Thầy Nhất Hạnh giảng kinh Pháp Hoa
Nhà xuất bản Lá Bối 2001
Vai trò kinh Pháp Hoa trong sự thành hình Đạo Bụt Đại Thừa
Như đã nói ở trên, ngay từ kinh Bát Nhã, ta đã thấy những tư tưởng cực đoan, những ngôn từ rất mạnh. Đến khi kinh Duy Ma xuất hiện thì thái độ đó đã lên đến cường độ tột cao của nó. Những tư tưởng này biến thành những phương tiện để luận chiến với Giáo Hội truyền thống.
Trên phương diện tư tưởng, chúng ta không có gì để trách móc cả, tại vì những tư tưởng đó rất uyên áo, rất liễu nghĩa, rất tròn đầy. Tuy nhiên, đứng trên phương diện thái độ, ta thấy cung cách đó không đủ tính bao dung, không có được phong thái Đại Thừa, vì lý do đã muốn gạt tất cả những thành phần Thanh văn ra khỏi gia đình của đạo Bụt. Đến khi kinh Pháp Hoa ra đời thì kinh áp dụng một phương thức mới: Rất từ bi, rất bao dung, và ôm lấy truyền thống của Giáo hội vào trọn trong vòng tay của Phật giáo Đại Thừa.
Vì vậy, sự ra
đời của kinh Pháp Hoa là một hiện tượng rất may mắn, rất đúng lúc cho sự thiết
lập cơ sở của Phật giáo Đại Thừa. Chính nhờ kinh Pháp Hoa mà đạo Bụt Đại Thừa
trở thành một cơ sở có căn bản, có truyền thống và mới biến thành một Giáo hội
thực sự. Trước đó thì tuy tư tưởng Đại Thừa đã được phát triển, đã được truyền
bá, đã bắt đầu chinh phục được nhiều người, trong đó có cả những người thuộc
phái Tiểu Thừa, nhưng giáo hội Đại Thừa chưa được thiết lập như là một tăng đoàn
tu tập gồm những người vừa xuất gia vừa tại gia, và chưa có cơ sở tổ
chức. Tuy trước khi kinh Pháp Hoa xuất hiện thì Đại Thừa cũng đã có mặt,
nhưng có mặt với tính cách của một số cá nhân rời rạc, giới xuất gia cũng như
giới cư sĩ, và nhất là chỉ có mặt trong lãnh vực tư tưởng và kinh điển, nhưng
chưa có mặt với tư cách là một giáo đoàn, một tổ chức, một cơ sở. Cho đến
khi kinh Pháp Hoa ra đời, với thái độ hòa hoãn, dung hợp, bao bọc, thì lúc đó
Bồ Tát Thừa, tức là Đại Thừa, mới có tăng đoàn xuất gia và tăng đoàn tại
gia. Sự thành công trong việc tạo dựng một Giáo hội trong đạo Bụt Đại Thừa,
đã nhờ rất nhiều vào thái độ hòa giải, điều hợp của kinh Pháp Hoa.
Vì vậy cho nên vai
trò của kinh Pháp Hoa rất lớn ở trong truyền thống Đại Thừa.