Lắng nghe từng hơi thở
Nhận diện rõ thân tâm
Pháp trong ngoài chẳng lập
Tâm an, việc đã làm.
Quán niệm hoặc nhận diện thân tâm là công việc chính yếu của những người học đạo giải thoát. Thói quen của dòng tâm ý là thường xuyên nghĩ ngợi và suy tính liên tục, ít khi thân-tâm-cảnh hiện hữu trọn vẹn với nhau. Chính vì thân một nơi tâm một ngả cho nên tâm trí không được định tĩnh và sáng suốt, vì thế ta khó có thể hiểu hết về bản chất con người của mình cũng như quá trình đổi thay, thăng trầm của cuộc sống. Vì vậy, quán chiếu thân tâm chính là khai mở sự thấy biết trong sáng, chân thật vốn có nơi mỗi con người, nhờ đó ta thông suốt được mọi lĩnh vực tương giao của cuộc sống nên các ý niệm tiêu cực, bất thiện cũng được chuyển hóa đoạn trừ.
Tuy nhiên, khả năng nhận diện tâm, điều phục tâm và tự tại trước mọi biến cố xảy ra không phải ai cũng có thể thực hiện được. Vì thói quen rong ruổi, tìm cầu, tham muốn về năm dục (tiền tài, danh vọng, sắc đẹp, ăn ngon, ngủ nghỉ) của con người đã được huân tập từ nhiều kiếp lâu xa, đến nỗi dù bạn chủ trương không tham muốn bất cứ điều gì, thì cũng khó tránh khỏi thái độ khát vọng mong cầu được nghỉ ngơi an tịnh tâm hồn. Bởi có một số người cho rằng, sống trong cõi đời này toàn là phiền não khổ đau, chẳng có gì khiến cho mình an vui hạnh phúc cả, nên cần phải nỗ lực tu luyện để sớm đạt được sự giác ngộ và giải thoát. Chúng ta vừa nghe qua thì có vẻ hợp lý, nhưng trên thực tế, thái độ chán ngán hiện tại và mong cầu sở đắc ở tương lai chính là tạo thêm phần rối ren trói buộc và cản trở khả năng giác ngộ, giải thoát. Vì ta không thích những gì đang có mặt ở hiện tại chính là tâm sân, còn thái độ bám víu cố thủ hoặc ao ước đạt được một điều gì đó ở ngày mai là tâm tham. Giải thoát là tâm không bị ràng buộc hoặc vướng mắc vào bất cứ ý niệm nào cả gọi là vô sở trụ, trong khi đó tham và sân vẫn còn trấn ngự trong tâm thì làm sao ta được tự do và giải thoát? Mặt khác, an vui hạnh phúc chỉ có thể tìm thấy trong nỗi khổ niềm đau, vì phiền não tức Bồ-đề (giác ngộ), nếu ta nỗ lực để loại trừ phiền não thì làm sao có Bồ-đề? Giác ngộ không phải là cầu toàn, mong đạt được điều như ý, vì càng cầu toàn thì càng thêm đau khổ thất vọng, mà là cần thấy ra bản chất bất toàn của cuộc sống.
Trong thực tế, hiếm khi chúng ta thấy ra cả hai mặt của cuộc sống: thành và bại, được và mất, hơn và thua, thiện và ác, đúng và sai, v.v… mà chỉ thấy phiến diện theo cảm tính chủ quan. Vì khi mắt nhìn thấy sắc, nếu đó là một người xinh đẹp ta liền khởi niệm ưa thích chiếm hữu. Tai nghe âm thanh nhưng với giọng nói cộc lốc, khô khan và thô tháo thì ta cảm thấy khó chịu và muốn tránh né. Thái độ phản ứng này đã che mờ tánh biết trung thực về các pháp, nên sinh ra tâm phân biệt chọn lựa sở hữu cái mình yêu thích hoặc loại bỏ những điều không vừa lòng hợp ý. Và dĩ nhiên, một khi trong tâm còn ngự trị các ý niệm tiêu cực này thì khổ đau vẫn còn đeo đẳng triền miên. Do đó, trong mỗi giây phút của đời sống hàng ngày ta cần phải nhận diện tâm, điều phục tâm và làm chủ được tâm ý mình thì khi ấy ta mới thực sự sống thảnh thơi an lạc và đem lại lợi ích cho cuộc đời.
Trong kinh Tăng chi bộ I, phẩm Không điều phục, Đức Thế Tôn có dạy rằng: “Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến bất lợi lớn, này các Tỷ-kheo, như tâm không được điều phục. Tâm không được điều phục, này các Tỷ-kheo, đưa đến bất lợi lớn/ Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến lợi ích lớn, này các Tỷ-kheo, như tâm được điều phục. Tâm được điều phục, này các Tỷ-kheo, đưa đến lợi ích lớn”. Tâm không điều phục là tâm đi hoang; tâm tiếc nuối những gì đã xảy ra trong quá khứ và ảo tưởng, mơ mộng tới tương lai hoặc chìm đắm, vướng kẹt vào hiện tại khiến cho ta không được tự do, tự tại. Có nhiều người do không làm chủ được chính mình, và không đủ khả năng để kiểm soát những cảm xúc, nên khi gặp phải sự cố xảy ra ngoài dự tính thì họ dễ dàng bị hoàn cảnh chi phối, sai sử và dĩ nhiên hậu quả của sự mê mờ ấy người trong cuộc sẽ tự cảm nhận lấy.
Điều phục tâm cũng chính là nhận diện rõ quá trình dao động sinh diệt của dòng sông tâm ý. Trạng thái tâm đang diễn ra như thế nào, ta chỉ đơn thuần ghi nhận y như thế đó mà không gia tâm thêm bớt hay nắm giữ bất cứ điều gì. Thí dụ, khi có một nỗi buồn khởi lên, bạn chỉ cần nhận biết trọn vẹn sự hiện hữu của nó thấy như thực thấy, nghe như thực nghe... biết như thực biết, mà không cần phải dụng tâm cố ý tiêu diệt hoặc đè nén gì cả thì nỗi buồn, cơn giận tự động tan biến. Nếu bạn nôn nóng dùng một phương pháp nào đó để khử trừ phiền não, thì vô tình thái độ khẩn trương ấy lại rơi vào cái bẫy vi tế của tham và sân để rồi cứ mãi luẩn quẩn trong vòng buồn giận khổ đau. Chính vì thấy được điều này nên Thiền sư Thiền Lão (1034-1038) đã cảnh báo rằng: “Đầu thượng trước đầu, tuyết thượng gia sương” (Trên đầu đội đầu, trên tuyết thêm sương) là vậy.
Chúng ta nói quán niệm về hai lĩnh vực là thân và tâm, nhưng thực ra chỉ cần nhận diện rõ tiến trình sinh diệt của tâm thì đồng thời ta cũng nhận biết về mọi động dụng của thân thể, và ngược lại nếu ta quán chiếu thân thể cho thấu đáo thì sẽ rõ biết về tâm ý mình. Trong kinh Niệm xứ (Trung Bộ I), Đức Thế Tôn dạy rằng: “Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi bước tới, bước lui, biết rõ việc mình đang làm; khi ngó tới ngó lui, biết rõ việc mình đang làm; khi co tay, khi duỗi tay, biết rõ việc mình đang làm; khi mang áo Sanghati (Tăng-già-lê), mang bát, mang y, biết rõ việc mình đang làm; khi ăn, uống, nhai, nếm, biết rõ việc mình đang làm; khi đại tiện, tiểu tiện, biết rõ việc mình đang làm; khi đi, đứng, ngồi, ngủ, thức, nói, im lặng, biết rõ việc mình đang làm…”. Rõ biết việc mình đang làm chính là tâm ý được thắp sáng trong đương tại; mọi động dụng của cơ thể khi đi, đứng, nằm, ngồi, mặc áo, ăn cơm, làm việc… diễn ra như thế nào ta đều nhận biết y như nó đang là (như thị), mà không dùng ý thức xen vào để điều khiển theo ý đồ lập trình của cái ta tham vọng.
Tuy trong kinh Niệm xứ có triển khai bốn lĩnh vực quán niệm khác nhau là thân, thọ, tâm và pháp nhưng thực ra hành giả chỉ cần quán niệm trọn vẹn về thân thể hoặc cảm thọ thì đồng thời cũng nhận biết rõ về các lĩnh vực còn lại. Bởi vì thân thể, cảm thọ, tâm ý và đối tượng của tâm ý có mối liên hệ mật thiết với nhau không thể tách rời. Thí dụ, khi có một ai đó la hét ồn ào khiến cho lỗ tai bạn không thể chịu đựng được, thì lúc này tâm ý của bạn cảm thấy khó chịu và trở nên bực tức giận dữ đến đối tượng đã gây ra tiếng ồn. Như vậy, rõ ràng giữa thân, tâm và hoàn cảnh bên ngoài có mối tương quan, tương duyên chặt chẽ với nhau để hình thành nên cuộc sống đầy muôn màu và muôn vẻ.
Hiện nay, có một số trung tâm Phật giáo thuộc các nước như Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan… họ chỉ chủ trương thực hành quán niệm về thân mà không niệm bất cứ điều gì khác. Và kết quả của sự hành trì ấy đem lại nhiều lợi ích thiết thực an lạc cho tự thân và cuộc sống nên thu hút khá đông đảo thiền sinh khắp nơi đến tu tập. Ở tại Việt Nam cũng có một vài nơi thực hành pháp môn niệm thân này nhưng chưa thực sự phát triển rộng rãi.
Tuy vậy, dù bạn thực hành bất cứ pháp môn nào đi nữa thì trọng tâm vẫn phải trở về với chính mình và có mặt trọn vẹn trong từng phút giây hiện tại. Khi đi bộ, tập thể dục, ngồi chờ xe buýt, ăn cơm, uống trà, v.v… bạn cần phải thường trực nhận diện thân tâm mình, không mê mờ và xao lãng thực tại. Khi tâm được an tịnh, trong sáng thì trí tuệ phát sinh, lúc bấy giờ cái nhìn của bạn đối với các pháp trở nên bình đẳng và trung thực. Không còn có ý niệm đối kháng hay chọn lựa lấy bỏ, mà là thuận theo chuỗi vận hành sinh diệt của nhân-duyên-quả và sống tự tại vô ngã vị tha giữa cuộc đời này.
Viên Ngộ