(The Snow Lion’s turquoise mane, Surya Das)
Nguyễn Tường Bách dịch
21. Làm sao cho phải
Tu sĩ Ấn Độ Srona là người rất chịu khó học tập thiền định. Ngày nào ông cũng nhập định, từ bỏ mọi tư tưởng và xúc cảm, tập nhận ‘cái không’. Tuy thế ông chẳng đạt được tiến bộ nào.Ông càng tìm cách thư giãn thì lại càng căng thẳng. Ông càng muốn không nghĩ ngợi gì thì ý tưởng lại càng hỗn loạn. Cứ thế kéo dài, ngày nọ ông nghe nhắc đến đức Phật Cồ-đàm, một vị đạo sư của trời và người, một vị đã đạt mức thiền định cao nhất đang ở gần đó. Ông liền lên đường đi gặp Phật Cồ-đàm xin giúp đỡ.
‘Chắc hẳn ông còn nhớ, lúc còn trẻ, ông là một nghệ sĩ chơi đàn Sitar, ông lên đàn như thế nào?” Phật hỏi ngay vì Ngài biết rõ quá khứ của người tới trước mặt Ngài.
“Ồ, tất nhiên rồi”, Srona bối rối trước cái nhìn của Phật.Phật mỉm cười nói tiếp: "Đàn muốn hay thì dây phải thật căng hay thật chùng?”
“Không quá căng mà cũng không quá chùng, bạch Thế tôn”, Srona trả lời.
“Sức căng cần thiết nằm đâu ở giữa hai thái cực. Thì cũng như thế, ngươi nên thực hành thiền định”, Phật nói tiếp, “Nằm chính giữa, một bên là sự chú tâm, bên kia là sự thư giãn, đó là bí quyết của trạng thái thiền định tỉnh giác, trong đó người vượt qua hoạt động của tư tưởng và rơi vào trạng thái của tâm thức uyên nguyên. Đừng quan tâm gì đến có kết quả hay không kết quả. Cứ tu tập, tu tập và tu tập rồi một ngày nào đó, ngươi sẽ tự tìm thấy cái ở giữa là chỗ nào cho ngươi”.
Lúc nữ thánh Tây Tạng Machig Labdron(14) nghe câu chuyện này bà đọc bài kệ:
“Hãy để mình rơi trong dạng tự nhiên
Của là-như-thế
Có ích gì khi thắt nút hư không?
Trước hết tập thư giãn với sự tỉnh giác,
Sau đó cũng bỏ luôn sự chú tâm
Và cuối cùng bạn không bám giữ bất cứ điều gì.
Hãy để mọi sự xảy ra
Thế nào cũng được,
Và hãy yên nghỉ trong dạng
Mà bạn vốn xưa nay đã nằm trong nó.”
22. Về sự tái sinh
Khoảng một ngàn năm sau khi Phật Cồ-đàm từ trần thì giáo pháp đã có nhiều phát triển trong giới trí thức Ấn Độ. Một trong những luật sư xuất sắc thời đó là Chandra, người vừa có cái thư thả của bậc giác ngộ, lại có cái tài hùng biện và lý luận sắc sảo của một người trí thức. Vì thế ông cũng được nhiều người ủng hộ, và những kẻ khác ý kiến thì lại rất gờm.
Ngày nọ, một pháp sư Ấn Độ tổ chức cuộc tranh luận trong một ngôi đền với sự có mặt của Chandra. Lúc đó các cuộc tranh luận như thế rất hiện hành. Cuối cùng, các vị đứng đầu các giáo phái có mặt lần đó, có cả các vị theo chủ nghĩa vô thần và nhà vua đều thừa nhận Chandra là người thắng cuộc tranh luận. Sau đó vị pháp sư nọ cho rằng "việc Chandra thắng cuộc chưa chứng minh được giáo pháp đạo Phật là ưu việt. Nhiều nhất họ chỉ nói rằng Chandra là người có tài hùng biện thôi”. Nghe nói thế thì mọi người đều đồng ý, kể cả Chandra. Vị pháp sư nọ quả quyết không hề có bằng cớ về sự tái sinh và như thế, nguyên lý “nghiệp lực, nhân quả” cũng không đứng vững, "nếu không chứng minh được có kiếp trước thì không thể thừa nhận có kiếp sau”. Vị pháp sư thách đấu Chandra: "Nếu bạn có bằng cớ chứng thực về sự tái sinh, tôi sẽ cùng toàn bộ đệ tử theo Phật giáo hết”.
Chandra nhắm mắt im lặng hồi lâu, làm như suy nghĩ điều gì. Sau đó ông cười: "Được, nếu nhà vua chịu làm chứng thì ngay hôm nay ta sẽ chết và sẽ chủ động tái sinh theo một cách để chứng minh được có sự luân hồi”. Vị pháp sư nọ ngạc nhiên và chấp nhận, tuy thế ông vẫn không tin rằng Chandra chịu hy sinh mạng sống quý giá này chỉ để chứng minh điều này. Chandra nhờ nhà vua và cận vệ cho mang vào một chiếc áo quan bằng đồng. Sau đó ông vẽ lên trán một dấu hiệu màu đỏ, ngậm một hòn ngọc trai trong miệng và nằm vào áo quan chờ chết. Chỉ vài phát sau ông đã từ bỏ thân thể và nhà vua cho niêm phong áo quan. Chandra là người đã từ bỏ ảo giác về sinh tử nên ông chủ động nhập mẫu thai ngay trong đêm đó của một phụ nữ ở gần đền. Sau đó Chandra được sinh ra, có dạng của một hài nhi bình thường. Chỉ một thời gian sau người ta đồn đại vợ của một người Bà-la-môn sinh một đứa con trai, trên trán có dấu đỏ, dấu hiệu của hiền nhân và miệng ngậm một hạt ngọc trai. Nhà vua cùng cận vệ liền đến ngay thăm đứa bé. Sau khi kiểm soát, nhà vua trở về mở áo quan ra thì viên ngọc trai trên miệng đã biến mất và dấu đỏ trên trán của Chandra cũng không còn. Đúng như lời hứa, pháp sư nọ cùng đệ tử theo Phật giáo và rất gần gũi với cậu bé trai ngày càng lớn. Cậu bé được cha mẹ đặt tên là Chandragomi.
Sau đó Chandragomi trở thành một luận sư, diễn giả danh tiếng thời đó. Trong viện đại học Na-lan-đà ông đại diện cho quan điểm riêng của mình về Phật giáo và tranh luận với Nguyệt Xứng (Chandrakirti) cũng là một luận sư xuất sắc. Sau bảy năm tranh luận không phân thắng bại, Chandragomi thú nhận rằng chính đức Quán Thế Âm bất tử đã bày vẽ cho ông trả lời các câu hỏi hóc búa của Chandrakirti. Nghe thế Chandrakirti cười lớn và thú nhận trước quần chúng rằng lý luận của ông lại được đức Văn-thù-sư-lợi chỉ bày cho.
23. Sự trói buộc dẫn đến ảo giác
Trong thế kỷ thứ mười, Naropa (17)là khoa trưởng tại đại học Na-lan-đà ở Bihar Ấn Độ. Một ngày nọ, Naropa nhận ra rằng phải vượt qua giới hạn của tư tưởng, nếu thật sự muốn thực hiện lời dạy của giáo pháp. Dù kiến thức của Naropa rất được khâm phục tại Bihar, nhưng ông đã từ bỏ ảo giác của kiến thức đơn thuần, Naropa lên đường đi kiếm một vị đạo sư. Tại Bengal ông gặp Tilopa (18) đang ngồi trên bờ một dòng sông. Tilopa là một tu sĩ sống hoang dã, ăn thức ăn dư thừa và các thứ cá sống mà ông có tài bắt tay không. Naropa nằm xá dài để biểu lộ lòng hâm mộ đối với Tilopa. Sau đó ông từ từ đến gần, xin Tilopa vài lời khai thị.
“Ngươi kiếm cái gì?”, Tilopa hỏi, đưa cặp mắt đầy gân máu nhìn chằm chằm.
“Tôi tìm kiếm sự tự tại và giác ngộ hoàn toàn”, nhà hiền triết đáp.
“Cái gì trói buộc ngươi, ngươi muốn thoát khỏi cái gì?”, Tilopa lầm bầm hỏi.
“Muốn thoát tất cả, bạch ngài”.
“Cái trói buộc ngươi không phải là cảnh vật ngoại giới, Naropa. Chính sự bám víu của ngươi buộc chặt ngươi. Hãy bỏ tất cả và trở thành tự do”.
Nghe xong, Naropa bỗng thức tỉnh và đại ngộ. Vui mừng trước kết quả lời mình, Tilopa đọc bài kệ:
“Chỗ nào có trói buộc níu kéo Chỗ đó còn khổ đau. Chỗ nào còn yêu ghét, Chỗ đó còn giới hạn. Chỗ nào còn dự định và tư tưởng, Chỗ đó tính nhị nguyên lên ngôi, Vì mọi phân biệt chỉ sinh vô minh Tất cả tư tưởng, kế hoạch và tìm cầu hiểu biết, Đều chỉ là những trò chơi giả tạo. Mọi tham cầu hay từ khước, Chỉ làm ngươi trở thành nô lệ của chính ngươi. Cái sáng rực vĩnh viễn không bị ô nhiễm, Chính là tâm thức uyên nguyên, Tâm thức đó sinh ra tư tưởng, Rồi thu nhận nó vào lại, xem như không có gì xảy ra cả. Vì vậy, tốt nhất hãy yên nghỉ trên điều không hề biến hoại. Nơi bất sinh bất diệt và hoàn toàn diệu dụng”.
Naropa còn phải trải qua mười hai lần thử thách và thuần thục một số phép tu rồi một buổi sáng nọ, Tilopa thình lình nhảy lén từ sau lưng lại, lấy giày đánh vào mặt Naropa. Cơ sửng sốt bất ngờ này đánh thức Naropa vốn đang mệt mỏi, bỗng nhiên hốt ngộ chân như tuyệt đối và tiếp nhận phép Đại Ấn quyết Mahamudra (47), là phép ấn quyết đưa hành giả trở về với tự tính. Với phép này, Naropa đã trở thành truyền nhân của Tilopa và về sau được may mắn có một truyền nhân xứng đáng là Marpa, nhà dịch thuật, rồi vị này lại truyền cho con người hoan lạc Milarepa.
Dòng truyền nhân liên tục từ đời này qua đời khác đến ngày nay vẫn còn. Dù chúng ta không biết đến họ, phải biết đó là một sự may mắn cho hậu thế.
24. Lòng từ bi hơn tất cả mọi thứ
Cách đây trên hai ngàn năm, trong thành phố Sravasti ở Ấn Độ có một gia đình Bà-la-môn sinh được hai người con trai. Người con cả có trí thông minh hiếu học, còn đứa em tên là Chunda thì rất kém, không biết đọc, biết viết, tất nhiên không thể làm tròn trách nhiệm người con thuộc một gia đình tu sĩ.
Sau khi người cha mất, hai người con trai gặp một đệ tử của Phật Cồ-đàm và không bao lâu sau người con lớn trở thành thành tu sĩ được theo chân đức Phật và được gia nhập giáo hội. Trong lúc đó Chunda cũng lui tới, nhưng chỉ biết giành ăn với chó mèo mà thôi. Người anh lớn hỏi ý kiến A-nan, người hầu cận thân tín của Phật, rằng liệu một kẻ có trí khôn tệ hại như Chunda được phép gia nhập tăng già chăng. A-nan nói “Đem em ngươi lại cho đạo sư và trực tiếp hỏi ý kiến của Ngài”.
Lúc đầu Chunda không dám lại gặp Phật vì tự thấy không xứng đáng và quá ngu dốt, nhưng nhờ ông anh chỉ rằng giáo pháp này lấy lòng từ bi làm chính, nên cuối cùng Chunda mới chịu. Chunda đến gặp Phật một cách sợ sệt, theo giờ hẹn sẵn, lúc Phật đang tiếp chuyện trong một vườn cam. Chỉ nhìn qua, Phật Cồ-đàm đã thầy ngay tính khiêm tốn và lòng nhân hậu của con người trẻ tuổi này và cho phép A-nan thu nhận làm môn đồ.
A-nan khai thị Chunda bằng bài kệ:
“Xa lánh mọi tư tưởng xấu, cái có thể mang lại hành động xấu. Tha thiết quên mình và sẵn lòng phụng sự, Tránh không bám giữ nơi cái Ngã. Thanh tịnh, tỉnh giác và trong sạch, đúng như tự nhiên, Thì không có khổ não nào có thể xâm lấn. Đó là đạo lý của người giác ngộ.”Ba tháng trôi qua, anh chàng Chunda tội nghiệp vẫn không thuộc nổi một câu kinh mà bất cứ kẻ chăn trừu nào cũng thuộc được. Trong lúc đó thì các vị Tăng sĩ trẻ tuổi đã thuộc nằm lòng từng chồng Kinh sách. Chunda thất vọng hỏi ý kiến A-nan. A-nan vừa mới giải thích xong thì đã khám phá ra Chunda không thể lĩnh hội gì cả, không có câu nói nào nằm lại trong óc chàng. A-nan tự nhủ: “Được cái gì? Người này gia nhập giáo hội để làm gì khi không thể nhớ điều nào trong đầu?” A-nan chỉ ban phước cho Chunda và cho chàng nghỉ việc. Chàng thất vọng, ra ngồi khóc vườn cam và khóc, khóc mãi cho đến khi Phật đi qua. Phật biết ngay những gì vừa xảy ra và khuyến khích Chunda kể lại câu chuyện. Chàng thút thít: "Không hiểu điều gì đã xảy ra cho con? Con muốn trở thành đệ tử của Thế tôn và được học pháp của Ngài, thế mà không nhớ được điều đơn giản nhất. Nghiệp nào làm con không thể hiểu biết được?”
Phật Cồ-đàm giải thích, trong kiếp cuối cùng chàng là một Bà-la-môn thông thái và là người tự cho mình tài giỏi hơn thiên hạ, chê trách không hết lời những quan điểm của người khác. Quá chủ quan, chàng tự cho mình là đạo sư và truyền bá các quan điểm sai lầm làm nhiều kẻ tầm đạo phải lạc lối. Vì sử dụng sai lạc sức mạnh của tư tưởng, Chunda phải chịu học hỏi “mặt kia của đồng tiền” trong kiếp này và trở thành kẻ ngu dốt để nhiều người chê bai.
Chunda đáp: "Từ hồi nhỏ thầy giáo đã chê con là người khó lĩnh hội. Làm sao thoát khỏi ách nạn này?
Phật trả lời bằng câu kệ:
"Được bậc hiền giả hướng dẫn, tốt hơn là được kẻ khờ ca tụng. Ai biết rằng mình còn vô minh dại dột, kẻ ấy mới là một hiền giả đích thực. Ai tưởng mình là một hiền giả, dù không nói ra, thì đích thực là một kẻ dại khờ”.Sau đó, Chunda được Phật Cồ-đàm đích thân chỉ dạy. Nhằm làm sáng tỏ đầu óc của Chunda, Phật bảo chàng ngồi mỗi ngày đều quét đền và quét các đường đi quanh đền. Trong công việc đó, chàng chỉ nên nhớ đến hai câu duy nhất "Chùi sạch bụi, chùi sạch dơ bẩn”. Ngoài ra Chunda phải chùi sạch tất cả giày dép của các vị Tăng sĩ khác. Chunda vội bắt đầu công việc. Vừa mới cầm chổi quét, chàng quên ngay hai câu nọ. May thay chàng gặp A-nan đang ngồi giữa sân đền và nhờ nhắc lại hai câu đó. Sau đó một thời gian lâu, Chunda mới thuộc được hai câu này. Vài tháng sau thì chàng thuộc lòng và lúc nào cũng lẩm bẩm câu này, tay cứ quét, quét và quét và chùi giày từ đôi này qua đôi khác. Phật để tâm quan sát sự cố gắng của vị tiểu tăng này và có cách làm cho lúc nào đền cũng đầy bụi và giày dép lúc nào cũng lấm bùn để Chunda có việc làm liên tục từ sáng đến tối. Với sự cẩn trọng và tha thiết, Chunda từ từ đi vào chiều sâu của câu nói "Thế tôn nói bụi là muốn nói bụi ở bên ngoài hay bên trong? Mà bụi ở bên trong là gì?” Cứ thế mà chàng trở thành người học trò chuyên sâu nhất, song song đó chàng lại đi phụng sự cho các bạn đồng học.
Ngày nọ, Chunda tung chổi quét đền, và tâm thức đại định của chàng đã đạt đến mức rất sâu thì một câu kệ của Phật bỗng nhiên bừng sáng, trở thành một câu Kinh đầy ý pháp, một câu chàng không biết và cũng chưa bao giờ nghe:
“Bụi chính là sự ràng buộc, sự níu kéo, sự vướng mắc, Không phải là bụi cõi trần; Bậc hiền giả từ bỏ thứ bụi đó. Dơ bẩn chính là sự giận dữ, Không phải là sự ô uế thông thường; Bậc hiền giả từ bỏ các lớp uế nhiễm nhiều tầng đó, Và trở nên tự tại”.
Chunda nghe các lời kệ đó và trực nhận ra rằng cái Ta giả tạo do ba thứ tham đắm (Tham), giận dữ (Sân) và vô minh (Si) sinh ra. Như vậy người tỉnh dậy từ một cơn ác mộng, chàng thấy rằng lâu nay mình cứ tự động hòa mình với cái Ta, cái đó không gì khác hơn là một lớp dơ bẩn mà chàng vừa quét đi. “Rõ như ban ngày, hoàn toàn rõ ràng. Cảm tạ đức Thế tôn”. Chàng đứng đó, tay còn cầm chổi, nhưng đã đi xuyên suốt hết các tầng bụi bặm của sự ảo giác! Sau lần giác ngộ này, Chunda còn tu học thiền định hàng năm trời và sau đó Phật trao nhiệm vụ cho Chunda đi từ làng này qua làng nọ để đánh thức người tầm đạo. Kẻ “Chunda bất trị” nay đã trở thành “A-la-hán Chundaka, người quét đường” đi vào lịch sử Phật giáo và chứng minh rằng, có hàng ngàn con người với đầu óc giản đơn, thậm chí lòng đầy nghi ngờ và hoàn toàn không được chuẩn bị, thế mà vẫn có thể được đưa vào các cấp bậc giác ngộ chỉ với bằng những câu nói giản dị.
Trong các đệ tử, Phật Cồ-đàm xem kẻ quét đường Chundaka là người khôn khéo nhất khi chuyển hóa tâm thức. Ngày nay người ta vẫn nói, những ai muốn phát triển tâm thức nên thành tâm cầu đến trợ lực của Chundaka, nhất là khi nghe các vị đạo sư giảng giải làm họ không hiểu cũng chẳng nhớ. Chundaka là một thí dụ lịch sử sinh động nhằm minh chứng rằng, lòng nhân hậu và sự tha thiết thực hành các phép tu có khi quan trọng hơn xa một đầu óc trí thức sắc sảo.
25. Tự tính rất gần
Patrul Rinpoche, một kẻ giác ngộ phiêu bồng, không đêm nào khi trời chập tối mà không nằm ngửa, ngắm nhìn bầu trời cao rộng. Ở đâu cũng thế, mỗi lần như vậy là mỗi lần ngài hòa lẫn tâm thức riêng tư của mình cùng với vũ trụ, đó là sự hòa lẫn trong thiền định, trước và sau ngài có nhiều người đã làm như thế.
Một đêm nọ Patrul nằm trên một cánh đồng, nhìn ngắm bầu trời, gần đó có vài đệ tử. Bỗng nhiên ngài gọi vị đệ tử xuất sắc nhất là Nyoshul Lungtok lại và nói: "Ngươi có thấy Tự tính chăng, Nyoshul?”
“Thưa không”, Nyoshul trả lời thành thực.
“Đừng lo”, Rinpoche nói, “thực tế không có gì bí ẩn cả. Nhưng đừng nghĩ ngợi gì về nó, cứ giữ tâm rộng mở”. Hai thầy trò nằm bên cạnh một lúc lâu và cùng nhìn bầu trời. Mặt trời lặn. Xa xa có tiếng chó sủa.“Ngươi có nghe chăng tiếng chó sủa?”, Rinpoche hỏi.
“Thưa có”, Nyoshul trả lời.
“Đó, nó đó”, giọng nói vị đạo sư trầm tư lại vì xúc động.Ông hỏi tiếp, giọng rất nhỏ: “Ngươi có thấy chăng các vì sao trên bầu trời?”
‘Thưa có, con thấy chúng’.
Patrul Rinpoche lại kêu lên: “Đó, nó đó! Chính nó! Tất cả, hết thảy đều là tâm thức tỉnh giác, đều là Phật tính ròng, nó chính là thứ nằm ngay trong ngươi. Đừng tìm kiếm nữa, khắp nơi chính là nó”.Ngay lúc đó, trong người học trò loé lên một tuệ giác, thứ tuệ giác nằm ngoài sự phân biệt. Trong khoảnh khắc đó, Nyoshul không thấy sự khác biệt gì giữa tâm thức của chính mình và cái tự tính của vạn vật. Trong phút giây đó, không hề còn gì mà ông phải chứng đạt, vì ông đã biết chính mình là gốc mọi thứ xưa nay, sinh ra tất cả, nhận thức tất cả, rồi lại chứng đạt tất cả. Nyoshul khóc. Chỉ mới đây ông còn đang lo tối nay mình lại phải mơ thấy giấc mộng ấy. Đó là giấc mộng mà Patrul Rinpoche hiện ra, đẩy trước mặt ông một cuộn len màu đen khổng lồ và trong cuộn len đó một tượng Phật bằng vàng, từ đó phát ra vô số sợi len. Bấy giờ Nyoshul chợt hiểu rằng bản thân giấc mơ đó cũng như mọi tư tưởng hay tình cảm do ông hay bất cứ ai cảm nhận được đều xuất phát từ Phật tính nằm trong trung tâm của vạn sự. Con đường dẫn đến tuệ giác này dài thật, nhưng bây giờ ông đã tự mình ngộ ra về một câu kệ đầy minh triết của Mật tông:
“Trên con đường đạo nhiều giáo pháp,
Bạn sẽ hiểu rằng.
Tất cả loài hữu tình,
Đều có khả năng, một ngày kia,
Sẽ đạt giác ngộ.
Trên con đường Mật tông,
Bạn sẽ thấy rằng, tâm thức uyên nguyên,
Từ xưa đến nay đang soi sáng tâm bạn”.
Nhiều năm sau, Nyoshul Lungtok còn kể câu chuyện về lần giác ngộ này của chính mình cho học trò nghe và chấm dứt câu chuyện bằng bài kệ của đạo sư Longchenpa:
“Vạn sự, từ xưa đến nay:
Tính của nó là thanh tịnh – và chính là Phật tính.
Ai biết điều này, đó là người đã thức tỉnh.
Ai để sáu thức yên nghỉ trong tự tính đó,
Người đó sẽ thấy chúng
Là một sự viên mãn hoàn toàn.
Đừng tin nghe đầu óc đang xao xuyến,
Hãy yên lặng và hãy để mọi sự như là…
Như là xưa nay vẫn cứ”.
26. Tỉnh giấc khó khăn
Vào thế kỷ mười chín tại miền Đông Tây Tạng có một vị Lạt-ma cao cấp tên là Jamyang Khyentse Rinpoche. Nhiều đệ tử của ngài là các vị tái sinh của các dòng Lạt-ma và thường rất xuất sắc trong học tập và lĩnh hội. Trong số đó có Neten Choling, một cậu bé mà rõ ràng là kiến thưc và tài năng đã được hình thành từ những đời sống trước. Từ nhỏ, Neten Choling đã thông minh và chỉ làm theo ý mình, đến nỗi cha mẹ phải đưa đến Jamyang Khyanste để cậu bé này được một đạo sư giác ngộ hướng dẫn học tập
Dưới sự hướng dẫn của Rinpoche quả nhiên Neten Choling sớm trở thành một thanh niên xuất sắc, nhưng cũng như các vị tái sinh khác, chàng không tránh khỏi lòng kiêu mạn. Ngày nọ, chàng Neten Choling chừng hai mươi tuổi quyết định lên đường đi kinh đô Lhasa để tham gia một cuộc tranh luận với các luận sư của bốn trường phái lớn của Phật giáo Tây Tạng. Lhasa là trung tâm văn hóa của cả nước, đi bốn ngày đường mới đến, nhưng Neten Choling cho rằng đáng công đi để cho các vị luận sư kinh đô biết đâu là chân lý. Chàng bắt đầu chuẩn bị cuộc hành trình và báo cho thầy biết, xin phép lên đường và xin thầy ban phép lành. Jamyang Kheyentse trả lời: "Tốt lắm. Hãy đi Lhasa nhưng đợi vài ngày đã”.
Vài ngày sau có một buổi lễ điểm đạo, trong đó Langyang Khyentse sẽ khai thị cho một số vị đệ tử. Tất cả học trò, kể cả các vị Lạt-ma cao cấp đều tập họp đông đủ trong chính điện. Ai cũng hồi hộp mong được thầy nói điều gì đó cho mình. Ai cũng biết vị thầy của mình là người đắc đạo và thường bất ngờ dùng nhiều biện pháp để khai thị cho đệ tử hoặc để giúp tiến thêm nhiều bước tu học. Cũng vì thế mà các vị đạo sư vẫn được so sánh như người mài kim cương, dù có khác nhau về chủ trương, trường phái, nhưng các vị đó đều giống nhau là mỗi lần dạy học trò là như mới, phải có cách riêng để phá bỏ những điều vô bổ, những điều che mất ánh sáng rực rỡ tự nhiên. Chàng Neten Choling hôm đó chẳng may bị đau bụng dữ dội, bụng đầy hơi. Lúc ngài Khyentse Rinpoche đi dọc một hàng Lạt-ma và các vị tái sinh, ngang đến chỗ chàng thì đứng lại và đặt bình bát bằng vàng lên đầu chàng đồng thời ban phép lành. Vừa mới làm ngang đây, bỗng vị đạo sư đấm một đấm mạnh vào bụng chàng đang đầy hơi, ai thấy cũng kinh hoàng. Neten Choling phải phát ra một cú trung tiện thật lớn, không ai không nghe. Mặt chàng đỏ như gấc, lúc đó thì Khyentse Rinpoche chỉ thẳng vào mặt chàng, nói: "Chính nó đó!”. Đầu óc chàng hoàn toàn tê dại. Chàng rơi lại trong tính không của Chân Như và bỗng đạt được trạng thái tự nhiên uyên nguyên, trạng thái đó chính là Giác ngộ, khi con người trực nhận nó được một lúc.
Trong những năm sau đó, Choling Rinpoche vẫn còn kể câu chuyện giác ngộ của mình không chút hổ thẹn và cho trò biết cái nhận thức thâm sâu của nhận thức lần đó, cái thâm sâu đó đạt được là nhờ cú “sốc” mà ra và chàng không bao giờ rời xa chiều sâu thẳm đó nữa. Chàng khâm phục lòng sáng tạo thần thánh của Khyentse Rinpoche và nói thêm rằng sau đó không còn chút ham muốn đi tranh luận ở kinh đô nữa. Vì chàng chẳng cần minh chứng điều gì cả.
27. Patrul Rinpoche được cầu hôn
Trên miền cao nguyên Golok phía Đông Tây Tạng, Patrul Rinpoche gặp một người đàn bà đang khóc lóc thảm thiết với ba đứa con nhỏ, trên đường đi Dzatschuka. Người giác ngộ phiêu bồng này hỏi thăm người đàn bà và được biết ông chồng đã bị gấu ăn thịt, và cả gia đình bây giờ phải kéo về phố xa để xin ăn, nếu không cả nhà chỉ chờ chết đói. Patrul liền cõng một đứa bé trên vai, tay dắt đứa kia và nói: "Đường đi đến Dzatschuka còn xa, vì thế tôi phải đi cùng mà giúp đỡ cho bà”.
Người đàn bà mừng rỡ và cùng đi với Patrul suốt một vùng vắng người. Bà lo mang đứa bé mới sinh và Patrul thì vai cõng đứa này, tay dắt đứa kia và cả nhà từ từ đi về phía Nam. Buổi tối Patrul bọc hai đứa nhỏ trong áo ấm của mình để chúng khỏi chết cóng trong đêm lạnh. Sáng tối hai người lớn nấu trà quanh đám củi và chia nhau ăn phần dự trữ ít ỏi của Patrul. Giữa đường họ gặp các người chăn trừu hay kẻ hành hương và mọi người đều xem đây là một gia đình hết sức bình thường đi lễ thánh địa. Không ai nghĩ ngợi gì về con người và đứa trẻ trên vai là ai, người đàn bà nọ thì lại càng không biết. Khi cả nhóm đến một nơi khá đông người thì người đàn bà cùng Patrul Rinpoche bắt đầu ăn xin, để mua các thứ như bột, bơ sữa chua mà sống. Nhóm người nhỏ bé này xem ra ngày càng bớt buồn trên đường đi vì niềm an lạc xuất phát từ một tâm thức giác ngộ như Patrul có thể xoa dịu những tâm hồn sôi sục. Khi họ vừa đến ngoại ô của Dzatschuka thì gia đình ăn xin này hầu như cất được một bài ca, người đàn bà kiếm nơi ăn xin còn Patrul đi đâu mất. Một lúc sau Patrul về lại, mang theo nhiều thực phẩm nhưng mặt mày xem ra có chút ưu tư. Bà quả phụ hỏi thăm lí do ưu tư thì Patrul nói: "Chẳng có gì quan trọng. Tôi định làm chút việc, nhưng ở đây, các chuyện nhảm nhí lại được lan truyền nhanh như chớp”.
“Nhưng một người ăn xin nghèo khổ như ông lại quan tâm gì đến chuyện đó”. Người đàn bà ngạc nhiên.
“Thì…đúng như vậy, ta hãy đi tiếp”.
Một lúc sau cả nhóm đến tu viện nằm về phía Bắc của Dzatschuka. Dưới chân ngọn đồi của tu viện, Patrul nói với người đàn bà: "Tôi phải dừng ở đây vài bữa. Trong ba ngày nữa, bà sẽ gặp lại tôi và tất cả sẽ được chuẩn bị chu đáo”.
Người đàn bà quá đã có kế hoạch khác. Trong quãng đường đi, người bạn đồng hành đó đã gây niềm cảm mến. Bà thấy rằng đã vượt qua nỗi khổ đau mất chồng, một phần nhờ một cái gì rất êm dịu phát ra từ người đó. Bà vội nói: "Đừng làm thế, suốt một thời gian dài anh đã ở với chúng tôi, hãy ở lại. Nếu anh muốn, chúng ta sẽ thành vợ chồng, hay ít nhất cũng cùng nhau đi suốt cuộc đời này. Đừng bỏ rơi mẹ con tôi”. Nhưng vị đạo sư đã có một quyết định không thể dời đổi. "Tôi chỉ là một trong những người giúp đỡ bà. Hãy tin rằng mọi sự sẽ tốt lành. Ba ngày nữa bà sẽ trở lại và sẽ gặp tôi”. Nói xong, Patrul quay người leo lên đồi. Người đàn bà đành ở lại dưới thung lũng với các con và thực phẩm vừa kiếm được.
Ngày hôm sau người ta bắt đầu lan truyền tin “Đạo sư giác ngộ Patrul từ xa đến đây và giảng pháp cho chúng ta”. Mọi nguời đổ xô đến tu viện, dựng lều trước cửa và lo lắng tổ chức buổi lễ. Góa phụ kia nghe tin, có chút hy vọng "Sự có mặt của một đạo sư danh tiếng như thế quả thật là một điềm tốt. Ta sẽ kiếm ngài, dâng hiến tặng phẩm để cầu nguyện cho ông chồng xấu số”. Nàng gom góp mọi thực phẩm xin được, mang theo ba đứa con, tìm đường đến tu viện. Patrul Rinpoche là người không bao giờ nhận tặng phẩm. Nhưng lần này ngài ra lệnh cho các vị Lạt-ma hãy giữ mọi tặng phẩm lại "Ta đợi một người, người này sẽ được nhận các thứ”.
Các vị Lạt-ma ngạc nhiên, nhưng không có gì khác hơn là nghe lời Phật (Patrul) và dồn tất cả tặng phẩm trong một phòng riêng. Nàng góa phụ và các con vào trong chính điện, nơi Patrul giảng pháp, họ tìm được một chỗ đứng xa phía sau, không thấy mặt Patrul, chỉ nghe tiếng. Cuối buổi giảng, sau phần cầu nguyện kết thúc, mỗi người lần lượt đi ngang trước Patrul và được tận mắt nhìn vào mắt ngài. Đến lượt nàng góa phụ, bấy giờ nàng mới biết ai đã đi suốt một đoạn đường dài với mình. Nàng kêu lên một tiếng hốt hoảng, đưa tay bịt miệng. Patrul mỉm cười hiền từ và đưa tay đặt trên đầu nàng.
“Hãy tha lỗi cho con”, nàng nói, “con đã không nhận ra ngài suốt một thời gian. Trời đất! Ngài cõng con của con trên vai… và còn con thì lại đòi cưới ngài, một vị đạo sư tôn kính”.
Patrul cười và nói rõ lỗi tại ngài vì ngài chỉ muốn không ai biết mình để có thể tự do đi lại trong xứ này như một con chim trời. Sau đó ngài quay lại nói với các vị Lạt-ma: "Đây là người mà ta đợi. Cũng nhờ người này mà ta đến đây. Hãy tặng cho gia đình này tất cả tặng phẩm và hãy lo lắng cho họ. Hãy xem họ như chính ta”.
Các vị Lạt-ma hiểu rất rõ Patrul muốn nói điều gì: Ngài nói hãy xem họ như chính ta với nghĩa thật nhất.
28. Người đan giỏ
Tại Ấn Độ, chỉ vài trăm năm sau khi Phật nhập diệt, có một chàng thanh niên nguyện theo hạnh một vị tu sĩ Phật giáo và trở thành một tỳ-kheo. Chàng trở thành một người khất thực, nguyện diệt mọi dục vọng thế gian và luôn luôn chế ngự tâm, hướng tâm vào bên trong. Vị tỳ-kheo sống độc cư trong rừng, nhưng thỉnh thoảng cũng vào làng để nhận tặng phẩm của mọi người và cũng dùng năng lực của thiền định để hồi hướng công đức cho dân làng.
Lần nọ, có một nàng thôn nữ, chỉ nhìn thấy vị tỳ-kheo, thấy cách đi đứng và cặp mắt giác ngộ, nàng liền đem lòng yêu mến tức khắc, không sao cưỡng nổi. Nàng đánh bạo bày tỏ tâm tình với vị tỳ-kheo, nhưng vị này cũng nói rõ đã theo hạnh diệt dục, và sẽ không bao giờ lập gia đình. Thời gian trôi qua, nàng thôn nữ lẽ ra phải dần quên mối tình, nhưng thực tế lòng say mê ngày càng sôi sục hơn. Dần dần tình cảm này càng nồng cháy đến độ nàng không còn biết gì nữa. Bà con bạn bè tìm cách dỗ dành, các vị trưởng lão trong làng cũng như các vị tỳ-kheo đều cho thấy mối tình này là vô vọng. Tuy thế không ai có thể chữa trị nổi lòng đam mê của nàng. Ngày nọ, vị tỳ-kheo nghe tin nàng không còn thiết sống, muốn tự vẫn. Vị này liền vào làng và thấy nàng quả thật trong một tình cảnh bi đát, và không thể làm khác hơn là phải theo lời khẩn cầu của nàng và cha mẹ nàng, tức là cưới nàng làm vợ. "Ta đã nguyện diệt mọi dục vọng thế gian. Đồng thời ta cũng đã nguyện theo hạnh Bồ-tát, tức là phải tìm cách giúp mọi loài hữu tình theo khả năng của mình. Trong tình cảnh này phải theo hạnh Bồ-tát thôi”.
Không bao lâu sau, hai người cưới nhau. Trong buổi lễ kết hôn, chàng tự nhủ "Đã làm cái gì thì làm cho đến nơi đến chốn”. Tỳ-kheo đó trở thành một người chồng gương mẫu. Chàng đọc ngay trong mắt những ước muốn của vợ mình và cũng được trả lại bằng tình yêu đậm đà nhất. Hai vợ chồng tiếp nối công việc đan giỏ của cha ông và dạy dỗ các con trong nghề đan giỏ. Vị tỳ-kheo ngày xưa thực hành các động tác nghề nghiệp cũng với sự chăm chú của thiền định, tuy thế không hề tách biệt với người xung quanh. Hai vợ chồng ngày càng xây được sản nghiệp lớn lao. Tiếng đồn ngày càng xa, giỏ của gia đình này có chất lượng vượt xa và nhất là chúng mang lại nhiều may mắn cho người sử dụng.Vài chục năm, gia đình này trở nên giàu có và người đan giỏ nọ trở thành một người danh tiếng, nhiều người đến tìm ông xin ý kiến. Con cháu họ tiếp tục gia nghiệp và cái làng nhỏ bé nọ trở thành nổi tiếng với nghề làm giỏ.
Khi người đan giỏ nọ cao tuổi chết đi, người vợ chết theo không bao lâu sau đó. Cả hai được tái sinh trong cõi cực lạc phương Tây, một cõi tịnh độ của Phật A-di-đà. Phật A-di-đà, vị Vô Lượng Quang Phật, tiếp dẫn sự tái sinh và cho người đan giỏ biết rằng, ông đã làm đúng, khi từ bỏ cuộc đời tu sĩ để cứu mạng sống của một người khác. "Với lòng từ bi quên mình, ngươi đã thực hành đúng nghĩa nhất: hạnh diệt dục”, Phật nói như thế. «Vì thế, ngươi và những người liên hệ nghiệp lực chặt chẽ với ngươi sẽ được nhập Niết-bàn không bao lâu sau nữa”.
29. Tâm thức tự tại
Thời Phật còn tại thế, cách đây trên hai ngàn năm trăm năm, có một tu sĩ Ấn Độ tên là Khenpo. Khenpo không được vui khi thấy rằng nhiều đệ tử của mình bỗng nhiên bỏ mình để trở thành đệ tử của Phật Cồ-đàm.
Tới lúc Khenpo nghe vợ một người đệ tử quan trọng nhất cũng muốn theo học giáo pháp mới của Cồ-đàm thì ông thấy đã tới lúc ngăn cản. Ông cho gọi người đệ tử đến và bảo: "Pelbay thân mến, ngươi đang có mối nguy hiểm lớn. Tên hoàng tử Tất-đạt-đa hồi trước ngày nay tự xưng là Phật Cồ-đàm đang làm ra vẻ là tay đạt đạo. Thực tế y chỉ là một tên phù thủy ích kỷ và ngày nay nếu y khuyến dụ được vợ ngươi thì, chắc là ngươi không yên được đâu.” Pellbay đâm lo, vội chạy về nói với vợ nhưng nàng nhất quyết không để mất lập trường: "Em sẽ mời Phật và Tăng-già đến nhà ta dùng bữa trưa, lúc đó anh sẽ được chứng kiến sự thành tâm và trí tuệ vĩ đại của Ngài”.
Pelbay kể lại cho thầy mình nghe, Khenpo liền khuyến cáo: "Ngươi sẽ thấy, nếu ngươi cho vợ ngươi theo tên đạo sư tân thời này, điều gì sẽ xảy ra. Chỉ toàn là chuyện khốn khổ! Tên Cồ-đàm này cho mọi người biết rằng y là một nhà tiên tri, đại từ, đại trí! Nhưng ta có thể đối trị điều này rất dễ, Pelbay. Cứ để cho vợ ngươi mời tên Phật đó đến. Ta sẽ thử thách cái tiên tri đại trí của y trước mắt mọi người”.
Sau đó Pelbay nghe lời thầy cho đào một cái hố trước cửa nhà để cho tên phù thủy mặc áo vàng này rơi vào đó làm trò cười cho thiên hạ. Mặt khác Peibay cho tẩm thuốc độc vào thức ăn và nhốt vợ trong nhà kho để nàng khỏi báo trước cho đức Phật.Phật nhận lời đến dùng bữa trưa và vợ Pelbay quả nhiên bị nhốt. Trước khi lên đường đến nhà Pelbay, Phật họp các tỳ-kheo lại và dặn đừng ai vào cửa trước ngài cả. Ngoài ra Ngài không nói gì thêm. Pelbay đứng đợi sẵn sau cánh cửa lúc đoàn tùy tùng của Phật vừa đến. Phật đi trước và bước lên tấm thảm đó không hề lún xuống mà lại biến thành một hồ sen và Phật đi trên đó. Sau cánh cửa, không gian như biến thành vô tận và bao bọc thân Phật đầy ánh sáng cùng đoàn tùy tùng. Thấy thế Pelbay quì xuống và kêu lớn: "Hãy tha thứ, bạch Thế Tôn. Con đã gây tội lỗi không thể tha được”. Phật nghe lời sám hối của Pelbay và trả lời bằng bài kệ:
“Tâm giác ngộ đã vượt lên
Mọi nhị nguyên.
Làm sao mà Thiện hay Ác còn đụng đến nó được nữa.
Tâm tỉnh giác xa lìa moị dục ái
của ba độc (tham, sân, si)
Làm sao cái khổ còn đụng đến nó được nữa?”
Phật Cồ-đàm cho phép mọi tu sĩ được thọ thực. Sau đó, ngài nhờ Pelbay thả vợ ra và đưa đến bàn ăn. Pelbay làm theo lời Phật rồi quì xuống đấm ngực: "Bạch Thế tôn, xin Ngài cùng đoàn đừng ăn xin đợi chúng con nấu món khác. Con biết Ngài là một đấng tiên tri và đã nhìn suốt con người của con. Lòng từ bi của Ngài là vô hạn, nhưng con sẽ không bao giờ được yên nếu Ngài hay bất cứ ai trong đoàn bị ngộ độc”.
Đức Thế Tôn lại trả lời bằng một bài kệ:
“Tâm giác ngộ là xa lìa
Mọi điều Phải hay Trái.
Làm sao mà nó còn quan tâm đến Đúng hay Sai.
Tâm tỉnh giác vượt lên mọi tác hại của ba độc
Làm sao chất độc thường tình còn đụng đến nó ?”
Thế rồi đức Phật cùng đoàn bắt đầu thọ thực, Pelbay sợ hãi kêu gào. Sau khi cám ơn lòng hiếu khách của gia chủ, Phật rời nhà và cũng là người bước lên tấm thảm trước và tấm thảm lại biến thành hồ sen. Còn Khenpo tuyệt vọng ngồi suốt buổi phía sau, ông ta đã nhìn thấy tất cả, trốn ra cửa nhà bằng cửa sau và không bao giờ xuất hiện nữa.
30. Tên trộm qui y dưới chân cầu
Ngày xưa có một vị Lạt-ma sống bên dòng sông Dzachu tại miền Đông Tây Tạng và suốt đời thực hành thiền định. Phật tử dâng cúng tặng phẩm mỗi ngày nhưng vị Lạt-ma chỉ lấy thực phẩm, còn các thứ khác nằm ngổn ngang không để ý.Có một tên trộm thấy vậy liền nghĩ: 'Vị Lạt-ma này làm công việc của ta khỏe thật!'. Y mò tới và nhặt vài tặng vật nghệ thuật mà các tín đồ đặt lên bàn thờ của vị Lạt-ma. Lúc đó vị Lạt-ma đang thiền định, mặt quay về hướng sông. Tuy thế ngài vẫn có cảm giác về một năng lực đen tối sau lưng mình và một tâm hồn đang gây ác nghiệp. Ngài đứng dậy, chụp cổ tên trộm. Vị Lạt-ma nhìn sơ qua tên trộm biết ngay người này tuy đang bị những năng lực đen tối chi phối nhưng vẫn chưa bị cái ác chiếm đoạt hoàn toàn. Nhanh như chớp, vị Lạt-ma chụp một cuốn kinh, đập lên đầu tên trộm và đọc nhiều lần: "Con xin quy y Phật, con xin quy y Pháp, con xin quy y Tăng, con xin quy y Tam bảo”. Sau đó ngài thả tên trộm ra đi, không nói lời gì cả.
Sau đó tên trộm nằm nhoài dưới chân cầu, còn vị Lạt-ma thì tập trung tâm thức của ngài lên hình ảnh, tâm tên trộm sẽ sáng lên một mức và bớt bị những ác nghiệp chi phối. Nửa đêm thì tên trộm tỉnh dậy từ cơn mê ngủ và thấy xung quanh ma quỉ đen tối đứng bao vây mình. Sợ hãi, tên trộm định la lên nhưng y chột nhớ những câu mà vị Lạt-ma mới đọc cách đây có mấy tiếng. Y thầm đọc quy y Tam Bảo, quy y Pháp, Phật, Tăng. Ngay trong lúc đọc, y đã thấy các linh hồn ma quỉ tự ý rút lui, vì chúng không thấy tên trộm còn là bạn bè với chúng nữa. Trong những ngày và tuần lễ sau đó, lúc nào tên trộm cũng đọc quy y và tới một lúc nọ, y thu hết can đảm tìm gặp lại vị Lạt-ma và xin ngài cho y làm đệ tử.
Như tất cả mọi người đều biết, quy y Tam bảo là bước đầu của cuộc hành trình trên con đường đạo, trên đó các cánh cửa của tri kiến thánh đạo sẽ mở được ra. Ai kiên trì luyện quy y một cách thành tâm, người đó sẽ thoát khỏi sự chi phối của những năng lực xấu ác và được thanh lọc. Đó là trường hợp của tên trộm quy y dưới chân cầu và sau bản thân vị đó cũng có nhiều học trò. Nhờ niệm quy y mà các đệ tử đó đều được giải thoát khỏi ảo giác của mình.