Tâm Động Tâm Tịnh
Tiểu Lục Thần Phong
Suốt cuộc trăm năm, con người ta hầu hết sống trong sự lăng xăng, có mấy ai sống được trong sự thư thái, bình an của nội tâm. Cái tâm con người như chú khỉ trong rừng, chuyền cành liên lục, nhảy nhót, níu bám không phút giây ngừng nghỉ. Nó cũng còn được ví như ngựa hoang trên thảo nguyên, suốt ngày rông rỡ chạy tứ tung. Tâm con người không lúc nào yên, ngay cả lúc ngủ, các cơ quan khác tạm nghỉ nhưng ý thức (tâm) vẫn họat động không ngừng, bởi vậy mà có mộng mị tùm lum ( có thể là mộng đẹp, ác mộng hay cả mộng du…). Cái tâm lăng xăng, vọng tưởng, loạn động như thế thì cái thân sao có thể an, thế giới xung quanh cũng khó mà hòa được vì: “ Vạn pháp quy tâm”, “ Nhất thiết duy tâm tạo” kia mà!
Từ một tâm lưu xuất ra muôn vạn pháp trần, từ tâm bám víu, dính chặt vào sáu trần nên mới sanh ra: đẹp-xấu, ngon-dở, thô-tế, thích-chán, yêu-ghét…Và cũng từ đó con gnười quay cuồng trong “Điên đảo, vọng tưởng” ( chữ trong Tâm Kinh)
Cái tâm không hình tướng, không sanh diệt ấy vậy mà có thể sanh ra muôn hình vạn trạng, sanh ra sanh-diệt bất tận. Có người ví việc điều phục tâm cũng giống như huấn luyện thú trong nghề xiếc vậy. Những con khỉ loạn động; bọn heo tham lam, mê đắm; những con gấu mê mờ, và mấy con cọp cực kỳ hung tợn…sẽ tuân theo sự hướng dẫn của những tay huấn luyện cừ khôi. Những người yếu kém sẽ không điều phục được bọn chúng và sẽ bị bọn chúng làm cho mệt dài dài.
Một ngày có hai mươi bốn giờ nhưng có được mấy phút ngồi tĩnh tâm? một tháng có ba mươi ngày, một năm có ba trăm sáu mươi lăm ngày, một đời có ba vạn sáu ngàn ngày nhưng có được bao phút giây mà ngồi xuống tịnh tâm? bởi vậy cho nên khổ, đời khổ, người khổ, cả bọn cùng khổ. Có nhiều người trong chúng ta, bảo họ ngồi yên năm hoặc mười phút quả là khó khăn vô cùng. Họ bảo:” thà rằng làm nặng, đập đá vá đường, giặt giũ nấu nướng… suốt cả ngày cũng không sao nhưng bảo ngồi yên mười phút là chịu hổng nổí”. Một khi ngồi xuống được rồi nhưng bảo đếm hơi thở hay niệm Phật từ một đến mười, nghe qua tưởng dễ, ấy vậy mà cứ lộn tới lộn lui, đếm xuôi đếm ngược vẫn không làm sao cho đúng được, ấy là vì cái tâm nó vọng tưởng và loạn động quá lâu rồi! Hoặc giả có người chịu ngồi yên nhưng chỉ vài phút điều hơi, điều tâm là lập tức ngủ gà ngủ gật. Ngược laị cũng có người vừa ngồi xuống năm hoặc ba phút là bao nhiêu chuyện đông – tây, kim- cổ; chuyện ơn-oán, ghét- thương…nó ùn ùn trỗi dậy. Từ đó mới biết rằng, ngồi yên với tâm an lạc, thảnh thơi không dễ chút nào. Cũng vì vậy mà người ta mới ví điều phục tâm ý cũng giống như thuần phục thú hoang. Laị có thể ví tâm loạn động như dòng nước( bộc lưu) cứ chảy mãi miết, giờ ngồi xuống tịnh tâm tức là chặn dòng nước ấy laị, tức thì nó phải dội ngược, nó phải dậy sóng vì thế ngồi yên không dễ chút nào. Vì thế mà hầu hết mọi người chúng ta cứ trôi xuôi theo dòng nước ( bộc lưu) ấy! trôi từ đời này sang đời khác, trôi miên viễn theo dòng danh tử bất tận. Vì vậy mà người ngoài đời trong đạo vẫn thường bảo: Người ta hành là những kẻ đi ngược dòng!
Nhà Phật bảo: Tâm an vạn sự an, tướng tòng tâm sanh, tướng tuỳ tâm chuyển… Có thể không phải ai cũng đồng ý nhưng nếu bình tâm mà quán xét một tí thì sẽ thấy ngay thôi! điển tích nhà Phật hay ngoài đời cũng đều có nhiều chứng cứ lắm. Chuyện xưa kể về Khuất Nguyên, một trung thần nổi tiếng, một danh sĩ lẫy lừng, một văn tài trác tuyệt…Ấy vậy mà khi tâm bất an, thần khí bất bình làm cho hình tướng suy hao. Lão ngư phủ trông thấy phải thốt lên:” Ngài làm sao mà để phóng khí đến nông nỗi này? hình sắc suy vi, râu tóc phạc phờ!” giả sử khi ấy Khuất Nguyên giữ được tâm bình khí hoà, dụng tâm sáng suốt mà nhìn nhận vấn đề thì chuyện hôn quân cũng là lẽ thường trong thiên hạ, thì cũng đâu đến nỗi phải tự vận ở dòng Mịch La.
Ngaỳ hôm nay thế giới chúng ta vẫn cứ tranh cãi hoài chuyện giới tính…Nếu tâm bình khí hoà , trí sáng suốt thì đâu có gì phải cãi nhau các vấn đề của nhóm LGBT. Những người ấy vì cái tâm hướng về đó nên họ mang hình tướng như thế đó. Bọn họ có cùng sở thích, cùng tâm nguyện nên họ hội tụ laị với nhau, tìm đến nhau…Có gì mà phải tranh cãi, chống báng hay kỳ thị cho thêm mệt tâm mình và cả tâm người. Đã tham dục thì không cứ đàn ông, đàn bà hay giới LBGT. Cái tâm tham dục thì nó đâu có can hệ gì đến vàng, đen, trắng hay cái hình tướng mà họ mang.
Kinh điển Nam Tông có câu:” tâm dẫn đầu các pháp, tâm tạo tác các pháp…” thì Bắc Tông cũng có:” …Duy tâm tịnh độ”, rõ ràng tất cả đều không ngoài một tâm! Hiện nay trên mạng cũng như trong đời sống vẫn có nhiều vị cực đoan cứ một mực bảo: Không có Tây Phương Cực Lạc, không có Phật A Di Đà. Đã bảo tất cả từ một tâm, vậy mà cho thế giới này có thế giới khác không thì liệu có còn “ Nhất thiết duy tâm tạo”? Việc an trụ vào hơi thở, an trụ vào câu Phật hiệu đem laị lợi lạc biết bao, có cần phải tranh cãi Phật A Di Đà và Tây Phương Cực Lạc là có thật hay không thật? việc phủ nhận này lại làm hoang mang rất nhiều người. Những ông già bà cả, những người ít học, ít chữ…cả đời niệm Phật, an lạc và tin tưởng vào câu Phật hiệu… giờ phủ nhận không có khiến cho họ mất niềm tin, mất sự bình an vốn có được từ việc tin tưởng và hành trì bấy lâu nay! Các trường phái Phật giáo vốn có nhiều khác biệt vì truyền thống, vì văn hoá bản địa, vì căn cơ cư dân Phật tử… nhưng tất cả cùng thống nhất ở: Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, Thập Nhị Nhân Duyên, Ba mươi bảy phẩm trợ đạo… Vậy hà tất phải tranh luận là có hay không, là thật hay giả, là cứu cánh hay phương tiện làm gì. Việc tranh cãi, phủ nhận này chỉ khiến cho tâm con người thêm bất an mà thôi! Tâm con người luôn vọng, nếu phương pháp nào mà giúp an định được thì cũng đều tốt cả, không cứ phải thiền minh sát, mà có thể sổ tức, niệm Phật…Thậm chí chỉ đơn giản là ngồi yên.
Khi Phật còn taị thế, có lần trên đường hoằng dương Phật pháp. Đức Phật gặp một anh thanh niên và anh ta hỏi:” Bạch đức Thế Tôn, nếu con đi đường mà bị chết bất đắc kỳ, vậy thì con sẽ thác sanh về đâu?” đức Phật không bảo thẳng mà ngài tỷ dụ rằng:” Nếu một cái cây thường ngày nó nghiêng về hướng nào thì khi bị ngã nó sẽ đổ về phương đó!”, rõ ràng là tâm thế nào thì tướng thế đó, tâm tạo tác, tâm chủ tể…Tất cả từ một tâm mà ra!
Thế giới chúng ta có những người mê tiền, có người mê sắc, có người mê đàn ca hát xướng…thậm chí có người mê đánh nhau. Ấy cũng không ngoài một tâm, tâm họ hướng tới đó và cũng vì tâm nó hướng họ vào những nhóm cùng tâm ý. Cái tâm nó tương tục, nó liền lạc nhau, những ý niệm nó sanh diệt liên miên không ngừng nghỉ, nó khởi lên trùng trùng kể từ khi vào đời cho đến khi lìa đời.
Những nhà làm phim bộ, những người viết tiểu thuyết… là những tay sành tâm lý. Bọn họ thắt mở câu chuyện, đưa đẩy lên cao hoặc cho hạ nhiệt… và kéo dài mãi ra. Người xem cứ theo tình tiết câu chuyện mà quên cả thời gian. Có người xem cả đêm mà không buồn ngủ, không mệt; nhưng khi bảo ngồi tịnh tâm vài phút là ngủ ngay. Những người chế máy đánh bạc cũng thế, họ biết cái tâm lý con bạc: thắng muốn thắng thêm, thua muốn gỡ gạc, cho nên những cái máy ấy cứ thu một số tiền nhất định là laị nhả ra vài giải thưởng. Con bạc bị dụ khị, không thể rời ra được, cứ thế mà chơi đến xu cuối cùng. Có kẻ còn vay thêm để chơi, khó có ai thắng được cái tâm mình để dứt ra khỏi cái cuốn hút của dòng chảy.
Thế đấy, lên xuống cũng một tâm này, cao thấp cũng nó, tốt xấu cũng từ đó, buộc ràng hay giải thoát cũng từ đây, tất cả tự cái tâm của mình! Bởi thế năm xưa ngài Huệ Khả lên non tham vấn. Bồ Đề Đạt Ma quắc mắt quát:” Ai ràng buộc ngươi?”
Kẻ viết bài này bất chợt giật mình, cái tâm mình cũng miên man chảy không dừng bèn vứt bút đứng dậy bước ra vườn.
TIỂU LỤC THẦN PHONG
Ất lăng thành, 7/2019
- Từ khóa :
- Tiểu Lục Thần Phong