(Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm)
何期自性能生萬法
(Hà kỳ tự tánh năng sinh vạn pháp)
Đây là một trong những lời tán thán của Đức Lục Tổ Tuệ Năng sau khi đuợc nghe Đức Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn giảng kinh Kim Cang trong Pháp Bảo Đàn Kinh, người đọc thường thấy dịch là “tự tánh hay sinh muôn pháp” hoặc “tính mình có thể sinh ra muôn pháp” như trong một bản dịch Lục Tổ Đàn Kinh, phẩm Hành Do Đệ Nhất, trang 99, của Học Viện Dịch Kinh tại Vạn Phật Thánh Thành.
Trưng dẩn một số giải nghĩa từ các Hán Việt tự điển, chúng ta thấy:
1].Tự tính 自性; S: svabhāva; J: jishō: Chỉ cái tính nằm sau mọi hiện tượng, cái ngã. Theo quan điểm Đại thừa, tất cả mọi sự đều không có tự tính (s: asvabhāva), vô ngã, tức là không có một cái gì chắc thật, riêng biệt đứng đằng sau các trình hiện. Điều đó không có nghĩa sự vật không có thật, chúng hiện diện nhưng chúng chỉ là dạng xuất hiện của tính Không, tự tính là tính Không (自性空; Tự tính không; s: svabhāva-śūnyatā). Đây là quan điểm trung tâm của tư tưởng Bát-nhã ba-la-mật-đa (s: prajñāpāramitā) và Trung quán (s: madhyamaka).
Tuy nhiên, trong Thiền tông và các tông phái của Đại thừa tại Trung Quốc, biểu thị Tự tính (j: jishō) được dùng để chỉ cho bản thể thật sự của chúng sinh, vạn vật, đồng nghĩa với Phật tính (s: buddhatā; j: busshō) và nên phân biệt nó với cái tiểu Ngã mà Phật đã bác bỏ.(Tự điển Đào Uyển).
2]. Năng 能:
A].Tài cán, bản lãnh.
B]. Công dụng.
C]. Có tài cán.
D]. Làm (nổi), gánh vác (nổi).
E]. Có thể, khả dĩ.
3]. Sinh 生:
A]. Ra đời, nẩy nở, lớn lên.
B]. Đẻ ra, nuôi sống.
C]. Làm ra, gây ra, sản xuất.
D]. Chế tạo, sáng chế.
E]. Sự sống, đời sống.
F]. Sống còn.
4]. Vạn 萬) Nhiều lắm.
5]. Pháp 法
Đạo lí Phật giáo (pháp 法 là dịch nghĩa tiếng Phạn "dharma", dịch theo âm là "đạt-ma"). Nhà Phật nói hết thảy mọi sự mọi vật ở thế gian đều là giả, đều do cái vọng tâm vọng tạo ra, gọi là pháp. Tức là nội dung tâm thức, đối tượng của mọi quán chiếu, tư tưởng, sự phản ánh của sự vật lên tâm thức con người.Chữ “năng” thường thấy trong các bản dịch là “có thể”, “có khả năng” (hợp với 5 định nghĩa về chữ “năng” ghi trên.)
Chữ “sinh” trong câu văn trên thường thấy trong các bản dịch với nghĩa là “làm ra, gây ra, sản xuất, chế tạo, sáng chế” ; chưa được thấy bản dịch nào với nghĩa sanh tồn 生存 sống còn, sinh hoạt 生活 sinh sống.
Như đã nói trên, Tự Tánh ở đây đồng nghĩa với Phật Tánh.
Sau đây tôi xin trưng dẫn bản văn của giáo sư Paul Swanson liên quan đến chủ đề “Ba Mặt Phật Tánh” trong quyển “Thiền và Chỉ Quán” (Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm dịch, nxb Phương Đông, năm 2011), để trình bày một cách tương đối sự đồng điệu giữa ngôn từ và thánh trí của người xưa trong phương cách chọn từ ngữ để mô tả chân lý.
Để khỏi phải mất thì giờ nhắc lại những đoạn văn đã phiên dịch những năm trước, tôi xin được trích dẫn một đoạn văn dài từ một bản văn do giáo sư Paul Swanson soạn và giảng trong các đại học về cái nhìn về Phật tánh qua Phật học Thiên Thai Tông.
“Câu hỏi kế tiếp được đưa ra là: Phật tánh muốn nói lên điều gì, và ý nghĩa của Phật tánh đối với giáo và hành trong Phật pháp là gì?. Điều tôi muốn đưa ra là, với Thiên Thai Trí Khải, Phật tánh không phải là một thực tại ù lì mà là một tiến trình ba mặt phản ảnh đạo lý, trí tuệ nhìn đạo lý như nó thực sự là, và đường lối thực hành để chứng đạt trí tuệ nầy. Phật Tánh là một mặt có ba nếp gấp: ba khía cạnh hỗ tương giữa chân, tuệ, và hành – một khía cạnh chính nó không tạo được nghĩa gì nếu thiếu hai khía cạnh kia. Nói tóm lại, ba mặt chân, tuệ, và hành phải được nhìn trong một toàn thể hội nhập; chống giữ lẫn nhau, và không tự tạo nên ý nghĩa riêng rẽ nào. “Sự vật như nó là” phơi bày, (và chứng đắc Bồ đề) qua sự thông đạt của trí tuệ, trên những đường lối thực hành đã được vẽ ra.
Một trong số rất ít những lập luận về Phật tánh của Thiên Thai Trí Khải, và là luận cứ khéo hài hòa vào nền tảng triết học của đại sư như một toàn thể, là cấu trúc về ba mặt Phật tánh trong tác phẩm Pháp Hoa Huyền Nghĩa; dù rằng sự giải thích nầy chỉ chiếm một phần ngắn trong một chương dài nói về tam đế [a]. Vì vậy, khái niệm về Phật tánh là thành phần trong một kết cấu tổng quát, qua đó, những khái niệm khác nhau – vijnana, trikaya, triratna... được giải thích xuyên qua ba mặt chân, tuê, và hành. Theo đó, tôi sẽ trình bày khái niệm về ba mặt Phật tánh của Thiên Thai Trí Khải qua ba mặt chân, tuệ, và hành.
TAM ĐẾ ĐƯỢC TRÌNH BÀY QUA MƯỜI ĐỀ MỤC
Để tránh việc đi quá xa chủ đề Phật tánh, trước hết tôi sẽ nói về mười đề mục mà Thiên Thai Trí Khải đã dùng cấu trúc ba mặt để giải thích. Trong văn mạch trên, đại sư đã đưa ra cái nhìn Phật tánh ba mặt, và để có thể hiểu được ba mặt Phật tánh của Trí Khải, chúng ta cần nhìn thấy cách bố cục nầy được áp dụng ở những chỗ khác ra sao. (Xin đọc bảng “Phân tích về Tam Đế của Thiên Thai Trí Giả” trong quyển “Thiền và Chỉ Quán”, trang 53, Paul Swanson soạn, Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm dịch, nxb Phương Đông, 2011)
Nền tảng |
Lý 理 |
Trí 智 |
Hành 行 |
Tam quỹ 三 轨 |
Chân tánh 眞 性 |
Quán chiếu 觀 照 |
Tư thành 資成 |
Tam Đế 三 諦 |
Trung 中 |
Không 空 |
Giả 假 |
1. Tam Đạo 三 道 |
Khổ đạo 苦 道 |
Phiền não đạo 煩 惱 道 |
Nghiệp đạo 業 道 |
2. Tam Thức 三 識 |
Amala 菴 摩 羅 |
A lại da 阿 賴 耶 |
A đà na 阿 陀 那 |
3.Tam Phật Tánh 三 佛 性 |
Chánh nhân 正 因 |
Liễu nhân 了 因 |
Duyên nhân 緣 因 |
4. Tam Bát Nhã 三 般 若 |
Thực tướng 實 相 |
Quán chiếu 觀 照 |
Văn tự 文 字 |
5. Tam Bồ Đề 三 菩 提 |
Thực tướng 實 相 |
Thực trí 實 智 |
Phương tiện 方 便 |
6. Tam Đại Thừa三 大 乘
|
Lý thừa 理 乘 |
Tùy thừa 隨 乘 |
Đắc thừa 得 乘 |
7. Tam Thân 三 身 |
Pháp thân 法 身 |
Báo thân 報 身 |
Ứng thân 應 身 |
8. Tam Niết Bàn三 涅 槃
|
Tánh tịnh 性 淨 |
Viên tịnh 圓 淨 |
Phương tiện tịnh 方 便 淨 |
9. Tam Bảo 三 寶 |
Pháp 法 |
Phật 佛 |
Tăng 增 |
10. Tam Đức 三 德 |
Pháp thân 法 身 |
Bát nhã 般 若 |
Giải thoát 解 脫 |
Cách thức dựng lập cấu trúc ba mặt bắt đầu với cái đại sư gọi là “tam quỹ phạm”. Thiên Thai Trí Khải dùng tên gọi “quỹ phạm” bởi vì đây là ba mặt phô bày của vạn vật; với nghĩa chân lý được “đặt định” trong một khuôn mẫu như vậy. Khuôn mẫu nền tảng nầy được biểu thị qua mười khái niệm, tất cả được giải thích qua hai mặt tụ và tán [b].
Tam quỹ phạm là: (1) chân tánh, tức đường lối sự vật là, dù con người biết hoặc không biết điều nầy; (2) quán chiếu, diệt vọng qua đó chân tánh hiển lộ; và (3) tư thành, chỉ cho thực hành để đạt được trí tuệ nầy.
Chúng ta cần lưu ý rằng Thiên Thai Trí Khải nhấn mạnh trên cả hai mặt tụ và tán của những yếu tố nầy. Như đại sư thường nói, ba trong một, và một trong ba. Theo từ ngữ của Thiên Thai Tông: Chỉ có một Phật thừa. Một Phật thừa duy nhất nầy liên quan đến một chân lý có ba mặt . Đây cũng gọi là đệ nhất nghĩa đế, đệ nhất nghĩa Không, và Như Lai tạng. Ba không phải là ba; có một trong ba. Một không hẳn là một mà có ba trong một. Chỗ nầy vượt trên lối hiểu thuộc khái niệm, đây là chỗ chẳng đồng, chẳng biệt, ví như ba chấm trong một mẫu tự Phạn ngữ hoặc con mắt của Isvara [c].
BA-MẶT PHẬT TÁNH
Ba-mặt (hoặc tam nhân) Phật tánh gồm có (1) chánh nhân Bồ đề, hợp với chân tánh; (2) liễu nhân Bồ đề, hợp với trí tuệ, và (3) duyên nhân Bồ đề, hợp với thực hành. Phật tánh như chánh nhân chỉ cho năng lực thành Phật vốn có trong mỗi chúng sinh [d]. Thiên Thai Trí Khải dẩn chứng một đoạn kinh Pháp Hoa – khi ông trưởng giả tuyên bố cho mọi người chung quanh biết rõ về lý lịch chân thực của người con lưu lạc – để trình bày chỗ nầy: “Người chính thực là con của ta; ta chính thực là cha người” [e]. Đoạn kinh trên biểu thị Phật tánh về mặt chân lý. Bởi vì tất cả chúng sinh vốn sẳn có khả năng thành Phật, đây gọi là chánh nhân chứng đắc Bồ đề.
Hai mặt kia của Phật tánh được trình bày qua ẩn dụ hạt châu cột trong chéo áo: “Ta, từ lâu xưa đã từng dạy các ông đạo vô thượng, vì thế... lời nguyện [chứng đắc] nhất thiết trí vẫn chưa mất”[f]. Thiên Thai Trí Khải lấy chữ “trí tuệ” trong đoạn kinh văn nầy để biểu thị Phật tánh như liễu-nhân Bồ đề, với nghĩa rằng trí tuệ chiếu soi chân tánh; và lấy chữ “nguyện” để biểu thị Phật tánh như duyên-nhân Bồ đề, với nghĩa rằng sự thực hành cần thiết để có thể chứng đắc trí tuệ nầy.
Thiên Thai Trí Khải tiếp tục dẩn chứng kinh Pháp Hoa để trình bày ba-mặt Phật tánh: lời tuyên bố của Thường Bất Khinh Bồ Tát: “Tôi không dám khinh thường các ông vì tất cả các ông sẽ thành Phật” biểu thị chánh nhân Bồ đề, tức tất cả chúng sinh đều sẳn có khả năng thành Phật. Bốn nhóm tăng nhân và cư sĩ, là những người vào lúc đó đã xua đuổi Thường Bất Khinh Bồ tát; về sau trở lại tụng đọc kinh điển..., và chứng đắc Phật tuệ. Đây là chỗ biểu thị Phật tánh như liễu-nhân Bồ đề. Vô số đức hạnh theo đó mà thành tựu biểu thị Phật tánh như duyên-nhân Bồ đề” [g].
Và:
“Như vậy, Thiên Thai Trí Khải có hoài bảo gì khi đưa ra ba-mặt Phật tánh?. Đôi khi những gì đại sư phát họa dường như từ một sự liên tưởng quá phong phú [dễ trở thành tưởng tượng], nhưng trong đó, ý định của đại sư thì không phải là một điều mơ hồ. Thiên Thai Trí Khải muốn [hành giả] nhận diện được Phật tánh qua nguyên lý ekayana của kinh Pháp Hoa, rằng tất cả chúng sinh đều có khả năng đắc quả vị Phật. Phật tánh được nhìn có ba khía cạnh: thứ nhất, đạo lý như thị, tức năng lực chứng quả Phật sẳn có của tất cả chúng sinh dù biết hay không biết; thứ hai, trí tuệ và mục tiêu hành trì; và thứ ba, sự thực hành cần thiết để có thể có được trí tuệ nầy. Phật tánh không phải là một thực tại bất động mà là một tiến trình hành động – một sự phối hợp và điều hòa của tam vị nhất thể qua chân lý, trí tuệ, và thực hành [h]. Hơn nữa, ba-mặt Phật tánh nầy tùy thuận nhau, không tự tạo ý nghĩa nếu đứng riêng rẽ. Không thể có một “hứa hẹn” đến được nơi đất Phật mà không cần tu hành; tu hành không có nghĩa nếu không có sự hứa hẹn đến được nước Phật. Khả năng tiềm ẩn có sẳn, nhưng phải được vén mở. Ba trong một, và một trong ba”.
Như vậy, câu tán thán “Đâu ngờ tự tánh năng sinh vạn pháp” biểu thị đầy đủ ba mặt của tự tánh: chánh nhân, liễu nhân, và duyên nhân.
Phật pháp đã phát huy và tồn tại qua thời gian, đến nay thì tôi tin rằng không còn có bất cứ một người nào tự nhận mình là Phật tử mà trong thâm tâm còn có ý đồ phân chia tông phái, cân nhắc thượng hạ, bài bác Tiểu thừa hoặc Đại thừa. Đưa câu tán thán của một vị Tổ lỗi lạc (tạm gọi là Tổ Thiền Tông) vào khung ảnh của cái tạm gọi là Thiên Thai Tông, tôi xin được nhắc lại một đoạn trong bài thuyết trình tại Vạn Phật Thánh Thành với tựa đề LỤC ĐẠI TÔNG CHỈ DƯỚI CÁI NHÌN VIÊN GIÁO THIÊN THAI TÔNG vào ngày kỷ niệm Hòa Thượng Tuyên Hóa nhập Niết Bàn mùng 10 tháng 8, 2013 (xin xem Thư Viện Hoa Sen):
“Theo tôi, nên nhìn vào kinh mà thấy Tứ giáo; không nên dùng Tứ giáo như một cái khung để sắp xếp kinh theo lớp lang, đưa đến sự xem trọng kinh này, xem thường kinh kia, xa hơn nữa là dẫn đến sự xung đột giữa Tiểu thừa và Đại thừa. Trong “Tứ Giáo Nghĩa” Trí Khải Đại Sư nói rằng: Những biện luận về kinh điển của người xưa là hướng về cơ duyên của người thời đó, nếu cố chấp theo quan niệm của từng cá nhân thì sẽ gây ra chia rẻ và xung đột. Như vậy, cùng một học thuyết nhưng có những lối nhìn và những cách thức tu tập khế cơ. Điều này cũng áp dụng cho “Lục Đại Tông Chỉ. Nếu nhìn vào kinh mà thấy Tứ giáo tức là hiểu được Tứ Tất Đàn (thế tục tất đàn, vị nhân tất đàn, đối trị tất đàn, và đệ nhất nghĩa tất đàn).”
_________________________________
[a] Taisho 33, 741b-746c
[b] Taisho, 741b11
[c] Taisho 33741b13-17. Hình ảnh nầy thường được Thiên Thai Trí Khải dùng để biểu thị sự tụ tán của ba-trong-một, một-trong-ba. Nguyên âm i trong Phạn ngữ, và ba con mắt của Isvara như một hình ba góc, cho thấy ba mặt quy về một như thế nào. Thí dụ, ba con mắt của Isvara, hai con mắt như người đời, và một con mắt cao hơn một chút ở giữa trán, có thể được hiểu như khi hội về một, khi khai ra ba. Hai ẩn dụ lấy từ kinh Đại Bát Niết Bàn (Taisho 12, 616b11-17).
[d] Taisho 744b12-13.
[e] Ẩn dụ người cùng tử trong kinh Pháp Hoa, Taisho 9, 17b13-14. Đọc Hurvitz, Scripture 88.
[f] Nửa câu sau trong Taisho 9, 29a 18-19. Hurvitz dịch: “Cho nên lời nguyện đối với nhất thiết trí chưa hề mất” (Scipture of the Lotus Blossom, 165).
[g] Lotus sutra, Taisho 9, 50c-51b; ibid., 280-282.
[h] Có thể rằng khuôn thước nầy đã được mang đi sâu vào thần học Thiên Chúa với tư tưởng về tam vị nhất thể: người cha là chân lý, người con là trí tuệ tái sinh, và thánh thần mang thiện hạnh vào đời sống hằng ngày?. Tôi dành lại câu trả lời vào một dịp khác.(CÙNG TÁC GIẢ)