Thông Huệ
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo 2008
Phật dạy chúng ta đừng làm tổn thương cho chính mình, hoặc đừng làm tổn thương cho bất cứ ai, là giúp chúng ta có ý thức trách nhiệm về hành vi tạo tác của tự thân. Quy trách nhiệm về cho mỗi cá thể là điểm nổi bật dễ nhận thấy trong toàn bộ lời dạy của Ngài đối với hàng đệ tử. Vì thế, trong giáo lý Đạo Phật tuyệt đối không chấp nhận vấn đề thần linh tạo hóa, ban phúc giáng họa, vì mỗi người đã là thần linh được quyền tạo ra thiên đường và địa ngục cho chính mình.
Vào thời Phật còn tại thế, có một chủ thuyết cho rằng: “Tất cả những cảm giác của con người, dầu vui sướng, khổ não hay vô ký đều do một đấng tối cao tạo nên”. Nghĩa là đấng tạo hóa uốn nắn cuộc đời ta như thế nào tùy theo ý muốn của Ngài. Vận mệnh đời ta hoàn toàn nằm trong tay Ngài. Giống như người thợ gốm uốn nắn tùy thích những vật dụng mình tạo ra. Nhưng mà đấng tạo hóa toàn năng lại chơi trò chơi cắt cớ, tạo ra chi những sanh linh hữu hạn, triền miên nhiều thống khổ, bất hạnh. Rõ ràng Ngài không có tình thương và năng lực để tạo ra những sanh linh luôn sống trong niềm hỷ lạc vô biên. Vì thế, trong Túc Sanh truyện Bồ tát phê bình: “Ta liệt Brahma vào hạng bất công, đã tạo nên một thế gian hư hỏng”.
Để giải thích sự khổ vui và mọi sự bất đồng giữa con người, Đức Phật đề cập đến thuyết nghiệp :
“Chúng sanh làm chủ tạo nghiệp và thừa kế cái nghiệp mà mình đã tạo”.
Tạo nghiệp nhơn như thế nào, thì thọ nhận nghiệp quả như thế ấy. Đó là công lý. Nghiệp là lực đẩy tạo nên vòng quay luân hồi, hễ còn tác nghiệp là còn thọ khổ luân hồi, nên nghiệp là trung tâm của luân hồi. Và cũng chính nghiệp lực nối liền giữa hai kiếp sống. Chuyển ba nghiệp lành thành ba nghiệp ác thì phải chịu ác báo trong các cõi dữ. Chuyển ba nghiệp ác thành ba nghiệp lành thì được thiện báo trong các cõi lành. Chỉ khi nào chuyển tất cả nghiệp nhơn thiện ác thành chủng tử vô lậu thì mới thoát khỏi vòng quay của luân hồi. Vào các cõi để hưởng thọ quả báo khổ vui và vượt thoát luân hồi hoàn toàn do cá thể định đoạt. Chúng ta là người chủ tạo tác để tự chọn cho mình hướng đi mai sau.Tùy theo ý chí nỗ lực mà nghiệp có thể được chuyển hóa, không cần can dự của một đấng tạo hóa nào cả. Chính nghiệp lực có khả năng biểu hiện thành Trời, người hay thú. Tùy theo hành vi tác nghiệp mà có quả báo tương xứng. Như hình ngay thì bóng phải thẳng, tiếng hòa thì tiếng vang phải thuận. Nhân - Quả là định luật tự nhiên, không phải là hình thức thưởng phạt.
Nghiệp là yếu tố chính, nối liền giữa hai kiếp sống. Sự chết là tạm kết thúc ở nơi này, sự sống là tạm biểu hiện ở nơi khác. Khi xác thân này tan rã, nhưng nghiệp lực lại không bị cái chết làm cho gián đoạn, nên được tiếp diễn qua một cuộc sống khác.
Phật dạy có bốn loại nghiệp :
1.- Nghiệp đen - Quả đen: Có người làm thân hành có tổn hại, khẩu hành có tổn hại, ý hành có tổn hại. Sau khi mạng chung, sanh ra ở thế giới có tổn hại, cảm xúc cảm thọ có tổn hại, thuần nhất khổ. Như những chúng sanh trong địa ngục.
2.- Nghiệp trắng - Quả trắng: Có người làm thân hành không có tổn hại, khẩu hành không có tổn hại, ý hành không có tổn hại. Sau khi mạng chung, sanh ra ở thế giới không có tổn hại, cảm xúc cảm thọ dễ chịu mát lạnh, không có tổn hại, thuần nhất lạc. Như chư Thiên ở Biến Tịnh Thiên.
3.- Nghiệp đen, trắng - Quả đen, trắng: Có người làm thân hành có tổn hại và không tổn hại, khẩu hành có tổn hại và không tổn hại, ý hành có tổn hại và không tổn hại. Sau khi mạng chung, sanh vào thế giới có tổn hại và không tổn hại, cảm xúc cảm thọ có tổn hại và không tổn hại, xen lẫn, pha trộn lạc và khổ. Như một số người và chư Thiên, một số chúng sanh ở các đọa xứ.
4.-
Nghiệp
không đen, không trắng - Quả không đen, không trắng - Nghiệp
đưa đến nghiệp đoạn diệt :
Phàm
có tư tâm sở nào để đoạn tận Nghiệp đen - Quả đen;
Phàm có tư tâm sở nào để đoạn tận Nghiệp trắng - Quả
trắng; Phàm có tư tâm sở nào để đoạn tận Nghiệp đen,
trắng - Quả đen, trắng; Đây được gọi là nghiệp không
đen, không trắng - Quả không đen, không trắng - Nghiệp đưa
đến nghiệp đoạn diệt.
(Tăng
chi I, Đại ý Kinh “Với chi tiết” - 643)
Người
có chánh kiến Nhân - Quả thì không còn chạy rong hướng ngoại
để cầu xin, van vái, hoặc ước nguyện suông. Do ý chí mù
quáng mà nghiệp biểu hiện thành hoàn cảnh chánh báo và y
báo của một chúng sanh. Nghiệp rốt cùng không ngoài tính
cách của ý chí, nên dầu tập khí phiền não có sâu nặng
đến đâu, nhưng do ý chí nỗ lực thì nghiệp vẫn có thể
được chuyển hóa. Nhờ ý chí nỗ lực mà chính ta làm chủ
vận mệnh của mình, từ ác trở thành hiền, từ ngu hóa thành
trí, từ Phàm chuyển thành Thánh.
Kinh
Pháp cú, Phật dạy :
“
Tự
mình điều ác làm,
Tự
mình làm ô nhiễm.
Tự
mình ác không làm,
Tự
mình làm thanh tịnh,
Tịnh,
không tịnh tự mình,
Không
ai thanh tịnh ai”.
Ý
nghĩa “Tự thắp đuốc lên mà đi” và “Hãy y tựa vào
chính mình” là lời kêu gọi thiết tha của Đấng Từ Phụ,
cũng là trung tâm điểm tu hành từ khi mới phát tâm cho đến
khi thành Chánh Giác. Quên mất yếu điểm này thì người đệ
tử Phật đã bị lạc đường. Trong Thiền môn, tinh thần
“Phản quan tự kỷ bổn phận sự” cũng được các bậc
tiền bối đề cao trong ý thức trách nhiệm tu hành. Và tự
nhiên thời giờ để trở về tìm lại chính mình là thời
giờ cần thiết bậc nhất. Khi nào mà con người vẫn còn
hướng ngoại, chưa biết trở về với chính mình thì không
có một Đấng nào, một phương tiện nào có thể giúp họ
thoát khỏi mọi ràng buộc của phiền não. Không tự cứu
chữa cho chính mình thì không thể cứu chữa cho nhân loại.
Ta có an lạc mới giúp người khác được an lạc. Ta có định
tỉnh mới giúp kẻ khác được định tỉnh.
Thiền
sư Hoàng Bá dạy chúng :
“Vượt
khỏi trần lao việc phi thường,
Đầu
dây nắm chặt giữ lập trường,
Nếu
chẳng một phen sương lạnh buốt,
Hoa
mai đâu dễ ngửi mùi hương”.
(Trần
lao quýnh thoát sự phi thường
Hệ
bả thằng đầu tố nhất trường,
Bất
thị nhất phiên hàn triệt cốt,
Tranh
đắc mai hoa phốc tỷ hương).
THÍCH THÔNG HUỆ
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nguyễn Thanh Xuân
Biên tập : Phùng Sỹ Hòa
Sửa bản in : Pháp Đăng
Trình bày : Chơn Đức
Bìa và vi tính : Nguyên Trang