|
Sâm sương vừa giải khát vừa nhuận tràng - Ảnh: Thanh Ly |
Ở miền quê, dây sâm sương thường leo trên những bờ dậu, hai bên hàng rào trên những con đường làng, hay trên đồi núi. Nhiều gia đình trồng sâm sương trong vườn nhà để bán và để dùng. Chính vì vậy mà ngày xưa trong dân gian thường có câu rằng: Lối về con thấy sâm sương/Leo đầy bờ giậu con thương quá chừng. Thì người mẹ trách yêu con rằng: Con thấy sao chẳng lấy về/Để vò lấy chất gọi là sương sâm/Sương sâm ăn để mát gan/Giảm ho trừ nhiệt, giải ban rất tài/Thuốc hay sao chẳng biết xài?…
Cách mà dân gian thường dùng sâm sương nhiều nhất đó là dùng lá già (lá to, có màu xanh đậm) còn tươi, hoặc lá khô đem vò nát trong nước (nước chín để nguội), rồi gạn lấy nước bỏ bã, cạo một ít nang của con mực cho vào để sâm sương đông lại như thạch, nên có người còn gọi là thạch sâm sương. Muốn cho sâm sương càng đặc, màu xanh thật đậm thì vò nhiều lá và ít nước; muốn cho sâm sương màu xanh nhạt thì làm ngược lại - ít lá sâm sương, nhưng thật nhiều nước. Do màu xanh của sâm sương khi vò ra trong nước rất xanh, nên chỉ cần một nắm lá sâm sương ta có thể tạo ra nửa nồi, hoặc cả một nồi thạch sâm sương thật lớn (tùy theo hòa với ít hay nhiều nước như nói trên).
Theo lương y Trần Khiết, sâm sương có tính mát, có công năng nhuận tràng, hạ nhiệt, và giải độc. Người béo phì, thừa cân nên dùng sâm sương không đường. Còn với người bình thường thì sau khi sâm sương đông lại thành thạch thì cho ra đĩa, muốn vừa ngon vừa hấp dẫn thì phủ lên trên một lớp mè nấu với nước đường cô đặc, hoặc một ít sữa kem làm màu. Dùng như vậy vừa thơm, vừa giúp tăng công năng nhuận tràng...
Thanh Tùng
- Tag :
- Món ăn chay