So sánh là một chuyện dường như trái với giáo lý của Phật.
Mặc dù biết vậy, ta không thể không nhận thấy, nếu lấy lịch sử của Đức Phật và những lời dạy của Người đem ra so với các vị giáo chủ tôn giáo khác, rõ ràng Phật không có điều tiếng gì, một khuyết điểm dù nhỏ, để cho người đời nghi ngờ. Không có một người thứ hai toàn bích như Phật. Đức Phật gặp gỡ đủ hạng người trong xã hội, từ vua quan đến tiện dân, giới kỹ nữ giang hồ. Nhưng mỗi lời nói, cử chỉ, ngay khi Phật ngồi im lặng, đều toát ra sự cao cả thống nhất, biểu hiện cho giáo lý từ bi dâng hiến cho đời.
Lời Phật dạy là lời vàng, bất cứ ai, trình độ cao thấp gì cũng có thể theo, thực hiện được mà không là lời nói suông. Lời hứa hẹn - cứ tin đi rồi ta sẽ cho vào Niết-bàn - Phật không như vậy. Có lẽ đây là một vị giáo chủ duy nhứt, một ông thầy cho phép đệ tử nghi ngờ, nghi cả chính mình. Chính vì vậy, trong số các biểu ngữ chào mừng ngày Phật đản: “Vui thay có Phật” - “Vui thay Phật ra đời” rất mộc mạc, giản dị nhưng nghĩa thật chính xác, nói lên tâm trạng hoan hỷ của chúng sanh về ngày lịch sử này. Vui vì chúng sanh đứng trước ngã ba đường. Ở những ngã ba này, thời gian và không gian cao rộng gặp nhau. Người ngước mặt nhìn trời thì trời cao xanh biết có hay không, quanh năm bốn mùa xoay vần hết nắng lại mưa dầm lụt lội, chẳng nói với ai điều gì. Để rồi khi có thiên tai, động đất, người hay trách móc ông trời sinh ra loài người làm gì. 80 năm cuộc đời qua rất nhanh, người sẽ làm gì, đi đâu, về đâu nơi ngã ba đường luôn có những lời mời gọi, trường phái này, trường phái kia. Cả trần gian rộng lớn bỗng trở nên nhỏ bé, vì những tiếng gọi ấy buộc người phải lựa chọn, so sánh, phân biệt. Vì kém hiểu biết, người bắt đầu phê phán, chê bai cái này là tốt, cái kia là xấu, rồi sinh ra mâu thuẫn, xung đột, nhìn nhau bằng đôi mắt nghi kỵ, ngờ vực.
Đức Phật của em - Tranh vẽ của các em tham dự khoá tu "Gieo hạt từ tâm"
- Ảnh chụp lại của Quảng Mẫn
Vui thay Đức Phật ra đời chỉ cho chúng sanh biết nhìn xuống, nhìn vào lòng mình, xong, rồi mới nhìn lên, lúc đó mới biết cao xanh là ai, rất là công bằng (bình thiên chớ không bình địa). Thế giới của con người chỉ là một trong nhiều thế giới cùng tồn tại song song, đan xen với nhau và có một mối liên hệ để góp phần tạo ra cuộc sống phong phú nhiều màu sắc. Xâm phạm vào thế giới khác tức là tạo nghiệp cho mình. Thành kẻ chiến thắng đi nữa, không bao lâu cũng sẽ thành kẻ chiến bại. Một thí dụ để hiểu, dưới bàn tay con người, những cánh rừng, thế giới động vật mất dần, rõ ràng ngày nay con người vì thiếu thức ăn phải tạo lai chúng và nuôi bằng những hóa chất độc hại. Tìm ra kháng sinh để tiêu diệt siêu vi trùng, giờ đến lượt chúng kháng lại thuốc, sinh ra nhiều chứng bệnh không có thuốc chữa.
Khi người hiểu được nhiều thế giới cùng tồn tại song song nhưng chỉ là một thôi, sẽ dẫn tới người vui vẻ sống không phân biệt ta, tha nhân, phân biệt đâu là thế gian và ngoài thế gian. Vạn pháp duy tâm. Xuất pháp từ tâm người nhìn lại bản ngã. Hóa ra bản ngã giống ngọn đèn nhờ nhiều yếu tố kết hợp mới phát ra lửa. (Đừng quên thiếu không khí lửa cũng không cháy). Mất đi một yếu tố lửa không thể phát ra được. Vậy bản ngã của người là gì, nó vừa có thực nhưng khi đem phân tích thì lại thấy bản ngã, cái ta ấy, là ảo là vô ngã, không thực. Đã thuộc về tâm, chúng sanh bước đi hay đứng lại, đi bất cứ hướng nào vẫn không va chạm ai. Khi nhận ra bản ngã thật ra là vô ngã, người thấy cuộc đời chỉ là giấc mộng ngắn, giấc mộng dài thôi. Người hết mù quáng mê chấp nhận ra ngay… mình là Phật. Mọi chúng sinh là Phật sẽ thành, chính Đức Phật đã dạy như vậy. Đây là điểm tích cực của đạo Phật, ai cũng có Phật tính chỉ vì bị vô minh mê chấp che mờ thôi. Phải hàng ngày lau chùi để Phật tính như viên ngọc sáng lên dẫn đường người đi tìm thấy mình. Người thay đổi cách nhìn về sự vật và yêu đời như câu hát của Trịnh Công Sơn “yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ”.
Vui thay Đức Phật ra đời chỉ con người mọi việc đều xuất phát từ duyên khởi rồi dẫn tới nhân quả. Một chiếc lá rụng ở đây biết đâu là ngọn gió từ ngoài biển, từ dãy Hy-mã-lạp-sơn thổi về. Nếu hiểu được duyên khởi, nhân quả, người sẽ có đôi mắt nhìn xa. Thay vì nhìn thấy hành động của một đứa xấu xa, đứa ác, người sẽ nhìn ở chỗ nhân duyên. Cũng vì thấy ở nhân duyên, nên kẻ ác trở thành đối tượng để người đưa tay ra giúp đỡ họ trở về con đường hướng thiện. Xa lánh, phê phán kẻ xấu sao bằng cảm hóa họ.
Vui thay Phật ra đời. Cuộc đời là bể khổ, Phật chỉ cho người biết Tứ diệu đế và thoát ra bằng con đường Bát Chánh đạo. Người có Bát Chánh đạo, ngọn lửa trong tâm hồn luôn được giữ sáng, không đem lửa bên ngoài vô nhà làm cháy, phân tâm ngôi nhà của mình. Không làm kẻ đốt đền, đốt chùa. Phật dạy cặn kẽ từng chi tiết nhỏ nhặt, từ thấp đến cao. Bỏ ra một đời người để học chưa chắc gì học hết giáo lý của Phật như biển cả mênh mông. Ở đây tôi rất mạo muội vắn tắt sơ lược cho dễ thấy.
Phật dạy ai cũng có thể hiểu được, theo và thực hiện được và sống hòa đồng với mọi người. Đừng tìm ở Phật những gì cao siêu để rồi nó trở thành mớ lý thuyết, giáo điều. Đạo Phật là đạo nhập thế chớ không phải xuất thế. Là đạo cần phải thực nghiệm mà muốn thế thì chính mình là đối tượng trước hết cần phải mổ xẻ để hiểu: Mình là ai? Làm chủ được tâm của mình coi dễ vậy mà chẳng dễ.
Có lẽ vì vậy, vì muốn để cho các đệ tử đối diện với chính mình, giây phút cuối đời, Đức Phật đã già nua, đưa đôi mắt hiền từ nhìn các đệ tử nói: … bốn mươi chín năm qua Ta không nói câu nào, rồi Phật lặng lẽ nhập Niết-bàn. Bốn mươi chín năm vì thương chúng sinh, Đức Phật lặn lội từ nước này sang nước kia để giáo hóa. Nay Phật lại bảo mình không nói câu nào nghe có vẻ lạ, khó hiểu. Nhưng chẳng có gì khó hiểu, vì sau khi Phật đi, hàng đệ tử ở lại bơ vơ mới nhớ lại câu nói kia và chợt nhận ra Đức Từ phụ đi rồi - giờ chỉ còn lại mình. Chính vì vậy, khi chắp tay đứng trước Phật, khấn vái cho nhiều mà quên nhìn lại tâm mình, chắc là Phật không nghe đâu.
Từ câu nói cuối cùng ngược lên câu nói đầu tiên của Phật trong ngày Đản sinh: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”, ta thấy đây cũng là một câu nói lạ. Người đã bàn về câu nói này nhiều, bên thì cho đó là chuyện nhiệm mầu, trần gian không thể hiểu được, một bên lại đem lòng ngờ vực. Nhưng nếu đem câu nói cuối cùng kết hợp với câu nói đầu tiên của Phật thì thấy mục đích, tôn chỉ của Phật hiện lên rất rõ. Cho đến nay vẫn chưa ai lý giải tìm hiểu ý nghĩa của hai câu tuy hoàn toàn khác nhau nhưng lại thống nhất, nói lên đạo Phật ra đời là nhằm mục đích tôn vinh giá trị con người. Cuộc đời hữu hạn vô thường nhưng con người vẫn luôn luôn chủ động làm chủ cuộc đời mình. Theo tôi, đây cũng là ý nghĩa nên thêm vào trong ngày Đại lễ Phật đản.
Thông thường, nhất là ở tỉnh lẻ, lễ Phật đản chỉ diễn ra trong một buổi sáng. Họp nhau kéo đến chùa đọc kinh làm lễ tắm Phật, nghe thầy trụ trì nói đôi câu, rồi cùng nhau ăn cơm chay vậy là xong. Buổi trưa chùa vắng hoe, buổi tối ngày lễ Phật đản mà mới 7 giờ tối nhiều chùa đã vội vàng tắt đèn hoặc đóng cửa. Từ lâu, nơi tỉnh lẻ, ngày Phật đản đã diễn ra như vậy.