Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới

Bài ca cho Dagmema

13 Tháng Bảy 201300:00(Xem: 12898)
Bài ca cho Dagmema
BÀI CA CHO DAGMEMA 
Tâm Bảo Đàn

______________________________________________________________________________


“Con trai ta, ngay từ giây phút đầu tiên, ta đã biết rằng con sẽ là người đệ tử có khả năng để thọ nhận giáo pháp. Vào đêm hôm trước, trước khi con đến đây, ta biết được qua một giấc mộng rằng con sẽ mang sứ mạng phụng hành giáo pháp của Phật. Vị phối ngẫu tâm linh của ta, trong một giấc mơ tương tự mà thực sự lại còn kỳ diệu hơn nữa, đã nhìn thấy hai người đàn bà canh giữ một bảo tháp; đây là điềm báo cho ta thấy rằng các vị Thiên Nữ Dakini sẽ bảo vệ các giáo lý của dòng truyền thừa của chúng ta. Qua hình thức đó, đấng đạo sư của ta và chư vị hộ pháp đã gửi con đến cho ta như là một đệ tử.’ (Marpa nói với Milarepa)

_______________________________________________________________________________


a_song_for_dagmema_marpa001

Người đời đã viết rất nhiều về ngài Marpa Lotsawa, là vị đạo sư có duyên nghiệp sâu dầy, và là vị thầy dị thườngtuyệt hảo nhất của đức Milarepa. Bất cứ điều gì liên quan đến Marpa thì xem ra cũng là một điều vô cùng vĩ đại và phi thường. Ngài là đại đệ tử tâm truyền của pháp vương Naropa, và đã ba lần lặn lội trong những chuyến đi cực kỳ hiểm nguy và gian khổ từ Tây Tạng qua tận Ấn Độ để thọ các giáo lý mật điển thâm diệu từ Naropa cùng các vị tôn sư khác. Ngài là một đại học giả, đại dịch giả, đại hành giả, đại thành tựu giả, và là người đã khổ công rèn luyện Milarepa, đưa được Milarepa vào con đường tu chứng để thành Phật.

Phần lớn đó là những gì thường được nhắc lại khi chúng ta nói về sự nghiệp của Marpa và sự liên hệ giữa Marpa và Milarepa. Nhưng ở đây, hình như còn có thêm một nhân duyên khác nữa cũng rất lạ thường mà trước nay không mấy ai có thói quen nhắc đến. Và nếu bình tâm suy nghĩ thì chúng ta cũng có thể sẽ thấy ra được rằng cuộc đời của đạo sư Marpa đã kết nối sâu đậm mật thiết với Milarepa như thế nào thì cuộc đời của Dagmema (*), vị phối ngẫu tâm linh của ngài Marpa, cũng gắn bó mật thiết với Milarepa y như thế.

Tuy trên thực tế là như vậy nhưng gần như ít có tài liệu nào viết về Dagmema. Muốn tìm một bức tranh họa lại khuôn mặt của bà cũng thật vô cùng khó khăn, gần như là không có. Nói chung, hình ảnh của bà rất lu mờ khi phải đem ra so sánh với sự chói sáng rực rỡ của cả ngàn bầu mặt trời phát ra từ đại đạo sư Marpa Lotsawa.

Vào đêm hôm trước, trước khi Milarepa tìm đến được Drowo Lung, ngài Marpa đã nằm mộng. Trong giấc mộng, pháp vương Naropa hiện ra gia trì cho ngài Marpa, rồi đưa cho ngài một chiếc chùy kim cang năm chấu làm bằng lưu ly nhưng lại hơi có chút vết nhơ. Sau đó pháp vương Naropa lại đưa tiếp cho Marpa một chiếc tịnh bình làm bằng vàng, trong có chứa đầy nước cam lộ và nói rằng, ‘Hãy dùng nước trong bình này để rửa sạch những vết nhơ trên chùy kim cang rồi đem đặt nó trên đỉnh ngọn cờ chiến thắng. Được như thế thì sẽ làm hoan hỉ chư Phật trong quá khứ và làm cho tất cả chúng sinh được hạnh phúc, và qua đó mà con có thể thành tựu lợi ích cho bản thân và cho những người khác.” (“Cuộc Đời Của Milarepa” hay “The Life Stories of Milarepa,” Lobsang P. Lhalungpa, Arkana-Penguin Group, New York, 1977, trang 43) Nói xong như thế, ngài Naropa biến mất, và sau khi làm theo lời của Naropa, đại đạo sư Marpa thấy ánh sáng chói rực phóng ra từ chiếc chùy kim cang, làm cho toàn thể vũ trụ sáng rực lên rồi ánh sáng ấy phóng tỏa xuống chúng sinh trong khắp sáu cõi.

Và điều lạ lùng là bà Dagmema cũng đã nằm mơ một giấc mơ tương ứng vào ngay đêm hôm ấy. 

Hơi có chút ngạc nhiên bởi giấc mộng của mình, Marpa choàng tỉnh dậy. Trong lòng ngài tràn ngập niềm hân hoancảm xúc yêu thương. Ngay lúc ấy, bà vợ của ngài vào phòng để dâng nước nóng cho ngài uống vào buổi sáng. Bà nói rằng, ‘Ồ Lạt Ma, tối hôm qua, tôi có một giấc mơ. Có hai người đàn bà đến từ [cõi tịnh] Urgyen từ hướng bắc, họ có cầm một bảo tháp bằng pha lê. Trên mặt của bảo tháp này có những bợn nhơ. Và hai vị này nói rằng, ‘Naropa đã ra lệnh cho Lạt Ma hiến cúng bảo tháp này và sau đó hãy đặt nó lên trên đỉnh ngọn núi.’ Và ngài, chính ngài [Marpa] lại la lên rằng, ‘Cho dù việc hiến cúng bảo tháp này đã được Đại Sư Naropa cử hành hoàn mãn, nhưng ta phải tuân theo mệnh lệnh của Naropa.’ Rồi ngài [Marpa] đã rửa sạch cái bảo tháp ấy bằng nước mát tinh khiết trong tịnh bìnhcử hành lễ hiến cúng. Sau đó, ngài [Marpa] đã đặt nó trên đỉnh một ngọn núi, nơi đó nó phóng tỏa ánh sáng muôn ngàn sắc, rực rỡ chói sáng như mặt trờimặt trăng, và rồi nó lại còn phóng ra vô lượng vô số những bảo tháp như khuôn đúc giống như thế ở ngay trên những ngọn núi. Và hai người đàn bà [từ cõi tịnh Urgyen] đã để ý dõi nhìn theo các bảo tháp ấy. Đấy là giấc mơ của tôi. Thế thì giấc mơ ấy có ý nghĩa gì?’

Marpa thầm nghĩ trong bụng, ’Những giấc mơ này rất là tương ứng với nhau,’ và trong lòng ngài tràn ngập niềm hân hoan cực kỳ to lớn, nhưng trước mặt bà vợ thì ngài chỉ nói rằng,’Ta chẳng biết ý nghĩa là gì bởi vì các giấc mộng chẳng có căn nguyên gì cả. Bây giờ ta sẽ đi cầy ruộng gần con đường cái. Hãy chuẩn bị những gì ta cần.’

Bà vợ của ngài trả lời rằng, ‘Nhưng đấy là công việc của những kẻ lao động. Nếu ngài, một đạo sư vĩ đại lại đi làm công việc ấy thì mọi người sẽ cười nhạo chúng ta. Bởi thế, tôi van ngài, xin ngài đừng đi.’ (Lhalungpa, trang 44)

Nhưng lẽ dĩ nhiên, đại đạo sư cứ mặc kệ và ngài cứ đi. Khi ấy, Dagmema chưa đoán biết được chuyện gì sắp xảy ra, nhưng ngài Marpa thì biết. Ngài bảo bà chuẩn bị trước hai hủ bia ‘chang,’ ngài uống hết một hủ, xong rồi ngài đem hủ thứ nhì ra đặt dưới chiếc mũ của ngài ở ngoài cánh đồng, vừa cầy ruộng, vừa chờ tên môn đồ — mà sau này ngài đặt cho cái tên là ‘Đại Phù Thủy’ (Great Magician) — lò mò tìm đến.

***

Từ đó trở về sau, trong suốt quãng thời gian nhiều năm trời khi Milarepa sống cạnh Marpa và phải trải qua những đau khổ tột cùng dưới sự huấn luyện sắt thép của Marpa, Dagmema đã đóng trọn vai trò của một người mẹ, người chị, người bạn và của một y tá viên rất tận tụy và từ ái. Cho dù bên ngoài có vẻ như bà đã làm nhiều điều trái ngược với ý nguyện của đại đạo sư, nhưng bên trong, bà mặc nhiên trở thành một hộ pháp, và là người đã hỗ trợ đắc lực cho vị ‘đại y sĩ’ Marpa khi Marpa phải đảm nhận trọng trách chữa lành các căn bệnh thân và tâm của Milarepa trong kiếp này.

Hằng này bà nấu nướng, bưng dọn thức ăn cho Milarepa. Khi ngài trải qua cơn đau đớn bệnh tật thì bà đưa ngài đến gặp đại đạo sư Marpa, xin thỉnh đạo sư cho ngài được nghỉ ngơi, rồi bà lại đem thức ăn, thức uống bổ dưỡng đến cho ngài. Ngược lại, gặp lúc buồn tủi cần người than thở hay trợ giúp thì Milarepa lại đi tìm bà. Khi cần người làm chứng cho sự trái chứng trở trời của đạo sư Marpa thì ngài một mực cầu cứu bà phải có mặt ở đó để nghe lời Marpa phán. Khi ngài sắp đặt kế hoạch giả vờ bỏ trốn thì ngài nhờ bà giúp đóng chung màn kịch để tạo áp lực cho Marpa. Có lần sau khi đã bỏ đi thật rồi thì trên đường đi, ngài nghĩ lại và lại nhớ đến bà, và ngài đã kể lại rằng:

[Trước khi bỏ đi,] tôi thầm nghĩ trong lòng, ‘Nếu ta đem theo bột lúa mạch của Lạt Ma để làm lương khô thì điều này sẽ càng làm cho ngài thêm giận dữ.’ Tôi đem mớ sách của tôi đi theo, không nói năng từ giã gì ai cả, ngay cả với vị phối ngẫu của Lạt Ma. Trên đường đi, tôi nhớ nghĩ đến sự tử tế của bà và tôi thấy thật trân quý. Đi được nửa ngày đường từ Drowo Lung thì tôi phải dừng chân lại để dùng bữa. Tôi xin được một ít bột lúa mạch rang và mượn được một cái nồi. Gom góp được một ít củi, tôi nấu bữa ăn của mình và ngồi xuống ăn. Đến lúc bấy giờ đã quá trưa rồi và rồi tôi nghĩ, ‘Phân nửa công việc tôi làm là để trả ơn Lạt Ma; phân nửa còn lại là để trả cho miếng ăn. Chuẩn bị một bữa ăn như thế này thôi cũng thật khó khăn đối với tôi. Vị phối ngẫu tâm linh của Lạt Ma đã phải nấu ăn và dọn thức ăn cho tôi hằng ngày, vậy mà tôi đã không nói được cả một lời từ giã bà, tôi quả thật là tên ác ôn! Tôi có nên quay trở lại hay không?’ (Lhalungpa, trang 59)

Cuối cùng, Milarepa đã quay trở lại, bởi vì ngài lại nghĩ tiếp đến lời hứa của bà, rằng nếu đại đạo sư nhất định không chịu ban mật pháp cho ngài thì bà sẽ thu xếpchu cấp cho ngài để giúp ngài tìm một vị đạo sư khác. Nhưng một khi ngài đã tiếp tục chấp nhận theo chân vị đạo sư đầy uy lực phẫn nộ Marpa thì có nghĩa là nhiều lần, Milarepa đã phải trải qua đau đớnthất vọng đến cùng cực, cùng cực và cùng cực.

Khi thân của Milarepa bị bầm dập đầy máu mủ vì phải khuân vác trên lưng những tảng đá to nặng để xây đi xây lại một tòa tháp mà ngài Marpa đã ra lệnh là phải xây cho Darma Dodebum (Dode**), người con trai của ông bà, thì bà Dagmema đã vừa chăm nom, vừa thương khóc, vừa kêu nài đại đạo sư Marpa hãy xót thương và hãy nương tay với người môn đồ này. Bà đã nhiều lần thay ngài thỉnh cầu đại đạo sư Marpa bằng những lời nài nỉ, kêu van, và có lần ‘Đại Phù Thủy’ đã kể lại như sau:

Tôi xây xong tòa tháp và bắt tay vào việc hoàn tất nốt cái hành lang. Nhưng đến lúc ấy thì tôi đã có những chỗ lở lói trên lưng. Máu mủ rỉ ra từ ba vết thương. Tôi đã đưa lưng ra cho vị phối ngẫu của đạo sư xem; thật ra, toàn thể cái lưng tôi là một tảng lở loét lớn. Tôi nài nỉ bà hãy cứu giúp tôi, hãy thỉnh xin đạo sư chỉ dạy giáo pháp cho tôi và hãy nhắc lại cho ngài nhớ về những lời hứa của ngài khi tôi khởi công đổ móng cho tòa tháp. Sư mẫu đã nhìn vào những chỗ lở loét trên thân tôi với tất cả sự quan tâm và những dòng lệ đã trào ra từ đôi mắt của bà. ‘Ta sẽ phải đi nói chuyện với Lạt Ma,’ bà nói như thế. 

Và đến trước mặt Lạt Ma, bà đã nói như thế này: ‘Lạt Ma Rinpoché ạ, công việc mà Đại Phù Thủy đang làm đã làm cho chân tay nó rách loét hết rồi. Trên lưng của nó có ba vết lở lói tuôn ra đầy máu mủ. Tôi đã từng nghe nói, và ngay cả đã từng nhìn thấy, những con ngựa và con lừa với những vết lở loét trên lưng nhưng tôi chưa từng bao giờ nhìn thấy hoặc ngay cả nghe thấy những vết lở loét như thế trên lưng con người. Tôi sẽ thật xấu hổ nếu người khác nhìn thấy hoặc nghe thấy về điều này như vậy. Tôi lại càng xấu hổ hơn nữa khi biết là việc này lại là do một vị lạt ma cao trọng như ngài tạo ra. Bởi vì thằng bé này thật sự rất xứng đáng để đón nhận lòng từ bi, ngài hãy ban giáo lý cho nó đi. Lúc đầu ngài đã nói là ngài sẽ ban giáo huấn cho nó khi nó xây xong tòa tháp mà.’

Lạt Ma trả lời, ‘Đó đúng là điều gì ta đã nói. Ta đã nói là ta sẽ ban giáo lý cho hắn sau khi hắn xây xong tòa tháp cao mười tầng. Vậy mười tầng đâu?’ [Bà vợ của ngài đáp,] ‘Nó đã xây nhiều hơn cả mười tầng rồi. Nó xây nguyên cả một dãy hành lang ở phía dưới.’ [Lạt Ma nói tiếp,] ‘Đừng nhiều lời nữa. Nếu hắn xây xong mười tầng thì ta sẽ chỉ dạy cho hắn. Hắn có bị những vết lở loét thật không?’ ‘Chẳng những nó bị những vết lở loét mà gần như cái lưng của nó chẳng còn lại cái gì cả ngoại trừ lở loét. Nhưng ngài có quá nhiều uy quyền mà, ngài có thể làm bất cứ cái gì chỉ cốt cho mình vui lòng [thay vì quan tâm đến nó].

Nói xong như thế, với một tâm trạng buồn phiền to lớn, bà liền chạy đi tìm tôi. ‘Thôi thì con nên đi cùng với ta đến đó,’ bà bảo thế. (Lhalungpa, trang 54)

Rồi bà đưa ‘Đại Phù Thủy’ đến gặp đại đạo sư. Khi nhìn thấy cảnh tượng ấy thì đại đạo sư cũng đã nhỏ lệ khóc thầm nhưng bên ngoài thì ngài vẫn giữ bộ mặt lạnh lùng không thương xót. Ngài chỉ cho Milarepa cách dùng những miếng vải băng bó các vết thương và Milarepa đã phải khuân đá bằng một cái giây đãi đeo vòng trước ngực thay vì vác trên lưng. Sau đó, ‘Đại Phù Thủy’ lại kể tiếp:

Những vết lở loét của tôi bị nhiễm trùng và tôi lăn ra ốm nặng. Tôi đã nói cho vị phối ngẫu của Lạt Ma biết. Thay mặt cho tôi, bà lại nài nỉ Lạt Ma hãy ban quán đảnh cho tôi, hoặc ít ra là cũng cho phép tôi được nghỉ ngơi và chờ cho các vết lở lói lành lại. Lạt Ma trả lời bà rằng, ‘Ngày nào tòa tháp ấy chưa xây xong thì hắn không có được cho cái gì hết. Nếu hắn có thể làm việc thì để cho hắn làm việc. Nếu hắn không làm nổi nữa thì để cho hắn nghỉ ngơi.’

Sư mẫu nói với tôi là, ‘Cho đến ngày nào mà các vết lở lói trên lưng con chưa lành lại thì hãy nghỉ ngơi.’ Trong thời gian ấy, bà giúp tôi dưỡng sức bằng cách cho tôi thức ănthức uống ngon lành. Trong thời gian vài ngày, tôi cảm thấy rất sung sướng, ngoại trừ nỗi buồn khổ là tôi vẫn chưa được thọ nhận giáo lý. (Lhalungpa, trang 55)

Cuối cùng, khi cả thân lẫn tâm của Milarepa đều rướm máu từ ngoài vào đến trong tận cùng xương tủy thì bà đã hết lòng khuyên lơn, vỗ về ngài rồi bà đi đến quyết định là: “Giữa hai ta với nhau, chúng ta hãy cố gắng nghĩ ra một cái kế gì để cho con có thể đón nhận được giáo pháp.” (Lhalungpa, trang 55)

Thế là Milarepa tính kế giả vờ bỏ trốn đi, và ngài yêu cầu bà phải đóng kịch với ngài và bà đồng ý. Trong khi ngài khăn gói, cột một vài quyển sách cùng ít vật dụng cá nhân vào trên một cái túi đựng bột thì bà giả vờ níu kéo kêu than để cho đại đạo sư nghe thấy.

nói thật lớn giọng, ‘Nếu con thỉnh cầu Lạt Ma thì ngài sẽ ban giáo pháp cho con. Hãy ở lại đây bằng bất cứ giá nào.” Và bà giả vờ kềm giữ tôi lại. Nhìn thấy cảnh tượng ấy, Lạt Ma lên tiếng hỏi, “Bà kia, hai người đang làm cái trò gì ở kia đấy?’ Bà trả lời, ‘Từ lâu lắm rồi, Đại Phù Thủy bảo rằng nó đã đến từ một ngôi làng xa xôi để cầu pháp. Nhưng thay vì được ban cho giáo pháp thì nó chỉ toàn nhận được những lời mắng chửi và những cú đánh đập. Bởi vì nó sợ nó sẽ qua đời mà không có được tín ngưỡng tâm linh, nên nó định bỏ đi tìm một đạo sư khác và nó đang thu dọn ít đồ đạc của nó để ra đi. May phước là tôi năn nỉ nó và hứa với nó là nó sẽ được nhận giáo lý nên tôi đã có thể cầm chân nó.’

Lạt Ma trả lời, ‘Ta hiểu rồi.’ Và rồi ngài bước raliên tục đánh tát vào mặt tôi. ‘Khi ngươi mới đến đây, ngay lập tức ngươi bảo là dâng cúng thân, khẩu, ý của ngươi cho ta. Vậy bây giờ ngươi định đi đâu? Ngươi có chắc là ngươi đang không học được gì không? Bởi vì ngươi thuộc về ta, ta có thể xé xác ngươi, xé khẩu ngữ, xé tâm ý của ngươi ra thành trăm mảnh. Ngay cả như thế, nếu ngươi vẫn cứ muốn đi, thì ngươi trả lời cho ta nghe xem, ngươi định đi đâu với túi bột này của ta?’

Nói như thế xong, ngài tiếp tục đánh tát vào mặt tôi. Ngài giằng lấy cái túi bột và đem nó trở lại vào trong nhà. Sự tuyệt vọng cùng cực của tôi cũng giống như của một bà mẹ vừa mất đi đứa con duy nhất của mình. Tôi nghe theo lời khuyên của vị phối ngẫu tâm linh của ngài, và bởi vì ngài hiện tướng quá ư khủng khiếp, nên tôi run rẩy quay trở lại vào nhà, và tôi bắt đầu khóc sướt mướt. (Lhalungpa, trang 56)

Và rồi trong khi chưa biết phải xoay sở cách nào để cho Milarepa được thọ mật pháp, Dagmema đã mạo muội chỉ bày cho Milarepa pháp thiền quán Dorje Pagmo (tức Vajrayogini). Nhưng bà có phải là Lạt Ma đâu, nên pháp tu mà bà chỉ vẽ cho ngài xem ra chẳng có hiệu quả gì cả. Điều buồn cười và cũng rất dễ thương là lời trần tình thật thà của Milarepa sau đó. Ngài nói:

Vị phối ngẫu của Lạt Ma nói với tôi rằng, ‘Cho dù hai chúng tacố gắng thế nào đi nữa thì Lạt Ma cũng không ban giáo pháp cho con vào lúc này. Nhưng chắc chắn cuối cùng rồi thì ngài cũng sẽ ban cho con. Trong khi chờ đợi thì ta sẽ chỉ dẫn cho con.’

Bà đã chỉ cho tôi phương thức thiền quán về Dorje Pagmo. Việc ấy đã chẳng đem đến được cho tôi một chứng nghiệm nội tâm nào, nhưng ngược lại, rất có ích lợi cho tâm thức của tôi và đã nâng đỡ tinh thần tôi rất nhiều. Tôi đã bày tỏ lòng biết ơn của tôi trước tấm lòng nhân từ của bà, vị phối ngẫu của Lạt Ma của tôi. Tôi nghĩ rằng, là vợ của Lạt Ma, bà có thể tịnh hóa ác nghiệp. Vào mùa hè khi bà vắt sữa bò, tôi cầm cái xô cho bà. Khi bà rang hạt, tôi cầm cái chảo cho bà. Và qua đó, dù là ở đâu, tôi cũng luôn luôn làm các công việc phục vụ giúp bà. (Lhalungpa, trang 56)

Có lần, biết được tin đại đạo sư sắp ban quán đảnh Chakrasamvara cho các đệ tử thì bà lập tức chạy đi báo tin cho Milarepa rồi dặn dò ngài bằng mọi cách phải xin phép tham dự cho bằng được. Lẽ dĩ nhiên, đại đạo sư Marpa lên cơn hung nộ, chẳng những không cho phép mà còn đánh đập, quát tháo, quăng, ném ngài ra ngoài sân. Ngài khóc suốt một đêm và bà lại phải đến tận nơi an ủi tinh thần của ngài rồi bà nói:

Lạt Ma đã từng luôn luôn nói rằng những giáo lý mà ngài đem về từ Ấn Độ là để làm lợi ích cho toàn thể chúng sinh. Ngay cả nếu một con chó hiện ra trước mặt ngài thì ngài cũng sẽ dạy Giáo Pháp cho nó và hồi hướng công đức của việc giảng dạy ấy vì lợi lạc của tất cả. Tại sao ngài lại không chấp nhận con, ta thật không thể hiểu. Dù sao đi nữa, con đừng vì việc này mà phát sinh những tư tưởng xấu ác nhé. (Lhalungpa, trang 53)

Ngay sau đó, bà lại lén đưa cho Milarepa một chậu bơ, một tấm vải và một chiếc nồi đồng nho nhỏ để làm vật cúng dường lên đại đạo sư, những mong Milarepa sẽ được phép thọ một quán đảnh khác là Guhyasamaja. Lẽ dĩ nhiên, đại đạo sư lại hùng hổ từ chối, quát tháo ầm ỉ và thẳng tay trừng trị ngài.

Sau khi đã dâng lên các món cúng dường, tôi đứng vào trong hàng chung với những người khác. Lạt Ma hỏi tôi, ‘Đại Phù Thủy, ngươi đem những phẩm vật gì đến đây để có thể lên đứng chung hàng như thế, hử?’ [Tôi trả lời,] ‘Dạ, một chậu bơ, một tấm vải và cái nồi đồng để nấu ăn này đây ạ.’ [Lạt Ma nói,] ‘Những thứ này đã được dâng lên cho ta trước đây bởi một kẻ khác. Đừng có dâng cho ta vật dụng của chính ta! Nếu ngươi có cái gì khác của riêng ngươi để dâng thì chạy đi lấy nó. Còn không thì đừng có tiếp tục đứng đây.’

Và rồi ngài đứng dậy, chửi rủa tôi, đá mạnh vào người tôi và ném tôi ra bên ngoài. Tôi chỉ muốn chui xuống lòng đất cho xong.


[Sau đó,] vị phối ngẫu của ngài đã đến, đem cho tôi một phần bánh cúng nghi lễ [của lễ quán đảnh Guhyasamaja]. Bà đã an ủi tôi thật nhiều và rồi đã ra về. Nhưng tôi không cảm thấy thèm muốn ăn miếng bánh ấy chút nào, và suốt cả đêm, tôi đã sụt sùi khóc. (Lhalungpa, trang 53-54)

Đến khi cùng quẫn vì chẳng thể làm gì khác được để thuyết phục cho đại đạo sư Marpa siêu lòng, bà lại tiếp tục to gan, bày mưu tính kế để cho Milarepa được toại nguyện. Trước đây bà đã lén đưa cho Milarepa nồi đồng, bơ, vải vóc để dùng làm cúng phẩm cho đại đạo sư, nay bà lại hy sinh châu ngọc, của hồi môn quý giá của bà, rồi sau đấy lại còn dám đánh cắp các bảo vật của pháp vương Naropa mà ngài Marpa vô cùng trân quý, dám giả mạo một lá thư ký tên Marpa để thỉnh cầu Lạt Ma Ngokpa (một đệ tử thượng thủ của Marpa) để vị ấy ban mật pháp cho ‘Đại Phù Thủy.’

Vị phối ngẫu của đạo sư bảo với tôi rằng, ‘Nếu Lạt Ma không thỏa mãn với tòa tháp mà con đã xây cho ngài, và nếu ngài muốn đòi các món quý giá thì hãy dâng cho ngài món quà này và hãy cố gắng bằng mọi cách làm sao để ngài ban quán đảnh cho con.’ Bà đưa cho tôi một miếng ngọc lam sậm màu thật lớn mà bà đã bí mật cất giữ rồi nói, ‘Con hãy thưa thỉnh với ngài trước, và dâng lên miếng ngọc lam này. Nếu ngài không chấp thuận, thì ta sẽ thỉnh ngài cho con.’

Tôi đã dâng cúng miếng ngọc lam ấy cho Lạt Ma và thưa rằng, ‘Con khẩn nài ngài, xin hãy ban truyền giáo lý cho con trong dịp này.’ Và tôi bước đến đứng chung với các đệ tử khác. Lạt Ma nhìn ngắm, xem xét miếng ngọc lam, lật qua rồi lại lật lại. ‘Đại Phù Thủy, ngươi lấy miếng ngọc này ở đâu ra?’ Tôi trả lời, ‘Dạ, sư mẫu đã cho con.’ Lạt Ma mỉm cười rồi bảo, ‘Đi tìm bà ấy cho ta.’ Tôi đã van nài sư mẫu hãy tới nơi.

Lạt Ma nói với bà rằng, ‘Này phối ngẫu tâm linh của ta, chúng ta có được miếng ngọc lam này từ đâu?’ Sau khi đã rạp mình cúi chào ngài, sư mẫu trả lời như sau, ‘Miếng ngọc lam này chẳng phải là điều ngài phải bận tâm. Khi cha mẹ tôi gả cưới tôi cho ngài, ngài đã đùng đùng lên cơn nổi trận lôi đình. Thấy thế, cha mẹ tôi đã bí mật cho tôi miếng ngọc lam này và nói với tôi rằng, ‘Hãy dấu kỹ nó đi, đừng đưa cho ai xem cả. Bất kỳ khi nào con và chồng con phải bỏ nhau, thì rất có thể con sẽ cần nó.’ Tôi đã tặng nó lại cho thằng bé đáng thương này vì tôi cảm thấy tội nghiệp cho nó không thể nào tả xiết. Hãy nhận lấy món cúng dường này và hãy ban quán đảnh cho Đại Phù Thủy đi. Lạt Ma Ngokpa, ông và các môn đồ của ông, hãy thấu hiểu nỗi niềm thống khổ của nó khi nó bị khai trừ khỏi lễ quán đảnh, các ông hãy nói phụ vào giúp cho lời thỉnh cầu này của ta.’

Vừa nói, bà vừa rạp mình đảnh lễ đạo sư nhiều lần. Nhìn thấy Lạt Ma đang hiện tướng hung nộ quá ư kinh khiếp, Ngokpa và các môn đồ của ông không dám hé môi nói nửa lời. Họ chỉ đơn thuần làm một số cử chỉ ưng thuận và rạp mình đảnh lễ cùng với vị phối ngẫu của đạo sư.

Lạt Ma nói, ‘Nhờ vào các lễ điệu tốt lành của vợ ta mà miếng ngọc lam này suýt nữa đã rơi vào tay kẻ lạ.’ Và rồi, quấn đeo sợi giây có miếng ngọc ấy vào quanh cổ, ngài lại tiếp tục nói, ‘Này phối ngẫu tâm linh, bà đã chẳng hề suy nghĩ. Nếu tôi hoàn toàn là chủ của bà, thì tôi cũng là chủ nhân của miếng ngọc lam này của bà. Đại Phù Thủy, ngươi có của cải gì thì đem ra đây và sẽ được ban cho quán đảnh. Còn miếng ngọc lam này là của ta.’ (Lhalungpa, trang 57)

Cũng chính trong lần ấy mà Dagmema đã cùng ngồi khóc thâu đêm với ‘Đại Phù Thủy.’ Bà đã phải vực Milarepa dậy khi ngài muốn tự tìm cho mình cái chết, nhất là khi ngài đã phải liên tiếp hứng chịu những trận đòn thô bạo từ đạo sư mà rồi cuối cùng, vẫn chẳng được ban cho giáo pháp.

Lạt Ma nổi cơn thịnh nộ và nhảy vùng lên! ‘Ta đã bảo mi cút đi, vậy mà mi vẫn còn đứng đây. Đồ xấc láo!’ Ngài đã đá văng tôi dập mặt xuống đất, và tất cả mọi thứ biến thành một màu tối đen. Ngài quăng tôi ngả ngửa ra đất và tôi thấy mắt tôi nổ đầy đom đóm. Và rồi ngài nắm lấy một cây gậy, nhưng Ngokpa đã kềm giữ ngài lại. Quá kinh hoảng, tôi nhảy vọt xuống dưới mảnh sân. Cho dù Lạt Malo lắng quan tâm cho tôi, ngài vẫn giả vờ như ngài còn đang giận dữ.

Tôi không bị thương tích, nhưng tràn đầy niềm thống khổ và tôi thèm khát được chết quách đi cho rồi. Và rồi vị phối ngẫu của Lạt Ma đã đến tìm tôi giữa những hàng nước mắt, ‘Đại Phù Thủy à, đừng quá đau đớn tuyệt vọng. Chẳng có một môn đồ nào lại trung thành và nhiều lòng thương mến đến như con vậy. Nhưng bây giờ nếu con muốn đi tìm một vị đạo sư khác để tu học giáo lý thì ta sẽ sắp xếp chuẩn bị bất kỳ cái gì con cần. Ta sẽ đưa cho con lương thực dự trữ và các món cúng dường.’ Bằng cách ấy, bà đã vỗ về, an ủi tôi. Cho đến khi ấy, bà vẫn thường muốn tham dự tất cả các pháp hội của Lạt Ma. Nhưng tối hôm đó, bà đã đến thăm tôi, và suốt cả đêm, đã cùng ngồi khóc với tôi.
(Lhalungpa, trang 58)

Sau đó, ‘Đại Phù Thủy’ đã thực sự bỏ trốn vì không thể nào chịu đựng được nữa, và đã kể lại như sau:

Khi tôi rời khỏi nhà Lạt Ma rồi, vợ của ngài đã nói với ngài, ‘Kẻ thù không đội trời chung của ông đã bỏ đi rồi đấy. Bây giờ ông thấy vui lòng chưa?’ ‘Ai bỏ đi?’ [Lạt Ma hỏi.] ‘Còn ai nữa, ngoại trừ cái tên Đại Phù Thủy mà ông đã đối xử như một kẻ thù và đã đâm chỉa vào người hắn bất kỳ một sự thống khổ nào mà ông có thể đâm vào được, chứ còn ai?’

Khi nghe xong những lời ấy thì khuôn mặt của đạo sư sa sầm lại và nước mắt của ngài tuôn rơi nhạt nhòa. ‘ Ôi chư Lạt Ma dòng Khẩu Truyền Kagyu, chư Thiên Nữ Dakini và chư Hộ Pháp tâm linh, xin các ngài hãy giao trả lại đứa con trai với túc duyên sâu dầy của con.’ Sau khi cầu nguyện như thế xong, ngài đã che đầu mình lại bằng tấm vải và tiếp tục ngồi yên bất động. (Lhalungpa, trang 59)

Sau lần đó thì lại xảy ra thêm một lần hy hữu nữa, khi bà đã cố tình đãi bia cho đại đạo sư và các đệ tử say bí tỉ, rồi bà lén lấy trộm một số châu báu và chiếc chuỗi tràng bằng hồng ngọc quý giá mà pháp vương Naropa đã ban cho đại đạo sư Marpa. Sau đó, bà viết một lá thư giả mạo gửi Lạt Ma Ngokpa, đóng dấu triện của ngài Marpa lên rồi đưa tất cả cho ‘Đại Phù Thủy’ đem đi cầu pháp. Một thời gian sau thì mọi chuyện vỡ lở ra.

Cho nên bất kỳ khi nào đại đạo sư Marpa lên cơn hung nộ, quở trách, đánh mắng Milarepa thì cùng một lúc ngài cũng quở trách, đôi khi đánh mắng cả bà. Với trí tuệ và cái nhìn tinh tế và xuyên suốt, ngài biết rằng Milarepa suy nghĩ, toan tính những gì là bà cũng dự phần vào những toan tính ấy y như thế, dù là gián tiếp hay trực tiếp.

Trong cơn giận dữ, Marpa chỉ tay vào người tôi và gầm hỏi, ‘Ngươi lấy những thứ này ở đâu ra?’ Trái tim của tôi quằn quại trong đau đớn, giống như nó vừa bị xé toạc ra. Tôi ngậm câm miệng lại trong niềm kinh hãi. Và rồi, bằng một giọng nói run rẩy, tôi thú nhận rằng sư mẫu là người đã đưa những thứ ấy cho tôi. Lạt Ma liền nhảy dựng lên và rút cây gậy ‘acacia’ ra với ý định muốn đánh đòn bà vợ của ngài. Nhưng bởi vì từ nãy đến giờ, bà đã lắng nghe một cách hết sức chăm chú [và biết được chuyện gì sắp xảy ra] nên bà cũng nhảy dựng lên và co chân chạy. Ẩn mình nương náu trong chánh điện, bà khóa chặt cửa lại.

Lạt Ma dộng ầm ầm vào cánh cửa, sau đó ngài quay ra và ngồi xuống. Ngài nói với Ngokpa, ‘Ngokton Chodor, ngươi đã hành động mà không được phép của ta. Hãy đi ngay bây giờ và lấy các thứ châu bảo của Naropa cùng với chuỗi tràng bằng hồng ngọc của ngài về lại đây.’ Sau đó, Marpa lấy tấm vải choàng của ngài che đầu của ngài rồi ngài ngồi yên bất động.

Sau khi đã đảnh lễ sư phụ, Ngokpa lập tức chạy đi để lấy về những món châu bảo và chuỗi tràng bằng hồng ngọc của Naropa. Tôi thật ân hận là tôi đã không chạy trốn cùng với bà vợ của ngài. Tôi cảm thấy muốn khóc, và trong khi tôi đang cố kềm giữ không để những giọt lệ tuôn trào thì Ngokpa nhìn thấy tôi.
(Lhalungpa, trang 69)

***

Cuối cùng, khi đại đạo sư Marpa ưng thuận ban mật pháp vô thượng cho Milarepa thì Dagmema là người mà ngài Marpa đã sai đi tìm Milarepa để đưa đến gặp ngài.

Một vị sư đã kể lại hết cho Marpa nghe về những diễn tiến ấy. Marpa trả lời rằng, ‘Trong quá khứ, nếu hắn nói như vậy thì là đúng. Nhưng ngày hôm nay, ta sẽ không làm giống như những gì ta đã làm trong quá khứ nữa đâu. Đại Phù Thủy bây giờ sẽ là vị thượng khách chính. Hãy phái sư mẫu đi tìm hắn và đem hắn đến đây cho ta!’ 

Vị phối ngẫu của Lạt Ma đã vừa mỉm cười, vừa lo sợ, nói với tôi rằng, ‘Huynh Đệ Đại Phù Thủy (Brother Great Magician) ơi, bây giờ có vẻ như là Lạt Ma đã chịu nhận con làm một đệ tử rồi! Có vẻ như là chính lòng từ bi của ngài đã làm cho ngài bị chấn động sâu xa. Ngài nói rằng bây giờ con là thượng khách của ngài, và ngài đã sai ta đi tìm con. Ngài cũng không nói những lời nặng nề mắng nhiếc ta nữa. Vậy chúng ta hãy hoan hỉ và hãy cùng nhau đi thôi.’ (Lhalungpa, trang 72-73)

 

a_song_for_dagmema_marpa002Và rồi trước mặt hàng đệ tử của ngài, đại đạo sư Marpa đã đi đến kết luận như sau:

‘Nếu quán xét mọi thứ một cách kỹ càng, không có một ai trong chúng ta đáng bị trách cứ. Ta chỉ thuần túy thử thách Đại Phù Thủy để giúp tẩy sạch các tội ác của hắn. Nếu việc xây tòa tháp là để lợi lạc cho chính bản thân ta thì ta đã nhẹ nhàng hơn trong khi ra mệnh lệnh rồi. Bởi thế, ta đã hết sức chân thành. [Còn Dagmema,] là một người phụ nữ, cho nên bà cũng không có gì sai quấy khi không thể nào chịu đựng nổi cảnh tượng ấy. Nhưng bởi vì quá mức từ bi mà bà đã đánh lừa bằng những bảo vật và lá thư giả mạo [để giúp Milarepa thọ pháp], và đấy mới thật là một sự nuông chiều quá độ.’


‘Cho dù cái nóng giận của ta dâng trào lên như nước lũ, đây không phải là sự sân giận thế tục. Và cho dù mọi chuyện thể hiện như thế nào chăng nữa thì các hành động của ta luôn luôn đến từ những quán chiếu tâm linh, và tự trong cốt tủy, đều phù hợp với Con Đường Giác Ngộ.’ (Lhalungpa, trang 74)

Khi ấy, Milarepa đã tịnh hóa được tất cả các ác nghiệptích tụ được đầy đủ công đức, phước duyên, ngài được đại đạo sư Marpa ban cho giáo pháp mật điển thâm diệu, là con đường có thể dẫn đến Phật quả chỉ trong một đời. Khi ấy, cũng chính là sự mãn nguyện và niềm hạnh phúc to lớn nhất của Dagmema.

 ***


Nhưng ngoại trừ những dịp vui hiếm hoi như thế thì từ đầu đến cuối câu chuyện, chỉ toàn thấy Milarepa kể lại về những lo âu nặng trĩu và công việc đa đoan của bà. Bà bận rộn làm việc suốt cả ngày và phải thu vén mọi việc trong ngoài đâu ra đó, từ việc vắt sữa, rang hạt, cho đến nấu ăn, chuẩn bị đàn tràng, đãi tiệc, sắp xếp các nghi lễ và các cúng phẩm cho đạo sưđệ tử trong các buổi thỉnh pháp hoặc quán đảnh, v.v. Phần còn lại thì không biết bao lần bà đã phải ngồi an ủi và khóc chung với ngài. Nghĩa là phần lớn chỉ toàn chuyện muộn phiền.

Thật ra, chẳng phải chuyện gì liên quan đến Dagmema cũng có tính chất bi quan hay sầu thảm, bởi vì ngay trong những câu chuyện phiền não mà lại vẫn có chút gì đó rất khôi hài. Có thể đó là do bởi lối kể chuyện của ngài Milarepa. Nên đôi khi tôi vừa đọc mà vừa phải phì cười, nhất là những khi nghe đại đạo sư Marpa quở trách bà cùng với Milarepa. 

Nói chung, những phản ứng và tính toán của Dagmema phần lớn dựa vào cảm tính. Khi xưa, bà đã ngồi khóc suốt đêm cùng Milarepa trong lúc ngài đau khổ cùng cực. Thì giờ đây, khi thấy Milarepa được toại lòng và sung sướng, bà đã hoan hỉ gieo mình xuống đất đảnh lễ đại đạo sư Marpa, để tạ ơn Marpa đã đồng ý ban các giáo pháp mật điển tối thượng cho Milarepa. Lâu về sau nữa, khi Marpa quyết định ban cho Milarepa những pháp tu tối mật, chỉ truyền riêng một thầy một trò thì bà là người đã chứng kiến và Marpa đã sai phái bà phải thu xếp, chuẩn bị chu đáo các nghi lễ thỉnh pháp và cúng dường cho ngài. Khi Milarepa đóng cửa ẩn tu trong một thời gian dài, bà đã theo chân đại đạo sư Marpa đến tận nơi thăm hỏi, đem cho thức ăn, thức uống, và hân hoan với những thành quả khi ‘Đại Phù Thủy’ trình bày về những sở đắc và chứng ngộ của mình cho đại đạo sư nghe.

Với bản chất đơn thuần thấm đượm lòng nhân từ, trong suốt cuộc hành trình hỗ trợ cho đại đạo sư Marpa rèn luyện Milarepa, có vẻ như bà đã hành xử trong khả năng và hiểu biết rất giới hạn của mình, đôi khi quá chân chất, đôi khi thiếu sự khôn ngoan khéo léo. 

Nhưng giả sử nếu không có Dagmema trong cuộc đời của đại đạo sư Marpa thì cũng sẽ không có Dagmema trong cuộc đời của tên sát nhân hay ‘Đại Phù Thủy’ mà sau này trở thành đại thánhdu già Milarepa. Không có bà trong cuộc đời của ‘Đại Phù Thủy’ thì sẽ chẳng có ai liên tiếp vực Milarepa dậy sau những lần bị Marpa chửi rủa, quát tháo, lôi kéo, đánh đập, quăng, ném, nghĩa là phải cắn răng nhẫn chịu sự bầm dập của cả thể xác lẫn tinh thần trong nhiều năm tháng, để tịnh hóa cho sạch tận các ác nghiệp trước khi được Marpa chính thức cho phép thọ nhận các pháp tu thâm diệu của mật thừa.

Khi ta đọc về những sắp đặt, mưu toan của bà để giúp cho Milarepa có thể thành tựu ước nguyện, đôi khi chúng tacảm giác như bà đang bày ra những trò trẻ con rất đỗi buồn cười. Đúng thật là đối trước cái rắn rỏi sắt đá đầy trí tuệ của đại đạo sư Marpa thì chúng ta có thể sẽ phải bật cười trước cái giản đơn và ngây thơ trong các lời nói và các toan tính của bà, từ những câu nói giận dỗi đầy châm biếm bà dành cho Marpa khi bà chứng kiến cung cách hành xử mà bà cho là quá tàn nhẫn của ngài, cho đến những ngụy tạo rất ngây ngô để đánh lừa Marpa, chỉ mong sao cho Marpa bị mắc mưu mà đồng ý ban cho Milarepa mật pháp...

Nhưng cho dù là như thế thì sự chân thành của Dagmema, tâm nguyện ngày đêm của bà làm sao để cho Milarepa được thọ phápthành tựu giáo pháp thì lúc nào cũng như lúc nào, không kém gì sự chân thành cực kỳ sâu thẳm của chính Milarepa. Qua những ứng xử và cảm xúc của bà, bà cho chúng ta cái cảm giác là hình như bà thành tâm cầu pháp cho Milarepa còn hơn cả cầu cho chính bản thân mình.


***

Mới đây, trên một chuyến bay trở về lại Hoa Kỳ từ một nơi xa xôi, tôi đã vô tình đọc được một bài ca mà ngài Marpa đã hát cho Dagmema nghe khi người con trai ruột yêu quý của bà tên là Darma Dodebum (Dode) đã phải lìa đời sau khi xảy ra tai nạn té ngựa trên đường đi.

Lúc đầu, tôi có chủ tâm muốn đọc về Dagmema đâu. Quyển sách tôi quyết định lấy ra khỏi va-li để cầm lên máy bay là quyển sách tiểu sử của đại đạo sư Marpa mà tôi đã thỉnh được tại một hiệu sách rất phong phú trong một khu phố sầm uất ở bên Nepal. Khi đem quyển sách ấy lên máy bay, tôi cứ ngỡ là mình sẽ có dịp đọc được thêm nhiều câu chuyện về những kinh nghiệm gian khổ và phi thường của Marpa khi ngài lặn lội đi cầu đạo nơi xa xôi vạn dặm.

a_song_for_dagmema_marpa003Quyển sách ấy có tựa đề là “Marpa, Dịch Giả Tây Tạng Huyền Bí” (“Marpa, Tibetan Translator Mystic”) do Jungney Lhamo biên soạn (Heritage Publishers, New Delhi, India, 2010). Vừa về lại từ núi thiêng Lapchi nơi đức Milarepa đã dầy công tu luyệnchứng quả Phật, nên đi đâu tôi cũng chỉ nghe thấy âm hưởng của Lapchi, và tôi mong muốn tìm hiểu nhiều, nhiều hơn nữa về người thầy quá sức dị thường này của Milarepa – vị đại đạo sư Marpa Lotsawa có một không hai!

Không có chủ ý đọc về Dagmema nhưng sau một giấc ngủ dài trên máy bay, tôi tỉnh dậy, nửa tỉnh nửa mơ, lật lật vài trang trong sách ra xem và rất tình cờ, đã mở ra ngay đúng trang 156, gần cuối sách, trong đó có “Bài Ca Số 13.” Trong cuộc đời chúng ta, hình như luôn luôn có những sự việc xảy ra bắt đầu bằng những sự ngẫu nhiên mà cũng chẳng thật phải là ngẫu nhiên. Đây là bài ca mà đại đạo sư Marpa đã hát cho Dagmema nghe khi con trai của họ lìa đời. Tôi nghĩ rằng ngài đã hát cho bà nghe bài hát này cũng vì sự đau đớn cùng cực và vì những giọt lệ tuôn ra từ trong trái tim sầu khổ của bà. Trên chuyến bay dài xuyên qua đại dương vào nửa đêm, tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần bài ca ấy.

Khi đọc xong thì bỗng dưng tôi lại nhớ đến những giọt nước mắt sầu thảm của Dagmema nhiều năm sau nữa, khi Milarepa quyết định ra đi. Lần ấy, ngài Marpa đã cho phép Milarepa trở về lại làng cũ, và từ đó trở về sau, Milarepa tiếp tục lang thang, dong duỗi đến những rặng núi hoang sơ để tu tập trong những hoàn cảnh cực kỳ gian khó, cho đến tận ngày đạt thành chánh quảĐại đạo sư Marpa đã báo trước cho Dagmema và Milarepa biết rằng sau chuyến quy hồi cố hương ấy của Milarepa thì có lẽ cả ba người sẽ không còn gặp lại nhau lần nữa trong cuộc đời này. Khi nghe xong về những điều như thế, Dagmema đã động lòng, khóc lóc thảm thiết, y như khi con trai ruột của mình gặp phải tai nạn và qua đời.

Và khi ấy, đại đạo sư Marpa lại phải khai thị và nhắc nhở bà. Trong những ngày chờ đợi ở Kathmandu để bay lên được thánh địa Lapchi với sư phụ Garchen Rinpoche, hình như tôi đã có chép một đoạn những lời khai thị này gửi đi cho các huynh đệ kim cang đọc.

Lạt Ma nói với bà rằng, ‘Dagmema, vì cớ gì bà lại khóc? Bởi vì Mila đã thọ nhận các giáo huấn của dòng khẩu truyền từ Lạt Ma của hắn, và bởi vì bây giờ hắn sắp lên đường đi đến những rặng núi hoang vu để tu tập ư? Như thế lại là lý do cho những giọt nước mắt hay sao? Nguyên nhân chân chính nhất của những dòng lệ là suy niệm về tất cả các chúng sinh, tuy có đầy đủ khả năng để trở thành những vị Phật nhưng họ vẫn không tỉnh giác về điều này và sẽ chết đi trong đau khổ. Và lý do đặc biệt hơn nữa để cho những giọt lệ tuôn rơi là suy niệm về những chúng sinh, cho dù đã đạt được thân người hiếm quý nhưng cuối cùng vẫn sẽ phải lìa đời mà chẳng hề gặp được Giáo Pháp. Nếu vì những điều như thế mà bà nhỏ lệ khóc, thì hãy khóc liên tục không ngưng nghỉ!’

Sư mẫu trả lời rằng, ‘Tất cả những điều ấy là đúng. Nhưng thật là khó khăn để cảm nhận được một lòng từ bi như thế ấy liên tục không ngưng nghỉ. Con trai ruột của tôi, là người đã đạt được trí tuệ và sự thấu hiểu về sinh tửniết bàn, là người lẽ ra có thể hoàn thành được mục đích lợi lạc cho bản thân và cho các chúng sinh khác, nhưng do bởi cái chết mà đứa con trai ấy đã phải xa lìa chúng ta rồi. Bây giờ, đến đứa con trai này đây, tràn đầy lòng tín tâm, sự nhiệt thành, trí tuệtừ bi, là người luôn luôn tuân thủ bất kỳ một yêu cầu hay đòi hỏi nào dành cho hắn. Hắn hoàn toàn không có một lỗi lầm nào. Giờ đây, hắn lại sẽ rời xa chúng ta trong khi đang còn sống. Đó là lý do tại sao tôi không còn chút sức lực nào để chịu đựng được niềm đau xót này.’

Sau khi đã nói xong những lời ấy, bà lại tiếp tục than van, khóc khóc. Còn tôi, tôi đã nghẹn ngào trong những tiếng nấc. Chính Lạt Ma cũng đã rơi lệ. Đạo sưđệ tử như nhau, cùng xót xa với những cảm xúc dành cho nhau và những giọt nước mắt của chúng tôi đã làm ngừng bặt mọi ngôn từ.

Ngày hôm sau, bình minh ló rạng. Đạo sư đem cho tôi rất nhiều lương thực dự trữ, và với khoảng mười ba người đệ tử khác, cả đoàn cùng đi theo tiễn chân tôi trong suốt nửa ngày đường. Trong cả khoảng thời gian ấy, họ bước đi với nỗi buồn trĩu nặng trong tim, nói với tôi những lời thân ái và họ trao cho tôi những dấu hiệu của lòng mến thương.” (Lhalungpa, trang 95)

Sau lần chia tay ấy thì ngài Marpa và Dagmema không còn bao giờ gặp lại Milarepa trong cuộc đời ấy nữa.

***
Khi về lại nhà sau chuyến đi xa, Bài Ca Cho Dagmema của đại đạo sư Marpa đã làm cho tôi bỗng rất quan tâm đến bà và tôi phát tâm muốn viết bài giới thiệu này về bà để chia sẻ về tấm lòng chân thành cầu pháphộ pháp của bà đối với Milarepa.

Nhưng tôi cũng có cảm giác mạnh mẽ là cho dù không phải là Milarepa mà là bất kỳ ai khác, nếu họ lâm vào hoàn cảnh như thế thì chắc chắn sự quan tâm của bà cũng không giảm kém. Bản thân bà đã chịu nhiều đau khổ khi phải mất đi đứa con trai yêu quý. Cho nên rất có thể bà đã xem Milarepa chẳng khác nào con ruột của mình để khỏa lấp cho sự mất mát quá lớn lao kia. Nhưng trong suốt khoảng thời gian Milarepa đã tìm đến được Drowo Lung, vất vả làm lụng, đổ móng, xây các tòa tháp khác nhau thì con trai bà vẫn còn sống. Và khi ấy, sự lo lắng, quan tâm của bà cho tên ‘Đại Phù Thủy’ – là kẻ đã tạo ác nghiệp và là một người hoàn toàn xa lạ -- cũng vẫn rất tròn đầy chẳng khác nào như đối với một người thân yêu

Khoảng mấy ngày cuối cùng trước khi cả đoàn rời khỏi thánh địa Lapchi vào đầu tháng tám vừa qua, sư phụ Garchen Rinpoche đã cho gọi tôi lên để dặn tôi cùng với một cô bạn người Mã Lai là hãy nhớ dịch qua tiếng Việt và tiếng Hoa bài đạo ca cuối cùng mà ngài Milarepa đã hát trăn trối cho Rechungpa trước khi ngài xả bỏ báu thân. Rồi ngay sau đó, sư phụ lại bảo thầy Gar Tulku Chime Dorjee nhắc đi nhắc lại mấy lần với tôi rằng, “Con hãy nhớ luôn luôn đọc tiểu sử của Milarepa, hãy thường xuyên đọc đi đọc lại tiểu sử của Milarepa.” Tôi đã mạnh dạn trả lời sư phụ, “Dạ có, dạ chắc chắn có mà, con luôn luôn đọc, thường xuyên đọc mà sư phụ!”

Thật sự là tôi đã vẫn luôn làm điều ấy từ trước đến nay. Tôi thường tìm được những câu trả lời cho bản thân mình trong quyển tiểu sử của Milarepa và trong pho sách “Trăm Ngàn Bài Ca” của ngài. Có một lần rất nhiều năm trước, cảm thấy quá phiền não và bế tắc, tôi đã thành tâm khẩn nguyện sư phụ, rồi tôi ngồi xuống, mở quyển sách tiểu sử Milarepa ra đọc. Lần ấy, tình cờ mà cũng không phải là tình cờ, tôi giở vào đúng ngay cái trang có những hàng chữ sau đây (trong bản Việt dịch của Đỗ Đình Đồng). Đây chính là ‘lời vàng của thầy tôi’ với sức công phá cực kỳ mạnh mẽ, đã hiện ra vào đúng thời, đúng lúc, để giúp tôi thoát khỏi được cơn bế tắc tâm linh của mình:

Nếu cháu không giữ được hạnh nhẫn nhục với một người như thím, là kẻ luôn luôn muốn làm hại cháu, thì cháu còn giữ được hạnh nhẫn nhục với ai? Nhưng cháu có dùng cánh đồng đó để làm gì? Nếu tối nay cháu chết đi, cháu đâu còn hưởng gì được nữa? Nhưng hạnh nhẫn nhụccon đường chắc chắn để trở thành Phật, và vì thế, nó có giá trị hơn cánh đồng nhiều.

Trước giờ trong khi đọc tiểu sử của Milarepa, tôi cũng đã có ghi tâm về một số những câu chuyện liên quan đến Dagmema. Tuy có đọc, có nhớ nhưng lâu nay tôi vẫn chỉ thấy bà là một cái bóng nhạt mờ; tôi nghĩ bà chỉ đóng vai phụ, đôi lúc tôi lại còn lơ mơ nghĩ bà giống như một người... ‘phụ việc vặt’ cho ngài Marpa. Mấy hôm nay, trong khi chờ đợi người hiệu đính Anh ngữ gửi trả lại cho mình bản hiệu đính cuối cùng của tập sách tiểu sử của Garchen Rinpoche mà tôi đang soạn, tôi đã dùng khoảng thời gian ‘ở giữa’ này để ngồi đọc lại những mẩu chuyện về Dagmema trong tiểu sử của Milarepa.

Tôi mới ngẫm lại để thấy ra là, trong suốt cả quá trình rất dài và rất cam go mà đại đạo sư Marpa phải đóng vai hung thần để hành hạ, thử thách Milarepa, và ngài Marpa đã bắt buộc phải đứng riêng lẻ về một phía, thì chính những lúc ấy, bà Dagmema và Milarepa đã xuất hiện cùng một lúc, cùng hiện hữu trong cùng một không gianthời gian. Những lúc Milarepa xuống dốc đến mức độ cùng cực, và nhiều lần đã từng cùng cực như thế, thì bà Dagmema đã hiện ra giống như một cây đại thụ giữa cánh đồng trống trong ngày nắng gắt.

Và qua đó mà tôi cũng cảm nhận được một cách rõ rệt hơn nữa, là đại đạo sư Marpa đã phải đóng vai hung thần lạnh cảm trong vở kịch phẫn nộ như thế nào thì ngược lại, bà Dagmema cũng đã phải hoàn thành trách nhiệm của mình trong những màn kịch đầy lòng từ bi, mẫn cảm y như thế ấy, để cưu mang, che chở cho người học trò có một không hai của đại đạo sư, trong giai đoạn tịnh hóa ác nghiệp, và trong quá trình rèn vàng thử lửa cực kỳ gian lao. Một ngày kia, khi ‘Đại Phù Thủy’ đắc quả Phật thì chắc chắn toàn thể pháp giới, toàn thể chúng sinh trong sáu nẻo luân hồi cũng sẽ được hưởng ánh sáng từ bi-giác ngộ, chẳng khác nào như trong hai giấc mơ tương ứng mà cả bà lẫn đại đạo sư Marpa đều đã nằm mộng thấy.

Nhân dịp này tôi đã chuyển dịch một số mẩu chuyện và một vài bài ca liên quan đến Dagmema qua tiếng Việt. Những mẩu chuyện đã được ghi lại ở những đoạn trên, còn đính kèm phía dưới bài giới thiệu này là ba bài ca: (1) Bài Ca Cho Dagmema do đại đạo sư Marpa hát cho Dagmema khi Dodebum đột ngột lìa đời; (2) Bài Ca Từ Biệt do Milarepa hát cho đại đạo sư Marpa và Dagmema và (3) Bài Ca Tiễn Chân Milarepa do chính Dagmema hát khi giã từ Milarepa. (Xin xem tiếp những trang sau).


Tâm Bảo Đàn
_____________________________________________________
(*) Dagmema / Dakmema: Đắc-mê-ma 
(**) Dodebum / Dode: Đô-đê-bum hay Đô-đê


Bài Ca Cho Dagmema

(Marpa)

Con xin quy mạng lễ chư tôn sư.

Đối trước vị phối ngẫu trí tuệ, là người truyền bá và thấu hiểu Giáo Pháp,

Những lời khuyên này, ta muốn nói với Dagmema (*).

Hãy bình tâm, đừng trộn lẫn tâm ấy với những gì thế tục.

Hãy đánh thức sự kiên địnhbuông bỏ niềm đau.

Con trai chúng ta, Dodebum (**), con trai mà chúng ta vô cùng trân quý,

Đã bước vào cảnh giới của tịnh quang.

Và qua đó, lòng từ của con ta có khác nào các đấng tôn sư.

Ta sẽ giải thích về điều này xuyên qua bảy lời nhắc nhở về hư ảo.

 

Chẳng có ai để làm cho ta phải sầu khổ.
Với tâm bình đẳng dành cho chúng hữu tình,

Hãy trân quý mọi chúng sinh với lòng từ ái, Dagmema.
Dagmema, hãy xóa đi niềm sầu khổ về con trai chúng ta.
Kinh điển và những bản văn khác
Đã được chép lại bằng vàng,

Và những biểu tượng linh thiêng của thân, khẩu và ý
Đã được kiến tạo

lợi lạc của Dode (**), con trai chúng ta.

Nhưng Dode đã bước vào cảnh giới của tịnh quang.

Những biểu tượng linh thiêng trở thành vô chủ,
Khác nào cầu vồng giữa trời.

Với sự trực ngộ rằng tất cả các huyễn tướng đều rỗng rang,

Ta chẳng thể tìm ra được một ai để cưu mang, chăm sóc.

Tuy thế, hãy cúng dường lên tất cả những ai xứng đáng, Dagmema.

Ôi Dagmema, hãy xóa đi niềm sầu khổ về con trai chúng ta.

 

Mật điển và các luận giải được thu thập xuyên qua gian khó,

Những giáo lý trực chỉ của tinh túy cô đọng,

Cốt tủy của những gì ta đã góp nhặt,

Những pháp tu thâm diệu này,

Cùng với những bản dịch qua ngôn ngữ văn chươngthông dụng,

Tất cả đã được học hỏi cũng bởi vì lợi lạc của Dode, con trai chúng ta.

Nhưng Dode đã bước vào cảnh giới của tịnh quang.

Giáo Pháp trở thành vô chủ,
Khác nào trong tay ta chỉ có một danh sách liệt kê châu báu.
Với sự trực ngộ rằng Giáo Pháp hoàn toàn bình đẳng,

Ôi Dagmema, hãy ban rải Giáo Pháp ấy cho tất cả.

Ôi Dagmema, hãy xóa đi niềm sầu khổ về con trai chúng ta.

 

Thức ăntài sản gom góp trong cần kiệm,

Cùng lũ gia súc và đàn cừu mà các đệ tử đã cúng dường,

Tất cả đã được tích lũylợi lạc của Dode, con trai chúng ta.

Nhưng Dode đã bước vào cảnh giới của tịnh quang.

Tài sản trở thành vô chủ,
Khác nào của cải chôn dưới lòng đất chưa người khai quật.

Với sự trực ngộ rằng mọi sở hữu là Đại Ấn Mahamudra,

Làm gì có nhu cầu phải chăm nom, giữ gìn các thứ ấy.

Ôi Dagmema, hãy cho đi tất cả.

Ôi Dagmema, hãy xóa đi niềm sầu khổ về con trai chúng ta.

 

Các tòa nhà và những cánh đồng nơi quê cha đất tổ Pesar,

Và tòa tháp mà Mila đã khổ công xây đắp,

Tất cả cũng vì lợi lạc của Dode, con trai chúng ta.

Nhưng các tòa nhà trở thành vô chủ,
Khác nào kinh thành của các hương thần gandharva.

Với sự trực ngộ mảnh đất này chính là hiện tướng-tánh không huyễn ảo,

Bám chấp và tham luyến vào chúng chỉ là phù phiếm mà thôi.

Ôi Dagmema, hãy buông bỏ mọi bám chấp và tham luyến.

Ôi Dagmema, hãy xóa đi niềm sầu khổ về con trai chúng ta.

 

Đối xử lịch thiệp với quyến thuộc trong gia tộc Mar,

Nhưng quay lưng lại với kẻ thù và những người làm ta khó chịu,

Tất cả cũng vì lợi lạc của Dode, con trai chúng ta.

Nhưng Dode đã bước vào cảnh giới của tịnh quang.

Với sự trực ngộ rằng hiện tướng chính là tâm,

Thì có sự khác biệt nào giữa kẻ thù và bằng hữu.

Ôi Dagmema, hãy thiền định về tất cả như pháp thân.
Ôi Dagmema, hãy xóa đi niềm sầu khổ về con trai chúng ta.

Nói chung, đấy chính là đặc tánh của tất cả những gì giả hợp,

Rốt ráo, chúng chẳng thể nào vĩnh viễn thường còn.

Nói riêng, sự nối kết và mối liên hệ giữa chúng ta và Darma Dode

Đã kết thúc.

Đây là nghiệp của chúng ta,

Chẳng thể nào làm gì khác được.

Ôi Dagmema, đừng đau lòng nữa.

Ôi Dagmema, hãy xóa đi niềm sầu khổ về con trai chúng ta.

 

Có còn gì đâu ngoài Giáo Pháp cho chúng ta.

Hãy đối xử từ hòa với những kẻ cùng khốn.

Chúng ta còn lại sáu đứa con trai,

Nhưng chẳng có hy vọng gì chúng sẽ trở thành những người trì giữ các giáo huấn.

Dù thế, hãy trân quý chúng bằng lòng từ ái,

Như đã từng trân quý Darma Dode của chúng ta.

Ôi Dagmema, đừng đau lòng nữa.

Ôi Dagmema, hãy xóa đi niềm sầu khổ về con trai chúng ta.

 

Nương theo lời tiên tri của Đại học giả Naropa,

Dòng truyền thừa của các đệ tử-các con yêu của ta

Sẽ rực rỡ như trăng rằm,
Ngày càng chiếu sáng, ngày càng lan tỏa.

Những giáo huấn Khẩu Truyền Kagyu sẽ hưng thịnh và trải rộng, lan xa.

Những lợi ích vĩ đại dành cho các giáo huấn và cho chúng sinh

Sẽ viên thành.

Ôi Dagmema, hãy hoan hỉ, hãy hạnh phúc.

Ôi Dagmema, hãy xóa đi niềm sầu khổ về con trai chúng ta.
(Lhamo, trang 156-159)

______________________________________

Bài Ca Từ Biệt

(Milarepa)

Lạt Ma nói, ‘Hai chúng ta, cha và con [sư phụđệ tử], hãy cùng nhau thiền định. Này phối ngẫu tâm linh, hãy chuẩn bị một đại tiệc.’ Trong khi chúng tôi dâng các phẩm vật cúng dường thì Lạt Ma lại nói với tôi: ‘Con trai ta, con đã gặt hái được những hiểu biết chân chính như thế nào từ những giáo huấn đặc biệt của ta? Hãy thư giãn và hãy nói cho ta biết những cảm nghiệm và chứng nghiệm cùng sự hiểu biết mà con đã đạt được.‘

 

Trong một hành động chứa chan sự tín tâm và lòng tôn sùng đối với Lạt Ma, tôi đã quỳ xuống và chắp hai bàn tay lại. Mắt tôi đẫm lệ. Tôi cung kính đảnh lễ ngài [để tạ ơn] về tất cả những gì mà tôi đã thấu triệt, và tôi đã hát Bài Ca Bảy Nhánh Quy Ngưỡng:

 

Ôi Đạo Sư, dưới mắt của những kẻ phàm phu đang cầu đạo,

Ngài hóa hiện trong muôn vàn hình tướng

Nhưng đối trước hải hội chư Bồ Tát thuần khiết,

Ngài hiện ra trong Báu Thân Phật, con xin đảnh lễ ngài.

 

Ngài đã tuyên thuyết, vang lừng âm thanh của sáu mươi diệu âm của Phạm Thiên,

Về giáo lý thiêng liêng, xuyên qua tám vạn bốn ngàn pháp môn vi diệu,

Người người đều hiểu rõ, xuyên qua từng ngôn ngữ riêng.

Con xin đảnh lễ trước kim khẩu của ngài,

Không tách lìa khỏi tánh Không vốn sẵn có.

Trong pháp giới của Pháp thân linh độngsáng tỏ,

Không có ô nhiễm nào của đối đãi nhị nguyên,

Nơi ấy bao trùm trí tuệ toàn tri toàn giác.

Con xin đảnh lễ tâm thức của Pháp Thân Bất Động.

 

An trú nơi cung điện của tánh Không thanh tịnh,

Dagmema Bất Động – trong sắc thân huyễn ảo,

Là Mẹ của Chư Phật trong ba thời.

Dagmema, con xin quy mạng lễ.

 

Ôi Đạo Sư, với lòng kính ngưỡng chân thành, con cũng xin đảnh lễ
Chư vị đệ tử tâm linh mà ngài đã thu phục trước đây,

Là những đứa con yêu luôn tuân hành mệnh lệnh,

Cùng vô lượng những môn đồ đang theo gót chân ngài.

 

Xin cúng dường lên Đạo Sư thân này của con,

Cùng tất cả những gì đáng giá có thể hy sinh,

Trong toàn bộ pháp giới, trong toàn thể vũ trụ.

 

Con xin sám hối tất cả các tội lỗi đã tạo, mỗi một nghiệp đã gieo,

Xin tùy hỉ với các thiện hạnh của muôn người khác,

Xin thỉnh cầu ngài chuyển bánh xe Pháp rộng và xa.


Con nguyện cầu Lạt Ma toàn hảo tối thượng sẽ mãi trường thọ

Cho đến ngày chúng sinh trong toàn cõi luân hồi không còn sót lại một ai.

Nguyện công đức tâm linh của con sẽ đem lại lợi lạc cho tất cả.

Con không đến trước Lạt Ma cùng vị phối ngẫu tâm linh của ngài để đền đáp công ơn của chư vị – sư phụsư mẫu của con với sự thiện lành không thể sánh – bằng những phẩm vật đắt giá hay qua công đức phụng dưỡng. Nhưng ngày nào con còn sống thì con nguyện xin dâng lên những gì tốt lành nhất trong khả năng của con mà con đã đạt được qua công phu thiền định, và con nguyện xin chư vị hãy đón nhận sự thấu hiểu rốt ráo tối thượng mà con cũng sẽ đạt được trong cung điện Ogmin.’ (Lhalungpa, trang 75-79)


____________________________

Bài Ca Khi Tiễn Chân Milarepa
(Dagmema)

Và rồi Lạt Ma nói, ‘Con trai ta, ta có niềm hy vọng to lớn và hy vọng của ta đã trọn thành.’ Tâm ngài tràn đầy niềm hoan hỉSư mẫu cũng nói, ‘Đứa con trai này của ta có một sức mạnh của tâm để có thể đạt được thành tựu vĩ đại.’

‘Hãy giữ gìn những lời này của ta trong ký ức và hãy hành trì, đừng lãng quên.’ Nói như thế xong, Lạt Mạ bày tỏ một niềm hỷ lạc lớn. Sau đó, sư mẫu đã cho tôi rất nhiều lương thực dự trữ, áo quần và giầy bốt mới. Và rồi, bà nói:

 

‘Con trai ta, những thứ này mà ta cho con như là lời từ biệt theo hình thức thế gian, những thứ ấy chỉ thuần là vật chất. Bởi vì đây là cuộc hội ngộ lần cuối cùng của chúng ta như mẹ và con trong kiếp này, ta mong ước cuộc ra đi này của con sẽ tràn đầy hoan lạc. Ta cầu nguyện rằng ở Bờ Bên Kia, chúng ta sẽ lại được tái hợp cùng nhau nơi Cảnh Giới Urgyen của các Thiên Nữ Dakini. Ta mong con sẽ không quên những lời ca mà ta sẽ hát lên từ trái tim mình, hãy xem đây như là một sự giã biệt tâm linh.’

 

Bà tặng cho tôi một cái kapala (bình bát sọ người) và một chiếc bình chứa đầy rượu nghi lễ, và rồi bà cất tiếng hát bài ca sau đây:

 

 Ta xin đảnh lễ dưới chân Marpa tột cùng độ lượng.

Con trai ta, với sức mạnh của tánh kiên trì và lòng kham nhẫn,
Với sự dịu dàng, vững chãi, ngập tràn tình cảm mến thương,
Ôi con trai may mắn của ta ơi,
Hãy uống cạn cam lộ của Lạt Ma,
Rượu thơm của trí tuệ toàn hảo,

Hãy uống cho tận cùng thỏa mãn,

Và rồi hãy ra đi.

Nguyện cho chúng ta sẽ gặp lại nhau nơi cõi Tịnh Độ,

Như sự tái hợp của những người bạn quý.

 

Không hề quên cha và mẹ của con,

Trong cơn hiểm nghèo, hãy khẩn gọi không ngừng nghỉ.
Hãy ra đi sau khi đã thọ hưởng các giáo lý,

Thọ hưởng những gì nuôi dưỡng trái tim con.

Hãy nuốt sâu vào lòng và hãy quyện hòa với chúng.

Nguyện cho chúng ta sẽ gặp lại nhau nơi cõi Tịnh Độ,

Như sự tái hợp của những người bạn quý.

 

Chẳng bao giờ quên, hãy luôn nhớ nghĩ đến lòng từ

Của cha và mẹ từ bi,
Và hãy kiên cường trong khi tu tập.
Hãy khoác lên tấm áo ấm nồng hơi thở

Của các Thiên Nữ Dakini,

Để sưởi ấm trên con đường thiên lý.

Nguyện cho chúng ta sẽ gặp lại nhau nơi cõi Tịnh Độ,

Như sự tái hợp của những người bạn quý.

 

Chẳng bao giờ quên chúng sinh bất lực,

Hãy để tâm an trú trên con đường tỉnh giác
Đưa con đến giác ngộ.

Hãy khát khao đem lại sự giải thoát cho toàn thể pháp giới,

Và khi bước chân ra đi,
Hãy cưu mang Giáo Pháp trên đôi vai

Bằng sức mạnh vĩ đại.

 

Con trai ta ơi, ta, Dagmema, là người với nhiều may mắn,

Đã hát cho con nghe tự trái tim mình.

Hãy cất giữ những lời này trong trái tim con.

Đừng quên chúng.

Mẹ của con sẽ nhớ nghĩ đến con.

Mẹ và con, tâm thức và trái tim hai chúng ta cùng hòa hợp.

Nguyện cho chúng ta sẽ gặp lại nhau nơi cõi Tịnh Độ,

Như sự tái hợp của những người bạn quý.

 

Nguyện cho lời cầu nguyện này của ta sẽ được viên thành.
Nguyện cho con đền đáp được lòng từ của Lạt Ma bằng công phu hành trì Giáo Pháp.

 

Sau khi đã hát những lời như thế, bà đã nhỏ lệ khóc rất nhiều. Và tất cả những người có mặt cũng đều khóc sướt mướt và bày tỏ sự đau buồn. Còn tôi, tôi đã đảnh lễ và chạm đầu tôi vào đôi chân của sư phụsư mẫu. Tôi xin các vị hãy ban cho tôi sự gia trì. Rồi cứ thế mà tôi đi lùi về phía trước mặt cho đến khi tôi không còn nhìn thấy được khuôn mặt của Lạt Ma nữa. Những người có mặt ở đấy, nước mắt đầm đìa, tiếp tục dõi trông theo tôi. Tôi miễn cưỡng bước chân ra đi. Cuối cùng, khi nhìn thấy là giờ đây sư phụsư mẫu đã xa tít tắp không thể nhìn thấy được nữa thì tôi mới [quay lưng lại và] bước tới phía trước mặt, và sau khi băng qua một thung lung nhỏ thì tôi mới quay đầu nhìn lại. Lạt Ma và các môn đồ vẫn còn đứng ở chỗ cũ, hiện ra giống như là một khối màu nâu ở tận phía xa xăm. Tôi tự hỏi không biết tôi có sẽ bao giờ quay trở về lại nữa hay không. (Lhalungpa, trang 99-100) 

 

Tâm Bảo Đàn
California, cuối tháng 8/2012



Bản PDF: BÀI CA CHO DAGMEMA - Tâm Bảo Đàn

Source: thuvienhoasen
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 11546)
Khi đem cái “tôi” đặt xuống đất giá trị nhân cách ấy trở nên đáng quý thanh cao, khi cố công tạo dựng một cái “tôi” cho cao sang nó lại hóa ra tầm thường rẻ rúng.
(Xem: 13532)
Những giọt lệ của A Tư Đà là kết tinh của chí nguyện, ưu tư và sự tha thiết của một hành giả đã dành trọn đời mình để tầm cầu chân lý tối hậu.
(Xem: 14121)
Đức Phật ra đời là mang lại cho thế gian niềm tinhạnh phúc tuyệt đối. Ngài là người kêu gọi và khen ngợi một cuộc sống không thù hằn và cuộc sống hướng đến tiến bộ.
(Xem: 10300)
Sớm mai ấy, nơi vườn Lâm Tỳ Ni hoa Vô Ưu Mạn Đà La bừng nở và chim Ka Lăng Tần Già bay lượn, cất tiếng hót vang lừng đón mừng thái tử Tất Đạt Đa...
(Xem: 10766)
Có Phật trong lòng là có tất cả, có bầu trời trong xanh mây trắng, có phương trời giải thoát giác ngộ, có bờ kia mình vừa mới vượt qua, bờ của cứu cánh an vui…
(Xem: 11315)
nguyện lực Người chôn vùi cát bụi A-Tăng-kỳ, bao kiếp nối đường quanh Từ Đâu-suất gót mờ vang bóng nguyệt
(Xem: 11268)
Hai ngàn sáu trăm hai mươi ba năm trước Thế giới ba ngàn sinh diệt diệt sinh Cõi hồng trần kết bằng nghiệp tham ái sân si...
(Xem: 11420)
Bảy đóa hoa sen tinh khiết, là biểu hiện cho cả sức sống cao thượng ngàn đời, là hình ảnh sống động mang chất liệu yêu thương, chứa đầy hùng tâm, hùng lực vững bước độ sanh.
(Xem: 10161)
Phật dạy, cùng tôn thờ một đấng Đạo Sư, cùng tu hành theo một giáo pháp, cùng hòa hợp như nước với sữa, thì ở trong Phật pháp mới có sự tăng ích, sống an lạc.
(Xem: 9959)
Vâng, tôi có thật nhiều bậc thầy, những bậc bồ-tát. Có khi họ dạy tôi bằng lời, có khi chỉ im lặng, có khi bằng hành động, có khi bằng sự dấn thân hy sinh...
(Xem: 10690)
Kính lạy Ðức Thế Tôn bậc Giác Ngộ của loài người. Ngài thị hiện vào cõi Ta bà trong tấm thân hài nhi bé nhỏ nhưng tâm hồn Ngài vượt khỏi phàm nhân.
(Xem: 11310)
Nhật Bản, từ thời kỳ đầu của triều đại Asuka (538-645), lễ tắm Phật vào ngày mùng tám tháng tư âm lịch hằng năm đã có tổ chức tại các chùa lớn...
(Xem: 42184)
Hán dịch: Tam Tạng Sa Môn Thật-Xoa Nan-Đà (Siksananda), người xứ Vu Điền (Khotan), phiên dịch vào đời nhà Đường của Trung Hoa; Việt dịch: Ban Việt Dịch Vạn Phật Thánh Thành
(Xem: 10475)
An nhẫn là hạnh tối thắng của chư Phật. An nhẫn là thọ nhận mọi chướng duyên và khổ nạn với tâm bình lặng, giống như mặt đất thọ nhận tất cả mọi vật...
(Xem: 11849)
Ðối với Phật đạo, siêu vượt trói buộc của tử sanh phiền não, nhơn quả luân hồi là một việc rất thực tế, hoàn toàn không phải là điều viễn vông hay mơ mộng.
(Xem: 10006)
Tắm Phật không đủ, cần phải tắm mình. Cho trôi mọi thứ tập tục đời thường. ÐẠO mà Phật nói, một bộ A Hàm, Thắng Man, Pháp Hoa v.v… Biết bao kinh điển chỉ bảo phương tiện...
(Xem: 10450)
Phật tánh ấy là giao điểm trên cùng tầng số giác ngộ và đồng nhịp điệu với Pháp thân của đức Như Lai. Đón mừng Phật đản chính là để khơi cái tánh giác nơi thâm cung trong tiềm thức của mỗi chúng ta.
(Xem: 10611)
Sách Phật tổ Thống ký thuật là dưới đời Đường, vua Hỷ tông năm 873 TL, ngày tám tháng Tư, thiết lễ Phật đản bằng cách rước kiệu di tích đức Phật từ Phụng hoàng Pháp môn về Lạc dương.
(Xem: 45733)
Khi đức Phật phát ra bất-khả-thuyết bất-khả-thuyết tiếng vi diệu như thế xong, thời có vô lượng ức hàng Trời, Rồng, Quỉ, Thần ở trong cõi Ta-bà...
(Xem: 32102)
Địa tạng chú trọng cả sinh và chết. Địa tạng rất trọng thị hạnh phúc nhân loại. Địa tạng hay nói Phật giáo, nhưng chữ ấy không có nghĩa tôn giáo của Phật, mà là giáo huấn của Ngài... HT Thích Trí Quang
(Xem: 11316)
Cuối cùng thì một con đường vô thường này mỗi người chúng ta đều phải đối diện! Tuy nhiên, Phật A-di-đà đã từng phát đại nguyện muốn cứu độ tất cả chúng sanh niệm Phật.
(Xem: 10692)
Trên một bình diện cao hơn, Ðức Phật dạy tất cả chúng sinh đều có khả năng thành Phật. Nghĩa là cái hạt giống giác ngộ hay cái năng lực giác ngộnăng lực tiềm ẩn...
(Xem: 11315)
Đức Phật ra đời là một dấu móc tâm linh quan trọng nhằm khai mở ánh sáng giải thoát và phát huy khả năng giác ngộ trong mỗi con người để vượt qua mọi khổ đau do vô minh chấp thủ.
(Xem: 10623)
Đạo Phật với con đường thoát khổ thiết thực, nhân bản, với phương châm từ bi hỷ xả xóa bỏ chấp thủ, hận thù sẽ tiếp tục sứ mệnh hóa giải khổ đau cho nhân loại.
(Xem: 13453)
Trong thế gian ngã chấp, lấy mình làm trung tâm của vũ trụchạy theo quyền thế, Đức Phật dạy chúng ta lý tưởng cao quý của sự phục vụ bất cầu lợi.
(Xem: 12363)
Sau khi Đức Phật nhập diệt, các đệ tử đã thực hiện đúng lời di chúc của Ngài là lấy pháp làm nơi nương tựa. Do đó, việc kết tập các giáo pháp của Ngài là việc làm cấp bách...
(Xem: 11013)
Cuộc đời của Đức Phật vẫn là một gương lành, là bài ca siêu thoát, là một tác phẩm tâm linh không thể nào diễn tả hết được chiều sâu vô tận...
(Xem: 10607)
Tôi tin rằng, cội nguồn của mọi hành động, lời nóiý nghĩ thiện lành chính là tình thương yêu bao la, rộng rãi đối với mọi người, mọi vật.
(Xem: 12306)
Lâm Tỳ Ni đã từng là nơi mà những nhà chiêm bái học giả như Ngài Pháp Hiền vào thế kỷ thứ V và Ngài Huyền Trang vào thế kỷ thứ VII...
(Xem: 11158)
Sống theo đúng năm giới thì sống thọ: Ðó là lời Ðức Phật dạy, mà cũng là một Chân lý được các bậc minh triết phương Ðông khẳng định.
(Xem: 11834)
Ngược dòng lịch sử cách đây hơn 25 thế kỷ, đức Từ Tôn, cứu thế đã xuất hiện giữa Trung Ấn Ðộ để sau này trở thành một bậc Ðại Vĩ Nhân mở đầu cho một kỷ nguyên an lạc và giải thoát.
(Xem: 29243)
Trong sách này Ngài Sayadaw diễn tả đầy đủ phương pháp quán niệmgiải thích với đầy đủ chi tiết đường lối suy tư về lý vô ngã có thể dẫn đến mức độ thành tựu Niết Bàn.
(Xem: 9207)
Khi ánh sáng chiếu rọi khắp gian phòng bóng tối tự nhiên biến đi. Cũng tương tự như thế khi tâm ta, lòng từ bi hiện diện, thì hận thù không còn nơi để trú ngụ nữa.
(Xem: 10532)
Hôm nay ngày Phật đản lại về, con đứng trước dung nhan tôn tượng của Ngài, con hướng tâm về Lâm Tỳ Ni để nghe lại tiếng nói trong lòng con và nghe những âm thanh hòa reo...
(Xem: 10222)
Ðức Phật không chỉ là một nhân vật lịch sử được cả thế giới biết đến, mà còn là một bậc Giác ngộ vĩ đại, một vị Thánh nhân trong tâm tưởng của mọi người.
(Xem: 10575)
Người Ấn thường dùng hoa sen để chỉ cho sự ra đời của Đức Phật. Tổ tiên chúng ta đã đồng cảm về điều ấy, nên 2.000 năm về trước, từ những nụ sen mọc trên khắp quê hương...
(Xem: 10905)
Nhìn lên Tôn Tượng của Đức Phật, gương mặt thoáng nhẹ nụ cười mỉm, thanh thoát như toả ra một sức sống hiền dịu. Một con người bình thường siêu việt trên những con người bình thường...
(Xem: 10798)
Phật giáo là một tôn giáo được ngưỡng mộ nhất trên thế giới hiện nay, được sáng lập bởi Đức Phật Thích Ca hiệu Gautama, với niềm tin vào hòa bình, từ bitrí tuệ...
(Xem: 32118)
Đức Phật Thích Ca đã dạy rằng: “Đức Phật chân thật không ở bên ngoài mà nơi Tâm mỗi chúng ta”. Cũng như thế, chư Thiên hay Quỷ thần không ở bên ngoài mà ngay nơi tâm chúng ta...
(Xem: 27374)
Tâm tánh của chúng sinh dung thông không ngăn ngại, rộng lớn như hư không, lặng trong như biển cả. Vì như hư không nên thể của nó bình đẳng...
(Xem: 17773)
Tây phương Cực lạccảnh giới thanh tịnh giải thoát. Thanh tịnhvô nhiễm là thuần thiện, giải thoát là vượt ngoài ba cõi, vượt ngoài ba cõi là xả ly thế gian.
(Xem: 11852)
Mùa trăng tròn Tháng Tư năm Tân Mão, ngược dòng thời gian 2011 năm hết dương lịch, đi xa hơn nữa 634 năm về trước, có một đấng Cồ Đàm Thích Ca Mâu Ni ra đời tại vườn Lâm Tỳ Ni...
(Xem: 12278)
"Văn hóa Tịnh độ" được thiết lập theo các quy chuẩn, giá trị vật chấttinh thần nhất định. Thứ nhất, đây là cảnh giới không có khổ đau, chỉ có hạnh phúc...
(Xem: 10440)
Thế Tôn niêm hoa và một làn hương vĩnh cửu bay đi. Chỉ một Ca Diếp mỉm cười. Thế cũng đủ. Ðủ cho một làn hương trao. Ðủ cho Phật pháp ra đi và trở về.
(Xem: 11695)
Mỗi năm khi mùa hè sắp đến, nhân gian lại rộn rã, hân hoan chào đón ngày Phật Đản, ngày ấy người ta không thể nào không nhắc đến chữ “Lumbinī” hay “Lâm Tỳ Ni”.
(Xem: 10417)
Sự kiện đức Phật đản sanh là bức thông điệp hạnh phúc bước ra thế giới khổ đau, đánh thức sự hướng tâm vào thế giới an lạc của sự vận hành...
(Xem: 10771)
Xuất thân là một vị thái tử, nhưng không bị những xa hoa vật chất nơi cung vàng điện ngọc lôi cuốn, thái tử Tất Đạt Đa sớm tỉnh ngộ trước cảnh sinh, lão, bệnh, tử...
(Xem: 28055)
Vào năm 1986-1987 Hòa Thượng giảng Kinh Nguyên Thủy; đối chiếu Kinh Pali (dịch ra Việt Ngữ) và A Hàm tại Thường Chiếu giúp cho Thiền sinh thấy rõ nguồn mạch Phật Pháp từ Nguyên Thủy đến Đại ThừaThiền Tông.
(Xem: 10141)
Tôi bước những bước chân chậm rãi trong chánh niệm, tìm được sự an lạc trong mỗi bước chân đi, nhịp thở điều hoà làm nở hoa dưới gót chân tôi bước...
(Xem: 10275)
Trí tuệ bao giờ cũng chiếm một địa vị ưu tiên, tối thắngtối hậu trong đạo Phật. Giới-Định-Tuệ nói lên hai căn tánh sẵn có trong mỗi người...
(Xem: 10636)
Đức Phật ra đời cách đây đã hơn hai thiên niên kỷ. Thời ấy, phương tiện ghi chép lịch sử chưa được như ngày nay, chủ yếu là truyền miệng từ đời này sang đời khác...
(Xem: 10761)
Nhìn thế giới và tự nhìn mình, ta dễ có một nỗi mừng runtri ân cuộc đời. May mắn thay, ta không rơi vào một ý thức hệ độc thần...
(Xem: 11219)
Hàng năm, vào thời điểm Tháng Tư Âm lịch, chúng ta lại được nghe nói về một người siêu phàm đã đến với thế gian này, cách nay gần 2600 năm.
(Xem: 10391)
Cuộc hành trình từ vô lượng kiếp của Ðức Phật, trải qua nhiều thân Bồ Tát và đến thân tối hậu có tên là Sĩ Ðạt Ta gói trọn trong một bài kệ gồm 4 câu...
(Xem: 10688)
Ân sâu hướng đạo về thanh tịnh, Nghĩa lớn độ sinhpháp thân. Trong cõi thanh bình đầy phúc lạc Vừng dương soi nẻo, tự đưa chân.
(Xem: 11464)
Tháng tư ấy rất xưa mà mới Đóa sen hồng phơi phới mãn khai Ca Tỳ La Vệ trang đài Ngàn sao rực rỡ đẹp thay đất trời.
(Xem: 18241)
Tôi treo cờ Phật giáomục đích tôn xưng, vì bổn phận và trách nhiệm (nếu có) chứ hoàn toàn không vì ý nghĩa tâm linh mong được phù trợ nào cả - Dương Kinh Thành
(Xem: 10515)
Tồn tại trên 2500 năm lịch sử trong một thế giới có rất nhiều tôn giáo, điều đó nói lên tính ưu việt của đạo Phật, một tôn giáo không có giáo điều mà chỉ tùy duyên truyền đạt - Thích Nữ Chân Liễu
(Xem: 12839)
Ngày nào cũng vậy, lúc nào con cũng mong sẽ nhìn thấy đôi mát, nụ cười, dáng ngồi tĩnh tại của Người. Nhìn đôi mắt ấy, con có thể mỉm cười hay bật khóc mà không cần cố gắng.
(Xem: 11748)
Mùa này tháng Tư rất xưa mà rất nay, đóa đóa sen hồng thơm ngát mãn khai. Thành Ca Tỳ La Vệ thuở ấy rực rỡ muôn ngàn vì sao. Đêm mười lăm trăng treo trên đỉnh hoàng triều...
(Xem: 29167)
Giáo - Lý - Hạnh - Quả là cương tông của Phật pháp. Nhớ Phật, niệm Phật thực là đường tắt để đắc đạo. Thời xưa, cứ tu một pháp thì cả bốn (Giáo - Lý - Hạnh - Quả) đều đủ.
(Xem: 28574)
Một chủ đề chính của cuốn sách này là qua thực hành chúng ta có thể trau dồi tỉnh giác lớn lao hơn suốt mỗi khoảnh khắc của đời sống. Nếu chúng ta làm thế, tự dolinh hoạt mềm dẻo liên tục tăng trưởng...
(Xem: 28272)
Nếu ai nấy chẳng làm các điều ác thì những sự tổn hại chúng sanh đều sẽ chẳng ai làm, tham-sân chẳng đủ để tạo thành tai họa vậy!
(Xem: 13313)
Thời điểm linh thiêng nhất của ngày và đêm là giờ phút Ngài thị hiện, thực sự đã trở thành ngày trọng đại với người Phật tử, nhất là với người Phật tử làm thơ.
(Xem: 22766)
Chân thật niệm Phật, lạy Phật sám hối, giữ giới sát, ăn chay, cứu chuộc mạng phóng sinh. Đó là bốn điểm quan trọng mà sư phụ thường dạy bảo và khuyến khích chúng ta.
(Xem: 13430)
Xuân về muôn vật xôn xao, rừng mai hé nụ ngạt ngào thiền hương.
(Xem: 11561)
Tất Đạt Đa dụng Pháp lành Tay Ngài hai mở Tinh Anh muôn loài Từ Quang Phật Đản sáng soi...
(Xem: 13801)
Giữa bao tiếng niệm Phật Tiễn người về cố hương Mẹ ra đi đi mãi Cho con cháu tiếc thương!
(Xem: 25696)
Con đường thiền tậpchánh niệm tỉnh giác, chứng nghiệm vào thực tại sống động. Khi tâm an định, hành giả có sự trầm tĩnh sáng suốt thích nghi với mọi hoàn cảnh thuận nghịch...
(Xem: 26060)
Cuốn Ba Thiền Sư ghi lại cuộc đời của Ikkyu Sojun (1394-1481), Hakuin Ekaku (1686-1768), và Ryokan Taigu (1758-1831). Mỗi vị Sư đều hiển lộ Thiền Tông trong cách riêng.
(Xem: 22292)
Với người đã mở mắt đạo thì ngay nơi “sắc” hiện tiền đó mà thấy suốt không chướng ngại, không ngăn che, nên mặc dù Sắc có đó vẫn như không, không một chút dấu vết mê mờ...
(Xem: 14478)
Đức Phật, sự đản sinh, thành đạonhập niết bàn của Ngài được chúng ta kỷ niệm mỗi năm vào ngày lễ Vesak, đã để lại cho nhân loại kho tàng giáo lý rộng sâu...
(Xem: 12059)
Những giá trị cốt lõi của đạo Phật là một gia sản có thể được chia sẻ trong các cuộc hội đàm về tất cả những vấn nạn phức tạpnhân loại đang đối mặt ngày hôm nay.
(Xem: 11790)
Hạnh phúc thay cho loài người chúng con; được tận mắt chứng kiến bảy bước chân trên bảy đóa hoa sen của Ngài đang bước đến với chúng con, tỏa ánh hào quang diệu pháp...
(Xem: 11688)
Xin mời quí vị và các bạn theo dõi cuộc hội thoại bỏ túi giữa các huynh trưởng quen thuộc A, B, C bàn về những cảnh đặc biệt của chuyện phim “Little Buddha”...
(Xem: 11483)
Đức Phật xuất hiện ở cõi đời, đem ánh sáng đến với cõi đời, và ánh sáng đó được những đệ tử của Ngài trao truyền cho nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác...
(Xem: 33163)
Thiền Tông nhấn mạnh vào mặt kinh nghiệm cá nhân, nhắm đưa từng con người chúng ta giáp mặt trực tiếp với chân lý trong ngay chính hoàn cảnh hiện tiền của chúng ta.
(Xem: 31830)
Các pháp thế gian đều kỵ chấp trước, chỗ qui kính của Thích tử không ai bằng Phật mà có khi vẫn phải quở. Bởi có ta mà không kia, do ta mà không do kia vậy.
(Xem: 12014)
Xá Lợichân thân của Đức Phật, sau khi Đức Phật nhật Niết Bàn, kim thân của Ngài được trà tỳ (hỏa táng) do nhân duyênnguyện lực đại từ bi của Đức Phật...
(Xem: 39608)
Quả thật, chân lý thiền vốn ở ngay nơi người, ngay trong tự tâm chúng ta đây thôi. Vậy ai có tâm thì chắc chắc có thiền, không nghi ngờ gì nữa.
(Xem: 22470)
Bắt đầu bằng cách bỏ qua một bên tất cả những mối quan tâm ở bên ngoài, và quay vào quán sát nội tâm cho đến khi ta biết tâm trong sáng hay ô nhiễm, yên tĩnh hay tán loạn như thế nào.
(Xem: 11954)
Một mùa Phật Đản nữa lại đang đến gần chúng ta, đến với những người con Phật của một đất nước có bề dày hơn hai ngàn năm Phật giáo.
(Xem: 14215)
Ngài đi đến khắp đó đây Học tu với các vị Thầy trứ danh Mặc dù Ngài đã tựu thành Đến chỗ cao nhất, sánh bằng Tôn Sư.
(Xem: 13343)
Vào đêm ấy, canh ba, giờ đã tới Bao nhiêu người đang ngon giấc mê man Tất Đạt Đa đang ưu tư chờ đợi...
(Xem: 14302)
Một ngày ấy, Hoa Vô Ưu bừng nở Niềm hân hoan khắp thế giới ba ngàn Có bảy đóa sen hồng nâng gót ngọc...
(Xem: 12057)
Có một vị Thánh nhân tên là Siddhartha đã thị hiện ra đời cách đây 2634 năm để tiếp nối hạnh nguyện cứu độ muôn loài vượt qua khổ ải sanh tử, đưa đến bờ Giác...
(Xem: 10390)
Phát tâm bồ đềbước đầu để vận dụng năng lực tâm linh cho đúng hướng. Thi thiết từ bitrí tuệtriển khai diệu lực vô hạn của tâm bồ đề đó qua hai bình diện...
(Xem: 11223)
Tắm Phật còn là một cách nhắc nhở chúng ta tịnh hóa thân tâm, gột rửa dần tham lam, sân hậnsi mê, nhờ vậy mà chúng tathể đạt được chân hạnh phúc trong cuộc sống.
(Xem: 13291)
Nghi thức diễu hành xe hoa trong Đại Lễ Phật Đản Phật Giáo Bắc Truyền có nguồn gốc từ Ấn Độ được truyền đến Đông phương.
(Xem: 34505)
Đây là phần thứ 2 trong 3 phần chính của cuốn Zen no Rekishi (Lịch Sử Thiền) do giáo sư Ibuki Atsushi soạn, xuất bản lần đầu tiên năm 2001 tại Tôkyô.
(Xem: 12609)
Khi đức Phật ra đời, ánh sáng thắp lên giữa rừng đêm tối, thả xuống sông đời chiếc thuyền cứu độ. Biết bao người nhẹ nhàng sống trong ánh sáng của bậc đạo sư.
(Xem: 12219)
Ngày Phật đản được xem là ngày Tết của những người con Phật, bởi vì đây là thời khắc lịch sử đánh dấu sự ra đời của một Bậc Siêu nhân - Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.
(Xem: 13526)
Rõ ràng, Phật đã Đản sinh ngay từ lúc phát khởi tâm niệm nguyện thay thế cho tất cả chúng sinh đang chịu khổ đau...
(Xem: 12617)
Đức Phật cho rất nhiều, mà chẳng hề đòi lại dù bao nhiêu. Thế Tôn sống đời tự tại, không toan tính muộn phiền, không lo lắng ưu tư.
(Xem: 12962)
Tuy là Bậc Đạo sư sáng lập Phật giáo, song các kỳ tích của Phật Thích Ca Mâu Ni đã vượt khỏi khuôn khổ của một vị Phật lịch sử để trở thành những biểu tượng kỳ vĩ...
(Xem: 16290)
Từ địa vị thái tử, nhờ công phu tự thân tu tập, tự thân hành trì, tự thân chứng ngộ, Ngài trở thành Bậc Giác ngộ giữa đời...
(Xem: 11730)
Tôi lặng yên ngắm nhìn bàn chân, gót hài Đức Phật bước trên đài sen. Kính cẩn chiêm bái Đức Từ Phụ đang mỉm cười và tôi cũng mỉm cười...
(Xem: 27376)
Thật ra chân lý nó không nằm ở bên đúng hay bên sai, mà nó vượt lên trên tất cả đối đãi, chấp trước về hiện hữu của Nhị Nguyên. Chân lý là điểm đến, còn hướng đến chân lý có nhiều con đường dẫn đến khác nhau.
(Xem: 28421)
Trong tiếng Phạn (Sanskrit), từ "Thiền" có ngữ nguyên là dhyâna. Người Trung Hoa đã dịch theo âm thành "Thiền na". Ý nghĩa "trầm tư mặc tưởng" của nó từ xưa trong sách vở Phật giáo lại được biểu âm bằng hai chữ yoga (du già).
(Xem: 13395)
Phật là hoa sen, hoa sen là Phật. Khi Ngài sinh ra bước đi trên bảy đóa hoa senhình ảnh biểu đạt con đường đi đến thăng chứng qua bảy giai trình tu tập...
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant