Thích Nữ Huệ Trân
Một chiều, dừng chân bên bờ suối, lữ khách chợt cảm nhận dường như nơi đây đã từng qua.
Có phải hàng cây phong này, từng khẳng khiu trơ trụi lá mùa thu trước, đã thầm lặng gửi thông điệp cho nhân gian bằng tinh thần tự tin, không than khóc, dũng mãnh đứng chờ mùa đông lạnh lẽo tuyết băng, chắc chắn không xót thương những gì yếu đuối!
Có phải cây phượng bên bìa rừng kia từng rực rỡ, nhắc nhở một thời hồn nhiên cắp sách đến trường.
Và ngọn đồi đây nữa, đúng rồi, ngọn đồi lấp lánh những nụ mai vàng, cùng rủ nhau về chào đón mùa Xuân.
Vậy là, ta đã từng qua đây, bao mùa hoa nở, bao mùa lá rơi, để phút giây này ta thấy lại nhau, như chưa từng đứt đoạn, như chưa từng cách xa!
Bấy lâu nay ta đã đi đâu? Đã tìm cầu gì, để phút giây này tình cờ về lại chốn xưa, nơi ta khởi bước?
Quỳ bên bờ suối, cúi sát xuống dòng nước êm đềm nhẹ chảy, lữ khách khum tay, định vốc một ngụm. Nhưng tay chưa chạm nước đã thấy thấp thoáng dưới lòng suối, một gương mặt, lạ mà quen!
Lữ khách nhíu mày, nhìn chăm chú hơn.
Chính ta đây mà, có ai khác hơn đâu! Cảm giác chớp nhoáng giữa lạ và quen là gì vậy?
Thay vì vốc nước uống, lữ khách đứng lên, vô tình trực diện cảnh trí phía trước là ngọn đồi, lấm tấm những nụ mai vàng đang chào đón mùa Xuân.
Trong tâm tưởng nhân gian, không phân biệt mầu da, chủng tộc nào, thì mùa Xuân thường được xem như mùa đoàn tụ, mùa trở về. Kẻ tha phương cầu thực, dẫu khó khăn thế nào cũng cố gắng dành dụm để những ngày đầu Xuân được thăm lại quê nhà. Người đang bôn ba năm châu bốn biển, dẫu nghìn trùng xa cách nhưng khi hương Xuân về cũng là những đốm lửa hồng gợi ấm trong lòng, nối đôi bờ muôn dặm sơn khê.
Lữ khách chậm bước lên đồi hoa mai bằng những bước chân đi tìm lại chính mình.
Mùa Xuân và nơi chốn cũ có phải là thông điệp của vòng luân hồi vô thỉ vô chung, không khởi đầu, không kết thúc? Và vạn hữu, nhân sinh, trong vòng luân hồi đó có sát na nào dừng theo dòng chảy mà tự hỏi “Ta là gì? Ta đang đi về đâu?”
Nụ mai gần nhất, rung rinh theo làn gió nhẹ, bất ngờ thở ra một âm thanh tự thẳm sâu tiềm thức “Siddhartha!”
Lữ khách chợt hiểu, khi nhìn bóng mình dưới lòng suối mà thấy như vừa lạ, lại vừa quen. Thì ra, do tâm tưởng phút giây đó đang mang chung niềm khát khao với một kẻ độc hành từng miệt mài đi tìm chính mình.
Kẻ độc hành đó là Hermann Hesse, nhà văn lẫy lừng trong nhiều thập niên, một người đã đoạt những giải Nobel giá trị nhất, qua hàng loạt tác phẩm được phiên dịch ra nhiều ngôn ngữ. Riêng cuốn “Siddhartha”, tại Việt Nam, trong khoảng hơn bốn thập niên đã tái bản mười lần, với tựa đề “Câu chuyện dòng sông” dịch giả Phùng Khánh và Phùng Thăng.
Lữ khách cũng đã từng bị cuốn hút vào dòng sông đó, từng khi thì theo dõi, khi thì đồng hành với nhân vật chính Siddhartha, được Việt dịch là Tất Đạt.
Người nghệ sỹ khi thả một dòng thơ, phác một nét cọ, viết một lời văn, dạo một phím đàn …. là trải chính cõi lòng mình, rung động mình, nên Tất Đạt cũng chính là Hermann Hesse, một tâm hồn trĩu nặng niềm cô đơn cùng cực của tâm linh, luôn bị thôi thúc đi tìm chính mình.
Tất Đạt, chàng thanh niên ưu tú, trong một gia đình giầu có, dòng dõi Bà La Môn được mọi người yêu thương và kính trọng đó lại luôn khắc khoải với những gì mờ mịt quanh thân phận con người. Chắc chắn hạnh phúc không phải danh này, lợi này, cao sang quyền quý này.
Tất Đạt biết rõ như vậy vì ngay trong chiếc nôi quá đầy đủ mà bao người ao ước được có, Tât Đạt lại ngày đêm ưu tư sầu muộn vì mơ hồ cảm nhận trong thân phận vật vờ của kiếp nhân sinh, phải có một cái gì đó, tuyệt kỷ, bất động mà sáng rỡ, ưu việt mà giản đơn.
Phải tìm cho ra nguồn hạnh phúc chân thực này. Tìm ở đâu? Có phải ở chính tự thân không?
“Did not Atman dwell inside him, did not the primal source flow within his own heart? It had to be found.
Such was Siddhartha’s thinking, such was his thirst, such his suffering” (*)
Điều phải đến, tất đến, là Tất Đạt quyết bỏ hết, ra đi, dù cha mẹ xót thương, quyến luyến.
Suốt dặm trường vô định đi tìm chính mình, từ tuổi thanh xuân cho tới ngày bạc tóc, qua muôn thử thách giầu nghèo, đói no, bị khinh, được trọng … Tất Đạt chỉ cúi đầu trước một người, một người toàn thiện, toàn bích. Đó là khi Tất Đạt theo đoàn hành hương, gặp Đức Phật Cồ Đàm đang thuyết pháp trong một khu rừng thưa.
“This man, this Buddha, was true even down to the gesture of his little finger. This man was holy. There is one human being I have seen, Siddhartha thought, one single man before whom I had to cast down my eyes. Before no one else do I want to look down anymore, for no one else” (*)
Cơ duyên như vậy mà Tất Đạt vẫn chưa tìm được điều muốn tìm. Kẻ độc hành lại miệt mài cất bước vì điều muốn tìm phải là thực chứng, không chỉ là cảm nhận.
Rồi những cô đơn và khổ đau cùng cực đã đến với tự thân, khi Tất Đạt gặp lại người lái đò năm xưa, trên dòng sông cũ.
Mỗi chúng sanh đều có những phước riêng và nghiệp riêng. Phải trải qua cho hết mới có thể nghe được tiếng nói của dòng sông.
Vệ Sử - ông lái đò - biết như vậy.
Những lần gặp trước, Vệ Sử chỉ lặng lẽ là người chèo đò, đưa khách qua sông, nhưng lần này, gặp lại Tất Đạt, kẻ đã trải nghiệm tạm đủ cuồng phong thác lũ dòng đời, thì Vệ Sử là vị thầy, từng ngày, chỉ cho Tất Đạt biết lắng nghe tiếng nói của dòng sông, để thấu rõ, để chấp nhận mọi trạng huống, mọi khát vọng, mọi khổ đau, mọi mục đích đều hợp nhất thành dòng chảy, đồng hòa tấu khúc nhân sinh.
Từng ngày.
Từng ngày.
Tất Đạt lắng nghe.
Tiếng nói của dòng sông chính là âm thanh của dòng đời. Nghe cho thấu, tới không còn niềm đau, tiếng cười nào riêng lẻ nữa.
Chỉ còn sự Toàn Thiện, Nhất Thể.
“Seeking means: having a goal; but finding means: being free, being open, having no goal” (*)
Kẻ độc hành miệt mài đi tìm chính mình, đã gặp được mình, khi không còn mục đích đi tìm nữa!
Tự do, tự tại ngay nơi bình an đón nhận.
Đứng giữa ngọn đồi với muôn nụ mai vàng, lữ khách giang rộng hai tay, cùng với vạn hữu, đón mùa Xuân đang tới.
Thích Nữ Huệ Trân
(Tào Khê Tịnh Thất – nụ mai đầu mùa vừa chớm vàng)
(*) Siddhartha – tác giả: Hermann Hesse
- Tag :
- Thích Nữ Huệ Trân