Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới

Thể Điệu Thi Sĩ Triều Nguyên

Monday, October 6, 201406:32(View: 9877)
Thể Điệu Thi Sĩ Triều Nguyên

Thể Điệu Thi Sĩ Triều Nguyên



tamnhien-trieunguyenThông thường, trong một tác phẩm văn học nghệ thuật, lời Tựa mở đầu bao giờ cũng được tác giả tự bộc bạch, thổ lộ, diễn bày rất cẩn trọng dài dòng, để người đọc dễ lãnh hội sâu vào nội dung tác phẩm đó, nhưng với Triều Nguyên thì lại hoàn toàn khác hẳn, khi viết Tựa cho tập thơ đầu tay Bay Đi Hạt Cát của mình, thi sĩ chỉ có một câu duy nhất, thật vô cùng giản dị : “Sa mạc buồn thương hạt cát bay đi…” Giản dị đơn sơ mà độc đáo, thể hiện một cốt cách đặc thù riêng biệt trên con đường sáng tạo, ngao du qua những phương trời ngôn ngữ thi ca quá mộng dập dìu.

 

Triều Nguyên sinh năm 1953 tại Đại Lộc, Quảng Nam, bên bến sông Thu Bồn lồng lộng gió nắng, ngan ngát hương đồng cỏ nội. Một thời niên thiếu rong chơi, thường lội suối tắm sông, chạy nhảy tung tăng quanh mấy nẻo làng thôn hồn hậu, mộc mạc.  Rồi lớn lên bên dòng sông Hàn, Đà Nẵng, cận kề bờ biển Thanh Khê nhìn ra bát ngát muôn trùng. Ngày đêm rạt rào bao sóng vỗ vào trong lòng chàng tuổi trẻ, khiến nghe ra bao điều chi vi tế, nhạy cảm khôn dò, nên chàng sớm bỏ xứ lên đường, thích phiêu lưu mạo hiểm, ưa tìm kiếm, khám phá trên những bước phong trần luân lạc tha phương. Sống rong ruổi đuối mộng bồng bềnh, lênh đênh xuôi ngược khắp dặm trường phiêu linh lữ thứ. Từng giáp mặt trăm bề, nghìn phía tồn sinh bức bách giữa sa mạc hư vôcuối cùng dừng gót giang hồ ở Sài Gòn, từ độ hồn thơ nhập cuộc với mộng thực trần gian. Ngát hương tâm cảm, bén nhạy, khai mở ra cảnh giới nội tâm mới lạ, khơi dậy những cuộc hân hoan để dặm mòn nhân thế bớt não nề trên bước đi lãng mạn, ngoạn mục văn nghệ sĩ :

 

Ơi nhân chứng đến và đi

Rong rêu ẩn ngữ gọi thi nhân về

Cuộc vui ảo phố não nề

Bày mê đồ trận ủ ê dặm mòn

 

Còn mãi luân lưu giữa ngày tháng rong rêu phóng đãng, giáp mặt với đủ thứ chuyện  nhiêu khê, tế toái để cho ẩn ngữ, mật ngữ xuất hiện từ độ nàng thơ bước về qua cuộc mộng trăm năm. Từ đầu nguồn đến cuối biển trời mây trắng, lặng hồn lắng nghe nỗi sầu thiên cổ mà bỗng nhiên bùng vỡ mạch nguồn thơ âm thầm tuôn chảy lặng đằm :

 

Em qua vui mộng trăm năm

Ta về ở trọ xa xăm nỗi buồn

Lặng nghe cuối bể đầu nguồn

Trong điều bất chợt thơ tuôn thành dòng

 

Dòng thơ phiêu bồng trôi chảy da diết miên man, ngập tràn trong tận suối lòng thi nhân giữa một bình sinh hy hữu nào đó, nên chàng bồng tênh, chuếnh choáng đi về trên nhịp điệu cung cầm thâm cảm du dương :

 

Đường trần đắm bước phù vân

Đi chưa qua một bàn chân đời mình

Lần theo mười ngón bấp bênh

Ôm chưa trọn cuộc ân tình trên tay

 

Ân tình nào chưa ôm trọn trên bàn tay rộng mở ? Phù vân nào mãi chập chùng đắm bước đường thơ ? Bàn chân nào đi chưa qua hết nghiệp mệnh, thân phận đời mình ? Phải chăng đó cũng là bước Đi Cho Hết Một Đêm Hoang Vu Trên Mặt Đất như tên một tác phẩm thâm thúy của Phạm Công Thiện, một thi sĩ kỳ tuyệt thiên tài hay là cuộc lữ phiêu linh theo Kinh Dịch ? Không biết nữa, thưa rằng chẳng biết chi mộ. Chỉ hay rằng, ngày Phạm Công Thiện đi về cõi miền vĩnh hằng, Triều Nguyên vô cùng tiếc thương, ngậm ngùi bày tỏ :

 

Gió xô mây đá kiêu hùng

Sầu chia tím biếc một vùng xưa sau

Trời xanh dậy trắng một màu

Vầng trăng lịm chết mộng đầu trường giang

Ngược dòng ảo tích trôi tan

Bước chân im lặng ầm vang cuộc người

 

Cuộc thơ, cuộc mộng, cuộc lữ, cuộc chơi vẫn bất tuyệt mở ra những con đường sương khói hoằng viễn uyên nguyên. Thiên tài qua chơi bên miền không có đâu, còn thi nhân ở lại với nỗi sầu hoang lương xuôi ngược, lặng lẽ tiếp tục công cuộc sáng tạo trong đêm tối cô liêu, lạnh lẽo buốt hồn, đốt lên ngọn lửa tịch mịch nồng say, cháy và chảy, cháy và chảy mãi thường hằng :

 

Mắt môi lửa cháy bập bùng

Tàn tro trắng xóa kỳ cùng cuộc chơi

Đôi chân ném ngược dòng xuôi

Nụ cười mây nước hòa trôi cõi bờ

 

Cõi bờ huyền mộng bắt qua nhịp cầu thương yêu xanh biếc tuyệt vời, gởi trao vô tận, chân thiết vô cùng. Tình thi nhân bao dung cúng dường, kính dâng phụng hiến, chỉ biết trao và cho và biếu tặng, nên chẳng bao giờ cảm thấy vừa lòng thỏa dạ dù đã trải qua vô lượng kiếp từ muôn thuở xa xôi đến gần gũi hiện tại bây giờ đây :

 

Buông bàn chân chạm bàn tay

Ngược xuôi mấy bận vơi đầy mông mênh

Trao em một thoáng êm đềm

Nhận hay không nhận cũng tình bao la

 

Tình cảm bao la, quá đỗi phong nhiêu trù phú, em có nhận hay không, điều đó thi nhân chẳng hề bận tâm, vẫn cứ một mực thuần nhiên, nhiệt tình trao tặng. Phải chăng, đấy là biểu lộ vô phân biệt trí, chỉ làm vì sự xúc động của trái tim, chứ không cần biết việc đó có lợi ích hay thiệt hại gì cho bản thân, theo kiểu thường tình tính toán so đo :

 

Có ai đi ngoài hư vô

cô đơn đổ tràn bờ thời gian

Mấy nghìn năm xuân chưa tàn

Dấu tích ẩn sĩ mênh mang nỗi đời

Lang thang triệu triệu kiếp rồi

Yêu thương chưa thỏa một nơi chốn nào

Bài thơ ta viết hôm nao

Lật ra chợt thấy cồn cào chữ Tâm

 

Chao ơi ! Chỉ một chữ tâm thôi là cũng đủ chứa cả ba nghìn thế giới, chứa hết toàn thể tam tạng kinh, luật, luận của Phật giáo đại thừa. Làm sao mà có thể lý giải hết được về cái tâm, cái tánh vốn bao trùm khắp vũ trụ tuần hoàn rộng rãi thái hư ? Thi hào Nguyễn Du nói : “Thiện căn ở tại lòng ta. Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” còn Triều Nguyên thì cũng nhẹ thì thầm :

 

Lay lất mặt mũi thăng trầm

Làm sao tỏ ngộ Chân Tâm pháp mầu

Chân Tâm là pháp cao sâu

Ngoài Chân Tâm ấy bể dâu ảo huyền

 

Biết mình chưa tỏ ngộ, chưa đốn ngộ được diệu pháp thượng thừa Chân Tâm thâm hậu, nghĩa là vẫn còn bên này bờ mộng mị chiêm bao, còn bên này tục đế thì cũng là đã thấy rõ đường đi rồi, nên thi sĩ cứ tha hồ lao thẳng, nhảy xuống dòng biển đời rộng lớn, ngụp lặn cùng trăng sao ảo dị, u huyền quyến rũ, chập chùng lung linh bơi lội, cởi truồng ra mà hòa tan cùng long lanh lấp lánh, túy lúy ca một cách đã cái đời trên phong cách lai rai, thoái mái nhưng cũng tung hoành ngang dọc, làm dậy sóng ba đào chới với, khơi mở mạch nguồn tuôn chảy khắp nơi nơi :

 

Có không người vẫn nợ người

Muôn đời còn chỉ một đời này thôi

Được gì em mất gì tôi

Thì ta có phải là đôi nhân tình ?

Ngàn năm bắt bóng đuổi hình

Chiêm bao mở mắt giật mình chiêm bao

 

Chiêm bao huyễn mộng ừ thì cứ huyễn mộng chiêm bao chứ có gì đâu phải không ? Mộng và thực không còn biên giới nữa cũng như có và không, được và mất… chẳng còn bận lòng chi, thi sĩ chỉ biết sống và sống nồng nhiệt với từng giây phút hiện tiền, sống mãnh liệt kiệt tận bình sinh, thường có những trạng thái nhập diệu xuất thần nên thỉnh thoảng chàng phóng bút vẽ vời thư họa tên tuổi bạn bè, một cách mới mẻ sáng tạo tài tình. Những bức thư họa đó như rồng bay phượng múa, rất có hồn lung linh sinh động. Sinh động như cung cách nhiệt liệt, sống hết mình với nỗi đam mê hào hứng lạ lùng :

 

Đam mê vỡ bóng hư không

Tràn hai bờ chảy một dòng máu xanh

Niết bàn chu biến tử sinh

Trăng sao vằng vặc dội tình núi sông

 

Sông núi tương cảm, tương tri, khi nào thấu triệt được sinh tử tức Niết bàn, phiền não tức Bồ đề thì bước đi của chúng ta sẽ nhẹ nhàng an ổn liền cũng như khi thấy được vĩnh cửu trong mỗi sát na là biết sống trọn vẹn với từng nhịp thở hòa quyện tiếng cười tiêu dao vô sự, hào phóng rong chơi :

 

Trời trong mây trắng thuở nào

Thở cười tỉnh tại tiêu dao nẻo về

Phiền não ấy tức Bồ đề

Đường qua cũng chính nẻo về thiên thu

 

Thiên thu vĩnh cửu đang hiện hữu ngay ở đây và bây giờ. Cảm nhận sâu sắc điều vi diệu đó, chàng thi sĩ cuồng nhiệt lao thẳng, quăng ném hết thảy thần trí, thân tâm mình xuống trùng khơi đời sống, dang tay ôm trọn cả nhật nguyệt thiên địa càn khôn vào lòng mình, trong một khoảnh khắc nhập thần xuất cốt giữa mênh mông :

 

Xin muôn duyên kết một dòng

Xin thiên thu chảy trong lòng phút giây

Vẫn bình minh rạng từng ngày

Vẫn trăng sao sáng đêm dài thâm u

Vẫn thiền định xóa ngục tù

Vẫn từ quang chiếu thiên thu đêm ngày

 

Trạng thái tâm thiền ấy vẫn thường xuyên xuất hiện dưới gót chân trần thực tế hằng ngày, ngay trong từng nhịp thở lặng lẽ nhẹ nhàng, linh hoạt những đức tính tự tri tự giác tự tin :

 

Nghìn thu một hơi thở này

Lòng thì đứng lặng mặt ngoài chảy trôi

Xin đơn độc giữa muôn người

Vòng tay vô tận nụ cười tan theo

 

Vô tận vô cùng vòng tay mở rộng, bồng tênh trên cung bậc đắm say nhảy múa theo tiếng đàn rộn rã Alexis Zorba, một nghệ sĩ đích thực chân đất, thở bằng trái tim thuần túy nhạy cảm, xúc chạm từng kẽ tóc đường tơ của sự sống nồng nàn, chịu chơi phóng dật, phóng khoáng, bạt mạng giang hồ trên mặt đất trần gian chan chứa niềm chi hy hữu nhiệm mầu :

 

Lời say bức tử mai sau

Là lời đắm đuối cho nhau phút này

Yêu duy nhất cuộc đời này

Chỉ còn nỗi nhớ sầu bay lên trời

 

Ơi chao ! Say mê say đắm, say tình say nghĩa, say đời say đạo là những cuộc say hý lộng bồng bềnh trên nhịp bước gió trăng dặt dìu khiêu vũ, đầy ngoạn mục của chàng thi sĩ hào hoa. Sớm chiều say sưa cạn chén rượu hồng nhan nồng cháy, đầy tố chất thuần nhiên quyến rũ diệu vời. Cười với niềm vui nỗi buồn lung linh biêng biếc lượn bay qua những phương trời viễn mộng vời trông :

 

Buồn vui rót mãi phương trời mộng

Giọt niềm biêng biếc thoảng bay ngang

Tịch liêu rớt xuống chiều va động

Hơi thở đi hoang mấy đỉnh ngàn

 

Đỉnh ngàn nào đi hoang từng hơi thở phiêu diêu giữa muôn chiều gió lộng, sông núi giao thoa, cưới hỏi hết cả trời trăng sao, mây nước mênh mông không bờ không bến :

Thênh thang cưới hỏi mây trời

Tuyết sương ân ái bời bời bay đi

Ánh mắt khuya ướt đường về

Dòng trôi hun hút trầm mê vỡ bờ

 

Bờ mê hay bến ngộ, bay về đâu hỡi cánh thiên hương lã lướt khắp vườn nhân gian ngạt ngào kỳ hoa dị thảo, để cho tình thơ mãi cảm hoài những thanh sắc một thời trổ bừng rực rỡ thiên thai. Hoài cảm diễm kiều yêu dấu đến độ thâm sâu nên thi nhân vẫn bước đi trong bùi ngùi, rưng rưng thương nhớ vô ngần :

 

Vẫn đi như cõi tình thơ

Vẫn đi đi suốt bao giờ qua tôi

Vẫn đi như tượng đá ngồi

Vĩnh ly hội ngộ mà bùi ngùi thương

 

Thương yêu nào vô lượng vô biên với biết bao cõi tình cõi ái, cõi nhạc cõi thơ ? Từ cõi thơ bát ngát Nguyễn Du, Bùi Giáng, Nguyễn Đức Sơn đến cõi nhạc trữ tình Phạm Duy, Cung Tiến, Trịnh Công Sơn… ngàn năm vẫn tấu khúc rung ngân trong lòng mình và tịch nhiên hòa quyện cùng nhiệm mầu sâu lắng :

 

Tình động chuyển giữa ngàn năm huyễn hoặc

Chơi vơi trầm viên ngọc biếc trong tim

Hồn thi sĩ trong chiều qua biên ải

Thắp thi ca ngôn ngữ cháy im lìm

 

Hồn văn nghệdị thường thắp lên ngôn ngữ máu tim cốt tủy, tuy im lìm mà sấm động, bốc cháy như ngọn lửa mặt trời ngời rực ánh thi ca, khao khát những phương trời bao la rộng rãi :

 

Bài thơ rất mực trang đài

Từng câu bốc lửa cháy hoài khát khao

Mắt huyền sương khói thuở nào

Có trầm tư giữa lao xao cõi bờ

 

Bờ cõi thanh tân, dấn mình vào cuộc lữ phiêu nhiên viễn mộng, chèo thuyền viễn xứ qua muôn chiều phiêu phưởng cô liêu, qua vô lượng cuộc chơi với ăm ắp men say vạn thuở ngàn nơi, sẵn sàng dầm mưa dãi nắng, đầy giông bão trào tuôn :

 

Thuyền về một mảnh trăng suông

Một niềm đau gợn sầu vương muôn chiều

Mòn tay mộng ước phưởng phiêu

Cuộc chơi vô lượng cô liêu thuở nào

Lữ hành gió bụi chiêm bao

Nắng mưa tiền kiếp vẫy chào bão giông

Men say vạn thuở còn nồng

Bàn chân vĩnh cửu phiêu bồng đến nay

 

Cái lẽ sát navĩnh cửu, phù du là thiên thu chính là cái thấy thấu thị phi thời gian, thấy cái đang là miên viễn, từng giây phút miên trường hiện hữu ngay ở đây và bây giờ, chỉ có trực giác bén nhạy của thiền sư và thi nhân mới tâm chứng được cái trạng thái phi thường đó. Một cái thấy tối thượng “đương xứ tức chân” viên dung vô ngại cả muôn trùng vạn đại xưa sau :

 

Từ em dâng mộng ban đầu

Muôn thu đọng lại tan vào phút giây

Gói trăm năm trọn một ngày

Lời vô âm vọng về lay động tình

Từ em ngát đóa hương quỳnh

Dang đôi cánh ngọc tím cành yêu thương

 

Chỉ cần sống trọn vẹn một ngày thương yêu rốt ráo thôi là cũng đủ thấu suốt cuộc trăm năm rồi. Bởi vì một thi sĩ đích thực thì phải biết sáng tạo ra bầu vũ trụ cho riêng mình, mang lại dưỡng chất, không khí cho mình hít thở như thi hào Rainer Maria Rilke nhắc nhở : “Nếu đời sống thường nhật trở nên nhạt nhẽo nghèo nàn đối với mi thì mi đừng bao giờ qui trách nó. Mi hãy tự trách chính mi rằng, mi không đủ tâm hồn thi nhân để mà có thể gợi dậy trong lòng mình tất cả sự phong phú miên man của đời sống thường nhật, vì đối với một người sáng tạo thì chẳng có gì nhạt nhẽo nghèo nàn, chẳng có một nơi chốn nào là khô khan lãnh đạm.”* Cảm nhận sâu sắc điều đó, cho nên thi nhân sáng tạo thi ca cũng là sáng tạo cuộc sống, một cuộc sống tinh tế nghệ thuật, phải phát hiện mọi sự huy hoàng tráng lệ ngay trong lòng mình, ngay nơi một ý tưởng, một niệm tưởng âm thầm sâu thẳm ngân rung :

 

Một niệm bay đến thiên cung

Một niệm rớt xuống tận cùng u linh

Một niệm u ẩn muôn tình

Một niệm dứt sạch ngục hình trăm năm

 

Trăm năm hay nghìn năm nằm gọn ghẽ trong một niệm tưởng. Chỉ cần một niệm linh diệu nào đó là tức khắc liền chuyển mê thành ngộ, chuyển phiền não thành an lạc, chuyển khổ đau thành hạnh phúc… Sống ở trên đời, mỗi một người trong chúng ta, bất cứ ai ai cũng có tự do chọn lựa, quyết định chuyển hóa niệm tưởng theo ý thích, sở nguyện của mình. Ở đây, chàng thi sĩ lạ lùng, rung ngân theo thể điệu phiêu phiêu nên đưa niệm tưởng dập dìu theo những xúc cảm đam mê riêng biệt của mình vẽ ra, một cách ấn tượng bằng hành động mà thôi :

 

Đam mê từ thuở vào đời

Sơ khai tiếng thở khóc cười hỗn mang

Đam mê đầy ắp hành trang

Đam mê dập tắt ngút ngàn đam mê

 

Đam mê là một thái độ nhào lộn vào cuộc tồn sinh với trọn hồn tim, tiếp xúc rung động cực kỳ dung nhiếp. Tiếp cận thân xác, tan hòa trộn lẫn dầm dề, đầm đìa tha thiết, xuyên thấu sâu đậm mạch ngầm rực lửa âm dương. Rộn ràng cầm nắm trong tay những hoa thơm cỏ lạ rạt rào xao xuyến, đê mê để thưởng thức, lịch duyệt, kinh nghiệm toàn diện, triệt để tận thần hồn mình thì mới có thể bùng vỡ ra một  điều gì ly kỳ gay cấn, bất khả tư nghì, sau những cuộc buông thả vào trận trận mê đồ ảo dị đam mê :

 

Để cười đùa như bướm hoa

Để dìu dặt con nước xa lìa bờ

Để ru em choàng giấc mơ

Để hồn theo gió ầu ơ lá vàng

Để chiều níu bóng mùa sang

Để ngày thu chết ngập tràn qua đây

Để cho nhau trọn cuộc này

 

Cuộc đi cuộc về, cuộc tỉnh cuộc mê… không ngừng diễn biến liên hồi theo từng khoảnh khắc phút giây. Thấy bất ngờ sờ sững trước hồng nhan tiên nữ giáng trần hay thấy ngàn đời những cơn mơ đoạn trường đau xé ruột gan, nghe từng làn tóc tơ phơ phất rập rình dính mắc mà nao nao những phiến sầu :

 

Khoảnh khắc bám víu bắt đầu

Ta vụt mất cả bể dâu cuối cùng

Khoảnh khắc buông thả mông lung

Ta dính mắc giữa chập chùng tóc tơ

Khoảnh khắc ngoảnh lại bất ngờ

Còn nghe đau xé cơn mơ ngàn đời

 

Khi ý thức, tự nhận biết mình dính mắc vào thiên hương quốc sắc, vào thuyền quyên thục nữ thì đùng một cái, nhà thơ hoát nhiên, giật mình tỉnh thức trước cái hư ảo phù vân, cái phù du huyễn hóa, cái thân phận mong manh của kiếp nhân sinh bèo bọt vô thường :

 

Không xứ sở không cố hương

Mà trăm năm buộc tơ sương lòng chiều

Xuống phố ngồi quán đìu hiu

Phận người chớp mắt xanh rêu phận mình

Bờ xa tuyệt lộ dặm trình

Trên dòng hương sắc soi hình muôn phương

 

Muôn phương trời dồn lại một phương em mềm mại thiết tha, hỡi nàng thơ diễm tuyệt huyền ngân nga tấu khúc hoang sơ, man dại quá đỗi bồi hồi. Bồi hồi như khúc miên tình du hoan, ngỡ ngàng bối rối :

 

Em huyền bí ở trong tôi

Hạt nước mắt mặn tinh khôi biển tình

Cơn sóng dồn cuộc chuyển sinh

Ôm trang huyền hoặc miên tình du hoan

Dấu chân viễn mộng lan tràn

Dòng sinh hóa chảy ngỡ ngàng thịt da

 

Bản hoan lạc du ca hòa quyện âm dương thâm thiết mặn nồng giữa thiên nhiên lồng lộng, không phương hướng, không mục đích, không từ đâu đến cũng chẳng đi về đâu, nên cứ bềnh bồng đồng vọng giữa lòng sâu xa tịch lặng :

 

Lắng sâu thời khắc vĩnh hằng

Chạm xúc như thể là lần đầu tiên

Từ nơi không đích hiện tiền

Về qua xuyên suốt cõi huyền mở toang

Cởi trên lưng dòng thời gian

Thoát thai ý niệm đa mang cuộc người

Đi qua thời khắc tuyệt vời

Chìm mất trong chiếc bóng mờ vọng chân

 

Một khi đưa bàn tay mở toang cánh cửa huyền vi ra là có thể bước qua đôi bờ chân vọng, có không, mộng thực… Đối diện trực kiến với mặt mũi xưa nay của mình mà bấy lâu nay vô tình bỏ quên giữa bụi trần lấm lem nhem nhuốc :

 

Đạo tình một lỡ vạn lầm

Hai tay phủi mộng bạt ngàn trần lao

Trăm năm mặt mũi xin chào

Ô hay ! Diện mục làm sao vẽ vời ?

 

Triều Nguyên thi sĩ cũng là một tài hoa họa sĩ, thủ bút thư pháp hay nét vẽ thư họa bay lượn vi vút như phượng múa rồng bay, thế mà vẫn bất lực không sao vẽ được cái chân tướng bản lai diện mục của chính mình, đành phải nhờ đến nghệ thuật ngôn ngữ thi ca ghi lại những dấu mộng sơ nguyên :

 

Tiền thân hậu kiếp vô nghì

Một màu sinh tử hợp ly chưa nhòa

Ngày mơ trăng nước cười xòa

Tỉnh ra dáng dấp vỡ òa lòng đêm

 

Điệu cười tử sinh cứ mãi sang sảng vang lên trên dặm ngàn man thiên viễn xứ, từ tiền thân vô thủy đến hậu kiếp vô chung, trùng trùng duyên khởi không bờ bến. Trên cuộc về bát ngát thi ca, nhà thơ lãng tử phong trần vẫn cứ tiếp tục đốt bừng lên ngọn lửa sáng tạo vô biên, ngọn lửa thiêng liêng chiếu diệu khắp ba đời, sáu cõi, mười phương rực ngời mới lạ :

 

Ba đời thâm viễn tạ từ

Mười phương tung trắng tình thơ vẹn nguyền

Tàn tro ủ ngọn lửa thiêng

Bốn bề hư ảo u huyền trang mây

Dáng chiều vương giọt sương mai

Quảy đôi gánh mộng trang đài gót sen

Dẫm lên niềm nỗi không tên

Buồn vui thả biển nhớ quên thả ngàn

 

Quên và nhớ, vui và buồn, thương và ghét…đều tự nhiên yên lặng rơi xuống nhẹ nhàng, trước cái thấy toàn thể hư không lồng lộng cao xanh kia là quê nhà, biết cái khuôn mặt ngàn đời, muôn thuở thường hiện hữu ngay giữa lòng tịch mịch của mình chớ chẳng ở đâu xa :

 

Cao xanh chung mái quê nhà

Gió mây nghìn dặm thoảng xa thoảng gần

Đầu nguồn cuối bể bao lần

Chia ly hội ngộ thoảng gần thoảng xa

Cao xanh chung mái quê nhà

 

Quê nhà ở đây là thiên thanh Tánh Không rỗng lặng rỗng suốt muôn bề. Thế là trên cuộc lữ kỳ cùng sinh tử, thi sĩ Triều Nguyên đã khám phá ra cõi tự do, giải phóng mọi bế tắc nặng nề, mở ra một dải đất mới ngay nơi đáy lòng vô vi nên vẫn đi về trên thể điệu yêu thương :

 

Vẫn đi từng bước như thường

Tự do vũ khúc mù phương đi về

Vẫn đi như sát na hề

Vẫn đi như đã đề huề cuộc qua

 

Và từ đó, vẫn tiếp tục sinh hoạt nhịp nhàng giữa cuộc sống bình thường, bước diệu dụng cùng tồn lưu trong cõi người ta nhẹ nhõm mỉm cười. Một nụ cười hòa điệu thênh thang trên tuyệt đình ngàn cao im lặng rồi thong dong xuống núi, thõng tay vào phố chợ ồn ào mà ca hát nghêu ngao :

 

Lao xao trên đỉnh im lìm

Thõng tay đáy nước vớt tìm vầng trăng

Đang từng giây phút lăng xăng

Mong manh tiếng thở vĩnh hằng cười vang

 

Giọng cười hào sảng ấy đã hòa cùng giọng ngâm thơ của lang thang sĩ Tâm Nhiên này, biết bao lần rồi bên góc chợ hiên chùa, cạnh làng quê phố thị, cùng rong rêu phiêu lãng qua những ngày tháng lai rai ở Sài Gòn, Vũng Tàu, Đồng Nai, Biên Hòa, Đà Lạt, Nha Trang, Hội An, Đà Nẵng… khắp nẻo ta bà quá mộng, kỳ cùng bùng vỡ mở phơi. Thôi xin tặng thi sĩ bài thơ đọc chơi, thay cho lời thăm hỏi, khi thi nhân đang bận rộn phiêu hốt trên dặm ngàn lang bạt, tận bên kia đại dương nước Mỹ mộng xanh rờn :

 

Rỡn đùa cứ hý lộng chơi

Như cuồng phóng trận tơi bời máu rung

Bay đi hạt cát muôn trùng

Thấy gì vi tế cười thung dung về

 

Giữa ta bà quá đam mê

Hết mình nhiệt liệt chẳng hề ngại chi

Chơi gay cấn rất ly kỳ

Hiến dâng tất cả tình thi sĩ này

 

Yêu phù hoa mộng ngất say

Thương sương khói vọng hiển bày lý chân

Chao ơi ! Một thoáng tuyệt trần

Khiến cho đắm bước phù vân dị thường

                                                                   

Tâm Nhiên

 

 

* Rainer Maria Rilke. Thư Gởi Người Thi Sĩ Trẻ Tuổi. Hoàng Thu Uyên dịch. An Tiêm xuất bản, Sài Gòn 1969

Thơ Triều Nguyên ( chữ nghiêng ) trích trong các tác phẩm :

Bay Đi Hạt Cát. Văn Hóa Sài Gòn xuất bản 2007

Thi Lược Lời Kinh Pháp Cú. Văn Nghệ xuất bản 2009

Đắm Bước Phù Vân. Thanh Niên xuất bản 2012

Send comment
Off
Telex
VNI
Your Name
Your email address
(View: 682)
Cho tới hôm nay, “hạnh đầu đà” không còn là cụm từ xa lạ. Nhắc đến nó ta sẽ nghĩ ngay đến sư Minh Tuệ, mặc dù ông không phải là người thực hành hạnh này đầu tiên và duy nhất.
(View: 684)
Nhân duyên đưa đến lời dạy này của Đức Phật bắt nguồn từ sự cầu thỉnh chân thành của trưởng giả tên là Kiên Cố(Kevadha)
(View: 672)
Thực ra, chúng ta không cần tới “một Phật Giáo” nào khác cho thế gian hay cho xuất thế gian,
(View: 598)
Thực hành Chánh Phápvì lợi ích chúng sinh, muốn chúng sinh được thoát khổ, an vui.
(View: 699)
Ngay cả vũ trụ cũng không thoát được luật nhân quả, luân hồi (tái sinh.)
(View: 704)
Con người hơn loài thú vật nhờ ngôn ngữ. Ngôn ngữ giúp con người thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, thậm chí giúp cho ý nghĩ sáng tạo - vì tư duytư duy trên và bằng ngôn ngữ.
(View: 799)
Ngày từng ngày vơi đi như cát biển khô chảy qua kẽ ngón tay Đời từng đời nối tiếp như nước sông chảy ra biển
(View: 979)
Gấn một tháng nay, hiện tượng thầy Minh Tuệ gây xôn xao trên mạng xã hội, trong và ngoài nước;
(View: 1410)
Bảo rằng mới, ừ thì là mới nhưng thật sự thì tháng năm đã từ vô thủy đến giờ.
(View: 1119)
Hình ảnh đôi chân trần, y áo vá, 1 cái nồi cơm điện, ăn ngày một bữa, xin ăn qua ngày, không cầm tiền, không tích trữ thức ăn… Thầy mang lại thiện cảm lớn, xúc động mạnh cho nhiều người.
(View: 733)
Chúng ta, những người học Phật, chẳng thể không có tổ quốc, chẳng thể khônggia đình, và cũng chẳng thể không có “tự thân”.
(View: 888)
Sống ở trên đời, ai trong chúng ta chắc cũng có mang trong lòng bốn chữ “nhớ ơn, đền ơn”.
(View: 803)
Khi tôi mới đi học lớp vỡ lòng về Phật học, tôi còn nhớ như in một trong những vị Thầy đầu tiên của tôi có nói về ước nguyện của Thầy
(View: 814)
Trước đây những người theo Đại thừa thường cho rằng giáo lý Nguyên thủy, là giáo lý Tiểu thừa, không đưa đến quả vị tối hậu thành Phật,
(View: 1016)
Chúng ta đều biết, đạo Phậttrung đạo. Đức Phật cũng nhờ tránh xa hai cực đoan dục lạc và khổ hạnhmà thành tựu đạo quả.
(View: 825)
Trên báo chí thường thuật nhiều tai nạn thảm khốc xẩy ra nhưng vẫn có người sống sót hay không hề hấn gì trong khi tất cả những người chung quanh chết hay bị thương nặng..
(View: 865)
Phật giáo đề cao sự tự giác, tự thực hành tu tập để đem lại sự thấy biết chân thật, mở lòng yêu thươngđến khắp muôn loài và an lạc cho tự thân.
(View: 938)
Chúng ta có thể xem xét bản chất của Đức Phật qua hai lăng kính: Đức Phật của lịch sửĐức Phật của đức tin (saddhā).
(View: 918)
Có một người đến vấn hỏi thiền sư, “Để phòng ngừa tai họa, xin thầy từ bi cho biết cái gì đáng sợnhất trên cõi đời này?”
(View: 874)
Người sống trên đời nhờ có ngôn ngữ mà giao tiếp được.
(View: 810)
Đức Phật ngài chỉ gia hộ, chỉ dẫn cho chúng sanh cách sống An và phương pháp Tự An, chứ Ngài không thể ban phát cho chúng sanh sự an lành, hạnh phúc,
(View: 933)
Không làm các điều ác Thực hành các điều thiện
(View: 907)
Thông điệp của Đức Phật bao gồm giáo lý(dhamma) và giới luật (vinaya).
(View: 908)
Đức Phật đến với cuộc đời không gì khác ngoài chỉ bày cho con người một nếp sống hạnh phúc an lạc.
(View: 927)
Như người bị trúng tên độc là một trong những ảnh dụ gây ấn tượng mạnh mẽ về những việc cần làm ngay.
(View: 861)
Bất cứ chuyến đi nào cũng giữ lại trong tôi nhiều kỷ niệm.
(View: 947)
Bệnh tật và thống khổ không thể tách rời nhau, cho nên gọi là “Bệnh thống” [病痛], “Bệnh khổ” [病苦], “Tật khổ” [疾苦].
(View: 1004)
Sống ở đời ai cũng mong muốn gia đạo bình an, sự nghiệp ổn định và phát triển.
(View: 1589)
Một ngày nọ, Phật thấy một vị tăng khóc bên ngoài lối vào Tịnh xá Jetavana Vihara (Kỳ đà tinh xá).
(View: 1172)
Trong những ngày vừa qua, câu chuyện về một vị sư mang tên T.M.T lan truyền trên mạng xã hội với hình ảnh một vị đầu trần
(View: 1056)
Lòng từ bi giống như một hạt giống lành đặt vào lòng đất, từng ngày lớn lên thành sự thấu cảm, yêu thương.
(View: 914)
Bài bác có nghĩa là phủ nhận một điều gì đó và dùng lý lẽ để chứng minh điều đó là không đúng, theo sự hiểu biết của cá nhân của mình.
(View: 1080)
Trong cuộc sống hiện đại, chúng ta gặp phải nhiều áp lựclo lắng từ công việc, cuộc sống xã hội, về giao tiếp theo truyền thống và trên mạng xã hội.
(View: 1109)
Phật tử, chúng ta thường được nghe giảng “đạo Phật là đạo của từ bi và trí tuệ”, nhưng ý nghĩa thật sự của đạo Phật là gì?
(View: 1258)
Trong cuộc sống đời thường, mỗi một cá nhân chúng ta thường không để ý đến hiệu quả của lòng thương trong nhiều trường hợp ứng xử hoặc trong nhiều công việc thường ngày.
(View: 975)
Phra Ajaan Lee Dhammadharo (1907-1961), là một trong những vị thiền sư theo truyền thống tu khổ hạnh trong rừng.
(View: 947)
Ở đây, này Hiền giả, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tinbất động đối với Đức Phật… đối với Pháp…
(View: 1133)
húng ta có thân này là do nghiệp. Nghiệp được hiểu đơn giản nhất, đời thường nhất là thói quen.
(View: 951)
Trong chùa có một anh câm. Không ai nhớ anh ta đến chùa từ bao giờ, vả lại cũng không mấy người để ý đến anh ta.
(View: 1131)
Danh và thực trong đời sống xã hội là nói cái tên gọi và thực chất, chức danh và khả năng, danh vị và tài đức.
(View: 1011)
Theo giáo thuyết nhà Phật, quán tưởng là tập trung tư tưởng để quan sát, phân tích và suy nghiệm một vấn đề, giúp cho thân an và tâm không loạn động, cũng như được chánh niệm.
(View: 1123)
Theo Phật giáo, hồi hướng được làm với lòng ước nguyện để chuyển đổi những thiện hành trở thành nguyên nhân để giúp một người đạt được toàn giác.
(View: 1181)
Như người bị trúng tên độc là một trong những ảnh dụ gây ấn tượng mạnh mẽ về những việc cần làm ngay.
(View: 1040)
Là một công dân, bạn có thể trở nên dễ phục tùng các mệnh lệnh, sẵn sàng nhượng bộ các quyền của bạn hơn vì những lời hứa mơ hồ về sự an toàn.
(View: 812)
Chánh kiến là thấy biết đúng sự thật. Thấy biết về thiện và bất thiện, căn bản của thiện và bất thiện;
(View: 1050)
Đã xuất gia thì không ai là người ác cả, ác Tỷ kheo dùng để chỉ cho những người xuất gia tiến bộ chậm, chưa chuyển hóa các tập khí xấu ác của chính mình.
(View: 1049)
Con người khổ đau vì không biết và không thể sống đời sống chân thực (real life). Đời sống chân thựctrong bài này được gọi là “thực tại của đời sống”.
(View: 1077)
Hiện tại chính là thời kỳ mạt pháp, pháp đã đến đoạn cuối của nó. Phần đông không chú trọng vào sự tu hành,
(View: 1131)
Hôm nọ lúc Đức Thế Tôn đang giảng dạy ở tu viện Kỳ Viên, có một ông say rượu loạng quạng đi vô và nói "Thế Tôn, Con muốn xuất gia đi tu".
(View: 1373)
Bốn mươi lăm năm thuyết pháp, Đức Phật đã dày công thiết lập nên lộ trình TU CHỨNG duy nhất, là VĂN - TƯ - TU.
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant