LÁNH ĐỜI HAY ĐƯƠNG ĐẦU VỚI CUỘC SỐNG?
Đi tu hay không đi tu là “duyên” của mỗi người trong cuộc sống. Nhưng, theo thầy Thích Kiến Nguyệt, Trụ trì Trúc Lâm Thiền viện Tây Thiên không phải cứ ai muốn đi tu đều được chấp nhận…
(Hình bên: Thầy Thích Kiến Nguyệt, trụ trì Trúc lâm Thiền viện Tây Thiên)
Đi tu phải được sự đồng ý của người thân
Như chúng tôi đã có bài phản ánh về việc một số ông chồng tự nhiên đòi xuống tóc đi tu trước sự ngỡ ngàng của người thân. Phân tích ở góc độ tâm lý, hành động này là hành vi chạy trốn. Nhưng, ở góc độ người trong cuộc, thầy Thích Kiến Nguyệt, Trụ trì Trúc lâm Thiền viện Tây Thiên chia sẻ: Đối với đạo Phật, người được xuất gia là một đại nhân duyên, Người có túc duyên nhiều đời thì không còn tâm ham muốn hưởng thụ ngủ dục nên mới xuất gia chịu cảnh ăn uống kham khổ, mặc đồ nâu sòng, hoại sắc. Những ai còn ham muốn ngũ dục (tài, sắc, danh, thực, thùy) thì khó đi trọn đường tu.
Ngoài ý chí nguyện lực của mình, người xuất gia còn phải được sự cho phép của cha mẹ và chính quyền địa phương thường trú (nếu là vị thành niên (dưới 18 tuổi), nếu đã có gia đình thì phải có sự đồng ý, sự cho phép của chồng hoặc vợ. Đây là điều mà giáo hội Phật giáo ViệtNam và Hiến chương Phật giáo đã qui định, người xuất gia thọ giới pháp (phải có đơn xin xuất gia, đơn cho phép của cha mẹ, hoặc chồng – vợ , và xác nhân của Chính quyền địa phương thường trú, thì mới được cứu xét đơn cho thọ giới phẩm để tu. Khi vào đạo rồi còn biết bao nghịch cảnh, chướng duyên thử thách, khiến nhiều người không đi trọn được con đường hướng đến giác ngộ, giải thoát mà mình đã chọn trước đó.
Đi tu chỉ là một trong nhiều lựa chọn trong cuộc sống
Việc một số người chọn cách đi tu, theo nhận định của nhiều chuyên gia, chỉ là một trong nhiều lựa chọn trong cuộc sống. Bởi, trên thực tế, có nhiều người chọn cách đối đầu với cuộc sống thực tại. Bằng chứng là cũng có những người chọn cách cực đoạn: tự tử để giải quyết nỗi đau của cuộc sống; có người bằng lòng với cuộc sống thực tại của bản thân mình… Trong muôn vàn chọn lựa về cách sống của mỗi người, những người chọn cách xuống tóc đi tu theo Thầy Thích Kiến Nguyệt, là vì mỗi người có một cái “duyên” riêng.
Theo phân tích của thầy Thích Kiến Nguyệt, trong thời gian vừa qua đất nước chúng ta có chiến tranh, nên có nhiều người hoạt động cách mạng không thành công bị địch truy lùng, vào chùa ẩn dương nương Phật, có người trốn quân dịch, cũng có người thất tình, làm ăn thất bại, thất chí, tuổi già không con cháu nương tựa… Từ đó có nhiều người xem đạo Phật là tôn giáo bi quan yếm thế.
Tuy nhiên, đối với những người có “túc duyên nhiều đời” (những người nhiều đời là thầy tu), lại mang nhiều ý nghĩa. Việc chọn lựa xuống tóc đi tu của một số người là bởi quan niệm đến với đạo Phật là để thực hành lời Phật dạy rồi tự mình “ngộ” ra vấn đề, thấy được chân lý. Từ đó mới hiểu được tại sao một vị hoàng đế anh hùng của dân tộc, đang hưởng thụ ngũ dục cao nhất, đang nắm quyền lực cao nhất mà lại từ bỏ ngai vàng, nhường ngôi cho con (trường hợp đức vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, năm Ngài 35 tuổi), chắc hẳn không phải đi tu để trốn chạy cuộc đời thực của mình, để đi tìm hạnh phúc ảo tưởng nào đó.
Vấn đề quan trọng nhất trong cuộc sống này của mỗi con người là trách nhiệm trước bản thân, gia đình và xã hội. Nếu mỗi người đều muốn làm những điều tốt đẹp cho bản thân và vẫn nghĩ đến cộng đồng, xã hội thì cuộc sống của mỗi người sẽ thực sự có ý nghĩa hơn và cùng hướng đến một mục tiêu, làm cái gì đó để ngày mai tốt đẹp hơn.
Trúc Dân