(Xem bản PDF)
Thư tòa soạn số 68
(tháng 07.2017)
ĐƯỜNG XƯA
Con đường nhỏ từ nhà bước ra vườn trước. Từ vườn trước lại có con đường nhỏ không tên dẫn ra đường lớn. Từ đường lớn của khu vực dẫn đến con đường lớn hơn. Rồi từ con đường lớn hơn lại dẫn vào con đường chính của thành phố.
Những con đường không tên. Những con đường có tên. Nhiều vô kể.
Một đời loanh quanh, đi tới đi lui những con đường.
Vẫn những con đường ấy, nhưng mỗi ngày, mỗi giờ, xe qua lại khác nhau. Những người lái xe cũng khác nhau. Xe cũ, xe mới. Người cũ, người mới. Và tuổi già, đến nhanh như xe vọt trên xa lộ.
Xe cộ mười năm, người trăm năm.
Đi qua lao xao phố phường, chợt lặng cười.
Dừng lại nơi ngã tư đường. Chờ đợi. Trầm mặc tư duy.
Nhớ nhân vật Sidhartha của Hermann Hesse trong Câu Chuyện Dòng Sông, từng nói sở trường của một du sĩ không nhà là nhịn đói, suy tư, và chờ đợi.
Sidhartha của Hermann Hesse chẳng qua là hóa thân của Sidhartha Gautama, đi vào trần gian bằng con đường của một gã lang thang vô định, không chọn trước một con đường nào, dù đã được khai thị bởi Sidhartha Gautama qua nhiều thời pháp
Nơi ngã tư đường phố thị. Đèn đỏ đèn xanh hiệu lệnh cho xe, cho người. Những người ngoan phục đã sống quen dưới sự điều khiển của điện tử. Nề nếp văn minh được biểu hiện bằng sự sáng tạo của một thiểu số thông minhvề kỹ thuật số, mà không biết cách nào để sống hồn nhiên với loài người trong thế kỷ mới. Tìm kiếm phương cách sống tiện nghi, thuận lợi nhất bằng sự lãng phí tất cả thời gian, năng lực và tiền bạc của vô số người. Thiểu số người đang chế tạo những con robots có thể thay thế con người làm tất cả việc, trong khi loài người càng lúc càng sinh sôi tràn lan trên mặt đất. Rồi ra, con người sẽ cảm thấy mình vô dụng so với những robots được sáng chế bởi thiểu số ưu tú (elite). Vô dụng rồi thì ở đâu, làm gì cho hết thời gian cuộc đời! Khi thiểu số người được ưu đãi leo lên đến đỉnh cao của đời sống văn minh (kỹ thuật), vô số người khác bị bỏ lại bên lề cuộc đời. Rồi thất nghiệp, thất chí, bất mãn, biểu tình, đi bầu đại cho ai hứa hẹn những gì hợp ý mình nhất. Lẩn quẩn canh bạc đỏ-đen trong hí trường, và chính trường. Thế giới như được nhào nặn, uốn nắn theo vòng trôn ốc đã được định sẵn mà điểm đến của nó thường là trở lại nơi khởi đầu.
Những người năm trước và những người năm sau, xem chừng tờ tợ như nhau. Lặp đi lặp lại những điệp khúc vui-buồn. Cười thật lớn với những niềm vui rất nhỏ. Khóc khá nhiều bởi những chuyện không đâu. Lăng xăng nơi chốn đông người. Những người già người trẻ của hai ba thế hệ, cùng ngồi nơi bàn ăn, không nhìn nhau. Miệng nói, tay bấm, điện thoại chẳng rời tay. Như thể đời nầy bận rộn những điều quan trọng bậc nhất.
Những mùa lễ lạc, những buổi trình diễn, thi nhau ca tụng tán dương những thành quả hữu hình, và những gì tính đếm được (bằng nhân số, con số), không dính nhập gì đến niềm bình an tự tâm. Thi đua xây dựng những đền đài, dinh thự thật lớn với tấm lòng bé xíu và cái ngã thật to. Ngã càng to, càng làm chật chội đất trời.
Còn nơi nào cho một gã cùng tử lang thang ghé bước, dừng chân?
Nhịn đói, dễ thôi. Suy tư, dễ thôi. Chờ đợi, cũng dễ thôi. Nhưng chờ đợi gì giữa những mùa trăng mây phủ dầy đặc khung trời. Khi trăng vằng vặc soi chiếu trên sân vườn nhỏ thì mắt xanh năm nào đã mờ đục. Gỡ mắt kiếng xuống, chỉ thấy lòa nhòa bóng trăng, như là hoa đốm, giữa hư không.
Con đường xưa ai đã đi qua, có chăng một dấu hài.
Loay hoay, quanh quẩn một đời với những con đường tráng nhựa, những con đường thẳng băng dẫn đến các dinh thự lầu vàng, những con đường trải sỏi trắng sáng, những con đường lát đá hoa cương phẳng tắp, những lối mòn ngang qua cỏ xanh bị dẫm nát, những con đường gập ghềnh quanh co bên suối rừng
Chợt một ngày trơ vơ trên đỉnh núi, ngơ ngác nhìn xa tận chân trời.
Muốn đi lại con đường xưa, mà hun hút bóng chim bay.
Ráng hồng phủ xuống nửa vòm tây.
Vạt nắng tan theo mắt ướt chiều tha hương.
Con chim ưng lẻ loi, bay lơ lửng trên bầu trời sa mạc trong xanh.
Kẻ phong trần lần tìm minh châu nơi chéo áo.
Bao năm ngủ/thức với đêm/ngày và hai vầng nhật/nguyệt trên cao, chỉ tự hỏi đâu là con đường.
Sidhartha từ một kẻ sở hữu tất cả đã tự nguyện làm kẻ không nhà lang thang, rồi lại sở hữu tất cả, rồi lại một lần bên dòng sông, buông bỏ hết.
Bên dòng sông, trong lòng sông.
Lắng nghe dòng thời gian và giấc mộng trường sinh chảy qua cầu.
Người đứng mãi giữa lòng sông nhuộm nắng
Kể chuyện gì nơi ngày cũ xa xưa
Con bướm nhỏ đi về trong cánh mỏng
Nhưng về đâu một chiếc lá xa mùa (Tuệ Sỹ)
Có chăng dấu tích hay vết mòn từ một con đường mà du sĩ Sidhartha Gautama năm nào đi qua.
Đường xưa và đường nay khác nhau những gì.
Ồ, những du sĩ ngày nay không làm du sĩ nữa. Và cũng không làm ẩn sĩ.
Có mặt khắp nơi, sở hữu tất cảmà không gì có thể buông bỏ được.
Những gì người nay sở hữu được chất đống, ngổn ngang, đóng lại tất cả con đường; trong khi người xưa chỉ cần trí tuệ để mở ra tất cả con đường.
Đóng hay mở, giữ hay buông, chỉ từ một tia chớp của trí tuệ.
Ai như Gautama một lần đi ngang trần gian nầy. Có tất cả, buông tất cả.
Ngay cả trí tuệ siêu việt khó người đạt đếntrí tuệ mà người nay lấy làm sự nghiệp giác ngộ, cũng buông bỏ, vượt qua.
Con đường xưa, vì buông bỏ mà không lưu lại dấu vết nào.
Có thể nào đi lại con đường ấy hay không?
Vẫn có một con đường để đi.
Vẫn có một khung trời để bay.
Sa mạc bình yên.
Mặt hồ tĩnh lặng.
Bầu trời không mây.
Con đường không lối.
Chỉ là buông hay không buông mà thôi.
NỘI DUNG SỐ NÀY:
¨ THƯ TÒA SOẠN, trang 2
¨ TIN TỨC PHẬT GIÁO THẾ GIỚI (Diệu Âm lược dịch), trang 3
¨ VUI SỐNG (thơ Diệu Viên), trang 7
¨ TRƯỜNG HẠ FREMONT - NỖI BÌNH AN CỦA MẶT ĐẤT (Thích Nguyên Siêu), trang 8
¨ DIỄN VĂN KHAI MẠC ĐẠI HỘI THƯỜNG NIÊN LẦN I, NHIỆM KỲ III GHPGVNTNHK (HT. Thích Tín Nghĩa), trang 11
¨ MỘT BỮA ĂN KHÔNG ĐỊNH TRƯỚC (ĐNT Tín Nghĩa), trang 12
¨ NHẮN GỬI (thơ Trần Kim Chi), trang 13
¨ HIỆN TÌNH SINH HOẠT VÀ TU HỌC CỦA CHƯ NI VIỆT NAM (TN Tiến Liên), trang 14
¨ PHÁP HỘI CHƯA TAN (thơ Hạnh Chi), trang 16
¨ TÂM THƯ VẬN ĐỘNG MUA CƠ SỞ MỚI LÀM CHÙA BÁT NHÃ (HT. Thích Nguyên Trí) 17
¨ HOA ÁNH SÁNG, VÒNG XOAY Ý THỨC (thơ Mặc Phương Tử), trang 18
¨ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TĂNG TÀI NƠI HẢI NGOẠI HIỆN NAY (Sakya Minh Quang), trang 19
¨ HUYỀN THOẠI DUY-MA-CẬT HÓA GIẢI MỌI BĂN KHOĂN CỦA TÔI (Huệ Trân), tr. 24
¨ THONG DONG (thơ Bạch Xuân Phẻ), trang 25
¨ F. L. WOODWARD (HT. Thích Trí Chơn), trang 27
¨ STORY OF FIVE LAY-DISCIPLES (Daw Mya Tin), trang 29
¨ NĂM GIỌT MẬT (Thích Minh Chiếu soạn), trang 30
¨ NGƯỜI BÁN THAN VÀ ÔNG QUÝ PHÁI Câu chuyện dưới cờ (Thị Nguyên Nguyễn Đình Khôi), trang 31
¨ LƯƠNG VÕ ĐẾ - Phật Pháp Thứ Năm (GĐPTVN Trên Thế Giới), trang 32
¨ RỜN RỢN ÁNH TRĂNG, CHƯA HỀ PHÔI PHA (thơ Du Tâm Lãng Tử), trang 34
¨ SỨC SÁNG TẠO CỦA GIỚI PHẬT TỬ ĐẠI CHÚNG, t.t. (Nguyễn Lang), trang 35
¨ GIẬN, VUI, SÔNG, BIỂN (thơ Phan Văn Quân), trang 38
¨ QUYẾT NGHỊ CỦA ĐẠI HỘI THƯỜNG NIÊN LẦN I, NHIỆM KỲ III (GHPGVNTNHK), trang 40
¨ THÔNG BẠCH SỐ 2 - VỀ KHÓA TU HỌC PHẬT PHÁP BẮC MỸ (Thích Nữ Nguyên Thiện), tr. 42
¨ PHIẾU GHI DANH THAM DỰ KHÓA TU HỌC PHẬT PHÁP BẮC MỸ, tr. 44
¨ PHIẾU BẢO TRỢ QUỸ CHUYỂN PHÁP LUÂN - YỂM TRỢ KHÓA TU HỌC PHẬT PHÁP BẮC MỸ, tr. 45
¨ TỊCH DIỆT VI LẠC (Thích Nguyên Tạng), trang 47
¨ CHẾT LÀ MỘT NIỀM VUI (thơ Tánh Thiện), trang 51
¨ AN CƯ KIẾT HẠ (Tâm Diệu), trang 52
¨ SÂU RĂNG (Bs. Nguyễn Ý Đức), trang 54
¨ TRUYỆN NGẮN TRĂM LINH TÁM CHỮ (Steven N.), trang 56
¨ NẤU CHAY: GỎI RONG BIỂN TỨ QUÝ (bepgiadinh.com), trang 57
¨ TAI HẠI CỦA THAM ÁI (thơ TM Ngô Tằng Giao), trang 58
¨ TỔNG KẾT VỀ VIỆC TÁI CƠ CẤU TỔNG VỤ NI BỘ VÀ CÁC DỰ ÁN (TKN Thích Nữ Giới Châu), trang 59
¨ RỜI HOLLYWOOD ĐỂ TỚI NAM VANG (Nguyên Giác), trang 61
¨ ĐỌC THƠ TRẦN NHÂN TÔNG QUA BẢN VIỆT DỊCH CỦA NGUYỄN LƯƠNG VỴ (Huỳnh Kim Quang), trang 65
¨ CHIẾC CHÌA KHÓA (Quỳnh Chi dịch), trang 68
¨ HÌNH ẢNH ĐẠI HỘI THƯỜNG NIÊN LẦN I, NHIỆM KỲ III CỦA GHPGVNTNHK & AN CƯ KIẾT HẠ TẠI NIỆM PHẬT ĐƯỜNG FREMONT, CALIFORNIA (Võ Văn Tường), trang 72
¨ BỤI ĐƯỜNG chương 1 (Vĩnh Hảo), trang 74
¨ ĐÔI GUỐC SỨT QUAI (thơ Ấn Kiên), trang 77