Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Bài Mới Nhất trang Văn Học
Điền Email để nhận bài mới

Công Án Là Gì?

15 Tháng Tám 201000:00(Xem: 6820)
Công Án Là Gì?

HỎI:
Tôi là một thiền sinh gặp rất nhiều khó khăn khi tìm hiểu công án. Vậy xin quý Báo cho biết công án là gì và có cách nào giúp dễ dàng tiếp cận tìm hiểu công án không? (TRẦN VĂN HIỂU, Cần Thơ)

ĐÁP:

Mục đích của tu Tổ Sư Thiền làm ngưng lại dòng tâm ý thức (thường lưu) trôi chảy liên tục trong tâm con người từ thời vô thuỷ. Chư Tổ Sư dùng cơ xảo để làm cho đương cơ bật ngược lại, vượt qua bức màn vô minh từ thời vô thủy, vượt qua luôn bờ bên kia của vô thủy vô minh, hoàn toàn giác ngộ, như vàng đã tôi luyện, loại bỏ hết tạp chất.

Bản thể chân tâm của chúng ta vốn thanh tịnh, nhưng vì môt niệm bất giác, tức nhất niệm vô minh sinh khởi, nên sinh ra ý thức phân biệt, gây thành có ta, có cái không phải ta, sinh ra đối đãi, từ đó dòng tâm ý thức tham sân si dấy lên, ngày càng dầy đặc, càng trôi lăn trong vòng sinh tử luân hồi tạo nghiệp trả quả, vay trả không ngừng. Nay muốn trở về cội nguồn thì phải dừng được dòng tâm ý thức. Nghĩa là dừng lại những tạo tác của ý thức thường nghiệm, luồng tư tưởng, những ý niệmnhận thức.

Thoạt kỳ thủy, chưa có công án, mà chỉ là cơ xảo của chư Tổ, tùy theo theo căn cơ của người đối diệntháo gỡ vướng mắc đã khiến họ kẹt cứng, không hội nhập lại bản thể được, thí dụ như Lục Tổ hỏi thượng tọa Huệ Minh:

- Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của thượng tọa Minh?

Nghe câu đó, thượng tọa Minh ngơ ngác, trong một sát na dòng tâm ý thức bị khựng lại, bản thể hiển lộ lập tức. Những thí dụ như trong một ngàn bảy trăm công án đều là những câu vấn đáp của chư Tổ, chính là để đương cơ "khựng ngay dòng ý thức lại". Mỗi vị đều có những câu khác nhau, tùy theo nhận xét của thầy mà đưa câu hỏi cho trò.

Người sau thấy những câu hỏi đáp đó đã giúp khai ngộ cho đệ tử, bèn thu thập lại, rồi đề ra cho người tới xin tu, cho họ một câu, gọi là "một tắc công án", để họ tự hỏi hoài, thành ra một nỗi thắc mắc nhân tạo, coi như dụng cụ để giúp người tu thiền có thể ngưng đọng tâm tư, tạo được khối nghi, chờ một ngày kia có trợ duyên, khối nghi bùng vỡ, là Ngộ.

Càng về sau, tâm tư con người càng phức tạp, biện luận càng nhiều. Người tu dùng công án để tạo thắc mắc, nghi tình thì ít, đem công án ra để bình giải thì nhiều, công án nhà Thiền biến thành công cụ để bình luận văn thơ, đã không giúp cho dòng ý thức ngưng, còn khai triển ra đủ loại tư tưởng đối nghịch, biến thành trò chơi chữ nghĩa. Trong trường hợp đó, công án không còn phục vụ sứ mạng tạo nghi tình, lại lấp bít con đường đi tới giác ngộ chân chính. (BBT)

Như vậy:

(1) “công án Thiền không phải là một đối tượng nhận thức, vì cứu cánh của chúng vượt lên trên ngôn ngữ chấp trước của tri thức, đó là một cảnh giới mà kinh Bát Nhã gọi là" VÔ SỞ ĐẮC," kinh Kim Cương gọi là"VÔ SỞ TRỤ," kinh Lăng Già gọi là"CẢNH GIỚI CỦA THÁNH TRÍ TỰ CHỨNG." (Xem thêm: CÔNG ÁN THIỀN VÀ VẤN ĐỀ NHẬN THỨC - Thích Đức Thắng)

(2) “Công án thiền cũng là ngôn ngữ, là hành động nhưng chúng ta không thể hiểu nó bằng tư duy, phân biệt hay suy lường, mà chỉ có thể thâm nhập nó, "biết" nó bằng trực giác. Thế nên những công án Thiền không phải là đối tượng để cho chúng ta có thể tiếp cận hay hiểu nó bằng cảm quan, tình thức, bằng học vấn, suy tư hoặc có thể mổ xẻ, lý giải bằng ngôn ngữ, văn tự theo cách hiểu thông thường. Nghĩa là những Thiền ngữ này, tức phương tiện khai thị của các Thiền-sư hoàn toàn chẳng giống như những bài toán, những luận đề hay là những lý thuyết khoa học mà con người có thể biện biệt, phân tích, luận bàn đúng sai phải trái, để rồi dẫn đến một kết luận tương đối hay cho ra một đáp án khả dĩ số đông chấp nhận được. Bản chấtcông năng của Công án Thiền hoàn toàn không phải như thế…” (Xem thêm: ĐÔI NÉT VỀ THIỀN CÔNG ÁN - Nhuận-Bảo)

(3) “…Sau khi lược sơ 200 trang của chương “Tu Tập Công Án: Phương Tiện Chứng Ngộ”, trong Essays in Zen Buddhism”của soạn giả Daisetz Teitaro Suzuki, mà dịch giả Trúc Thiên và thượng tọa Tuệ Sỹ dịch là Thiền Luận chúng ta đã thấy rõ rằng: 1 – Tác giả Suzuki chủ trương “không thể dùng tâm ‎ý‎ thức, suy tư tìm hiểu, kiến giải, để khán Công Án, Thọai Đầu”. 2 – Đề lên rất cao tầm quan trọng của “nghi tình” trong khán Công Án. 3 – Ông không dạy “giải công án”. (Xem thêm: QUAN ĐIỂM CỦA DAISETZ SUZUKI VỀ CÔNG ÁN - Hà Minh Triết)

“..Để thay lời kết luận, chúng tôi (Thượng tọa Thích Đức Thắng) tha thiết yêu cầu mọi người trong chúng ta, hãy vì sự nghiệp giải thoát của mọi người, mà ngưng đi những việc làm tai hại đó (gỉai công án), vì chúng không có lợi, mà ngược lại sẽ có hại cho chính ngày hôm nay và ngay cả mai sau; bỡi vì chúng sanh trong thời kỳ mạt pháp tình trạng căn cơ của họ nghiêng nặng về lý trí phân biệt. Cho nên đối với những người học Đạo, họ chỉ biết đắm mình vào thế giới ngôn ngữ văn tự, để rồi bị chúng đánh lừa trở thành nô lệ, và tự thõa mãn cho đó là cứu cánh, đáng lý ra chúng chỉ là phương tiện bị vượt qua, nên đức Phật Thích Ca đã từng tiên liệu trong kinh Lăng Già ngài đã phủ nhận: "Bốn mươi chín năm ta chưa hề nói lời nào." Thế mà cái hậu quả ấy vẫn xảy ra, càng ngày càng thêm tệ hại không phương cứu chữa! Chúng ta nên quay nhìn lại xem cái kiến thức, mà chúng ta đã nổ lực thâu lượm nhờ vào ngôn ngữ văn tự, tư duy học hỏi đó, có phải là cái bản lai diện mục xưa nay của chúng ta hay không? Hay đó chỉ là cái quái thai của vọng thức điên đảo phân biệt? Vậy thì cái bộ mặt thật xưa nay của chúng ta nó ở đâu? Hãy cẩn thận! Đừng tự đánh lừa mình! Đừng đánh lừa mọi ngườí! Hãy tự thực hành theo những lời dạy của đức Phật, cho dù chỉ là một chữ hay một câu đi chăng nữa, nếu chúng ta thực hành thấu đáo vượt qua khỏi chúng, thì đó là một việc làm lợi ích, chứ không phải học hỏi so sánh đối chiếu thiên kinh vạn quyển qua ngôn ngữ này ngôn ngữ nọ, để hiểu biết những lời dạy của đức Phật, rồi đem ra bàn luận mổ xẻ phân biệt chúng đúng sai chi li qua sách vở hay lời nói, rốt cuộc tham vẫn còn tham, sân vẫn còn sân, và si vẫn còn si. Đó không phải là mục đích tối hậu của những lời dạy đức Phật, mà mục đích tối hậu của đức Phậtthực hành giải thoát tất cả mọi trói buộc của tham-sân-si ngay trong cuộc sống này, chứ không phải học để biết tham sân si. Như thế chúng ta học để làm gì cho phí công vô ích, trong khi chúng không can hệ gì đến vấn đề giải thoát tham-sân-si!? ." (Xem thêm: CÔNG ÁN THIỀN VÀ VẤN ĐỀ NHẬN THỨC - Thích Đức Thắng)

BBT

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant