thái an nhiên tự tại của nhà Vua: "Khi đối mặt với thử thách, chúng ta giữ tâm chúng ta an nhiên tự tại". Ở đây có nghĩa là đối với tánh vô thường của thế giới khách quan, tâm nhà Vua luôn luôn an nhiên tự tại, không một chút gợn sóng. Câu này cũng nói lên một tư tưởng rất cơ bản của đạo Phật. Mỗi con người đều tự có trong mình nền móng giác ngộ được gọi là Phật tánh. Con người đã sẵn có trí tuệ giác ngộ chói sáng và bừng sáng. Như vậy con người không cần hướng ra ngoài để tìm hạnh phúcgiác ngộ.”

Chương II. TRÔNG VỜI CỐ QUỐC

Đây là những trang viết thắm đẫm và giàu cảm xúc về tình yêu quê hương, tình tự dân tộc và niềm tự hào dân tộc của những người Việt tha hương.

Với nguồn tài liệu phong phú, dồi dào được chọn lọc kỹ lưỡng, được trích dẫn khéo léo, Tác giả viết về sự kiện Hoàng tử Lý Long Tường cùng 6.000 người trong thân tộc Nhà Lý lên đường tìm nơi tỵ nạn trên 3 chiến thuyền. Sự ra đi của Hoàng tử Lý Long Tường vào thời điểm này là một mốc ngoặc lịch sử rất quan trọng đối với Nhà Trần. Lúc đi Hoàng tử đã mang theo những bảo vật của triều đình cả vương miện, áo long bào và đặc biệt là thanh “Thượng Phương Bảo Kiếm”. Sau một tháng trời lênh đênh trên biển cả, 3 chiến thuyền đã cập bến hải đảo Đài Loan năm 1226.

Năm 1253 quân Mông Cổ đánh chiếm Triều Tiên và Hoàng tử Lý Long Tường đã lãnh đạo quân dân của mình mang theo, cùng với nghĩa quân địa phương trong vòng 5 tháng đánh trả lại quân Mông Cổ và sau khi thành công dẹp được giặc Nguyên Mông, Vua Cao Tông của Triều Tiên đã phong cho Hoàng tử Lý Long Tường là Hoa Sơn Tướng Quân.Lý Long Tường bây giờ được nhà Vua và triều thần nể vì, trọng dụng. Họ không còn xem ông là người của Đại Việt nữa, mà là con cháu của Triều Tiên. Về điều này, chúng ta trân trọng bộ sử của Bác sĩ Yên Tử Trần Đại Sỹ. Ông đã dày công hoàn thànhgiới thiệu bộ ngoại sử độc đáo nầy cho người Việt ở trong và ngoài nước về một chuỗi bi hùng của lịch sử đã kinh qua gần 1.000 năm.

Chúng tôi cảm nhận rằng những trang viết về nỗi niềm hoài hương của Thầy Như Điển thật tâm huyết, chân thành, sâu lắng, nó làm cho chúng tôi thổn thức khôn nguôi. Mới biết rằng những tình cảm chân thành về Quê Hương bao giờ cũng lắng sâu, cũng đọng lại trong tâm hồn chúng ta.

Đọc Chương này, chúng tôi bỗng nhớ lại cái cảm giác thích thú nhưng rất ngậm ngùi khi mấy chục năm trước chúng tôi đọc Khóc Lên Đi, Ôi Quê Hương Yêu Dấu - Cry, The Beloved Coutry - của Alan Paton do Nguyễn Hiến Lê dịch; trong đó chúng tôi nhớ câu này: “Ai cũng có Quê Hương và chỉ một mà thôi, hãy trân trọngbảo vệtuyệt đối.” Và nhớ dến một câu ngắn gọn của Ni sư Thích Giới Hương khi đọc tác phẩm Hương Lúa Chùa Quêcủa Thầy Như Điển: “Nét bút của ngài đã tạo ra sự sống trôi chảy và khơi dậy những xúc cảm cao thượng trong mỗi chúng ta.”

Kính mời quý độc giả đọc lại đoạn văn dưới đây của Thầy Như Điển:

“Bản thân mình, tôi đã rời cố quốc Việt Nam từ năm 1972 đến năm 2017 là đúng 45 năm, nghĩa là gần nửa thế kỷ rồi. Trong nửa thế kỷ ấy tôi đã làm gì cho chính mình, cho tha nhân và cho người bản xứ, chắc quý vị đã rõ, nhưng trong tâm khảm của chính tôi, ở bất cứ một bài viết hay bài giảng nào cũng bàng bạc nỗi nhớ quê hương trong muôn thuở, không bút mực nào có thể tả hết được. Nếu viết thành văn, tả thành thơ, sắp thành núi… thì tình cảm đối với quê hương vẫn không phai mờ, khi nhớ về cội nguồn và quê cha đất Tổ xa xôi trong muôn vạn dặm đất trời ấy. Ai biết được nỗi xót xa nầy? Phải làm thân phận xa quê như Hoàng tử Lý Long Tường, Lý Dương Côn, của Lý Thừa Vãn, của Lý Kính Huy v.v… hay cả hằng trăm hằng triệu người Việt Nam đã bỏ nước ra đi bằng nhiều lý do khác nhau, thì lúc ấy mới rõ được cội nguồn, vì sao lại như thế? Rõ ràng là do duyên sanh như Đức Phật thường dạy. Cái nầy sanh nên cái khác sanh, cái nầy diệt nên cái khác diệt. Cái nầy không có thì cái kia sẽ không có v.v… Đâu có ai nghĩ rằng khi sinh ra, chính mình phải rời xa Tổ quốc để mưu sinh đâu? Dầu cho xứ đó có vàng nhiều như Hoa Kỳ, Úc Châu hay Canada đi chăng nữa, thì đó chỉ là nơi mà cần phải đến, làm xong nhiệm vụ rồi lại về, chứ đâu có ai nghĩ là mình sẽ ở mãi lại một nơi cố định nào, ngoài nơi chôn nhau cắt rốn của mình?”

Chúng ta chia sẻ cái nỗi niềm Trông Vời Cố Quốc của hơn ba triệu người Việt đang ở khắp nơi trên thế giới, và chúng ta cũng rất xót xa, thương cảm những người trông vời cố quốc ngay chính nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Và thương quá những người “Không biết nơi nao là chốn Quê nhà.” Tiếng hát nghẹn ngào của Thái Thanh qua nhạc phẩm “Hoài Hương” của nhạc sĩ Phạm Duy làm chúng tôi bỗng nhận ra điều may mắnhạnh phúc của Bùi Giáng, khi nhà thơ: “Thưa rằng tôi ở rất lâu Quê Nhà.”

Chương III. CHỐN KINH THÀNH

Có người đã viết rằng: “Chiếu dời đô là bản khai sinh của kinh đô Thăng Long rồi Hà Nội ngày nay. Nước nào trên thế giới cũng có kinh đô nhưng hiếm có kinh đô nào có bản khai sinh mang dấu ấn cả ngàn năm như kinh đô Thăng Long của Đại Việt gần ngàn năm về trước. Bây giờ đọc lại ta đều cảm phục tài năng, trí tuệ, tầm nhìn và ý chí sáng suốt, quyết đoán của Lý Thái Tổ sáng lập triều Lý tồn tại 215 năm trải qua 3 thế kỷ oai hùng.”

Thế nhưng, khi nhà Hồ lên ngôi thì Thăng Long trở thành chốn hoài cổ, mà cuối thời Hậu Lê, Bà Huyện Thanh Quan đã làm một bài thơ Đường để đời, ai trong chúng ta khi đọc đến cũng chạnh lòng. Thật là cảnh đời chẳng khác nào một sân khấu, luôn thay đổi, đổi thay, nắng sớm mưa chiều!

Trong chương này, Tác giả đề cập đến vị trí của các Vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông và Trần Anh Tông, rồi nhìn lại “Tộc Phả” các thế hệ vua và quan đời Nhà Trần, và Tác giả cho rằng: “Triều Trần thật ra là một triều đại quá rắc rối về vấn đề hôn phối cận huyết. Chỉ có một trong nhiều điều hay của Nhà Trần mà trước đó triều Nhà Lý không có, mà cả các triều đại sau nầy cũng như thế, là không ai có thể dám nhường ngôi cho con mình lúc còn trẻ trung để lên làm Thái Thượng Hoàng cả, ngoại trừ triều Trần.” Sử sách cũng đã ghi lại rằng Vua Trần Thái Tông trong suốt 32 năm trên ngai vàng, ban ngày lo chăn dân, trị nước, tối lại đốt đèn xem kinh, tọa thiền, vấn đạo.

Dưới triều đại của Vua Trần Thánh Tông mọi việc chính sự vẫn đều chu toàn, Nhà Trần tiếp tục thịnh trị. Bắt đầu từ Vua Trần Thánh Tông, Nho giáo đã thịnh hành và có ảnh hưởng mạnh trong bộ máy nhà nước. Ông cư xử trong hoàng tộc rất là chí tình, đối với những vương tôn công tử, trừ lúc thiết triều, ông đều hòa mình vào với họ để ăn uống, vui chơi, nên tình thân trong hoàng tộc lại càng bền vững hơn xưa rất nhiều. Ông ở ngôi vua được 20 năm thì nhường ngôi cho con là Trần Nhân Tông.

Quân đội Nhà Trần toàn thắng vào năm 1285 và 1288 và bắt đầu bước vào vào thời kỳ thịnh trị lâu dài tiếp theo sau đó. Hội nghị Bình Than và Hội nghị Diên Hồng đã thành công rực rỡ và đây có lẽ là thời đại vàng son nhất của đời Nhà Trần.

Đọc nhan đề chương này, chúng tôi thoạt nghĩ nội dung chắc là khô khan, chỉ xoay quanh lịch sử hình thành, phát triển của một chốn kinh thành thôi. Thế nhưng Thầy Như Điển đã khéo léo nối kết nhiều sự kiện lịch sử, nhiều nhân vật lịch sử đan xen nhiều giải thích, nhiều thông tin khác như việc Kiến trúc sư người Đại Việt, đó là Nguyễn An là người thiết kế Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh; đến tâm sự não nề của Vua Gia Long về đời sống trong cung cấm, lai lịch xuất thân của Vua Lý Thái Tổ; đến giai thoại của Thiền sư Eisei (Dinh Tây) của Nhật Bản; rồi việc Triều Lý và Triều Trần chủ trương Tam Giáo đồng quy và kết lại bằng việc trích dẫn Kinh Nhứt Dạ Hiền Giả trong Nikaya. Chúng tôi rất thích thú đọc những trang rất hấp dẫn đó và nhất là có thêm được những kiến thức mới lạ và bổ ích.

Tạm kết chương này, chúng tôi đọc lại đoạn nhận định sâu sắc sau đây của Thầy Như Điển:

“Năm 1400 đến năm 1417 nhà Minh chiếm lấy Đại Việt. Đây là Bắc thuộc lần thứ 3 của Đại Việt, sau 400 năm độc lập tự chủ nhờ vào tinh thần dân tộc và triết lý Phật Giáo, cả vua tôi Nhà Lý cũng như Nhà Trần đều chọn Phật Giáo làm quốc giáo. Ngay như Nhân Tông và Anh Tông đều thọ Bồ Tát giới tại gia cũng như Bồ Tát giới xuất gia sau khi Nhân Tông đã đi tu, nhờ đó nên sơn hà xã tắc mới về được một mối như vậy. Lần thứ 3 Bắc thuộc nầy, người nhà Minh đã cho mang kinh sách của Đại Việt về thiêu đốt tại Kim Lăng và theo tương truyền rằng ngọn lửa ấy đã trải qua 3 tháng nhưng vẫn còn cháy ngùn ngụt. Việc ấy chứng tỏ cho ta thấy rằng văn học, lịch sử, tôn giáo, giáo dục thịnh hành biết bao nhiêu trong cả hai triều đại Lý - Trần. Do vậy phía Nam thì Chiêm Thành quấy phá muốn xâm chiếm Đại Việt, phía Bắc thì quân Nguyên Mông rồi quân nhà Minh cũng muốn tiêu diệt, vì nhà Minh không muốn Đại Việt sánh ngang hàng với phương Bắc về mọi phương diện.”

Chương IV. NHÀ VUA TRẦN NHÂN TÔNG

Năm 1274, khi Trần Khâm 16 tuổi, ông được vua Trần Thánh Tông chỉ định làm Thái tử nối ngôi. Sau nhiều lần từ chối ngôi Thái tử không thành, Trần Khâm đành chấp nhận ngôi Thái tử, nhưng ông vẫn duy trì nếp sống thanh tịnh trên tinh thần Phật Giáo. Ông cũng dùng nhiều thời gian để đàm đạo với Thiền sư Tuệ Trung Thượng Sĩ và tôn xưng vị nầy làm Thầy của mình.

Thầy Như Điển viết: “Vua Trần Nhân Tông, sau khi nhường ngôi báu cho con là Trần Anh Tông, lên núi Yên Tử tu hạnh đầu đà và cuối đời trở thành Điều Ngự Giác Hoàng, và Ngài là vị Sơ Tổ của phái Thiền Việt Nam, đó là Trúc Lâm Thiền Phái, sau các phái Thiền từ Ấn Độ sang Trung Hoa rồi được truyền sang Việt Nam như: Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường v.v… Đây là cái phúc của dân tộc Việt Nam đã có được một ông Vua biết hy sinh hạnh phúc cá nhân của mình để đi tìm cái chung cho dân tộc là vậy. Dĩ nhiên ông không thể so sánh với Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni của Ấn Độ được vì ông chỉ là một học trò của hàng cháu chắt của Ngài từ Thiên Trúc đến Trung Hoa rồi Việt Nam qua cả mấy chục đời như vậy, nhưng ông là một ông Vua tuyệt vời trên tất cả những sự tuyệt vời khác.”

Vâng. Đúng là Trần Nhân Tông là “một ông Vua tuyệt vời trên tất cả những sự tuyệt vời khác!”

image003

Trước hết Ngài tuyệt vời với lời nhắn nhủ như một di chúc cho muôn đời con cháu: “Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác.”

Xin được lưu ý rằng, Quần đảo Trường Sa là mảnh đất đã gắn liền với đất nước Đại Việt từ khi dân Việt sinh sống ở đất Quảng Ngãi ngày nay. Vì vậy làm gì có con đường lưỡi bò của những kẻ Đại Hán bá quyền nước lớn đó?

Viết về vị Vua Phật - Phật Hoàng Trần Nhân Tông, một nhân vật kỳ vĩ và kỳ tuyệt của lịch sử Việt Namlịch sử Phật Giáo Việt Nam chắc chắn là không bao giờ trọn vẹn như mong muốn của chúng ta. Ở đây chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của hai vị có liên quan đến bài viết của Thầy Như Điển. Trước hết là ý kiến của Giáo sư Phan Huy Lê trong bài đã trích dẫn trên đây, viết:

“Cuộc hôn nhân này [Huyền Trân Công chúa - Chế Mân] được vua Trần Nhân Tông chuẩn bị rất chu đáo. Nhà vua rất yêu nước thương dân và tôn sùng đạo Phật. Sau khi đất nước đã yên bình, ngôi vua đã giao cho vua Trần Anh Tông, năm 1299 nhà vua xuất gia lên núi Yên Tử (Quảng Ninh), sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm. Đây là một Thiền phái mang tính dân tộc, tính nhập thế và tính nhân bản cao, đã qui tụ được mọi tông phái Phật Giáo lại gần như thành một giáo hội thống nhất của Phật Giáo Đại Việt. Nhà vua xuất gia với pháp danhĐiều Ngự đầu đà hay Hương Vân đại đầu đà, thường gọi là Điều Ngự Giác hoàng, nhưng tâm trí vẫn không ngừng lo toan việc nước. Nhà vua lên núi Yên Tử cũng vì “Đức ngài biết xem thiên hạ là công, trong nước vô sự nhưng phía Bắc vẫn có nước láng giềng mạnh, chưa được an tâm. Cái ý ấy không tiện nói ra, sợ người ta dao động, nên nhằm ngọn núi Yên Tử là núi cao nhất, phía đông nhìn về Yên Quảng, phía Bắc liếc sang hai xứ Lạng, dựng ngôi chùa, thời thường dạo chơi để xem động tĩnh, cốt để ngừa cái mối lo nước ngoài xâm phạm” (Ngô Thì Nhậm, Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh). Cũng vì lo cho vận nước, năm 1301 nhân sứ giả của vua Chămpa sang cống lễ vật, nhà vua theo sứ bộ thăm đất nước láng giềng phương nam này trong 8 tháng (từ tháng 3 đến tháng 8 năm Tân Sửu-1301) để củng cố mối quan hệ hòa hiếu giữa hai nước đã được nâng cao trong thời gian đồng minh chống Nguyên do chính nhà vua kiến lập. Đây là một cuộc viếng thăm ngoại giao đặc biệt, người cầm đầu bề ngoài là một đại sư nhưng thực sự vẫn là một thái thượng hoàng đầy uy tín. Chính trong cuộc viếng thăm này, nhà vua đã hứa gả Công chúa cho vua Chế Mân nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ Đại Việt - Chămpa, một quan hệ láng giềng giữ vai trò trọng yếu trong bố phòng lực lượng tự vệ và trong cuộc đấu tranh chống họa xâm lược phương bắc mà nhà Tống và nhà Nguyên đã ra sức lợi dụng.” 

Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Quang Hưng, trong bài “Bài Học Nhập Thế Của Trí Thức Phật Giáo” có nhiều nhận xét rất đáng quan tâm. Xin được trích dẫn:

+ “Khái quát lại tôi thấy đội ngũ trí thức Phật Giáo như Khuông Việt, Pháp Thuận, Vạn Hạnh... có 3 đóng góp lớn. Thứ nhất, họ đã bắt đầu để lại các thư tịch, mà đỉnh cao nhất là Tam Tổ Hành Trạng. Thứ hai, họ tạo nên những tiếng nói không những của một danh tăng trong tôn giáo của mình mà trở thành những rường cột tư tưởng cho chế độ. 

Thứ ba, họ tạo ra một ảnh hưởng về nhân quần, về đời sống cộng đồng chung của đất nước này, từ đó tạo ra các giá trị hình thành cái gọi là con người Việt Nam trong thời kỳ độc lập tự chủ. Ba đóng góp ấy là quá lớn. 

Nói về trí thức Phật Giáo hiện đại, GS-TS Đỗ Quang Hưng cho rằng:

+ “Hiện nay chúng ta có một trí thức lớn là Thiền sư Thích Nhất Hạnh, tầm cỡ lắm. Có một lần, một nhà báo phương Tây hỏi tôi rằng, trong tư cách một nhà nghiên cứu tôn giáo, tôi sẽ xếp ông Thích Nhất Hạnh ngồi ở vị trí nào? 

Tôi bảo, nếu như có 6 người là đỉnh cao Phật giáo hiện đại thì yên tâm là Thích Nhất Hạnh ngồi đấy. Nếu như có 5 người thì vẫn yên tâm là Thích Nhất Hạnh ngồi đấy. Nếu như có 4 người thì tương đối yên tâm là có Thích Nhất Hạnh. Nếu như có 3 người thì bắt đầu thấy băn khoăn, nhưng vẫn còn 30% niềm tin là sẽ có Thích Nhất Hạnh. Giảm nữa, nếu có 2 người thì chắc chắn không. 

Tôi suy nghĩ kỹ rồi, nếu có 2 người thì đó sẽ là Đạt Lai Lạt Ma và Suzuki. Nhưng nói như vậy để thấy Thích Nhất Hạnh của chúng ta cũng có một tầm vóc, một sự ảnh hưởng vô cùng lớn trên phạm vi toàn cầu.

+ “Giáo sư Lê Mạnh Thát, một trong hiếm hoi những người nghiên cứu Phật Giáo sâu nhất ở Việt Nam nói với tôi một điều rất đáng chú ý rằng, thời xưa, mặc dù không có trí thức tu sĩ đứng ra làm thượng thư bộ này bộ nọ, ấy thế mà khi đất nước khó khăn, cần phải đi sứ phương Bắc thì họ lại là những người đi sứ đầu tiên. 

+ “Tôi nhớ đến trường hợp của cụ Thích Minh Châu - một trí thức Phật Giáo lớn thời hiện đại, trong bối cảnh bắt đầu tiếp xúc với phương Tây, rất nhiều người hướng về phương Tây thì cụ quyết định đi học cái gì anh biết không?  

Cụ đi học Phật pháp thiền Pali, từ đó dịch bộ Đại Tạng Kinh từ tiếng Pali sang tiếng Việt. Một trí thức như thế ở Việt Nam mình, hiếm lắm.” 

Xin trở lại với Huyền Trân Công chúa.

Bài “Huyền Trân Công Chúa” của Phan Vũ cho chúng tôi thêm thông tin này:

“Và cách nhau 600 năm sống cách nửa vòng địa cầu, Phật hoàng Việt Nam (1258-1308)và Tổng thống Mỹ Lincoln (1809-1865)lại tìm được sự đồng cảm sâu sắc trong chính sách “Hòa giải và Yêu thương”. Chính sự khoan hồng của Nhà Vua (trong chiến thắng quân Nguyên) và Tổng Thống (xóa bỏ nô lệ, chiến thắng Miền Nam ly khai trong Nội chiến nước Mỹ) vết thương chiến tranh đã mau chóng được hàn gắn, từ đó tái thiết Đất nước hòa bình và thịnh vương, mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam và Hoa Kỳ. Cả hai bậc vĩ nhân đều biết rõ rằng không thể nào xóa tan được mây đen của thù hận nếu người chiến thắng cứ “sỉ nhục” kẻ chiến bại, theo cách này hay cách khác.

Chính vì thế, Phật hoàng Trần Nhân Tông là một vị hoàng đế anh minh được hết sức kính trọng, không những tại Việt Nam mà còn trên thế giới với việc thành lập Viện (Academy) Trần Nhân Tông năm 2012 thuộc Đại học Harvard, Mỹ (với Giải thưởng quốc tế Trần Nhân Tông về “Hòa giải và Yêu thương”) như ý nguyện của vị Phật hoàng Việt Nam và Tổng thống Hoa Kỳ thứ 16 vậy.”

Trong chương này Thầy Như Điển đã dành nhiều trang chân thành, tâm huyết để tán thán công đức của những vị Danh Tăng thạc đức đã dày công phiên dịch Đại Tạng Kinh. Thầy trân trọng giới thiệu cả Đại Tạng Nam Truyền được dịch từ tiếng Pali và Anh văn sang Việt ngữ từ năm 1964 đến nay, do Cố Hòa Thượng Tiến Sĩ Thích Minh Châu, Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh Sài Gòn đề xướng và nay thì Đại Tạng Nam Truyền nầy đã có mặt khắp nơi trên thế giới gồm 3 tạng: Kinh, Luật, Luận với 13 quyển, tổng cộng hơn 10.000 trang kinh sách. Thầy Như Điển luận rằng: Công đức thật là bất khả tư nghì.

Phật tử, chúng ta cung kính niệm ân và tri ân những đóng góp to lớn của các vị Hòa thượng Trí Tịnh, Trí Nghiêm, Thiền Tâm, Hành Trụ, Viên Đức, Đổng Minh, Phước Sơn, Tịnh Hạnh... nữ cư sĩ Giáo Sư Nguyên Tâm Trần Phương Lan... đã góp phần vào việc phiên dịch Đại Tạng ra tiếng Việt.

Riêng Thầy Như Điển, những công trình dịch thuật và biên khảo của Thầy cũng là một điều bất khả tư nghì. Vì rằng, như Thầy đã viết:

“Cá nhân tôi cũng được một phước duyên là trước đây trong những mùa An Cư Kiết Hạ tại chùa Viên Giác Hannover, tôi dành 5 mùa An Cư, mỗi năm 3 tháng như thế để dịch xong quyển thứ 32 thuộc Luận Tập Bộ Toàn, nếu in hết, ngoại trừ Đại Trí Độ LuậnĐại Thừa Khởi Tín Luận, thì phần dịch của tôi cũng đến 5.000 trang A4 đánh máy. Công việc nầy phải kiên trì hằng ngày, hằng tháng, hằng năm mới có thể thành tựu được. Nếu mỗi ngày cứ đứng lên ngồi xuống nhiều lần và di chuyển đi đây đi đó, thì không mong gì có được những dịch phẩm như ý. Có lẽ nhờ được phước báu dịch Đại Tạng Kinh nầy mà chỉ trong một đời sống ngắn ngủi nầy, cá nhân tôi đã được đảnh lễ, trì tụng, nghe băng của hai Đại Tạng cả Bắc lẫn Nam Truyền như thế nầy. Đúng là một phước báu vô ngần. Nếu không có nơi Tam Bảo để nương tựa thì làm sao cá nhân tôi có những hạnh duyên và cơ hội tốt như vậy được. Phước báu nầy con xin dâng tất cả lên mười phương chư Phật chứng minhgia hộ.”

Nói về đại sự in ấn và phát hành Đại Tạng Kinh, Thầy Như Điển viết:

“Nếu nhìn lại quá khứ từ xa xưa đến nay, Việt Nam chúng ta đã trải qua nhiều triều đại huy hoàng như Lý Trần hay hưng thịnh như nhà Nguyễn, và trong hằng trăm năm đó chúng ta vẫn có những bậc Danh Tăng thạc đức, nhưng để làm một việc đại sự là in ấn phát hành Đại Tạng Kinh ngay cả bằng chữ Hán vẫn chưa kham nổi, đừng nói chi là tiếng Việt. Còn bây giờ bắt đầu chỉ một cá nhân Cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh đề xướng, chư Tôn Đức và Tăng Ni ở trong cũng như ngoài nước trợ duyên vào, nay thì mọi việc đã thành tựu. Việt Nam Phật Giáo ngàn đời sau vẫn còn ghi ân Hòa Thượng và những bậc Đại Tăng đã làm nên lịch sử phiên dịch nầy. Nếu những chiến công hiển hách triệt phá quân Nguyên Mông của vua Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông là lịch lãm trong đường gươm chiến đấu thành công, thì gia tài Pháp Bảo Đại Tạng Kinh tiếng Việt nầy còn cao cả, giá trị hơn nghìn lần sự chiến thắng kia. Nếu không phải vậy thì Vua Trần Nhân Tông tại sao phải đi xuất gia làm gì cho nhọc công, tốn sức, mà nên ở lại ngai vàng cũng như cung điện và cung phi mỹ nữ để hưởng những sự phú quý vinh hoa về vật chất vẫn hơn? Dĩ nhiên phải có những điều cao thượng hơn cả ngai vàng nên Ngài mới xuất gia học và hành đạo.”

Và đây là đoạn cuối của chương Vua Trần Nhân Tông:

“Qua bài phú Cư Trần Lạc Đạonầy ta thấy Đức Điều Ngự đã vẹn đường tu, chứng thành Thánh quả không còn vướng bận bất cứ một sự trói buộc nào trên con đường tìm sự giác ngộ giải thoát của Ngài. Và với tâm rỗng không ấy, Ngài đã trao truyền cho Pháp Loa làm Đệ nhị Tổ của Trúc Lâm, từ đó Thiền phái nầy phát triển mãi cho đến thế kỷ thứ 16, 17. Nay ở thế kỷ thứ 20, 21 nầy Hòa Thượng Thích Thanh Từ đã xiển dương lại Thiền Phái nầy tại Việt Nam cũng như hải ngoại và mong rằng với tâm nguyện nầy Ngài sẽ được thành tựu, và một lần nữa ngọn lửa tam muội của Điều Ngự Giác Hoàng sẽ được cháy sáng khắp nơi nơi.”

Chương V. TUỆ TRUNG THƯỢNG SĨ

Chương viết về Tuệ Trung Thượng Sĩ ngắn gọn, chỉ khoảng 7-8 trang thôi vì Thầy Như Điển chỉ tập trung viết những nét chính về hành trạng của Tuệ Trung mà hầu như không sử dụng những nguồn tài liệuliên quan đến nhân vật chính. Về Thơ của Tuệ Trung, Thầy Như Điển chỉ chọn 4 bài kèm cảm nhận ngắn gọn nhưng rất súc tích ở cuối mỗi bài. Qua bài viết này của Thầy Như Điển, chúng ta ghi nhận:

+ Tuệ Trung là người hướng dẫn Vua Trần Nhân Tông vào cửa Thiền và có nhiều ảnh hưởng đến tư tưởng của vị vua sáng lập ra Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử.

+ Trong 2 lần chiến thắng quân Nguyên Mông năm 1285 và 1288 đều có sự góp sức của ông, nhưng lịch sử cũng thờ ơ không ít. Sử chép rằng ngày 10 tháng 6 năm 1285 ông cùng với Hưng Đạo Vương đem hơn 20.000 quân giao chiến với tướng nhà Nguyên là Lưu Thế Anh và đuổi Thoát Hoan chạy dài đến sông Như Nguyệt (sông Cầu) và trong cuộc kháng chiến lần thứ 3 năm 1288, ông còn được giao những nhiệm vụ ngoại giao quan trọng, từng đến đồn trại đối phương vờ ước hẹn trá hàng, làm cho họ mất cảnh giác, sau đó cho quân đến đánh phá.

+ Ông được Vua Trần Thánh Tông nể vì, do kiến thức uyên bác về nội ngoại điển, được Vua tôn làm Đạo huynh. Ông sáng tác nhiều thi, kệ, một số được kết tập trong “Thượng Sĩ Ngữ Lục” rất nổi tiếng.

+ Ông là con nhà quan, nhà tướng, hoàng tộc, sĩ phu và là người tiêu dao tự tại nơi cửa Thiền nên khi ông còn sống cũng có nhiều giai thoại rất thiền, rất đặc biệt như sau: 

Một hôm Hoàng Thái Hậu Thiên Cảm mở tiệc trong cung điện. Trên bàn có cả thức ăn mặn và thức ăn chay. Tuệ Trung Thượng Sĩ gắp thức ăn không phân biệt chay hay mặn.

Hoàng Thái Hậu hỏi: “Anh tu Thiềnăn thịt cá thì làm sao thành Phật được?”

Ông cười đáp: “Phật là Phật, anh là anh. Anh không cần thành Phật. Phật cũng không cần thành anh. Em không nghe các bậc cổ đức nói: Văn ThùVăn Thù, giải thoátgiải thoát đó sao?”

Đúng là câu nói của những Thiền sư đã đạt đạo. Chỉ những người liễu đạt được tánh không thì mới trả lời được như vậy. Cái không ấy vượt lên trên tất cả cái có và cái không; nghĩa là Thiền sư khi làm động tác ấy không trụ vào có mà cũng không trụ vào không, mà ông trụ vào chỗ vô trụ; nghĩa là làm cũng như không làm, không làm nhưng mà làm. Đó là bản chất của Thiền, là sự tiêu dao tự tại của những Thiền sư lâu nay vốn vẫn là như vậy.” Đó là bời bình của Thầy Như Điển.

Tuệ Trung Thượng Sĩ luôn luôn an lạc như xưa, ông tiêu diêu tự tại, không đoái gì đến chuyện triều đình nữa, vì ông quan niệm rằng: Phàm làm dân trong một nước, khi quốc gia lâm nguy, kẻ không có học vẫn còn trách nhiệm với sơn hà xã tắc, thì kẻ sĩ không thể ngồi đó khoanh tay lại để chờ thời mà phải xông pha ra chiến trường để dẹp loạn. Sau khi giặc yên, mỗi người trở lại cương vị cũ của mình. Đó là nói về việc chiến tranh, còn bây giờ phương Bắc đã yên, phương Nam lại chẳng có chuyện gì cả, đã vậy đứa cháu làm Thái Thượng Hoàng ấy sang Chiêm Quốc thăm viếng và thấy cảm tình với vua tôi nhà Chiêm nên định gả con gái cho. Như vậy với ông, một kẻ thoát tục đã lâu, không cần để tâm đến nữa.

Qua việc Tuệ Trung Thượng Sĩ bị lịch sử thờ ơ, quên lãng, Thầy Như Điển mong muốn “trả lại những giá trị lịch sử đích thực cho những người làm nên lịch sử về lại với chỗ đứng của họ trong lòng dân tộc Việt, nên chỉ ghi thêm đậm nét đặc biệt của những vị vua, quan, tướng, Hoàng hậu, Công chúa dưới thời Lý cũng như Trần để sau nầy nếu ai đó đọc đến lịch sử Việt Nam thì có thể hiểu rõ ràng cho một thời đại như thế. Nếu không có những bậc nhân tài hiền đức như vậy xuất thân, thì Việt Nam chúng ta sẽ xoay qua một hướng khác, có thể không độc lập tự chủ được một thời gian dài trong 400 năm như thế đâu.” 

Và:

“Là Phật tử, là người Việt Nam, chúng ta không thể quên công ơn to lớn của ông đã cùng Trần Hưng Đạo đánh thắng quân Nguyên Mông, nên ngày nay chúng ta mới có cơ hội tồn tại trên dải đất hình cong như chữ S này.”

Kính mời quý vị độc giả đọc lại 2 bài thơ ca ngợi Tuệ Trung Thượng Sĩ.

* Thiền Tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông ca ngợi:

Ngóng càng thêm cao

Khen càng thêm bền

Bỗng sau lưng đó

Xem lại trước liền

Đó là Thượng Sĩ

Vậy mới là Thiền.

* Và Thiền Tổ Trúc Lâm Pháp Loa kính cẩn tán dương Tuệ Trung Thượng Sĩ:

A!

Gang ròng nhồi lại

Sắt sống đúc thành

Thước trời tấc đất

Gió mát trăng thanh

Ối! 

Theo lời của Thầy Như Điển, chúng tôi đã đọc lại một số bài viết về Tuệ Trung Thượng Sĩ của Quý Thầy Nhất Hạnh, Tuệ Sỹ, Trí Siêu Lê Mạnh Thát và lại thêm bài “Tuệ Trung Thượng Sĩ Kẻ Rong Chơi Giữa Sống Và Chết” của Thầy Thích Phước An; bài “Tuệ Trung Thượng Sĩ Hiện Thân Của Duy Ma Cật Và Bàng Long Uẩn” của Như Hùng và bài “Siêu Tuyệt Thiền Sư Thi Sĩ” của Tâm Nhiên. Ở đây, chúng tôi xin trân trọng đề cập đến một công trình biên khảo rất công phu, nghiêm túc và đầy đặn nhất về Tuệ Trung Thượng Sĩ của Hòa thượng Thích Thanh Từ, đó là tác phẩm Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục Giảng Giải.

Trong Lời Đầu Sách, Hòa thượng Thanh Từ viết:

“... Quyển “TUỆ TRUNG THƯỢNG SĨ NGỮ LỤC” là một tác phẩm trác tuyệt, triết lý uyên thâm, văn chương thanh thoát. Thế mà, rất ít người Việt Nam chịu đọc, vì lẽ rất khó hiểu. Muốn cho đa số người Vệt Nam hiểu được những tác phẩm hay của Tổ tiên mình, hàng Phật tử Việt Nam biết rõ đường lối tu hành của các bậc tiền bối, chúng tôi mạo muội giảng giải ra. Biết rằng làm như thế là trái tinh thần “đa nghi đa ngộ” của Thiền tông, song vì thương những người không biết của báu của ông cha mình, chúng tôi cam nhận sự chê trách của bậc tác giả mắt sáng, cốt cho độc giả đọc hiểu và ứng dụng được phần nào là thỏa nguyện của chúng tôi. Hơn nữa vì làm sống dậy Thiến Học Việt Nam nên chúng tôi không ngại đức mỏng tài hèn cố gắng giảng giải.

Quyển sách này do Ngài Điều Ngự (Trần Nhân Tông) ghi lời dạy của Thượng Sĩ, Thiền sư Pháp Loa lo khắc bản in. Trong phần chữ Hán có chia bốn phần: Đối cơ, Tụng cổ, Thi tụng, Tiểu sử. Chúng tôi dịch giảng đổi phần Tiểu sử lại trước để cho người đọc dễ lĩnh hội hơn...”

Những trang cuối cuốn sách này, Hòa Thượng Thích Thanh Từ viết:

“... Sử ghi rằng: Khi sắp tắt thở Ngài [Tuệ Trung Thượng Sĩ] nằm theo dáng kiết tường sửa soạn đi, thê thiếp thấy vậy khóc rống lên, Ngài mở mắt ngồi dậy quở vài câu rồi nằm xuống đi. Vậy có nhàn không? Ngài là người có địa vị, có gia đình có thê thiếp, biết bao sự trói buộc, mà học đạo rồi ngộ đạo và hằng sống với đạo, nên đối với sự sanh tử Ngài tự tại, đó là điều rất hiếm có.

Ở Trung Hoa ai cũng tán thán gia đình cư sĩ Bàng Long Uẩn, ở Việt Nam cũng có Thượng Sĩ là một cư sĩ ngộ đạo, mà chúng ta ít nghe người đời nhắc nhở tán thán. Ở các chùa thường đọc bài sám có nhắc tới câu “In như thiền định họ Bàng thuở xưa” tức là nhắc tới gia đình ông Bàng Long Uẩn. Thế mà không ai nhắc tới tên Tuệ Trung Thượng Sĩ. Như vậy cái nhìn của người Việt Nam là cái nhìn hướng ngoại, cái gì của người nước ngoài là hay là tốt, còn cái gì của nước nhà là tầm thường là xấu. Đó là cái bệnh hết sức trầm trọng của người Việt Nam. Chúng ta học lịch sử và sự truyền bá của Phật Tổ từ Ấn Độ, Trung Hoa chúng ta đều biết hết. Thế mà những bậc Thầy ở Việt Nam gần gũi nhất, mà chúng ta không biết gì cả, đó là một thiếu sót lớn. Giả sử quý vị biết sự nghiệp ông nội, ông cố, ông sơ, mà cha mẹ quý vị không biết, có được không? Cả ngày chúng ta cứ ca tụng ông sơ, ông cố, ông nội, cha mẹ gần mình mà không đoái hoài tới, có lỗi đạo làm con hay không? Thế nên học, chúng ta phải học cho thấu suốt ngọn nguồn. Phải hiểu Phật GiáoẤn Độ truyền bá thế nào, sang Trung Hoa truyền bá ra sao, đến Việt Nam truyền bá như thế nào, người Việt Nam tiếp nhận Phật Giáo ra sao? Ai là người có công lao cho Phật Giáo Việt Nam hưng thịnh và phổ cập trong quần chúng? Nếu chúng ta biết các Tổ nước ngoài mà không biết đến công lao của những vị Tổ nước nhà, đó là việc đáng trách. Khi đem quyển Ngữ Lục này dạy cho quý vị học, là tôi có ý mong quý vị biết được những điều kỳ đặc cao quý của các Tổ Việt Nam rồi ứng dụng tu theo, để sau này đem ra chỉ dạy cho đàn hậu học biết tìm về nguồn Phật Giáo Việt Nam, như vậy mới xứng đáng là tu sĩ của Phật Giáo Việt Nam.” (Thích Thanh Từ. Tuệ Tung Thượng Sĩ Ngữ Lục Giảng GiảiHội Thiền Học Việt Nam xuất bản, 2005, tr. 560-562.)

LỜI BẠT

Thượng Sĩngọn đèn của Phật Hoàng, lấy tâm truyền tâm.

Đức Phật bỏ ngôi vị vương giả, đến ngồi dưới cội Bồ đề thành chánh giác, diễn nói thừa vô thượng, độ vô lượng chúng sanh, làm thầy trời người, người xưa được thật khai ngộ.

Thượng Sĩ làm Bồ tát tại gia, chấn hưng gia phong của Phật, đề khởi câu nói, dẫn dắt người hậu học, được ánh sáng siêu việt, Phật Hoàng thật được thành tựu chỗ này. Noi theo Phật Thích Ca được Phật Nhiên Đăng thọ ký thành Đẳng Chánh Giác, Phật Hoàng lấy đây ghi thành quyển Lục. Bác Lăng Vương hỏi Thiền Sư Dung đến chỗ cứu cánh, Thượng Sĩ lấy đó làm chỗ tựa.

Bởi vì tâm Phật Hoàng khởi từ cảnh giới Phật Tổ; lời của Thượng Sĩ cùng tột nguồn tâm tánh. Song Thượng Sĩ không thể làm thành đại báo cho Phật Hoàng, Phật Hoàng cũng không thể lên được chỗ uẩn tích của Thượng Sĩ, mà hay khiến người tối được sáng, kẻ điếc được nghe. Đây là sự trợ lực lớn lao cho Phật Giáo vậy.

Một hôm Phật Hoàng sai người mang quyển Lục này đến, bảo rằng: “Duy trì Phật phápnhiệm vụ của Quốc Vương Đại Thần, hãy viết riêng lời tựa và khắc bản in, để cho sự truyền bá được sáng tỏ. Nay Thượng hoàng đế (Trần Anh Tông) sai thần Trần Khắc Chung làm lời bạt ở sau, tức là noi theo vầng ngân hán chói lọi ở trước. Thần Trần Khắc Chung bái nhận quyển Lục này, thắp hương kính đọc. Mới đầu như say, kế đó như tỉnh, rốt sau tâm mắt sáng rỡ, không biết tự vì sao mà được vậy.

Thần kính cẩn đặt bút viết lời bạt.

TRẦN KHẮC CHUNG

(sđd,; tr. 537-538)

Chúng tôi đưa Lời Bạt này của Thượng tướng Trần Khắc Chung vào đây để được đọc lại một lần nữa một áng văn tuyệt vời của một người uyên bác về Phật học, văn võ song toàn. Và nhất là để thể hiện sự đồng thuận rất cao đối với sự khẳng định rõ ràng, minh bạch, dứt khoát với đầy đủ lý lẽ mang tính thuyết phục của Thầy Như Điển đối với Trần Khắc Chung -  một nhân vật lịch sử lớn của Nhà Trần. Từ đó, với chúng tôi, hoàn toàn không có cái gọi là “tình sử Trần Khắc Chung - Huyền Trân Công chúa”. Đây chỉ là sự gán ghép, sự bịa đặt mà thôi.

Chương VI. HƯNG ĐẠO VƯƠNG TRẦN QUỐC TUẤN

“Trần Quốc Tuấn hình như là một nhân vật thời chống Mỹ”. Một sinh viên khoa Sử đã trả lời nhà báo tỉnh bơ như vậy. Nhiều sinh viên cho rằng Vua Càn Long và Vua Gia Long là một người. Theo báo Sài Gòn Giải Phóng(28/1/2018): Cách đây đúng 25 năm, Trường Đại học KHXH-NV TPHCM đã làm một cuộc thử nghiệm về kiến thức lịch sử với sinh viên. Kết quả, trong số hơn 600 sinh viên được khảo sát, chỉ vài chục phần trăm biết vua Hùng là Tổ nước ta. Còn anh hùng dân tộc nổi tiếng nhất lại là Quan Vân Trường. Thi tốt nghiệp, cả một trường trung học chỉ có một em đăng ký thi môn lịch sử. Những cảnh báo trên, dường như chẳng có ai để ý”.

Trong khi đó, vào tháng 2 năm 1984, Hội đồng Khoa học Hoảng gia Anh quốc đã tổ chức một cuộc họp với sự có mặt của 478 nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử quân sự của nhiều nước trên thế giới.

Hội nghị đã đề cử danh sách 98 tướng, soái xuất sắc từ thời cổ đại cho tới ngày nay rồi tiến hành lựa chọn 10 tướng, soái kiệt xuất để in trong cuốn Bách khoa Toàn thư nước Anh. Kết quả bầu chọn: Ở thời trung đại chỉ có một vị tướng đó là Trần Quốc Tuấn với số phiếu tuyệt đối 100% (478/478).

The New Encyclopedia Britannicaviết về Trần Quốc Tuấn như sau (Dịch theo bản tiếng Anh trong TNEB Volume X, tái bản lần thứ 15), dẫn theo bài của Nhà giáo Dương Bích Hồng - Petro Times 22/2/2014.

 Trần Hưng Đạo, họ tên làTrần Quốc Tuấn, được phong là Hưng Đạo Vương (năm 1300), một gương mặt gần như huyền thoại của lịch sử Việt Nam, nhà chiến lược quân sự xuất sắc đã đánh thắng quân Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn, và là người anh hùng dân tộc trong nền văn hóa Việt Nam ngày nay.

Vương triều Đại Việt bị quân Mông Cổ tiến công lần thứ nhất năm 1253. Khi Thành Cát Tư Hãn đòi tiến quân qua đồng bằng sông Hồng để đánh chiếm nước Trung Hoa từ hướng Nam, trong lời Hịch tướng sĩ đầy xúc động, tướng quân Trần Hưng Đạo đã kêu gọi quân đội đánh đuổi xâm lược vì sự thống nhất của Tổ quốc, ông ban bố cuốn Binh thư yếu lược, một cẩm nang về nghệ thuật quân sự.

Trong lời tựa, ông phác ra tư tuởng Nho giáo về tinh thần trung quân, ái quốc và nghĩa vụ hy sinh chiến đấu thiêng liêng gần như là một bổn phận tín ngưỡng.

Sau một số trận thắng không quyết định, Hưng Đạo dụ hạm đội của quân Mông vào cửa sông Bạch Đằng năm 1288. Các chiến thuyền của Thành Cát Tư Hãn đã bị những cọc bịt sắt của quân nhà Trần cắm dưới mặt nước xé toạc và nhấn chìm, phỏng theo cách đánh của Ngô Quyền, một nhà quân sự lỗi lạc trước đó, năm 939.

Theo một số nguồn tư liệu, chiến dịch của Trần Hưng Đạo giành được thắng lợi là nhờ có sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Ông đã có công lớn trong việc truyền bá tư tưởng yêu nước trong nhân dân Việt Nam. Chính vì thế mà ông trở thành biểu tượng của Phong trào kháng chiến ở thế kỷ XX, bắt đầu từ cuộc kháng chiến chống Pháp.”

Đọc tiểu sử Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, chúng tôi rất cảm động về lời Vương căn dặn trước khi mất:“Thi hài hỏa táng chôn trong vườn An Lạc, gần cánh rừng An Sinh, không xây lăng mộ, lấp đất bằng phẳng, rồi trồng cây như cũ”. Vương mất ngày 20-8 năm Canh Tý (1300), ai ai cũng tiếc thương, triều đình cho lập đền thờ ở Kiếp Bạc, huyện Chí Linh, Hải Dương. Dân chúng tôn kính gọi là Hưng Đạo Vương, Hưng Đạo Đại Vương, Đức Thánh Trần, đây là điều đặc biệt trong lịch sử. Nghiệm ra rằng chỉ có người sống tự tại, xem chết-sống chỉ là một hơi thở như lời dạy của Đức Phật mới để lại cho đời, cho người một bài học sâu sắc như vậy.

Xin trở lại với chương Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn của Thầy Như Điển:

Đọc chương này và một số bài viết về Vương của các tác giả khác; qua đó, chúng tôi có thêm cơ sở để khẳng định rằng, bằng tâm huyết, trí tuệ, bằng sự tôn trọng lịch sử, tôn trọng quá khứ... để suy ngẫm và rút ra những bài học thành công hay thất bại rất hữu ích cho ngày nay. Với sự am hiểu lịch sử nước nhà, bám chặt rễ vào lịch sử dân tộc, nhất là lịch sử Đời Trần; với lòng tôn kính tiền nhân, Thầy Như Điển đã phục dụng chân dung khá toàn diện của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.

Bài viết của Thầy đã xoáy sâu vào tâm cảm chúng tôi, cuốn hút chúng tôi vào việc chiêm ngưỡng chân dung kỳ vĩ, cao vời của Hưng Đạo Vương và làm sống dậy những trang sử hào hùng trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Những sự kiện lịch sử oai hùng của dân tộc, những anh hùng kiệt xuất đó của dân tộc cùng với Hội nghị Diên Hồng - mà có nhà văn đã cho rằng đây là một Hội nghịtính chất hoàn toàn dân chủ, là nguyên nhân chính đưa đến chiến thắng Bạch Đằng ba năm sau đó; của Hịch Tướng Sĩ, củaBình Ngô Đại Cáo... là những ngọn đuốc thắp sáng niềm tin của chúng ta trong những đêm dài tăm tối của một “Biển Đông dậy sóng!”

Trong chương này, Thầy Như Điển đã trải lòng mình ra, đã đắm mình trong lịch sử, trôi theo dòng lịch sử, thổi vào những trang viết của mình những cảm xúc chân thành và trí tưởng tượng phong phú. Chất văn, chất sử quấn quít, hòa quyện vào nhau. Mạch văn, ý văn nhuần nhuyễn, tinh tế. Bút lực mạnh mẽ, cuốn hút, giàu hình ảnh. Với chúng tôi, bài Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấncủa Thầy Như Điển là một bài viết hay nhất, có giá trị nhất. Quá lâu rồi, chúng tôi mới đọc được một bài đáng đọc như vậy. Xin niệm ân Tác giả, và xin được đọc lại một lần nữa đoạn cuối trong bài này của Thầy Như Điển:

“Nhìn xuyên suốt cuộc đời hành hoạt của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn qua suốt 4 đời Vua Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông và Anh Tông, ông đã một lòng vì quốc gia đại sự và với tâm nguyện quên thù nhà để trả nợ nước, nên qua 3 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông vào năm 1258, 1285 và 1288 chúng ta đều thấy rõ nét sự hy sinh của ông lúc xông trận đánh giặc, lúc phò vua cứu giá, lúc thưởng phạt cho binh sĩ, lúc ra hịch thúc quân v.v…, lúc nào cũng như lúc nào bốn chữ: Trung Quân Ái Quốc vẫn nằm trong tâm khảm của ông và chưa một lần thất bại, dầu ở trận đánh nào. Cho nên Thượng Hoàng Thánh Tông và Hoàng Đế đương triều Nhân Tông phong cho ông là “Thượng Phụ” cũng quá xứng đáng cho một đời chinh y đầy bụi, và sĩ khí can cường kia đã làm cho người đời sau phải tự nghiêng mình trước những nghĩa cử cao cả của Hưng Đạo Đại Vương.”

Chương VII. CÔNG CHÚA HOÀNG TRIỀU

Mở đầu chương này, Thầy Như Điển viết:

“Từ bao đời nay, những người sinh ra và lớn lên ở bất cứ nơi nào đó trên cõi đời nầy đều có sự liên hệ với quá khứ của mình cả. Dầu cho đó là quá khứ của một kiếp hay hai kiếp sống trước đó, nhưng cũng có rất nhiều trường hợp phải trải qua nhiều kiếp như thế, thì chu kỳ sinh diệtnhân quả mới gặp lại để trả ân hay trả oán, để hưởng phước lộc hay bị khổ lụy nơi chốn đọa đày. Với Phật giáo, thuyết nhân quả Đức Phật đã dạy tự ngàn xưa và cũng không phải Đức Phật sáng tạo ra thuyết nầy, mà Ngài chỉ là người chỉ rõ cho chúng sanh thấy về nhân duyênnghiệp lực để thực hành với tư cách là một người Phật tử xuất gia hay tại gia. Ngài cũng chỉ giống như một kẻ dẫn đường, còn chúng ta chỉ cần theo dấu chân của người đi trước đã vạch sẵn, thì chúng ta sẽ có một lộ trình ngay ngắn, thẳng tắp trên đoạn đường sinh tử của mình”, qua dẫn chứng trường hợp Thái tử Tất Đạt Đa ra đời như chúng ta đã biết.

Chúng tôi tóm tắt đôi điều về Huyền Trân Công chúa, qua bài viết này:

+ Nhà Vua muốn các con của mình được tài giỏi nên đã tuyển chọn những vị quan văn tài võ giỏi dạy cho các Hoàng tử và Công chúa học chung với các vương tôn công tử khác trong Trường Quốc Tử Giám. 

+ Lần đầu tiên khi lên 4 lên 5 tuổi mà Huyền Trân đã nhận thấy cũng như phân biệt được thế nào là người cùng họ, khác họ hay người ngoại quốc rồi.

+ Huyền Trân được hưởng một nền giáo dục tốt nhất và căn cơ nhất ngay từ nhỏ. Cô bé say mê nghe nghe kể chuyện Phù Đổng Thiên Vương đại phá giặc Ân, rồi nào là Sơn Tinh Thủy Tinh, Cây tre trăm đốt, Sự tích cây Nêu ngày Tết, chuyện Công chúa Tiên Dung và Chữ Đồng Tử, Đầm Dạ Trạch v.v… đến chuyện Đường Tăng đi Ấn Độ thỉnh kinh. Những bài học như thế ghi những dấu ấn sâu đậm, kích thích sự tưởng tượng lành mạnh trong tâm hồn cô bé Huyền Trân.

Đến năm 7 tuổi, cùng với các Công tôn Vương tử, Huyền Trân phải học chữ Hán và Tứ Thư, Ngũ Kinh, phải biết xem ngày, xem hướng và đặc biệt là phải biết rành rẽ giáo lý của Phật Giáo. Thời kỳ nầy được gọi là thời kỳ “Tam Giáo Đồng Quy”. Ở cái tuổi này mà Huyền Trân đã như một người lớn tuổi. Huyền Trân lại có điều kiện nghe cậu ruột của mình là Tuệ Trung Thượng Sĩ đàm đạo Phật pháp với bà Nội Thiên Cảm và cả Phụ hoàng cũng như Tổ phụ của mình nữa. Lâu lâu nghe người lớn nói chuyện, Huyền Trân tuy chưa hiểu gì, nhưng thấy cũng hay hay.

Cũng trong năm này, Vua Trần Nhân Tông chính thức nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông và ông lên làm Thái Thượng Hoàng, lui về ở Phủ Thiên Trường. Và rồi, ngày mồng Tám tháng Hai năm 1294, Vua xuất gia tại Chùa Bảo Tháp dưới sự chủ trì của Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ.

Nghe những lời đối đáp của Phụ thân và Mẫu hậu rồi chứng kiến buổi lễ xuất gia của Phụ hoàng, Huyền Trân đã bắt đầu lưu tâm về những từ như “vô thường”, “cuộc đời là mộng ảo”, “Niết Bàn”. Rồi Huyền Trân lại nghe đến chữ “ái”, chữ “thân” cũng như chữ “nhân”, khiến nàng cũng thầm hiểu là chuyện ái ân chồng vợ xưa nay vốn là sự ràng buộc chăng?

Có lần Huyền Trân hỏi chú Khắc Chung

- Chú thấy Phụ Vương con hôm nay [ngày nhà Vua xuất gia] có đẹp không? 

- Sau nầy con lớn lên, con có thể xuất gia được không?

Cảm nhận những điều gì đó quá đặc biệt của Hương Tích tại núi Yên Tử, rồi tại suối Giải Oan, Huyền Trân mới cảm nhận được rằng cõi Phật mới chính là cõi giải thoát sanh tử luân hồi, còn trần gian thì phải vướng nhiều sự hệ lụy. Khi nhìn cung cách đạo mạo uy nghi của Phụ Vương qua mảnh áo nâu sồng, nàng thấy cha mình hạnh phúc hơn xưa rất nhiều và bây giờ tâm của ông rạng ngời như ánh sáng mặt trời, với ánh sáng ấy có thể rọi khắp muôn phương. Nếu ông tiếp tục làm vua hay Thái thượng hoàng thì ông chỉ làm lợi cho một ít thần dân mà thôi, còn ở đây tuy ông không có gì, nhưng ông đã có tất cả. Ông có thiên nhiên, có bầu trời và có cả một tâm Phật bao la rộng lớn như thế. Quả thật là phúc báu vô ngần.

Mới chỉ ngần ấy tuổi thôi mà Công Chúa Hoàng Triều  đã cảm nhận được những điều cao xa như vậy về cõi Phật, về Phụ thân sau khi xuất gia. Thật xứng danh với cái tên: Huyền Trân (Huyền là màu đen, mà Huyền cũng có nghĩa là đẹp và Trântrân bảo, trân quý, trên đời ít có.)

Chương Công Chúa Hoàng Triều kết thúc khi Huyền Trân về lại Hoàng cung để học hành, cũng như phải làm sao vừa lòng Mẫu hậu và những người chung quanh mình, khi mà Phụ hoàng không còn trực tiếp chăm lo cho mình ở Thiên Trường nầy nữa. Và rồi lại mở ra mấy chương có thể mang nhan đề: Ngàn Dặm Gió Sương.

Chương VIII. NGÀN DẶM GIÓ SƯƠNG

“Ngàn Dặm Gió Sương” – một nhan đề thật giàu ấn tượng và nhiều ẩn dụ. Nó chính là những ghi chép, những mô tả, những cảm nhận về phong cảnh, về con người, về tôn giáo v.v… trong cuộc viễn du của Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông từ Yên Tử đến Chiêm Thành.

Những bước chân trong Ngàn Dặm Gió Sương nầy khiến chúng ta bồi hồi xúc động khi nghĩ đến, khi nhớ về những bước chân “Hoằng Pháp Là Nhiệm Vụ, Lợi Sanh Là Lẽ Sống” của Đức Phật, của Ngài Huyền Trang trong cuộc thỉnh kinh vô tiền khoáng hậu trong lịch sử nhân loại, của rất nhiều bậc Thầy khác nữa mà một số vị mà chúng tôi đã được đọc trong sách Cổ Thụ Lặng Bóng SoicủaVăn Công Tuấn. 

Sau khi soạn lại Kinh Thập Thiện cho rõ ràng dễ hiểu hơn, Trần Nhân Tông quyết chí đi về phương Nam để thăm Chiêm Quốc. Thái Thượng Hoàng thấy rằng sau những cuộc chinh chiến thắng quân Nguyên Mông như thế, dân tình rất khốn khổ không đủ ăn, đủ mặc, tiền của đâu có dư để mà đến trường học chữ của Thánh Hiền, nên ông đã quyết chí đi lần nầy là muốn tận tai nghe và tận mắt thấy về cuộc sống tâm linh cũng như cuộc sống về vật chất của họ ra. Ngài cảm thấy an vui tự tạicảm thấy rằng việc quyết định xuôi Nam của Ngài là điều tốt đẹp để thể hiện hạnh đầu đà của Ngài cũng như có cơ hội để tiếp cận đến dân chúng nhiều hơn trước đây.

Ngài đã đi - đi bộ thôi, qua nhiều nơi trên quê hương Đại Việt thân yêu như đèo Cả, rồi đèo Ngang và qua cả sông Gianh… Đầu năm 1301 thì Giác Hoàng đã đến tận đèo Hải Vân. Trên đường đi, Ngài giảng về tội cố sát, việc nói không thật. Lần nầy Kinh Thập Thiện được giảng đến chỗ thâm sâu của ý nghĩa hơn, nên Giác Hoàng cố gắng tập trung tư tưởnggiảng giải làm sao những điều khó hiểu mà bàng dân thiên hạ có thể hiểu được điều Ngài nói, thì đó là sự thành tựu của Pháp rồi. Lần nầy Ngài nói về không tham, không sân và không si.

Khi biết rằng Giác Hoàng và đoàn tùy tùng đã qua khỏi đèo Hải Vân, Chế Mân và triều đình đã đem quan quân, kiệu võng, xe ngựa v.v… để đón rước Thượng Hoàng. Tiếp đó là 9 tháng mà Thượng Hoàng đã chú tâm tìm hiểu về cuộc sống của muôn dân cũng như văn hóa và nghệ thuật của nước nầy. Giác Hoàng cũng không ngờ là tại Bằng An cũng đã có Phật Học Viện Phật Giáo cũng như Ấn Giáo và Hồi Giáo đã được xây dựngđào tạo chung, hệt như tam giáo Phật, Nho, Lão tại quê hương Đại Việt. Ở đây chỉ khác là tinh thần Phật Giáo Nam Truyền chiếm đa số hơn Bắc Truyền, nên Ngài cũng phải “nhập gia tùy tục” vậy.

Chế Mân say sưa giới thiệu cho Giác Hoàng nghe về các địa danh như: Vijaya, Kauthara, Panduranga v.v…, cũng vào năm 875 tại kinh đô Mỹ Sơn có một Phật Học Viện Phật Giáo lớn nhất tại Đồng Dương lúc bấy giờ, bởi lẽ Vua Indravarman rất sùng bái Phật Giáo và lấy tên là Laksurindra – Lokesvara. Có rất nhiều nhà Sư Ấn Độ nổi tiếng sống tại trung tâm nầy để dạy đạo vào thời điểm xa xôi ấy.

Giác Hoàng càng suy nghĩ nhiều hơn về tấm chân tình của Chế Mân cũng như nhân dân Chiêm Quốc trong 9 tháng qua đã đối xử với mình một cách chân thànhấn tượng. Suy nghĩ thật chín chắn về những dự định của mình rồi, nhân một sáng mùa Thu năm 1301 tại kinh đô Đồ Bàn (Vijaya) trước mặtquan văn võ của Triều đình Champa, Thượng Hoàng Trần Nhân Tông đã long trọng tuyên bố việc ước gả Huyền Trân Công chúa cho Chế Mân. Đây là điều mà thật ra trước khi sang Chiêm Thành, Thượng Hoàng Trần Nhân Tông chưa bao giờ nghĩ đến. Nó chỉ phát xuất khi Ngài trông thấy những công trình mỹ thuật điêu khắc của các đền đài cung điện tại Mỹ Sơn, Đồ Bàn và Nha Trang v.v… cũng như sau khi tiếp xúc với dân chúng khi đi khất thực hằng ngày, Thượng Hoàng mới nghĩ ra điều đó. Có nghĩa là nếu cả hai nước Đại Việt và Chiêm Thành đang có biên giới liền nhau và phong tục, tập quán, ngôn ngữ v.v… tuy khác nhau rất nhiều, nhưng tinh thần đề phòng sự xâm lăng phía Bắc từ Trung Quốc thì không khác. Nếu cả 2 nước đều có mối giao hảo tốt hơn là mối giao hảo bình thường thì đó là một điềm lành, có lợi cho cả hai dân tộc, nên ý định gả Huyền Trân cho Chế Mân chỉ xuất phát từ ý định đó, chứ ngoài ra Thượng Hoàng Trần Nhân Tông đã không vì Chế Mân chiêu đãi quá đặc biệt mà có ý lợi dụng người đứng đầu của Chiêm Quốc. Vả lại Chế Mân đã có Chánh cung Hoàng hậu Tapasi, thì Huyền Trân có về đó cũng chỉ làm thứ phi là cùng…

Chúng tôi nghĩ không những trong chương IV (Nhà Vua Trần Nhân Tông) và chương này viết kỹ về Trần Nhân Tông mà trừ ba chương đầu, các chương còn lại bàng bạc hình ảnh kỳ vĩ, cao vời của Vua Trần Nhân Tông. Xin được chia sẻ với quý độc giả một vài thông tin liên quanchúng tôi đồng thuận và chọn lọc như sau đây:

+ Hồ Trung Tú, tác giả cuốn Có 500 Năm Như Thếđược giải thưởng Sách Hay năm 2012, trong bài Đi Tìm Ý Nghĩa Thực Của Đám Cưới Huyền Trânđã viết:

“Trong lịch sử mối quan hệ Việt Chăm có một thời kỳ vô cùng đặc biệt, đó là giai đoạn cùng nhau hợp tác chống lại quân Nguyên Mông.

Sử Ký Toàn Thư và Cương Mục của Đại Việt chép lại thật ít các sự kiện này, thế nhưng trong các sách Trung Hoa, nhất là Nguyên sử, chúng ta tìm thấy nhiều chi tiết thật thú vị để từ đó có thể hiểu hơn việc Nước non ngàn dặm ra đi - cái tình chi - mượn màu son phấn - đền nợ Ô- Lý... buồn hiu hắt trong câu ca Huế điệu Nam Bình.

Dài dòng ra ngoài bài một cái chuyện vô cùng to như vậy không nhằm chứng minh pháp môn chính thức của Trúc Lâm Yên Tử là gì mà chỉ để góp phần hiểu mục đích thực sự Trần Nhân Tông trong chuyến vân du đến Chiêm Thành là thực sự vì đạo chứ không phải vì mục đích chính trị, và gả con gái Huyền Trân cho Chế Mân để lấy về Ô, Lý không phải là tâm thức, mục đích của người đã thực sự vì đạo như Trần Nhân Tông lúc ấy.

... Việc hứa gả Huyền Trân của Nhân Tông là không kèm điều kiện mà thực sự xuất phát từ sự nhận thấy Chế Mân là khả ái. Theo Maspéro, Chế Mân vì thấy triều đình do dự nên đã tự tăng thêm quà sính lễ.Và với hai Châu Ô, Lý; Trần Anh Tông đã đồng ý gả em gái.

Nhiều đánh giá khác nhau về cuộc hôn nhân này cho đến tận hôm nay; nhưng cho dù thế nào chăng nữa thì điều đó cũng ở ngoài ý nghĩ của người tạo nên cuộc hôn nhân đó, tức Trần Nhân Tông.

Đám cưới Huyền Trân đã được các nhà làm sử thời Lê đóng đinh vào Sử Ký Toàn Thư bằng những lời nhận xét khắc nghiệt: “Nhân Tông đem con gái gả cho Chiêm Thành là nghĩa làm sao? Nói rằng nhân đi chơi đã trót hứa gả, sợ thất tín thì sao không đổi lại lệnh đó được? Vua giữ ngôi trời mà Thượng Hoàng đã xuất gia rồi, vua đổi lại lệnh thì có khó gì mà đem gả cho người xa giống nòi để thực hiện lời hứa trước?”. Ngô Sĩ Liên khi chép những lời bạt ấy hẳn đã có một độ lùi khá xa khi nhìn Chiêm Thành; với Trần Nhân Tông thì Chiêm Thành gần gũi hơn nhiều, đó không chỉ là trung tâm Phật Giáo mà, như đã nói, Thăng Long, trong các hố khảo cổ thời Lý Trần, là gần với phương Nam nhiều hơn phương Bắc.”

+ Hồ Đắc Duy trong bài: Trần Khắc Chung Và Huyền Trân Công Chúa viết:

Và Marco Polo nhận định về Chế Mân: "... một người thanh niên anh hùng đó đã không chịu lùi bước trước kẻ thù."

Xem như vậy giữa vua Trần Nhân Tông và Chế Mân đã có một sự gắn bó, liên kết với nhau trong một liên minh chống lại trong mưu đồ đánh chiếm vùng Đông Nam Á của quân Mông Cổ.

... Việc Thượng hoàng Trần Nhân Tông gả Công chúa Huyền Trân cho vua Champa ngoài việc thắt chặt bền vững thêm mối dây liên kết, tạo thêm sự hòa hiếu giữa hai nước, chắc chắn Thượng hoàng Nhân Tông, một vị anh hùng dân tộc đã từng đánh bại quân xâm lược Mông Cổ hai lần, một nhà ngoại giao khôn khéo, một vị lãnh đạo tài ba và cũng là một vị thiền sư trầm mặc phải có một cái nhìn như thế nào về Chế Mân và hạnh phúc lứa đôi cho người con gái yêu dấu của mình khi ngài quyết định gả Công chúa cho vua Champa lúc nàng mới lên 12 tuổi (1301). Sau khi hứa gả Thượng hoàng Trần Nhân Tông chắc chắn đã phải sửa soạn cho công chúa một chế độ giáo dục đặc biệt, nhất là về ngôn ngữ, phong tục, văn hóa Champa. Và, Thượng hoàng chỉ cho phép thực hiện điều đó khi cô con gái cưng của ông đến tuổi trưởng thành, vững vàng trong cuộc sống vợ chồng và có một số vốn kiến thức văn hóa, phong tục, tập quán cũng như ngôn ngữ Champa.

Chương IX. MỐI TƠ VƯƠNG DẦN HIỆN

Chương này viết về việc Công chúa Huyền Trân sẽ được gả sang Chiêm Quốc. Nghe tin này từ các nữ tỳ ở Vườn Ngự Uyển, Phủ Thiên Trường, Huyền Trân thốt lên: “Ta còn nhỏ dại, mới 14 tuổi đầu. Tại sao lại có chuyện nầy?”

Như chúng ta đã biết Giác Hoàng Thiền sư sau 9 tháng ở Chiêm Quốc, Ngài đã về lại Ngọa Vân Am và cùng đàm đạo với một phái đoàn gồm có Hoàng hậu Khâm Từ, Tuệ Trung Thượng Sĩ, Vũ Thành Vương Doãn, cho đến Thượng Tướng Trần Khắc Chung, Lưỡng quốc Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi, Vua Anh Tông, Thiên Trân, Huyền Trân Công chúa và những người cận vệ của Hoàng Đế đương triều.

Qua cuộc “hội ngộ” thâm tình này, với những ý kiến của Khâm Từ Hoàng hậu và các thành viên khác nhằm giải đáp những thắc mắc, những băn khoăn mà Huyền Trân Công chúa đã đặt ra ở trên. Xin được ghi lại thâm ý của Giác Hoàng như sau:

+ “Mục đích chính của ta muốn sang Chiêm Quốc là vì muốn tình giao hảo của hai nước càng ngày càng gần gũi hơn, và sau 9 tháng sống tại đó ta thấy rằng Chế Mân là một bậc quân vương anh hùng, tài ba lỗi lạc. Cai trị dân được ấm no, hạnh phúc, nhà nhà đều nghe tiếng giã gạo dưới ánh trăng khi mùa màng đã gặt hái, và đặc biệt là những kiến trúc chùa tháp thật là kỳ vĩ, có những đường cong giống như Ấn Độ Giáo, không lai kiểu kiến trúc Trung Hoa như đất nước Đại Việt của mình và còn nhiều thứ nữa cũng đáng nói lắm đấy chứ!”

+ “Phàm là con gái lớn lên phải lấy chồng, đó là việc trời đất xưa nay. Bây giờ Huyền Trân đã 14 tuổi, cái tuổi đã bắt đầu lớn khôn hiểu biết rồi. Vả lại cũng phải đợi năm ba năm nữa mới làm lễ cưới, nhiều lắm là lễ đính hôn nay mai để giữ lấy hôn ước ấy. Trừ phi Huyền Trân xuất gia thì không ai nài ép gì cả.”

+ “Việc học chữ Chiêm Thành thì nhờ Lưỡng Quốc Trạng Nguyên tìm Thầy dạy cho Huyền Trân. Hoàng hậu Khâm Từ hướng dẫn cho công chúa biết cách xử sự đối với chồng, cũng như dạy cho công chúa những lễ nghi cần phải biết trước khi về làm dâu Chiêm Quốc. Còn Anh Tông hãy chọn người tài vào Quốc Sử Giám và Quốc Sử Quán để chuẩn bị cho sự giao hảo giữa hai nước, trước cũng như sau khi thành thân giữa Đại Việt và Chiêm Thành.”

- Khi Giác Hoàng biết được ý định của Vua Anh Tông, Hưng Đạo Vương, Trần Khắc Chung về việc đòi Chiêm Thành nộp hai Châu Ô, Lý để nạp sính. Giác Hoàng cho biết: “Việc nầy ý các khanh như thế nào? Chứ còn ta thì đơn giản lắm. Chỉ vì ta thấy Chế Mân là một ông vua nhân từ, một anh hùng dân tộc của Chiêm Quốc. Vả lại suốt 9 tháng trường ta thực hành hạnh đầu đà đi khất thực hằng ngày để nuôi thân và hành hạnh của người xuất gia, ta thấy dân chúng ở đó rất là hạnh phúc, vì họ hiểu đạo lý cổ truyền, gìn giữ những gì xưa cũ và với tấm lòng từ bi của ta, ta chỉ muốn đem con gái Út của mình gả về đó làm vợ Vua Chế Mân thì hai nước Đại Việt và Chiêm Thành càng ngày sẽ càng được thân thiện hơn xưa nữa.”

Chúng tôi nghĩ chắc chắnchúng ta sẽ rất thấm thía và cảm động về nghĩa tình cha-con qua đoạn đối thoại này giữa Giác Hoàng và Huyền Trân Công chúa:

- Huyền Trân thưa: “Muôn tâu Đại sư, Mẫu hậu, hoàng huynh, quý cậu và chú, bác hiện tiền. Con vốn còn nhỏ dại chưa biết gì. Cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” và ngày xưa khi Đại sư xuất gia tại Chùa Bút Tháp, lúc ấy con mới 9 tuổi, nhưng khi thấy cậu Tuệ Trung đặt dao kéo lên đầu của Đại sư để cắt đi mái tóc hoa râm, lòng con xúc động vô cùng và kể từ dạo ấy con luôn tâm niệm rằng: Nếu một ngày nào đó con được theo Đại sư xuất gia đầu Phật, thì quả là một phước báu cho con.”

- Bậy nào! Con gái của ta tuy hiểu biết cái khổ của đường tình duyên là gì rồi và sợi dây tơ của bà Nguyệt Lão đã xe cho hai người nam và nữ trở thành chồng vợ vẫn là chuyện đã an bày xưa nay mà!

- Con hổng chịu đâu! Con đâu thấy ông tơ bà nguyệt nào đâu! Con chỉ thấy Đại sư đã đi tu rồi, tại sao lại còn buộc con vào đường tình ái. Nếu cuộc đời nầy là hạnh phúc miên viễn, thì tại sao Đại sư không ở lại với chúng con tại Phủ Thiên Trường để hưởng vinh hoa phú quý, mà vào núi Yên Tử để làm gì vậy?

- Người lớn đã định ước rồi, thì con nên nghe theo và nếu ngày sau con vẫn còn có ý định xuất gia như ta vào lúc cuối đời cũng đâu có muộn. Xuất gia không phải chỉ để cạo tóc, mà cạo tâm. Vả lại ta thấy mái tóc của con còn xanh mướt một màu, hãy khoan vội chán cảnh sống lứa đôi, cố tìm nơi tịch tĩnh thì cũng chẳng lợi lạc gì trong lúc nầy.”

chúng ta cũng rất cảm động, rất trân quý về tình Mẹ-con của Khâm Từ Hoàng hậu - Huyền Trân Công chúa.

Sau khi ở Yên Tử về, Hoàng hậu Khâm Từ và Công chúa Huyền Trân thì âu sầu ủ dột, mẹ con không rời nhau nửa bước, vì bà biết rằng con mình còn nhỏ dại chưa biết luật nghi của triều đình Chiêm Quốc như thế nào, khi một nàng dâu từ ngoại quốc về đó đóng vai thứ phi. Sự ăn uống ra sao? Ngôn ngữ sẽ như thế nào khi giao tiếp. Tuy nhiên theo phép tắc của hoàng triều và tinh thần “Tam tòng tứ đức” của Nho gia bà cũng đã dạy cho Huyền Trân rất kỹ về “Tứ Chánh Cần”, về “Tam Tòng Tứ Đức”. Mẹ giảng giải cho con rất kỹ về Công, Dung, Ngôn, Hạnh...

Chúng tôi trích dẫn nguyên văn những đoạn trên để chúng ta có thể hiểu rõ, hiểu đúng cái tâm nguyện hiếu hòa, từ bi, xem Đạo là trên hết của Giác Hoàng Thiền sư. Lại xin trích dẫn đoạn dưới đây để cảm nhận kỹ hơn, sâu hơn về điều mà Thầy Như Điển đã rất khéo léo gọi là “Mối Tơ Vương”:

“Nàng nằm đó và suy nghĩ mông lung về người chồng tương lai. Ta với Chế Mân, hai người xa nhau trong muôn vạn dặm, chỉ biết về nhau qua Phụ hoàng ta thôi, và bây giờ ta phải làm vợ người. Nhưng cái tơ vương ấy từ đâu đến mà quấn chặt lấy ta như vậy? Nếu nói là tình yêu thì không đúng, vì trong tim ta chưa có hình ảnh của người ấy ngự trị. Hay là ta đã dễ dàng chấp nhận và tơ vương một mối tình mà Phụ hoàng ta đã vì việc nước, việc dân mà gán ép cho ta? Phận con gái chỉ biết vâng lời, nếu cãi lại lệnh cha, tức phạm vào tội khi quân, ta đâu nào dám, nhưng ta hy vọng rằng Phụ hoàng ta có cái nhìn đứng đắn, chuẩn mực.

 Kẻ đa tình nào cũng là những kẻ yếu đuối, háo sắc, kể cả đàn ông lẫn đàn bà. Họ đa tình hay bị lụy vì tình, bởi vì họ không làm chủ được trái tim của chính mình vậy. Nhịp đập của con tim nó không đi đôi với sự sai khiến của lý trí, nên mới đa tình như vậy. Thế nhưng đã bị mắc vào lưới tình rồi, thì không cách nào gỡ cho ra được. Cho nên Đức Phật cũng đã dạy rằng: “Nếu có kẻ nào đó bị đọa vào địa ngục trong trăm ngàn kiếp, sau khi mãn hạn cũng có ngày ra khỏi được những chốn đọa đày kia. Còn những ai đã bị lưới tình giăng bủa thì cả trăm nghìn kiếp cũng vẫn mãi bị buộc ràng”. Vậy thì ta và chàng có duyên nợ ba sinh gì đây chăng? Khác chủng tộc, khác ngôn ngữ, khác tập quán… thế mà thành vợ chồng, kể ra cũng là một điều lạ. Nhưng thôi! Bây giờ suy nghĩ mãi chuyện ấy cũng đâu có lợi ích gì. Nó! Chính cái tình ấy nó đã khuấy động tuổi thanh xuân của ta. Đúng là con ma ở cõi nào đến đây phá đám ta rồi còn gì nữa. Chỉ có con ma yêu tinh nầy ở một cõi xa xăm nào đó nó đã giăng bẫy tình, đã cài sâu vào tâm thức của hai kẻ lâu nay ở xa nhau không biết, mà bây giờ nó buộc vào thì làm sao gỡ cho ra đây. Dầu cho những đấng tài hoa hay những người mệnh bạc cũng đều bị dây tơ tình ái nầy cột chặt lại. Chỉ có những con người xuất trần thượng sĩ như Phụ vương ta, mới là người đáng ngưỡng mộ. Nhưng ta không hiểu tại sao Phụ vương ta đã tìm cách thoát tục xuất gia, mà còn ta thì không thể, ông còn buộc ta vào một tình thế khó phân giải như thế nầy?

Ôi! Cái tình là cái chi chi? Xưa nay chẳng ai định nghĩa được. Khi đất trời nầy hình thành, sinh vật hiện hữu thì đã có những thứ tình nầy rồi.” Và: “Cái tình nầy nó ghê gớm lắm. Dẫu cho người chết đã 1.000 năm đi nữa, mà khi nghe đến chuyện tình lại phải lòm còm bò dậy lắng nghe để rồi chấp nhận hay để tơ vương!!! Quả thật là khủng khiếp. Nó đến lúc nào ta cũng không hay, nó đi lúc nào ta cũng không biết. Thế mà nó đã làm cho không biết bao nhiêu người khổ đau vì nó.”

Con đường phía trước của Huyền Trân Công chúa chắc hẳn sẽ có nhiều hoạn nạn, khổ đau. Xin niệm câu thần chú “Án Ma Ni Bát Di Hồng” để mọi việc đó sẽ dễ dàng tiêu tan.

Chương X. TƠ TRỜI AI DỆT?

Chương này bắt đầu từ khi đoàn tùy tùng Chiêm Quốc qua Đại Việt về đến Kinh đô Đồ Bàn tâu trình lên Quốc vương Chế Mân, cùng triều đình và bá quan văn võ việc mà Đoàn không không thể quyết định được, đó là việc Chiêm Quốc phải dâng nạp hai Châu Ô, Lý thì Đại Việt mới cho rước Huyền Trân Công chúa về bổn quốc.

Trước một vấn đề đại sự của sơn hà xã tắc như thế, Chế Mân trầm ngâm lo nghĩ và thấy cần phải hỏi ý kiến của triều thần. Các lời tâu của các quan tập trung vào những nội dung chính sau đây:

- Việc Chế Mân lập Hoàng hậu Tapasi, người Java lên làm Chánh cung đã làm thiên hạ trong nước lắm điều dị nghị. Nay, chỉ vì một lời hứa của Vua Trần Nhân Tông mà lại đính hôn với một công chúa Đại Việt thì lòng dân lại càng không yên.

- Nhiều ý kiến phân tích về địa hình, địa thế của Châu Ô và Châu Lý rất quan trọng, nếu cắt hai châu nầy để dâng cho Đại Việt dùng làm sính lễ kết hôn thì là điều rất không nên, vì đây là cái cớ để triều đình Đại Việt có thêm tai mắt ở phương Nam này. Một ý kiến khác cho rằng, tuy hai Châu Ô, Lý núi non hiểm trở, đất đai khô cằn, rừng sâu nước độc, nhưng đối với thế quân sự thì thật là tuyệt mỹ, vì lẽ địch quân muốn xâm chiếm Chiêm Quốc của chúng ta phải đi bằng đường bộ hay đường thủy để đến cố đô Mỹ Sơn ở Trà Kiệu, sau đó mới tiến chiếm Đồ Bàn được.

- Có một lời tâu khiến Chế Mân nổi giận. “Muôn tâu Thánh thượng! Theo chỗ ngu ý của hạ thần thì khi yêu, người ta không thể lấy thước nào để đo được cả. Ở đây Thánh thượng chưa thấy mặt Huyền Trân mà đã có ý sẵn sàng chấp nhận những điều kiện của Đại Việt yêu cầu, thì sau nầy nàng về, nương vào tài năng ăn nói, đêm ngày thỏ thẻ bên tai Thánh thượng, cả Chiêm Quốc nầy sẽ…”

Như vậy chúng ta thấy triều đình Chiêm Quốc rất lo ngại và thẳng thắng xin Chế Mân đình chỉ cuộc hôn nhân này; đây là điều mà họ cho là tốt nhất. Và họ cũng mong Chế Mân nghĩ kỹ việc này, bàn thêm việc này với quốc dân.

Sau nhiều tháng đắn đo suy nghĩ, Vua Chế Mân đã cho triệu tập những bô lão khắp nơi trong nước về kinh đô Đồ Bàn để tham khảo ý kiến về vấn đề dâng Châu Ô và Châu Lý để làm lễ cưới Huyền Trân. Đa phần họ đều chống đối lại việc nầy, tuy họ là những người thấp cổ bé miệng về việc nước, nhưng trái lại chuyện lương duyên tan hợp của nam nữ yêu nhau, thành tựu cũng như tan vỡ thì ở nơi họ có thừa. 

Ý kiến của các bô lão thì bao giờ cũng phong phú, đa dạng, đa chiều và rất thâm thúy xuất phát từ thực tế đời sống vợ-chồng, tình yêu đôi lứa. Có cụ cho rằng cuộc hôn nhân này không phải là chuyện giản đơn chỉ của hai cặp nam nữ yêu nhau, mà là chuyện quốc gia đại sự, nếu chúng ta không can ngăn vua thì giang sơn nầy sẽ mất vào tay của Đại Việt, họ sẽ chẳng phải tốn một giọt máu nào mà vẫn có được Châu Ô, Châu Lý. Có thiệt hại chăng chỉ là mất một người con gái. Nhưng gái lớn lên phải lấy chồng, mà thân gái 12 bến nước, nay được Bệ hạ quan hoài, thì số nàng là số sung sướng chứ có sao đâu. Nhưng liệu ý kiến của chúng ta vua có chịu nghe không? 

Một cụ khác phụ họa: Chuyện tình của chúng ta ngày xưa cũng vậy thôi! Có khi nào cha mẹ mình giải thích mà mình có thể chấp nhận đâu, bởi vì tình yêu nó làm cho con người ta u mê ám chướng, nhưng lúc đó ta nào có hiểu. Nay nàng con gái Đại Việt đang tuổi trăng tròn, lại do Thượng Hoàng Nhân Tông giới thiệu, làm sao chủ soái không tin tưởngcố công cầu hôn được. Bây giờ ngồi ngẫm lại chuyện đời, có cụ còn cho mình là dại thì làm sao có thể khuyên vua được trong trường hợp nầy. Cuối cùng, từ các vị bô lão cho đến các quan ở triều đình chỉ biết thốt lên những lời như “Lương duyên tiền định” hay “tơ trời ai dệt” để tự an ủi cho mình, khi một đấng quân vương bị tình riêng chi phối quá nhiều.

Còn Huyền Trân cũng không kém gì nỗi khổ của Chế Mân. Ngoài việc nàng phải học ngôn ngữ Chiêm Thành, nàng còn phải học tất cả những phong tục, tập quán, lễ giáo, cách phục sức v.v… làm sao đừng mất đi bản chất truyền thống của Đại Việt, mà còn phải hội nhập vào phong tục, tập quán của xứ Chiêm Thành nữa, nên nàng phải tất bật với nhiều việc phải làm trước khi theo chồng về xứ lạ. 

Những lời dạy dỗ, khuyên bảo, dặn dò, gởi gắm đầy ấp tình thương yêu, sự tin cậy và kỳ vọng của một người cha đối với người con gái Út trước khi vu quy quả thực chúng tôi không thể nào diễn tả bằng lời được. Đọc “Tơ Trời Ai Dệt?”, chúng tôi đã phải dừng lại nhiều lần; có khi trầm ngâm thổn thức; có khi cắm hoa, thắp nhang trên bàn thờ Phật, nhìn di ảnh của Ba tôi, Ba vợ tôi mà lâm râm khấn vái...

Giác Hoàng Thiền sư đã chỉ dạy, giảng giải cho con mình rất nhiều điều lợi lạc từ những điều căn bản, những giáo lý Phật pháp cao siêu cho đến những điều tưởng chừng đơn giản như: cách đối xử với những nô tỳ, việc trồng dâu nuôi tằm... không thiếu một điều gì, và tất cả những điều đó đều dưới cái nhìn quán chiếu. Chúng tôi không dám “nhân đọc” mà thưa trình thêm điều này điều nọ, chỉ xin được phép ghi lại 2 đoạn rất mực giàu cảm xúc và lay động lòng người:

+ “Vì vậy ta nghĩ rằng con gái út của ta về làm vợ của một ông vua như vậy cũng quá xứng đáng đi chứ. Tuy rằng ngôn ngữ bất đồng, phong tục khác nhau, nhưng ta biết con gái của ta rất thông minh, tài giỏi, chỉ mới hơn hai, ba năm nay thôi mà tiếng nước Chiêm đã nói rành rẽ lắm rồi và ngay cả phong tục tập quán nữa. Do vậy con hãy ra đi và hoàn thành những sứ mệnh cho Đại Việt như bên trên ta đã nói. Ta không vì một mục đích gì khác ngoài việc có cảm tình với Chế Mân mà gả con đi xa, và sau nầy khi ta đã lên Yên Tử để tịnh tu thiền tọa thì nghe đâu khi phái đoàn cầu hôn của Chiêm Quốc qua đây, ngoài việc dâng sính lễ vàng bạc, ngọc ngà châu báu, trầm hương ra, anh con là Anh Tông cùng với Thượng Tướng Trần Khắc Chung, Quốc Trượng Hưng Đạo Vương và kể cả Mạc Đĩnh Chi, Đoàn Nhữ Hài nữa cũng đều có ý là nếu Chế Mân muốn cưới được con thì phải dâng thêm Châu Ô và Châu Lý nữa. Đây thật ra là không phải ý của ta, và nghe đâu sau khi phái đoàn đính hôn về lại Đồ Bàn, họ đã đem việc quốc sự nầy ra để thảo luận với các quan văn võ triều đình cũng như các vị bô lão Chiêm Quốc thì đều bị tất cả chống đối. Thế nhưng Chế Mân đã yêu con thật sự mặc dầu đã có Chánh hậu Tapasi người Java rồi, nhưng có lẽ qua cuộc sống 9 tháng của ta tại Chiêm Quốc, cũng như lời ước hôn của ta, Chế Mân không nghi ngờ gì cả nên mới đi đến quyết định đơn phương như vậy. Nhưng dẫu sao khi làm phận gái thuyền quyên, có nghĩa là khi người con gái lớn lên thì phải có chồng, theo chồng và phụng sự cơ nghiệp cho nhà chồng, mà nay con đã 16, 17 tuổi rồi, chứ còn nhỏ dại gì nữa, nên việc lấy chồng là chuyện đương nhiên thôi. Nếu ta không gả con cho nơi nầy thì cũng gả cho nơi khác, con hãy nhớ điều nầy.”

Và: 

“Kính bạch, tất cả những lời căn dặn của Ngài, con đã rõ. Con sẽ “y giáo phụng hành” và kể từ đây con sẽ không còn cô thân lẻ bóng nữa, và dầu cho con đang sống ở đây hay có mặt nơi Chiêm Quốc, thì ở đâu cũng là quê hương của con và tất cả những nơi ấy đều có những hình bóng nhân từ của Ngài và Mẫu hậu. Con xin lạy từ tạ Ngài 3 lạy trước khi xuất giá tùng phu. Bởi con biết rằng ngày con ra đi đường xa ngàn dặm, chưa biết lúc nào quay lại cố hương, nên 3 lạy nầy để tạ từ cho công ơn sanh thành dưỡng dục của Ngài. Còn Mẫu hậu, khi về cung và trước ngày xuất giá theo chồng, con sẽ thực hiện lễ nghi nầy nơi triều ca có bá quan văn võ. Con cũng sẽ đi thăm lăng tẩm của Tiên Đế. Từ Ngài Thái Tổ cho đến Ngài Thái Tông và Thánh Tông. Nếu không có những bậc tiên hiền nầy gầy dựng nên nghiệp đế của họ Trần, thì Huyền Trân Công chúa nầy cũng chỉ là một hạt bụi nhỏ trong kiếp hồng trần nầy mà thôi. 

Ngoài ra ân giáo dưỡng của Mẹ Cha và Thầy Tổ cao xa và rộng sâu hơn cả trời biển nữa, cho nên suốt cả một đời nầy hay muôn kiếp về sau con sẽ mãi mãi ghi ơn tạc dạ nơi tấm lòng son nầy. Ngày mai chưa biết sẽ ra sao, nhưng con tin rằng: Nếu hiện tại tốt thì tương lai sẽ tốt và đây chính là cái nhân, mà cũng là cái quả nữa, con tin tưởng mãnh liệt về điều nầy. Bây giờ mọi vật đã đổi thay! Nhưng con tin vào nghiệp quả của mình không đến nỗi tệ, để con có thể làm được một cái gì đó cho quê hương Đại Việt. Con xin bái biệt tạ từ.”

Tháng 8 năm 1308, Huyền Trân Công chúa từ Kinh đô Đồ Bàn Chiêm Quốc đã về đến Thăng Long, rồi một tháng sau, Huyền Trân đã đến núi đồi Yên Tử. Trước thềm Ngọa Vân Am, Giác Hoàng Thiền Sư đã nói với Huyền Trân Công chúa một lời nói, đúng hơn là một lời dặn dò thắm thiết, nghĩa tình: “Bây giờ tuổi ta đã lớn, chắc không còn sống được bao lâu nữa nên ta có mấy lời khuyên con, nếu sau này con có xuất gia học đạo.”

Kính mời quý vị đọc những lời khuyên con học đạo của Giác Hoàng Thiền Sư trong chương “Cái Tang Chung.” Những lời khuyên này đã được Thầy Như Điển chọn lọc kỹ lưỡng, công phu, sắp xếp hợp lý, khéo léo, dẫn dắt những người học đạo từ thấp đến cao bằng một lối hành văn trong sáng, dễ đọc, dễ nhớ. Và, ít ai có thể làm được điều này như Thầy Như Điển.

Chúng tôi nghiệm ra rằng, Huyền Trân Công chúa được hưởng rất nhiều phước báu, lợi lạc khi được thụ nhận những lời khuyên học đạo ngay từ những năm Nàng lên 4-5, tiếp theo là 9-10 tuổi, đến năm Vu quy, năm về lại Thăng Long… từ những lời khuyên của Phụ Hoàng. Đó là chưa kể những bài học vô ngôn, bài học từ Pháp thân mà chúng tôi nghĩ rằng Huyền Trân - Hương Tràng khắc cốt ghi tâm… Từ tâm cảm này, từ cuốn tiểu thuyết của Thầy Như Điển, chúng tôi sẽ làm một tuyển tập với nhan đề: “Những Lời Khuyên Con Học Đạo Của Phật Hoàng Trần Nhân Tông”

Chương XI. CÔNG CHÚA VU QUY

Huyền Trân Công chúa xuống thuyền xuôi về phương Nam. Đó là vào cuối tháng 6 đầu tháng 7 năm 1306, Vua Trần Anh Tông cử Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi, Ngự sử Đoàn Nhữ Hài, Thượng Tướng Trần Khắc Chung cùng một vị Hòa Thượng cầm đầu phái đoàn của Đại Việt gồm nhiều quan quân hộ tống để tiễn đưa cô dâu Huyền Trân về Chiêm Thành. Biết bao “ngàn dặm gió sương”, biết bao “nước non nghìn dặm”, biết bao “nghìn trùng xa cách”. Thử hỏi ai mà không thương cảm!

Nhạc sĩ Phạm Duy cực kỳ tài hoa, lịch duyệt, ngưỡng vọng và thấu cảm ở mức rất cao trước sự hy sinh cao cả vì nước vì dân, vì một nền hòa bình lâu dài của hai nước Việt - Chiêm nên đã viết được một ca từ để đời tôn vinh công đức vời vợi của Công chúa Huyền Trân: “BƯỚC ĐI VÀO LÒNG MUÔN DÂN.”

Cùng trong dòng cảm thức đó, Hạ Nguyên trong bài Vọng Huyền Trân (SôngHươngsố đã dẫn) đã làm cho chúng tôi cảm thấy vui mừng, hạnh phúc vì đã gặp được người tri âm. Đoạn văn giàu cảm xúc, thắm thiết đó như sau:

“Bước chân xuống thuyền của Huyền Trân, được nhạc sĩ Phạm Duy ghi nhận trong “Nước non ngàn dặm ra đi” là “Bước đi vào lòng muôn dân”.Một bước chân của Nàng thôi, nhưng ranh giới biên cương hòa bình cũng từ ấy mở xuôi về phương Nam. Một bước chân nữ nhi rúng động triều đình lúc bấy giờ, mà bao nhiêu chiến tranh, bao nhiêu chia cắt đau thương, bao nhiêu hy sinh đều tạm thời chấm dứt, để cả dân tộc cùng mơ “Ước nuôi dần hòa bình trong ái ân”. “Hòa bình trong Ái ân”... ngẫm lại mà thấy thương thêm đất nước vốn triền miên trong khói lửa chiến tranh, lại thương nàng Huyền Trân, cành liễu năm đó qua đèo giữa tiếng chim kêu vượn hú tứ bề...”

“Công lao ngút ngàn của bước chân huyền thoại ấy đã khiến hậu thế quỳ gối theo những dấu chân hài ngọc Huyền Trân. Triệu triệu trái tim của hậu thế như đã cắm sâu xuống theo những dấu chân của Nàng. Và hậu thế cũng đã có cái nhìn phản biện đẫm chất nhân văn trước những câu ca dao, những dòng sử phi lý, oan nghiệt đối với Nàng.”

Thầy Như Điển ở đoạn đầu chương này đã cảm thán: 

“Thế mới biết cái tình cảm thiêng liêng của con người là gì khi mà quả tim yêu thương từ ái đã chạm sát vào tâm cang của một người, một lần đi chưa biết bao giờ trở lại. Chính nàng cũng đã nhiều lần lấy khăn lau nước mắt và quỳ lạy hai lạy sau cùng để từ tạ mẹ cha cùng với ơn nghĩa nghìn trùng của sơn hà xã tắc. Ngay cả Vua Anh Tông, một vị vua rất cứng rắn với Sứ thần khi trao đổi việc nước, nhưng cũng không thể không chạnh lòng cho em mình, một người con gái nước Đại Việt sắp sang Chiêm Quốc làm dâu mà trước đó chưa một lần được diện kiến với chồng tương lai.

Và: 

“Còn Công chúa thì tâm trạng như tơ vò không kém, vừa gạt lệ giã từ Mẫu hậu, người thân, giã từ quê hương và đồng bào ruột thịt và cũng nao nao trong dạ hướng về hình ảnh của một đấng quân vương chưa một lần gặp gỡ. Khung trời hạnh phúc xa xôi mờ ảo ấy chưa biết ra sao? Người vui kẻ buồn, người hờn kẻ trách, người oán kẻ than, người thích kẻ không. Do đó những thế hệ về sau nầy có một số tác giả hữu danh cũng như vô danh đã cảm thông với nỗi niềm của kiếp hoa trôi bèo giạt ấy, nên đã viết ra tâm sự Nam Bình được dân Thuận Hóa hát theo điệu Chiêm Thành.

 Với trí tưởng tượng phong phú, sự hư cấu chuẩn mực, sự nhạy cảm tinh tế của một nhà văn thực tài, Thầy Như Điển đã lột tả được những nỗi niềm tâm sự của Công chúa Huyền Trân trong những ngày lênh đênh, bồng bềnh trên biển cả. Chỉ cần mấy dòng thôi mà Thầy đã vẽ được cái chân dung kỳ vĩ của Quốc Vương Chế Mân; vẽ được cái hồn cốt long lanh rực rỡ, yêu kiều, thùy mị của Công chúa Huyền Trân. Cuộc hạnh ngộ lịch sử trong mong chờ đã lâu giữa Chế Mân - Huyền Trân sao mà đẹp thế! 

Rồi những trang viết thật hấp dẫn về cuộc đón tiếp long trọng Huyền Trân Công chúa tại Kinh đô Đồ Bàn; việc Chế Mân chính thức phong tước Hoàng hậu cho Huyền Trân Công chúa, và Đức Vua truyền dựng ngay một cột đá ở Posah để ghi lại sự kiện này, đến tiệc cưới linh đình, không khí sôi động trong buổi dạ yến cho đến việc Hoàng hậu Paramacvari về ngự ở Tây cung...

Tiếp theo là những trang viết rất thơ mộng, rất tình tứ, rất nồng nàn những yêu thương của một mối tình vương giả, khi chúng ta dõi theo bước chân của Chế Mân - Huyền Trân đến nhiều nơi trên khắp quê hương Chiêm Quốc để thăm viếng lương dân. Chúng ta chắc một điều là Huyền Trân vô cùng thích thú và yêu quý chồng mình vì chàng đã đưa Huyền Trân đi chiêm ngưỡng những di tích lịch sử, những thắng cảnh tuyệt đẹp của Chiêm Quốc như: Ngũ Hành Sơn, Thánh Địa Mỹ Sơn, Tu Viện Đồng Dương, Tháp Bằng An, vườn hoa Mai Uyển. Chúng ta vô cùng cảm động khi Chế Mân - Huyền Trân lập đại lễ cúng dường Trai tăng cho hơn 1,000 vị tại Đồng Dương. 

Sử ghi: Tháng 6 năm 1306 Chế Mân rước Huyền Trân về làm vợ, Nàng vừa đúng 18 tuổi. Tháng 5 năm 1307 Chế Mân chết, thọ mạng 50 tuổi. Tháng 9 năm 1307 công chúa Huyền Trân sinh thế tử Chế Đa Đa tại kinh đô Vijaya.

Đúng là ... những ngày vui vẻ, hạnh phúc trong yêu đương qua rất nhanh!

Song Nhị trong bài “Công Chúa Huyền Trân Trong Hành Trình Đại Việt” cảm tác bài thơ như sau: 

LỜI CẦU HÔN CỦA CHẾ

Nàng hỡi Huyền Trân Đại Việt ơi

Nước non Chiêm quốc đợi mong người

Mỹ nhân dẫu phải là khuynh quốc

Trẫm của Chiêm và trẫm của ngươi

Chiêm Việt đôi bờ bao dặm ấy

Tiền duyên hò hẹn mấy nghìn sau

Đồ Bàn cung điện ngôi Vương Hậu

Để có khanh và để có nhau

Ô Lý hai châu về xứ ngoại

Bao đời xử sở một quân vương

Là đây tình sử trong thiên hạ

Rồi mấy nghìn sau hậu thế lường?

Rồi mấy nghìn sau đời kể lại

Cơ đồ Chiêm Quốc một Công Nương

Một trang sử viết thời Chiêm-Việt

Một cõi sơn hà cũng khói sương

Tiếng trống Đồ Bàn khai yến tiệc

Cung nghinh gái Việt mở Hoàng thành

Xin mời Công Chúa về cung điện

Chế của Chiêm và Chế của khanh...  

Một con dân nước Việt, đi vào văn học sử Việt Nam từ những ngày sống ở Đồ Bàn - Bình Định đã yêu quý Chămpa đến độ lấy bút danh là Chế Lan Viên. Thi sĩ họ Chế này có những câu thơ rất lạ như sau:

Khi Quốc Vương Chế Mân và hai phái đoàn đưa rước Công Chúa Huyền Trân vào trong khuôn viên cung đình, trước mắt Huyền Trân:

Đây điện các huy hoàng trong ánh nắng

Những đền đài tuyệt mỹ dưới trời xanh

Chương XII. CÁI TANG CHUNG

Nhan đề “Cái Tang Chung” thật ngắn gọn, mộc mạc nhưng rất gợi mở và nhất là rất nhân văn. Đúng như Thầy Như Điển đã viết ở cuối Chương trước:

“Nhưng bất hạnh thay, không phải chỉ riêng cho Hoàng hậu Paramecvari mà còn cho cả hai triều đình của Chiêm Quốc lẫn Đại Việt, là Quốc Vương Chế Mân đã băng hà vào tháng 5 năm 1307 nhằm năm Hưng Long thứ 15 của Đại Việt đời Vua Trần Anh Tông. Cả triều đình Champa vô cùng đau buồn trước sự băng hà của Đức Vua anh hùng của họ. Còn Đại Việt khi đón nhận tin nầy, chẳng khác nào “sét đánh ngang tai” cho mối giao hảo giữa hai nước đã được tốt đẹp lâu nay, bây giờ chẳng biết làm sao hơn là thông báo tin nầy đến Điều Ngự Giác Hoàng, Vua Trần Anh Tông và cả triều đình Đại Việt biết. Riêng Huyền Trân Công chúa đã khóc hết nước mắt cho một bậc Quân vương tài hoa bạc mệnh và nỗi niềm của một mệnh phụ phu nhân mới ngoài 20 tuổi đã quấn vành khăn tang để thờ chồng và còn nữa, trong mình bà vẫn còn giọt máu của Quân vương sắp đến thời kỳ khai hoa nở nhụy. Quả là một sự mất mát vô cùng to lớn cho cả hai dân tộc, mà trời cao có thấu hiểu hết nỗi khổ của bà trong hiện tại không?”

Huyền Trân Công chúa đã khẩn báo hung tin về triều đình Trần Anh Tôn.  Vua Trần Anh Tông cừ một đoàn sang Chiêm Thành để phúng điếu tang lễ và thực hiện kế hoạch “giải cứu” Huyền Trân do Trần Khắc Chung dẫn đầu với hơn 200 quan quân tướng sĩ. Và kế hoạch này đã thành công vào tối ngày mồng Một tháng Tám năm 1307. Đó là một đêm lịch sử mà cả hai dân tộc không bao giờ quên.

Thầy Như Điển viết: 

“Trên thuyền rồng đưa Hoàng hậu Paramecvari đi từ cửa Thị Nại ghé qua cửa Đại ở Hội An rồi Cù Lao Chàm và những cửa biển tiếp theo suốt đoạn đường đi dài cả hơn 1.000 cây số ấy. Lẽ ra nếu thuận gió Nồm thì chỉ cần có hai tháng là thuyền có thể cập bến gần Thăng Long, nhưng trời xuôi đất khiến như thế nào chẳng biết, nhiều khi thuyền trôi ngược chiều về đất Chiêm, dường như Tiên đế Chế Mân không muốn Hoàng hậu trở về lại Đại Việt, vì con thơ vẫn còn đó và bà vẫn còn được người dân Chiêm Quốc trọng vọng, nể vì.”

Trong những ngày lênh đênh trên biển sau cuộc “giải cứu” mà Huyền Trân không hề được báo trước; trong buồn đau, xót xa cùng cực nổi trôi theo vận nước, mất chồng xa con, Nàng nhớ đến một đề tài mà các quần thần Chiêm Quốc hay đề cập đến, đó là việc họ phải dâng hai Châu Ô, Lý để làm sính lễ rước Nàng về làm dâu Chiêm Quốc. Còn bây giờ?

Huyền Trân nhủ thầm: “Mới chỉ hơn một năm xa Đại Việt để đi lấy chồng nơi xứ lạ mà lòng ta lúc nào cũng trông vời về cố quốc, nơi đó có cha mẹ ta, anh chị em ta và nhất là những món ăn thuần túy của Đại Việt mà nơi Chiêm Quốc không thể nào có được. Ta biết khi ta đi lấy chồng như thế đã có không biết bao nhiêu chuyện đồn đoán xa gần, có người thương và cũng lắm kẻ chê, nhưng ta vì quê hương Đại Việt nên đã ngậm đắng nuốt cay suốt cả dòng thời gian ấy. Không biết bây giờ ta trở lại quê hương, rồi chuyện gì sẽ xảy ra nữa đây?”

Đúng là có nhiều lời đồn đoán, gán ghép, bịa đặt rằng Huyền Trân Công chúa tư thông với Trần Khắc Chung. Về nỗi oan nghiệt này, Hoàng hậu Paramecvari tâm sự với người nữ tỳ như sau:

“Ta nghĩ rằng ông là thế hệ của cha mình, làm quan cả mấy triều và danh vọng thật cao ngất trời xanh, tuổi đã lớn, còn ta chỉ xứng hàng con cháu thì quan tâm đến những việc nhỏ nhặt ấy làm gì. Vả lại theo tục lệ của Đại Việt cũng như của Chiêm Quốc, người con gái đã lấy chồng rồi thì phải thực hiện câu “Tam tòng, tứ đức” chứ ta đâu có phải là kẻ lang bạt giang hồ mà ông ta lại chẳng hiểu. Chồng ta bây giờ đã không còn thì ta vui chi với những lời hoa nguyệt, dầu cho đó là những người có tuổi tác bằng ta, hơn nữa chồng ta mới về chầu Tiên đế chưa giáp năm thì làm sao ta có thể vui riêng với lòng ta được. Ngay cả những việc hát xướng, ca ngâm ta vẫn chối từ không tham dự, và rồi còn con ta nữa, đâu có người mẹ nào nhẫn tâm xa con không một lời từ giã mà không muốn gặp lại con đâu. Ngoài ra Phụ hoàng của ta là một bậc tu hành đắc đạo, sẽ trách ta là không trọn đạo vợ chồng. Có lẽ ta sẽ đi xuất gia cho trọn cả hiếu lẫn tình, chứ nếu ta vẫn còn tiếp tục con đường thiên lý nầy thì cuộc đời của ta sẽ tan vỡ mất. Vả lại anh ta rất nghiêm khắc, thay thế Phụ hoàng để cai trị muôn dân và vào năm 1296 lúc ta còn nhỏ đã biết được rằng Thượng Phẩm Nguyễn Hưng chỉ có tội đánh bạc mà đã bị anh ta ra lệnh đánh chết vào tháng 3 năm ấy. Khi ấy Phụ hoàng ta đã đi xuất gia rồi. Lẽ nào Thượng tướng Trần Khắc Chung không nhớ những việc nầy.”

Đoạn tiếp theo là diễn biến của cuộc “giải cứu” Huyền Trân Công chúa. Chúng tôi xin cung cấp đến quý độc giả một số ý kiến liên quan đến sự kiện này như sau:

+ Mất một tháng cho chuyến hành trình rước dâu đi từ Thăng Long cho đến kinh đô Champa thì sớm nhất để công chúa có mặt ở Champa và chung sống với Chế Mân cũng vào khoảng cuối tháng 7 hay trung tuần tháng 8 năm 1307. Nếu tính sát sao như vậy, khi Chế Mân qua đời thì công chúa mang thai được 4 đến 5 tháng.

+ Theo phong tục vương triều Champa thì lễ trà tỳ cho vua là 7 đến 10 ngày sau khi vua băng hà. Người ta không hỏa táng đối với phụ nữ đang mang thai, trẻ sơ sinh và những người vị thành niên vì người Bà la môn tin rằng phải chôn để cho những người này về với cát bụi, còn người trưởng thành thì hỏa táng để cho họ trở về với hư không và đó cũng là lý do tại sao công chúa không bị hỏa táng theo Chế Mân.

+ Tháng 10, An phủ sứ Đặng Vân và Trần Khắc Chung sang đón Công chúa Huyền Trần, lúc đó Công chúa đang ở trong thời gian hậu sản, công chúa vừa sinh xong tháng trước.”

+ “Lịch sử hai nước không ghi lại một cuộc rượt đuổi nào hay một sự tổn thất về người nào trong cuộc giải cứu. Và sau khi Huyền Trân về nước một thời gian khá dài không hề thấy phía Chiêm Thành động tĩnh gì. Điều đó cho chúng ta phỏng đoán khả năng cuộc giải cứu đã được tiến hành bằng biện pháp ngoại giao và công đầu thuộc về tài thuyết phục của Trần Khắc Chung. Bởi thế mà sau khi ông mất, triều đình ban tặng cho ông chức Thiếu sư (chức danh xếp hàng thứ hai thời bấy giờ). Chuyện một phụ nữ vừa chết chồng - người chồng mà nàng rất mực yêu thươngkính trọng; vừa mới buộc lòng xa lìa đứa con mình mới sinh, lại “tư thông” ngay với một người đàn ông bằng tuổi cha chú mình liệu có xảy ra? Còn Trần Khắc Chung vốn được Thái thượng hoàng và vua hết lòng tin tưởng, đang giữ một trọng trách  trong triều đình, lại theo đạo Phật, là môn đệ của môn phái Thiền Tông, từng viết lời bạt cho tập Tuệ Trung Thượng Sĩ do nhà sư Pháp Loa biên soạnTrần Nhân Tông hiệu đính… có lẽ nào lại đi làm cái việc xằng bậy ấy? Bởi thế, câu chuyện tình giữa Trần Khắc Chungcông chúa Huyền Trần chẳng qua là do người đời thêu dệt, đồn thổi mà thôi.” (Văn Nhân: “Niềm Riêng” của Huyền Trân Công Chúa (Sông Hươngsố đã dẫn).

Đây là những lời tâm huyết, ruột gan của Huyền Trân Công chúa

“Ta vốn không có hai lòng, quyết chung thủy cùng chồng khi sống cũng như khi chết. Đấy là lời hứa trước thần Siva khi chúng ta cử hành hôn lễ.”

Và:

- “Hoàng tử Chế Đa Đa mới mấy tháng tuổi. Ta đã giao cho một tỳ nữ trông coi để ta tiện việc lễ bái nguyện cầu. Bây giờ làm sao ta có được con ta. Không lẽ vừa mất chồng, lại phải mất con nữa hay sao?”

- “Nhưng ta lo lắng quá. Dẫu sao đi nữa thì cái xuân xanh của một người con gái không còn nữa, thân đã trao, tâm đã nguyện làm vợ người ta suốt đời chung thủy, nay đứt gánh giữa đường, chồng chết, con mất, cha mẹ ở đâu, làm sao con có thể sống với hoàn cảnh nầy được. Lẽ ra vào lúc nầy ta phải quyên sinh mới đúng. Có như thế mới trọn đạo tào khang; nhưng con ta chưa tìm ra được và cha mẹ cùng anh ta chưa gặp lại sau bao nhiêu ngày xa cách. Bây giờ ta phải chọn cách nào đây?

Mối tơ vương nầy ta phải tỏ cùng ai và ai sẽ là người có thể gỡ rối được mối tơ vò nầy trong tâm khảm của ta?”

Chương XIII. HUYỀN TRÂN CÔNG CHÚA THẾ PHÁT XUẤT GIA

Văn Nhân trong bài đã dẫn, viết:

“Riêng cái nỗi niềm của Huyền Trân sau khi về lại cố quốc mới là điều đáng phải quan tâm. Đó là nỗi buồn mất chồng, nỗi buồn xa con, nỗi ân hận vì sự bội ước, nỗi nhức nhói vì những lời đơm đặt đầy ác ý “miệng thế nhọn hơn chông mác nhọn”… Đó mới là nỗi buồn dai dẳng nhất, đau đớn nhất của Huyền Trân công chúa, cho dù nàng đã chọn con đường quy y cửa Phật.”

“Đi tu để báo đền ơn sơn hà xã tắc và cho tất cả chúng sanh. Ý nghĩa nầy không cao cả và giải thoát sao? Tại sao một người nữ khi được sinh ra không dám thực hiện ý chí của một bậc đại trượng phu là lìa đời tìm đạo mà vướng chi vào chốn bụi hồng như muội nầy, Hoàng huynh thấy như thế có bất công chăng?”

Đó là câu trả lời mạnh mẽ, dứt khoát của Huyền Trân Công chúa với Hoàng huynh Trần Anh Tông.

Dưới đây là những đoạn mà chúng tôi trích dẫn trong Chương “Huyền Trân Công Chúa Thế Phát Xuất Gia”:

“Là một Công chúa của triều đình, là cành vàng lá ngọc của vương triều Nhà Trần, là Hoàng hậu của một đấng minh quân và giờ đây tất cả đối với nàng chỉ là dĩ vãng. Lâu lâu dĩ vãng ấy đã hiện về với nàng, nhưng nàng để cho nó tự nhiên trôi qua một cách bình thản, không tiếc thương mà cũng chẳng luyến nhớ, nó giống như một cơn gió mùa Thu nhẹ đưa những cành lá mà thôi. Lá nào còn ở lại với cành thì cứ ở, lá nào rơi rụng vào thiên nhiên thì cứ rơi. Bây giờ chính là lúc mà nàng đã “đối cảnh vô tâm” như trong bài Cư Trần Lạc Đạo Phú mà Giác Hoàng Điều Ngự đã thực chứng tự thuở nào rồi.

“Sau đại tang cũng vừa là quốc tang của Phụ Vương tại Yên Tử, Huyền Trân Công chúa trở về lại Phủ Thiên Trường và suy tư rất nhiều về lời dạy của Đức Phật, những buổi giảng của Phụ thân khi còn sanh tiền và nhất là về nỗi khổ của sanh, già, bịnh, chết.

“Ta mới ở tuổi 21 cái xuân xanh nên việc già và bịnh ta chưa trải qua như những nàng cung nữ khác. Tuy nhiên ái biệt ly, cầu bất đắc là những điều trong 8 nỗi khổ mà Đức Phật đã dạy thì ta đã thể nghiệm quá nhiều rồi. Đó là cái tang của chồng, sự chia lìa với con thơ Chế Đa Đa và còn nỗi khổ của sự lo lắng Chế Chi sắp đem quân sang đánh Đại Việt để báo thù nữa. Nợ nước, tình nhà. Ôi! Sao mà ngao ngán quá! Có ai hiểu được điều ta đang ấp ủ?”

Đầu năm 1309 Huyền Trân đã đến núi Trấn Sơn (nay thuộc Bắc Ninh) gặp Quốc Sư Bảo Phát, đảnh lễ Ngài làm Thầy mình và Quốc Sư cũng đã cho nàng thọ Bồ Tát Giới tại gia với Pháp danh là Hương Tràng.

Sau khi thọ giới Bồ Tát tại gia tại chùa Trấn Sơn ở Bắc Ninh với Quốc Sư Bảo Phát rồi, Huyền Trân Công chúa trở lại Phủ Thiên Trường với Pháp danh là Hương Tràng và kể từ đây Pháp danh nầy được thay thế để gọi cho Huyền Trân Công chúa hay Hoàng hậu Paramecvari, vì tất cả đã trở thành dĩ vãng và bà muốn quên đi tất cả để tạo ra một nếp sống mới cho việc thực hành Bồ Tát hạnh nầy.

Và rồi ngày mồng 8 tháng 2 năm 1311, vào một buổi sáng tinh sương, sau thời công phu khuya trì tụng Thần chú Thủ Lăng Nghiêm, Ngài Bảo Phát đã được cung thỉnh lên Hậu Tổ rồi Chánh điện chùa Nộn Sơn để trao truyền quy giới của người xuất gia cho Hương Tràng nữ cư sĩ.

“Những ngày tháng sau đó từ năm 1313 đến năm 1340, cả gần 30 năm như vậy, năm nào Tỳ Kheo Ni Hương Tràng cũng an cư kiết hạ tại Quảng Nghiêm Tự hay các chùa khác tại núi Trấn Sơn nhằm thúc liễm thân tâm, tu hành thanh tịnh. Bà cũng được nhiều giới đàn mời làm Tôn Chứng Sư hay Yết Ma, Giáo Thọ Ni. Đôi lần bà cũng được thỉnh cầu làm Đàn Đầu Hòa Thượng để trao giới cho các giới tử Ni. Bà trong khi an trú tại Ngọa Am Vân ở núi Yên Tử vào những ngày cuối đời, nơi Điều Ngự Giác Hoàng đã truyền dạy cho bà trước khi Ngài viên tịch, bà cũng đã được tin Chế Chi, con của Chế Mân rồi Chế Năng cháu của Chế Mân đã đem quân sang đánh Đại Việt để đòi lại đất đai đã mất cũng như trả mối thù cũ cho cha, ông mình, nhưng cuối cùng rồi cũng bị vua quan Nhà Trần đánh chạy thối lui và quê hương Chiêm Quốc càng ngày càng thu hẹp lại. Với bà, tất cả đều là vô thường, là giả hợp và bà đã an nhiên thị tịch vào ngày mồng 9 tháng Giêng năm Canh Thìn 1340. Thế thọ 54 tuổi, Đạo thọ 30, Hạ lạp 27. Ngày nay ở Huế trên núi Ngũ Phong có dựng đền thờ Huyền Trân và bà cũng là người được các vua chúa sau nầy ban cho nhiều sắc phong nhất.

Và rồi:

“Cuối đời Nhà Trần, Chế Bồng Nga lại đem đại quân qua Đại Việt để trả thù và nhiều khi kinh thành Thăng Long bị thất thủ, vua Trần Duệ Tông (1372-1377) bị giết chết tại thành Đồ Bàn khi ông cho quân tiến chiếm Đồ Bàn. Nhưng đến đời vua Lê Thánh Tông, vào giữa thế kỷ thứ 15 thì xem như thành Đồ Bàn bị đập phá hoàn toàn và giang sơn Đại Việt càng ngày càng được mở rộng về phương Nam và ngày nay người ta chỉ còn nghe lại bài hát “Hận Đồ Bàn” của Xuân Tiên ghi lại cảnh cũ người xưa để nhớ lại một thời vang bóng như vậy. Công hay tội giờ nầy ai biết được, vì lịch sử đã sang trang, nhưng nghiệp sát của chúng sanh chưa bao giờ tận diệt, thì con người vẫn còn trong vòng lao lý của sự sanh tử luân hồi.”

Người xưa đâu?

* *

* * *

Nhân ngày giỗ Huyền Trân Công chúa - Ni Sư Hương Tràng, Mồng 9 tháng Giêng năm nay, “Ngày tháng tưởng nhớ, cúng giỗ Công chúa Huyền Trân mỗi nơi có thể khác nhau. Nhưng tấm lòng tri ân công lao của nhân dân thì ở đâu cũng thế: thấu đáo vô cùng, sâu sắc vô cùng, trọn vẹn vô cùng.” 

Trần Đại Vinh, trong bài Công Chúa Huyền Trân Trong Tâm Thức Của Hậu Thế, viết:

“Công chúa Huyền Trân, người có ân đức lớn lao đối với mảnh đất Trung Trung bộ này, không chỉ là gương hy sinh cá nhân, để đem lại lợi ích cho nhân dân, mà còn là tấm gương hành trì hạnh bố thí cho con dân vùng Hổ Sơn, Vụ Bản, Nam Định, và tấm gương của người thanh khiết hóa bản thân mình để trở về với đạo sống bình đạm, chất phác và trong sáng của một nữ tu, làm tấm gương thanh sạch cho đời.

Có thể hôm nay, cảm thức của người dân Huế không còn là nỗi niềm chua xót cay đắng mà là một sự đồng cảm về đức hy sinh, hạnh bố thí cao vời của người con gái trong hoàng gia nhà Trần, quên mình cho đất nước.”

Thế là đến đây, sau 3 tháng, với 3 lần viết đi viết lại, chúng tôi mới có được bài cảm nhận liêu xiêu này. Viết một điều gì đó về cuốn sách này của Thầy Như Điển sao mà khó khăn, vất vả thế? Sao mà khiến chúng tôi lúng túng sinh ra lung tung đến thế? Nghĩ và viết làm sao cho đặng đây?

Trước khi đi vào phần tạm kết bài này, cho phép chúng tôi thưa trình vài điều, để trên cơ sở đó có cái nhìn đúng đắn hơn, chân thực hơn về tiểu thuyết lịch sử.

Thầy Như Điển ghi rõ: “Phóng tác tiểu thuyết lịch sử Đời Trần”. Thầy ghi như thế là chính xác, vì theo thuật ngữ văn học thì phóng tác là “phỏng theo nội dung của một tác phẩm mà viết lại thành một tác phẩm khác theo một yêu cầu nhất định.”
Ý thứ hai là “Hư cấu”. Theo Bách khoa Tòan thư mở Wikipedia thì: 

Hư cấuhay Giả tưởnglà phương thức xây dựng hình tượng điển hình qua việc sáng tạo ra những giá trị mới, những yếu tố mới, như sự kiện, cảnh vật, nhân vật trong một tác phẩm theo sự tưởng tượng của tác giả. Đây là một yếu tố không thể thiếu của sáng tác văn họcnghệ thuật. Văn học nghệ thuật bắt nguồn từ cuộc sống nhưng không sao chép nguyên nó. Từ những chất liệu thực tế, nghệ sĩ tổ chức, nhào nặn, sáng tạo ra những hình tượng nghệ thuậtsinh động, rõ nét và điển hình hơn, tùy thuộc chủ đề của tác phẩm...”

Sở dĩ chúng tôi đề cập đến vấn đề này, bởi vì, theo lời một nhà văn thì: Gần đây, một số tiểu thuyết viết về lịch sử đã bộc lộ những hạn chế về kiến thức lịch sử, cùng những cách nhìn nhận vấn đề, hư cấu nhân vật... gây phản cảm và dễ khiến người đọc hiểu theo hướng khác.”

Chúng tôi đồng cảm với các ý kiến sau đây của một số nhà văn về tiểu thuyết lịch sử và hư cấu trong văn học lịch sử.

Nhà văn Lưu Sơn Minh: “Lịch sử không phải là con rùa để hết người này đến người kia lật ngửa để thể hiện bản lĩnh hay cá tính của mình". Nhưng, cũng giống như nhiều loại hình nghệ thuật khác, văn học dựa trên hư cấu nhưng để nói lên sự thật. "Hư cấu để đạt tới giá trị chân thực của cuộc sống, còn xuyên tạc là áp đặt cho lịch sử cái mà nó không có. Phải phân biệt giữa hai khái niệm đó."

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, tác giả cuốn Hồ Quý Ly: “Bởi viết tiểu thuyết lịch sử đòi hỏi nhiều thời gian." Nhà văn phải làm việc như một nhà khoa học, như một học giả. Phải đọc rất nhiều, nghiên cứu thật kỹ lưỡng về đề tài mình viết. Phải về thăm các di tích, tìm lại những dư ảnh của thời đã qua, hỏi chuyện ông bà, cha mẹ

Nhà văn Hoàng Quốc Hải - tác giả của hai bộ tiểu thuyết đồ sộ (gần 7.000 trang) về Triều Lý và Triều Trần được xem là một tiểu thuyết gia lớn về tiểu thuyết lịch sử. Ông nói: “Mỗi người có cách tiếp cận, khai thác và viết về lịch sử khác nhau. Tôi cho rằng tiểu thuyết lịch sử làm “sống lại” những giai đoạn lịch sử mà nhà văn cảm thấy hứng thú; trong đó, có thể tìm ra những bài học thành công hay thất bại... 

image007

Tượng đá Thích Nữ Hương Tràng được dựng tại đền thờ công chúa Huyền Trân ở núi Ngũ Phong, phường An Tây, TP Huế.  
Ảnh: Phanxipăng

Tiểu thuyết nói chung kể cả tiểu thuyết lịch sử đều phải lấy hư cấu làm phương tiện nghệ thuật và tiểu thuyết lịch sử cũng không có ngoại lệ. Vấn đề là phải hư cấu như thế nào đạt đến chân thực lịch sửchân thực cuộc sống. Chân thực đến mức người đọc phải thừa nhận đây mới là lịch sử. Cũng không có nghĩa là sự bịa tạc, mà là sự tìm tòi đi đến chân thực.”

Phạm Thị Thanh Phượng, trong bài “Cần thận trọng khi “giải thiêng” nhân vật lịch sử” trên tạp chí Văn nghệ Quân độingày 16/8/2017 đã nêu lên một hiện tượng rất đáng báo độngđó là “không ít tác phẩm lợi dụng vấn đề “giải thiêng” để hạ bệ, bôi nhọ thần tượng, huyền thoại dân tộc. Nhân danh đổi mới, tinh thần dân chủ; tự khoác cho mình quyền năng sáng tạo, hư cấu, một số cây bút đã khai thác quá mức các yếu tố thuộc bản năng, đời tư; tô đậm những khuyết điểm, lỗi lầm nhỏ; tùy tiện hư cấu, bịa đặt, xuyên tạc hòng quy kết về tư cách đạo đức, hoài nghi nhân tính, phủ nhận giá trị lịch sử, văn hóa của nhân vật lịch sử trong đời sống tinh thần dân tộc, từ đó gây ra cái nhìn méo mó, lệch lạc về các giá trị lịch sử và nhân cách văn hóa của nhân vật lịch sử vốn đã được định hình, được cộng đồng, dân tộc ngưỡng vọng, chiêm bái.”

Tác giả nêu lên mấy điều đáng quan ngại từ những cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn lịch sử đã được xuất bản tại Việt Nam mấy năm gần đây (chúng tôi tóm tắt):

+ Tô đậm cái bản năng tầm thường, đời sống tính dục thầm kín (của những nhân vật lịch sử) dẫn đến những điều “đáng tiếc...” nhằm hạ bệ, thóa mạ thần tượng dân tộc, từ Thiền sư Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Trãi cho đến Vua Quang Trung, Vua Gia Long... Tác giả bài viết này thốt lên: “đọc mà thấy ớn lạnh!”

+ Thể hiện nhãn quan lịch sử phá cách, “lệch chuẩn”.... đôi khi “sự tùy tiện”, “phóng tay”, “phá phách” quá đà đã khiến nhiều nhân vật lịch sử bị méo mó, văn chương về lịch sử mất đi giá trị nhân bản và tính chân thực của nó. 

+ Đã có cái nhìn cực đoan khi xây dựng hình ảnh các vị tướng lĩnh Lam Sơn ít học, nhỏ nhen, thô lỗ, ích kỉ, tham lam, cuồng sát bên cạnh vẻ lịch lãm, nghĩa hiệp, hào hoa, quân tử của tướng lĩnh nhà Minh. 

- Hoàng Nhân trong bài “Mùa biển động” trong làng văn, đã dẫn trên.

Một “cây bút” khác, trong một truyện ngắn đăng trên báo Văn Nghệ- Cơ quan của Hội Nhà Văn Việt Nam ca tụng “Trần Ích Tắc là người yêu nước, phải hy sinh cả tiền tài và danh vọng… Rồi công chúa An Tư hợp tác với kẻ thù, che chở cho Thoát Hoan khỏi bị quân ta bắt sống và cùng y trong cuộc chạy trốn đẹp như mơ. Nội dung truyện như vậy khiến người đọc phẫn nộ khi tác giả “lộn trái” những giá trị lịch sử đã được cả ta và địch thừa nhận trong gần một thế kỷ nay.”

Với tình trạng xuống cấp thảm hại như vậy, rất đáng báo động như vậy trong tiểu thuyết, truyện ngắn lịch sử ở nước ta, nên chúng tôi đặt Mối Tơ Vương Của Huyền Trân Công Chúavị trí cao, rất cao và “của tin còn một chút này làm ghi.”

Từ những ý kiến trên, chúng tôi thử so sánh, đối chiếu để rút ra một vài “nhận định” về tác phẩm Mối Tơ Vương Của Huyền Trân Công Chúa.

Đôi điều về sự hư cấutrong Mối Tơ Vương Của Huyền Trân Công Chúa:

Cả 13 chương trong cuốn sách này đều có hư cấu, nhiều ít tùy theo nội dung từng chương. Nếu không hư cấu thì làm sao chúng ta lại bùi ngùi, xót xa với những nỗi niềm cô độc đến khủng khiếp của Vua Lý Huệ Tông? Nếu không hư cấu thì sao lòng ta có thể ray rứt không nguôi với tâm trạng trông vời cố quốc của Hoàng tử Lý Long Tường? Nếu không hư cấu thì Hoàng thành Thăng Long chỉ là những mô tả không hồn cốt. Nếu không hư cấu thì làm sao chúng ta được sống lại với những trang sử oai hùng chống ngoại xâm với Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn? Nếu không hư cấu thì làm sao có được những trang dạy con học đạo dung dị mà cực kỳ sâu sắc của Vua Trần Nhân Tông? Không hư cấu thì làm sao có được chương viết đầy đặn về Ni Sư Hương Tràng, để lần đầu chúng ta được đọc một tác phẩm xuất sắc, trọn vẹn về Công chúa Huyền Trân như vậy… vân vân và... vân vân.

Điều mà chúng tôi muốn nhận mạnh ở đây là, Thầy Như Điển rất chừng mực và chuẩn mực, rất trên tài và cao tay ấn khi hư cấu. Qua hư cấu, Thầy đã phục dựng như thật những giai đoạn lịch sử, Thầy đã xây dựng được những hình tượng riêng có của từng nhân vật, trong từng hoàn cảnh ở từng thời điểm... Thầy lại có sự tưởng tượng phong phú, dồi dào, đa chiều vừa chắt lọc, chắt chiu đến từng chi tiết nhỏ nên chúng tôi dù có “tò mò” đến đâu thì cũng chưa biết được đâu là hư cấu, đâu là tưởng tượng trong Mối Tơ Vương Của Huyền Trân Công Chúa! Tài liệu lịch sử, hư cấu, tưởng tượng đan xen vào nhau, hòa quyện vào nhau, nương tựa vào nhau, ẩn ẩn hiện hiện như thế, phải nói thật đắc ý.

Những nhà văn thực tài tầm vóc cỡ Thầy Như Điển thường đem lại cho chúng ta những điều thú vị như vậy. Xin nêu vài điều về cái tài hư cấu của Thầy Như Điển:

Đây là đoạn viết về sự “giải cứu, nói đúng hơn là việc “cướp”  Huyền Trân để đưa Nàng về Đại Việt. Việc để Yết Kiêu và Dã Tượng đục thuyền ôm Huyền Trân lên thuyền Đại Việt để trốn thoát là một chi tiết rất hay, rất khéo vì cái tài đặc biệt của hai vị lão tướng này, vì Huyền Trân Công chúa rất tin tưởng hai vị này 

Rồi đến đoạn hư cấu này mới thật là tuyệt diệu. Đó là đoạn ghi lại tâm sự giữa Huyền Trân với cô hầu gái trong chương “Cái Tang Chung”. Cô hầu gái này, có lẽ do tình chị-em thắm thiết với Huyền Trân nên đã “bạo gan” hỏi Huyền Trân, xem liệu Nàng có “tơ vương” gì với Trần Khắc Chung không?

Và, đáng phục, đáng kính thay, Huyền Trân, trong một đoạn tâm sự, giãi bày rất ngắn với người nữ tỳ, qua lời của Thầy Như Điển, Huyền Trân đã thể hiện bản chất sống rất thực, rất đẹp từ trí tuệ đến tâm hồn; đó là tấm lòng chung thủy sắt son với chồng, tình yêu thương gan ruột, thiêng liêng với con, niềm hoài vọng da diết về những kỷ niệm đẹp cùng chồng trên quê hương Chiêm Quốc cùng với nỗi niềm trông vời cố quốc.

Tôn trọngthận trọng với lịch sử:

Mối Tơ Vương Của Huyền Trân Công Chúathể hiện rất rõ, rất sâu cái đức tôn trọngthận trọng với lịch sử của Thầy Như Điển. Thầy không bao giờ “bẻ cong ngoài bút, viết sai sự thật theo lối thị phi thường tình”. Thầy phê phán những điều xấu xa của Đời Trần, lên án những âm mưu quỷ quyệt của Trần Thủ Độ. Thầy cảnh báo và chỉ cho chúng ta tránh những lệch lạc, sai đường khi đọc Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục... Nghĩa là chúng ta cần phải suy luận và dùng quan điểm cá nhân để soi sáng lại phần sự kiện lịch sử nào xét thấy còn mập mờ

Về việc một số tác giả cho rằng họ dựa vào “sự thật lịch sử” và “chính sử” khi viết về Huyền Trân Công chúa. Thế nhưng sự thật lịch sử là gì? Chính sử là gì? Về việc này, chúng ta có thể dẫn ý kiến của sử gia uyên thâm Trần Trọng Kim, rằng: “Việt Nam đến thế kỷ thứ 13 mới có lịch sử; mà các sử gia là những người làm việc dưới quyền chỉ đạo của Vua chúa, cho nên sự kiện lịch sử chưa hẳn đã được ghi lại trung thực, mà thường hay bị chính trị bóp méo ngòi bút của sử gia.

Và: “Năm 1479, sử thần Ngô Sĩ Liên là người đầu tiên tuân lệnh Vua Lê Thánh Tông sử dụng truyền thuyết dân gian để biên soạn lịch sử: Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Mà đã là truyền thuyết thì không thể hoàn toànsự thậttruyền thuyết được nhân gian tưởng tượng thêu dệt bằng những chi tiết ly kỳ nên có phần mang tính hư cấu của nó.”

Học giả Nguyễn Hiến Lê trong lời Giới thiệu bộ Lịch Sử Văn Minh - Bài Học Lịch Sử”của William Durant đã có nhận định rất đúng: “Viết về sử thì không thể nào khách quan được. Ta chỉ có thể đòi hỏi sử gia đừng có thành kiến và phải thận trọng thôi. Hai đức này William Durant đều có đủ.”

Liên hệ với ý kiến này của Cụ Nguyễn Hiến Lê, chúng tôi nhận thấy rằng trong Mối Tơ Vương Của Huyền Trân Công Chúa, Thầy Như Điển luôn có những suy luận sâu sắc, chặt chẽ, logique, coi trọng việc dùng quan điểm cá nhân để soi sáng những góc tối của lịch sử; và điều thật đáng ghi nhận là Thầy Như Điển không bao giờ cường điệu, áp đặt, không có thành kiến và rất mực thận trọng.

Trả lại những giá trị lịch sử đích thực cho những người làm nên lịch sử...

Trong khi một số người đại ngôn, cố tính bôi nhọ, hạ nhục, lật đổ những thần tượng lịch sử như đã nêu, thì Thầy Như Điển, qua việc Tuệ Trung Thượng Sĩ bị lịch sử thờ ơ, quên lãng, Thầy mong muốn “trả lại những giá trị lịch sử đích thực cho những người làm nên lịch sử về lại với chỗ đứng của họ trong lòng dân tộc Việt, nên chỉ ghi thêm đậm nét đặc biệt của những vị vua, quan, tướng, Hoàng hậu, Công chúa dưới thời Lý cũng như Trần để sau nầy nếu ai đó đọc đến lịch sử Việt Nam thì có thể hiểu rõ ràng cho một thời đại như thế. Nếu không có những bậc nhân tài hiền đức như vậy xuất thân, thì Việt Nam chúng ta sẽ xoay qua một hướng khác, có thể không độc lập tự chủ được một thời gian dài trong 400 năm như thế đâu.” 

Thầy Như Điển đã thực hiện được cái tâm nguyện cao cả đó không những với Tuệ Trung Thượng Sĩ mà còn cả Vua Trần Nhân Tông, Trần Khắc Chungđặc biệt đối với Công chúa Huyền Trân. Và, không chỉ có thế, Thầy Như Điển còn cảm nhận xa hơn, qua việc nêu lên một thực trạng đáng buồn để nhắc nhở chúng ta. Trong Chương II. Trông Vời Cố Quốc, Thầy đã viết:

“Lâu nay sử sách ở trong nước cũng chỉ chú mục theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư hay Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục v.v… nhưng những sử nầy cũng ít đề cập đến những người đã bỏ nước ra đi và đã làm nên công trạng cho Đại Việt, cũng như những ảnh hưởng to lớn của các vị vua Phật tử, đã dùng căn bản đạo đức nào để dạy cho dân an và nước lạc, cũng như công lao của họ như thế nào trong các Hội Nghị Bình Than và Hội Nghị Diên Hồng để kháng chiến chống quân Nguyên Mông, dưới cái nhìn của Phật giáo thời ấy cũng như thời nay? Một Tuệ Trung Thượng Sĩ; một Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn; một Vua Trần Nhân Tông; một Huyền Trân Công chúa v.v… dưới nhãn quan của Phật Giáo thuở bấy giờ và ngay cả bây giờ cũng đã có nhiều người hay nhiều sử gia lãng quên hay cố tình lãng quên, chỉ vì khi một triều đại nào đó cầm quyền ngả theo Nho, Phật, Lão hay Thiên Chúa thì chỉ tô bồi Đạo giáo của mình theo, mà quên đi những chiến công hiển hách một thời. Nếu khôngPhật Giáo và những công thần vĩ đại ấy thì làm sao gìn giữ và phát triển được nước Việt cho đến ngày nay.”

 

Một ít vấn đề về kỹ thuật hành văn

Về lời thoại

Tiểu thuyết lịch sử có nhiều nhân vật, nhiều tuyến nhân vật. Mỗi nhân vật có hoàn cảnh riêng, số phận riêng, tâm tư tình cảm riêng... Vì vậy, cách thể hiện nội dung, chọn cách kể, cách dẫn dắt câu chuyện là điều rất quan trọng mang tính quyết định với thể loại tiểu thuyết lịch sử.

Ngay trong Chương I. Nỗi Niềm Cô Độc Của Vua Lý Huệ Tông, chúng tôi rất thích thú khi đọc đoạn đối thoại giữa Vua Trần Thái Tông, Quốc Sư Phù Vân và Trần Thủ Độ ở Yên Tử. Đoạn đối thoại rất ngắn, gọn nhưng đã lột tả được cái tâm trạng ưu sầu của Vua Trần Thái Tông: “Kính bạch Quốc sư! Chính vì thế mà trẫm đây áo não, giày vò. Cung son, gái đẹp, đàn ca hát xướng suốt ngày đâu có làm cho trẫm yên, cho nên trẫm trốn vào núi nầy để mong được yên thân và tìm Phật vậy.”

Đoạn đối thoại đáng đọc và đáng suy ngẫm này, chúng tôi đã trích lại khi viết đôi điều tóm tắt ở Chương I. 

Còn rất nhiều lời thoại rất sâu sắc, giàu ấn tượng, đọng mãi trong lòng người đọc mà chúng tôi đã nêu lên đây đó. Chúng tôi nhận ra rằng, một đặc điểm nổi trội ở Thầy Như Điển là giọng văn, ý văn toát lên một sự từ tốn, khiêm cung, hiền hòa, chân chất. Chúng tôi thử “tò mò” và “soi mói” lục tìm trong cuốn sách của Thầy xem có đoạn nào, cụm từ nào diễn tả sự cay cú, chì chiết, giận dữ và “ác độc” không, kể cả khi nói về quân thù xâm lăng nước ta. Kết quả là chúng tôi không sao tìm thấy điều này. Qua đó, chúng tôi “ngộ” ra rằng, chỉ có những người hành trì theo con đường “Tứ Vô Lượng Tâm”, đã liễu ngộthực hành những lời dạy của Đức Phật mới có được tấm lòng thanh sạch, khoan dung, độ lượng, từ bi, tử tế mới có thể làm được việc này.

Rất nhiều thông tin mới lạ, bổ ích

Thầy Như Điển là người đọc nhiều hiểu rộng, có trí nhớ thật quý và hiếm. Phải nói là Thầy uyên thâm, uyên bác về nhiều lĩnh vực: Phật học, lịch sử, văn học - nghệ thuật, ngoại ngữ... cộng với sự lịch lãm, lịch duyệt của một tâm hồn tinh tế của một Danh Tăng, của một nhà văn - nhà Sư viết Sử nên đọc bất cứ chương nào trong Mối Tơ Vương Của Huyền Trân Công Chúa, bên cạnh nội dung chính, chúng ta còn được thưởng thức những điều mới mẻ, lợi lạc, bổ ích và giàu đạo vị từ rất nhiều điều rất sinh động

Dựa vào Chương II. Trông Vời Cố Quốcđể dẫn chứng điều cảm nhận trên đây. Chúng tôi được trang bị thêm nhiều kiến thứcgiá trị, rất đáng tin cậy mà trong đó có nhiều điều chúng tôi mới được đọc, được hiểu lần đầu:

+ Tại Triều Tiên có một dòng thứ 2 của họ Lý nữa. Đó là Lý Dương Côn, con nuôi của Vua Lý Nhân Tông, đã đến Triều Tiên vào khoảng năm 1127 (gần 100 năm trước Lý Long Tường sang Cao Ly tỵ nạn). Như vậy cũng có thể nói Lý Dương Côn là người Việt Nam đầu tiên ra đi tỵ nạn chính trị chăng? Thuở ấy ông làm đến chức Đô Đốc Thủy Quân, nên đã dùng thuyền ra đi tỵ nạn để tránh bị giết trong việc tranh giành ngôi báu thuở bấy giờ. Ông là Đô Đốc nên chắc rằng khi ra đi, không phải chỉ một mình, mà trên thuyền phải có thêm nhiều người nữa, nhưng dòng nầy thì không đông người và ít nổi tiếng như dòng của Lý Long Tường. Ngày nay tại Triều Tiên gọi dòng nầy là dòng Lý Tinh Thiện.

+ Sự kiện lần đầu tiên Việt Nam chúng ta nhận người tỵ nạn Trung Hoa chăng? Họ đến Hội An và xây dựng nhà cửa, phố xá bên sông Hoài. Chữ Hoài nầy có nghĩa là hoài cổ, hoài cố hương, nhớ quê xưa như Lý Long Tường đã ngồi nơi “Vọng Quốc Đàn” để nhớ về cố quốc. 

+ Vai trò quan trọng của các bậc Đại Sư như Nichiren Shonin, Dogen Zenshi, Phù Vân Quốc Sư, Điều Ngự Giác Hoàng trước những trận cuồng phong vũ bão của quân Nguyên Mông... Dấu ấn tâm linh để đời của các ngôi chùa lịch sử như chùa Hải Ấn (Heiin Sa), nơi lưu giữ hằng nghìn mộc bản được khắc thành Đại Tạng Kinh lên đó, mãi cho đến ngày nay vẫn còn, khiến cho thế giới phải khâm phục và tuyên dương công đức của người xưa, bằng cách xếp ngôi chùa Hải Ấn và những mộc bản kinh văn nầy thuộc về “Di sản văn hóa thế giới”. Chùa Bukkoku Sa (Phật Quốc tự) hay Tondo Sa (Thông Độ tự) v.v… Đây là những gia tài văn hóa khó tìm đâu ra được trên thế giới

+ Trong thời gian tỵ nạn ở Thái Lan, Chúa Nguyễn Ánh cũng đã hỗ trợ cho Phật Giáoquốc gia Thái Lan không ít, khi giúp vua Rama Đệ nhị đánh thắng giặc Miến Điện. Bây giờ 18 đến 20 ngôi chùa Việt Nam được thành lập trên đất Thái vẫn còn đây và ở đó đã gởi hồn dân tộc của những người con xa quê hương Tổ Quốc, khi nhớ đến và nghĩ về nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Khi về lại Việt Nam, Chúa Nguyễn Ánh trú ngụ tại các ngôi chùa: Khải Tường, Tù Ân, hay Đại Giác ở Biên Hòa. Thế mới biết Phật Giáo là bóng cây đại thọ, che chở cả hồn dân tộc Việt, chứ không phải chỉ che chở cho Hoàng gia mà thôi.”

Bên cạnh nguồn tài liệu phong phú đã được chắt lọc như đã nêu, việc đưa những bài thơ của những nhà thơ nổi tiếng Việt Nam vào các Chương cũng là một điều rất đáng ghi nhận. Cụ thể như ở Chương III. Chốn Kinh Thànhlà những bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Du, Trần Tế Xương. Qua Chương IV. Nhà Vua Trần Nhân Tônglà thơ của Chu Mạnh Trinh, Trần Tuấn Khải, Mạc Đĩnh Chi và bài Cư Trần Lạc Đạonổi tiếng của Vua Trần Nhân Tông. Việc đưa bài Hịch Tướng Sĩcủa Cử nhân Nguyễn Văn Bình, bản dịch ra Việt văn của Ngô Tất Tố và Bình Ngô Đại Cáocủa Nguyễn Trãi, tuy khá dài nhưng hết sức cần thiết.

Với nguồn tài liệu dồi dào, phong phú đó, cộng với ý nghĩa của những bài thơ, lời bình của Thầy hòa quyện nhau, gắn bó nhau, bổ sung cho nhau để tô đậm và làm tăng sức sống của nội dung chính của chủ đề tư tưởng trong từng Chương. Cái tài, cái tình và độ sâu lắng của Thầy Như Điển là ở đây!

Những bài pháp ngắn về giáo lý Phật Giáo

Đến đây, chúng tôi nhớ đến một nhận xét rất hay, rất đúng của Thầy Thích Nguyên Tạng, trong bài “Hoằng Pháp Là Nhiệm Vụ...”. Thầy Nguyên Tạng viết: “Tất cả những tác phẩm văn học Phật Giáo này, Hòa Thượng Như Điển đã khéo léo lồng vào những bài giáo lý ngắn, những tư tưởng Phật học từ thấp đến cao, để giúp cho người đọc thâm nhập Phật lý khi đọc truyện.” 

Đúng thế. Trong Mối Tơ Vương Của Huyền Trân Công Chúa, Chương nào Thầy cũng “lồng vào những giáo lý ngắn...” Những đoạn giáo lý ngắn này dã được Thầy chọn lọc hết sức kỹ lưỡng và đặt đúng chỗ nên có tác dụng tích cực đối với những người học Phật. Xin kính mời quý độc giả cảm nhận vậy. Về phần mình, chúng tôi chắc chắn là sẽ làm một tập với nội dung “Tôi học Phật từ một cuốn tiểu thuyết của Hòa Thượng Thích Như Điển.”

Nhớ khi hầu chuyện với Ni Sư Như Đức - tốt nghiệp Cao học Phật học khóa đầu tiên tại Phân khoa Phật Học Viện Đại học Vạn Hạnh, trú trì Thiền Viện Viên Chiếu ở Đồng Nai. Chúng tôi bạo gan thưa với Ni Sư rắng: “Sao con thấy quý Thầy Thiện Hoa, Minh Châu, Trí Tịnh, Thanh Từ viết, giảng những điều cao siêu, vi diệu của Phật pháprõ ràng, đơn giảndễ hiểu đến như vậy. Con muốn học cách viết, cách nói này quá mà không biết đến đời nào, kiếp nào mới theo được các Thầy.” 

Ni Sư Như Đức, nhẹ nhàng và ôn tồn bảo: “Khó. Rất khó bước theo bước chân của các vị Thầy, của các Đạo Sư. Phải tu tập, liễu ngộ lắm lắm mới đạt tới cõi thượng thừa này. Chính cô cũng muốn học điều này lâu rồi nhưng đâu có được!”

Đọc một số tác phẩm của Thầy Như Điển, chúng tôi nhận thấy Thầy “giảng Pháp” nhẹ nhàng, đơn giản mà sâu sắc và dễ “thấm” như các vị Danh Tăng trên đây.

Những Thông điệp trong Mối Tơ Vương Của Huyền Trân Công Chúa

Đến đây, chúng tôi xin thử tổng hợp và nêu lên các thông điệp từ Mối Tơ Vương Của Huyền Trân Công ChúaĐó là:

- Thông điệp Hòa Bình (Tâm Bình, Thế Giới Bình)

- Thông điệp của lòng yêu thương, lòng từ bi

- Thông điệp về tình tự quê hương và niềm tự hào dân tộc

- Thông điệp về đức hy sinh của người phụ nữ vì nước, vì dân, vì chồng con

- Thông điệp về sự tôn trọng lịch sử, về quá khú của dân tộc

- Thông điệp về sự gắn bó mang tính quy luật: Đạo Phật - Dân tộc Việt.

- Thông điệp về tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc và nêu cao các giá trị văn hóa dân tộc.

v.v…

Nhưng cái Thông điệp bao trùm, xuyên suốt, quán xuyến như một sợi chỉ đỏ rực sáng trong tác phẩm đó là “Hoằng Pháp Là Nhiệm Vụ, Lợi Sanh Là Lý Tưởng”, đólà tâm nguyện, là lẽ sống, là kim chỉ nam hành đạo của Thầy Như Điển.

 

Mong Thầy Như Điển viết thêm nhiều cuốn tiểu thuyết lịch sử nữa

Xin được “kiến nghị” điều này, rằng Thầy Như Điển hãy tiếp tục viết thêm nhiều cuốn tiểu thuyết như Mối Tơ Vương Của Huyền Trân Công Chúa, vì đã có người quyết định xuất gia sau khi đọc Chuyện Tình Của Liên Hoa Hòa Thượng. Vì rằng, thể loại tiểu thuyết dễ chuyển tải nhiều nội dung hơn, nhiều chi tiết hơn, sự hư cấu, trí tưởng tượng có điều kiện phát huy tốt hơn, mềm mại, uyển chuyển hơn, gần gũi với người đọc hơn, dễ thu hút người đọc hơn vì tính hấp dẫn, lôi cuốn mà các thể loại khác khó có được.

Vì vậy, chúng tôi tin rằng quý vị đã đọc Mối Tơ Vương Của Huyền Trân Công Chúasẽ đồng thuận với chúng tôi về việc mong Thầy Như Điển tiếp tục viết tiểu thuyết lịch sử; trước hết về lịch sử Đời Trần, xin được bạo gan đề nghị Thầy viết cho những cuốn sau:

+ Vua Trần Nhân Tông Và Thiền Phái Trúc Lâm

+ Vua Trần Nhân Tông Và Cuộc Viễn Du Chiêm Quốc

+ Tuệ Trung Thượng Sĩ - Một Thiền Sư - Thi Sĩ 

+ Trần Quốc Tuấn Và Sức Mạnh Của Lòng Dân 

+ Một Công Chúa, Một Ni Sư Lừng Danh Đại Việt v.v...

Xin nhắc lại lời tự bạch của Thầy Như Điển mà chúng tôi rất tâm đắc:

“Chắc quý vị cũng không quên những lời phát nguyện của tôi đâu đó rằng: “Con xin nguyện mình sẽ làm một dòng sông để chuyên chở những trong đục của cuộc đời và con xin nguyện mình làm mặt đất để hứng chịu những sạch nhơ của nhân thế“. Thiết nghĩ như thế cũng đủ cho một chuyến lữ du trong cuộc sống ngắn ngủi tạm bợ nầy.”

Chúng tôi rất thích đoạn Học giả Nguyễn Hiến Lê viết về quẻ Thủy Phong Tỉnh, giúp ích đời như giếng nước trong cuốn Kinh Dịch - Đạo Của Người Quân Tử: Đó là cái giếng nước “Càng dâng lên càng trong. Nước mạch chảy vô giếng hoài, nên nước không kiệt, nước giếng chỉ lên tới một mực nào đó, đầy mà không tràn. Công dụng của giếng là ai cũng lại giếng để lấy nước, kẻ qua người lại, ai cũng nhờ nó mà có nước. Nó giúp mọi người mà như vô tâm.

Với chúng tôi, cái dòng sông đó, cái giếng nước này chính là một biểu tượng sinh động của cuộc đờiđạo nghiệp của Thầy Như Điển.

Với dòng nước mát dịu, trong sạch, thanh khiết, với rất nhiều Tâm huyết, Trí tuệ, Từ tâm, Thầy Như Điển đã rửa sạch mối oan tình nghiệt ngã mà Huyền Trân Công chúa đã phải âm thầm gánh chịu hơn 700 năm qua. Theo chúng tôi, Thầy Như Điển là người đầu tiên và duy nhất tính đến thời điểm này đã làm được việc này một cách nhân văn nhất, đầy đủ nhất, trọn vẹn nhất, sâu sắc nhất và đáng kính phục nhất.

Theo chúng tôi, đó là niềm vui, niềm hạnh phúc của tác giả Mối Tơ Vương Của Huyền Trân Công Chúa.

Cung kính “Vọng Niệm Huyền Trân – Ni Sư Hương Tràng!”

Vô vàn niệm ân Hòa Thượng Phương Trượng Chùa Viên Giác, Đức Quốc!

Nguyên Tánh Nguyễn Hiền-Đức

Santa Ana, California/ USA ngày 06 tháng 6 năm 2018

(Kỷ niệm Sinh nhật Phùng Ngọc Đức và Nguyễn Phùng Lộc Uyển)

--------------------

* Nguyễn Hiền-Đức, người viết bài này là cựu Phụ khảo, Trưởng phòng Tu Thư, Thư ký Tòa soạn tạp chí Tư Tưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh, trùng tên với Bác sĩ Nguyễn Hiền Đức, tác giả cuốn Phật Giáo Đàng Ngoài[BT]

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 32)
Bốn mươi lăm năm thuyết pháp, Đức Phật đã dày công thiết lập nên lộ trình TU CHỨNG duy nhất, là VĂN - TƯ - TU.
(Xem: 98)
Con đường giải thoát, tức là Bát Chánh Đạo. Có thể gói trọn vào một câu, hay hai câu, hay vài câu được không?
(Xem: 126)
Chữ “tu” có nghĩa là “sửa đổi” hay “thay đổi”. Sửa chữa những hành vi bất thiện sai lầm để bản thân trở nên tốt đẹp và lương thiện hơn.
(Xem: 145)
Đức Phật đến với cuộc đời không gì khác ngoài chỉ bày cho con người một nếp sống hạnh phúc an lạc.
(Xem: 138)
Chết an lành là mong mỏi to lớn và sau cùng của một kiếp nhân sinh. Ngoài đời hằng mong sinh thuận tử an.
(Xem: 146)
Pháp giới là vũ trụ được các bậc giác ngộ chứng ngộ.
(Xem: 243)
Một số bài pháp hay nhất mà tôi từng nghe là những bài pháp của Đức Phật.
(Xem: 201)
Huyền thoại truyền thống về cuộc đơi Đức Phật kể lại rằng trong suốt thời niên thiếu và vào tuổi trưởng thành, thái tử Siddhattha
(Xem: 271)
Xã hội ngày nay, đời sống hiện đại phần nào làm con người bị cuốn vào guồng xoay vật chất như “thiêu thân”.
(Xem: 222)
Con đường giải thoát, tức là Bát Chánh Đạo. Có thể gói trọn vào một câu, hay hai câu, hay vài câu được không?
(Xem: 226)
Ái là tâm yêu thích. Người đời thì yêu thích nhiều thứ nên biển ái mênh mông.
(Xem: 202)
Chánh kiến là thấy biết đúng sự thật. Thấy biết về thiện và bất thiện, căn bản của thiện và bất thiện;
(Xem: 310)
Thiền sư Sawaki luôn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc hành thiền hơn là học kinh sách hay tham công án.
(Xem: 254)
Cách đây hơn 2500 năm trước, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã từng dự ngôn
(Xem: 326)
“Sinh ra, tồn tại, suy biến và hoại diệt trong từng thoáng chốc. Thế gian được thấy như thế...”
(Xem: 315)
Một trong những giả định đằng sau Phật giáo đương đại (Contemporary Buddhism) là 'thông điệp' của Phật giáo có thể truyền đến...
(Xem: 422)
Con đường Bồ tát gồm hai sự tích tập trí huệ và tích tập công đức. Hai sự tích tập này đầy đủ thì được gọi là Lưỡng Túc Tôn, bậc hai sự đầy đủ, tức là một vị Phật.
(Xem: 308)
Có người nói thế giới này hư hoại, thật ra thế giới không có hư hoại. Vậy thì cái gì hư hoại?
(Xem: 353)
Buông bỏ là một hạnh lành, không phải người nào cũng làm được. Xả bỏ được bao nhiêu thì nhẹ nhàng và thong dong bấy nhiêu.
(Xem: 462)
Nhân dịp Năm Mới, tôi xin cảm ơn tất cả những người đã gửi cho tôi những lời chúc tốt đẹp, và tôi xin gửi lời chào đến tất cả chư Huynh Đệ trên khắp thế giới.
(Xem: 423)
Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, vị thủy tổ đầu tiên về nguồn gốc của dân tộc Việt Nam là...
(Xem: 351)
Theo truyền thuyết, rồng là loài vật linh thiêng, có thần thông, có khả năng làm mưa, phun ra khói, lửa, thăng, giáng, ẩn, hiện, biến hóa lớn nhỏ một cách tự tại.
(Xem: 621)
Trí tuệ giống như ánh sáng, và có ba cấp độ:
(Xem: 342)
Chúng ta thường nghe dặn dò rằng, hãy tu đi, đừng nói nhiều, đừng lý luận nhiều, đừng dựa vào chữ nghĩa biện biệt sẽ dễ loạn tâm
(Xem: 419)
Trước khi tìm hiểu chủ đề “Nương thuyền Bát nhã là gì? ”, chúng ta cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của từ Bát nhã.
(Xem: 406)
Từ “Phật” (Buddha) đã được biết đến và lưu truyền trước khi Đức Phật xuất hiệnẤn Độ.
(Xem: 422)
Đức Phật, Ngài là con người, bằng xương bằng thịt, như bao nhiêu con người khác...nhưng Ngài là một con người giác ngộ, tỉnh thức...
(Xem: 435)
Tham ái với thân, tập trung lo cho thân tứ đại một cách thái quá, đó là trói buộc.
(Xem: 424)
Trời có lúc nắng lúc mưa, người có lúc may mắn hoặc xui xẻo. Nhưng không có cái gì tự dưng sinh ra hay mất đi, tất cả đều có lý do của do của nó.
(Xem: 359)
Ajaan Dune Atulo (1888-1983) sinh ngày 4 tháng 10/1888 tại làng Praasaat, huyện Muang, tỉnh Surin. Năm 22 tuổi ngài xuất gia ở tỉnh lỵ.
(Xem: 476)
Đức Phật là đấng Toàn giác, bậc trí tuệ siêu việt. Càng hiểu Phật phápcuộc đời, ta càng thấy những gì Đức Phật dạy là vô cùng đúng đắn.
(Xem: 814)
Một cá nhân hay đoàn thể đệ tử Phật thực sự có tu tập giới-định-tuệ thì được mọi người kính trọng; sống hòa hợp, nhẫn nhịn, không tranh chấp đấu đá lẫn nhau chắc chắn được mọi người thương mến.
(Xem: 803)
"Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ, khi đêm đã qua, vào lúc trời vừa sáng, Đức Thế Tôn đắp y mang bát vào nước Xá-vệ. …
(Xem: 669)
Thánh hiệu của Bồ-tát Quán Thế Âm, tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc là Thánh hiệu mà không ai chẳng biết.
(Xem: 974)
Việc nâng cao các tiện nghi vật chấtphương tiện hỗ trợ phát triển bản thânnhững tưởng giúp ta cởi bỏ phiền lụy để sống an vui,
(Xem: 500)
Con người khổ đau vì không biết và không thể sống đời sống chân thực (real life). Đời sống chân thựctrong bài này được gọi là “thực tại của đời sống”.
(Xem: 436)
Duy Thức Tam Thập Tụng, tác giả: tổ Thế Thân (316-396), dịch giả Phạn - Hán: Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang (602-664), có tất cả 30 bài tụng
(Xem: 543)
Đầu Xuân năm Tân Sửu, tôi có dịp sang chùa Khánh Anh ở Pháp, đã gặp Đạo hữu Seng Souvanh Khamdeng Pháp Danh Quảng Chơn, là chồng của Cô Trung Diệp Phạm Thị Hợi, vốn là em gái của cố Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ.
(Xem: 560)
Việc nâng cao các tiện nghi vật chấtphương tiện hỗ trợ phát triển bản thân những tưởng giúp ta cởi bỏ phiền lụy để sống an vui, nhưng thực tế, ta vẫn còn tiếp tục loay hoay giữa rối ren.
(Xem: 539)
Nước chảy mây bay có khoảnh khắc nào ngưng, hoa rơi lá rụng bốn mùa luân chuyển, người đến rồi đi cũng chưa từng gián đoạn bao giờ.
(Xem: 534)
Khi bạn giữ hơi thở trong tâm, bạn gom bốn niệm xứ vào một. Hơi thở là thân, các cảm giác (thọ) nằm trong thân, tâm (tưởng) nằm trong thân, phẩm chất tinh thần (pháp) nằm trong tâm.
(Xem: 710)
Đêm dần tàn và ngày i đang lên Băng tuyết lạnh mần thủy tiên đã nhú Mùa đông trắng cành đào hồng đơm nụ Xuân rạng ngời hoan hỷ đợi muôn hoa
(Xem: 603)
Khi thân yên, ta có thể hiểu biết về thân. Khi tâm tĩnh lặng, ta có hiểu biết về tâm. Khi hơi thở tĩnh lặng, ta có hiểu b
(Xem: 756)
Phật rời khỏi thế gian này rồi, lưu lại một số kỉ niệm cho chúng ta, chúng ta chiêm ngưỡng lễ lạy như Phật còn tại thế.
(Xem: 732)
Qua lịch sử, người ta đã vạch ra, lên án những hành vi, những con người hung ác nhưng chưa định nghĩa thế nào là hung ác.
(Xem: 702)
Trong vài thập niên gần đây, thuật ngữ “tâm linh” trở nên rất thời thượng, tràn ngập khắp trên mặt báo chí, truyền thông, mạng xã hội,
(Xem: 696)
Trong kiếp Đức Thích Ca thành PhậtẤn Độ, người đối nghịch, thậm chí phá hoại đưa đến âm mưu sát hại Ngài là Đề Bà Đạt Đa.
(Xem: 660)
Không áo mão cân đai. Không y hồng hiệp chưởng. Một bộ y hậu thường nhật mà thôi. Nơi khám thờ hậu Tổ, một di ảnh đơn sơ, bình dị, vậy mà bao nhiêu bài viết đã xưng tánThiền Sư.
(Xem: 734)
Con người được mô tả gồm hai phần: Thể xác và tinh thần. Theo thuật ngữ Phật học thì thể xác tức thân thể con người gọi là “Sắc”, còn tinh thần là “Danh” tức là tâm.
(Xem: 709)
Tâm từ bi, lòng trắc ẩn và không làm tổn hại là những những giá trị phổ quát trong Phật giáo, cho nên đối với người dân Bhutan
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant