VÀI SUY NGHĨ TẢN MẠN
Bình Anson
Khi Đức Phật còn tại thế, Ngài có đặt ra một giới luật cho hàng tu sĩ là:
- Hằng năm, trong 3 tháng mưa (mùa hè ở Ấn Độ), chư tăng ni không được phép du hành ra ngoài, mà phải trú tại một tự viện để tích cực tu học. Nếu có chuyện cần thiết, chỉ được phép xuất viện trong thời hạn không quá 6 đêm, rồi phải trở về chùa.
Đó là nguồn gốc của việc "An cư Kiết hạ".
Theo lịch của Ấn Độ, thời gian đó bắt đầu từ ngày 16 tháng 6 âm lịch, cho đến ngày rằm tháng 9 âm lịch. Thời gian An cư Kiết hạ nầy vẫn được chư tăng Nam Tông (Thái, Miên, Miến, Lào, Tích Lan) tôn trọng cho đến ngày nay [ngoại trừ vài biệt lệ để du di thời gian an cư này].
Nhưng khi Phật giáo truyền sang Trung Hoa, theo luật Tứ phần và lịch Tàu, ấn định mùa An cư là từ ngày 16 tháng 4 âm lịch (sau ngày Phật Đản) cho đến ngày 15 tháng 7 âm lịch. Đó là truyền thống của Bắc Tông (Tàu, Việt, Nhật, Cao Ly).
Đến ngày cuối cùng của mùa An cư, chư Tăng họp lại, kiểm điểm thành quả, và tụng sám hối nếu có phạm lỗi gì đó trong 3 tháng Hạ - thể thức lễ Tự Tứ, rồi chia tay, xuất viện để đi hoằng pháp khắp nơi. Đây là luật chung của chư Tăng; Nam Tông (rằm tháng 9) và Bắc Tông (rằm tháng 7) đều có Lễ Tự Tứ này.
Đó là giới luật về sinh hoạt trong nội bộ Tăng đoàn. Tuy nhiên, trong truyền thống Nam Tông, theo đúng giới luật nguyên thủy, trong vòng 30 ngày sau khi kết thúc An cư -- nghĩa là từ 16 tháng 9 đến rằm tháng 10 âm lịch -- hàng cư sĩ tổ chức Lễ Dâng Y Kathina, cúng dường y áo và các vật dụng cần thiết, để chư Tăng có phương tiện mà đi ra ngoài, phục vụ công tác truyền đạo.
-ooOoo-
Thế nhưng tại sao lại có Lễ Vu Lan? Đó là dựa theo sự tích trong kinh Vu Lan Bồn (phiên âm của chữ Ullambana) trong bộ kinh điển của Bắc Tông, trong đó Ngài Mục Kiền Liên, đại đệ tử của Đức Phật, có nhiều thần thông, bay đi tìm mẹ và thấy bà đang ở Địa ngục khổ sở, do kết quả của các ác nghiệp của bà. Đức Phật dạy rằng nếu muốn cứu giúp bà, phải cầu xin oai lực của tất cả chư Tăng trong ngày Tự Tứ cùng nhau tụng kinh, hồi hướng phước báu đến cho bà...
Dựa theo sự tích đó, người cư sĩ Bắc Tông thường đến chùa vào ngày Tự Tứ - rằm tháng 7 âm lịch, cúng dường, và xin chư Tăng giúp trì tụng, hồi hướng phước báu đến ông bà cha mẹ, cửu huyền thất tổ của mình, những người thân đă qua đời ... Đó là nguồn gốc của Lễ Vu Lan.
-ooOoo-
Vào đầu thập niên 1960, thầy Thích Nhất Hạnh có du hành sang Nhật Bản, và gặp thầy Thích Thiên Ân đang tu học tại đó [thầy Thiên Ân, về sau nầy, sáng lập Phật Học Viện Quốc Tế ở Los Angeles, và đã viên tịch]. Khi được thầy Thiên Ân đưa đi tham quan, thầy Nhất Hạnh thấy được phong tục của người Nhật vào ngày Bà Mẹ (Mother's Day), họ cài bông hồng trắng cho người đă mất mẹ, bông đỏ cho người mà mẹ còn sống. Cho rằng đó là một phong tục tốt, thầy có ý định đem tục lệ đó về Việt Nam, để áp dụng cho người Việt trong dịp Lễ Vu Lan. Thầy viết tập Bông Hồng Cài Áo (1962), về sau được nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ phổ thành bài nhạc.
Ý tưởng đó được vài nhóm Gia đình Phật tử áp dụng tại một số chùa. Đó là nguồn gốc của nghi thức Bông Hồng Cho Mẹ trong ngày Vu Lan. Tuy nhiên, dường như nghi thức nầy không phổ thông ở Việt Nam, trước 1975.
-ooOoo-
Bây giờ thì ngày rằm tháng 7 được tổ chức rầm rộ như là Ngày Của Mẹ, ngày dâng Bông Hồng Cho Mẹ, là mùa Báo Hiếu, v.v..., trong nước cũng như tại hải ngoại. Vì không có thông tin chính xác, nên tôi không biết rõ những nguyên nhân nào khác đã làm thay đổi Lễ Vu Lan truyền thống thành những dạng thức như ngày nay.
Dù sao, đó cũng là một điều tốt, để mọi người có dịp đến chùa, để các em trẻ có thêm sinh hoạt thiện lành, để chúng ta có dịp dừng cuộc sống vội vã tất bật mà nhìn lại lòng mình, suy tưởng đến công lao và tình thương của bà mẹ hiền yêu quí..
Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên quên rằng ngày rằm tháng 7 khởi nguyên chỉ là ngày Tự Tứ của Tăng đoàn, kết thúc mùa An cư, theo luật Tứ phần của Bắc Tông.
Bình Anson,Tháng 08-2002
Source: thuvienhoasen