Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sách Văn Học Phật Giáo
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới

Chương 3

16 Tháng Ba 201200:00(Xem: 7286)
Chương 3

 

PHƯƠNG TRỜI CAO RỘNG

truyện dài của Vĩnh Hảo

Chiêu Hà xuất bản tại California, Hoa Kỳ năm 1993, tái bản năm 1995

oOo

 

CHƯƠNG BA

chuahaiduc1

Chùa Hải Đức, Nha Trang

Công việc đầu tiên của tôi trong ngày đó là xin phép mẹ qua chùa sư nữ Vạn Thạnh để thăm các sư cô và các tiểu ni, đồng thời là để báo tin mừng xuất gia của mình. Tôi mang theo cuốn kinh nhật tụng rách để trả lại cho chùa, dự định thú thật rằng chính mình đã ăn cắp cuốn kinh đó, xin sám hối các sư cô chứ không đá động gì đến “công lao” của chị Su.

Sau khi tôi trốn đi, gia đình tôi có qua chùa tìm và nhờ các sư cô tìm giúp. Vì vậy, các sư cô đều biết chuyện trốn nhà của tôi. Nay thấy tôi về, ai cũng mừng, xúm lại hỏi han như người trong nhà. Quả vậy, tự dưng tôi thấy thân mật với chùa, dù đây là chùa sư nữ. Các sư cô, các tiểu ni, bỗng trở thành những bà con, những chị em thân thiết.

Ngày hôm đó, tôi ở lại thọ trai tại chùa. Tôi cũng được sư cô Huệ Tín hướng dẫn học kinh. Cô cho tôi một cuốn kinh nhật tụng mới. Chiều, tôi theo các tiểu ni tụng thời công phu. Tối, tôi theo các sư cô tụng kinh Pháp Hoa. Sau thời kinh tối này tôi mới về nhà tắm rửa và ngủ. Sáng sớm, tôi lại qua chùa để làm công tác quét dọn y như các tiểu ni ở chùa.

Trong khi đó, mẹ tôi đang lo chuẩn bị mọi thứ cho tôi để chờ ngày xuất gia. Bà mua vải lam để may đồ vạt khách cho tôi. Rồi bà đưa tôi ra phố chợ để chọn lựa mua va-li và đồ đạc cá nhân linh tinh. Nhưng mẹ tôi vẫn chưa quyết định là sẽ cho tôi xuất gia ở đâu. Nha Trang và các quận lỵ lân cận có rất nhiều chùa. Mẹ tôi chưa biết là chùa nào, thầy nào sẽ thích hợp cho tôi đến cầu việc xuất gia học đạo. Mẹ tôi rất tinh tế trong giao tiếp nên chuyện sắp xếp cho tôi xuất gia bà cũng cân nhắc kỹ lưỡng lắm. Một phần bà muốn tôi xuất gia gặp được chùa tốt, thầy tốt để tiến tu lâu dài, thành tựu ước nguyện xuất gia cao đẹp; phần khác, bà sợ ý nguyện xuất gia của tôi chỉ là một ước muốn bốc đồng, nếu cứ lo “chọn mặt gởi vàng” mà rồi cuối cùng chính tôi lại chịu khổ không nổi đòi về nhà thì mất mặt gia đình. Mẹ tôi cứ phân vân mãi chuyện chọn chùa, chọn thầy. Cuối cùng, bà lựa một ngày tốt trời, dẫn tôi đi thăm vài chùa ở vùng quê cách Nha Trang từ năm đến mười cây số. Chiều về đến nhà, mẹ gọi tôi đến nói chuyện riêng:

“Sáng giờ đi mấy chùa rồi, con thấy sao? Con thích chùa nào nhất? Me thấy chùa thầy Như Pháp ở Suối Hiệp hay chùa Diên ThọDiên Khánh đều tốt cho con vì quý thầy ở mấy chùa này rất hiền, không quá nghiêm khắc và đánh phạt mấy chú tiểu như ở một số chùa khác. Ở Phật Học Viện Sơ đẳng Linh Sơn con thấy đó, gần một trăm chú tiểu, sống theo nếp sống tập thể, kỷ luật gắt gao, y như trại lính. Quý thầy đánh phạt dữ lắm mới giữ được trật tự. Mấy chỗ như vậy e không hợp với con. Con nghĩ sao nói me nghe để me tính.”

Mẹ vừa dứt lời là tôi trả lời ngay:

“Con thích đi tu ở chùa Hải Đức.”

Mẹ tôi giật mình nói:

“Í, không được đâu. Chùa Hải ĐứcPhật học viện Trung đẳng dành cho mấy chú, các thầy lớn, con có vào đó cũng chỉ ở tạm một thời gian rồi chuyển qua Phật học viện Sơ đẳng Linh Sơn ở Cầu Dứa thôi. Mà trên chùa Hải Đức có thầy Phước Châu nổi tiếng đánh điệu ghê lắm. Còn thầy Hải Tuệ nói đùa cười cười, chớ nghiêm khắc khó chịu ai cũng kiêng sợ. Thầy Hải Tuệ còn nọc cả quý thầy, quý chú lớn ra mà đánh nữa chứ kể gì mấy điệu nhỏ! Thầy còn làm giám việnPhật học viện Linh Sơn, các điệu ở đó bị thầy Hải Tuệ đánh đòn đau không dám khóc. Thôi, con ở chùa của thầy Như Pháptốt hơn hết đó.”

“Điệu là gì vậy me?”

“Là mấy chú tiểu đó. Ở ngoài Huế gọi chú tiểu là điệu.”

Tôi hỏi cho biết vậy, xong, suy nghĩ một lúc rồi cũng cương quyết giữ lấy ý kiến của mình, trả lời rất gọn:

“Me cứ cho con lên chùa Hải Đức đi. Con thích tu ở chùa khó chứ không thích tu chùa dễ.”

Mẹ nhìn tôi, vừa ngạc nhiên vừa sung sướng. Bà biết tôi nói thật. Và đến lúc đó bà mới hiểu phần nào chí hướng của tôi. Không phải tôi bốc đồng. Tôi đã xin xuất gia với một chí hướng rõ rệt, có suy nghĩ, có đắn đo, chọn lựa trước hẳn hoi. Mẹ xoa đầu tôi, nói:

“Nếu con đã sắp sẵn ý định như vậy thì me cho con lên chùa Hải Đức với thầy Hải Tuệ. Hay con muốn quy y thầy nào khác?”

“Dạ thầy Hải Tuệ.”

Vậy là mẹ tôi lên chùa Hải Đức thưa chuyện với thầy Hải Tuệ trước. Không hiểu thầy và mẹ tôi đã bàn gì về chuyện xuất gia của tôi mà khi mẹ về, tôi đón hỏi thì bà chỉ nói rất ngắn:

“Thầy đồng ý nhận con làm đệ tử xuất gia, nhưng thầy bảo con học thuộc trước hai thời kinh: công phu chiềucông phu khuya. Thuộc rồi thì cho thầy biết để thầy chọn ngày có đông đủ quý hòa thượng cao đức chứng minh cho ngày con nhập tự xuất gia.”

Nghe vậy tôi mừng rỡ vô cùng, nói với mẹ:

“Con đã thuộc thời kinh công phu chiều và một nửa thời kinh công phu khuya rồi. Chắc trong vòng tuần lễ hay nửa tháng nữa là con thuộc hết hai thời kinh công phu đó me.”

Mẹ nhìn tôi, đôi mắt bà lúc ấy sao khó hiểu quá. Bà có mừng chứ chẳng phải không, nhưng trên nét mặt bà, tôi cũng thoáng nhận ra vẻ buồn lo nữa. Có lẽ một phần nào đó trong thâm tâm, bà không muốn tôi xuất gia, sợ tôi phải chịu cực nhọc gian khổ ở chùa. Đời sống gia đình tôi không sung túc dư dả gì, nhưng ba mẹ tôi nuông chiều các con, đổ hết tiền của vào việc nuôi con ăn học nên bầy con lúc nào cũng thấy yên ấm, đầy đủ. Nay thả tôi, một đứa trẻ, ra khỏi vòng tay đùm bọc của gia đình, làm sao mẹ tôi khỏi lo lắng, e dè.

Gia đình tôi không phải là một gia đình giàu có, khá giả. Có thể nói được là một gia đình nghèo đi. Nhưng ít người tin được rằng gia đình tôi nghèo vì cái thể diện tối thiểu mà cả nhà từ trên xuống dưới đều tự động hoặc nhắc nhở nhau lo giữ lấy; vì thế mà qua bao biến thiên hoàn cảnh xã hội, của kinh tế gia đình, cái vẻ phong lưu bề ngoài của gia đình vẫn cứ còn đó. Sống theo cái nếp của thời xưa cũ, đó là sinh hoạt truyền thống của gia đình tôi.

Ba tôi là con một của một vị quan văn triều Thành Thái, Khải Định. Ông nội tôi không chỉ là một vị quan mà còn là hoàng thân quốc thích. Ông Tuy Lý Vương (hoàng tử thứ mười một con của vua Minh Mạng) là ông nội của ông nội tôi. Vậy ba tôi gọi ông Tuy Lý Vương bằng ông cố, và anh chị em tôi gọi bằng ông . Tóm lại, người ta vẫn thường gọi gia đình tôi là gia đình hoàng tộc. Ba tôi là con trai độc nhất của ông nội. Ông nội mất khi ba tôi còn nhỏ. Bà nội nuôi ba tôi ăn học, rồi bà nội mất, ba tôi qua sống với bà con chú bác. Sau ba tôi ra làm quan, cũng là quan văn, ngạch hành chánh, cho thời Bảo Đại, thời chính phủ Trần Trọng Kim, thời ông Diệm, thời ông Thiệu. Thực ra, không phải cứ là dòng hoàng tộc thì phải giàu sang quyền quý. Con cháu vua Minh Mạng đông vô kể mà thời vàng son của triều đình họ Nguyễn này đã hết từ lâu rồi, từ trước khi ông vua cuối cùng là Bảo Đại (Vĩnh Thụy) thoái vị kia. Nhưng cứ xét theo hoàn cảnh riêng của ba tôi thì dù gì ông cũng có một sản nghiệp tương đối lớn. Các anh chị lớn của tôi sinh trưởng tại Huế đã thừa hưởng (một thời gian) sự giàu có của ba tôi. Sau hai lần di cư (vào Quy Nhơn, rồi vào Nha Trang), ba tôi đã không còn gì. Ông làm lại từ đầu ở mảnh đất nhỏ Nha Trang, và anh chị em nhỏ chúng tôi chào đời trên mảnh đất ấy, trong hoàn cảnh ấy của gia đình. Miếng cũng chẳng còn, tiếng cũng phôi pha, chỉ có cái nếp trong nhà, trong dòng tộc thì ba mẹ và anh chị lớn hãy còn giữ để truyền lại cho bầy nhỏ chúng tôi.

Cái nếp ấy được chỉ dạy một cách tỉ mỉ qua nếp ăn ở và cách tiếp xử với con người, với xã hội chung quanh. Đơn giản thôi, khi thấy một đứa con trong nhà đem học bạ về mà không xếp được vào hạng danh dự, ba tôi chê: “Con cháu Thánh Tổ Minh Mạng không được học dở như vậy đâu. Ráng lên kẻo thiên hạ chê cười cả dòng họ luôn nghe con.” Khi thấy một đứa em ăn bận không được tươm tất sạch sẽ, anh chị lớn cũng la rầy: “Con ba me mà ăn bận như vậy đó hả? Vô thay áo quần khác, mau!” Ăn uống, nói năng, đi đứng trong nhà hay ở ngoài đường cũng phải theo cái nếp “hoàng tộc” như vậy. Cho nên, thiên hạ nhìn vào cứ thấy là gia đình tôi giàu có, phong lưu. Cả một nhà trai thanh gái lịch, ăn mặc đàng hoàng tươm tất, nói năng lễ phép lịch sự, học hành giỏi giang xuất sắc. Ba tôi ra đường lúc nào cũng bỏ áo sơ mi vào quần, đầu tóc chải mướt, giầy da bóng lộn. Mẹ tôi từ ngày về nhà chồng cho đến khi con khôn lớn, không khi nào rời khỏi nhà mà không mặc áo dài và trang điểm son phấn kỹ lưỡng. Cái nếp nó như vậy đó. Dâu hoàng tộc thì phải như vậy như kia. Con cháu hoàng tộc phải như ri như rứa. Thiếu tiền thiếu bạc chứ không thiếu lễ nghĩa và dáng vẻ cao sang. Bụng có thể đói được, nhưng mặt mày phải sáng láng, nhân cách phải giữ gìn. Thanh bần là hai chữ cha mẹ tôi thường lấy để răn nhắc anh chị em chúng tôi. Phải, nghèo mà sạch, sạch từ thể chất đến tinh thần. Phải ráng mà giữ. Cái giàu sang đã mất đi rồi, không gượng tìm lại được nữa. Chỉ còn hai chữ thanh bần đó để mà sống cho đẹp thơm dòng tộc. Vậy đó mà cuộc sống gia đình thấy vui tươi. Rồi sống trong nhà, ắt phải quen nếp. Quen nếp thì thấy yên ổn, êm ấm, thấy như mình thuộc loại nhà giàu phong lưu vậy.

Chính vì vậy mà chuyện tôi trốn nhà mấy lần là một chuyện động trời đối với gia đình. Lại thêm chuyện đòi đi tu nữa, cũng là chuyện lạ thường mà chính những người trong gia đình tôi cũng không ngờ tới được nói chi những người ngoài. Mẹ tôi, người đã đóng vai dâu hoàng tộc mấy chục năm, không dám tin rằng một đứa cháu chắt ngài Tuy Lý Vương hào hoa phong nhã lại đòi xuất gia đầu Phật đang khi anh chị em trong gia đình sum vầy vui vẻ dưới sự đùm bọc của mẹ cha. Lũ con này, từ gái công nương, đến trai hoàng tộc, học hành chẳng chịu kém sút ai mà ăn chơi cũng đâu chịu thua thiệt gì thiên hạ. Ăn chơi gì? Là ca hát, đàn địch, văn thơ, viết vẽ... tiếng không đồn khắp nước thì cũng nở rộ lên như những cánh hoa rực rỡ của xóm nhà Nha Trang. Mỗi đứa mỗi tài, mà tài nào cũng lòng vòng trong ngành văn chương nghệ thuật. Vui quá đi chứ.

Nhà mười bốn đứa con, bảy trai bảy gái, làm thơ, viết văn, vẽ, đàn ca, chẳng theo trường lớp chuyên môn nào mà tài năng thi thố với thiên hạ cũng xuất sắc, có nét riêng, đâu vào đó không chê được; giới nghệ sĩ Nha Trang hay Sài Gòn ghé thăm phải kiêng dè, nể mặt... Cái nhà văn nghệ đó ai ở Nha Trang mà chẳng biết. Chuyện đói no giàu nghèo thì khó đoán định nổi, nhưng chắc chắn một điều là không khí gia đình hẳn là vui tươi, rầm rộ, tưng bừng. Vậy mà một đứa bỗng đòi đi tu. Chuyện lạ thường. Mẹ phải e dè suy nghĩ lại nhiều lần, dù rằng đã hứa cho nó đi tu, đã sắm sửa đồ đạc chờ ngày nó lên đường.

Anh lớn của tôi, người được coi như là một cảnh sát viên tận tụy với bổn phận bảo vệ nề nếp gia đình, là người chống đối chuyện đi tu nhiều nhất. Anh tin Phật, như ông bà cha mẹ đã tin. Nhưng trong cái nhìn của anh, chuyện xuất gia đầu Phật hình như là chuyện của những đứa bé chăn trâu, những đứa bé mồ côi ở cô nhi viện hay lũ trẻ bụi đời cù bơ cù bấc, chứ không phải là một đứa em trong gia đình này. Cho nên chuyện đi tu của tôi làm cho anh phải xấu hổ với bạn bè anh, nhất là các cô bạn gái. Có một người trong gia đình xuất gia vào chùa thì tự dưng cái nhà này kém vẻ văn minh tiến bộ đi một chút thì phải. Rõ ràng anh muốn cản tôi một phần vì thương, không muốn tôi khổ sở ở chùa nhưng một phần cũng vì thể diện, vì cái nếp mà anh từng gìn giữ cho gia đình. Có lẽ anh nghĩ rằng một đứa em đi tu sẽ chứng tỏ với thiên hạ rằng gia đình này không có gì vui thú, hấp dẫn hay sự sung túc vật chất để giữ chân nó. Những lần trước, ba mẹ tôi không chấp thuận cho tôi đi tu là cũng có ý kiến anh góp vào một phần. Nhưng lần này, dù đã hết sức chống đối, anh cũng không cản được tôi, vì lòng tôi đã quyết, và ba mẹ tôi cũng đã vui lòng ưng thuận.

***

Ngày tôi xuất gia là ngày mồng một tháng năm âm lịch, sau lễ Phật Đản nửa tháng. Lúc đó Tăng Ni các chùa đã nhập hạ an cư. Chùa Hải Đức là một Phật học viện nên tập trung các thầy đông nhất, trên hai trăm vị. Các vị hòa thượng, thượng tọa cũng như các thầy từ các chùa lân cận cũng tập trung tại chùa Hải Đức mỗi trưa để cúng quá đường và làm lễ cầu an, cầu siêu.

Mẹ tôi đã cho thuê một chiếc xe lam từ ngày hôm trước để gia đình cùng đưa tôi lên chùa. Nhưng ngày đó không phải là ngày cuối tuần nên ba tôi không đi được, các anh chị em khác thì bận đi học, đi làm, chỉ chia tay tôi tại nhà rồi thôi. Mẹ tôi, hai người chị và hai đứa em gái theo xe đưa tôi lên chùa. Ba tôi ôm hôn tôi trước khi ông đến sở. Không có vẻ gì cho thấy là ông lo buồn chuyện xuất gia của tôi cả. Lúc đó tôi chợt nghĩ rằng có lẽ ý định ngăn cản không cho tôi đi tu trước đây là do mẹ chứ không phải là do ba tôi. Sau này, tôi còn biết rằng mỗi lúc có việc quan trọng trong gia đình, ba tôi thường chỉ góp ý, bàn luận thêm, nhưng rồi cũng thường lấy quyết định tối hậu của mẹ tôi mà thôi. Tính tình ông hiền hòa, nhũn nhặn, cởi mở, một lòng cưng chiều vợ mà cũng một lòng cưng chiều con; lý đâu tôi quyết tâm đi tu mấy lần ông lại ngăn cản không cho!

Ba tôi tắm rửa từ sáng sớm, thay áo quần, ăn sáng, rồi tiến đến chỗ tôi, hiền lành nắn bóp đôi vai tôi, đặt những nụ hôn lên tóc tôi, rồi nói đôi câu khích lệ:

“Dòng họ nhà mình thuần thành tin Phật từ bao nhiêu đời rồi nhưng hiếm có người nào đi tu. Hình như chỉ có duy nhất sư cô Trí Hải là thuộc giòng Tuy Lý nhà mình thôi. Nhưng cô ấy xuất gia khi tuổi đã trưởng thành. Nay con là người thứ hai, mà con hãy còn nhỏ quá, chắc là khó khăn khổ nhọc, nhưng ba tin con trai của ba sẽ vượt qua được. Lâu lâu con xin phép thầy về thăm nhà nghe. Bây giờ ba phải đi làm. Hôn ba một cái đi. Bên này cái nữa...”

Ba tôi ra sân. Tôi bước theo ông ra cổng, nhìn theo dáng ông gầy gò mất hút ở cuối đường. Tôi ứa nước mắt quay vội vào trong.

Không phải đã chọn được lối đi thì không còn băn khoăn đau khổ. Khi cha-con tôi ôm nhau lần cuối vào phút từ biệt, tôi mới sực nhận biết rằng nỗi khó khăn cực nhọc nhất của một đứa trẻ khi xuất gia là sự chia cắt nhiều ngày với gia đình thân thuộc, nhất là phải chia cách với cha mẹ, những suối nguồn dạt dào thương yêu mà dù cho bầy con mười bốn đứa hay hai chục đứa có tận hưởng suốt đời cũng không vơi cạn mất...

Khi bước ra xe lên đường, tôi nhìn qua chùa sư nữ, thấy các tiểu ni đứng nơi cổng chùa hướng về phía tôi, đưa tay vẫy. Tôi vẫy tay đáp lại họ.

Xe chuyển bánh. Mẹ ngồi bên tôi, dặn dò đôi điều, thỉnh thoảng lại vuốt tóc tôi. Các chị và em gái tôi ngồi ở băng ghế đối diện nhìn qua, ai cũng im lặng ứa nước mắt. Lúc sống bên nhau, chúng tôi ít có dịp nào để trò chuyện hay tâm sự với nhau. Nhà tôi con đông, nhiều lứa, thân với nhau thì cũng chia thành cặp đôi, cặp ba: trai chơi với trai, gái chơi với gái, lớn với lớn, nhỏ với nhỏ. Đâu phải cứ là chị em thì phải thân mật và hiểu nhau hết. Vậy mà bây giờ tiễn đưa tôi lên chùa, các chị đã không kềm được xúc động. Như thể chuyến đi này sẽ thật sự cắt đứt những cơ hội cho tình cảm anh chị em được bộc lộ một cách bình thường. Tôi chỉ lặng lẽ quan sát các chị, rồi nhìn cảnh vật hai bên đường chứ không bận tâm điều đó lắm. Tôi cũng không khóc hay xao xuyến nhiều vì chuyện chia tay này. Tôi đang nôn nao phóng nhanh một bước vào thế giới mới lạ có khoảng trời bao la phất phơ mây trắng. Thế giới đó từng hiện hữu trong những giấc mộng sâu kín của tôi, nay sắp trở thành hiện thực. Chỉ một chốc nữa thôi, khi chiếc xe này ngưng bánh, tôi sẽ bước vào đó.

***

Từ quốc lộ số một, xe quẹo vào một con đường đất rộng. Con đường mang tên chùa Hải Đức. Hai bên đường là nhà cửa lưa thưa nhưng đa phần nhà gạch hoặc nhà đúc. Chỉ một khoảng gần chân núi là nguyên một dãy nhà tôn, nhà lá lụp xụp của những người mới đến tại đây. Vài hàng quán lẻ tẻ mọc lên ở khoảng đó. Người ta gọi xóm này là xóm Xưởng. Đến sát chân núi hơn thì con đường trở thành như một bờ đê cao, hai bên là vườn rau--phải nói ruộng rau mới đúng vì quá rộng--với những luống cải xanh thẳng tắp được chăm sóc kỹ lưỡng bởi những người làm vườn chuyên nghiệp. Mẹ tôi nói rau canh tác ở đây cung cấp một số lượng khá lớn cho các khu chợ Nha Trang. Cuối đường đê đó, quẹo phải là dẫn đến chùa Phước Điền--một ngôi chùa nhỏ xíu nằm giữa ruộng rau như một hòn đảo lú lên giữa sông nước; quẹo trái là lên con dốc chính dẫn đến chùa Hải Đức.

Cổng sắt của chùa Hải Đức mở sẵn. Qua khỏi cổng là bắt gặp ngay kho gạo của chùa Hải Đức nằm phía bên phải. Nhà kho phải xây dưới chân núi để xe ra vào chất gạo chất củi cho dễ. Nơi đây có một ngôi nhà ngói rộng, gọi là Tịnh Nghiệp đường dành cho các phật tử thân tín của chùa đến nghỉ lại đêm để tu học vào những ngày trai, và một phòng để quý thầy cất xe đạp, xe gắn máy, khỏi phải dắt lên núi. Phía bên trái của nhà kho là ga-ra lợp tôn, dành cho các xe hơi và xe gắn máy của chùa.

Mẹ con tôi cùng hì hục leo dốc. Đường dốc đá lởm chởm, mẹ và các chị tôi phải bước khó nhọc và cẩn trọng vì mang guốc cao. Hết khoảng dốc đá thì con đường tẻ làm hai, một đường vẫn là dốc đá dẫn đến mặt tiền của chánh điện chùa; một đường là tam cấp trăm bậc dẫn đến phòng khách và nhà bếp. Mẹ đưa tôi đi đường tam cấp để bái kiến thầy Hải Tuệ trước. Dọc đường đi, vài người hành khất ngồi yên lặng, lật nón để sẵn trước mặt. Phật tử đến chùa lên xuống tấp nập. Tự dưng tôi thấy ái ngại. Lần trước đến chùa, tôi không bắt gặp không khí nhộn nhịp này.

“Sao đông quá vậy me?” tôi hỏi mẹ.

“Thì gặp mùa an cư kiết hạ, ngày nào cũng có cúng quá đường, quý thầy lại cấm túc chẳng đi đâu nên phải đông chớ. Hơn nữa, hôm nay là mồng một mà. Đừng ngại, rồi con sẽ quen. Phật tử cũng như me và mấy chị, đến rồi về chứ đâu có ở hoài trên chùa đâu. Sau lễ thì chùa yên vắng trở lại ngay.”

Chùa Hải Đức là tên gọi của chùa khi chưa lập nên Phật học viện. Từ ngày Phật học viện ra đời, người ta quen gọi Phật học viện Hải Đức, hoặc gọi tắt “chùa viện” hay chỉ gọi một tiếng là “viện”. Thầy Hải Tuệ làm chức giám sự của Phật học viện. Chức này chịu trông coi mọi sinh hoạt lễ lược, chịu trách nhiệm quản lý động sản và bất động sản cũng như vấn đề thu nhập và chi xuất tài chánh của chùa. Đặc biệt là ở viện Hải Đức này, chức vụ giám sự rất quan trọng và trở thành một chức vị giống như trụ trì một ngôi đại tòng lâm. Trên chức giám sự chỉ có chức giám viện do Hòa thượng Thích Trí Thủ đảm trách. Nhưng Hòa thượng là Vụ trưởng Vụ Hoằng Pháp thuộc Viện Hóa Đạo của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, phải túc trực tại Sài Gòn để điều hành nhiều phật sự của Giáo hội trung ương nên mọi việc ở viện Hải Đức đều giao cho thầy giám sự chăm sóc.

Dãy hiên của tổ đường có bốn cái bàn, được coi như phòng khách tạm thời trong những ngày lễ lớn. Phật tử lăng xăng lui tới. Thấy mẹ con tôi đến, thầy Hải Tuệ gát công việc đang bàn với khách, mời mẹ con tôi vào trong tổ đường. Mẹ bảo các chị và hai đứa em gái tôi đứng lại ở bên ngoài, rồi mẹ kéo tôi theo thầy vào Tổ đường. Thầy thắp nhang rồi đứng một bên chuông, chờ mẹ tôi thưa chuyện. Mẹ tôi sụp lạy thầy, tôi lạy theo. Thầy khoát tay bảo đừng nhưng mẹ con tôi cứ lạy cho đủ lễ. Lạy xong, mẹ tôi quỳ nghiêm, chắp tay thưa thầy:

“Nam mô A Di Đà Phật, hôm nay con đưa con trai của con đến cầu xin thầy tiếp độ cho nó được xuất gia theo chân thầy để học đạo giải thoát.”

Nghe lời mẹ thưa, tôi bàng hoàng như bị chấn động ở tận đáy sâu tâm thức mình. Ước vọng lâu nay của tôi là tìm đến một thế giới, hay một cõi nào đó mới lạ, khác với cuộc sống buồn tẻ nhạt phèo của nhân sinh, nhưng tôi không thể hiểu và không thể diễn đạt bằng lời cái ước vọng sâu kín đó của mình. Nay mẹ tôi thưa trình với ngôn ngữ và cách hiểu của bà, tôi mới sực thấy rõ rằng thực ra tôi muốn gì. Phải, tôi muốn giải thoát. Hai chữ ấy tôi không hiểu tường tận và cũng chưa hề dùng đến bao giờ, nhưng khi nghe nó, tôi biết đúng là nó chứ không phải chữ nào khác thích hợp hơn với sự mong cầu của tôi.

Thầy từ tốn hướng về tôi dạy rằng:

“Con đường xuất giacon đường chông gai mà chỉ có những kẻ có chí xuất trần cực mạnh mới vượt qua nổi. Tuổi nhỏ như con mà phát tâm xuất gia là điều đáng quý, đáng khen. Nhưng nếu không hết lòng nương theo thầy tổ để tu học thì đạo lớn sẽ khó kham nhận được. Thay mặt chư tăng, thầy hoan hỷ tiếp nhận con nhập chúng để học hạnh xuất gia. Con đứng dậy lạy tổ đi.”

Tôi và mẹ cùng lạy tổ ba lạy. Xong, thầy bảo mẹ con tôi theo thầy bái kiến Hòa thượng chùa Từ Quang, vị hòa thượng cao đức chứng minh đạo sư của Phật học viện. Hòa thượng pháp tự là Thích Phúc Hộ, là viện chủ tổ đình Từ Quang ở Phú Yên, nên mọi người đều gọi ngài là Hòa thượng Từ Quang (tránh gọi thẳng pháp tự của ngài để tỏ lòng tôn kính). Mỗi năm Hòa thượng từ Phú Yên vào Nha trang để nhập hạ an cư tại đây ba tháng (từ rằm tháng tư, ngày Phật đản sanh, đến rằm tháng bảy, lễ Vu Lan).

Hòa thượng ngồi trên trường kỷ ở phòng khách tăng, bên hông phải của chánh điện. Thầy tôi vào trước trình Hòa thượng. Hòa thượng bảo tôi đến gần. Tôi quỳ sát bên ngài để lắng nghe chỉ dạy. Một tay xoa đầu tôi ngài nói:

“Đáng khen, đáng khen! Con giỏi lắm. Tuổi nhỏ mà đã phát chí xuất trần là việc hy hữu. Thầy hy vọng con đủ chí đủ lực để đi trọn con đường mà chư Phật chư Tổ soi mở. Xuất gia là gì? Tổ Quy Sơn có nói, ‘phù xuất gia giả phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long thánh chủng, chấn nhiếp ma quân...’ nghĩa rằng, người xuất gia là kẻ cất bước hướng tới một vòm trời siêu tuyệt với tâm tínhhình dung khác với thế tục, để tiếp nối và làm hưng thịnh cho giòng giống của Phật Thánh, làm kinh động và thu phục ma quân. Con đường xuất gia chí thượng cao cả như vậy, con phải nỗ lực, quyết tâm mới thành tựu được sự nghiệp.”

Tôi cúi lạy Hòa thượngứa nước mắt. Tôi khóc. Tôi chẳng hiểu vì sao tôi khóc. Lời lẽ của vị hòa thượng già mới lần đầu tiên được bái kiến tôi nghe như âm vang thân thuộc vọng về từ một tiền kiếp xa xưa nào. Nghe như có tiếng chuyển động ầm ì của sóng, của nước, vỗ vào bãi tâm hoang sơ của tôi.

Thầy Hải Tuệ bảo tôi lạy tạ Hòa thượng. Tôi cùng mẹ quỳ lạy ngài ba lạy nữa rồi lui ra. Trở lại phòng khách, tôi gặp hai chú tiểu đang ngồi cầm kinh nhật tụng, vừa học vừa giỡn. Thấy thầy Hải Tuệ bước xuống, hai chú lảng ra xa, làm bộ cắm cúi đọc to tiếng lên. Thầy vào phòng khoác y áo chuẩn bị làm lễ. Trở ra, thầy bảo các chú tiểu hướng dẫn tôi mang hành lý vào phòng dành cho các chú tiểu. Hai chú đưa tôi đi vòng sau dẫy nhà thờ các vị Tổ sư, Tăng Ni đã viên tịch, nằm đâu lưng với nơi thờ Phật nên gọi là hậu tổ. Rồi vào một dẫy phòng sát hông trái với chánh điện là phòng dành cho các chú tiểu. Chỉ có bốn cái đi-văng (ở chùa gọi là cái đơn tức là cái giường nhỏ chỉ nằm được một người). Một chú bảo tôi cứ để hành lý ở đầu một cái đơn, chuyện ngủ ở đâu thì tối có thầy quản chúng sắp đặt. Cất hành lý xong, tôi lại theo các chú trở ra phòng khách. Lúc này, thầy đã vào nhà hậu tổ rồi lên trai đường làm lễ. Mẹ và các chị em của tôi cũng theo các phật tử khác đi lạy cúng trai tăngtrai đường. Tôi ngồi lại với hai chú tiểu ở phòng khách.

Hai chú tiểu đều nhỏ tuổi hơn tôi. Một chú tên Dũng, một chú tên là Sung. Chú Dũng nhỏ thua tôi một tuổi. Chú Sung nhỏ thua tôi hai tuổi. Chú Dũng là đệ tử của thầy Phước Châu, vị thầy giữ chức quản chúng của Phật học viện--vị quản chúng thường là một vị thầy trẻ tuổi, gần gũi học chúng, chịu trách nhiệm phân công, điều hành những công tác và sinh hoạt thường nhật của học tăng, làm viên gạch nối giữa ban lãnh đạo Phật học viện với các học tăng này. Chú Sung là đệ tử của thầy Hải Tuệ, tức là cùng một thầy với tôi--trong chùa gọi là huynh đệ đồng sư. Chú Dũng cao, ốm tong ốm teo, hai tay hai chân dài như vượn. Mặt chú dài, cằm nhọn, miệng cười rộng sát mang tai, mắt sáng long lanh, hai tai to vểnh ra như tai dơi. Chú Sung gọi chú Dũng là Dũng , có khi gọi là Dũng ròm. Chú Sung thì thấp người, da dẻ đen sạm trông rắn chắc như dân làm ruộng ở quê lên. Mặt chú tròn vin, miệng nhỏ môi mỏng, hai mắt to tròn, sáng và lộ ra như hai trái nhãn. Đáp lại chú Sung đã gọi mình là Dũng cò, chú Dũng gọi chú Sung là Sung mèo-có khi gọi tắt hơn: mèo, chắc là nói gọn cho Sung mắt mèo.

Tôi ngồi nơi phòng khách với hai chú mà chẳng biết nói gì. Các chú cũng chẳng biết nói gì với tôi nên cứ giỡn với nhau để tôi ngồi trơ đó mà ngó, mà nghe. Hai chú thật liếng thoắn, lăng xăng, đứng ngồi không yên. Tâm tư tôi lúc đó hãy còn bập bùng kích động bởi những lời dạy của Hòa thượng Từ Quang và thầy Hải Tuệ nên tôi không sao đùa giỡn và hòa vui được với các chú ngay. Tôi tự hỏi, không lẽ mai này mình lí lắc lí lưởi như mấy chú tiểu này sao? Phải có cái gì khác chớ? Sao các chú ở chùa mà chẳng có gì khác biệt với mấy đứa trẻ bên ngoài hết vậy kìa? Tôi không lớn hơn các chú bao nhiêu, vậy mà tôi bỗng trở nên ông cụ, ngồi im mà nhìn bầy trẻ đùa giỡn. Một chặp, hai chú rủ tôi xuống nhà bếp ăn cơm. Tôi miễn cưỡng bước theo.

Giữa nhà khách và nhà bếp có hai phòng ăn nhỏ để dọn cơm cho các chú tiểuthập phương bá tánh. Chú Dũng bảo tôi ngồi đợi ở phòng ăn này. Hai chú xuống bếp kiếm cơm thế nào đó mà bưng lên nguyên một mâm với ba thau cơm thật bự. Không phải là các thau đầy cơm, chỉ lưng thau thôi. Món mít kho, món cải xào với đậu hủ và món canh rau muống cũng đổ chung vào đó. Chú Dũng đưa tôi một thau cơm, chú và chú Sung mỗi người một thau khác. Tôi ngán ngẩm bưng thau cơm đồ sộ lên, nhìn hai chú ấy bắt đầu ăn mà thấy khiếp sợ. Đã vậy, trong thau chỉ có vật dụng duy nhất để múc ăn là cái vá thật lớn mà người ta dùng để xúc cơm chứ không phải là cái muỗng nhỏ. Thật khó cho tôi phải ăn bằng cái vá xúc cơm với một thau cơm bành ki như vậy. Nhưng tôi phải ăn thôi. Tôi nghĩ bụng chắc mấy chú tiểu ở đây đều ăn kiểu đó. Các chú được chùa dạy cho chuyện ăn uống như là chuyện chẳng quan trọng gì nên ăn sao cũng được, chẳng cần thứ lớp ngăn nắp hay bày biện lễ nghi gì cho mệt. Thì thôi, các chú ăn được thì tôi cũng phải ăn được. Vậy là xúc cơm ăn ngon lành. Hai chú xúc cơm ăn ào ào, thau muỗng chạm leng keng, lổn cổn. Chỉ một thoáng là thau cơm của hai chú cạn láng. Tôi đâu có đuổi theo kịp. Dù sao cũng là người mới đến, tôi ăn chậm rãi, từ từ mà xúc, cố gắng đưa cơm và đồ ăn vào miệng sao cho gọn, đừng đổ vãi. Hai chú ăn rồi, ngồi chờ tôi một chút, thấy lâu quá, bèn đứng dậy trước, bỏ tôi ngồi một mình. Cũng may phòng ăn lúc đó chẳng có ai. Mọi người đều đi làm lễ. Buổi cơm chay đầu tiên cho ngày xuất gia thấy lạ miệng, thật ngon nhưng hơi ngộ nghĩnh vì thau cơm và cái vá trông khiếp quá.

Tôi đang ăn đến vài muỗng cuối cùng thì có một thầy trẻ từ đâu đi tạt ngang. Sau này tôi biết là không phải tất cả quý thầy đều đi làm lễ, mà phải có một vài thầy ở ngoài để trực, coi chùa, tiếp khách, dọn dẹp trai đường v.v... Thấy tôi ngồi ăn bằng thau với cái vá xúc cơm to bự như thế, thầy tức cười dừng lại nhìn, hỏi han. Tôi nói tôi mới đến chùa xuất gia hôm nay. Thầy hỏi tôi ai dọn cơm cho tôi ăn. Tôi thật thà nói hai chú Dũng và Sung. Thầy xuống gọi hai chú lên la rầy một lúc. Té ra không phải các chú tiểu ở đây ăn bằng thau và vá cơm lớn. Chỉ vì các chú lười biếng không chịu chờ đợi cô Bảy và chú Đông (những người làm công quả dưới bếp) rửa chén bát mà lấy đại những thau muỗng nào còn úp trong rổ. Cũng may thầy la trong giọng vui vẻ, chỉ nhắc các chú đừng lười biếng vậy thôi chứ không đánh phạt gì. Các chú không giận gì tôi chuyện đó, rủ tôi đi chơi. Tôi không biết tôi có được phép đi chơi với các chú không. Nhưng không theo các chú thì biết làm gì, ngồi đâu, đứng đâu, vì vậy cứ phải theo.

Các chú dẫn tôi lên tháp chuông cũ ở gần bệnh xá. Ở đây có gió mát rượi. Ngọn gió từ đâu nghe mát và mằn mặn như là gió biển. Chung quanh là những cây phượng vĩ to cao, hoa nở đỏ rực. Nhưng từ các ven rào cho đến các gốc phượng, tôi thấy nhiều cây xương rồng bò khắp leo lên cả những nhánh phượng trên cao. Dũng nói đó không phải là cây xương rồng mà là cây thanh long. Thanh long trên núi này mọc nhiều lắm. Loại này cũng dễ mọc nên có thầy chiết nhánh trồng thêm ở nhiều nơi quanh chùa. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy thanh long đỏ chín trên cây. Nhưng thanh long là loại trái cây ngọt lờ lợ mà lại đầy hột nên tôi không bao giờ có hứng thú để ăn. Dù vậy, khèo hái thanh long với các chú thì cũng thích thật. Dũng và Sung bẻ cây táo nhơn ở ven rào để làm sào. Các chú bứt các dây leo quanh đó để buột một cái ngàm thật chắc ở đầu sào. Có sào rồi, chú Sung leo lên một cây phượng gần tháp chuông. Chú Dũng và tôi đứng dưới chuyền cây sào lên và chỉ cho chú Sung thấy những trái thanh long ở đâu. Dũng đang chỉ chỏ la hét như vậy bỗng xuỵt một tiếng, kéo tôi núp vào sau tháp chuông.

Tôi hỏi nhỏ chú Dũng:

“Sao vậy? Tại sao phải trốn?”

“Xuỵt có thầy nào đi ngang kìa.”

“Thầy thì sao, bộ thầy không cho mình hái trái sao?”

“Không. Xuỵt!”

Trong khi tôi và chú Dũng im lặng trốn nấp thì chú Sung ở trên cây không biết, cứ tiếp tục la hét ỏm tỏi:

“Đâu có thấy trái nào đâu? Chỉ coi. Dũng!”

Vị thầy kia đi ngang nghe được tiếng chú Sung trên cây thì ghé lại, đứng dưới gốc cây phượng chỉ lên, nói:

“Kìa, một trái đỏ loét kìa!”

Chú Sung ở trên cây nghe tiếng người lớn thì hết hồn, tụt mau xuống định trốn. Cũng may thầy kia hiền quá, chỉ đứng ngó chú Sung mà cười. Rồi thầy bảo cứ hái đi, thầy chẳng mét ai đâu. Nói xong thầy đi mất. Lúc đó Dũng mới kéo tôi rời khỏi chỗ nấp để trở lại với chú Sung. Nhưng tôi không thích chơi trò hú tim nữa. Tôi không thích hái trộm một thứ trái mình chẳng thích, chẳng ăn, để rồi mang tiếng nghịch ngợm. Dũng và Sung tiếp tục hái, tôi đứng gần đó hỏi:

“Tại sao thanh long mọc nhiều quá mà mình không được hái, thấy mấy thầy lại trốn. Bộ chùa cấm hái trái cây sao?”

“Đâu có, ở đây thiếu gì trái! Ổi, xoài, mít, mãng cầu xiêm, mãng cầu gai, ô-ma, sa-bô-chê... tùm lum hết, muốn ăn thì hái ăn, đâu có ai biết. Nhưng hái thanh long thì hái những trái mọc hoang ngoài núi chứ hái khu vực này không được vì trái ở đây là để dành cúng Phật. Cúng xong là dọn cho đại chúng dùng.”

“Mình có phải đại chúng không?”

“Đại chúng chắc là nói mấy thầy lớn. Nhưng tụi mình cũng ăn ké đại chúng được. Cũng như ăn cơm vậy thôi, đâu phải đại chúng có cơm còn mình không có.”

“Vậy thì hái làm chi, chờ mấy thầy cúng Phật xong rồi ăn. Còn không mình ra ngoài núi hái, đừng hái ở đây bị la đó.”

Dũng cười nói:

“Trời ơi! Ăn thanh long mà chờ! Bây giờ mấy thầy đang làm lễ thì mình hái chớ. Còn ra ngoài núi cũng chưa chắc là có trái. Có bao nhiêu người ta ở dưới núi cũng lén hái hết trơn rồi đâu để tới phiên tụi mình.”

Sung ở trên cây cũng tiếp lời:

“Thanh long dọn trên bàn ăn, mỗi người được một miếng chớ mấy. Hái ngoài này ăn đã hơn.”

Nói đến đó thì Sung cũng vừa khèo được một trái thanh long lớn. Chú Dũng đứng dưới đón lấy. Hái đủ ba trái, Sung leo xuống. Cả ba chúng tôi đi tìm chỗ mát và kín để ngồi ăn. Tôi chỉ ngồi ngó hai chú ăn chứ không ăn được thứ trái cây này. Thanh long chín đỏ, lột vỏ dễ như lột vỏ chuối. Hai chú ngồi ăn ngon lành. Trái còn lại, hai chú lại chia nhau ăn. Ban đầu thấy hai chú hạm ăn quá tôi hơi nản. Nhưng chỉ sau một lúc, tự dưng tôi thấy vui lây.

Lâu nay tôi cứ ngỡ một chú tiểu ở chùa thì phải đạo mạo, lim dim như một chú tiểu đồng hầu hạ tiên ông ở cõi tiên. Tôi ngỡ rằng những chú tiểu ở chùa sẽ không bao giờ có các trò chơi, các thú vui và những ham thích mà những đứa trẻ ngoài đời đang có. Từ những ngày biết mình sắp xuất gia, tâm tư và phong cách của tôi đã có vẻ như sẵn sàng để chịu đựngthích nghi với cuộc sống khuôn khổ, nề nếp của cửa chùa mà mẹ tôi và các sư cô ở chùa sư nữ có nói trước. Tôi cứ nghĩ là ngay ngày đầu tiên bước vào chùa là tôi đã trở thành một tu sĩ, chấm dứt mọi thói đời. Bây giờ, ngồi cạnh hai chú tiểu này, tôi mới thấy rằng, con đường xuất gia cao đẹp lắm, nhưng cũng phải bước đi bằng những bước bình thường. Không phải ai ở chùa cũng đạo mạo, uy nghiêm. Trước mắt tôi là hai chú tiểu, chỉ khác với những đứa trẻ bên ngoài ở hình thức. Tâm tư tôi lúc ấy giống như tâm trạng của một con chim đã chui vào lồng nhưng thấy cửa lồng không đóng, nó nhảy vô nhảy ra, chưa biết làm gì. Vừa hân hoan, vừa hụt hẫng. Thôi thì các chú sống sao mình sống vậy.

Tôi phải sống với lứa tuổi của tôi.

Ý kiến bạn đọc
17 Tháng Tám 201503:43
Khách
Con đường xuất gia đẹp lắm nhưng cũng phải bước đi những bước bình thường
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 14870)
Ngài Nam Tuyền nói: “Tâm bình thường là đạo.” Chư vị Tổ sư dùng đến vô số phương tiện cũng không ngoài việc dẫn dắt người học đạt đến tâm bình thường này.
(Xem: 17795)
Các phần lý thuyếtthực hành chứa đựng trong sách này có tác dụng dẫn dắt tâm chúng ta đến chỗ thấu hiểu sâu xa hơn về sự sống và chết, về vô thường và khổ đau.
(Xem: 18209)
Với người chịu dày công tìm hiểu, đạo lý không có gì là bí ẩn; với người biết suy xét, hiểu được đạo lý không phải là khó khăn.
(Xem: 14988)
Khi chúng tôi mới gặp nhau, tôi là một thành viên tích cực của Câu lạc bộ Lotos, nhưng từ khi bắt tay vào việc soạn sách “Vén màn Isis” tôi đã chấm dứt hẳn mọi liên hệ với các hội hè đình đám...
(Xem: 13178)
Quyển hồi ký này của tu sĩ Yogananda có một giá trị độc đáo vì nó là một trong những tác phẩm nói về các bậc thánh nhân, hiền triết Ấn Độ.
(Xem: 21159)
Trong lúc thiền quán, tôi tập trung suy nghĩ rất nhiều những lời thầy dạy. Tôi bừng tỉnh nhận ra quả thật điều mà tôi khổ công tìm kiếm không phải là việc say mê dành trọn thời gian cho việc tu tập thiền định.
(Xem: 32570)
Cho đến nay Phật giáo đã tồn tại hơn 2.500 năm, và trong suốt thời kỳ này, Phật giáo đã trải qua những thay đổi sâu xa và cơ bản. Để thuận tiện trong việc xem xét, lịch sử Phật giáo có thể được tạm chia thành bốn thời kỳ.
(Xem: 15313)
Những ảnh hưởng tích cực của thiền đối với cuộc sống con người không hề bị giới hạn bởi bất cứ yếu tố khác biệt nào, cho dù đó là chủng tộc, giai cấp, tuổi tác hay giới tính...
(Xem: 12346)
Trong chuyến du hành sang Ai Cập, tác giả đã dày công thâu thập được nhiều kinh nghiệm huyền linh và thần bí. Ngoài ra tác giả còn trình bày những khía cạnh bí ẩn khác của xứ Ai Cập...
(Xem: 12832)
Trải qua dòng lịch sử, nhân loại đã thực hiện được nhiều kỳ công vĩ đại, nhưng con người vẫn phải bóp trán suy nghĩ để tìm hiểu ý nghĩanguyên nhân của sự đau khổ...
(Xem: 27508)
Tám mươi tư vị đại sư trong tác phẩm này là những vị tổ sư của phái Đại thủ ấn truyền thống, sống trong thời kỳ từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ 12.
(Xem: 12135)
Đã biết nhân quả theo nhau như bóng với hình, nên kể từ đây chúng ta hãy phát tâm dũng mãnh làm mới lại mình, sám hối, ăn năn những sai lầm đã phạm trước kia.
(Xem: 34937)
Khi đức Phật còn trụ thế, ngài từng nói với tôn giả A-nan rằng: “Này A-nan! Sau khi ta tịch rồi, giới luật chính là thầy của các ngươi đó. Giới luật sẽ bảo vệnâng đỡ cho các ngươi.”
(Xem: 17745)
Tập truyện này kể lại nhiều câu chuyện mang tính giáo dục cao, có thể giúp dạy bảo, khuyên răn nhằm bồi dưỡng nhân cách, đưa con người hướng đến Chân, Thiện, Mỹ...
(Xem: 11821)
Mùa xuân đồng nghĩa với mùa hoa có từ khi thiên địa mới mở. Nó có thật mà như mơ, trong trẻo thanh cao, vô tư bên cạnh cõi Ta-bà phiền não đầy những giá trị giả.
(Xem: 12647)
Trước cuộc du hành đầu tiên của tôi, phương Đông đã xâm chiếm tâm hồn tôi với một sự hấp dẫn vô cùng mạnh mẽ. Về sau, tôi quay sang việc khảo cứu các kinh điển của Á châu...
(Xem: 14569)
Trong sách này, tác giả đã diễn tả cả một nền văn minh truyền thống dưới cặp mắt của một người bản xứ nhìn vào mọi khía cạnh sinh hoạt, vật chấttâm linh, của đất nước Tây Tạng...
(Xem: 32466)
"BÀI HỌC NGÀN VÀNG" là câu chuyện đã có từ xưa, một câu chuyện vô cùng thâm thúy và bổ ích cho thế đạo nhân tâm.
(Xem: 19460)
Tu Là Chuyển Nghiệp - Tuyển tập 7 bài viết về "nghiệp" trong Phật giáo - HT Thích Thanh Từ
(Xem: 12969)
Tập sách này là một sự tập hợp các bài biên khảo đã được đăng trong các tạp chí Phật giáo. Các bài: Triết lý quanh đèn, Triết lý chiếc nôi, Cái nhìn...
(Xem: 14084)
Nay nhìn lại, tôi nhận ra nếp sống nhà chùa là nếp sống tình thươngtrí tuệ. Người trong thơ đã mở nguồn cho tôi vào đạo và mở nguồn cảm xúc cho tôi bây giờ.
(Xem: 14268)
Chỉ khi nào làm mọi việc mà không thấy có mình làm, không thấy có chúng sinh được cứu độ, không thấy mình và chúng sinh có sự khác biệt đó mới là vô ngã.
(Xem: 15313)
Anh đã từng xót thương, như tự xót thương anh thuở nào thơ dại, khi bắt gặp trên đường những nét nhăn mà móng vuốt của cuộc đời đã cày trên trán ai như trán em bây giờ...
(Xem: 14141)
...ý nghĩa của đời sống phải được tìm thấy ngay trong những giây phút quý giá mà ta đang còn được sống. Đó là niềm hạnh phúc khi chúng ta được thương yêu...
(Xem: 14134)
Những gì sẽ được trình bày trong tập sách mỏng này thật ra không có gì mới lạ, mà chính là những gì đã từng được đức Phật Thích-ca Mâu-ni giảng dạy cách đây hơn 25 thế kỷ!
(Xem: 11958)
Yêu thương là cội nguồn của hạnh phúc, thậm chí trong một chừng mực nào đó còn có thể nói rằng yêu thương chính là hạnh phúc, như hai mặt của một vấn đề không chia tách.
(Xem: 53165)
Thiền như một dòng suối mát, mà mỗi chúng ta đều là những người đang mang trong mình cơn khát cháy bỏng tự ngàn đời.
(Xem: 11660)
Người viết cũng tin tưởng là tất cả chúng ta đều có thể thực hiện việc phóng sinh mỗi ngày trong cuộc sống. Và điều đó có thể mang lại những kết quả rất kỳ diệu...
(Xem: 13926)
Tập sách vừa là một trang đạo, vừa là một trang đời đẫm đầy mọi thử thách, chông gai mà Thầy đã từng trải, đã đi qua trong suốt cuộc hành trình của tháng năm tuổi trẻ.
(Xem: 13816)
Mỗi người chúng ta thường chỉ nhận biết được một số những khía cạnh nhất định nào đó mà chúng ta cho là khổ đau, và vẫn không ngừng đắm say trong vô số những niềm vui nhỏ nhặt...
(Xem: 20693)
Phật giáo luôn xem vấn đề sống chết là điều quan trọng nhất cần phải được nhận hiểu một cách thấu đáo. Đây là điểm tương đồng giữa tất cả các tông phái khác nhau trong Phật giáo.
(Xem: 14312)
Quyển sách này là sáu nói chuyện Jiddu Krishnamurti trình bày tại những Trường đại học Ấn độ và những Học viện Công Nghệ Ấn độ giữa năm 1969 và năm 1984.
(Xem: 13432)
Thật là một nghịch lý khi hành tinh này ngày càng có đông người sinh sống hơn nhưng mối quan hệ giữa người với người lại ngày càng trở nên xa cách, nhợt nhạt hơn.
(Xem: 13611)
Phật Giáo hiện hữu trên thế gian nầy từ vô lượng kiếp và Phật Giáo đã được hình thành bằng hình thức khế lý khế cơ qua hơn 2.500 năm lịch sử trên quả địa cầu này...
(Xem: 34168)
Chúng ta đang rất cần chú ý đến những mối quan hệ gia đình trong môi trường mới, nhằm có thể duy trì và phát triển được hạnh phúc ngay cả trong những điều kiện khó khăn nhất mà cuộc sống đòi hỏi.
(Xem: 16210)
"Phật Pháp Cho Sinh viên" là kết quả của hai buổi nói chuyện đạo của Ajahn Buddhadàsa vào tháng Giêng năm 1966 với các sinh viên viện Ðại học Thammasat ở Bangkok.
(Xem: 14073)
Quyển sách "Nguồn an lạc" này, được biên tập từ các bài giảng phổ thông của Hòa thượng Viện trưởng tại Thiền viện Trúc Lâm và các Thiền viện trực thuộc, cũng như đạo tràng các nơi.
(Xem: 14201)
Bóng trúc bên thềm là tập hợp những trang tùy bút mà tôi đã trải lòng trong những năm gần đây. Chung quy không ngoài những chuyện thường ngày của cuộc sống...
(Xem: 13563)
Yêu thương và được yêu thươnghai mặt không tách rời nhau của cùng một vấn đề. Khi bạn yêu thương, bạn cũng đồng thời nhận được sự thương yêu.
(Xem: 15906)
Phật pháp quảng đại vô biên, bình đẳng viên dung, có tác dụng thông trên suốt dưới. Phương thuốc ấy là: Người người phải bình tâm tỉnh trí, an lạc không ở bên ngoài...
(Xem: 13507)
Phật học và Y học là một trong những loạt bài nói chuyện cùng các giáo sư và bác sĩ của bác sĩ Quách Huệ Trân tại Học Viện Y Dược Trung Quốc, được cư sĩ Lý Nghi Linh ghi lại thành sách.
(Xem: 22962)
ĐẠO PHẬT VỚI CON NGƯỜI, cống hiến con người một phương châm giải thoát chân thật, đem lại sự ích lợi cho mình, cho người và kiến tạo một nền tảng hòa bình vĩnh viễn...
(Xem: 27741)
Khi đối diện với việc cầu nguyện, chúng ta thường có nhiều nghi vấn. Nghi vấn đầu tiên là cầu nguyện có kết quả không?
(Xem: 13904)
Đối với Phật tử Việt Nam chúng ta nhất là những người theo truyền thống đại thừa, danh từ Phật hay “Bụt” đã trở thành một khái niệm vừa thiêng liêng vừa gần gũi.
(Xem: 24960)
Thuở xưa, khi Đức Phật thuyết giảng cho một vị nào đó, một cư sĩ hay một bậc xuất gia, chỉ với một thời pháp rất ngắn, thậm chí đôi khi chỉ vài câu kệ, mà vị đó, hoặc là đắc pháp nhãn...
(Xem: 13948)
Đức Phật dạy chúng ta phải giải quyết những vấn đề trong cuộc sống qua sự hiểu biết rõ ràng về bốn sự thật trong đời sống: Khổ, nguyên nhân của khổ, làm thế nào diệt khổcách sống an vui hạnh phúc...
(Xem: 31319)
Ít người muốn đối diện với sự thật là các ý nghĩ và cảm nhận của họ đều vô thường. Tuy nhiên, một khi đã biết được như thế rồi thì ít ai có thể phủ nhận sức mạnh của sự thật này...
(Xem: 13863)
Được thân người và gặp được Phật Pháp mà để cho thời gian luống qua vô ích thì quả là uổng cho một kiếp người. Xin hãy lắng nghe và phụng hành theo những lời khuyên dạy của Đức Từ Phụ...
(Xem: 15561)
Hỡi những ai thực tâm muốn giác ngộ để tu trì giải thoát, hãy vững niềm tin: Phật là Phật đã thành, chúng ta là Phật sẽ thành. Tin như vậy sẽ đưa ta đến chỗ có tâm niệm chân chánh...
(Xem: 14971)
Tập sách bao gồm những bài thuyết pháp thật phong phúthiết thực của Giảng sư LOKANATHA gốc người Ý, nguyên là tín đồ Thiên Chúa Giáo La Mã, bỗng giác ngộ quay về quy ngưỡng Phật Ðạo...
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant