Thích Thông Huệ
Trong nhân gian, người đời coi ngày mồng một Tết là ngày quan trọng của đầu năm, còn nhà Phật xem đây là ngày đánh dấu sự có mặt của một vị Phật đương lai, đó là Bồ tát Di Lặc, nên mừng xuân năm mới chính là mừng Xuân Di Lặc.
M |
ỗi năm xuân về cảnh vật xanh tươi, trăm hoa đua nở, nhà nhà đều khang trang đón Tết. Để đón chào năm mới, vào những ngày cuối năm nhân dân ta thường có phong tục lau quét nhà cửa sạch sẽ, dọn dẹp gọn gàng, tươm tất. Công việc được coi trọng là trang hoàng nhà cửa, bày biện bàn thờ với đủ các loại bánh trái, hoặc sắp xếp mâm ngũ quả sao cho thật đẹp mắt. Tết là ngày tiêu biểâu cho truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Nhiều người đi chùa lễ Phật, đi viếng mộ thắp hương rồi thăm cha mẹ, thân nhân, bà con hàng xóm láng giềng. Có người quan niệm rằng đến chùa xin lộc đầu năm. Thế là với cầu mong phúc lộc đến với nhà mình, người ta nô nức đi hái lộc, lộc có thể là một bông hoa, một cành non ở chùa hoặc chốn tôn nghiêm, họ hái mang về nhà để rồi chỉ qua một đêm giao thừa nhiều cảnh chùa cây xanh xác xơ, trơ trụi. Thực ra đó chính là một tập tục mê tín. Riêng đạo Phật lấy chánh tín làm nền tảng. Chẳng hạn nghe pháp tức là được lộc, vì lộc này dùng mãi vẫn còn, dùng hoài không hết. Thái tử Sĩ-Đạt-Ta đi tìm đạo lý vì Ngài xem thường của cải vật chất. Còn người trong dân gian thì cho rằng có tiền mua Tiên cũng được, nhưng thực tế ở đời có những người lắm tiền nhiều của mà vẫn khổ. Vì vậy, đầu năm chúng ta đến chùa và chúc nhau những lời lành mạnh tốt đẹp, dùng đạo lý để khuyên bảo nhau sống có tình có nghĩa, khuyên nhau tu tập vững vàng, từng bước vững chãi thảnh thơi và ung dung nghe pháp. Đó mới chính là lộc của đầu năm. Để rồi khi trở về với cuộc sống đời thường của gia đình, chúng ta sẽ có kim chỉ nam cho lộ trình tu tập, để sống thiện, sống lành, sống tốt và sống có ích cho mình, cho mọi người. Như vậy chúng ta mới thực sự làm lợi đạo ích đời, rồi nhờ thế ngày Tết mới có giá trị và tràn đầy ý nghĩa.
Bên ngoài vạn vật đổi thay, còn thân thể ta thì lớn dần lên, trưởng thành rồi già nua. Nhân ngày Tết chúng ta nhìn lại và thấy một năm có 12 tháng, mỗi tháng được cho là một hạt xâu chuỗi, như vậy một năm có 12 hạt xâu chuỗi, mà đầu năm là lúc chúng ta bắt đầu hạt thứ nhất của xâu chuỗi. Năm cũ chúng ta đã lắc xong hạt thứ 12 rồi và đã tất niên. Cứ như vậy, vô thường biểu hiện sinh, già, bệnh, chết như một dòng sông cứ trôi chảy mãi không ngừng. Còn sự vật bên ngoài luôn biểu hiện sinh, trụ,ï dị, diệt. Chúng ta biết một năm có 4 mùa: xuân, hạ, thu, đông. Xuân sang, tiết trời mát mẻ, dễ chịu, khí hậu ấm áp, cây cối đâm chồi nảy lộc và tràn ngập sắc hoa. Hạ đến, bầu trời xanh thẳm, khí hậu oi nồng và nóng bức. Thu về rực rỡ nắng vàng, thời tiết dễ chịu, khí hậu mát mẻ. Còn Đông thì rét buốt, gió lạnh, vạn vật thu mình. Riêng với người biết tu, họ vui xuân trong thâm trầm đạo lý chứ không còn bồng bột đam mê, không còn đánh mất mình để chạy theo bóng màu của mùa xuân nữa. Tết đến, xuân về chúng ta đến chùa để nghe pháp, để hiểu đạo lý, tiếp tục bước vào đời vàø thấy được những khó khăn trắc trở ở phía trước mà vượt qua. Mỗi năm nếu chúng ta tu tốt thì dù cho có gặp phải hoàn cảnh khó khăn chăng nữa thì chính đạo lý chúng ta tiếp thu được sẽ giúp chúng ta vượt qua gian nan, vất vả của cuộc sống một cách thuận lợi, dễ dàng. Cho đến nghịch cảnh bức ép chúng ta vẫn có thể vững vàng tiến bước. Kinh Pháp Cú có câu:
“ Như tảng đá kiên cố Gió cuồng nộ chẳng lay Lời tán dương, phỉ báng Không xao gợn đôi mày.”Nếu tu tập có kết quả, nếu là bậc trí tuệ thì cho dù ở thế gian gặp khen hay chê, thăng hay trầm, thịnh hay suy, đắc hay thất tất cả đều có thể vượt qua mà không bao giờ động tâm, sống tự tại trong thế giới đầy nhiễu nhương trở ngại.
Nếu nói về hiện tượng đời sống bên ngoài thì khi mùa xuân đến trăm hoa đua nở, khí trời mát mẻ, lòng người cũng rộn ràng chào đón mùa xuân. Ai ai cũng giữ vững hào khí, giữ tâm thái tự do thong dong, thoáng đạt, rộng lượng bao dung. Tất cả những gì đẹp đẽ đều được biểu hiện. Trong nhà trên bàn thờ Phật, nơi thờ các vị tổ tiên đều thắp đèn sáng trưng, hoa trái xếp đầy, người người mặc đồ mới, ai ai cũng nở nụ cười, mọi người gặp gỡ chúc tụng lẫn nhau, tay bắt mặt mừng. Từ gia đình ra xã hội, ai ai cũng đối xử với nhau trên thuận dưới hòa, kính già yêu trẻ.Người đi chùa lễ Phật nghe pháp, tiếp thu được những tinh hoa của nhân loại, hiểu được triết lý Đông phương, triết lý nhà Phật để chuyển hóa bản thân. Có như thế thì quê hương sẽ thêm phần tươi đẹp và đất nước sẽ giàu mạnh hơn. Tất cả đều mới mẻ đúng như ý nghĩa của đêm giao thừa mà mọi người thường nói câu: “Tống cựu nghinh tân” tức là tiễn đưa năm cũ , đón mừng năm mới. Nhưng trong những cái cũ ấy hãy chọn lọc cái nào tốt thì nhớ giữ lại để duy trì , còn nghinh tân cho năm mới thì không phải cái gì cũng rước cả, đừng bao giờ rước buồn phiền, sầu bi, tham sân si, khổ não, ganh tị, tật đố, ngã mạn vào thân trong năm mới. Ở đây đêm giao thừa là lúc bỏ cái cũ, rước cái mới. Chúng ta cần biết bỏ cũ tức là bỏ những cái xấu, có hại cho mình, cho người. Rước mới là rước những cái hay cái đẹp để duy trì, phát huy, làm nền tảng cho năm mới, để có cương lĩnh, có căn bản đón nhận những điều tốt đẹp ở phía trước, tu tập theo tiến trình chuyển hóa từ nhân đến quả. Người phật tử tu tập phải biết tin sâu nhân quả. Nếu chúng ta nghĩ, nói và làm theo điều xấu thì sẽ gặp điều chẳng tốt đẹp gì. Ngược lại, nếu chúng ta biết hằng tỉnh hằng giác để nghĩ, nói và làm điều tốt đẹp thì chắc chắn sẽ gặt hái những kết quả tốt đẹp. Hiểu và tin sâu như thế thì trong năm mới chúng ta sẽ là người rất hạnh phúc. Hạnh phúc ở trong tầm tay chứ không phải tưởng tượng ở nơi xa xôi nào cả.
Có nơi Tết đến, một số đệ tử Phật lại đi xem bói, coi quẻ, xin xăm , coi chỉ tay, coi chữ ký. Trong kinh Phật không bao giờ dạy điều này. Phật tử nên tin sâu vào nhân quả, tin vào đạo lý vô thường, duyên sinh, huyễn mộng của các pháp. Nhìn sâu, thấy rõ chúng ta mới có niềm tin để bước vào cuộc đời mà không bị giao động.
Chúng ta có những hoàn cảnh sống khác nhau, đây chính là biểu hiện của nghiệp lực, có người giàu kẻ nghèo, có người sang kẻ hèn, người đẹp kẻ xấu, người trí thức kẻ dốt chữ. Tất cả những hoàn cảnh chánh báo y báo đó được biểu hiện ra không phải là hình thức thưởng phạt của một đấng thượng đế nào, mà đó là vận hành tự nhiên của luật nhân quả, tạo ở kiếp trước biểu hiện ra ở kiếp này. Hiểu được như thế, chúng ta sẽ thấy rằng tương lai tươi sáng đang ở phía trước do chính mình tạo chứ không phải do cầu khẩn ở một đấng quyền năng nào.
Trong nhân gian, người đời coi ngày mồng một Tết là ngày quan trọng của đầu năm, còn nhà Phật xem đây là ngày đánh dấu sự có mặt của một vị Phật đương lai, đó là Bồ tát Di Lặc, nên mừng xuân năm mới chính là mừng Xuân Di Lặc. Tết đến xuân về, chúng ta càng khó quên được khi nhìn thấy nụ cười của Bồ tát Di Lặc. Ngài tuy bị lục tặc bủa vây nhưng vẫn luôn tươi cười tràn đầy hạnh phúc. Lục tặc đó là nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức. Mắt thấy sắc sanh tâm. Tai nghe tiếng sanh tâm. Mũi ngửi mùi sanh tâm. Lưỡi nếm vị sanh tâm. Thân xúc chạm sanh tâm. Ý đối với các pháp sanh tâm, thành ra có những chủng tử hữu lậu phân biệt. Bởi thế, chúng ta gắng công tu tập để khi tiếp xúc với sáu trần cảnh mà vẫn duy trì được định lực, không chạy theo bóng màu của trần thế. Để đạt được như thế đòi hỏi chúng ta phải có một quá trình công phu dày dặn thì mới có thể đạt được trạng thái thường hỷ và thường xả.
Bồ tát Di Lặc có bốn đức: Từ, bi, hỷ, xả. Năm mới, chúng ta đảnh lễ Ngài là đảnh lễ bốn đức này, bốn đức này chúng ta đều có thể thực hiện được. Nếu như chúng ta nhìn thấy Bồ tát Di Lặc thì chúng ta phải nhớ bốn đức từ, bi, hỷ, xả nơi Ngài để thực hiện tu tập ở chính bản thân mình. Đó là ý nghĩa ngày vía Di Lặc đầu năm. Nếu chúng ta có lòng từ bi, chúng ta tùy hỉ và buông xả, không chứa chấp trong lòng bất cứ điều gì thì chính chúng ta là hiện thân của Bồ tát Di Lặc rồi.
Chúng ta không nên nghĩ rằng, Bồ tát Di Lặc là nhân vật của quá khứ, càng không nên nghĩ rằng, nếu lễ vía Ngài thì sẽ được Ngài phù hộ, ban cho những điều ước nguyện, hoặc phù hộ cho chúng ta mua may, bán đắt hoặc làm ăn phát tài, phát lộc. Nếu chúng ta không lo tu tập, không tạo nhơn mà chỉ cầu gia hộ, rồi chờ kết quả thì thật là vô lý. Đạo Phật không phải là đạo cầu xin, nên đầu năm quý Phật tử không nên đến chùa để van vái cầu xin. Hiểu được như thế chúng ta sẽ biết vì sao phải vía Bồ tát Di Lặc vào ngày đầu năm mà không phải là những ngày trong năm. Bởi vì ngày đầu năm khi được nhìn hình tượng của Ngài, chúng ta sẽ vô cùng phấn khởi, trong lòng thoát tục, không còn phiền não và trong năm chúng ta sẽ có được những nụ cười thoải mái, an nhiên để thường xuyên tu tập bốn đức tư,ø bi, hỷ, xả.
Từ, bi, hỷ, xả là những gì? Từ là ban vui; bi là cứu khổ; hỷ là chung mừng, chung vui và ngợi khen khi người khác được hạnh phúc, tốt đẹp, may mắn, giàu có, hưng thịnh, thì chúng ta cũng vui theo. Kẻ thù trực tiếp của đức tùy hỷ là ganh tị, đố kỵ. Nếu thấy một người khác làm được điều tốt, điều thiện, được may mắn hạnh phúc mà đem lòng ganh tị tức là đã gieo hạt giống không tốt vào tâm của mình. Còn nếu gặp người làm điều tốt mà tùy hỷ thì phước của mình cũng được bằng người đó. Xả là gì? Những trạng thái buồn, vui, thương, ghét, giận hờn đều lặng lẽ. Cảnh thuận không làm Bồ tát cao ngạo, Ngài không thất niệm, Ngài không sanh tâm vọng niệm nên buông xả một cách toàn diện. Một khi buông xả không còn chứa chấp trong lòng điều gì thì đó là tâm thiền định, tâm ở trạng thái nhập tĩnh, không còn bóng dáng của vọng tưởng, phiền não. Vậy Xả là trạng thái lặng yên của tâm thức. Xả là trạng thái không chấp trước. Chẳng hạn, người tu đạt được trạng thái tâm thiền định hoặc một quả vị gì thì trạng thái đó, quả vị đó, tâm thiền định đó cũng phải buông xả.
Bồ tát Di Lặc có nụ cười thoải mái. Ngài cười toe toét. Đó là nụ cười tươi tắn, lạc quan , thoát tục và không có bóng dáng của phiền não, khổ đau. Thân tướng của Ngài biểu hiện sung mãn, tri túc, không buồn phiền giận hờn thế nhân gì cả. Người thế gian mãi tôn xưng và quý trọng Ngài. Vào ngày Tết, người Phật tử nghe nhắc đến Ngài thì hết thảy trong lòng đều rất vui.
Bồ tát Di Lặc là vị Bồ tát Nhất sanh Bổ xứ. Ngài ở nội viện cung trời Đâu Suất. Ngài giáng sinh vào cõi Ta bà ở hội Long Hoa. Khi giáo pháp của Phật Thích Ca Mâu Ni đến hồi tiêu diệt, không còn hiện hữu thì Ngài đản sanh. Kinh Di Lặc Thượng sanh và Di Lặc Hạ sanh nói rõ điều đó.
Ở đời nhà Tùy bên Trung Quốc có một vị xuất cách, vóc dáng mập tròn, bụng to, tai dài, miệng luôn cười toe toét, đó chính là Bố Đại Hòa thượng. Ngài là một thiền tăng, sống thoáng đạt, tính tình rộng rãi, cởi mở, cuộc sống bất định. Ngài thường rong ruổi khắp nơi, rày đây mai đó, vây quanh Ngài luôn có mấy đứa trẻ nghịch ngợm, nhưng Ngài rất thương chúng và coi chúng như con ruột của mình. Người ta chưa bao giờ thấy Ngài tỏ ra buồn giận phiền não vì khuôn mặt Ngài lúc nào cũng tươi cười. Tình thương của Ngài phi phàm. Nếu có ai khen chê hoặc phỉ báng, Ngài vẫn nở nụ cười trên môi. Nhiều người cho rằng Ngài là thiền sư. Hồi ấy, lúc ở chùa Nhạc Lâm, trong một khu rừng, trước lúc viên tịch Ngài đã cho gọi tất cả chúng tăng đến và bảo: “ Bây giờ các ngươi ở lại vui vẻ và ta sẽ ra đi.” Ngài để lại một bài kệ:
“ Di Lặc chơn Di Lặc Hóa thân thiên bách ức Thời thời thị thời nhơn Thời nhơn giai bất thức.” Nghĩa là: Di Lặc thật Di Lặc Phân thân trăm ngàn ức Thường hay chỉ dạy người Người đời không hay biết.Sau đó Ngài kiết già trên tảng đá ở Nhạc Lâm Tự và thị tịch tại chỗ. Đây chính là Hóa thân Di Lặc. Ngài dùng Ứùng Hóa thân trong các cõi để giáo hóa chúng sanh. Tóm lại, Bố Đại Hòa thượng chính là Ứng Hóa thân của Bồ tát Di Lặc ở Cung trời Đâu Suất.
Trải qua dòng lịch sử, vào thời chánh pháp, người ta tạc tượng Bồ tát Di Lặc có hình ảnh gần giống như Ngài Văn Thù hoặc Ngài Phổ Hiền. Đến nay thì tượng Bồ tát Di Lặc lại được tạc rất giống với hình ảnh Bố Đại Hòa thượng. Hình ảnh Ngài có khi đứng cầm bao bố to, có khi liệng bao bố xuống đất rồi đứng yên, hoặc ngồi lộ ngực có sáu em bé ở chung quanh. Về sau người đời thấy Ngài là nhân vật kiệt xuất, vì quá thần tượng và tôn sùng nên người ta tạc tượng Ngài trên tay có thỏi vàng, tay kia cầm gậy như ý, cổ đeo chuỗi tràng hạt. Theo thời gian, hình tượng Di Lặc ngày càng phong phú và sinh động. Đến nay, hình tượng Ngài được nhân gian gắn liền với tiền tài phú quý là đã đi xa với nguồn gốc rồi.
Ngày đầu năm, Phật tử thường lễ vía Bồ tát Di Lặc để cầu xin ban cho họ những điều ước nguyện. Nếu hiểu được đạo lý, không làm điều ác, thường làm điều tốt, lợi mình lợi người thì sẽ an vui, hạnh phúc. Người Phật tử cần học theo hạnh Bồ tát với bốn đức từ, bi, hỷ, xả để bản thân và mọi người cùng được cộng hưởng lợi ích, như câu:
Nhứt nhân tác phước thiên nhân hưởng Độc thọ khai hoa vạn thọ hương. Nghĩa là: Một người làm phước ngàn người được hưởng Một cây nở hoa muôn cây khác được thơm lây.Nếu có nhiều người quy y giữ giới, hướng về Tam Bảo, tu đúng chánh pháp, có chánh kiến, đủ chánh tín thì lợi ích nhiều khôn kể xiết, nhà nước và chính quyền sẽ bớt lo, đất nước sẽ thái bình, đó chính là góp phần xây dựng quê hương đất nước. Nếu ai cũng tin vào nhân quả thì làng xóm yên ổn, hạn chế được tệ nạn xã hội, mọi người đều có lợi ích, có cuộc sống văn hóa, có tư tưởng lành mạnh, biết tu hành thì đó là điều đáng trân trọng và rất hạnh phúc. Cho nên chúng ta đừng bỏ lỡ cơ hội vì một kiếp người trôi qua rất mau chóng. Nếu không biết tu hành theo chánh pháp, lúc ra đi sẽ theo nghiệp mà thọ sanh không có ngày dừng.
Thiền viện Trúc Lâm Viên Ngộ Phan Rang – Ninh Thuận