ĐỜI SỐNG TỰA NHƯ MỘT RẠP CHIẾU PHIM
Dzongsar Jamyang Khyentse Rinpoche
Thuý Linh
Giới thiệu về tác giả:
Dzongsar Jamyang Khyentse Rinpoche sinh năm 1961 tại Bhutan và được công nhận là hóa thân thứ hai của Đại Đạo sư Jamyang Khyentse Wangpo ở thế kỷ 19. Ngài đã theo học và được một số đạo sư Tây Tạng vĩ đại nhất trong thế kỷ này ban quán đảnh, đặc biệt là Đức Dilgo Khyentse Rinpoche quá cố và Dudjom Rinpoche quá cố. Dzongsar Khyentse Rinpoche trụ trì Tu viện Dzongsar ở miền Đông Tây Tạng, cũng như giám hộ nhiều trường đại học Phật giáo mới thành lập ở Ấn Độ và Bhutan. Ông cũng đã thành lập các trung tâm thiền định ở Úc, Bắc Mỹ và Viễn Đông.
Dzongsar Khyentse Rinpoche lấy phim làm một ví dụ cho lời dạy của Đức Phật về luân hồi, niết bàn và bản thân đời sống.
Giả sử rằng chúng ta được sinh ra trong một phòng chiếu phim. Chúng ta không biết rằng những gì đang diễn ra trước mắt chúng ta chỉ là một ảnh hiện. Chúng ta không biết rằng đó chỉ là một bộ phim và các sự kiện trong phim không có thật - rằng chúng không hiện hữu thực sự. Mọi thứ chúng ta thấy trên màn hình đó - yêu, ghét, bạo lực, hồi hộp, gay cấn - thực chất chỉ là hiệu ứng của ánh sáng chiếu qua celluloid. Nhưng chưa ai nói cho ta biết điều này, nên ta cứ ngồi đó xem chăm chú vào bộ phim. Nếu ai đó cố gắng thu hút sự chú ý của chúng ta, chúng ta nói, "Im đi!" Ngay cả khi có việc quan trọng phải làm, chúng ta cũng không muốn làm điều đó. Ta hoàn toàn mải mê và mù quáng trước thực tế là ảnh hiện này hoàn toàn phù phiếm.
Bây giờ, giả sử rằng có ai đó ở ghế bên cạnh chúng ta nói: “Xem này, đây chỉ là một bộ phim thôi! Nó không có thật. Điều này không thực sự xảy ra. Nó thực sự chỉ là một ảnh hiện thôi! " Có một cơ hội để chúng ta cũng có thể hiểu rằng những gì ta đang xem thực ra chỉ là một bộ phim, rằng nó không có thật và không có thực chất.
Điều này không tự động có nghĩa là chúng ta đứng dậy và rời khỏi rạp chiếu phim. Chúng ta không cần phải làm điều đó. Ta có thể thư giãn và đơn giản là xem câu chuyện tình yêu, tội ác kinh dị hay bất cứ thứ gì. Chúng ta có thể trải nghiệm cường độ của nó. Và nếu chúng ta chắc chắn rằng đây chỉ là một ảnh hiện, thì chúng ta có thể tua đi, tua lại hoặc phát lại phim tùy thích. Và chúng ta có quyền lựa chọn rời đi bất cứ khi nào ta thích, và quay lại vào lúc khác để xem lại. Một khi chắc chắn rằng chúng ta có thể rời đi bất cứ khi nào ta muốn, chúng ta có thể cảm thấy không bắt buộc phải làm như vậy. Chúng ta có thể chọn cách ngồi thoải mái và xem phim.
Đôi khi một phân cảnh trong phim có thể lấn át cảm xúc của chúng ta. Một khoảnh khắc bi thảm có thể chạm vào điểm yếu mềm của chúng ta và chúng ta bị cuốn đi. Nhưng bây giờ, có điều gì đó trong trái tim đang nói với chúng ta rằng ta biết nó không có thật, đó không phải là vấn đề lớn.
Đây là điều mà người thực hành pháp cần hiểu - rằng toàn bộ luân hồi, hay niết bàn, là không có thực chất hay không có thật như bộ phim đó. Cho đến khi chúng ta nhìn thấy điều này, sẽ rất khó để Pháp ngấm vào tâm ta. Chúng ta sẽ luôn bị cuốn đi, bị quyến rũ bởi vẻ hào nhoáng và tươi đẹp của thế giới này, bởi tất cả những thành công và thất bại. Tuy nhiên, một khi chúng ta nhìn thấy, dù chỉ trong một giây, rằng những hình ảnh này không có thật, chúng ta sẽ có được sự tự tin nhất định. Điều này không có nghĩa là chúng ta phải vội vã đến Nepal hoặc Ấn Độ và trở thành một tăng sĩ hay ni sư. Chúng ta vẫn có thể tiếp tục công việc của mình, mặc vest, thắt cà vạt và xách cặp đến văn phòng hàng ngày. Chúng ta vẫn có thể yêu nhau, tặng hoa cho người mình yêu, trao nhẫn. Nhưng ở đâu đó bên trong, có một điều gì đó nói với chúng ta rằng tất cả những điều này là không có thực chất.
Có một thoáng thấy như vậy là rất quan trọng. Nếu có dù chỉ với một thoáng thấy trong cả cuộc đời, chúng ta có thể hạnh phúc trong suốt quãng thời gian còn lại với ký ức về cái thoáng thấy đó.
Bây giờ, nó có thể xảy ra khi ai đó thì thầm với chúng ta rằng, “Này! Đây chỉ là một bộ phim,” chúng ta không nghe thấy vì chúng ta bị phân tâm. Có lẽ ngay lúc đó có một vụ tai nạn xe hơi lớn trong phim hoặc tiếng nhạc lớn nên chúng ta không nghe thấy lời thì thầm đó. Hoặc nếu không, có thể chúng ta nghe thấy thông điệp, nhưng bản ngã của ta hiểu sai thông tin này. Chúng ta vẫn bối rối và tin rằng có điều gì đó chân thật và thực tế trong phim. Tại sao điều đó xảy ra? Nó xảy ra bởi vì chúng ta thiếu công đức. Công đức là vô cùng quan trọng. Tất nhiên, trí huệ, hay prajna, cũng là quan trọng. Đại bi, hay karuna, cũng là quan trọng. Nhưng công đức là điều tối quan trọng. Nếu không có công đức, chúng ta giống như một kẻ ăn xin ngu dốt, không biết chữ, trúng xổ số nhiều triệu đô la nhưng không biết làm gì với số tiền đó và mất trắng ngay.
Nhưng giả sử chúng ta có chút công đức và chúng ta thực sự nhận được thông điệp từ người đang thì thầm với chúng ta. Sau đó, là Phật tử, chúng ta có những lựa chọn khác nhau. Theo quan điểm của Phật giáo Nam truyền, chúng ta đứng dậy và rời khỏi rạp chiếu phim, hoặc nhắm mắt lại, vì vậy chúng ta không bị bộ phim cuốn đi. Chúng ta chấm dứt đau khổ theo cách đó. Ở cấp độ Đại thừa, chúng ta giảm bớt đau khổ của mình bằng cách hiểu rằng bộ phim không có thật, rằng tất cả chỉ là một ảnh hiện và trống không. Chúng ta không ngừng xem phim, nhưng chúng ta thấy rằng nó không vốn sẵn hiện hữu. Hơn nữa, chúng ta còn lo lắng về những người khác trong rạp chiếu phim. Cuối cùng, trong Kim Cương thừa, ta biết rằng đó chỉ là một bộ phim, chúng ta không bị lừa, và ta chỉ đang thưởng thức màn trình diễn. Bộ phim càng gợi lên nhiều cảm xúc trong ta, ta càng đánh giá cao sự xuất sắc của quá trình sản xuất. Chúng ta chia sẻ những hiểu biết của mình với những người xem đồng hành với ta, những người mà chúng ta tin tưởng, và họ cũng có thể trân trọng những gì ta thấy.
Nhưng để thực hiện điều này trong cuộc sống thực, chúng ta cần công đức. Trong Phật giáo Nguyên thủy, người ta tích lũy công đức thông qua sự. Chúng ta thấy rằng bộ phim đang làm cho mình đau khổ và ý thức rằng nên ngừng xem nó. Trong Đại thừa, chúng ta tích lũy công đức bằng tâm đại bi. Ta có một tâm hồn bao la và rộng mở, quan tâm nhiều hơn đến những đau khổ của người khác.
Mặt khác, sự chuyển đổi này - từ việc bị cuốn vào bộ phim, thành việc nhìn thấy sự trống không của các sự kiện trong phim, thành việc quan tâm đến lợi ích của những người khác - có thể mất một thời gian rất, rất dài. Đây là lý do tại sao trong Kim Cương thừa, chúng ta đi vào làn đường đi nhanh và tích lũy công đức thông qua lòng sùng mộ. Chúng ta tin tưởng người đang thì thầm với chúng ta, người ấy có trí huệ đã giải thoát chính mình. Chúng ta không chỉ đồng hóa thông tin người ấy đang cung cấp cho chúng ta, mà còn đánh giá cao sự tự do trong tâm và chiều sâu của người ấy. Chúng ta biết rằng ta cũng có tiềm năng cho sự giải thoát như vậy, và điều này khiến chúng ta càng trân trọng người ấy hơn. Một khoảnh khắc của lòng sùng mộnhư vậy, chỉ một tích tắc, chỉ một chút của lòng sùng mộ như vậy, đã có công đức vô cùng to lớn. Nếu chúng ta hòa hợp với người đang thì thầm với mình, người ấy có thể giúp chúng ta khám phá người yêu thích phim chân thật bên trong. Người ấy có thể khiến chúng ta thấy phần còn lại của khán giả bị cuốn hút như thế nào và tất cả đều không cần thiết như thế nào.
Không cần chúng ta phải dựa vào cuộc đấu tranh rối bời của chính mình để thấu hiểu được con đường, người ấy đưa chúng ta đến với một sự thấu suốt về những gì chúng ta đang thấy. Sau đó chúng ta trở thành người có thể ngồi lui lại và thưởng thức màn trình diễn. Và có lẽ chúng ta cũng sẽ thì thầm với một số người khác.