QUY NGUYÊN TRỰC CHỈ
Đại sư Tông Bổn - Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải,
Nguyễn Minh Hiển hiệu đính Hán văn
QUYỂN HẠ
38. Bài toát yếu khuyên thực hành nhẫn nhục
Mạnh tử nói: “Người quân tử có mối lo một đời nên không có cái họa trong một ngày.”Sách Luận ngữ viết: “Trong một cơn giận nhất thời mà làm hại thân mình, còn hại đến cả thân thuộc, chẳng phải là sai lầm lắm sao?”
Lại viết: “Không nhẫn chịu được việc nhỏ ắt làm rối loạn việc lớn.”
Sách Cảnh hành lục nói rằng: “Tánh người ví như nước. Nước một khi chảy đi rồi thì không kéo lại được; tánh người một khi buông thả phóng túng thì không thể trở lại như trước. Ngăn giữ nước ắt phải dùng bờ đê bảo vệ; ngăn giữ tánh người ắt phải dùng lễ nghi phép tắc. Nhẫn chịu được cơn giận nhất thời, tránh được mối lo dài lâu. Việc nhẫn chịu được thì nên nhẫn chịu, việc răn giữ được thì nên răn giữ. Nếu không nhẫn chịu, không răn giữ, ắt việc nhỏ nhặt cũng hóa thành nghiêm trọng.”
Hết thảy mọi phiền não,
Do không nhẫn mà sanh.
Nhẫn: con đường vui sống,
Nhưng đời ít người đi.
Nhẫn: vật báu của thân,
Không nhẫn: họa đến gần.
Lưỡi mềm thường tồn tại,
Răng cứng phải rụng dần.
Xét suy một chữ nhẫn,
Là cách sống thường vui.
Không nhẫn trong phút chốc,
Phiền não hoài tháng năm.
Kẻ ngu hèn giận tức,
Đều vì chẳng rõ thông.
Lửa tâm đừng thêm nữa,
Xem như gió ngoài tai.
Tốt, xấu đâu cũng có,
Nóng, lạnh chốn chốn đồng.
Thị phi không thật tướng,
Rốt ráo đều là không.
Trương Kính Phu nói: “Kẻ được cái dũng nhỏ, đó là cái dũng của khí huyết; người được cái dũng lớn, đó là cái dũng của lễ nghĩa.” Cái dũng huyết khí đó, không nên có; cái dũng lễ nghĩa đó, không nên thiếu. Nếu biết được lẽ này thì thấy được chỗ chân chánh của tánh tình, biết được chỗ phân chia giữa lẽ trời với lòng dục của người.
Kẻ ác mắng người lành,
Người lành không mắng trả.
Nếu người lành mắng trả,
Hóa ra đều ngu si.
Không mắng, lòng an nhiên,
Kẻ mắng, miệng như lửa.
Ngửa mặt phun nước bọt,
Nước bọt rơi trở về.
Nếu bị người mắng chửi,
Giả điếc, không phân bua.
Như lửa cháy khoảng không,
Không chữa, tự nhiên tắt.
Lửa giận cũng không khác,
Gặp vật mới cháy bùng.
Lòng ta như hư không,
Mặc tình người mắng chửi.
Người xưa dạy rằng: “Xử sự ở đời nên lưu lại chút tình cảm thì về sau có gặp lại nhau mới tốt đẹp.” Lời ấy đúng lắm thay!
Lại có chuyện rằng: Tử Trương sắp đi xa, đến cáo từ đức Khổng tử, xin ngài dạy cho một lời hay để làm theo suốt đời. Khổng tử dạy rằng: “Trong chỗ căn bản của trăm đức hạnh, đức nhẫn là trên hết.”
Tử Trương hỏi: “Nhẫn để làm gì?”
Phu tử đáp:
Bậc thiên tử biết nhẫn,
Đất nước được yên bình.
Hàng chư hầu biết nhẫn,
Nước càng thêm lớn mạnh.
Hàng quan lại biết nhẫn,
Địa vị được thăng tiến.
Anh em nhà biết nhẫn,
Gia thế được giàu sang.
Vợ chồng cùng biết nhẫn,
Sống với nhau trọn đời.
Bạn bè cùng biết nhẫn,
Danh tiếng chẳng mất đi.
Tự thân nếu biết nhẫn,
Tai họa thảy tiêu trừ.
Tử Trương lại hỏi: “Nếu không biết nhẫn thì sao?”
Phu tử đáp:
Thiên tử không biết nhẫn,
Đất nước ắt tiêu tan.
Chư hầu không biết nhẫn,
Thân mạng ắt không còn.
Quan lại không biết nhẫn,
Lưới pháp luật mắc vào.
Anh em không biết nhẫn,
Phải cô độc sống riêng.
Vợ chồng không biết nhẫn,
Con trẻ phải mồ côi.
Bạn bè không biết nhẫn,
Giao tình phải nhạt nhẽo.
Tự thân không biết nhẫn,
Tai họa ắt liền theo.
Tử Trương khen rằng: “Hay thay, hay thay! Đức nhẫn ấy khó thay, khó thay! Không biết nhẫn chẳng xứng làm người; chẳng phải người thì không biết nhẫn!”
Trong kinh Di giáo, đức Phật Thích-ca dạy rằng: “Tỳ-kheo các con! Nếu có người đến cắt xẻo thân thể ra từng mảnh, hãy tự nhiếp tâm không nên nóng giận; cũng phòng hộ nơi miệng, chớ nói lời ác độc. Nếu buông thả tâm nóng giận là tự mình làm hại đạo, mất hết lợi ích công đức.
“Nhẫn nhục là đức tính mà trì giới với khổ hạnh cũng chẳng bì kịp. Người có thể nhẫn nhục mới đáng gọi là bậc đại nhân có sức mạnh. Như người chẳng thể vui lòng nhận lời mắng chửi độc ác như uống nước cam lộ, thì chẳng thể gọi là bậc trí huệ đã nhập đạo. Tại sao vậy? Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.
“Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ, không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức thì không gì hơn tâm nóng giận.”
Thật không nên nóng giận vậy.
Kinh Hoa Nghiêm dạy rằng: “Khởi một niệm sân hận, tạo trăm ngàn chướng ngại.”
Có thể không nhẫn được sao? Đã hiển nhiên như vậy, nên hàng xuất gia và tại gia, dù nam hay nữ cũng đều nên thực hành đức nhẫn!
Send comment