Đời nhà Tấn (265-419) có quan Thái Úy tên Khước Giám muốn chọn một người rể hiền, mới cho người đến trường của Vương Đạo xem trong đám học sinh, có người nào xứng đáng không.
Lúc người nhà trở về, Khước Giám hỏi thì người ấy đáp:
- Học sinh giỏi thì đông, người nào nghe việc kén rể cũng sửa soạn áo quần bảnh bao, ganh đua nhau, ra dáng nề nếp; chỉ có một người không để ý đến, trật áo, tréo chân nằm ở giường phía đông.
Khước Giám bảo:
- Người ấy mới thật đáng rể ta.
Đoạn chọn làm rể. Người đó là Vương Hy Chi, sau làm quan đến chức Hữu quân, có tài viết chữ đẹp hơn cả thiên hạ.
"Đông sàng" là giường phía đông, chỉ người rể quý, "rể đông sàng".
Trong "Nhị độ mai" có câu:
"Có Tây Tử Đô, thiếu đông sàng nào" là do điển tích trên.
Vương Hy Chi, tự Dật Thiếu. Vì làm quan đến chức Hữu quân nên thường gọi
là Vương Hữu Quân. Tương truyền Vương tập viết chữ bên bờ ao, sau nước
ao đen ngòm những mực.
Lối chữ "Khải" của Vương được người đời cho là lối chữ đẹp nhất từ xưa đến nay.
Người đời thường khen bút thế của Vương "lướt như mây bay, mạnh như rắn lộn". Trong các bản bút thiếp của Vương để lại có bản "Lan Đình tập tự"
viết ngày 3 tháng 3 năm Vĩnh Hòa thứ 9 đời nhà Tấn (337) được hậu thế quý trọng, cho làm mẫu mực để tập theo. Những bản "Lan Đình tập tự" có lưu hành nhưng có lẽ đó là những bản phỏng theo. Bản chính đã thất lạc từ sau đời nhà Đường (618-907).
Ngày nay, trong các lối chữ Hán có lối chữ "Lan Đình"; đó tức là lối chữ
phỏng theo chữ viết của Vương Hy Chi trong "Lan đình tập tự".
Trong "Đoạn trường tân thanh" của Nguyễn Du, đoạn nói về Kiều bị Hoạn Thư cho ra tu ở Quán Âm các để chép kinh, Hoạn Thư khen chữ viết của Kiều, có câu:
Khen rằng: "Bút pháp đã tinh
So vào với thiếp Lan Đình nào thua!
Ý nói chữ viết tốt ngang với chữ của Vương Hy Chi.