HÃY CHÂN THẬT
MICHAEL CARROLL Chuyển ngữ: Diệu Liên Lý Thu Linh ... Theo huyền thoại cao quý của hai ngàn năm trăm năm trước, vị thái tử Ấn Độ trẻ và đầy ưu tư Siddhartha (Tất-Đạt-Đa) từ bỏ quyền lực vương triều, dục lạc thế gian và gia đình. Thái tử cắt tóc, vận y của người khất thực, và tìm kiếm sự giải thoát khỏi những khổ đau của cuộc đời và để đạt được “giác ngộ”. Qua nhiều năm, Ngài trải nghiệm vô số nguyên tắc du-già (yoga) và thiền định. Ngài nhịn ăn đến mức kiệt sức - sắp chết - ăn chỉ một hạt dầu mỗi ngày. Ngài chịu đựng nỗi cô đơn khủng khiếp và chinh phục mọi thứ cám dỗ với nỗ lực làm sáng tỏ nỗi đau khổ của nhân loại. Tuy nhiên dù có lòng nhiệt thành với những cố gắng không mệt mỏi, Ngài vẫn bất an và chưa thỏa nguyện.
Thế rồi, sau tám năm khổ luyện, thái tử Siddhartha quyết định từ bỏ cách tu đó. Tuy nhiên, Ngài không bỏ cuộc, trái lại, cuối cùng Ngài quyết định buông xả tất cả, kể cả ước muốn thoát khổ và đạt được giác ngộ. Vì thế Ngài chỉ ngồi xuống tọa thiền dưới gốc cây, không lay động. Ngài nguyện chỉ có mặt trong hiện tại và để vũ trụ tự phơi bày theo cách riêng của nó. Ngài nguyện ngồi tĩnh tọa trên mặt đất như thế mãi. Nếu sự giác ngộ xuất hiện, thì nó cứ xuất hiện. Nếu cái chết đến, thì cứ để nó đến. Bất cứ điều gì xảy ra, cứ mặc kệ nó. Siddhartha ngồi trong tư thế của một vị Phật tương lai, trong bóng mát của cây bồ-đề xum sê. Dần dần trong tư thế tĩnh tọa này, Ngài đối diện với những nỗi sợ hãi và ước vọng sâu kín nhất của mình. Vị khách thường đến với Ngài là: Ma Vương (Thần Dục lạc), cùng với các cô con gái đầy quyến rũ của hắn - Tanha, Raga, và Arati - và cả một đội quân ma quỷ. Ma Vương luôn canh chừng sự tiến bộ đến bờ giác ngộ của Siddhartha, nên hắn luôn quyến rũ, nịnh hót, và chê bai các cố gắng của Ngài. Nhưng cuối cùng Ma Vương nhận thấy rằng Siddhartha đang tiến gần đến mục đích của Ngài, nên Ma Vương cố hướng nỗ lực của Siddhartha lệch sang hướng khác. Thông minh và xảo quyệt, Ma Vương và các cô gái cố gắng dỗ dành, thuyết phục Siddhartha, lập luận rằng Ngài chưa chuẩn bị cho sự giác ngộ, nhưng không có kết quả. Siddhartha vẫn bất động: Chuẩn bị hay chưa, hãy cứ để nó đến. Đoàn ma quân tàn khốc, dữ tợn, tạo ra bao ảo ảnh để khiến tâm Ngài rối loạn, nhưng cũng không làm được. Siddhartha vẫn ngồi bất động: Ảo ảnh hay không, hãy để nó như thế. Do vậy, cuối cùng Siddhartha giải tán tất cả ma quân của Ma Vương và chinh phục tất cả mọi cám dỗ của Ma Vương, trừ một điều. Và khi sự giác ngộ của Siddhartha dần xuất hiện, Ma Vương cố gắng lần cuối. Bây giờ, một mình không còn vũ khí hay ma quân, Ma Vương chỉ hỏi thái tử Siddhartha một câu đơn giản: “Vậy thì, nếu như Ngài giác ngộ, ai sẽ nói như vậy? Ai sẽ chứng thực được lời tuyên bố của Ngài? Hãy chỉ ra nhân chứng, như vậy tôi và Ngài có thể đồng ý, và rồi tôi sẽ không quấy phá Ngài nữa. Vậy thì, Siddhartha, ai sẽ là nhân chứng cho Ngài?”. Đáp lại, Siddhartha thủ ấn, một cử chỉ có ý nghĩa nguyên sơ - cử chỉ cuối cùng, trọn vẹn đã chinh phục Ma Vương mãi mãi và đánh dấu sự giác ngộ của vị cựu hoàng tử như một vị Phật Giác Ngộ: Ngài đã chạm tay xuống mặt đất. Đức Phật không đưa ra pháp lệnh của một vị vương đế hoặc vương hậu nào để chứng minh cho sự tỉnh thức của Ngài. Ngài cũng không chỉ vào bia đá có tên Ngài trên đó. Ngài không nhờ đến các vị du-sĩ đạo hữu của Ngài để họ kể về những hành động từ bi, những đạo hạnh cao cả của Ngài. Sidhhartha nhận biết rằng không có bất cứ điều kiện gì - không có Thượng đế, không thiện tri thức, không bản nhạc ca ngợi, không bia kỷ niệm, không pháp lệnh nào - không có gì có thể khẳng định hoặc chối bỏ cảm nhận cơ bản của Ngài về sự tự tại. Bằng cách chạm tay xuống mặt đất, Siddhartha cuối cùng đã đạt Phật quả, vị hoàn toàn chánh giác. Bằng cách chạm tay xuống mặt đất, Ngài đã tuyên bố Ngài chứng thực là ai – trạng thái chứng thực quá căn bản, quá hữu cơ, và do đó hoàn toàn vượt ra ngoài khả năng xác nhận hoặc chối bỏ rằng đó là việc chủ định để thay đổi lịch sử. Hành vi biểu lộ sự chứng thực này được ngưỡng mộ qua hằng bao thế kỷ với những hình ảnh miêu tả Thủ Ấn Mặt-Đất-Làm-Chứng -biểu tượng tối cao của tự tại. Chúng ta có thể nghĩ rằng những gì đức Phật đã làm chỉ là một truyền thuyết cũ xưa, một hành động tuyệt vời được thể hiện bởi một người phi thường cách đây hai ngàn năm trăm năm trước. Tư thế đức Phật tĩnh tọa dưới cội cây bồ đề và nét mặt thể hiện sự chứng thực Giác ngộ của Ngài, đối với đa số chúng ta, dường như không thể bao giờ đạt đến được. Chúng ta có thể chạm mặt đất, kể cả lăn tròn dưới đất, cả ngàn lần cũng vẫn không đạt được Giác ngộ. Đạt được sự tỉnh giác, một sự tự tại vô điều kiện, hoàn toàn xác thực, là trạng thái dành cho các vị Phật, các vị Lạt-ma, các vị thiền sư (roshis), chắc chắn là không dành cho những người tầm thường như chúng ta. Phật giáo có rất nhiều tên cho sự chứng thực này: Bồ đề tâm (bodhichitta), tâm tỉnh thức, tâm Thiền định, như lai tàng (tathagatagarbha), tâm tỉnh giác, tâm nguyên sơ, bản chất kim cương (vajra). Nhưng sự chứng thực không cần phải xa lạ như những tên gọi này. Khả năng để trải nghiệm tâm tỉnh giác của chúng ta không xa vời như truyền thuyết hai ngàn năm trăm năm. Thực ra, đức Phật đã dạy rằng sự chứng thực của ta là trực tiếp - rất riêng tư và sâu kín - rằng nó có thể được tất cả chúng sinh trải nghiệm bằng cách thực hành như Ngài đã làm dưới cội bồ đề. Đức Phật chỉ rõ rằng chỉ cần lắng động và quán sát sự phát khởi của giây phút hiện tại, chúng ta sẽ có thể khám phá ra tâm tỉnh giác, bản chất chân thật cơ bản của con người, ngay tại đó. Sự tỉnh giác trở về với bản chất chân thật của Siddhartha cũng giống như sự thử thách để vượt qua nỗi lo lắng về những khó khăn trong công việc và khám phá trở lại cảm giác tự tại và tự tin sẵn có của chúng ta. Đức Phật không thể dựa vào điều gì bên ngoài Ngài - khi Ma Vương yêu cầu Ngài chứng thực lời tuyên bố Giác ngộ của Ngài - để minh chứng cho bản chất chân thật của Ngài. Cũng thế, không có gì ở bên ngoài chúng ta có thể mang đến cho ta sự an bình thực sự trong công việc – đúng hơn, cả trong cuộc sống của chúng ta. Không phải tiền lương, tiền hưu trí, việc thăng chức, hay một ông chủ tử tế - không có gì có thể cho chúng ta sự tự tin và bình an mà chúng ta tìm kiếm. Như Ma Vương đã cám dỗ đức Phật, chúng ta cũng có thể bị cám dỗ để góp nhặt những sự khẳng định như vậy để mang lại cho chúng ta cảm giác an toàn. Chúng ta có thể có các cổ phần, chứng khoán hoặc tiền trợ cấp xã hội để giữ kỹ. Chúng ta có thể có các bằng cấp như MBA (Thạc sĩ Quản Trị Kinh Doanh) từ trường đại học danh tiếng nhất hay một chức vị vinh dự như Trưởng Phòng hay Phó Giám Đốc Điều Hành. Hoặc chúng ta có thể mặc bộ đồng phục bệ vệ hay tên của chúng ta được khắc trên bảng hoặc ghi trên các bìa sách. Chúng ta cũng có thể là giám đốc một công ty, với tất cả những uy tín và quyền lợi đi kèm. Dầu các nỗ lực để đạt được những điều này không có gì sai trái, nhưng dựa vào chúng để khẳng định chúng ta là ai là một sai lầm. Xét cho cùng, chúng chẳng thể khẳng định hoặc chối bỏ con người thật của chúng ta. Theo Phật giáo, nhận thức được bản chất chân thật này, là điều không thể được khẳng định hay chối bỏ, mà là một vấn đề rất thực tế; không phải chỉ là mộng tưởng. Nó không phải là cái mà chúng ta có thể tưởng tượng hay chế biến ra. Cảm giác an vui thực sự không chỉ đơn giản là khái niệm buộc rằng chúng ta “phải” chân thật. Nếu đúng là vậy thì Phật giáo, suy cho cùng, chẳng khác gì hơn là chủ nghĩa duy tâm đơn điệu, sáo mòn. Chúng ta cũng không thể thâu thập được bản tánh chân thật thực sự chỉ bằng cách dự các lớp hay khoá học để trở thành công dân tốt. Tính cách văn minh, lịch sự cũng là mục tiêu xứng đáng, tốt đẹp để ta học tập, nhưng nếu bản tánh chân thật chỉ có vậy, thì chỉ cần một số quy luật là đủ. Theo Phật giáo, nhận diện được bản tánh chân thật của chúng ta là một trải nghiệm cụ thể, mạnh mẽ, và tức thời. Tự điển Oxford English định nghĩa tính chân thật là cái làm cho điều gì đó được toàn diện và đúng như nó là. Điều gì đó xác thực, chân chính là bởi vì nó có thể dựa vào thẩm quyền cố hữu của nó để khiến cho nó đúng như nó là, không nghi ngờ gì cả, nó không phải là đồ giả hoặc đồ bắt chước. Thí dụ, nếu chúng ta mua một bức tranh của Rembrandt hoặc một con ngựa thuần chủng Ái Nhĩ Lan, thì việc xét xem chúng ta có mua đúng đồ thật không là hành động thiết thực và đáng phải làm. Chúng ta có thể mời một nhà khảo cổ tranh xem xét bức tranh hoặc kiểm tra nét vẽ để đánh giá đó có phải là một bức tranh gốc - rằng bức họa thực sự là của Rembrandt. Hoặc chúng ta có thể thăm viếng trại nuôi ngựa nơi con ngựa vô địch này được nuôi nấng để kiểm tra hồ sơ sức khỏe, giấy chứng nhận giống nòi cao quý của nó. Kế đó chúng ta kiểm tra vóc dáng ngựa - chiều cao, bề dầy của ngực và vòng thân. Chúng ta cũng có thể xem xét ảnh quang tuyến để kiểm tra khả năng chịu đựng của phổi. Chúng ta sẽ xét xem nếu ta có thể nhận ra được nguồn gốc của ngựa. Chúng ta thực sự có thể phân biệt được con ngựa của chúng ta là giống tốt vô địch – giống gốc của ngựa chiến Kentucky Derby. Tương tự, Phật giáo cũng cho rằng sự tìm kiếm chân tánh của con người là một việc làm thiết thực và đáng làm, qua đó ta trải nghiệm trực tiếp nguồn gốc nguyên sơ từ đó ta xuất hiện. Con đường theo Phật giáo tìm kiếm để khám phá nguồn gốc, để tự mình xác định quyền lực nguyên sơ, quyền lực cho ta có sức mạnh với sự tự tại không gì lay chuyển và cho ta sự tự tin nơi bản thân dầu ta là ai, ở nơi đâu, mà không cần thêm bất cứ sự xác nhận nào từ bên ngoài. Theo truyền thống Phật giáo, phương cách giúp ta tìm ra nguồn cội và khám phá được chân tánh của mình là tọa thiền, đó chính là điều đức Phật đã hành nơi gốc cây bồ đề. Thiền chánh niệm được đức Phật đầu tiên truyền dạy cho các đệ tử của mình dễ bị xem là quá đơn giản. Trên căn bản, phương pháp này chỉ đòi hỏi chúng ta phải ngồi thẳng lưng, cặp mắt vẫn mở, và có mặt trong từng giây phút hiện tại càng lâu càng tốt. Cái khó nằm ở chỗ “càng lâu càng tốt.” Tâm ta lúc nào cũng đi lang thang và ta chợt nhận ra mình đang suy nghĩ. Chúng ta có thể nhớ đến bữa ăn sáng, nó ngon làm sao, những quả dâu đỏ và cà phê. Hoặc chúng ta có thể đang sửa soạn những lời giận dữ dành cho ông chủ vô ơn của mình. Hoặc chúng ta có thể nghĩ đến người yêu, con cái hay cha mẹ, và tình thương yêu ta dành cho họ. Việc tọa thiền hiển bày cho chúng ta rất nhiều điều, nhưng trước hết nó giúp ta nhận ra rằng ta mất quá nhiều thời gian trong suy tưởng, chứ không có mặt ngay trong giây phút hiện tại. Ta khám phá ra rằng ta sống cuộc sống của mình giống như sự diễn tập sau tấm màn của tư duy, diễn tập những điều mà đáng lý ta có thể đã làm khác hơn và những gì ta sẽ làm khác hơn trong tương lai. Theo truyền thống Phật giáo, sống chân thực đòi hỏi chúng ta phải bước ra khỏi buổi diễn tập và dấn thân vào cuộc sống đầy bất trắc, đầy hỗn loạn, nhưng cũng đầy niềm vui một cách trực tiếp. Sống chân thực là dừng lại việc bắt chước người mà chúng ta muốn trở thành và trở về với bản thể nguyên sơ của chúng ta ngay tại đây, ngay lúc này, một cách vẹn toàn, hoàn hảo, và nhận biết chúng ta đã là ai rồi. Ngồi trong vòng mười lăm phút, một tiếng, mỗi ngày, hoặc có thể cả tháng, hoán chuyển giữa cuộc đối thoại nội tâm với việc chỉ có mặt trong hiện tại là một phương cách chẳng hấp dẫn gì. Nhưng thật đáng ngạc nhiên, đó lại là cách hữu dụng nhất để chúng ta trở thành bạn của mình, và để chúng ta khám phá ra chân tánh của mình. Giống như khi ta chà nhám một mảnh gỗ anh đào để chuẩn bị cho nước sơn cuối cùng, việc hành thiền cũng dần dà thanh lọc tâm trí, mài dũa các uế nhiễm và tôn tạo hạt giống độc đáo nguyên sơ của ta – cái đẹp của cảm giác an bình tự nhiên. Tọa thiền là một hành động rất mực nhẹ nhàng qua đó chúng ta cho phép bản thân chỉ đơn giản là như thế. Pháp hành này đòi hỏi sự chính xác, sức mạnh và sự dũng cảm của cá nhân. Nhưng sự nỗ lực như thế tự hòa quyện vào nhận thức tinh tế rằng chúng ta chỉ cần ngồi – chỉ cần có mặt. Chúng ta sẽ khám phá ra rằng thân và tâm của ta có thể thư giãn và hoà nhập vào sự nhạy bén sống động của các giác quan và giây phút hiện tại. Chúng ta tập buông bỏ những toan tính – sự lo lắng phải thất bại, những khả năng không thể tiên liệu và hy vọng được thành công và được an toàn - và trong giây phút ấy “không cần biết” việc gì sẽ xảy ra. Chỉ trong giây phút đó chúng ta có mặt với thế giới xung quanh mà không có những định kiến và thành kiến. Chúng ta trở nên nhẹ nhàng với bản thân, làm chậm lại tính nôn nóng muốn sửa đổi hoàn cảnh của mình, và trở nên tò mò về thế giới của chúng ta hơn là cảm thấy bị nó đe dọa. Chúng ta thoáng nhận ra rằng chỉ đơn giản là chính mình, có mặt ngay tại đây là điều không thể tránh, là chân thật, tự tại; chúng ta khám phá ra căn nguyên, chân tánh của ta. Sự khám phá chân tánh qua việc hành thiền cung cấp cho ta dụng cụ cốt lõi để phát triển thái độ tự tại, chân thật trong công việc. Nếu quán sát kinh nghiệm hành thiền của mình một cách thấu đáo, chúng ta sẽ khám phá ra rằng ta đang hiển lộ cái đã từng bị quên lãng. Khi chúng ta buông bỏ những suy nghĩ và đem sự chú tâm vào trong giây phút hiện tại, nếu quán sát kỹ lưỡng, chúng ta sẽ thấy rằng chúng ta đang tin tưởng bản thân một cách toàn vẹn. Buông bỏ khi tĩnh tọa, lúc đầu, chỉ là một bước nhỏ, giống như trẻ em học lội ở biển. Chúng ta buông bỏ những toan tính trong chốc lát, để bước vào trong giây phút hiện tại, rồi trở nên ngại ngùng, nên nhanh chóng chạy tránh những ngọn sóng biển lạnh lùng, để trở về với sự thoải mái của những suy tưởng nội tâm. Với thời gian chúng ta có thể tin tưởng bản thân để lội xa hơn vào trong cuộc sống, có mặt trong giây phút hiện tại lâu hơn, đối diện dũng cảm với những ngọn sóng ba đào và biển cả dâng cao. Với cách này, buông bỏ những suy nghĩ và dấn thân vào cuộc sống một cách trực tiếp trong tất cả những sự nguyên sơ và sức mạnh của nó, chúng ta thực sự thể hiện lòng tự tin không thể bị chối bỏ hoặc xác định của chúng ta. Không có gì bảo đảm trong cuộc sống. Không có gì bảo đảm cho cảm xúc. Không có ai theo sát bên để khen ta tọa thiền giỏi. Chúng ta chỉ dựa vào những khả năng và nguồn lực bẩm sinh của mình. Với thời gian niềm tự tin này phát triển xa hơn chiếc gối thiền, tới nơi ta tập vượt qua đầu sóng, và hòa mình vào trong đại dương bao la của cuộc sống đời thường. Chúng ta khám phá ra rằng ta có thể hoàn toàn tin tưởng vào bản thân; ta có thể chân thật sống với những cảnh đời, nhất là trong công việc làm. Chúng ta khám phá ra rằng không có vị thần chứng khoán, không có ca khúc ngợi khen từ ông chủ, không có đề nghị thăng chức, không có lương tháng hay tiền thưởng, không có việc làm hay dự án mới, không có quyền lực chính trị nào - không có gì có thể thay thế lòng tự tin cơ bản trong quyền lực ban sơ của ta. Một niềm tin như thế không thể lay chuyển được vì không có gì có thể xác định hay chối bỏ nó. Sự chân thực trong công việc cũng không khác gì. Nó không buộc ta phải gấp rút chạy vào phòng xếp để trút hết nỗi lòng, rồi vứt bỏ việc làm qua cửa sổ. Nó cũng không đòi hỏi chúng ta phải vùng lên, bỏ việc và trở thành điều mà ta luôn mong muốn: Nghệ sĩ chơi đàn banjo hay người may mền. Đúng hơn, sống chân thực không đòi hỏi gì cả, nó chỉ là dựa vào chính cảm giác tự tại tự nhiên của ta. Lòng tự tin đó cho phép chúng ta có mặt trong thế giới công việc của mình, hoàn toàn đắm mình trong công việc. Khi chúng ta buông bỏ sự diễn tập, thân và tâm ta ngày càng trở nên đồng bộ hơn, ta có mặt ngay trong hiện tại, sẵn sàng trong công việc của mình, đầy hứng khởi với những điều tỉ mỉ và phương cách làm việc. Chúng ta không chấp vào những thói quen hay nỗi sợ hãi và định kiến trong công việc. Chúng ta trở nên tự do để dấn thân vào thế giới một cách không sợ hãi và đầy khéo léo, vừa học hỏi vừa khám phá trên đường đi. Buông bỏ phạm trù cá nhân để dựa vào cảm giác chân thật bẩm sinh không phải là điều đặc biệt nghiêm trọng gì, nhưng nó tế nhị, mạnh mẽ, quyết liệt, đồng thời cởi mở. “Hãy chân thật” là một tuyên ngôn cơ bản về việc chúng ta là ai, chúng ta có mặt ở đâu, phát khởi từ quyền lực nguyên thủy. Thứ quyền lực giúp ta chân chánh, thông minh và hiểu biết sâu sắc. Trích từ: ● TỈNH THỨC TRONG CÔNG VIỆC MICHAEL CARROLL chuyển ngữ Diệu Liên Lý Thu Linh...(sách) |
Send comment