Theo truyền thuyết, rồng là loài vật linh
thiêng, có thần thông, có khả năng làm mưa, phun ra khói, lửa, thăng, giáng,
ẩn, hiện, biến hóa lớn nhỏ một cách tự tại. Kinh điển Phật giáo có nhiều huyền
thoại về Đức Phật liên quan đến rồng, chẳng hạn như: Chín rồng phun nước tắm
cho thái tử khi mới đản sinh, Rồng che mưa cho Phật, Phật hàng phục hỏa long,
Long vương nghe kinh Thập thiện, Long nữ thành Phật… Rồng trong
sự kiện đản sinh Theo kinh Quá khứ hiện tại nhân quả, khi thái tử
Tất đạt đa ra đời có Tứ thiên vương dùng lụa quý của cõi trời đỡ, Trời Đại Phạm
thiên và Trời Đế Thích cầm lọng báu đứng hầu hai bên. Lúc này trên không trung
có hai vị Long vương phun hai dòng nước ấm và mát tắm cho thái tử. Kinh chép
như sau: “…Lúc mặt trời vừa mọc, bà (hòang hậu Ma Da) thấy trong vườn có một
cây lớn tên là Vô Ưu, sắc hoa rực rỡ, mùi hương thơm ngát, cành lá bủa rất rộng
rất đẹp, liền với tay phải muốn hái hoa kia. Ngay khi đó, Bồ tát từ hông phải
bước ra. Tượng Đức Phật sơ sinh (chín rồng phun nước tắm ngài) Lúc ấy, nơi gốc cây cũng hiện ra bảy hoa sen bảy báu (thất bảo) lớn
như bánh xe. Bồ tát đứng trên hoa sen không cần người đỡ, tự đi bảy bước, đưa
cánh tay phải lên, cất giọng như sư tử rống: “Trong tất cả trời người, ta là
bậc tôn quý nhất; vô lượng sinh tử, hôm nay đã chấm dứt. Đời này ta sẽ làm lợi
ích cho tất cả chúng sinh”. Vừa nói xong, bốn vị Thiên vương lấy lụa trời đỡ
lấy Thái tử, đặt trên ghế báu, Thích Đề Hoàn Nhơn và Đại Phạm Thiên Vương tay
cầm bảo cái đứng hầu hai bên, Long vương Nan Đà, Long vương Ưu Ba Nan Đà ở trên
hư không phun một dòng nước ấm, một dòng nước mát trong sạch tắm cho Thái tử.
Thân Thái tử màu vàng ròng, có 32 tướng tốt, phóng ánh sáng rực rỡ chiếu khắp
ba ngàn đại thiên thế giới. Tám bộ Trời, Rồng ở trên hư không trỗi các kỹ nhạc,
ca tụng khen ngợi, đốt các hương thơm, rải nhiều hoa báu, tuôn xuống như mưa
các lọai y trời và anh lạc rực rỡ, không thể tính kể”. Trong kinh Đại Bổn và Vị tằng hữu pháp cũng có
nói: Khi thái tử ra đời, thân không dính một chất dơ nào từ lòng mẹ, có bốn
Thiên tử đỡ rồi đặt trước Hòang hậu và thưa: “Hòang hậu hãy hoan hỷ. Hòang hậu
vừa sinh một bậc vĩ nhân”. Từ hư không có một dòng nước ấm và một dòng nước mát
tắm gội cho thái tử. Còn trong kinh Phổ Diệu ghi rằng, lúc Thái tử đản
sinh có chín con rồng từ trên hư không phun nước xuống tắm cho thái tử. Chín vì
huyền thọai chín rồng phun nước mà sau này có câu kệ tán dương Đức Phật như sau:
“Ngọc chất giáng hoàng cung, cửu long phún thủy tề mộc dục” (Bản chất thanh
tịnh, trong sạch, quý báu như ngọc giáng sinh ở chốn hòang cung, chín rồng phun
nước đồng tắm cho thái tử). Rồng che
mưa cho Đức Phật Theo Đại Phẩm của Luật tạng, vào tuần lễ thứ ba
sau khi thành đạo, khi Đức Phật ngồi thiền định dưới gốc cây Mucalinda thì mưa
to gió lớn nổi lên, một con rắn mãng xà đến quấn quanh mình Ngài và cất cao đầu
lên che mưa cho Ngài. Trong Đức Phật và Phật pháp của Ngài Nàrada Mahà Thera
(Phạm Kim Khánh dịch) ghi sự kiện này xảy ra vào tuần thứ sáu sau khi Phật
thành đạo, thời gian Đức Phật chứng nghiệm hạnh phúc giải thoát. Trận mưa bão
kéo dài suốt bảy ngày mới chấm dứt. Khi trời quang mây tạnh, con mãng xà tháo
mình trở ra và hóa hiện thành một thanh niên chắp tay đứng trước Đức Phật. Đức
Phật đã nói cho người thanh niên nghe một bài kệ có nội dung như sau: “Đối với
hạng người tri túc, đối với người đã nghe và đã thấy chân lý thì sống ẩn dật là
hạnh phúc. Trên thế gian, người có tâm lành, có thiện chí, người biết tự kiềm
chế, thu thúc lục căn đối với tất cả chúng sinh là hạnh phúc. Không luyến ái
người, vượt lên khỏi dục vọng là hạnh phúc. Phá tan được ngã chấp quả thật là
hạnh phúc tối thượng”. Tượng Đức Phật thiền định có rồng che mưa nắng (Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ) Câu chuyện rắn thần che mưa cho Đức Phật khi
truyền sang Trung Hoa đã chuyển thành câu chuyện rồng thần che mưa cho Đức
Phật. Chính vì thế mà trong nhiều chùa có tranh ảnh, phù điêu khắc họa hình ảnh
Đức Phật ngồi nhập định dưới gốc cây giữa trời mưa to gió lớn, có rồng thần
quấn quanh mình và cất cao đầu che mưa cho Ngài. Trong các huyền thoại về Đức
Phật được ghi lại trong kinh điển, sau khi lưu truyền qua các nước Trung Hoa,
Việt Nam...,
hình ảnh rồng thần được thay cho hình ảnh rắn thần. Cũng như trong sự kiện trên
(Rắn thần che mưa cho Đức Phật), trong sự kiện Đức Phật hàng phục độc xà (sẽ
nói ở phần sau), các kinh điển Bắc
truyền ghi lại hình ảnh một con hỏa long (rồng lửa) thay vì là một con rắn độc.
Đối với người Ấn Độ thì rắn là con vật thiêng liêng trong khi ở các nước Trung
Hoa, Việt Nam
thì rồng là linh vật. Phật hàng
phục hỏa long Trong kinh Quá khứ hiện tại nhân quả có thuật
lại rằng: Đức Phật muốn hóa độ ba anh em ông Ưu lâu tần loa Ca diếp và các đệ
tử của họ, bèn đi đến bờ sông Hằng, nơi họ và các đệ tử trú ngụ. Khi Đức Phật đến nơi thì trời đã tối, Ngài bèn
hỏi ông Ca diếp: “Tôi đi lỡ đường, xin ông cho tôi nghỉ nhờ một đêm”. Ông Ca
diếp từ chối: “Rất tiếc, ở đây đồ chúng quá đông, không có chỗ nào để mời Ngài
nghỉ lại”. Đức Phật nói: “Chỗ nào cũng được. Tôi chỉ xin nghỉ nhờ một đêm
thôi”. Ông Ca diếp bèn chỉ về phía một hang động gần đó rồi bảo: “Nơi kia có
thể nghỉ tạm được. Tiếc rằng trong đó có một con hỏa long rất dữ, người lạ vào
e bị nó làm hại”. Đức Phật nói: “Không sao đâu. “Ngã nội thanh tịnh, ngoại tai
bất nhập” (Bên trong ta thanh tịnh, tai họa bên ngoài không xâm hại được. Xin
ông vui lòng để tôi ở lại nơi đó”. Đức Phật vào trong hang động, hỏa long nghe hơi
lạ bèn bay ra, phun khói độc vào Ngài. Nhưng khi khói độc gần đến chỗ Phật thì
bay ngược trở lại. Hỏa long bèn phun lửa, nhưng khi lửa gần đến chỗ Phật thì
cháy ngược trở lại hỏa long. Đức Phật bèn nhập định Hỏa quang tam muội hóa lửa
cháy sáng cả hang động, lửa của hỏa long bị đẩy lùi. Đức Phật từ bi bảo với nó:
“Ngươi đã thấy phép thuật của ngươi còn thấp kém chưa?” Đức Phật bèn đưa bình bát ra và nói: “Ngươi
hãy vào đây để tránh lửa”. Hỏa long vội thu mình bay vào trong bát của Đức
Phật. Về sau, ba anh em ông Ca diếp và các đồ chúng
nhận thấy thần lực và đức độ của Đức Phật không ai sánh bằng, họ đã xin quy y
theo Phật. Long nữ
thành Phật Trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa, phẩm thứ 12 Đề Bà
Đạt Đa có nói sự kiện Long nữ, con gái Long vương thành Phật như sau: “Lúc bấy giờ, Bồ tát Trí Tích, thị giả của Phật
Đa Bảo bạch xin phép Phật Đa Bảo trở về nước. Đức Phật Thích Ca mới bảo Bồ tát
Trí Tích: “Thiện nam tử, hãy chờ giây lát. Ở đây có Bồ tát Văn Thù, ông và Văn
Thù có thể cùng nhau ra mắt mà luận nói pháp mầu, xong rồi sẽ về”. Ngay khi ấy, Bồ tát Văn Thù và các Bồ tát tùy
tùng ngồi trên hoa sen lớn, từ nơi cung Rồng (Long cung) Ta kiệt la trong biển
lớn bay lên hư không, rồi bay đến núi Linh Thứu, từ hoa sen bước xuống, đảnh lễ
Phật Đa Bảo và Phật Thích Ca, kế đến hỏi thăm Bồ tát Trí Tích, sau đó ngồi qua
một bên. Bồ tát Trí Tích bèn hỏi Bồ tát Văn Thù: “Ngài
qua cung Rồng hóa độ được bao nhiêu chúng sinh?” Bồ tát Văn Thù đáp: “Vô lượng.
Nếu Ngài không tin, sẽ tự chứng biết”. Bồ tát Văn Thù nói chưa dứt lời thì có vô số Bồ
tát ngồi hoa sen từ biển bay lên đến núi Linh Thứu, trụ trên hư không, tất cả
đều do Bồ tát Văn Thù hóa độ. Bồ tát Văn Thù nói: “Ở biển, ta thường tuyên
thuyết kinh Diệu Pháp”. Bồ tát Trí Tích hỏi: “Kinh này rất thâm diệu. Vậy có
chúng sinh nào siêng tu theo kinh này mà mau thành Phật không?” Bồ tát Văn Thù
đáp: “Có con gái của Long vương, mới lên tám tuổi mà đầy đủ trí đức, trong
khỏanh khắc phát Bồ đề tâm, được bậc bất thối chuyển, biện tài vô ngại, từ bi
rộng lớn, công đức đầy đủ, có khả năng đến Bồ đề”. Bồ tát Trí Tích không tin hỏi: “Chính Đức Phật
Thích Ca còn phải trải qua vô lượng kiếp tu tạo nhiều công đức, làm những hạnh
khó làm mới thành đạo Bồ đề, làm sao tin được Long nữ trong chốc lát mà chứng thành
Chánh giác”. Đàm luận chưa xong, Long nữ bỗng hiện ra, cung
kính đảnh lễ Phật rồi đứng qua một bên, nói kệ xưng tán pháp thân và cho biết
nhờ nghe được diệu pháp mà nàng đã thành Bồ đề, nhưng việc này chỉ Phật chứng
biết mà thôi. Bấy giờ Tôn giả Xá Lợi Phất nói với Long nữ:
“Thân gái nhơ uế, có năm điều chướng ngại, còn con đường Phật đạo xa diệu vợi,
phải trải qua vô lượng kiếp cần khổ mới đi hết, mà ngươi nói tu không bao lâu
đã chứng được vô thượng Chánh giác. Làm sao tin được?” Long nữ bèn lấy một hạt
châu hiến dâng Đức Phật Thích Ca, Đức Phật thọ nhận. Bấy giờ Long nữ hỏi Bồ tát
Trí Tích: “Tôi hiến châu, Thế Tôn nhận lấy, việc ấy có mau chăng?” Bồ tát Trí
Tích đáp: “Mau”. Bấy giờ Long nữ nói: “Ông hãy lấy thần lực của ông xem đây,
tôi thành Phật còn mau hơn việc đó”. Chúng hội liền thấy Long nữ thoạt nhiên biến
thành nam tử, đủ hạnh Bồ tát, qua cõi Vô cấu phương nam, ngồi hoa sen báu, thành
bậc Đẳng Chánh giác”. Câu chuyện Long nữ thành Phật có ý nghĩa cao
sâu: Tất cả chúng sinh đều có Phật tính, dù là loài nào, nam, nữ, già, trẻ, bé,
lớn đều có khả năng thành Phật nếu như đầy đủ trí tuệ và công đức phước báu, tu
hành không thối chuyển, có tâm từ bi rộng lớn, có vô ngại biện tài. Cũng như
Long nữ vốn là loài rồng (súc sinh), lại mang thân nữ, chỉ mới tám tuổi thôi,
nhưng nhờ tu tập, tích chứa công đức phước báu, có tâm tánh, ý chí của bậc nam
nhi trượng phu quân tử (Long nữ biến thành thân nam), hội đủ điều kiện nhân
duyên (thành tựu Lục độ vạn hạnh, chứng đạt tâm thanh tịnh, sạch vô minh phiền não
(qua cõi Vô cấu) mà Long nữ đã thành bậc Đẳng Chánh giác.