Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sách Văn Học Phật Giáo
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới

2. Bài Văn Khuyên Phát Bồ Đề Tâm

07 Tháng Tám 201100:00(Xem: 11616)
2. Bài Văn Khuyên Phát Bồ Đề Tâm

KHUYÊN PHÁT BỒ ĐỀ TÂM VĂN
Đại Sư Thật Hiền soạn
Việt dịch: Thích Trí Quang

BÀI VĂN KHUYÊN PHÁT BỒ ĐỀ TÂM

Thật Hiền tôi, một kẻ xuất gia phàm phu, đã bất tiếu lại ngu hèn, khóc mà lạy, khẩn thiết khuyến cáo đại chúng hiện tiền, cũng như nam nữđức tin thuần thành trong thì vị lai. Xin quý vị thương xót, gia tâm một chút mà nghe và xét cho.

Tôi từng nghe, cửa chính yếu để nhập đạo thì sự phát tâm đứng đầu, việc khẩn cấp để tu hành thì sự lập nguyện đứng trước. Nguyện lập thì chúng sanh độ nổi, tâm phát thì Phật đạo thành được. Cái tâm quảng đại không phát, cái nguyện kiên cố chẳng lập, thì dẫu trải qua đời kiếp nhiều như cát bụi, cũng y nhiên vẫn ở trong phạm vi luân hồi. Tu hành dẫu có, cũng toàn là lao nhọc, khổ sở một cách vô ích. Do đó mà Kinh Hoa nghiêm đã nói, quên mất tâm Bồ đềtu hành các thiện pháp thì gọi là hành động theo ma vương. Quên mất còn thế, huống chi chưa phát. Nên muốn học Như Lai thừa thì trước phải phát Bồ đề nguyện, không thể chậm trễ.

Nhưng tâm nguyện vốn có nhiều sắc thái khác nhau, nếu không trình bày thì làm sao biết mà xu hướng. Nay xin vì đại chúngnói vắn tắt. Sắc thái tâm nguyện có tám là tà chánh, chân ngụy, đại tiểu, thiên viên.

Tà chánh, chân ngụy, đại tiểu, thiên viên là thế nào? Đời có kẻ tu hành mà chỉ tu hành một chiều, không cứu xét tự tâm, chỉ lo những việc ở ngoài, hoặc vụ lợi, hoặc háo danh, hoặc ham cái thú hiện tại, hoặc cầu cái vui mai sau: phát tâm như vậy gọi là tà. Danh lợi không ham, vui thú không màng, chỉ vì thoát sinh tử, vì chứng Bồ đề: phát tâm như vậy gọi là chánh. Ý niệm này nối tiếp ý niệm khác, ngước lên mà mong cầu Phật đạo, tư tưởng trước liên tục tư tưởng sau, nhìn xuống mà hóa độ chúng sanh, nghe Phật đạo lâu xa cũng không thoái chí khiếp sợ, xét chúng sanh khó độ mà không chán nản mệt mỏi, như trèo núi cao cả vạn trượng cũng quyết tận đỉnh, như lên tháp lớn đến chín tầng cũng cố tột nóc: phát tâm như vậy gọi là chân. Có tội không sám hối, có lỗi không trừ bỏ, trong bẩn ngoài sạch, trước siêng sau nhác, tâm tốt dẫu có cũng phần lớn bị danh lợi xen lấn, thiện pháp dẫu tu cũng phần nhiều bị vọng nghiệp nhuốm bẩn: phát tâm như vậy gọi là ngụy. Chúng sanh giới hết nguyện ta mới hết, Bồ đề đạo thành nguyện ta mới thành: phát tâm như vậy gọi là đại. Coi ba cõi như lao ngục, nhìn sanh tử như oan gia, chỉ mong tự độ, không dám độ người: phát tâm như vậy gọi là tiểu. Nếu ngoài tâm thấy có chúng sanh, có Phật đạo, rồi nguyện độ, nguyện thành, công phu không xả, thấy biết không tan: phát tâm như vậy gọi là thiên. Nếu biết tự tánhchúng sanh nên nguyện độ thoát, tự tánhPhật đạo nên nguyện thành tựu, không thấy một pháp nào ngoài tâm mà có, đem cái tâm vô tướng phát cái nguyện vô tướng, làm cái hạnh vô tướng, chứng cái quả vô tướng, cái tướng vô tướng cũng không thấy có được: phát tâm như vậy gọi là viên.

Biết tám sắc thái khác nhau trên đây là biết cứu xét, biết cứu xét thì biết lấy bỏ, biết lấy bỏ là có thể phát tâm. Cứu xét như thế nào? Là coi cái tâm của ta phát ra, trong tám sắc thái trên đây, nó là tà hay chánh, chân hay ngụy, đại hay tiểu, thiên hay viên. Lấy bỏ như thế nào? Là bỏ tà, ngụy, tiểu, thiên, lấy chánh, chân, đại, viên. Phát tâm như vậy mới được gọi là chân chánh phát Bồ đề tâm.

Bồ đề tâm là chúa tể mọi thứ thiện pháp, phát khởi tất phải có lý do. Lý do ấy, nay nói tóm lược thì có mười thứ, là 1 nhớ ơn nặng của Phật, 2 nhớ ơn cha mẹ, 3 nhớ ơn Sư trưởng, 4 nhớ ơn thí chủ, 5 nhớ ơn chúng sanh, 6 nhớ khổ sanh tử, 7 trọng linh tánh của mình, 8 sám hối nghiệp chướng, 9 cầu sanh Tịnh độ, 10 làm cho Phật pháp tồn tại lâu dài.

- Nhớ Ơn Nặng Của Phật Là Thế Nào?

Thích Ca Như Lai của ta, lúc mới phát tâm, đã vì ta mà thực hành Bồ tát đạo, trải qua vô lượng kiếp chịu đủ khổ cực. Khi ta tạo tội, Phật đã xót thương, phương tiện giáo hóa, mà ta ngu si, không biết tin tưởng, tiếp nhận. Ta đọa Địa ngục, Phật càng đau xót, muốn chịu thay khổ sở cho ta, nhưng nghiệp ta quá nặng, hết cách cứu vớt. Ta sinh loài người, Phật liền dùng phương tiện làm cho ta gieo trồng thiện căn. Đời đời kiếp kiếp, Phật theo dõi ta, lòng không lúc nào rời bỏ chốc lát. Khi Phật xuất thế thì ta còn chìm đắm, nay được thân người thì Phật đã diệt độ. Tội lỗi gì mà phải sinh nhằm thời kỳ mạt pháp, phước đức nào lại được dự vào hàng ngũ xuất gia, nghiệp chướng gì mà không được thấy thân vàng của Phật, may mắn nào lại được thân gặp Xá Lợi của Ngài. Suy nghĩ như vậy mới thấy, giả sử quá khứ không trồng thiện căn thì làm sao được nghe Phật pháp, không nghe Phật pháp thì làm sao được biết lúc nào cũng hưởng thụ ân đức của Phật. Ân đức như vậy, núi non cũng khó sánh cho bằng. Trừ phi phát tâm quảng đại, làm hạnh Bồ tát, xây dựng Phật pháp, giáo hóa chúng sanh, thì dẫu xương tan thịt nát cũng khó mà đáp trả. Đó là lý do thứ nhất của sự phát Bồ đề tâm.

- Nhớ Ơn Cha Mẹ Là Thế Nào?

Thương thay cha mẹ sinh ta cực nhọc, mười tháng ba năm thai mang bú mớm, nhường khô nằm ướt, nuốt đắng nhả ngọt. Mới được thành người, đã đặt hy vọng tiếp nối gia phong, lo phần tế tự. Vậy mà nay ta đã xuất gia, lạm xưng Thích tử, nhục hiệu Sa môn, đồ ngon vật ngọt đã không cung phụng, cúng tế chạp dẫy càng không chu tất. Sống, ta đã không có khả năng nuôi dưỡng cơ thể, chết, ta lại bất lực trong việc tiếp dẫn nghiệp thức. Phương diện thế gian ta đã rất hại, phương tiện xuất thế ta lại vô ích. Hai đường mất cả thì tội nặng khó mà thoát cho khỏi. Suy nghĩ như thế mới thấy chỉ còn có cách thường hành Phật đạo trong trăm ngàn đời kiếp, khắp độ chúng sanh trong mười phương ba đời. Như vậy thì không phải chỉ cha mẹ một đời, mà song thân nhiều kiếp đều được siêu thoát; không phải chỉ song thân một người, mà cha mẹ tất cả cùng được siêu thăng. Đó là lý do thứ hai của sự phát Bồ đề tâm.

- Nhớ Ơn Sư trưởng Là Thế Nào?

Cha mẹ tuy sinh dưỡng thân ta, nhưng nếu khôngSư trưởng thế gian thì không biết lễ nghĩa, không có Sư trưởng xuất thế thì không hiểu Phật pháp. Lễ nghĩa không biết thì khác gì cầm thú, Phật pháp không hiểu thì cũng như phàm tục. Nay ta được biết qua loa về lễ nghĩa, được hiểu sơ lược về Phật pháp, giới pháp thấm mình, ca sa phủ thân, hết thảy ân đức ấy đều nhờ Sư trưởng mà có được. Vậy nếu ta chỉ cầu quả vị nhỏ nhặt thì chỉ ích lợi được cho bản thân mà thôi. Hãy theo Đại thừa, nguyện ước ích lợi hết thảy chúng sanh. Như thế thì Sư trưởng thế gian cũng như Sư trưởng xuất thế đều được ích lợi mà ta cung hiến. Đó là lý do thứ ba của sự phát Bồ đề tâm.

- Nhớ Ơn Thí Chủ Là Thế Nào?

Chúng ta ngày nay, mọi thứ nhu yếu đâu phải của mình. Cơm cháo ba buổi, quần áo bốn mùa, tật bịnh cần dùng, thân miệng tiêu thụ, toàn xuất từ sức lực kẻ khác mà đem đến cho ta hưởng dụng. Họ dốc sức cày cấy, vẫn khó nuôi miệng, ta ngồi không mà ăn, còn không vừa ý. Họ dệt đan mãi hòai mà vẫn chịu khốn khổ, còn ta bận mặc thừa thải mà không biết thương tiếc. Họ nhà tranh cửa lá, cực nhọc suốt đời, còn ta phòng lớn sân rộng, thong thả cả năm. Đem cái cực nhọc của họ cung phụng cái an nhàn cho ta, làm sao yên bụng. Lấy cái nhu dụng của người cung cấp cái thân xác của mình, làm sao hợp lẽ. Do đó, trừ phi vận dụng song song cả hai thứ bi trí, trang nghiêm đồng đều cả hai mặt phước tuệ, để thí chủ nhờ ơn, chúng sanh được phước, thì dẫu gạo chỉ một hạt, vải chỉ một tấc đi nữa, vẫn có phần trong sự trả nợ, vẫn khó tránh trong quả báo xấu. Đó là lý do thứ tư của sự phát Bồ đề tâm.

- Nhớ Ơn Chúng Sanh Là Thế Nào?

Ta với chúng sanh, từ bao kiếp đến giờ, đời đời làm cha mẹ nhau, có ơn với nhau. Nay tuy cách đời mờ ám, không biết nhau được, nhưng lấy lẽ mà suy cứu thì làm sao có thể không có sự báo bổ. Ngày nay là thú vật, nhưng biết đâu ngày trước ta đã không là con cái của chúng. Hiện tại là vi sinh, nhưng biết đâu quá khứ chúng đã không là cha mẹ của ta. Thường thấy nhỏ mà xa cha mẹ thì lớn lên đã quên hết hình dáng song thân, huống chi cha mẹ bà con đời trước, thì ngày nay kẻ họ Trương người họ Vương, khó mà nhớ nhau cho được. Họ gào thét trong Địa ngục, ngất ngư trong Ngạ quỉ, thống khổ ai biết, đói khát kêu ai. Ta dẫu không thấy không nghe, nhưng họ tất cầu cứu cầu vớt. Kinh mới dạy được việc ấy, Phật mới tả rõ cảnh này, còn kẻ tà kiến thì đâu có đủ sức mà biết. Nên Bồ tát nhìn sâu kiến cũng thấy toàn là cha mẹ quá khứ và chư Phật vị lai, thường nghĩ cách lợi ích cho chúng và thường nhớ trả ơn cho chúng. Đó là lý do thứ năm của sự phát Bồ đề tâm.

- Nhớ Khổ Sinh Tử Là Thế Nào?

Ta với chúng sanh, bao kiếp đến giờ, ở mãi trong phạm vi sinh tử, chưa được siêu thoát. Không ở trong loài người thì ở trên loài trời, hết ở thế giới này thì ở thế giới khác, ra vào đủ cách, lên xuống liền liền. Thoáng cái làm trời, thoáng cái làm người, thoáng cái làm Địa ngục, Ngạ quỉ, Súc sanh. Cửa đen sáng ra chiều vào, hang sắt mới thoát lại sa. Lên núi đao thì cả mình không còn mảnh da nguyên vẹm, víu cây kiếm thì một vuông một tấc cũng bị cắt xả. Sắt nóng không hết đói, mà nuốt vào thì ruột gan nát cả, đồng sôi đâu khỏi khát, mà uống vào thì xương thịt tan hết. Cưa sắt mà xả thì xả ra là liền lại, gió quái mà thổi thì chết rồi lại sống ngay. Trong thành lửa dữ chỉ nghe cái thảm thét gào, trên bàn chưng nướng toàn nghe cái tiếng thống thiết. Băng tuyết đông lại thì xanh như sen xanh hết nhụy, máu thịt rã ra thì đỏ như sen đỏ mới nở. Tại Địa ngục, một đêm chết sống thường bị đến cả vạn lần, cũng ở đó, một buổi thống khổnhân gian đã trăm năm. Mãi hòai làm cho Ngục tốt mệt nhọc, nhưng có ai chịu nghe Diêm vương khuyên bảo. Khi chịu mới biết quá khổ, dẫu hối hận cũng đâu có kịp; lúc thoát thì lại quên ngay, sự tạo nghiệp vẫn y như cũ. Đánh con lừa đến đổ máu, đâu biết đó là cái thảm của mẹ mình; lôi con heo đến lò thịt, nào hay đích thị cái đau của cha ta. Ăn thịt con ruột mà không biết, Văn Vương còn như thế; ăn thịt cha mẹ mà không hay, phàm phu đều như vậy. Đời trước ơn nghĩa mà đời nay thành oán thù, ngày xưa oán thù mà ngày nay thành ruột thịt. Quá khứ là mẹ mà hiện tại là vợ, túc thế là cha mà hiện tiền là chồng. Nếu có cái trí túc mạng để biết thì thật đáng hổ, đáng thẹn; nếu có con mắt thiên nhãn để nhìn thì quả đáng cười, đáng thương. Trong rừng dơ bẩn mà mười tháng bị gói lại thì thật khó chịu, ở chỗ máu huyết mà một lần bị dốc xuống quả thật đáng thương. Nhỏ thì ngây ngô, trước mặt sau lưng cũng chẳng rõ, lớn lên hiểu biết, tham lam dục vọng đều tự hiện. Nhưng, thoáng cái là già bịnh truy tầm, chốc lát mà chết chóc hiện đến. Bấy giờ, gió với lửa giao tranh nên tâm thức bấn loạn trong đó, khí với huyết kiệt lực nên da thịt teo khô từ ngoài, không một sợi lông nào mà không như bị chích đốt, không một kẽ huyệt nào mà không như bị cắt xả. Con rùa đem nấu, sự thoát vỏ của nó tương đối còn dễ; nghiệp thức lúc tàn, sự thoát xác của nó quả thật quá khó. Tâm không phải chủ thể vĩnh viễn nên in như thương khách bôn ba đủ chỗ, thân không có hình dáng cố định nên khác nào phòng ốc thay đổi đủ cách. Bụi cả thế giới cũng khó sánh thân luân hồi, nước cả đại dương vẫn không bằng lệ biệt ly. Xương mà chất thì hơn núi cao, thây mà sắp thì tràn mặt đất. Giả sử không được nghe lời Phật thì việc ấy ai thấy ai nghe, chưa được đọc văn Kinh thì lẽ này ai hay ai biết. Vậy mà có kẻ hoặc vẫn tham luyến như cũ, si mê như xưa, thì chỉ e rằng muôn kiếp ngàn đời mới được làm người, nhưng một lần hư hỏng là hư hỏng đến cả trăm kiếp. Thân thể con người khó được mà dễ mất, thì giờ quí báu dễ trôi mà khó kéo. Rồi đường hướng mờ mịt, biệt ly mãi hòai, ác báo tam đồ lại phải tự chịu, thống khổ hết nói mà ai chịu thay. Mô tả đến đây, há chẳng buốt dạ. Vì vậy, hãy triệt dòng sinh tử, vượt bể ái dục, để mình người cùng thoát, cùng lên bờ giác. Hết thảy công việc phi thường trong bao đời kiếp sắp đến đều bắt nguồn từ cơ hội này. Đó là lý do thứ sáu của sự phát Bồ đề tâm.

- Trọng Linh Tánh Của Mình Là Thế Nào?

Nhất tâm hiện tiền của chúng ta cùng ngay với đức Thích Ca Thế Tôn không khác. Vậy mà tại sao Thế Tôn từ vô lượng kiếp sớm thành Chánh giác, còn chúng ta thì ngu si thác loạn, vẫn làm phàm phu. Thế Tôn thì có vô lượng thần thông tuệ giác, công đức trang nghiêm, còn chúng ta chỉ có vô biên nghiệp chướng phiền não, sinh tử thắt buộc. Tâm tánh duy nhấtmê ngộ lại một trời một vực. Lặng đi mà nghĩ mới thấy khả sỉ. Ngọc báu vô giá lún xuống bùn lầy mà nỡ coi như ngói gạch, không chút quí trọng. Hãy vận dụng vô lượng thiện phápđối trị vô biên phiền não. Tu đức có công, tánh đức mới lộ. Bấy giờ thì như ngọc báu được rửa, treo trên phướn cao, ánh sáng rực rỡ, chói lấp tất cả. Thế mới gọi là không phụ sự giáo hóa của Phật, không phụ tánh linh thiêng của mình. Đó là lý do thứ bảy của sự phát Bồ đề tâm.

- Sám Hối Nghiệp Chướng Là Thế Nào?

Kinh dạy, phạm một Kiết la cũng đọa Địa ngục bằng năm trăm tuổi thọ của bốn Thiên vương. Kiết la là tội nhỏ mà bị quả báo đến thế, huống chi tội nặng, quả báo thật khó tả. Nay chúng ta, hằng ngày, mỗi một cử chỉ cũng như mỗi một động tác, luôn luôn trái với giới luật, mỗi một bữa ăn cũng như mỗi một lần uống, thường thường phạm vào Thi la. Một ngày tội lỗi phạm vào, theo lẽ cũng đã vô lượng, huống chi trọn đời nhiều kiếp, tội lỗi phát ra quả báo khó mà nói hết. Hãy lấy Ngũ giới mà nói, thì mười người đã có đến chín kẻ vi phạm, bày tỏ thì ít mà dấu diếm lại nhiều. Ngũ giới chỉ là giới tại gia mà còn không giữ đủ, huống chi các giới Sa di, Tỳ kheo, Bồ tát, thôi thì khỏi nói. Hỏi cái tiếng thì nói là Tỳ kheo, hỏi cái thật thì hãy còn chưa đủ làm Ưu bà tắc, như thế mà không xấu hổ được sao. Phải biết, giới Phật không thọ thì thôi, thọ thì không được phạm, vì không phạm thì thôi, phạm thì chung cục tất bị sa lạc. Trừ phi cảm thương thân mình, lại xót xa kẻ khác, thân và miệng cùng bi thiết, tiếng và lệ đều tuôn đổ, để khắp vì chúng sanh khẩn cầu sám hối, thì ngàn đời muôn kiếp ác báo cũng khó tránh cho khỏi. Đó là lý do thứ tám của sự phát Bồ đề tâm.

- Cầu Sinh Tịnh Độ Là Thế Nào?

Tu hành cõi này thì sự tiến đạo rất khó, vãng sinh cõi kia thì sự thành Phật cũng dễ. Dễ nên một đời đã có thể thấu đáo, khó nên lắm kiếp vẫn chưa chắc hòan thành. Do đó mà Thánh ngày xưa, Hiền ngày trước, ai cũng khuynh hướng; Kinh cả ngàn, Luận cả vạn, đâu cũng chỉ qui. Quả thật sự tu hành trong thời kỳ mạt pháp này, không có cách nào hơn pháp ấy. Có điều Kinh Luận đã nói, điều lành mà tính chất nhỏ thì không thể vãng sanh, cái phước mang tính chất lớn mới chắc chắn đến được. Cái phước mang tính chất lớn thì không chi bằng sự chấp trì danh hiệu, điều lành hàm tính chất to thì không chi bằng sự phát tâm rộng lớn. Nên nhất tâm chấp trì danh hiệu của Phật hơn cả sự bố thí đến trăm năm, nhất niệm phát tâm Bồ đề rộng lớn vượt cả sự tu hành trong nhiều kiếp. Lý do là vì niệm Phật vốn mong làm Phật, vậy tâm lớn không phát thì có niệm cũng không làm gì, phát tâm vốn để tu hành, vậy Tịnh độ không sanh thì có phát cũng dễ thoái chuyển. Nên gieo giống Bồ đề, cày bằng cái cày niệm Phật, thì trái hạt tuệ giác tự nhiên lớn lên; ngồi thuyền đại nguyện, nhập vào bể cả Tịnh độ, thì Tây phương Cực lạc quyết định vãng sanh. Đó là lý do thứ chín của sự phát Bồ đề tâm.

- Làm Cho Phật Pháp Tồn Tại Lâu Dài Là Thế Nào?

Thế Tôn của ta, từ vô lượng kiếp, vì ta mà tu đạo Bồ đề, khó làm làm được, khó nhẫn nhẫn nổi, nhân trọn vẹn, quả đầy đủ, mới được thành Phật. Phật thành rồi, Ngài giáo hóa châu đáo, và nhập vào Niết bàn. Nay thì thời kỳ Phật pháp nguyên chất và thời kỳ Phật pháp tương tự đã mất tất cả, còn lại chỉ là thời kỳ Phật pháp cuối cùng. Phật pháp có đó mà hành trì vô nhân, tà chánh bất phân, đúng sai hỗn tạp, tranh dành nhân ngã, cầu trục danh lợi. Mở mắt ra là thấy nhan nhãn, cả thiên hạ đều như vậy. Chẳng ai biết Phật là bực nào, Pháp là nghĩa gì, Tăng là người chi. Suy tàn đến thế, bất nhẫn nói đến. Mỗi khi nghĩ ngợi, bất giác rơi lệ. Thân làm con Phật mà ta không thể báo đáp ân đức của Ngài. Trong vô ích cho mình, ngoài vô ích cho người, sống vô ích đương thời, chết vô ích mai hậu. Trời cao cũng không che ta nổi, đất dày cũng khó chở ta được. Tội nhân cực trọng, phi ta thì ai. Vì thế mà đau đớn không thể nhẫn nổi, nhưng toan tính thì lại không thấy có cách gì khác hơn, nên quên ngay tư cách quê kệch, phát liền tâm chí rộng lớn. Như thế thì dẫu không thể vãn hồi mạt vận ngay lúc này, nhưng quyết có thể hộ trì Phật pháp trong mai sau. Nên hợp cùng thiện hữu, qui tụ đạo tràng, soạn thuật sám pháp, lập pháp hội này, phát đại nguyện đến bốn mươi tám điều mà nguyện nào cũng hóa độ chúng sanh, mong thâm tâm suốt trăm ngàn đời kiếp mà tâm nào cũng có thể làm Phật, khởi đầu từ ngày hôm nay cho đến cùng tận biên cương thì gian. Hết một đời này thì nguyện sanh Cực lạc, lên chín phẩm xong thì trở lại Ta bà. Mong sao mặt trời Phật pháp sáng lại, cửa ngõ Phật pháp mở nữa, để Tăng giới được trong lặng ở cõi này, dân chúng được tiếp hóa ngay nơi đây, vận hội nhờ đó mà kéo dài thêm nữa, Phật pháp vì vậytồn tại lâu bền. Đó là ưu tư chân thành, tha thiết ấp ủ. Đó là lý do thứ mười của sự phát Bồ đề tâm.

Như vậy mười lý do đã biết, tám sắc thái đã rõ, thì khuynh hướng có lối, khai phát có chỗ. Chúng ta đã được thân thể nhân loại, ở chỗ văn hóa, giác quan kiện toàn, cơ thể thanh thoát, tín tâm đầy đủ đã có, ma chướng may mắn lại không. Huống chi còn được xuất gia, được thọ cụ túc giới, được gặp đạo tràng, được nghe Phật pháp, được chiêm bái Xá Lợi, được tu tập sám pháp, được hội ngộ thiện hữu, được hòan cảnh tốt đẹp. Như vậy nếu ngày nay không phát tâm rộng lớn như trên, thì còn chờ đến ngày nào.

Cúi xin đại chúng thương cho thành tâm ngu muội của tôi, xét cho chí nguyện khổ sở của tôi, mà cùng lập nguyện ấy, cùng phát tâm này. Chưa phát thì nay phát, phát rồi thì tiến triển, tiến triển rồi thì liên tục. Đừng sợ khó mà khiếp hãi, lùi bước, đừng cho dễ mà khinh thường, hời hợt, đừng ham mau mà không lâu bền, đừng biếng nhác mà thiếu dũng tiến, đừng uể oải mà không phấn khởi, đừng chần chờ mà kỳ hẹn mãi, đừng vì trí tuệ thiếu thông minhnhất thiết không lưu ý, đừng vì trình độ thiếu lanh lẹ mà tự khinh không có phần. Như trồng cây, trồng lâu thì rễ cạn ngày càng xuống sâu; như mài dao, mài mãi thì dao đùi cũng thành bén sắc; không thể vì cạn mà không trồng, mặc cây khô héo, vì đùi mà không mài, để dao vô dụng.

Lại nữa, nếu cho tu là khổ sở thì không biết nhác lại còn khổ hơn. Tu thì khó nhọc tạm thời mà an vui vĩnh viễn, còn nhác thì một đời thư thả nhưng lắm kiếp khổ đau. Huống chi lấy pháp môn Tịnh độ làm thuyền tàu thì lo gì thoái chuyển, lấy tuệ giác vô sanh làm sức nhẫn thì sợ gì khó khăn. Nên biết, tội nhân Địa ngục mà còn phát Bồ đề tâm từ kiếp trước, huống chi đã làm người, lại làm con Phật, mà không lập đại nguyện ngay trong đời này. Vô thỉ hôn mê, cái gì qua rồi đã không thể cản, thì ngày nay tỉnh ngộ, những cái sẽ đến còn có thể theo. Mê mà chưa tỉnh, cố nhiên đáng thương, biết mà không làm, mới càng đáng tiếc. Hễ sợ cái khổ Địa ngục thì sự tinh tiến tự sinh, nhớ cái mau chết chóc thì tính biếng nhác tự diệt. Điều cần thiết là lấy Phật pháp làm roi dục, lấy thiện hữu làm tay dắt, trong cơn vội vã cũng không tách rời, suốt cả một đời vẫn cố bám víu, thì không làm gì còn có sự thoái chuyển được nữa. Đừng nói chỉ nghĩ một thoáng là nhỏ nhẹ, đừng cho mới nguyện mà thôi là vô ích. Tâm chân thì sự thật, nguyện rộng thì hạnh sâu. Không gian đâu có lớn, tâm vương mới lớn. Kim cương đâu có chắc, nguyện lực mới chắc. Đại chúng quả thật không bỏ lời tôi, thì bà con giác ngộ từ đây kết hợp, bạn hữu sen vàng từ đây kết giao, sở nguyện đồng sanh Tịnh độ, đồng thấy Di Đà, đồng hóa chúng sanh, đồng thành Chánh giác. Như vậy thì biết đâu ba hai tướng hảo và trăm phước trang nghiêm sau này chẳng bắt đầu từ sự phát tâm lập nguyện trong ngày hôm nay. Nguyện cùng đại chúng chung nhau nỗ lực, như thế thật vô cùng may mắn.

Ý kiến bạn đọc
21 Tháng Mười 201823:00
Khách
Thật ngắn gọn, súc tích, nhưng đầy đủ ý nghĩa. Một kiệt tác giúp thay đổi cuộc đời con người.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 14877)
Ngài Nam Tuyền nói: “Tâm bình thường là đạo.” Chư vị Tổ sư dùng đến vô số phương tiện cũng không ngoài việc dẫn dắt người học đạt đến tâm bình thường này.
(Xem: 17817)
Các phần lý thuyếtthực hành chứa đựng trong sách này có tác dụng dẫn dắt tâm chúng ta đến chỗ thấu hiểu sâu xa hơn về sự sống và chết, về vô thường và khổ đau.
(Xem: 18225)
Với người chịu dày công tìm hiểu, đạo lý không có gì là bí ẩn; với người biết suy xét, hiểu được đạo lý không phải là khó khăn.
(Xem: 15008)
Khi chúng tôi mới gặp nhau, tôi là một thành viên tích cực của Câu lạc bộ Lotos, nhưng từ khi bắt tay vào việc soạn sách “Vén màn Isis” tôi đã chấm dứt hẳn mọi liên hệ với các hội hè đình đám...
(Xem: 13203)
Quyển hồi ký này của tu sĩ Yogananda có một giá trị độc đáo vì nó là một trong những tác phẩm nói về các bậc thánh nhân, hiền triết Ấn Độ.
(Xem: 21179)
Trong lúc thiền quán, tôi tập trung suy nghĩ rất nhiều những lời thầy dạy. Tôi bừng tỉnh nhận ra quả thật điều mà tôi khổ công tìm kiếm không phải là việc say mê dành trọn thời gian cho việc tu tập thiền định.
(Xem: 32601)
Cho đến nay Phật giáo đã tồn tại hơn 2.500 năm, và trong suốt thời kỳ này, Phật giáo đã trải qua những thay đổi sâu xa và cơ bản. Để thuận tiện trong việc xem xét, lịch sử Phật giáo có thể được tạm chia thành bốn thời kỳ.
(Xem: 15328)
Những ảnh hưởng tích cực của thiền đối với cuộc sống con người không hề bị giới hạn bởi bất cứ yếu tố khác biệt nào, cho dù đó là chủng tộc, giai cấp, tuổi tác hay giới tính...
(Xem: 12355)
Trong chuyến du hành sang Ai Cập, tác giả đã dày công thâu thập được nhiều kinh nghiệm huyền linh và thần bí. Ngoài ra tác giả còn trình bày những khía cạnh bí ẩn khác của xứ Ai Cập...
(Xem: 12838)
Trải qua dòng lịch sử, nhân loại đã thực hiện được nhiều kỳ công vĩ đại, nhưng con người vẫn phải bóp trán suy nghĩ để tìm hiểu ý nghĩanguyên nhân của sự đau khổ...
(Xem: 27552)
Tám mươi tư vị đại sư trong tác phẩm này là những vị tổ sư của phái Đại thủ ấn truyền thống, sống trong thời kỳ từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ 12.
(Xem: 12148)
Đã biết nhân quả theo nhau như bóng với hình, nên kể từ đây chúng ta hãy phát tâm dũng mãnh làm mới lại mình, sám hối, ăn năn những sai lầm đã phạm trước kia.
(Xem: 34979)
Khi đức Phật còn trụ thế, ngài từng nói với tôn giả A-nan rằng: “Này A-nan! Sau khi ta tịch rồi, giới luật chính là thầy của các ngươi đó. Giới luật sẽ bảo vệnâng đỡ cho các ngươi.”
(Xem: 17755)
Tập truyện này kể lại nhiều câu chuyện mang tính giáo dục cao, có thể giúp dạy bảo, khuyên răn nhằm bồi dưỡng nhân cách, đưa con người hướng đến Chân, Thiện, Mỹ...
(Xem: 11835)
Mùa xuân đồng nghĩa với mùa hoa có từ khi thiên địa mới mở. Nó có thật mà như mơ, trong trẻo thanh cao, vô tư bên cạnh cõi Ta-bà phiền não đầy những giá trị giả.
(Xem: 12654)
Trước cuộc du hành đầu tiên của tôi, phương Đông đã xâm chiếm tâm hồn tôi với một sự hấp dẫn vô cùng mạnh mẽ. Về sau, tôi quay sang việc khảo cứu các kinh điển của Á châu...
(Xem: 14572)
Trong sách này, tác giả đã diễn tả cả một nền văn minh truyền thống dưới cặp mắt của một người bản xứ nhìn vào mọi khía cạnh sinh hoạt, vật chấttâm linh, của đất nước Tây Tạng...
(Xem: 32481)
"BÀI HỌC NGÀN VÀNG" là câu chuyện đã có từ xưa, một câu chuyện vô cùng thâm thúy và bổ ích cho thế đạo nhân tâm.
(Xem: 19464)
Tu Là Chuyển Nghiệp - Tuyển tập 7 bài viết về "nghiệp" trong Phật giáo - HT Thích Thanh Từ
(Xem: 12974)
Tập sách này là một sự tập hợp các bài biên khảo đã được đăng trong các tạp chí Phật giáo. Các bài: Triết lý quanh đèn, Triết lý chiếc nôi, Cái nhìn...
(Xem: 14090)
Nay nhìn lại, tôi nhận ra nếp sống nhà chùa là nếp sống tình thươngtrí tuệ. Người trong thơ đã mở nguồn cho tôi vào đạo và mở nguồn cảm xúc cho tôi bây giờ.
(Xem: 14272)
Chỉ khi nào làm mọi việc mà không thấy có mình làm, không thấy có chúng sinh được cứu độ, không thấy mình và chúng sinh có sự khác biệt đó mới là vô ngã.
(Xem: 15318)
Anh đã từng xót thương, như tự xót thương anh thuở nào thơ dại, khi bắt gặp trên đường những nét nhăn mà móng vuốt của cuộc đời đã cày trên trán ai như trán em bây giờ...
(Xem: 14149)
...ý nghĩa của đời sống phải được tìm thấy ngay trong những giây phút quý giá mà ta đang còn được sống. Đó là niềm hạnh phúc khi chúng ta được thương yêu...
(Xem: 14138)
Những gì sẽ được trình bày trong tập sách mỏng này thật ra không có gì mới lạ, mà chính là những gì đã từng được đức Phật Thích-ca Mâu-ni giảng dạy cách đây hơn 25 thế kỷ!
(Xem: 11959)
Yêu thương là cội nguồn của hạnh phúc, thậm chí trong một chừng mực nào đó còn có thể nói rằng yêu thương chính là hạnh phúc, như hai mặt của một vấn đề không chia tách.
(Xem: 53203)
Thiền như một dòng suối mát, mà mỗi chúng ta đều là những người đang mang trong mình cơn khát cháy bỏng tự ngàn đời.
(Xem: 11678)
Người viết cũng tin tưởng là tất cả chúng ta đều có thể thực hiện việc phóng sinh mỗi ngày trong cuộc sống. Và điều đó có thể mang lại những kết quả rất kỳ diệu...
(Xem: 13931)
Tập sách vừa là một trang đạo, vừa là một trang đời đẫm đầy mọi thử thách, chông gai mà Thầy đã từng trải, đã đi qua trong suốt cuộc hành trình của tháng năm tuổi trẻ.
(Xem: 13824)
Mỗi người chúng ta thường chỉ nhận biết được một số những khía cạnh nhất định nào đó mà chúng ta cho là khổ đau, và vẫn không ngừng đắm say trong vô số những niềm vui nhỏ nhặt...
(Xem: 20711)
Phật giáo luôn xem vấn đề sống chết là điều quan trọng nhất cần phải được nhận hiểu một cách thấu đáo. Đây là điểm tương đồng giữa tất cả các tông phái khác nhau trong Phật giáo.
(Xem: 14315)
Quyển sách này là sáu nói chuyện Jiddu Krishnamurti trình bày tại những Trường đại học Ấn độ và những Học viện Công Nghệ Ấn độ giữa năm 1969 và năm 1984.
(Xem: 13436)
Thật là một nghịch lý khi hành tinh này ngày càng có đông người sinh sống hơn nhưng mối quan hệ giữa người với người lại ngày càng trở nên xa cách, nhợt nhạt hơn.
(Xem: 13637)
Phật Giáo hiện hữu trên thế gian nầy từ vô lượng kiếp và Phật Giáo đã được hình thành bằng hình thức khế lý khế cơ qua hơn 2.500 năm lịch sử trên quả địa cầu này...
(Xem: 34200)
Chúng ta đang rất cần chú ý đến những mối quan hệ gia đình trong môi trường mới, nhằm có thể duy trì và phát triển được hạnh phúc ngay cả trong những điều kiện khó khăn nhất mà cuộc sống đòi hỏi.
(Xem: 16234)
"Phật Pháp Cho Sinh viên" là kết quả của hai buổi nói chuyện đạo của Ajahn Buddhadàsa vào tháng Giêng năm 1966 với các sinh viên viện Ðại học Thammasat ở Bangkok.
(Xem: 14073)
Quyển sách "Nguồn an lạc" này, được biên tập từ các bài giảng phổ thông của Hòa thượng Viện trưởng tại Thiền viện Trúc Lâm và các Thiền viện trực thuộc, cũng như đạo tràng các nơi.
(Xem: 14208)
Bóng trúc bên thềm là tập hợp những trang tùy bút mà tôi đã trải lòng trong những năm gần đây. Chung quy không ngoài những chuyện thường ngày của cuộc sống...
(Xem: 13572)
Yêu thương và được yêu thươnghai mặt không tách rời nhau của cùng một vấn đề. Khi bạn yêu thương, bạn cũng đồng thời nhận được sự thương yêu.
(Xem: 15935)
Phật pháp quảng đại vô biên, bình đẳng viên dung, có tác dụng thông trên suốt dưới. Phương thuốc ấy là: Người người phải bình tâm tỉnh trí, an lạc không ở bên ngoài...
(Xem: 13524)
Phật học và Y học là một trong những loạt bài nói chuyện cùng các giáo sư và bác sĩ của bác sĩ Quách Huệ Trân tại Học Viện Y Dược Trung Quốc, được cư sĩ Lý Nghi Linh ghi lại thành sách.
(Xem: 22998)
ĐẠO PHẬT VỚI CON NGƯỜI, cống hiến con người một phương châm giải thoát chân thật, đem lại sự ích lợi cho mình, cho người và kiến tạo một nền tảng hòa bình vĩnh viễn...
(Xem: 27751)
Khi đối diện với việc cầu nguyện, chúng ta thường có nhiều nghi vấn. Nghi vấn đầu tiên là cầu nguyện có kết quả không?
(Xem: 13910)
Đối với Phật tử Việt Nam chúng ta nhất là những người theo truyền thống đại thừa, danh từ Phật hay “Bụt” đã trở thành một khái niệm vừa thiêng liêng vừa gần gũi.
(Xem: 24998)
Thuở xưa, khi Đức Phật thuyết giảng cho một vị nào đó, một cư sĩ hay một bậc xuất gia, chỉ với một thời pháp rất ngắn, thậm chí đôi khi chỉ vài câu kệ, mà vị đó, hoặc là đắc pháp nhãn...
(Xem: 13958)
Đức Phật dạy chúng ta phải giải quyết những vấn đề trong cuộc sống qua sự hiểu biết rõ ràng về bốn sự thật trong đời sống: Khổ, nguyên nhân của khổ, làm thế nào diệt khổcách sống an vui hạnh phúc...
(Xem: 31341)
Ít người muốn đối diện với sự thật là các ý nghĩ và cảm nhận của họ đều vô thường. Tuy nhiên, một khi đã biết được như thế rồi thì ít ai có thể phủ nhận sức mạnh của sự thật này...
(Xem: 13867)
Được thân người và gặp được Phật Pháp mà để cho thời gian luống qua vô ích thì quả là uổng cho một kiếp người. Xin hãy lắng nghe và phụng hành theo những lời khuyên dạy của Đức Từ Phụ...
(Xem: 15569)
Hỡi những ai thực tâm muốn giác ngộ để tu trì giải thoát, hãy vững niềm tin: Phật là Phật đã thành, chúng ta là Phật sẽ thành. Tin như vậy sẽ đưa ta đến chỗ có tâm niệm chân chánh...
(Xem: 14987)
Tập sách bao gồm những bài thuyết pháp thật phong phúthiết thực của Giảng sư LOKANATHA gốc người Ý, nguyên là tín đồ Thiên Chúa Giáo La Mã, bỗng giác ngộ quay về quy ngưỡng Phật Ðạo...
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant