VÔ THƯỜNG
Lê Huy Trứ
Chúng ta không thể nào trường sanh bất tử, trẻ đẹp, và mạnh khỏe mãi mãi được trên đời. Khoa học đã chứng minh trong thân thể ta, các tế bào (cells) luôn luôn thay đổi, trong một phút không biết bao nhiêu tế bào mới phát sinh thay thế cho tế bào cũ hủy diệt, mà tế bào này lại già hơn tế bào trước. Những thay đổi này không thoát khỏi cái vòng luân hồi của sinh, lão, bệnh và tử. Khoa học chưa tìm ra phương cách cải lão hoàn đồng, thay thế những tế bào này với những tế bào trẻ trung và khỏe mạnh hơn. Trên lý thuyết thì khoa học đã có phương cách cải lão hoàn đồng ở trên nhưng chưa được chấp nhận bởi những xã hội còn tôn trọngthần quyền.
Đức Phật lúc còn là Thái Tử đã than với vợ là Da Du Đà La về thân vô thường, “Chúng ta sẽ già yếu xấu xa. Thời gian sẽ phủ lên đầu chúng ta những lớp tro bạc. Ôi! Mắt trong của em rồi sẽ mờ đục, môi đỏ của em rồi sẽ úa màu. Ta nghe trong ta, trong em, trong tất cả mọi người, mỗi ngày mỗi đổ vỡ dưới sức tàn phá của búa thời gian, tất cả những gì quý giá nhất của đời người... chúng ta ôm giữ một cách tuyệt vọng những bảo vật ở trong ta như ôm một cái bóng, như nắm bắt một làn hương."
Trí tuệ thay!
Ý niệm chúng ta thay đổi trong từng phút, từng giây, từng sátna. Vui vẻ đó rồi buồn khổ đó, thân thiết đó, rồi hờn giận đó. Ý thức chúng ta sanh diệt trong từng sát na. Nhưng vì chính tự nó sinh diệt quá mau lẹ. Cho nên, trong mỗi chúng ta có cảm tưởngnhư không hề thay đổi gì.
Chưa có một nhân sinh nào tái sinh lại trong tiền kiếp. Bởi vì, cái tâm thức, tấm thân ngũ uẩn, và không-thời gian đó đã hóa thân.
“No man ever steps in the same river twice, for it's not the same river and he's not the same man.” Heraclitus
Heraclitus, “IIanta Pei.” Tất cả là một dòng chảy mạnh.
Tam pháp ấn (S: tri-dharma-mudrā; E: three seals of the dharma) là một trong ba nguyên lý căn bản của Phật Giáo – vô thường, vô ngã, và niết-bàn tịch tịnh.
Đạo Phật thừa nhận rằng: Tác dụng của những quy luật vô thường này trong thế giới thực thể (entity) được thể hiện trong những bản kinh của Arvāstivavādins. Bởi vì, nó duy trì tính bất diệt trong trạng thái bản thể (identity) của các pháp suốt ba thời kỳ không-thời gian – Quá khứ, hiện tại và vị lai.
Sanh diệt vô thường, thay đổi nhanh chóng trong từng ý niệm, vạn vật thay đổi hoàn toàn, và không bao giờ giống nhau. Nguyên lý này được giải thích theo quan điểm Phật Giáo là bất cứ sự thay đổi nào của vạn vật đều sanh diệt không ngừng trong từng khoảnh khắc.
Tự tánh vô thường hay tánh không là sự thay đổi liên tục của các hiện tượng trong vũ trụ, bao hàm sự sanh diệt vô thường.
Cái “ta, ngã” chỉ là vô thường tạm bợ, giả tạo mà người đời tự cho cái ta là “duy ngã độc tôn, cái rốn của vũ trụ,” bám víu vào nó, nhân danh nó vì si mê lầm lạc.
Như chúng ta đã thấy không phải chỉ có cái thân ta vô thường, tâm ý ta vô thường mà cuộc sống cũng vô thường. “Thương hải tang điền,” vật đổi sao dời, không ai giàu ba họ không ai khó ba đời, lên voi xuống chó, chúng sinh trầm luân trong bến mê, bể khổ.
Theo Bách khoa Triết học của Phật Giáo Tiểu thừa mang tựa đề Abhidharmamahāvibhāṣāśāstra. Bản gốc Sanskrit bị thất lạc, chỉ còn bản dịch tiếng Hán của ngài Huyền Trang, trong đó nói rằng: một ngày 24 giờ có 6.499.99.980.000.000 sát-na (kṣaṇas); tập hợp năm uẩn (skandhas) sinh diệt trong từng sát-na.
Ngay cả bây giờ, chưa có ai chia thời gian ra tỷ tỷ cực tiểu như vậy. Bởi khi kiến giác được thời gian sát-na chúng ta có thể thấy được vận tốc của viên đạn bắn ra từ nòng súng chậm như rùa bò. Thậm chí chúng ta còn có thể thấy được thời gian dường như ngừng trôi, và trái đất dường như ngừng quay. Không gian dường như không còn khoảng cách. Dường như không còn vô thường đối phật nhãn và trí tuệ của Phật.
Quả thật không như vậy, sự sống của một chúng sinh vô cùng ngắn ngủi như những sát-na. Chỉ kéo dài trong một ý niệm, và khi ý niệm đó dừng lại thì sự sống cũng dừng lại. Chúng sinh trong quá khứ đã sống mà đã không sống. Trong hiện tại đang sống mà đang không sống. Trong vị lai sẽ sống mà chưa sống.
Trên thực tế, nguyên lý vô thường trong vũ trụ không đề cập đến thế giới thực thể mà chỉ đề cập đến thế giới hiện tượng (phenomenon.) Sự giải thích về nguyên lý này có khuynh hướng phủ định hay hủy diệt hơn là hướng đến giải thích tuyệt đối. Đây là điểm quan trọng, trong tầm nhìn của các nhà nghiên cứu kinh điển Phật Giáo. Mục tiêu của Đức Phật không dựa trêntrường phái triết học mà vạch ra con đường chứng đắc, và cứu độ chúng sinh khỏi luân hồikhổ đau.
Như vậy, từ nguyên lý vô thường có thể tạo ra nguyên lý hữu thường là niết-bàn tịnh tĩnh. Hơn nữa, trước khi ứng dụng ba nguyên lý này, chúng ta đã diễn bày như một nền tảng căn bảncủa đạo Phật đối với hiện tượng và thế giới bản thể một cách tương ứng (corresponding.) Chúng ta minh xác rằng nguyên lý vô thường liên quan đến thế giới hiện tượng một cách riêng biệt; còn nguyên lý vô ngã thì có mối quan hệ cả nguyên lý vô thườnglẫn thế giới hiện tượng; và nguyên lý Niết Bàn tịch tịnh chỉ tùy thuộc vào thế giới bản thể.
Lý “Vô Thường” chi phối mọi sự vật từ thân, tâm đến hoàn cảnh chúng sinh. Khi hiểu và tìm được phương thuốc vô thường, ta không còn bi quan chán nãn, không đắm đuối với cái ta này, cũng không đắm đuối với cái công danh, và sự nghiệp tài sản của ta hiện có.
Ta sẽ dùng thuốc “vô thường” để trị bệnh “tham ái, mê mờ,” cái bệnh làm cho chúng ta bị mãi mãi thăng trầm lặn hụp trong bể khổ đau, không vượt qua được bờ giải thoát. Diệt trừ được tham ái mê mờ, chúng ta sẽ tiến đến sự an tịnh của tâm hồn.
Nhờ thuyết vô thường, ta hiểu rõ thêm mặt trái của cuộc đời, cái hào nhoáng của vật chất, và ái dục là mồi nhử ta vào đau khổ. Con người có hiểu lý vô thường của sự vật mới khỏi bị trói buộc bởi lòng tham muốn của mình, mới khỏi bị mê lầm say đắm. Bởi chính “chấp thường, còn, không, và mất” mà con người bị đau khổ thì Đức Phật lấy phương thuốc “Vô thường” để đối trị. Khi lành bệnh thì phải bồi dưỡng thêm bằng phương thuốc “Chơn Thường.” Vậy ta phải dùng phương thuốc này để trị bệnh ta đang mắc phải, và khi đã lành bệnh ta sẽ bốc thêm thang thuốc“chơn thường.” Như ngài A Nan trả lời Đức Phật, khi Đức Phật hỏi A Nan về tiếng ngân dài từ cái chuông, tất cả chỉ là dư âm.
Khi hiểu được lý vô thường, sinh tử vô thường, chúng ta sẽ bình tĩnh thản nhiên hơn trước mọi thay đổi bất ngờ của sự vật, thăng trầm của cuộc đời, thời cuộc ngay cả sự mất mác, chia ly hay vĩnh biệt của những người thân thích, yêu thương, hay những gì mà ta quý trọng nhất. Ta dám hy sinh tài sản, ngay cả tính mạng để làm việc nghĩa, và để cứu đời; có nghị lực để giã từ những thú vui tạm bợ; tìm đến thú vui chơn thật; tinh tấn tiến tu; thể hiện Phật Tánh cao thượng.
Tài liệu nghiên cứu:
Nguyên lý vô thường trong triết học Phật giáo, Yamakami Sogen, Tuệ Hạnh dịch
Quán Vô Thường
Lê Huy Trứ
Hạnh phúc ái ân tương phùng đó,
Ngàn đời thương tiếc nổi luyến thương.
Lữ khách vạn dặm quan san đó,
Biết kẻ Chương Đài vẫn ngóng trông.
*
Thuở ấy vườn Xuân Mai rực rỡ,
Cúc Lan sắc thắm ngập hồn thơ.
Tàn cơn nắng Hạ hồng Phượng nhạt,
Sang Thu Đông tuyết vạn tàn hoa.
*
Ngậm ngùi lối xưa hồn thu thảo,
Đền đài dâu bể ánh tịch dương.
Tình yêu nhạt mờ theo gió bụi,
Lạnh lùng băng giá tuyết Đông sa.
*
Trong cõi trần ai tan hợp đó,
Vô minh nào biết cõi Bồng Lai.
Khoái lạc khổ đau mầm ngang trái,
Tương phùng ngầm ẩn lệ chia phôi.
*
Sá chi thế giới vô thường đó,
Thịnh suy giọt móc cỏ đầu phơi.
Biển khổ trầm luân sơn hà biến,
Nẽo về sóng xóa vết chân Di.
*
Bỉ ngạn độ thuyền xa bến mộng,
Giữa dòng bờ giác bất nhị nguyên.
Sớm nên kiến quán vô thường ấy,
Vội tỉnh si mê gở rối lòng.
- Từ khóa :
- Lê Huy Trứ