Ca Tụng Đại Bi: Khai Từ “Nhập Trung Đạo của Nguyệt Xứng”
Bản dịch Việt: Đặng Hữu Phúc
Bản Anh: “Preamble”. Trích từ: Introduction to the Middle Way.
Chandrakirti’s Madhyamakavatara with Commentary by Jamgon Mipham.
Translated by The Padmakara Translation Group (2002). Shambhala, 2004.
Tụng 1
Thanh Văn và Độc giác sinh từ chư Tối Thắng (Chư Phật)
Chư Phật sinh từ chư Bồ tát.
Đại bi, tính bất nhị, và tâm Bồ đề
là những nguyên nhân của chư Tối Thắng Tử (Chư Bồ tát)
Tụng 2
Mùa gặt quả Phật, Đại bi như là hạt giống,
như là nước giúp cho tăng trưởng,
và thuần thục hạnh phúc lâu dài,
nên mở đầu tôi ca tụng đại bi!
Tụng 3
Hữu tình nghĩ “Tôi” trước nhất và chấp ngã
Nghĩ “của tôi” và tham ái sự vật
Họ bất lực như thùng nước trong lòng giếng.
Và tôi kính lễ lòng đại bi đối với các hữu tình
Tụng 4
Hữu tình vô thường và chẳng có hiện hữu tự tính,
như mặt trăng trong nước dao động
Trí tuệ của chư Bồ tát hoạt động với năng lực đại bi
để giải thoát hữu tình
KHAI TỪ
Nhập Trung Đạo (Madhyamakavatara) của Nguyệt Xứng (Chandrakirti) là vua của tất cả các bộ luận, minh giải tri kiến tối hậu của Phật Thích Ca đệ nhị, ngài Long Thọ. Trong bản trình bày của chúng ta, chúng ta sẽ thảo luận bốn chủ đề: ý nghĩa danh đề của luận, kính lễ của người dịch (bản Tạng ngữ), toàn văn luận, và kết luận.
I. Ý nghĩa danh đề của luận
Tên Sanskrit của bản tụng gốc là Madhyamakavatara nama, chuyển sang Tạng ngữ là dbu ma la ‘jug pa zhes bya ba (Introduction to the Middle Way), chuyển sang tiếng Việt là Nhập Trung Đạo. “Trung Đạo”: có hai nghĩa. Thứ nhất, trên phương diện tối hậu, nó quy chiếu tới pháp giới (dharmadhatu), trung đạo tuyệt đối, thực tại tính/pháp tính vượt ngoài tất cả các ý niệm. Thứ nhì, nó quy chiếu tới trung đạo kinh văn, đó là những bản văn giới thiệu thực tại tính / pháp tính tối hậu này.
Ở đây chúng ta quan tâm tới trung đạo kinh văn, nó được chia thành hai tạng: giáo pháp của Phật (Tạng Kinh) và các giảng luận về giáo pháp của Phật (Tạng Luận).
Ở đây chúng ta đang quan tâm đến bản văn “Nhập Trung Đạo” của Nguyệt Xứng minh giải ý nghĩa “Các tụng căn bản của Trung Đạo” của ngài Long Thọ. Nó là một bản dẫn nhập tổng hình thành hai tiếp cận diệu nghĩa thâm sâu và thực hành vạn hạnh. Về phương diện diệu nghĩa thâm sâu, nó trình bày giáo pháp của các bản kinh theo ý nghĩa tối hậu, cùng với những chỉ giáo của ngài Long Thọ. “Các tụng căn bản về Trung Đạo” là nền tảng chung của các nhà Trung Quán Svatantrikas và Prasangikas, khi xét để phân biệt các quan điểm của họ. Nguyệt Xứng khi luận giải về bản văn “Các tụng căn bản của Trung Đạo” đã nhấn mạnh vào chính chân lí tối hậu, nó vượt ngoài tầm với của tất cả các luận đề. Thế nên ngài theo tri kiến cao siêu của các nhà Prasangikas (Trung quán cụ duyên). Về phương diện tiếp cận thực hành vạn hạnh, ngài giảng ba phương diện của người bình thường, mười địa hoặc giai đoạn thực chứng thánh giả trên con đường tu tập của hữu học, và mức độ tối thượng của vô học.
II. Kính lễ của người dịch (bản Tạng ngữ).
Bản văn gốc mở đầu với lời cung kính thỉnh cầu
“Kính lễ Ngài Mạn thù thất lợi vương tử, thuần nhã, diệu đức và thanh xuân vô tận”
(“Homage to Manjushri Kumara – tender, glorious, ever-youthful”). Ngài Mạn thù thất lợi được gọi “thuần nhã”, vì ngài không có những thô cứng của tính tiêu cực, và ngài là “diệu đức” (“glorious”) trong những thành quả phong phú của hai mục đích (cho mình và cho người). Ngài là “thanh xuân vô tận” (“ever-youthful”), bởi vì, mặc dù là vua của chư Phật, ngài xuất hiện trong hình tướng một Bồ tát, con của Phật. Thế nên, vào lúc khởi sự công trình dịch thuật, với những lời chào mừng này, người dịch kính lễ giáo pháp tối hậu của A tì đạt ma (Đối pháp tạng), kính lễ ngài Mạn thù thất lợi, theo như khuôn mẫu để giới thiệu là bản văn thuộc về Tạng Luận.
III. Luận văn Chính bản.
Nhập Trung Đạo cũng bắt đầu theo ba phần: kính lễ của tác giả (ngài Nguyệt Xứng), thân luận văn, và kết luận.
A. Kính lễ của Ngài Nguyệt Xứng, tác giả
Diễn từ kính lễ của ngài Nguyệt Xứng gồm có hai mục chính. Thứ nhất, ngài nhận diện các đặc hữu của ba nguyên nhân bồ đề tâm và kế tiếp ngài ca ngợi đại bi, thứ nhất ca ngợi tổng quát và kế đến ca ngợi ba phương diện của đại bi theo bảng phân loại.
1. Ba nguyên nhân của các Bồ tát
Trước hết ngài Nguyệt Xứng nói đến các Thanh văn, những vị lắng nghe những chỉ giáo của Đức Phật, thiện tri thức toàn hảo của họ, và rồi giảng dạy những chỉ giáo này cho những người khác. Kế đó ngài nói đến những vị Độc giác Phật, những vị có phúc đức và trí tuệ rộng lớn hơn các vị Thanh Văn và thực chứng mau chóng hơn, nhưng họ thấp hơn Chư Phật và thế nên được định một vị trí trung gian. Các vị Thanh Văn và Độc giác sinh khởi từ ngôn ngữ của Phật, Tối Thắng Thánh Giả. Chư Phật kế tiếp được nói là sinh từ chư Bồ tát, quy chiếu về thời điểm đặc biệt khi vị Bồ tát, trên con đường tu tập hữu học, nhập thanh tịnh toàn hảo. Giờ đây ba yếu tố là nguyên nhân của chư Bồ tát, những người con của Đấng Tối Thắng: thứ nhất, tâm đại bi, nguyện vọng bảo vệ các hữu tình thoát khỏi đau khổ; thứ nhì, tâm bất nhị, trí tuệ siêu việt thấy vượt ngoài các cực đoan hiện hữu và phi hiện hữu; và thứ ba, tâm bồ đề, tâm giác ngộ. Như Ngài Long Thọ nói trong “Bảo hành vương chính luận” (Ratnavali/ Vòng hoa qúy báu)
Nếu chúng ta và toàn thế giới Nguyện thành vô thượng giác Căn bản của nó là tâm bồ đề An định như núi vua của các ngọn núi Đại bi đi tới mọi phương trời Và trí tuệ vượt ngoài tính nhị nguyên đối đãi.2. Ca tụng đại bi
a. Ca tụng đại bi trong nghĩa tổng quát
Ngài Nguyệt Xứng bắt đầu ca tụng đại bi một cách tổng quát. Kế đến ngài kính lễ các loại đại bi chuyên biệt. Đại bi được tuyên bố là quan trọng ở mở đầu, ở giữa và ở cuối con đường tu tập. Ở lúc khởi hành, đại bi là hạt giống cho mùa gặt phong phú của phật quả. Đại bi cũng quan trọng trong thời kì giữa, là một phương pháp hữu hiệu để tăng trưởng, cũng như nước là chính yếu để nuôi dưỡng mùa màng. Chính là nhờ vào đại bi của mình, các Bồ tát đã không bị thoái lui trong các quyết tâm của mình mặc dù đối diện với vô lượng hữu tình cư xử ác độc, và chẳng hề biết ơn. Sau cùng nói đến đại bi cũng quan trọng ở giai đoạn cuối, vì nó thuần thục thành trạng thái hạnh phúc lâu dài. Kết quả là ngài Nguyệt Xứng cao quý tuyên bố rằng vào lúc khởi đầu ngài sẽ ca tụng đại bi.
b. Kính lễ các loại khác nhau của đại bi
Kế tiếp Ngài tiến hành kính lễ, thứ nhất đại bi có các hữu tình là đối tượng; thứ nhì, đại bi có biến dịch là đối tượng; và thứ ba, đại bi chẳng có quy chiếu.
i. Kính lễ đại bi có các hữu tình là đối tượng (chúng sinh duyên đại bi)
Trước nhất, có một chấp thủ “Tôi” là một ngã bị đinh ninh là hiện hữu, kế đó sinh khởi ý niệm “của tôi”. Tất cả điều đó được xem là thuộc về ngã này -- tỉ dụ các mắt của bạn -- kế đến được đinh ninh là hiện hữu thực hữu, và sinh ra tham ái với nó. Chính vì điều này mà hữu tình lang thang bất lực trong sinh tử luân hồi, từ Hiện hữu Trời Hữu Đỉnh cho xuống tới Địa ngục Vô gián (= tra tấn không ngừng), như quay theo bánh xe quay dẫn nước tưới ruộng. Ngài Nguyệt Xứng kính lễ đại bi với các hữu tình lang thang như thế. Hình ảnh bánh xe quay dẫn nước tưới ruộng để diễn tả tình trạng chúng sinh có sáu ý nghĩa thích hợp. (1) Giống như các thùng nước được buộc dây thừng vào bánh xe quay, các hữu tình bị buộc chặt chẽ bởi các sợi dây của nghiệp và những phiền não. (2) Sức mạnh dẫn đẩy của thức thì giống như một người đang quay bánh xe nước. (3) Sinh tử luân hồi thì giống như một giếng sâu, từ cõi trời hữu đỉnh cho tới địa ngục Vô Gián -- một vực thẳm không đáy, mà hữu tình bị ném quăng xuống liên tục. (4) Giống như những cái thùng nước bị buộc vào sợi dây xích, các hữu tình rơi xuống các cõi thấp hơn một cách tự nhiên, trong khi đó họ được kéo lên các cõi cao hơn với một sự gắng sức lớn lao. (5) Các thùng nước trên sợi dây xích giống như mười hai chi duyên khởi: ba chi Vô minh, Ái và Thủ liên quan đến phiền não, hai chi Hành nghiệp và Hữu, liên quan đến nghiệp, và bảy chi khác liên quan đến sinh trong luân hồi. Về ba nhóm này, không thể nói nhóm nào thứ nhất, thứ nhì, hoặc thứ ba, vì chúng tiếp theo nhau không gián đoạn giống như một que lửa quay vòng trong không khí. (6) Cuối cùng, ba loại đau khổ (khổ của khổ, khổ của biến dịch, khổ toàn diện do duyên hội) đều giống như các con sóng mà ngày theo ngày làm xao động nước trong giếng, cứ tràn lên nhau không ngừng nghỉ.
ii. Kính lễ đại bi có biến dịch vô thường là đối tượng (pháp duyên đại bi) và kính lễ đại bi chẳng có quy chiếu (vô duyên đại bi)
Những hữu tình lang thang đều giống như sự phản chiếu của mặt trăng trong nước xao động bởi gió. Chúng không giống nhau dù chỉ trong một sát na. Ngài Nguyệt Xứng kính lễ đại bi cho họ, đại bi thấy rằng họ đang biến mất mau chóng, nghĩa là, vô thường và do bản chất chẳng có hiện hữu có tự tính. Khi nói rằng những hữu tình đều giống như mặt trăng được phản chiếu trong nước trong suốt xao động bởi một cơn gió nhẹ, sự phản chiếu và mặt nước giúp phản chiếu đều giống nhau, ở mỗi thời điểm, vô thường và rỗng thông trong bản chất của chúng. Với sự lí hội thông hiểu này, các Bồ tát đều thấm nhuần một lòng đại bi thấy rằng hữu tình bị chìm đắm trong đại hải tri kiến của các tạo tác vô thường, một đại hải kết hợp bởi những dòng sông mênh mông đen thẳm của vô minh. Họ tri nhận rằng trong đại hải này, bị quấy động bởi những ngọn gió của dòng tâm niệm, nguyên nhân của rất nhiều tổn hại, các hữu tình phải đương đầu những hiệu quả của các hành nghiệp thiện và ác của họ, phản chiếu trong đại hải giống như mặt trăng trong đại hải, (tan tác theo sóng nước). Đại bi xem các hữu tình như sát na tan biến theo sát na được gọi là đại bi có biến dịch vô thường là đối tượng. Đại bi đặt tiêu điểm trên các hữu tình chẳng có hiện hữu có tự tính thì dược gọi là đại bi phi quy chiếu.
Tóm lại, ba loại đại bi là:
(1) đại bi có đối tượng là các hữu tình nói chung, theo nghĩa không chỉ định riêng biệt;
(2) đại bi có đối tượng là các hữu tình trong sự biến dịch vô thường; và
(3) đại bi có đối tượng là các hữu tình chẳng có hiện hữu thực hữu.
Đây là điều nên lí hội thông hiểu rằng ba loại đại bi này đều có một phương diện giống nhau, thái độ mong muốn các hữu tình đều thoát khỏi đau khổ; chúng khác nhau chỉ về các phương diện chuyên biệt của đối tượng.
B. Thân của Luận văn
Thân của luận văn thảo luận ba chủ đề chính: mười địa hoặc mười giai đoạn thực chứng, phẩm tính của mười địa, và địa tối hậu của phật quả.
-------------
Tụng 5
Xuyên qua hồi hướng với đại nguyện Phổ Hiền Chư Bồ tát an trú trong Hoan Hỉ Địa, địa thứ nhất. Và từ đây trở đi, đạt được địa này, họ được gọi là Bồ tát.-----------------------------
Chú thích
1. Bồ tát Phổ Hiền giảng về Đại bi (Kinh Hoa Nghiêm): “Bồ tát quán sát chúng sinh không nơi nương tựa mà khởi đại bi. Quán sát chúng sinh tính chẳng điều thuận mà khởi đại bi. Quán sát chúng sinh nghèo khổ không căn lành mà khởi đại bi. Quán sát chúng sinh ngủ say trong đêm dài vô minh mà khởi đại bi. Quán sát chúng sinh làm những điều ác mà khởi đại bi. Quán sát chúng sinh đã bị ràng buộc, lại thích lao mình vào chỗ ràng buộc mà khởi đại bi. Quán sát chúng sinh bị chìm đắm trong biển sinh tử mà khởi đại bi. Quán sát chúng sinh vương mang tật khổ lâu dài mà khởi đại bi. Quán sát chúng sinh không ưa thích pháp lành mà khởi đại bi. Quán sát chúng sinh xa mất Phật pháp mà khởi đại bi…”
2. Con đường của Phật
“ Hỡi những bồ tát yêu mến của tôi! Tôi xem các bạn đều là bồ tát; và các bạn cũng nên tự xem mình như thế. Bồ tát là một vị phật tiềm tàng, đang còn trong hạt giống, một vị phật đang còn ngủ, nhưng có tất cả khả năng để thức dậy. Theo nghĩa ấy thì ai cũng là bồ tát, nhưng chỉ những người nào khao khát, bắt đầu sờ soạng đi tìm ánh sáng bình minh, thì mới có tên gọi ấy, không phải tất cả mọi người. Nơi những người ấy hạt giống không còn là hạt giống mà đã nẩy thành mầm mộng, khởi sự vươn lên.
Các bạn là bồ tát do lòng khát khao tỉnh thức, khát khao tìm chân lí. Chân lí không xa, nhưng trên đời chỉ có một số ít người may mắn biết khát khao chân lí. Chân lí không xa nhưng khó đạt, con đường đạt đến nó thực gian nan không phải vì bản chất nó, mà vì ta đã đầu tư quá nhiều cho giả dối…
Bạn đã khởi hành cuộc liều ấy, đã đi được vài bước mặc dù chập chững, sờ soạng, đầy hoài nghi, nhưng ít ra cũng đã bước đi, bởi thế mà tôi gọi bạn là bồ tát”.
(Con Đường của Phật. Osho. Thích Nữ Trí Hải tuyển dịch. Ưu Đàm. Bộ 12 quyển. Trang 5 quyển 1)—[Nxb Ưu Đàm E-mail: ptnhu@yahoo.com]
---------------------
3. Kalu Rinpoche giảng về Đại Bi
Ba cấp độ của đại bi.
Có ba loại đại bi: đại bi quy chiếu vào hữu tình, đại bi quy chiếu vào thật tại; và đại bi không quy chiếu. Chúng xuất hiện thứ tự tiếp theo nhau.
Đại bi quy chiếu vào hữu tình (= Chúng sinh duyên đại bi) (compassion with reference to beings) khởi sinh khi chúng ta nhận thức sự đau khổ của những kẻ khác. Đó là loại thứ nhất của đại bi khởi sinh và làm cho chúng ta nỗ lực sâu xa làm mọi thứ chúng ta có thể giúp đỡ những kẻ đang chịu khổ đau. Nó bừng dậy hiển lộ ra khi chúng ta nhận thức được cái đau đớn và đau thương của những kẻ khác. (It emerges when we perceive the pain and suffering of the others).
Hình thái đại bi này có đặc tướng (marked) -- chẳng bao giờ có thể vẫn cứ vô-cảm bất-động (unmoved) trước các đau thương của các hữu tình, và -- cố gắng làm tất cả những gì có thể làm được để giúp giảm bớt đi những đau thương cho hữu tình.
Đại bi quy chiếu vào thật tại (=Pháp duyên đại bi) (compassion with reference to reality) khởi sinh khi chúng ta có một kinh nghiệm thật sự về năng-lực của vô minh, khi chúng ta thật sự nhận thức được như thế nào các hữu tình tạo lập sự đau thương của chính họ. Đại bi này duyên hội xảy đến khi chúng ta thật sự thấy những kẻ khác gắng sức như thế nào để có có hạnh phúc và tránh đau thương, nhưng do không nhận thức sáng tỏ những nguyên nhân của hạnh phúc và những phương tiện để tránh thoát đau thương, họ tạo ra càng nhiều nguyên nhân của đau thương và họ không có được cái ý niệm về làm thế nào để vun trồng những nguyên nhân của hạnh phúc. Họ bị mù tối do vô minh của họ; những tác ý và tác hành của họ mâu thuẫn lẫn nhau.
Xuyên qua sự hiểu biết sáng tỏ tính như huyễn của thật tại, nhận thức thật sự về tình huống này phát sinh ra loại thứ nhì của đại bi, mạnh mẽ, mênh mông và cơ bản thâm sâu nhiều hơn khi so sánh với loại thứ nhất.
(Through understanding the illusory nature of reality, genuine perception of this situation brings forth this second type of compassion, which is more intense and profound than the first kind.)
Đại bi không quy-chiếu (= Vô duyên đại bi) (compassion without reference) không chấp thủ ý niệm về chủ thể, khách thể, hoặc ý định; đó là sắc tướng tối thượng của đại bi của một vị phật hoặc của đại bồ tát và tùy thuộc vào sự thật chứng tính không. Chẳng bao giờ có bất cứ một quy chiếu tới một “ta” hoặc “kẻ khác”.
(Compassion without reference retains no notions of subject, object, or intention; it is the ultimate form of a buddha‘s or great boddhisattva‘s compassion and depends upon the realization of emptiness. There is no longer any reference to a “me” or “other”)
Đại bi này khai mở tự nhiên và tức thời. Thật là điều quan trọng cho chúng ta: để trở nên quen thuộc với ba loại đại bi này, để nhận biết sáng tỏ thứ bậc của chúng, và để bắt đầu sinh hoạt ở mức độ thứ nhất, mức độ chúng ta có khả năng đi vào nhiều nhất.
(Trích từ: Kalu Rinpoche. Tính Không, Tâm của Đại Bi. Thư Viện Hoa Sen.org)
Phụ Bản : Chủ nghĩa Hư vô
Phật Quang Đại Từ Điển, Thích Quảng Độ dịch, in 2000, 6 quyển 7374 trang +
quyển Mục lục.
Chân như: Sanskrit: bhuta-tathata; tathata. Chỉ cho bản thể chân thực tràn khắp
vũ trụ; là nguồn gốc của hết thảy muôn vật.
Còn gọi Như như, Như thực, Pháp giới, Pháp tính, Thực tế, Thực tướng, Như lai
tạng, Pháp thân, Phật tính, Tự tính thanh tịnh thân, Nhất tâm, Bất tư nghị
giới….
Trong sách Phật Hán thời kì đầu dịch là:
Bản Vô. Chân, chân thật không hư dối; Như, tính của sự chân thật ấy không thay
đổi….
Hư Vô chủ Nghĩa (Nihilism): Chủ nghĩa phủ định tất cả đạo đức, tập quán, chế
độ, tôn giáo, hoặc chân lí, giá trị của bất cứ sự vật gì.
Theo “Patrul Rinpoche. Lời vàng của Thầy tôi”. Bản dịch 2008,
http:/vietnalanda.org. thì
“Những người theo chủ nghĩa thường hằng (eternalism) tin là có một cái ngã
thường hằng và một đấng tạo hoá (tạo lập thế giới) hiện hữu vĩnh cửu bên ngoài
ta, chẳng hạn như các vị thần Isvara và Vishnu.
“những người theo thuyết hư vô (nihilism) tin rằng tất cả sự vật hoàn toàn tự
phát, không có đời quá khứ hay đời vị lai, không có nghiệp quả,không có tự do
và giải thoát ”
“ Có 360 biểu từ vọng kiến (false view) và 62 biểu từ tà kiến (wrong view) (biểu
từ = statement), có thể gộp chung thành hai nhóm: chủ nghĩa thường hằng và chủ
nghĩa hư vô (hư vô = đoạn diệt; chấm dứt, không có gì cả).
Theo quan điểm hành động không tạo nghiệp quả thì thiện hạnh không đem lại lợi
ích, và ác hạnh không đem lại tổn hại.”
Nếu bạn có một thoáng chút ý niệm về danh từ chân như, bạn sẽ biết bản chất của
bạn là tính Bản Phật Phổ Hiền (Nature of Primordial Buddha Samantabhadra) (Phổ
Hiền= All- around Goodness).
Như vậy bạn chấp thuận, tùy thuận, và hỗ trợ (blessing) cho chính cuộc đời bạn,
cuộc đời của kẻ khác, hiện hữu tồn sinh, và bạn chung vui xẻ buồn với mọi
người, với vạn hữu, chung lưng đấu cật với mọi người để chống lại các thảm họa
do con người và thiên nhiên gây ra (do vô minh, do duyên khởi) và bạn đem lại
an-ổn-không-sợ-hãi cho mình, cho người (benediction: vô uý thí) Như thế bạn
không bước tới hư vô.
Và bạn đôi mắt không long lanh giọt lệ thiên thu.
Một thoáng ý niệm về chân như, giúp bạn nhận thức bạn vốn là đấng phúc đức, tốt
lành, thiện hảo, bạn đã gặp chính mình (encounter yourself), gặp bản lai diện
mục, “ta về gặp lại tình ta, dấu chân viễn mộng chỉ là phù vân” (Thiền sư Viên
Minh)
Mong các bạn hiểu là
“Đam mê là khao khát mê say.
Đại bi là thương yêu quý mến.
Đam mê là lòng dục (tham), đại bi là vô dục (vô tham).
Đam mê muốn sử dụng người khác như một phương tiện.
Đại bi tôn trọng người khác như một cứu cánh nơi chính mình.
Đam mê tiếp tục trói bạn vào mặt đất vào bùn nhơ, và bạn chẳng bao giờ thành
một đoá sen.
Đại bi làm bạn trở thành một đoá sen.
Bạn bắt đầu vượt lên trên thế giới bùn lầy của dục vọng, tham lam, sân hận.
Đại bi là sự biến hoá của các năng lượng của bạn…
Bạn trở thành một sự tuỳ thuận, chấp thuận, và hỗ trợ cho chính bạn và toàn thể
tồn taị”
( Osho. Đại Bi. Compassion.1985. Reprinted 2006 )
Đã từ nhiều năm nay, những người theo chủ nghĩa hư vô, chủ trương thiện hạnh
không đem lại lợi ích, ác hạnh không gây tổn hại, và hành động không tạo nghiệp
quả, đã đem lại rất nhiều đau thương cho con người và môi trường sinh sống.
Ngài Vô Trước (Asanga 375-430) giảng: “Si, Ngu si, Vô minh, Vô trí, Vô kiến, Phi
hiện quán, Hôn muội, Hắc ám…là đồng nghĩa”.
Vô minh là xem ta và kẻ khác là hai, không phải là một, ta và thế giới là hai,
không phải là một, thế nên cứ thoải mái gây tổn hại cho kẻ khác, cho môi trường
sinh sống… cho ta một cái nhìn sâu sắc về đời sống Việt Nam hiện nay dưới ảnh
hưởng của Si, Ngu si, Vô minh, Vô trí, Vô kiến, Phi hiện quán, Hôn muội, Hắc
ám...
http://www.talawas.org/?p=26179)
---------------
Sydney 13.5.2012