GIẢI NGHĨA
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa
Quyển Thứ Bảy
Phẩm Thứ Hai Mươi Lăm:
“Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn”
Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: HT Thích Trí Tịnh
GIẢI NGHĨA ĐỀ KINH:
Để dễ hiểu, chúng ta phân biệt dùng chữ nghiêng đậm là lời kinh, chữ thẳng đứng để giải thích, chúng ta cùng theo dõi sau đây:
ĐỀ KINH:
QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT PHỔ MÔN.
GIẢI NGHĨA:
Quán là coi xét soi rọi vào tâm để nhận thức đối tượng như quán tưởng, chỉnh lý lại sửa đổi lại, Quan là chú ý xem, ý thức.
Thế là thế gian, có nghĩa là sự vận động tương tục không ngừng của sự vật, ở đây nhằm chỉ bày sự tương tục của tâm tưởng con người, còn có nghĩa là bỏ đi, thay cho, cắt đi dãy đi cỏ hoang.
Âm là tiếng nói âm vang, là không rõ ràng như âm u tượng trưng của những sự không tốt lành.
Quán Thế Âm: Nghĩa là coi xét tiếng nói lời than của thế gian, tiêu biểu cho lòng từ bi của Bồ Tát, ngài quán xét lắng nghe những lời kêu than của chúng sinh và khởi lòng từ bi thương xót cứu độ họ. Nghĩa thật là biểu trưng danh hiệu "Nhân cách hóa một phương pháp tu tập", là quán sát coi xét xa lià bỏ đi những khúc mắc, dính mắc, buồn phiền, những điều u tối trong tâm, ở đây có ý nghĩa là tu hành, quán xét dứt trừ những vọng tưởng trong tâm liên tiếp khởi lên.
Phổ là rộng khắp, Môn là cửa, Phổ Môn là cửa mở rộng cùng khắp thông suốt không giới hạn; cửa mở rộng cùng khắp này là cửa pháp rộng lớn thông suốt khắp tất cả, không giới hạn, tượng trưng cho Pháp Môn tu hành mà ai cũng có thể vào tu được cả.
*
* *
GIẢI NGHĨA KINH VĂN:
KINH VĂN 1:
NHÂN DUYÊN TÊN QUÁN THẾ ÂM
Lúc bấy giờ, ngài Vô-Tận-Ý Bồ-Tát (1) liền từ chỗ ngồi đứng dậy trịch áo bày vai hữu (2), chấp tay hướng Phật mà bạch rằng: "Thế Tôn! Ngài Quán-Thế-Âm Bồ-Tát do nhân duyên gì mà tên là Quán-Thế-Âm?"
Phật bảo ngài Vô-Tận-Ý Bồ-Tát: "Thiện-nam-tử (3)! Nếu có vô lượng trăm nghìn muôn ức chúng sanh chịu các khổ não, nghe Quán-Thế-Âm Bồ-Tát này một lòng xưng danh. Quán-Thế-Âm Bồ-Tát tức thì xem xét tiếng tăm kia, đều được giải thoát.
Nếu có người trì danh hiệu Quán-Thế-Âm Bồ-Tát này, dầu vào trong lửa lớn, lửa chẳng cháy được, vì do sức uy thần của Bồ-Tát này được như vậy.
Nếu bị nước lớn làm trôi, xưng danh hiệu Bồ-Tát này liền được chỗ cạn.
Nếu có trăm nghìn muôn ức chúng sanh vì tìm vàng, bạc, lưu ly, xa-cừ, mã-não, san-hô, hổ-phách, trân châu các thứ báu, vào trong biển lớn, giả sử gió lớn thổi ghe thuyền của kia trôi tắp nơi nước quỉ La-sát, trong ấy nếu có nhẫn đến một người xưng danh hiệu Quán-Thế-Âm Bồ-Tát, thì các người đó đều được thoát khỏi nạn quỉ La-sát. Do nhân duyên đó mà tên là Quán-Thế-Âm.
GIẢI NGHĨA:
(1) Vô-Tận-Ý Bồ-Tát: Vô tận là không cùng tận, vô lượng vô biên, Ý là ý nghĩ, suy nghĩ, tưởng nhớ, Bồ Tát là chỉ một vị Thánh trong Phật giáo Bắc truyền, nói cho đủ thì đó là «Bồ-đề tát-đỏa», chữ Phạn là Bodhisattva, dịch nghĩa là «Giác hữu tình»; chữ hữu tình là có khí huyết, chỉ chúng sanh. Bồ tát là một chúng sanh đã giác ngộ về “chỉ làm việc lành không làm việc ác”; Bồ Tát Vô Tận ý nghĩa là vị Bồ Tát đại diện tượng trưng cho chúng sinh có đủ các thứ suy nghĩ, có vô lượng tưởng nhớ muôn vàn sự việc.
(2) Trịch áo bày vai hữu: Chính là vai bên phải, để lộ bên vai phải là có ý nghĩa:
Thứ nhất: Theo phong tục của người Ấn, khi khí trời nóng nực, họ trật một bên vai áo để hơi nóng ở trong mình thoát ra.
Thứ hai: Hở vai bên phải là cách thức tỏ bày sự cung kính, cung kính bằng cả thân và tâm, một bên là tùy thuận thế tục, một bên là cầu pháp xuất thế nên biểu thị sự cung kính.
(3) Thiện-nam-tử: Thiện có nghĩa là không nghĩ không nói không làm việc ác, như không sát sinh trộm cướp tà dâm nói dối uống rượu; Thiện nam tử chính là người giữ đầy đủ 5 giới và làm nhiều điều thiện vậy.
Khởi đầu Kinh Văn 1, Bồ Tát Vô Tận Ý hỏi Đức Phật rằng: “Ngài Quán-Thế-Âm Bồ-Tát do nhân duyên gì mà tên là Quán-Thế-Âm?” Đức Phật trả lời rằng: “Nếu có vô số chúng sanh bị các khổ não, nghe Quán-Thế-Âm Bồ-Tát này một lòng xưng danh”, có nghĩa là nếu có vô số chúng sinh bị các khổ não mà một lòng chuyên niệm nhất tâm, quán sát suy ngẫm nguyên nhân gây ra sự khổ não, coi xét thấy các khổ não ấy là không thật, là giả, là huyển có.
Rồi xa lià bỏ đi đoạn dứt các huyển khổ và nguyên nhân gây ra khổ ấy, lại chuyên làm các việc tốt lành, tránh làm các việc xấu ác để gây nhân tốt, thì những buồn phiền sẽ không còn hoành hành nữa, tức là được giải thoát khỏi các khổ não, vì thế cho nên Đức Phật nói câu: “tức thì xem xét tiếng tăm kia, đều được giải thoát” là vậy.
Nếu có người trì danh hiệu Quán-Thế-Âm Bồ-Tát này: Nghĩa là nếu người nào không nghĩ chuyện gì khác, thực hành chỉ một lòng nhất tâm niệm cho nhu nhuyễn (trì), nghiệm xét (Quán); rồi bỏ đi dứt trừ những sự tương tục của tâm tư vọng tưởng (Thế), xa lià những vọng tưởng, những điều u tối, những ràng buộc, những gì gọi là tiêu cực trong tâm (Âm).
Khi đã quán chiếu tu luyện như thế được đầy đủ nhu nhuyễn rồi, thì sức dụng tự tính hiện và các khổ nạn được giải thoát, vì vậy Đức Phật nói: “thì dầu vào trong lửa lớn, lửa chẳng cháy được, vì do sức uy thần của Bồ-Tát này được như vậy”, tại sao? Vì lửa tượng trưng cho sự sân giận hận thù ngút trời, khi tu luyện kiên cố, nghĩa là quán sát thấy rõ ràng sự sân hận là ung nhọt là gai nhọn, nó tai hại vô cùng, cần phải xa lià rời bỏ nó.
Quán chiếu tư duy như thế rồi, vị ấy gạn lọc tâm để không còn một chút suy nghĩ tưởng nhớ về sân giận, thì những sân hận làm sao còn hiện hữu trong tâm, sự sân hận không còn thì làm gì còn lửa để hại vị ấy nữa. Bởi vậy mới nói là “do sức oai thần của Bồ Tát làm việc này mới được như vậy” đó. Chứ chẳng phải do Bồ Tát Quán Thế Âm dùng thần thông đến, dùng phép cứu nạn chúng sinh bị lửa đốt, khiến lửa không thể cháy mà lầm to và rơi vào mê tín từ bao lâu nay mà nhiều người không biết.
Nếu bị nước lớn làm trôi: Nước tượng trưng cho tham ái như nghe tiếng đàn ca du dương ủy mị, nghe lời nói ngọt ngào, giọng nói nịnh bợ tâng bốc, tâm thần dễ bị mê mẩn, bị cuốn trôi nhận chìm trong tham ái, từ đó dẫn đến khổ đau. Như nghe lời nịnh hót khiến bị lừa đảo, hậu qủa là đau khổ; tánh luyến ái này được ám chỉ như một hình thức bị cuốn trôi nhận chìm trong nước.
Nếu xưng danh hiệu Bồ-Tát này liền được chỗ cạn: Tại sao được vậy? Vì nếu tu hành tới mức, nghĩa là quán xét để thấy rõ những tham lam luyến ái như lưới bắt, như bẫy sập, như mồi nhử, như bả thơm ngon mà độc hại. Quán sát thấy như thế rồi thì không còn tham ái nữa mà xa lià chúng, rời bỏ chúng.
Như vậy sẽ không còn bị tham ái hành hạ đưa đến khổ đau mà được thoát khỏi những thứ ấy, ví như bị nước cuốn trôi nhận chìm mà được vào chỗ cạn vậy. Chứ chẳng phải bị nước cuốn trôi rồi cầu xin Quán Thế Âm đến cứu đâu mà lầm lẫn to lớn, vì như thế là rơi vào tin Thần quyền mê tín dị đoan nhảm nhí, sẽ bị Đức Phật quở là người u mê.
Muốn khỏi bị những tai họa lửa nước thật sự, thì phải tu nhân tích đức bằng cách tu hạnh Bồ Tát là làm tất cả các việc lành, tránh làm tất cả các việc ác theo Giới luật cho người tu đạo Bồ Tát, gồm 6 Giới trọng và 28 Giới khinh. Nhưng còn phải hỏi người tu này có gây trọng tội trong các đời trước hay không.
Nếu không có trọng tội nào đã gây, thì chẳng thể gặp qủa xấu tai họa, còn đã từng gây trọng tội ở những kiếp trước rồi thì khó mà thoát khỏi tai họa. Chỉ có điều là khi đã có sự tu hành thì hy vọng công đức tu hành này làm cho nghiệp ác kia khó hiển hiện ra, và như vậy là có tu có phúc lành vậy.
Nếu có trăm nghìn muôn ức chúng sanh vì tìm vàng, bạc, lưu ly, xa-cừ, mã-não, san-hô, hổ-phách, trân châu các thứ báu, vào trong biển lớn, giả sử gió lớn thổi ghe thuyền của kia trôi tắp nơi nước quỉ La-sát, trong ấy nếu có nhẫn đến một người xưng danh hiệu Quán-Thế-Âm Bồ-Tát, thì các người đó đều được thoát khỏi nạn quỉ La-sát. Do nhân duyên đó mà tên là Quán-Thế-Âm.
Các thứ qúy như vàng, bạc, v.v… gọi là Thất Bảo, tượng trưng cho Thất Thánh Tài là tín, giới, văn, tàm quý, niệm, định, xả của người tu, nghĩa là người tu phải học hỏi Kinh Luận Luật của Phật rồi suy nghĩ điều phải điều trái, ghi nhớ không quên (Văn), khi đã suy nghiệm kỹ càng rồi thì phải tin tưởng hoàn toàn (Tín).
Phải giữ luật nghi đầy đủ theo quy củ phần hành của hành giả (Giới), (Như Cư sĩ giữ 5 Giới, Bồ Tát tại gia 6 Giới trọng và 28 Giới khinh, Bồ Tát xuất gia 10 giới trọng và 48 Giới khinh, Tu sĩ nam 250 Giới, Tu sĩ nữ 348). Người tu phải biết tự xấu hổ và biết thẹn với người khi có lỗi (Tàm, Qúy), phải luôn luôn nhớ tu hành (Niệm), phải hành thiền và biết cách làm sao để định tâm (Định), và biết bỏ đi tất cả những gì dính mắc vào tâm (Xả).
Trong biển lớn tượng trưng cho trong cuộc đời, thuyền tượng trưng cho trong cộng đồng, một xã hội, một nước v.v…
Gió lớn tượng trưng cho Tám thứ gió trong cuộc sống bon chen là “Được Mất (thắng bại), Đúng Sai (phải trái), Vinh Nhục (hơn thua), Vui Buồn (sướng khổ)”. Tám thứ gió này nó là mồi bả của thế gian, nó luôn luôn hành hạ con người, làm cho con người bị cuốn trôi theo dòng đời, làm cho bị quay cuồng trong cuộc sống, khiến đầu óc con người trở thành điên đảo tối tăm, gây nên bao nhiêu phiền toái, tội ác, tạo nghiệp qủa phải sinh tử luân hồi vào các đường lành thì ít mà vào đường ác thì nhiều, không có ngày ra khỏi.
Nước Qủy La Sát tượng trưng tánh độc hại hung bạo tàn ác giết người. Nhẫn là khó nói ra lời.
Nếu trong ấy có nhẫn đến một người xưng danh hiệu Quán Thế Âm thì các người đó đều được thoát nạn Qủy La Sát, nghĩa là trong số những người ấy dù chỉ có một người thôi, nói chi nhiều người, tu hành nghiêm chỉnh. Quán sát Tám thứ gió, suy xét tham sân si mạn v.v…, thấy chúng gây nên tánh độc hại hung bạo tàn ác giết hại là nguồn gốc của mọi đau khổ.
Từ đó xa lià dứt bỏ những thứ này, thực hành Sáu độ là “Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh Tấn, Thiền định, Trí Tuệ”, thì sẽ tiến đến giải thoát. Được giải thoát rồi, người đó sẽ độ cho hết thảy các người khác, các người khác được gần người đã giải thoát nên học hỏi giáo pháp và thực hành theo thì sẽ đều được thoát khổ, do đó Đức Phật nói “các người đó đều được thoát nạn Qủy La Sát” là vậy.
Chẳng phải đâu, nếu cho rằng khi đoàn người đông đảo đi tìm trân bảo trong biển lớn bị bão tố thổi thuyền trôi rạt vào đảo đầy qủy ăn thịt người. Rồi chỉ cần một người chẳng tu hành gì cả, vì sợ chết mà phải cầu nguyện niệm Quan Thế Âm hay cầu xin van nài vị Thần linh nào đó cứu nạn, mà mọi người trong đoàn ấy đều được thoát nạn, thì đây là lầm lẫn to lớn, cần phải tỉnh táo suy nghĩ quán sát sẽ thấy rõ được sự lầm lẫn tai hại này.
Do nhân duyên đó mà tên là Quán-Thế-Âm: nghĩa là do nhân duyên quán xét Tám thứ gió và tham sân si mạn v.v…, nên thấy rõ chúng là nguyên nhân gây ra tánh độc hại hung bạo tàn ác giết hại. Vì thấy rõ ràng nó là nguyên nhân của đau khổ buồn phiền, nên quyết tâm xa lià dứt bỏ nó như vứt bỏ chiếc áo dơ bẩn rách nát hôi tanh và tu hành nghiêm chỉnh để giải thoát khỏi mọi ràng buộc của những xấu xa tai hại ấy, do đó Đức Phật nói: “Do nhân duyên đó mà tên là Quán Thế Âm”.
- Từ khóa :
- Pháp Sư Cưu Ma La Thập
- ,
- HT Thích Trí Tịnh
- ,
- Toàn Không