Vào cuối năm 2009 vừa qua tại sân vận động thể thao của thành phố Hamburg, Đức Quốc, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đã giảng pháp cho trên 25.000 người Âu Châu nghe bằng tiếng Anh và tiếng Tây Tạng, đã được dịch trực tiếp ra 8 ngôn ngữ, kể cả tiếng Việt. Vào ngày thứ 3 trong 4 ngày giảng, Ngài có cuộc tọa đàm với 3 thế hệ. Có ba người ở ba thế hệ khác nhau được mời lên khán đài để đàm thoại với Ngài.
Xoay qua người ở thế hệ tuổi 60, Ngài cảm ơn và hướng về thính chúng Ngài bảo rằng: “Chúng ta ở thế hệ 60, 70 phải cảm ơn thế hệ này đã cưu mang chúng ta, để chúng ta có được cuộc sống an ổn sống trên hành tinh nầy trong suốt mấy chục năm qua; nhưng đồng thời thế hệ chúng ta cũng đã tạo ra quá nhiều khó khăn cho thế giới. Ví dụ như về kinh tế, chính trị, chiến tranh, v.v… Chúng ta mong rằng: khi nào trong tâm khảm của chúng ta lòng từ bi ngự trị trọn vẹn thì hận thù và khổ đau sẽ không còn tồn tại nữa…”
Kế tiếp Ngài nói chuyện với người thanh niên ở thế hệ 40 tuổi. Ngài nói: “Thế giới ngày nay phải cảm ơn các bạn. Vì nhờ những phát minh vĩ đại của các khoa học gia mà thế giới đã tiến bộ vượt bực trên lĩnh vực khoa học trên toàn cầu. Nhờ đó mà mọi thông tin liên lạc với nhau càng nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng: sự phát triển đó có cái gì không ổn. Vì lẽ con người ngày nay chỉ hiểu bề ngoài của người khác nhanh và dể hơn là tự hiểu bởi chính mình…
Người sau cùng là một cô thiếu nữ trẻ, tuổi độ 20. Ngài xoay qua người nầy, khẻ gật đầu và nói: “Chúng tôi, những thế hệ đi trước phải khâm phục các bạn. Vì lẽ các bạn sinh ra trong thời nầy, thiếu thốn mọi bề. Từ dầu hỏa đến cây rừng. Từ môi trường đến khí hậu v.v… cái gì cũng bị nhiễm ô và tồi tệ. Chúng tôi đã đặt lên vai của các bạn quá nhiều sự hy vọng và trách nhiệm; nhưng lỗi ấy thật ra do chúng tôi, những người ở thế hệ đi trước đã gây nên. Chúng tôi xin lỗi các bạn.
Những tràng pháo tay liên tục được vỗ không ngớt để tán dương những tư tưởng đột phá của Ngài. Rồi một lần khác tại Hamburg, tại giảng đường đại học ở đây, Ngài đã tọa đàm với bà Tổng Giám Mục Tin Lành miền Bắc nước Đức với chủ đề về: “Tình Thương Của Tôn Giáo.” Ngài đã nói rằng:
“Hôm nay cá nhân tôi sống dưới ánh sáng từ bi của Đạo Phật và tôi đã mang tình thương yêu ấy đến với mọi người, không phải do tôn giáo của tôi mang lại, mà việc nầy khởi đầu bằng tình thương của người mẹ không biết chữ của tôi…” Cử tọa thật nghẹn ngào và có nhiều người đã rơi nước mắt.
Thánh Gandhi, cha già của dân tộc Ấn Độ có lần đã nói: “Nếu thế giới nầy, mọi người trong chúng ta mỗi ngày cố gắng ngồi yên thiền tọa trong 15 phút thì thế giới sẽ không có chiến tranh.”
Nếu thế giới và con người thể hiện được lòng từ như những vị Thánh bên trên thì làm sao chiến tranh có cơ hội để bộc phát? Chỉ vì con người với tâm dục vọng ưa chiến thắng người khác; nên mới ra nông nổi nầy. Đức Phật đã từng dạy rằng: “Chiến thắng muôn quân không bằng tự thắng mình. Tự thắng mình mới là chiến công oanh liệt nhất” hay sao?
Thiên tai từ đâu đến? Nếu định nghĩa cho gọn là những việc thuộc về tai trời, ách nước. Xa thì ta gán cho trời và gần thì ta gán cho đất và nước; nhưng trên thực tế là do con người gây nên cả. Chúng ta đã phá hoại môi sinh qua việc đốn rừng, chặt cây, ngăn sông, ngăn đập, chăn nuôi, thuốc trừ sâu bọ .v.v… tất cả những thứ nầy đã giúp chúng ta mau thành trưởng kinh tế; nhưng đạo đức lại suy đồi. Vì các nhà kinh doanh mục đích chính của họ là lợi nhuận cũng như làm sao cốt cho có nhiều tiền. Ngoài ra, họ ít lưu tâm về môi trường. Mỗi người trong chúng ta ăn thịt nhiều, chặt phá cây rừng vô tội vạ v.v… là những người trực tiếp phá hoại môi sinh. Còn những người ăn chay, bảo vệ thực vật là những người trực tiếp bảo vệ môi sinh.
Khắp nơi trên nước Mỹ, Á Châu, Âu Châu… đâu đâu cũng bị gió lốc, mưa bão trái mùa. Tuyết rơi không còn vào mùa đông mà đôi khi đã sang xuân từ lâu rồi vẫn có nhiều nơi trên thế giới đầy tuyết phủ. Đây chính là do thiên tai mang lại; nhưng con người vẫn là yếu tố chính. Chúng ta nên tự xử lý với mình trong nhiều trường hợp khác nhau, để quả đất nầy quân bình giữa khí oxy và oxít carbonic thì chúng ta mới còn có cơ hội sống lâu dài trên quả địa cầu nầy. Nếu ngược lại, tuổi thọ của con người càng ngày càng giảm đi.
Động đất do đâu mà có? Đức Phật đã từng dạy rằng: “Ba cõi không yên như ở trong nhà lửa.” Thật thế, nếu xét về sự cấu tạo của quả địa cầu nầy thì trong lòng trái đất là nước và lửa. Nếu lòng trái đất trống rỗng khi bị rút hết tất cả những nhiên liệu đi khỏi như dầu hỏa, mỏ vàng, bạc, chì, kẽm v.v… thì lửa ở dưới có cơ hội phun lên và đất bên trên sụp đổ xuống, tạo ra những cơn địa chấn dữ dội trên quả địa cầu nầy.
Đất, nước, gió, lửa là 4 nguyên tố chính để tạo nên thân nầy và vũ trụ vạn hữu nầy. Nếu một trong những nguyên tố ấy di chuyển, thay đổi, thiếu hụt hay dư thừa v.v… cũng dễ khiến cho quả đất nầy rung chuyển qua nhiều nhịp điệu khác nhau.
Có nhiều loài động vật như cá, ba ba, rùa, rắn v.v… có những cảm quan đặc biệt. Chúng biết bao giờ động đất xảy ra. Trong khi đó con người có cả những máy móc tối tân để phòng ngừa địa chấn; nhưng cuối cùng rồi con người vẫn bị đất đai đè bẹp, để thân nầy phải gởi vào lòng đất lạnh.
Sóng thần tiếng Nhật gọi là Tsunami. Nếu viết bằng chữ Hán thì gọi là Tân Ba. Tân là bãi biển. Nơi bãi biển chắc chắn có chứa rất nhiều cát. Còn ba là những đợt sóng; lớp nầy chồng lên lớp khác, đến rồi đi có lúc cao có lúc thấp. Cho nên gọi là Tsunami. Trong lịch sử cận đại, chúng ta đã chứng kiến những cơn sóng thần tại Thái Lan, Indonesia, Sri Lanka và mới đây tại Nhật Bản. Rồi mai đây sẽ còn nhiều hơn như thế nữa, nếu con người chúng ta không để ý đến thiên nhiên và môi trường.
Qua những trận thư hùng như thế lịch sử của thế giới, chúng ta rút ra được những kinh nghiệm gì?
Đầu tiên chúng ta hãy xem hình ảnh của những ngôi chùa và tượng Ngài Địa Tạng tại Fukushima vẫn còn đứng nguyên vẹn giữa bao la trời biển. Xem ra như bất động với thời gian năm tháng và hình như không bị chi phối bởi cảnh tượng sóng thần đã xảy ra vào tháng 3 năm 2011 tại Sendai vừa qua. Đó chính là do sự cầu nguyện. Nơi nào có cầu nguyện, có lễ bái, có nhiệt tâm… thì nơi ấy sẽ trở thành thánh thiện và tai ương sẽ chừa ra. Nơi nào thiếu sự hành trì, gia công tu tập,… thì nơi ấy sẽ bị chi phối bởi những trận thư hùng kinh hoàng động địa ấy.
Tsunami tại Sendai ngoài việc tìm vớt những tử thi ra, người ta còn phát hiện được nhiều người còn sống; trong đó có một con chó và một cụ già 80 tuổi. Chắc chắn là con chó nầy có tu nên mới được như vậy. Cụ già nầy là người có phước, nên 80 tuổi vẫn không bị bão tố, nước non vùi dập liên hồi. Đây chính là cái phước hữu lậu của cụ cũng tương ưng với những gì Đức Phật đã dạy trong “Luận A Tỳ Đàm về việc thành lập thế giới.”
Khi nào con người còn tôn trọng ngôi Tam Bảo, kính trọng và hiếu thuận với cha mẹ, hòa hảo với anh chị em và có lòng thương muôn vật thì tuổi thọ của quả đất sẽ dài lâu hơn. Nếu con người làm ngược lại những điều trên, trong tương lai gần chúng ta sẽ tự đón nhận những hậu quả to lớn không lường xảy ra trên khắp quả địa cầu nầy.
Qua “đại tam tai” con người chỉ còn lại một thiểu số. Trong số ít người ấy có một số người biết tu, thọ Tam Quy, trì Ngũ Giới, Thập Thiện v.v… Thế giới nầy sẽ được thành lập trở lại. Cuối cùng rồi cái thiện vẫn là cái chiến thắng, không phải cái ác. Dầu cho cái ác đã được Đức Phật A Di Đà dũ lòng từ bi tiếp độ cho về biên địa của Cực Lạc; nhưng nếu người có tâm niệm tự lực vẫn ỷ vào thế mình, không nương vào từ lực của Chư Phật thì trăm ngàn năm vẫn còn nằm trong thai tạng ở biên địa của Tịnh Độ kia và khó trở thành hay gặp gỡ những thánh chúng tại đó.
Ai trong chúng ta cũng điều biết rằng: “Après la pluie, il fait beau”, nghĩa là “sau cơn mưa trời lại sáng"; nhưng cũng có nghĩa cơn mưa ấy sẽ kéo dài vô tận. Ngày mai ấy không có nghĩa là ngày mai gần kề, ngày mai gấp gẫy, mà là ngày mai của một khoảng thời gian dài. Chúng ta những người Phật tử mong rằng ngày mai ấy đến mau hơn để nhân loại sớm vơi đi nỗi khổ đau và tục lụy.
Có nhiều người vẫn vô tâm chẳng chịu tu nhân và làm phước trong lúc nầy, vì nghĩ rằng việc khổ đau kia, nó sẽ đến với người khác, chứ chưa đến phiên mình; nhưng trong truyện Kiều, cụ Nguyễn Du đã diễn tả thân phận của nàng Kiều là: “Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu.” Vậy trong lúc nầy chúng ta đâu có ngại ngần gì để làm phước cứu người và giúp đời nữa. Trong quyển “Chết an lạc, tái sanh hoan hỷ”, Đại sư Tulku Thondrop định nghĩa về việc tu tạo phước đức như sau:
“Có người mang đến chùa cúng Phật một nén nhang, một giọt dầu, một cành hoa hay ngay cả đem tiền của cúng vào Tu Viện; hoặc là trường học, xây đường sá, cầu cống; làm từ thiện, in kinh ấn tống, giúp người cơ nhỡ v.v… tất cả những việc nầy cũng giống như những giọt nước nhỏ li ti rơi từ không gian xuống mặt đất, rồi từ mặt đất sẽ chảy thành dòng, kéo ra ao, hồ, rồi sông ngòi, suối lạch. Từ những con sông lớn sẽ dẫn nước kia chảy ra biển cả đại dương mênh mông ấy. Khi nào trong biển cả không còn chứa nước nữa, thì giọt nước ban đầu mới không còn có giá trị.” Như vậy, công đức là những gì được tích chứa qua thời gian và năm tháng; không tính đếm, không so lường. Chỉ khi nào công đã thành, quả đã mãn rồi, lúc ấy mới không cần đến phước đức nữa.
Hầu như tất cả ai trong chúng ta cũng đều biết trước và biết nhiều về những khổ đau, tục lụy của một kiếp nhân sinh phải hứng chịu nhiều nỗi bất hạnh như thế; nhưng làm cách nào để vơi đi sự khổ thì chúng ta vẫn chưa thoát ra khỏi cái tự kỷ, chấp thủ của mỗi người. Trong khi tất cả ai trong chúng ta cũng không muốn đau khổ. Ngược lại chúng ta vẫn có những hành động và lời nói làm cho người khác đau khổ. Không phải là chúng ta vô lý, vì chúng ta chỉ chứng minh cho cái tự ngã của mình là đúng. Cho nên chúng ta mới thể hiện tư cách con người của mình như thế; nhưng làm cách nào để vơi đi sự khổ thì chúng ta vẫn chưa thoát ra cái tự kỷ chấp thủ của mỗi người.
Người giàu và kẻ nghèo trên thế giới ngày nay chênh lệch quá nhiều. Người có của nên san sẻ cho những người bất hạnh. Có như thế thì đời sống mới quân bình. Ngược lại người giàu cứ giàu, còn người nghèo vẫn luôn đi vào chỗ túng quẩn. Vì lẽ ấy nên chẳng có lối ra. Mặc dù các chính phủ và những cơ quan xã hội của nhiều nước trên thế giới đã tìm cách san sẻ cho công bằng qua thuế má của lợi tức; nhưng đây chỉ là phần nổi của vấn đề. Còn căn bản là lòng từ, con người vẫn chưa thể hiện trọn vẹn.
Vật chất, nó chỉ là những vật vô tri. Bây giờ ta không từ bỏ chúng, đến một ngày nào đó nó sẽ từ bỏ chúng ta. Đây cũng là một sự quân bình của thiên nhiên và vật chất. Vật chất thay đổi vị trí và chủ nhân; con người thì thay đổi tâm thức. Sau khi chết có thể đi từ chỗ cao đến chỗ thấp; hoặc ngược lại. Vì vậy mà ông bà mình thường hay nói rằng: “Đâu có ai giàu ba họ và đâu có ai khó ba đời” là vậy.
Tâm thức luôn luôn tồn tại qua nhiều không gian và thời gian cũng như hoàn cảnh khác nhau. Sau trận động đất và sóng thần tại Nhật vào tháng 3 năm 2011 vừa rồi, đài truyền hình CNN của Hoa Kỳ và một đoạn video trên Youtube chiếu lại hình ảnh kinh hoàng của nước đã dâng cao chỉ trong vòng 2 phút mà tất cả đường sá, lâu đài, ghe thuyền, nhà cửa, con người v.v… đã biến thành đất và nước… rồi bị kéo xuống, nhận chìm nơi biển cả mênh mông vô tận ấy. Nhưng còn tồn đọng lại 2 vệt sáng trên bầu trời. Đó là một vệt đen thật lớn bay trên không trung rồi dần dần tan vào biển cả và một vệt trắng không nhỏ, từ ngoài biển khơi hòa tan vào dòng nước và con người khi giờ phút thập tử nhất sinh đã cận kề. Đó chính là tâm thức của những con người sa đọa, chìm đắm và giải thoát sự khổ đau.
Nếu con người làm ác thì tâm thức tự động đi đầu thai chấp nhận nghiệp quả báo đền, phải nương theo màu đen ấy để đi. Nếu làm lành, những tâm thức tự động nương theo vật trắng để thác sanh về những thế giới an lành hơn. Còn những loại phải qua phán quan xét xử để được đi đầu thai là do lành dữ chưa rõ ràng; nên phải cần có nghiệp cảnh đài tiền soi rọi. Lúc ấy phán quan sẽ dựa vào những việc lành dữ đã làm nơi dân gian để cho đi đầu thai. Nếu lúc ấy, thân nhân ở cõi thế nầy biết làm lành lánh dữ, như phóng sanh, in hình ấn tống làm những việc phước thiện v.v… thì việc lành sẽ trội hơn và người chết có thể sanh về thế giới an lành hơn.
Còn những kẻ phát nguyện sanh về Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà, nếu chưa được lên những phẩm cao, mà còn phải ở nơi hạ phẩm thì phải cần hai điều sau. Đó là chính người mất phải tàm quý, xấu hổ về những tội lỗi xa xưa mình đã gây ra và phải cần những thiện hữu trí thức trợ niệm thì người ấy mới có khả năng sanh về nơi thai tạng của liên hoa và nằm chờ 12 tiểu kiếp ở Hạ phẩm Hạ sanh, sau đó đầy đủ phước đức, mới tiếp tục sanh về những cảnh giới cao hơn nữa để gặp chư Phật cũng như các vị Bồ Tát.
Muốn bảo vệ môi sinh trên hành tinh nầy, ngây từ bây giờ chúng ta phải thể hiện lòng từ lên muôn vật, kể cả cây cỏ và các động vật. Có như thế tuổi thọ của chúng ta mới được dài lâu hơn. Ngược lại, chúng ta khó tồn tại lâu dài trong giai đoạn lịch sử sắp đến. Vì chiến tranh, thiên tai, động đất và sóng thần chỉ chừa lại những người biết tu hành và biết làm lành lánh dữ. Còn những người độc ác, thiếu tình thương đối với nhân loại sẽ không có chỗ đứng tốt trên quả địa cầu nầy.
Không phải là nhà bói toán; nhưng chúng ta biết chắc rằng: thế gian sẽ còn nhiều tai ương hơn nữa; nếu chúng ta chẳng dừng lại những nghiệp bất thiện ngay từ bây giờ trên quả địa cầu nầy.
Quả đất đã nứt nhiều đường. Từ Haiti qua Chí Lợi, đến Alaska, rồi Nhật Bản qua Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam, Tân Tây Lan v.v… đâu đâu cũng bất an, đâu đâu cũng chỉ là khổ đau và bất hạnh. Dĩ nhiên là sẽ còn nhiều hơn thế nữa; nếu chúng ta chẳng dừng sân hận, độc ác ngay từ bây giờ.
Thời kỳ đói kém, bệnh dịch và chiến tranh đã qua và sẽ lặp lại nữa vì Bắc Phi Châu đang chiến tranh ầm ỉ chỉ vì những sự độc tài, bất công, áp bức. Vùng Á Châu đang thử lửa và đang chịu đựng với những khổ đau ngấm ngầm. Âu Châu với giàu nghèo không tương xứng. Mỹ Châu với thiên tai, gió lốc, núi tuyết, nợ nần v.v… tất cả và tất cả chỉ là kết quả của những thế kỷ dài trước đây chúng ta đã ra công xây dựng và tự đập vở nó qua nhiều quả bom nguyên tử ở Hiroshima, Nagasaki và khắp nơi các nhà máy hạt nhân trên quả địa cầu nầy.
Cái bình nứt, chúng ta có thể chắp vá nối liền lại. Tuy vết rạn vẫn còn thấy đó, nhưng nếu tâm con người bị rạn nứt thì lấy gì để rang lại đây? Mặc dầu pháp Phật, chúng ta đã hiểu, lòng từ chúng ta đã thể hiện; nhưng có lẽ chưa đủ sức mạnh như lượng pénicélinen để đối trị với những căn bịnh ngặt nghèo nầy chăng? Mỗi người trong chúng ta hãy tự trả lời câu hỏi nầy cho chính mình thì kết quả có lẽ sẽ khả quan hơn nhiều.
Người tu sĩ mang tâm vị tha về việc hoằng pháp độ sanh để giúp người qua cơn khổ. Đây cũng là tấm lòng từ bi của những người xuất gia sống không có gia đình riêng, mà lấy đơn vị con người và nhân loại để giải đáp về đáp số tình yêu thương ấy. Đây là sự dụng công miên mật của chư Tăng Ni trong mỗi mùa an cư kiết hạ.
Năm nay 2011, Đạo tràng An Cư Kiết Đông của GHPGVNTN Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi Tân Tây Lan sẽ tổ chức vào tháng 7 tại Tu Viện Quảng Đức thuộc thành phố Melbourne, cá nhân tôi xin đóng góp một vài tư duy qua cái nhìn hiện thực đối với thế giới ngày nay. Biết đâu cũng sẽ giúp được một số người ý thức được vấn đề nầy để tự giúp mình giải cứu ra khỏi cảnh giới khổ đau tục lụy đang diễn ra khắp nơi trên quả địa cầu nầy.
Mong được như vậy.
Viết xong vào ngày 29 tháng 4 năm 2011 tại Chùa Trúc Lâm, Chicago Hoa Kỳ, để riêng tặng cho những ai có nhân duyên đọc đến bài viết nầy.