PHẬT DẠY VỀ NGÀY LÀNH THÁNG TỐT
Thích Đạt Ma Phổ Giác
Theo tuệ giác Thế Tôn, ngày nào chúng ta có những phẩm chất tốt đẹp như suy nghĩ điều lành, nói lời thiện ích và làm những việc giúp người, cứu vật thì ngày đó chính là ngày tốt.
Như trong Kinh đã nói: Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ kheo: Các loài hữu tình nào, này các Tỷ kheo, vào buổi sáng, thân làm việc thiện, nói lời nói thiện, ý nghĩ điều thiện, các loài hữu tình ấy, này các Tỷ kheo, có một buổi sáng tốt đẹp.
Các loài hữu tình nào, này các Tỷ kheo, vào buổi trưa, thân làm việc thiện, nói lời nói thiện, ý nghĩ điều thiện, các loài hữu tình ấy, này các Tỷ kheo, có một buổi trưa tốt đẹp.
Các loài hữu tình nào, này các Tỷ kheo, vào buổi chiều, thân làm việc thiện, nói lời nói thiện, ý nghĩ điều thiện, các loài hữu tình ấy, này các Tỷ kheo, có một buổi chiều tốt đẹp.
Này các Tỷ kheo:
Vầng sao lành, điều lành
Rạng đông lành, dậy lành
Sát na lành, thời lành
Cúng dường bậc Phạm hạnh
Thân nghiệp chánh, lời chánh
Ý nghiệp chánh, nguyện chánh
Làm các điều chơn chánh
Được lợi ích chơn chánh
Thì được lợi, an lạc
Lớn mạnh trong Phật giáo
Nên không bệnh, an lạc
Cùng tất cả bà con.
LỜI PHẬT DẠY TRONG KINH TẠNG NIKAYÀ
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 3, phẩm Cát tường, phần Buổi sáng tốt đẹp, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.540)
Trong cuộc sống người Việt Nam hiện nay có quá nhiều tập tục, tín ngưỡng dân gian, có những tín ngưỡng hướng con người đến việc làm tốt đẹp và cũng không ít các tập tục làm cho con người tự đánh mất chính mình nhiều hơn. Trong thời đại hiện nay, nền khoa học văn minh vật chất đã phát triển tột bực, nhưng sự hiểu biết của một số người Phật tử vẫn còn hạn chế, bởi tin vào ngày giờ tốt xấu, lành dữ một cách quá mê tín.
Chính vì thế, những liên hệ về tuổi tác trong làm ăn hay bất cứ công việc nào khác, đối với họ ngày giờ tốt xấu là một vấn đề quan trọng được ưu tiên hàng đầu. Đây chỉ là thói quen nhiều đời, bởi vì con người Việt Nam bị ảnh hưởng chiến tranh loạn lạc, con người mất chủ quyền mà ảnh hưởng văn hóa thuộc địa.
Đức Phật là bậc giác ngộ hoàn toàn, là người thầy hướng dẫn cho chúng ta đi tới sự an lạc, giải thoát. Ngài không phải là một vị thần linh thượng đế ban phước giáng họa, như một số người lầm tưởng.
Ngài hướng dẫn cho chúng ta có niềm tin sâu sắc về nhân quả và khẳng định, con người là chủ nhân của bao điều họa phúc, mình làm thiện được hưởng phước, mình làm ác chịu khổ đau, chính mình chịu trách nhiệm về mọi hành vi thiện ác, do mình tạo ra.
Người Phật tử tại gia trước khi muốn làm điều gì, chỉ cần thành tâm tụng kinh, sám hối, lạy Phật, lạy Bồ-tát, làm phước cúng dường và hồi hướng công đức cho tất cả chúng sinh, mọi việc đều được thành tựu tốt đẹp mà không cần coi ngày giờ tốt xấu. Nhưng tại sao có một số chùa hiện giờ, quý thầy cô lại coi ngày giờ tốt xấu, vậy có trái với lời Phật dạy hay không?
Trong nhà chùa sở dĩ bày ra những việc coi ngày tốt xấu, chỉ vì muốn đáp ứng lại nhu cầu tín ngưỡng, theo tập tục mê tín lâu đời của dân gian mà thôi. Nhờ phương tiện khéo léo đó, có nhiều Phật tử bước đầu chưa hiểu Phật pháp còn mê tín, sau khi nghe chư Tăng Ni giảng pháp về chánh tín nhân quả, rồi họ sẽ tin hiểu mà tự động bỏ việc coi ngày.
Một ngày tốt đích thực là do mình tạo ra, chính vì thế chúng ta không nên quá lệ thuộc vào ngày giờ tốt bên ngoài, mà đôi khi làm cho mình bất an, lo lắng sợ hãi, vì chưa hẳn ngày tốt ấy đã thực sự là tốt.
Tuy nhiên, rất nhiều người sau khi sắp đặt công việc làm ăn đầy đủ các yếu tố cần thiết, nhưng họ cũng đi coi ngày, để giúp cho một số đối tác hay các nhà đầu tư, an tâm mà đóng góp cổ phần.
Đạo Phật không có quan niệm về ngày giờ tốt xấu mà ngày nào cũng là ngày tốt, nếu chúng ta biết suy nghĩ giúp người cứu vật, tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người khác, bằng lời nói hướng thiện và hành động mang lại lợi ích, thì đó là ngày tốt. Ngược lại, khi làm việc gì với ý nghĩ xấu, nói lời dụ dỗ và hành động hại người, thì đó là ngày xấu.
Chính vì vậy, trước khi khởi công muốn làm việc gì, người Phật tử chân chính đã có niềm tin sâu sắc đối với nhân quả, thì vấn đề coi ngày giờ là không cần thiết nữa. Chúng ta chỉ chọn ngày nào tiện lợi, cảm thấy có niềm vui trong việc mình sắp làm, có lợi ích cho mình và nhiều người khác, đồng thời cầu nguyện mọi việc đều thành tựu.
Tùy theo trí tuệ và phước báu của chính mình và những người cộng sự mà công việc sẽ thành công hay thất bại, hoặc thành tựu nhiều hay ít chứ không phải do nơi coi ngày.
Tập tục coi ngày giờ tốt xấu, bắt nguồn từ văn hóa Trung Hoa và ảnh hưởng đến văn hóa Việt Nam bởi một 1000 năm bị đồng hóa. Người Việt chúng ta chịu ảnh hưởng sâu sắc về các tín ngưỡng, tập tục văn hóa ngoại lai, cho đến ngày nay đã trở thành thói quen thâm căn cố đế nên rất nhiều người, đều coi ngày trước khi muốn làm một việc gì.
Trong kinh Di Giáo, trước lúc nhập Niết bàn, đức Phật đã chỉ dạy rõ ràng cho bốn chúng đệ tử, không được xem thiên văn, địa lý, số mạng, cúng sao giải hạn, ngày giờ tốt xấu… Ngày lành tháng tốt nếu có chăng cũng chỉ là phụ thuộc, mà sự thành công bền vững và lâu dài, là do biết tiếp thị đúng nhu cầu của người tiêu dùng.
Chính chúng ta tự làm nên một ngày tốt đẹp do suy nghĩ giúp người, nói lời động viên, an ủi, sẻ chia và hành động đóng góp, chứ không phải do ngày tốt, giúp cho công việc thuận lợi về mọi mặt. Tuy nhiên, một số người Phật tử vì chưa có đầy đủ niềm tin về nhân quả, không tự tin chính mình, nên phải đến chùa để coi ngày giờ tốt.
Nhà chùa cũng bất đắc dĩ, mà phương tiện coi dùm không đặt vấn đề giá cả hay gợi ý khéo léo, rồi hướng dẫn giáo lý nhân quả để Phật tử vững niềm tin hơn, nhằm làm tốt công việc mình đang hướng tới.
Còn nếu Phật tử nào đã tin sâu nhân quả, thì ngày nào hội đủ duyên lành là ngày tốt, bản thân mình luôn sống đạo đức và tạo phước thiện nhiều, thì ngày nào cũng tốt cả.
Chuyện có ngày tốt đích thực hay không đến nay, vẫn là do sách vở để lại bởi những người tướng số, họ làm nghề để có tiền sinh sống và tùy theo quan điểm riêng của mỗi người. Một sự thật rất đau lòng cho nhân thế, bởi vì không có ngày nào tốt cho tất cả mọi người, nếu có thể có ngày tốt đối với chính mình, nhưng ngày đó là ngày xấu đối với người khác.
Như chúng ta đã biết, xã hội ngày nào cũng có tai nạn, mất mát, chết chóc đau thương, vợ xa chồng, mẹ mất con và vô số các phiền muộn khổ đau khác, vẫn xãy ra hằng ngày! Vậy ngày nào là ngày tốt? Nếu ngày đó là ngày tốt, tại sao vẫn có những chuyện làm đau lòng nhân thế?
Như có gia đình nọ, một bà mẹ có hai đứa con nhưng do hoàn cảnh sự nghiệp khác nhau. Một đứa con thì bán áo mưa và một đứa thì bán quạt, đứa bán áo mưa mỗi khi trời nắng thì rất buồn rầu bởi vì không ai mua, ngược lại đứa bán quạt thì người ta mua rất nhiều, vậy ngày nào là ngày tốt thật sự.
Nếu ngày đó là ngày tốt thì ai cũng được như ý hết, nhưng mà thế gian này, ngày nào cũng có trình trạng tốt xấu lẫn lộn, rõ ràng ngày giờ tốt xấu là do tâm biến hiện. Ngày đó ta nghĩ tốt là nó sẽ tốt, chứ không có thật sự ngày giờ tốt xấu, bởi nó do con người đặt ra theo cách suy nghĩ của họ, được truyền nhiều đời qua sách vỡ.
Bản thân chúng tôi khi chưa xuất gia đã từng là chủ của một lò bánh mì, trước khi khai trương bạn bè khuyên nên đi coi ngày giờ tốt để việc làm chắc chắn thành công và sẽ không bị thất bại.
Chúng tôi đến một chùa nọ nỗi tiếng về xem tướng số, ngày giờ tốt xấu. Vì lượng người đến coi quá đông, nên phải chờ 24 tiếng đồng hồ mới coi được. Vị thầy hỏi ngày giờ sinh tuổi gì ở đâu và chỉ hướng sắp đặt lò bánh mì và chọn ngày tốt nhất theo tuổi Canh Tý.
Nhưng cuối cùng vẫn bị vỡ nợ và người ta đã xiết lò bánh mì, vận may không có đã đưa đẩy chúng tôi vào con đường tội lỗi, để tiếp tục bị sa đọa vào tệ nạn xã hội. Sau này khi chúng tôi bế tắc, túng quẫn hết đường sống, định liều chết cho xong. May nhờ có người mẹ hiền từ, đã khuyến khích động viên, an ủi chúng tôi quy hướng về cửa Phật, mà được tu học cho đến ngày hôm nay.
Trong một ngày, nếu từ sáng sớm cho đến chiều tối mà chúng ta không suy nghĩ xấu ác và đồng thời còn làm được nhiều việc tốt đẹp, có lợi ích cho nhiều người, thì chắc chắn ngày đó là ngày tốt. Thực tế trong cuộc sống, ngày nào cũng là ngày tốt, nếu ý mình suy nghĩ tốt, miệng nói lời tốt đẹp và thân hay hành động giúp đỡ mọi người!
Người Phật tử chân chính khi đã thấm nhuần đạo lý nhân quả, sẽ không cần coi ngày, mà ta vẫn có được ngày tốt đẹp cho mình, khi biết tu dưỡng đạo đức, buông xả tâm niệm xấu ác để chuyển hóa phiền muộn khổ đau thành an vui hạnh phúc.
Tóm lại, thay vì tìm cầu chọn lựa ngày tốt từ bên ngoài, người Phật tử chân chính sẽ biết cách chủ động tạo ngày tốt cho chính mình và nhiều người khác, bằng cách kiểm soát ba nghiệp thân, miệng, ý để mình và người ngày càng hoàn thiện chính mình hơn, bằng trái tim yêu thương và hiểu biết.