Vu Lan năm
đó, quốc vương cũng đưa hoàng gia đến chùa lễ Phật và cúng dường trai tăng. Lần
này Chân Tánh tìm cách gặp mặt Thanh Thiên, cả hai bẽn lẽn, chào hỏi và bắt
chuyện vu vơ rồi tạm biệt. Và từ đó, Thanh Thiên cũng cảm thấy hình như mình đã
đánh mất một cái gì, tâm trí hay quên và tánh tình cũng giảm đi phần hồn nhiên
tươi mát. Mùa xuân
năm sau, như thường lệ, quốc vương lại dẫn phái đoàn hoàng triều đến tu viện lễ
Phật và cầu phúc minh niên. Thanh Thiên và Chân Tánh lần này gặp nhau, dắt nhau
ra hồ sen dạo mát và trò chuyện khá lâu. Và từ đó, hai bên hẹn hò, rủ nhau đi
chơi mỗi tháng hai lần vào những ngày quy định. Một hôm, đang cùng nhau thả
bước bên triền núi, Thanh Thiên bỗng thấy một cành lan rừng rất đẹp, đong đưa
trên mỏm đá cheo leo, bèn vỗ tay reo lên: “Ôi… cành hoa đẹp quá!...” Chân Tánh
ngước mắt nhìn và nhảy vọt lên ghềnh đá, ra sức bám trèo, rướn lên tuột xuống,
tay chân xây xát, chảy máu, nhất là chiếc áo Nhật bình, đứt nút và banh ra
trước ngực. Phải vận sức bình sinh năm lần bảy lượt Chân Tánh mới hái được đóa
hoa. Nhưng khi hái rồi, làm sao xuống đây! Sơ ý một chút là tán thân thất mạng.
Sư bám người trên vách đá giữa trời nắng chang chang như một loài bò sát đang
rình mồi. Phần mệt mỏi sợ sệt, phần tìm cách đối phó với tình huống hiểm nghèo,
sư cứ bám trụ như thế mà không dám quay mặt nhìn lui. Còn Thanh Thiên thì đứng
ngồi không yên, chắp tay, nhắm mắt, bụm miệng, rùng mình, tay chân co giật run
rẩy như người mắc bệnh kinh phong. Và, đúng là trong cái khó ló cái khôn, sự
ngậm cành hoa bên mép phải để cho những cánh hoa khỏi va vào đá mà dập nát hay
rơi rụng, rồi hai tay hai chân tì chặt vào vách đá, nhích từng chút một, và
cuối cùng, nhờ ơn trời đất, sư cũng mang được cành hoa tươi thắm đó xuống tặng
nàng. Thấy tay chân sư máu me từng vệt, quần áo trầy rách, Thanh Thiên ôm
choàng lấy sư, gục đầu vào vai khóc rưng rức. Đoạn Thanh Thiên rút khăn ra lau
sạch hai bàn tay sư, nhìn chăm chăm một lát rồi le lưỡi liếm qua những vết trầy
sướt còn tươm máu. Cảm động quá, Chân Tánh cũng ôm choàng lấy nàng, vuốt xuôi
mái tóc và vỗ về an ủi trong im lặng. Hai tháng
trôi qua, một hôm trên đường dạo mát, Thanh Thiên nắm tay Chân Tánh nói: - Phải đi
thôi anh à! - Tại sao
phải đi!... Và đi đâu?... Chân Tánh ngạc nhiên hỏi. - Đi đâu cũng được, miễn sao đừng cho ai biết
tông tích của chúng mình! - Em nói gì anh không hiểu!... - Anh không hiểu thật sao? - Mô Phật, anh chẳng hiểu gì cả! - Em đã có thai!... - Trời đất!... Chết…chết…chết!... - Chết cái gì?... Đã đốn thì phải vác!... Em
không chết thì thôi chứ anh chết cái gì?... Thanh Thiên nắm chặt hai tay Chân
Tánh, nhìn thẳng vào mắt và quả quyết nói. - Nhưng mà... anh còn sư phụ và huynh đệ pháp
hữu của anh nữa! Trời ơi!... Anh không thể sống xa đại chúng!... Anh không thể
tách rời mái ấm thiền môn. Tất cả đã là một phần máu thịt của anh, em hiểu
chưa?... - Em bé trong bụng này không phải là một phần
máu thịt của anh? Thanh Thiên gõ gõ tay vào bụng mình và nghiêm giọng nói. - Nhưng mà… biết đi đâu bây giờ!... Trời ơi,
chết tôi rồi!... - Chiều nay lên đường rồi sẽ biết đi đâu. Anh
chuẩn bị hành trang. Em sẽ chờ anh trước cổng chùa vào lúc chạng vạng. Thanh Thiên
lấy hết vàng bạc châu báu của riêng mình và một số y phục cần thiết, tất cả gói
trong một chiếc khăn vuông khá lớn, khoác lên vai rồi trực chỉ đến điểm hẹn,
nắm tay Chân Tánh hối hả dắt đi như dân tản cư trong cơn đại loạn. Cả hai men
theo bìa rừng đi suốt đêm, đến lúc tảng sáng thì vào hẳn trong rừng, tiếp tục
cuốc hành trình định mệnh. Quốc vương
và hoàng hậu cứ tưởng con mình đến chùa lễ Phật, nghe Pháp. Tới khuya không
thấy con về, cả hoàng triều náo động, quốc vương truyền lệnh cho đám vệ binh
tức tốc lên đường đi tìm công chúa. Cũng may là họ chỉ phi ngựa tìm kiếm trong
thành nên Thanh Thiên và Chân Tánh đi được khá xa. Trải qua mấy ngày trèo đèo
vượt suối, mệt mỏi đói khát, bụng chửa dạ mang, Thanh Thiên kiệt sức, không đi
được nữa. Nàng ngồi bệt xuống thảm cỏ bên triền núi, đưa mắt thẫn thờ nhìn
người yêu, nói: - Em hết đi
được nữa rồi! - Cố lên em
ơi!... Chỗ này chưa phải là nơi an trụ của chúng mình. Để khỏi
luộm thuộm, dễ bề dìu dắt bồng bế người yêu, Chân Tánh cởi chiếc áo Nhật bình
ướt sũng trên người định vất đi, nhưng lạ thay, ba lần vung tay, ba lần chiếc
áo vẫn còn đó, không thể nào buông xả nó. Thanh Thiên thấy vậy nói: - Đến giờ
phút này mà anh còn tiếc nuối nỗi gì! - Không được
em ơi!... Chiếc áo này là mạng mạch của đời anh! - Mạng mạch của anh như vậy, còn mạng mạch
của vợ con anh thì sao?... Chân Tánh
lặng người, hai tay cầm chiếc áo, nhắm mắt xoay người một vòng để vất nó cho
xa, khỏi thấy nó rơi nơi nào, nhưng khi mở mắt thì chiếc áo vẫn còn dính chặt
trong tay. Bất giác, nước mắt chảy dài, Chân Thánh nâng chiếc áo lên ngang mặt
một lát rồi máng nó trên một cành cây và chắp tay xá ba xá. Thấy Thanh
Thiên kiệt sức, Chân Tánh khích lệ đôi lời rồi đưa lưng cõng nàng lên đường
tiếp tục. Một ngày
sau, Chân Tánh đi đến một cánh rừng có cây xanh bóng cả, khí hậu mát mẻ, đặc
biệt là bên dưới có một dòng suối hiền hòa, nước chảy quanh năm; sư quyết định
dừng chân và lập nghiệp tại đó. Tuy bao năm
kinh kệ sách đèn, ít vận dụng công sức, nhưng gặp thời thế thế thời phải thế.
Sư ra tay dựng lên một túp lều nho nhỏ, đủ cho hai người trú nắng che mưa. Ngày
ngày sư khai khẩn đất hoang, trồng đủ các loại cây hoa màu, nàng ở nhà chăm lo
công việc nội trợ. Cuộc sống tuy cô quạnh thiếu thốn nhưng đầy ắp tình yêu
thương hạnh phúc. Sau sáu năm
nỗ lực xây dựng một thế giới riêng tư biệt lập, Chân Tánh và Thanh Thiên đã gầy
dựng được một gia sản tượng đối ổn định, có ruộng vườn nương rẫy, gia súc đầy
chuồng, nhất là hai đứa con, một trai một gái bụ bẫm, trông rất dễ thương. Tưởng đâu
đất lành chim đậu, nào ngờ sóng gió nổi lên. Một buổi trưa nọ, nhân lúc thăm
đồng, Chân Tánh nhác thấy một em gái chăn dê, khoảng mười lăm mười sáu tuổi,
ngồi dưới một tàng cây. Thế là vô minh thức dậy, dục vọng xông lên, Chân Tánh
đuổi bắt em gái để thỏa mãn dục tình. Con nhỏ chạy bạt mạng, và rủi thay, nó
vấp chân té ngã, xóc cây lủng bụng và chết ngay tại chỗ. Để che giấu
tội lỗi và tránh né ngục tù, Chân Tánh bán hết tài sản, đưa vợ con đến một nơi
xa lạ khác để dựng lại cơ đồ. Và sau bốn năm cật lực phấn đấu, Chân Tánh cũng
thiết lập được một trang trại vững vàng và có thêm một bé trai. Trong thâm tâm
của Chân Tánh và Thanh Thiên, gia nghiệp như thế có thể gọi là lý tưởng, viên
mãn. Tiếc thay, trời còn có gió mưa bất định, người tránh sao họa phúc hôm mai.
Một trận lũ lụt kinh hoàng diễn ra mấy ngày, nước trên nguồn chảy xuống đồng
bằng như thác, dâng ngập cả trang trại của Chân Tánh. Cả nhà chạy lũ, Chân Tánh
lưng cõng đứa con út, hai tay dắt hai đứa con lớn, Thanh Thiên nắm chéo áo
chồng, tất cả gồng mình cố vượt qua dòng nước lũ. Bất hạnh thay, nước mỗi lúc
một dâng cao và chảy xiết, đứa con út tuột khỏi lưng cha, cuốn theo dòng nước
phăng phăng. Chân Tánh hoảng hốt lao tới cứu con, hai bé kia mất đà, té nhào;
Thanh Thiên thất kinh lao tới, Chân Tánh cũng lao theo để cứu vợ con; nhưng
khốn thay, tất cả đều nhấp nhô cuồn cuộn theo dòng nước bạc.
Tịnh Minh