Stress là một căn bệnh hoàn toàn thuộc về tâm lý, ám chỉ những phản ứng tâm lý của con người đối với những yếu tố gây bực bội trong môi trường sống. Stress đối với người lớn thường xảy ra do áp lực bởi công việc, mối liên hệ tình cảm gia đình và do cạnh tranh nghề nghiệp. Đối với trẻ em thường do áp lực về việc học hành, thi cử. Những phản ứng tâm lý ấy là những cảm xúc giận giữ, sợ hãi, buồn vui, thương ghét được lập đi lập lại nhiều lần và nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh, hệ tiêu hoá, hệ tim mạch và dấu hiệu dễ thấy nhất là bị bệnh mất ngủ và bệnh lở loét bao tử. Theo tâm lý học Phật giáo, stress “bị gây ra bởi sự chấp trước và những hy vọng mong đợi ở tương lai. Khi ta hy vọng hay mong đợi một điều gì thì cũng sẽ lo sợ rằng điều ta mong đợi sẽ không trở thành hiện thực, nghĩa là những gì ta hy vọng có thể sẽ không xảy ra như mong muốn. Và thế là bị stress”.
Theo y học ngày nay, stress thường đi đôi với cuộc sống công nghiệp hiện đại. Công nghiệp phát triển đã tạo ra nhiều phát minh mới, nhu cầu mới thúc đẩy con người phải suy nghĩ, lo toan và làm việc căng thẳng để gia tăng khả năng chiếm hữu và thỏa mãn nhu cầu. Cơ chế kinh tế thị trường với mức độ cạnh tranh khốc liệt càng làm cho con người phải chật vật và toan tính nhiều hơn, dễ dẫn đến stress hơn. Số người bị stress trên thế giới càng ngày càng nhiều, ước lượng tỷ lệ trung bình số người bị stress là 50%. Ở các thành phố lớn của các nước đã và đang phát triển tỉ lệ nầy cao hơn. Cho nên việc chữa trị căn bệnh tinh thần này rất là cần thiết. Và Thiền là một phương pháp đối trị trực tiếp và hữu hiệu. Ông Herbert Benson, giáo sư đại học Harvard, người sáng lập Viện Y Khoa Mind-Body Medical Institute ở Boston cho biết "từ 60% đến 80% số lượng bệnh nhân đến khám ở các phòng mạch đều có liên quan đến Stress. Các ca bệnh này đáp ứng rất kém đối với thuốc và phẫu thuật nhưng lại rất tốt đối với các liệu pháp tiếp cận tâm thể". Ông cho rằng các phương pháp thư giãn và thiền giúp giải tỏa những tình trạng lo âu, sợ hãi, bất an, dễ bị kích thích và đặc biệt là làm giảm sự hoạt động các nội tiết tố Stress.
Theo kết quả khảo sát được đăng trên tạp chí y khoa Hoa Kỳ “the American Medical Journal” thì thiền giúp kiểm soát được một cách khá chắc chắn áp huyết, làm dịu cơ thể và tâm trí, ngang với kết quả phải dùng thuốc an thần, nhưng lại không có các phản ứng phụ của thuốc. Bác sĩ Mimi Guarneri, giám đốc y khoa và sáng lập viên của Viện “Scripps Center for Integrative Medecine” ở San Diego, nhận xét : “ngoài các đặc điểm trên, thiền định còn làm nhịp tim giảm xuống, nên tim không phải hoạt động nhiều. Tôi đã thấy kết quả rất rõ nơi các bệnh nhân của mình. Nhiều người trong số họ thiền mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 20 phút, thì có áp huyết giảm. Ăn uống đều đặn và tập thể dục thường xuyên nữa thì tuyệt vời.”
Đơn giản mà nói, thiền là thở, thở là sống, thiền là sống một cách sống động trong từng giây phút một.
Những thầy dạy thiền khuyên chúng ta trước khi thiền, cần tập cho ấm người như một vài động tác thể dục yoga, tai chi hay duồi thẳng tay chân (stretching) khoảng từ 5 đến 10 phút. Sau đó lựa một nơi thích hợp, im vắng, thoáng mát và ngồi trong một tư thế thoải mái. Chúng ta có thể ngồi trong tư thế tréo chân truyền thống (kiết già hay bán gìa), hay trong bất kỳ tư thế nào khác mà mình thấy thoải mái. Nếu muốn, chúng ta có thể ngồi ghế. Điều quan trọng nhất là giữ lưng cho thẳng. Hơi nhắm mắt lại một tí và bắt đầu thở. Đừng nghĩ gì cả, chỉ chú ý đến hơi thở ra vào bằng cách tập trung tư tưởng ở vùng bụng dưới, hoặc tại một điểm mà các nhà khí công hoặc đạo gia gọi là đan điền (dưới rốn khoảng 3 phân). Lúc hít vào, bụng dưới hơi phồng lên. Lúc thở ra, bụng dưới hơi xẹp xuống. Thoạt đầu có thể chúng ta chưa quen với lối thở bụng. Điều này không ảnh hưởng gì. Nên nhớ là chúng ta cần thư giãn, nên không cần quan tâm nhiều đến hơi thở sâu hay cạn, nhiều hơi hay ít hơi. Chỉ cần thở nhẹ, thở bình thường là đủ. Điều quan trọng là phải chú ý quan sát bằng tất cả tâm ý để biết rõ là chúng ta đang hít vào hay đang thở ra thông qua chuyển động phồng lên hay xẹp xuống của làn da bụng:
Phồng
lên (biết rõ đang hít vào) Xẹp xuống (biết rõ đang thở
ra)
Phồng
lên
(biết rõ đang hít vào) Xẹp xuống (biết rõ đang thở
ra)
Phồng
lên
(biết rõ đang hít vào) Xẹp xuống (biết rõ đang thở
ra)
Cứ
thế
và tiếp tục…
Cũng đừng lo ngại khi tâm đi lang thang nơi góc trời nào đó. Điều quan trọng là khi chợt nhận biết tâm đi lang thang, chúng ta ghi nhận rồi kéo nó trở về với hơi thở qua sự chuyển động phồng lên xẹp xuống của da bụng. Một số người có khả năng tập trung tốt có thể dần dần rơi vào giấc ngủ sau khoảng vài chục hơi thở ở giai đoạn quan sát hơi thở này.
Cần nhớ là thiền phải tập mỗi ngày và theo giờ giấc đã định trước. Bắt đầu vừa phải thôi, đừng tham lam ngồi lâu quá (bản chất của thiền là buông bỏ mọi tham lam), khoảng 10 đến 15 phút cũng được, sau quen dần sẽ tăng lên từ từ.
Ngồi thiền 15 phút mỗi ngày như vậy cũng là khá tốt nhưng chưa đủ. Chúng ta cần phải ứng dụng thiền vào công việc hàng ngày vì chúng ta có tới 8 giờ làm việc tại sở làm và 8 giờ làm những công chuyện linh tinh khác như đi, đứng, lái xe, tiếp khách, rửa chén, nấu ăn hay làm vườn…Nói một cách cơ bản là trong bất cứ hoàn cảnh nào và bất cứ lúc nào chúng ta không cần biết đó là công việc gì, nó nên được hoàn tất với trọn vẹn tâm ý của chúng ta trong giây phút đó. Ví dụ như, chúng ta đang điều khiển một máy in báo thì chúng ta chỉ nên chăm chỉ công việc điều hành máy in và đồng thời canh chừng nếu có bất cứ niệm tưởng nào nảy sinh để gián đoạn việc đang làm. Nếu tâm ta lang thang về phương trời nào, ta cứ ghi nhận rồi kéo nó trở về với công việc in ấn. Chúng ta phải liên tục và duy trì đem tâm lang thang về với “giây phút hiện tại.” tức là rời bỏ cơn phiêu lưu mộng tưởng để trở về với cái thực tại hiện tiền này. Đừng để thân ở đây mà hồn ở mãi đâu. Chỉ thế thôi.
Đó là phương pháp tu tập cơ bản của chúng ta hàng ngày, nhưng nếu có cơ hội, chúng ta nên rời xa môi trường quen thuộc, rời xa sở làm, rời xa gia đình một thời gian ngắn đến một trung tâm thiền cùng tu tập với một số người khác thì tốt hơn. Ở đó có thầy hướng dẫn cặn kẽ và được sống trong môi trường mới. Nếu bạn ở Bắc Mỹ bạn có thể tham dự một hay nhiều khoá thiền tại Trung tâm Thiền Vipassana Barre bang Massachusetts do Thiền sư Joseph Golstein, Jack Kornfield và Sharon Salzberg sáng lập hay các trung tâm thiền Vipassana ở California dưới sự hướng dẫn của Thiền sư Goenka và cácThiền sư phụ tá. Nếu bạn ở Việt Nam, bạn có thể đăng ký tham dự các khoá thiền Vipassana 10 ngày cũng dưới sự hướng dẫn của Thiền sư Goenka và các Thiền sư phụ tá thường được tổ chức hàng năm tại Tịnh Xá Ngọc Thành ở Thủ Đức và tại Thiền Viện Nguyên Thủy tại TP. HCM, hay đến học thiền với thầy Bửu Chánh tại Thiền Viện Phước Sơn Long Thành...
Tưởng cũng nên biết thêm, mục tiêu của thiền là buông xả, là giải thoát mọi ràng buộc, là sống trọn vẹn trong giây phút hiện tại. Thật ra không dễ lắm. Khi ngồi xuống thiền, làm sao mà đầu óc của chúng ta lại không rối tung lộn xộn với bao tư tưởng về quá khứ lẫn tương lai... Nhưng với phương pháp trên chúng ta có thể làm cho tâm sự an tịnh, tinh thần không tán loạn, không dao động mà các nhà khoa học đã ứng dụng vào lãnh vực y khoa để chữa bệnh.
Đối với Phật giáo tâm an tịnh chỉ là một trong hai phương diện của thiền. Tuệ giác là phương diện thứ hai. Mục đích của thiền Phật Giáo là để được tuệ giác, còn thiền định để an tịnh chỉ là phương tiện giúp ta đạt đến cứu cánh trên. Thiền định là pháp luyện tâm, chuyển hoá tâm ô nhiễm thành tâm thanh tịnh, giảm từ từ, từ nhiều niệm tưởng đến ít niệm tưởng và từ ít niệm tưởng đến một niệm hay nói một cách khác là gom tâm buông lung vào một điểm hay một đối tượng. Kết quả mang lại là sự an tĩnh tâm hồn cũng như sức mạnh tâm linh. Tâm an tĩnh không phải là mục đích, chỉ là cần thiết để phát triển tuệ giác. Chủ yếu của việc hành thiền theo Phật giáo là quán sát tâm hay chú tâm, nhận ra và hay biết dòng tư tưởng của mình mỗi khi nó phát sinh. Chỉ “biết suông” mà không có sự phán đoán, không phân biệt và không dính mắc với chúng (có nghĩa là thấy sự vật đúng như sự vật hiện hữu của nó).