Tính Nối Kết Trong Kinh Pháp Hoa
Nguyễn Thế Đăng
Tính nối kết là một đặc trưng của kinh Pháp Hoa. Ở đây chỉ trích ra một ít câu để làm rõ.
1/ Nối kết cõi với cõi, chúng sanh với chúng sanh
“Bấy giờ, Phật từ nơi tướng lông trắng giữa hai mày phóng ra ánh sáng chiếu khắp cả một vạn tám ngàn cõi phương Đông, dưới chiếu đến địa ngục A tỳ, trên thấu đến trời Sắc cứu cánh. Chúng ở cõi này đều thấy tất cả các loài chúng sanh ở các cõi kia.
Lại thấy các đức Phật hiện tại nơi các cõi kia và nghe các vị thuyết pháp… Lại thấy các đại Bồ tát tu hành Bồ tát đạo…”
(Phẩm Tựa)
Trong ánh sáng của Phật, của Phật tánh hoàn hảo, không còn bị che mờ bởi phiền não chướng và sở tri chướng, các cõi đều thông suốt với nhau, nối kết với nhau. Tánh Không và ánh sáng là môi trường cho chúng sanh, mọi sự vật xuất hiện và hiện hữu rồi tan biến.
Trong sự kết nối này, chúng sanh cõi này kết nối với chúng sanh các cõi khác, “đều thấy tất cả các loài chúng sanh ở các cõi kia”, và kết nối với chư Phật, chư đại Bồ tát, “nghe và thấy các ngài”.
Đây là điều phẩm Hiện bửu pháp nói là, “thông làm một cõi nước Phật thanh tịnh”.
Sự kết nối vũ trụ này đặt nền trên tánh Không và ánh sáng. Tánh Không vì có ở khắp cả và thâm nhập tất cả mọi hiện tướng. Ánh sáng vì làm cho thấy được lẫn nhau, thông suốt với nhau.
Tánh Không là trí huệ thấu suốt tánh Không, ánh sáng là phẩm tính đi cùng tánh Không. Sự kết nối, thống nhất tất cả là đại từ bi.
Chỉ trong đoạn này, cho thấy vũ trụ là trí huệ, ánh sáng là từ bi. Chúng là một bản tánh hợp nhất, là nền tảng cho vũ trụ và chúng sanh xuất hiện. Thấy, biết và sống trong nền tảng ấy, người ta sẽ thấu hiểu vũ trụ.
2/ Nối kết thời gian quá khứ, hiện tại và tương lai
Phật Đa Bảo thành tựu giác ngộ từ lâu xa, có nguyện rằng khi nào, chỗ nào có nói kinh Pháp Hoa, thì tháp bảy báu trong đó có ngài sẽ hiện ra để chứng minh. Sau đó Phật Đa Bảo chia nửa toà ngồi với Phật Thích Ca.
Phật quá khứ “đã diệt độ vô lượng nghìn muôn ức kiếp về trước”, nối kết và là một với Phật hiện tại; và tương lai Phật Đa Bảo cũng sẽ xuất hiện với những vị Phật nào giảng nói kinh Pháp Hoa. Phật Đa Bảo tượng trưng cho Phật không có thời gian nên có thể xuất hiện ở bất cứ thời gian nào. Phật Đa Bảo là Phật pháp thân, thường trụ.
Ở đây Phật Đa Bảo xuất hiện và chia nửa tòa ngồi với Phật Thích Ca, vị Phật lịch sử của hiện tại. Pháp thân luôn luôn cùng đồng hành với hóa thân. Cái vĩnh cửu không có thời gianluôn luôn cùng đồng hành với thời gian lịch sử, và hễ khi nào có nói kinh Pháp Hoa, có tâm thức Pháp Hoa thì pháp thân sẽ hiển lộ.
Cho nên, đức Phật Thích Ca nói:
Nếu người nói Pháp Hoa
Ở riêng nơi vắng vẻ
Yên lặng không tiếng người
Đọc tụng kinh điển này
Bấy giờ ta sẽ hiện
Thân thanh tịnh sáng suốt
Nếu quên mất câu chữ
Nói cho khiến thông thuộc.
Nếu người đủ đức này
Hoặc nói cho bốn chúng
Chỗ vắng đọc tụng kinh
Đều thấy được thân ta.
…
Người đó vui nói pháp
Giảng giải không trở ngại
Nhờ các Phật hộ niệm
Hay khiến đại chúng mừng
Nếu ai gần pháp sư
Mau được đạo Bồ tát
Thuận theo thầy đó học
Được thấy hằng sa Phật.
(Phẩm Pháp sư thứ 10)
Giữa Phật với Phật, sự nối kết không có thời gian, không có không gian, và Phật với chúng sanh luôn luôn có sự nối kết:
“Bấy giờ đại chúng thấy hai Như Lai xếp bằng trên tòa sư tử trong tháp bảy báu… Đức Thích Ca dùng lực thần thông đưa đại chúng lên trong hư không” (để được thấy nghe)
(Phẩm Hiện bửu tháp)
Hư không tượng trưng cho tánh Không. Đức Phật Thích Ca kết nối với đại chúng qua tánh Không.
3/ Một trường hợp: Bồ tát Thường Bất Khinh
Đức Phật Thích Ca nói:
“Trong đời tượng pháp của Oai Âm Vương Như Lai những Tỳ kheo nhiều kiêu mạn có thế lựclớn. Bấy giờ có Bồ tát Tỳ kheo tên Thường Bất Khinh, gặp bốn chúng, chỉ lễ lạy mà nói rằng: Tôi chẳng dám khinh các ngài, các ngài đều sẽ thành Phật.
Có người lòng chẳng trong sạch sanh giận hờn buông lời ác mắng nhiếc. Có người lấy gậy, cây, ngói, đá đánh ném. Ông chạy xa tránh, nhưng vẫn nói lớn: Tôi chẳng dám khinh các ngài, các ngài đều sẽ thành Phật.
Trải qua thời gian vô số, Tỳ kheo đó gặp các đức Phật, được nghe kinh Pháp Hoa và cũng giáo hóa cho ngàn muôn chúng. Bồ tát Thường Bất Khinh đó chính là Phật Thích Ca bây giờ, và bốn chúng giận ghét khinh tiện ngài thuở trước hiện giờ là năm trăm Bồ tát, năm trăm Tỳ kheo, năm trăm cư sĩ nam, đều bất thối chuyển đối với đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác”.
(Phẩm Bồ tát Thường Bất Khinh, thứ 20)
Sự nối kết của Bồ tát Thường Bất Khinh với các người khinh khi đánh ném đá ngài hồi ấy vẫn còn đến bây giờ, nhưng đã đổi khác về bản chất. Sở dĩ như thế, vì sự nối kết của Tỳ kheo Thường Bất Khinh khởi từ tốt, tích cực, được tăng thêm và của những người kia khởi từ xấu, tiêu cực, được giảm đi.
Có sự chuyển hóa như vậy vì mối nối kết được thiết lập trong và qua tánh Không và từ bi. Sự nối kết là điều quan trọng của Bồ tát hạnh.
Sự nối kết bằng Bồ tát hạnh dựa trên cả hai chân lý: tương đối, quy ước, và chân lý tuyệt đối, tối hậu. Chân lý tương đối, quy ước là thế đế, thời gian thế tục, có quá khứ đến hiện tại, có nhân quả, tất cả không mất đi mà được gia công cho thêm tốt đẹp bằng điều thiện, bằng từ bi. Chân lý tuyệt đối, tối hậu là chân đế, là tánh Không. Chính chân đế tánh Không này giải thoát cho thế đế, cho sự nối kết trong thời gian thế tục của con người. Giải thoát cho thế đế, chứ không phá hủy thế đế, bởi vì thế đế lưu giữ sự nối kết qua thời gian, để đem lại sự chuyển hóa cho mình và cho người.
4/ Nối kết mà không mắc vào sanh tử
Nối kết của người đời là sự vướng mắc, trói buộc với người khác. Bồ tát hạnh không từ bỏnối kết, không từ bỏ những người khác. Nhưng Bồ tát hạnh nối kết bằng và qua tánh Không, nên nối kết mà không bị ràng buộc.
Nối kết, không bỏ chúng sanh mà vẫn giải thoát, đây là con đường của Bồ tát, được giảng giải rõ ràng trong kinh Pháp Hoa. Sự nối kết ấy được khai triển theo chiều rộng không gianvà chiều sâu thời gian để thành vũ trụ, một vũ trụ tạo thành bằng mọi nối kết theo mọi chiều.
Đó là vũ trụ Chân Không - Diệu Hữu của kinh Pháp Hoa.
- Từ khóa :
- Nguyễn Thế Đăng