Lòng Từ Bi Bao La Của Lục Tổ Huệ Năng
Trong suốt cả Pháp Bảo Đàn Kinh, là những lời dạy của Lục Tổ, ngài chỉ hai lần nói đến hai chữ “từ bi”:
“Mê muội tự tánh tức là chúng sanh. Giác ngộ tự tánh tức là Phật. Từ bi tức là Quán Âm, hỷ xả gọi là Thế Chí, thường tịnh tức là Thích Ca, bằng thẳng tức là Di Đà.
Nhân ngã là núi Tu Di, tâm tà là nước biển, phiền não là làn sóng, độc hại là rồng dữ, hư vọng là quỷ thần, trần lao là cá dữ, tham giận là địa ngục, ngu si là súc sanh.
Thiện tri thức! Thường làm mười điều thiện thì thiên đường liền hiện đến. Trừ nhân ngã thì núi Tu Di sụp, bỏ tâm tà thì nước biển cạn, không phiền não thì làn sóng diệt, độc hại trừ thì cá rồng tuyệt”.
(Phẩm Nghi Vấn)
“Sao gọi là Ngàn Trăm Ức Hóa Thân? Nếu chẳng nghĩ muôn pháp thì tánh vốn như hư không. Một niệm nghĩ lường, gọi là biến hóa. Nghĩ lường việc ác thì hóa làm địa ngục, nghĩ lường việc thiện thì hóa làm thiên đường, độc hại hóa làm rồng rắn, từ bi hóa làm Bồ tát, trí huệ hóa làm cõi trên…”
(Phẩm Sám Hối).
Như vậy, trong tự tánh hay bản tâm của mỗi người đều có hạt giống từ bi. Vấn đề là mỗi người phải phát huy nó để lớn lên, lan tỏa khắp thành từ bi của Đức Quán Âm.
Sau đây chúng ta sẽ tìm hiểu lòng từ bi biểu lộ trong cuộc sống của Lục Tổ và trong giáo pháp của ngài như thế nào để thực hành.
1/ Lòng từ bi biểu lộ trong cuộc sống của Lục Tổ
Trong phẩm Hành Do thứ nhất, ngài thuật lại cuộc đời mình cho đại chúng như một tấm gương cho những người cầu đạo, đi trên con đường tự giác - giác tha. Ngài tự thuật:
“Thân phụ của Huệ Năng nguyên quán ở Phạm Dương bị giáng chức đày về Lãnh Nam ở Tân Châu làm dân thường. Thân này bất hạnh, cha lại mất sớm, còn một mẹ già cô độc, phải dời qua Nam Hải, khổ cực nghèo thiếu, phải làm nghề bán củi nơi chợ”.
Khi nghe một người khách tụng kinh Kim Cương, ngài như có hiểu và hỏi chỗ nào giảng kinh này. Sau khi lo liệu cho mẹ già xong, ngài đi đến Ngũ Tổ để cầu đạo. Sau hơn tám tháng “bửa củi đạp chày giã gạo”, một đêm nọ Ngũ Tổ gọi ngài lên thất, giảng nói cho kinh Kim Cương, ngài “ngay lời nói đại ngộ”.
“Tổ biết Huệ Năng ngộ được bản tánh, mới dạy rằng: Chẳng biết bản tâm, học pháp vô ích. Nếu biết tâm mình, tức gọi là Trượng phu, là thầy của trời và người, là Phật.
Canh ba thọ pháp, mọi người đều chẳng hay. Tổ truyền pháp đốn giáo và y bát, nói rằng: Ngươi là Tổ đời thứ sáu, hãy khéo tự hộ niệm, rộng độ chúng sanh, truyền rộng mai sau, chớ để dứt mất. Hãy nghe kệ ta đây:
Có tình gieo giống xuống
Nhân đất quả bèn sanh
Không tình cũng không giống
Không tánh cũng không sanh”.
Khi lên đường cầu đạo, ngài Huệ Năng không nói rõ mình có phải vì chúng sanh mà cầu đạo hay không. Nhưng khi đã ngộ đạo thì Ngũ Tổ giảng cho ngài rất rõ bổn phận trách nhiệm ở đời của vị sư đã phát minh trí huệ: người đó “là Trượng phu, là thầy của trời và người, rộng độ chúng sanh, truyền rộng mai sau, chớ để dứt mất”.
“Rộng độ chúng sanh, truyền rộng mai sau” là công việc của từ bi khai mở trí huệ cho chúng sanh, dầu với Lục Tổ, đó là một công việc gian nan, và phải trốn tránh đến mười lăm năm với các thợ rừng. Đạo Phật là trí huệ đi đôi với từ bi, tự giác đi đôi với giác tha, cho đến “giác hạnh viên mãn”.
Trên đường lánh nạn, ngay khi vừa rời chùa Ngũ Tổ, “có vài trăm người muốn đoạt y bát đuổi theo. Trong đó có một nhà sư họ Trần, tên Huệ Minh, trước kia làm Tứ phẩm tướng quân, tánh tình thô lỗ, quyết lòng tìm kiếm, đi trước dẫn đầu, đuổi kịp Huệ Năng”. Trong hoàn cảnh đó ngài đã độ cho Huệ Minh thấy tánh.
Lòng từ bi của ngài biểu lộ cả khi không có đồ chúng, khi ở với đám thợ săn:
“Đám thợ săn thường bảo ta giữ lưới. Mỗi khi thấy các loài sanh mạng lọt vào ta đều thả ra hết. Mỗi lúc ăn ta lấy rau gởi nơi nồi nấu thịt, có người hỏi thì nói chỉ ăn rau luộc ở bên thịt mà thôi”.
Câu chuyện Hành Xương được sai đến ám sát ngài, nhưng bất thành. Khi ấy sư nói với Hành Xương: “Ta chỉ nợ ngươi vàng, chớ chẳng nợ người mạng. Hành Xương kinh hãi té xỉu, hồi lâu mới tỉnh lại, cầu khẩn ăn năn tội lỗi và xin xuất gia. Sư lấy vàng cho và nói: Ngươi hãy đi, e đồ chúng trở lại hại ngươi. Ngày sau hãy thay đổi hình dạng rồi đến đây ta sẽ nạp thọ. Hành Xương vâng theo lời dạy, trốn liền trong đêm ấy, sau xuất gia làm tăng.
Một ngày nọ nhớ lời sư dạy, từ xa đến đảnh lễ ra mắt ngài. Sư nói: Ta nhớ ông đã lâu, sao ông đến muộn vậy”.
(Phẩm Đốn Tiệm).
Câu nói của ngài khi gặp lại người đã từng muốn ám sát mình thật cảm động. Lòng từ bi của ngài thật sâu sắc biết bao.
Kết thúc phẩm Hành Do nói về đời mình, ngài nói:
“Huệ Năng này đắc pháp ở Đông Sơn, chịu đủ mọi cay đắng, sanh mạng giống như sợi tơ treo. Ngày nay được cùng Sứ quân, quan chức, các tăng ni đạo tục đồng ở trong hội này, nếu chẳng phải nhân duyên nhiều đời trước thì cũng trong đời quá khứ từng cúng dường chư Phật, cùng trồng thiện căn, nên mới được nghe pháp Đốn giáo và nguyên nhân đắc pháp như trên.
Giáo pháp ấy là các bậc thánh trước truyền lại, chẳng phải do Huệ Năng này tự biết. Muốn nghe giáo pháp của các bậc thánh trước thì mỗi người hãy tịnh tâm ý mình, nghe mà mỗi người tự trừ bỏ những nghi hoặc thì như các đại thánh đời trước không khác”.
Bằng một giọng chân thật, chân thành, giản dị, mà ngôn ngữ thường dùng bây giờ gọi là “chia xẻ”, không có bóng dáng của cái tôi, ngài đã ban rãi giáo pháp cho đến từng người (“mỗi người”). Ngài không nói pháp ấy là của ngài tự ngộ, tự chứng, mà là của “các bậc thánh trước truyền lại, chẳng phải do Huệ Năng này tự biết”. Sự khiêm nhường ấy là một biểu lộ của lòng từ bi. Đó là công việc truyền bá trí huệ giải thoát bằng lòng từ bi từ đầu đến cuối cuộc đời.
Suốt đời ngài hành đạo bằng lòng từ bi bao la như vậy, cho đến cả cầm thú, cỏ cây. Trong kinh khi thuật lại cái chết của ngài, phẩm Phó Chúc nói:
“Sư nói kệ rồi, ngồi ngay thẳng đến canh ba bỗng nhiên nói với môn đồ rằng: Ta đi đây. Rồi im lặng thoát hoá. Khi ấy mùi hương lạ đầy nhà, cầu vồng xuống sát đất, cây rừng biến thành sắc trắng, cầm thú kêu giọng bi ai”.
2/ Lòng từ bi biểu lộ qua giáo pháp
Trước tiên, đối tượng thuyết pháp của ngài là dành cho tất cả mọi người: “Tăng, ni, đạo, tục đồng ở trong hội này… từng cúng dường chư Phật, cùng trồng thiện căn…”. Và dành cho từng người: “Mỗi người hãy tự tịnh tâm ý mình, nghe và mỗi người tự trừ bỏ những nghi hoặc thì như các đại thánh đời trước không khác”.
Đối tượng thuyết pháp được ngài gọi là “Thiện tri thức”. Thiện tri thức (Skt: kalyanamittra) có nghĩa là thầy dạy, bạn đồng hành, đồng tu. Ngài xem những người đến nghe pháp, học đạo là những người đồng hành trên con đường Phật đạo. Trí huệ và từ bi khiến ngài có một sự gần gũi, không ngăn cách với đám đông mà kinh điển gọi là “chúng sanh”.
Hơn nữa, với trí huệ và từ bi, ngài nhìn thấy mỗi người và trân trọng họ như những vị Phật sẽ thành, “thì như các đại thánh đời trước không khác”. Ngài thường chỉ cho sự khác biệt không lớn, như mọi người vẫn nghĩ, giữa chúng sanh và Phật:
“Chẳng ngộ thì Phật là chúng sanh, còn trong một niệm ngộ thì chúng sanh là Phật”.
(Phẩm Trí Huệ)
“Phật dùng bao nhiêu lời lẻ khuyên chúng sanh hãy thôi nghĩ, chớ hướng ngoài tìm cầu thì cùng Phật không khác. Cho nên nói khai mở cái thấy biết của Phật.
Ta nay cũng khuyên tất cả mọi người ở trong tâm mình thường khai mở cái thấy biết của Phật”.
(Phẩm Cơ Duyên)
Lối giảng dạy, chỉ thẳng của ngài cũng giản dị, mộc mạc, rất ‘đời thường’, mặc dù ngài đề cập đến hầu như tất cả các chủ đề chính yếu và tất cả các kinh điển Đại thừa.
Ngài nói về tánh Không, Phật tánh:
“Hãy biết người ngu kẻ trí Phật tánh vốn không sai khác, chỉ do mê ngộ chẳng đồng mà có ngu có trí.
Các thiện tri thức! Người đời suốt ngày miệng niệm Bát nhã (trí huệ thấu suốt tánh Không) mà chẳng biết tự tánh Bát nhã cũng như nói ăn mà chẳng no. Miệng chỉ nói Không thì muôn kiếp chẳng được thấy tánh, rốt cuộc không ích gì.
Miệng niệm tâm làm, ắt tâm miệng tương ưng. Bản tánh là Phật, lìa tánh thì không có Phật nào khác.
Ma ha là lớn, tâm lượng rộng lớn như hư không, không có biên bờ, cũng không vuông tròn lớn nhỏ, xanh vàng đỏ trắng, cũng không giận, không vui, không phải không trái, không lành không dữ, không đầu không cuối. Các cõi Phật đồng như hư không, diệu tánh của người đời vốn Không, không có sự gì có thể đắc. Tự tánh chân không của người đời cũng lại như vậy”.
(Phẩm Trí Huệ).
Những lời giảng về tánh Không của ngài không khác với Kinh Đại Bát Nhã chuyên thuyết về tánh Không, nhưng nơi ngài tánh Không thật là gần gũi, cụ thể vì ngài nói về cái mà mọi “người đời” đều đang sẵn có và đều đang ở trong đó.
Đối với Phật giáo, con đường là thấy tánh, thấy Phật tánh, và sống, hoạt động trong Phật tánh ấy cho đến khi thân tâm con người đều là Phật tánh. Nhưng con đường “thấy tánh thành Phật” này thật gần gũi biết bao khi nó nằm ngay trong đời sống hàng ngày, nơi từng khởi niệm:
“Thấy tánh là công, bình đẳng là đức. Niệm niệm không trệ ngại, thường thấy bản tánh, diệu dụng chân thật, đó gọi là công đức. Trong tâm khiêm hạ là công, ngoài hành theo lễ là đức. Chẳng lìa tánh mình là công, ứng dụng không nhiễm là đức. Nếu tìm công đức Pháp thân, hãy y theo đây mà làm, đó là chân công đức”.
(Phẩm Nghi Vấn).
Tự tánh mỗi người chính là Pháp thân thanh tịnh, chỉ vì khởi những ý nghĩ rồi chạy theo chúng mà thành ra các nẻo đường xấu ác và tốt thiện. Cho nên biết tất cả các ý nghĩ điều từ tự tánh sanh ra, nếu không quên nguồn gốc của chúng là tự tánh, không chạy theo chúng, đó là sự thực hành thấy tự tánh và an trụ trong tự tánh.
“Sao gọi là Thanh tịnh Pháp thân Phật? Người đời tánh vốn thanh tịnh. Muôn pháp điều từ tự tánh sanh: nghĩ lường tất cả sự ác tức sanh hạnh ác, nghĩ lường tất cả sự thiện tức sanh hạnh thiện. Như vậy các pháp ở trong tự tánh mình, như trời thường trong, mặt trời mặt trăng thường sáng, nhưng vì mây bay che lấp nên trên sáng dưới tối. Bỗng gặp gió thổi mây tan, trên dưới đều sáng, muôn hình ảnh đều hiện”.
(Phẩm Sám Hối)
Muốn trở về tự tánh thì phải trừ bỏ những tâm bất thiện, vì những tâm bất thiện làm nặng nề, cứng đọng tâm thành những phiền não nội kết. Trong khi “Đạo (hay tâm) vốn thông lưu, chớ làm cho ngưng trệ” (Phẩm Định Huệ). Trở về tự tánh, đó là quy y:
“Thiện tri thức! Tâm mình quy y tánh mình, đó là quy y chân Phật. Tự quy y là trong tất cả thời gian trừ những tâm bất thiện, tâm ghen ghét, tâm cong vạy, tâm chỉ có ta, tâm giả dối, tâm khinh nhạo người, tâm tà kiến, tâm cao ngạo, các hạnh bất thiện ở trong tự tánh. Thường tự thấy lỗi mình, chẳng nói sự tốt xấu của người khác, đây là tự quy y. Thường hạ tâm mình, cung kính khắp cả, tức là thấy tánh thông suốt, không có gì ngăn ngại, đây là tự quy y”.
Để cho tự tánh vốn có nơi mình hiển lộ, chỉ cần không có những che chướng ngăn ngại là những tâm bất thiện, tâm xấu ác…và có những tâm tốt thiện như tâm khiêm hạ, tâm cung kính khắp cả…
Ở đây, chúng ta thấy ngài gom lại cả ba câu kệ của đức Phật Thích Ca và đưa về tự tánh vốn có nơi mỗi người. Bài kệ của đức Phật là:
Các ác chớ làm
Các thiện vâng làm
Tự tịnh tâm ý
Lời chư Phật dạy.
Tâm mình có quy y tánh mình được hay không là do sự điều phục tâm từ xấu ác thành tốt thiện, “từ bi hóa làm Bồ tát, trí huệ hóa làm cõi trên; từ bi tức là Quán Âm, hỷ xả gọi là Thế Chí, thường tịnh tức là Thích Ca, bằng thẳng tức là Di Đà”.
“Sao gọi là Ngàn Trăm Ức Hóa Thân? Nếu chẳng nghĩ muôn pháp thì tánh vốn như hư không. Một niệm suy nghĩ gọi là biến hóa. Suy nghĩ việc ác thì hóa làm địa ngục, suy nghĩ việc thiện thì hóa làm thiên đường, độc hại hóa làm rồng rắn, từ bi hóa làm Bồ tát, trí huệ hóa làm cõi trên, ngu si hóa làm phương dưới. Tánh mình biến hóa rất nhiều, người mê chẳng thể tỉnh giác, niệm niệm khởi ác, thường hành đường ác. Xoay về một niệm thiện thì trí huệ liền sanh, ấy gọi là tự tánh hóa thân Phật”.
Giới, Định, Huệ, là nền tảng của tất cả Phật giáo, Lục Tổ đã gom về tâm địa, tự tánh. Nếu không lỗi, không si, không loạn thì người ta luôn luôn ở trong tự tánh:
Tâm địa không lỗi, tự tánh giới,
Tâm địa không si, tự tánh huệ,
Tâm địa không loạn, tự tánh định
Chẳng tăng chẳng giảm, tự kim cương
Thân tới thân lui, vốn tam muội.
(Phẩm Đốn Tiệm).
Cần phải thấy rằng ngài không hạ thấp những cấp độ tiêu chuẩn của Ba Thừa, cũng không rút gọn, hạn hẹp giáo pháp trong một số kinh điển nào đó. Nhưng cái độc sáng của ngài là đưa những phạm trù cao nhất của Phật giáo vào trong những sinh hoạt đời thường, trong những điều nhỏ nhặt hàng ngày mà ai cũng gặp phải. Có lẽ nhờ điều này mà Thiền tông trở thành tông rộng lớn nhất của Phật giáo trong các nước Đông Á cho đến ngày nay.
Như Năm phần hương Pháp thân đã được ngài giảng dễ hiểu, dễ làm. Sự dễ hiểu dễ làm này phản ánh lòng từ bi của ngài tuân theo lời dạy của Ngũ Tổ, “rộng độ chúng sanh, truyền rộng mai sau, chớ để dứt mất”.
“Các người đã từ phương xa đến hội họp ở đây, ấy là đều cùng có duyên. Nay mọi người nên quỳ xuống, trước ta truyền Năm phần hương Pháp thân của tự tánh mình, rồi sau trao pháp Vô tướng sám hối.
Cả đại chúng đồng quỳ.
Sư nói: Một là Giới hương, tức là trong tâm mình không sai quấy, không xấu ác, không ghen tỵ, không tham sân, không cướp hại, ấy gọi là Giới hương.
Hai là Định hương, tức là thấy các cảnh tướng thiện ác mà tâm mình chẳng loạn. Ấy gọi là Định hương.
Ba là Huệ hương, tâm mình không bị ngăn ngại. Thường dùng trí huệ quán chiếu tự tánh, chẳng tạo ra các xấu ác. Tuy tu các điều thiện lành mà tâm không bám níu, kính người trên nghĩ đến người dưới, thương xót những kẻ côi cút nghèo cùng. Ấy gọi là Huệ hương.
Bốn là Giải thoát hương, tức là tâm mình không chỗ vịn níu, chẳng nghĩ thiện chẳng nghĩ ác, tự tại vô ngại. Ấy gọi là Giải thoát hương.
Năm là Giải thoát tri kiến hương, tâm mình đã không chỗ vịn níu theo thiện ác mà cũng không chìm đắm trong cái không, giữ lấy cái vắng lặng. Cần học rộng nghe nhiều, rõ bản tâm mình, thông đạt cái thật của chư Phật, hòa quang tiếp vật, không ta không người, thẳng đến Giác ngộ, chân tánh chẳng dời đổi. Ấy gọi là Giải thoát tri kiến hương.
Những hương này mỗi mỗi đều tự xông ở trong, chớ hướng bên ngoài tìm kiếm”.
(Phẩm Sám Hối).
Giới, Định, Huệ trong giáo pháp của ngài không đứng riêng từng cái, mà được gom về trong một niệm tự tánh Pháp thân. Pháp thân mọi người đều có, “Pháp thân của tự tánh mình”, nên sự thực hành được ngài nói là “đồng thấy, đồng hạnh”:
“Thiện tri thức! Đời sau những người đắc pháp của ta, đồng thấy đồng hạnh, đem pháp môn đốn giáo này phát nguyện thọ trì như thể thờ Phật, trọn đời không thối chuyển, thì chắc vào Thánh vị”.
(Phẩm Trí Huệ)
- Tag :
- Nguyễn Thế Đăng