Tiếng Mẹ reo mừng con mới sinh ra, hoặc cười vui trong nghẹn ngào cảm xúc, là tiếng thơ đầu đời của con.
Tiếng Mẹ ru giấc ngủ yên bình là tiếng thơ.
Tiếng Mẹ ấp ủ, dỗ dành hoặc nghiêm nghị răn bảo, cũng là tiếng thơ.
Khi xa cách, nhớ Mẹ, con luôn hồi tưởng giọng nói dịu hiền, ấm áp của Mẹ.
Lời thơ, tiếng thơ của Mẹ đầy ắp trong đời con.
An ủi, vỗ về khi con khổ bệnh.
Khích lệ, nâng đỡ khi con vấp ngã đớn đau.
Có được niềm hạnh phúc nào trong cuộc sống, dù lớn hay nhỏ, con đã nghĩ đến Mẹ, muốn chia sẻ niềm hạnh phúc ấy với Mẹ, và muốn gọi “Mẹ ơi!”
Nhớ thương Mẹ xa cách trùng dương, con cũng chỉ biết gọi khẽ “Mẹ ơi…!”
Trong nguy cấp hiểm nạn, tâm trí con không còn nhớ gì khác hơn là gọi Mẹ.
Và khi cùng đường tuyệt lộ, khi mà khổ đau được nén thành những tiếng cô đọng nhất, con cũng đã bật gọi hai tiếng “Mẹ ơi!” (1)
Tiếng Mẹ trong con là tiếng gần gũi, trong veo và ngọt ngào như vị cam lồ.
Tiếng Mẹ ấy là hóa thân, là hiện thân của Đức Mẹ Quán Âm, Đức Mẹ Maria, Đức Mẹ Thượng Ngàn, Đức Mẹ Liễu Hạnh, Đức Mẹ Thiên-y A-na… để luôn bên con từng giây phút, và trên từng bước thăng-trầm cuộc đời.
Tiếng Mẹ vi diệu vượt thinh không
Nghe sâu cõi đời khổ mênh mông
Thanh tịnh lưu ly tâm trùm khắp
Tiếng lan như sóng dậy muôn trùng (2)
Gọi Mẹ với ý thức, hay từ vô thức, mà con luôn tin sâu rằng bao giờ và ở đâu, Mẹ cũng lắng nghe được niềm vui hay nỗi khổ của con; và Mẹ sẽ luôn ứng hiện theo tiếng gọi tha thiết của con.
Gọi Mẹ là gọi đến tận cùng bản thể của con; đánh thức tất cả năng lực thậm thâm nơi con…
Có những lần bơ vơ, nhớ Mẹ, con vẫn thường tự hỏi, con luôn gọi Mẹ mà Mẹ có bao giờ gọi con không; và Mẹ đã gọi con như thế nào.
Thành phố nhỏ có chàng thi sĩ trầm ngâm ít nói, nhưng thơ thì tuôn trào bất tận, ý thơ vời vợi cao xa, bay bổng những phương trời. Mẹ chàng cũng là một nhà thơ danh tiếng. Nhà thơ con, có gia thất riêng, vì bệnh nặng mà đành phải từ trần trước Mẹ. Trong nhà bàn với nhau, giấu Mẹ tin buồn. Nhưng cuối cùng thì cũng thưa thiệt với nhà thơ Mẹ về sự ra đi của nhà thơ con.
Từ phương xa con hồi hộp, lo lắng, theo dõi diễn biến tâm trạng, cảm xúc của Mẹ. Chỉ sợ Mẹ già yếu, tim Mẹ dễ vỡ. Và con thực sự không biết một thi nhân sẽ khóc một thi nhân như thế nào bằng ngôn ngữ thơ; và tình Mẹ của thi nhân sẽ biểu hiện như thế nào trước nỗi đau mất mát đứa con; có khác chi với biểu hiện của bao người khác hay không. Con hỏi anh chị em trong nhà. Rồi sao? Rồi Mẹ… thế nào? Người nhà ngần ngại kể, như thể sợ con vỡ òa ra từng mảnh — Mẹ ngồi lặng một lúc rồi bật khóc, rồi nấc lên từng tiếng đứt đoạn: “Con ơi…! Con ơi… là con ơi!”
Tình yêu của Mẹ, tiếng thơ của Mẹ, ở ngoài phạm trù ngôn cú, văn chương. Vẫn như mọi người trong cuộc đời: nén tình yêu và đau khổ trong tiếng kêu gào thống thiết, buông vào vô tận hư không.
Bên này biển Thái Bình, con cũng ngồi lặng, ngồi lặng thật lâu, rồi cũng bật lên tiếng thơ: “Mẹ ơi! Mẹ ơi!”
California, Mùa Vu Lan năm 2019
Vĩnh Hảo
www.vinhhao.info
_______________
(1) Mời đọc truyện ngắn Quê Hương và Tình Mẹ trong tác phẩm “Mẹ, Quê Hương và Nước Mắt” của Vĩnh Hảo:
http://www.vinhhao.info/Van/Cac%20tac%20pham%20khac/quehuongvatinhme.htm
(2) Diễn ý hai câu kệ trong Phẩm Phổ Môn, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa: “Diệu âm, quán thế âm / Phạm âm, hải triều âm…”
- Tag :
- Vĩnh Hảo